Quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thông qua công cụ tín thác

15/10/2021

Tóm tắt: Di sản là tài sản được sử dụng vào việc thờ cúng (di sản thờ cúng/di sản dùng vào việc thờ cúng) ở nước ta thường là nhà ở, nhà thờ gắn liền với quyền sử dụng đất nên có giá trị ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp cao do bản chất phức tạp của các mối quan hệ dòng tộc nhiều đời. Trong khi đó, luật thực định dự liệu chưa chặt chẽ, tạo khoảng trống cho phát sinh nhiều tranh chấp cũng như sự thiếu thống nhất trong cách giải quyết những vụ việc mang tính tương đồng. Thực tiễn đòi hỏi hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết những tồn tại liên quan và chế định tín thác có thể được xem là một giải pháp nên được cân nhắc, tham khảo.
Từ khóa: Di sản thờ cúng, di sản dùng vào việc thờ cúng, tín thác, công cụ quản lý di sản.
Abstract: Inheritance is a property used for ancestor worship tradition (worshiping inheritance/inheritance used for worships) in our country, usually at home and in ancestor churches associated with the land use rights, so its value is increasing. There is a high potential for disputes due to the complicated nature of multigenerational family relationships. Meanwhile, the statutory provisions are not strict, leading to a gap for several disputes as well as a lack of consensus in how to handle similar cases. The practice requires reviews and improvements of the legal framework to solve the related problems and the trust institution can be considered as a solution as references.
Keywords: Worshiping inheritance; Inheritance used for ancestor worship, trusts, tools for inheritance management.
DI-CHÚC.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý di sản thờ cúng
Các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý di sản thờ cúng được ghi nhận cụ thể tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) về “Di sản dùng vào việc thờ cúng”, Điều 211 về “Sở hữu chung của cộng đồng”, Điều 618 về “Quyền của người quản lý di sản”. Thực tế cho thấy, việc áp dụng các quy định hiện hành còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015, khi tài sản trở thành di sản dùng vào việc thờ cúng theo di chúc của người để lại di sản thì tài sản này không được chia thừa kế mà được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý hoặc giao cho người được những người thừa kế cử ra để thực hiện việc thờ cúng. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 và các luật khác có liên quan đều không đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các loại tài sản phải đăng ký trong di sản này (trừ quy định tại khoản 5 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ trong trường hợp không có tranh chấp). Điều này là quan trọng, vì theo pháp luật hiện hành, một khi được pháp luật công nhận là người sở hữu hợp pháp thì chủ thể có thể thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản (một cách thuận lợi trong trường hợp không có người tranh chấp hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không biết về nội dung di chúc về việc dùng tài sản làm di sản thờ cúng), bao gồm cả việc chuyển nhượng cho chủ thể khác với mục tiêu không phải để phục vụ công việc thờ cúng. Nếu loại tài sản phải đăng ký vẫn có tên chủ sở hữu là người để lại di sản thì bất hợp lý. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành, sản nghiệp của một người sẽ không còn một khi người này không còn hiện hữu. Tuy nhiên, nếu cho phép di sản thờ cúng được chuyển tên sang cho người quản lý hoặc người thừa kế, nếu không có sự giám sát từ những người có quyền và lợi ích liên quan, không ai có thể đảm bảo di nguyện của người để lại di sản sẽ được nghiêm túc thực hiện vì khái niệm về hạn chế quyền sở hữu còn chưa phổ biến tại Việt Nam. Một ví dụ điển hình là vụ kiện yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00863/QSDĐ/DP-DK đã cấp cho ông Huỳnh Ngọc Luyến[1]. Theo hồ sơ vụ việc, ông Luyến là con trưởng (cha đã mất nhiều năm, không để lại di chúc), đã được mẹ (Trần Thị Huệ) cùng các anh chị em ruột (Huỳnh Ngọc Long, Huỳnh Ngọc Luyến, Huỳnh Thị Ngọc Liên, Huỳnh Thị Lý, Huỳnh Thị Lai) lập văn bản thỏa thuận chuyển đất từ đường hương hỏa cho ông Huỳnh Ngọc Luyến với nội dung: ông Luyến được quyền đăng ký, sử dụng toàn bộ diện tích 880m2 đất và ông Luyến phải bảo quản, quản lý đất gò mã của gia tộc, đồng thời không được sang nhượng với bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, sau khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00863/QSDĐ/DP-DK, ông Luyến đã chuyển nhượng quyền sử dụng một số phần đất trong di sản dành cho thờ cúng này cho một số cá nhân, đi ngược lại với văn bản thỏa thuận trước đó. Điều này đã phát sinh tranh chấp kéo dài vì với tư cách là chủ sở hữu, ông Luyến có toàn quyền định đoạt tài sản mà không chịu bất kỳ hạn chế nào. Trong trường hợp di sản là đất nằm trong diện giải tỏa, sau khi người quản lý hoặc người thừa kế nhận khoản đền bù, cũng không có cơ sở đảm bảo rằng khoản đền bù sẽ tiếp tục được dùng để thờ cúng tổ tiên theo di nguyện.
Thứ hai, trong trường hợp di chúc ghi rõ di sản để lại dành cho thờ cúng, chiếu theo Điều 645 BLDS 2015, di sản thờ cúng sẽ tồn tại theo đúng di nguyện của người để lại di sản trong một khoảng thời gian chắc chắn bằng khoảng thời gian sống của những người có tên trong di chúc hoặc người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Quy định pháp luật hiện hành không đảm bảo di sản sẽ trường tồn và di nguyện của người quá cố sẽ được tuân thủ sau khoảng thời gian nêu trên. Theo khoản 1, Điều 645 BLDS 2015, “… trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Vì không có quy định về nghĩa vụ phải sử dụng di sản để thực hiện hoạt động thờ cúng, di sản dùng cho thờ cúng có thể trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người được xác lập quyền sở hữu theo nội dung điều luật nêu trên. Kết quả là người chủ sở hữu di sản có quyền định đoạt di sản theo ý chí của mình và không loại trừ trường hợp chỉ qua vài năm, hoạt động thờ cúng sẽ không còn được thực hiện. Điều này hoàn toàn trái với di nguyện của người để lại di sản. Pháp luật cũng bỏ ngỏ giải pháp xử lý di sản trong trường hợp tất cả những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật chết. Nguyện vọng để lại tài sản cho mục đích cá nhân nhiều đời (ví dụ: thờ cúng tổ tiên) của các chủ thể là chính đáng cần được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành không bảo đảm tính bền vững cho thực hiện di nguyện của người để lại di sản cũng như tiềm ẩn nguy cơ di sản sẽ trở thành tài sản riêng của người nắm giữ di sản. Do đó, cần thiết xây dựng cơ chế vận hành để đảm bảo di nguyện có thể được thực hiện một cách bền vững với thời gian cho dù người thừa kế có thể không còn tồn tại.
Thứ ba, về nghĩa vụ phải “quản lý để thực hiện việc thờ cúng”[2] của người quản lý di sản thờ cúng, mặc dù pháp luật không quy định cấm dùng tài sản thờ cúng để khai thác về mặt thương mại hoặc sản xuất kinh doanh nhưng có thể hiểu, người quản lý cũng cần tuân theo quy định chung về nghĩa vụ và quyền của người quản lý di sản[3]. Theo đó, người quản lý di sản có nghĩa vụ “bảo quản di sản” và “không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản”. Trong trường hợp người quản lý di sản thờ cúng không phải là người thừa kế duy nhất, nếu thiếu sự đồng ý của những người đồng thừa kế, người này khó có thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào đối với di sản cho dù là nhằm mục đích phục vụ cho việc thờ cúng. Điều này gây khó khăn cho người quản lý khi nguồn thu không đủ để phục vụ nghĩa vụ được giao; đồng thời, triệt tiêu khả năng phát sinh lợi nhuận của tài sản. Thực tiễn đã phát sinh nhiều mâu thuẫn và tranh chấp liên quan đến các nghĩa vụ đóng góp của các thành viên trong gia tộc khi lợi tức từ hoạt động canh tác đất đai thuộc di sản thờ cúng được cho là không đủ để thực hiện tất cả các hoạt động thờ cúng hoặc việc “bảo quản di sản” gây nhiều tốn kém.
Việc giới hạn quyền của người quản lý di sản thờ cúng và hạn chế khả năng tham gia giao dịch của di sản (ví dụ: cho thuê hoặc góp vốn kinh doanh đối với phần đất đai không trực tiếp có hoạt động thờ cúng) nhìn chung không có lợi cho việc duy trì bền vững di sản nhằm phục vụ cho di nguyện của người quá cố.
2. Tín thác - công cụ quản lý di sản thờ cúng
Hoạt động quản lý di sản thờ cúng tại Việt Nam về bản chất mang nhiều nét tương đồng với hoạt động quản lý tài sản tín thác[4] tại các nước theo hệ thống pháp luật Anh-Mỹ. Trong mối quan hệ giữa các bên liên quan, người để lại di sản có thể được xem là người lập tín thác, để lại tài sản của mình làm di sản dành riêng cho hoạt động thờ cúng. Di sản dành cho thờ cúng thực ra là một tài sản chung của những người thừa kế, nhưng chỉ có thể tồn tại cho mục đích được định trước mà không được chia theo pháp luật thừa kế[5]. Về bản chất, di sản này là một dạng tài sản tín thác, có mục đích để phục vụ cho hoạt động thờ cúng tổ tiên, tụ họp con cháu cúng giỗ. Người để lại di sản chỉ định người quản lý di sản - người nhận tín thác - để quản lý, vận hành tín thác với bên thụ hưởng tín thác là những người thừa kế, là gia tộc, là con cháu các thế hệ sau (được tụ họp cúng giỗ, gặp mặt, được tổ tiên phù hộ). Người nhận tín thác có thể là người được những người thừa kế chỉ định. Người quản lý không thụ hưởng lợi ích từ tài sản mà bên thụ hưởng (những người đồng thừa kế, thừa kế, con cháu, dòng tộc) sở hữu tài sản về mặt lợi ích (có quyền hưởng lợi nhưng không được chiếm giữ, định đoạt vào thời điểm tài sản đang được người quản lý chiếm giữ). Bên nhận và quản lý tín thác chỉ có thể quản lý tài sản mà không thể hưởng lợi gì từ tài sản, còn bên lập tín thác thì không còn có thể can thiệp vào vận hành tín thác do đã qua đời.
Điểm khác biệt giữa người quản lý di sản thờ cúng theo pháp luật Việt Nam và bên nhận tín thác theo luật Anh-Mỹ là quyền đối với tài sản tín thác. Tại Việt Nam, nếu người quản lý di sản không phải là người thừa kế duy nhất thì người này không có quyền sở hữu tài sản được dùng làm di sản thờ cúng về mặt pháp lý, không thể tự định đoạt tài sản mà chỉ có thể chiếm giữ, sử dụng và khai thác theo sự đồng thuận của những người thừa kế hoặc những người đồng thừa kế.
Dựa vào những điểm tương đồng giữa quản lý di sản dành cho thờ cúng và quản lý tài sản tín thác, vận dụng cơ chế hoạt động của tín thác có thể giải quyết những hạn chế trong thực tế vận hành các quy định của pháp luật liên quan tại Việt Nam.
Theo cơ chế vận hành của quản lý tài sản tín thác, một mặt có thể trao cho người quản lý di sản thờ cúng quyền sở hữu nhất định (cho dù là quyền sở hữu hạn chế) đối với di sản, theo đó người này có quyền định đoạt di sản thờ cúng khi cần thiết, mặt khác có thể ràng buộc người quản lý chỉ được dùng hoa lợi, lợi tức có được từ việc sử dụng, định đoạt … cho mục đích thờ cúng tổ tiên. Như vậy, cho dù di sản thờ cúng có bị chuyển sang một dạng tài sản khác (ví dụ: tiền, tài sản dạng khác) thì mục đích thờ cúng vẫn được thực hiện và những người có quyền liên quan không cần lo lắng về việc lạm dụng di sản cho mục đích không phù hợp với hoạt động thờ cúng. Đồng thời, việc lựa chọn người quản lý di sản sẽ được mở rộng hơn, không giới hạn chỉ ở những người trong hàng thừa kế (có thể thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài sản) mà có thể mở rộng ra cho những người có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để vận hành khối tài sản theo một cách có lợi nhất, miễn là vẫn phục vụ cho mục tiêu đã được định trước và được đặt dưới sự giám sát của tập thể những người có quyền liên quan (hội đồng tín thác có thể là các đồng thừa kế) . Cho dù người quản lý di sản dành cho thờ cúng có tất cả các quyền của một chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản, bao gồm các quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt thì tất cả các quyền này đều bị hạn chế bởi những điều kiện được quy định tại văn bản xác lập quan hệ tín thác; đồng thời, việc thực hiện tất cả các quyền này đều chỉ phục vụ cho mục đích của tín thác chứ không phục vụ cho lợi ích cá nhân của bên nhận tín thác. Ngoài ra, vì chủ nợ của bên quản lý di sản không thể tác động gì đến tài sản (ví dụ như thu giữ di sản thờ cúng trong trường hợp bên quản lý di sản bị tuyên bố phá sản và phải thanh lý tài sản) và tài sản tín thác chỉ tồn tại cho bên thụ hưởng hoặc chỉ phục vụ vì mục đích của tín thác, chứ không liên quan đến chủ nợ của cá nhân bên nhận, khả năng thất thoát di sản sẽ bị loại bỏ. Thêm vào đó, quản lý di sản thờ cúng theo tín thác đảm bảo di nguyện thờ cúng của người quá cố được thực hiện một cách bền vững cho dù các thừa kế hoặc đồng thừa kế không còn tồn tại vì tín thác vẫn có thể được tiếp tục duy trì./. 

 


[1] Vụ ông Huỳnh Ngọc Luyến khiếu kiện quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, truy xuất tại http://vkskh.gov.vn/vksnd-tinh-khanh-hoa-kien-nghi-ubnd-huyen-dien-khanh-trong-viec-cap-giay-chung_819_238_2_a.html.
[2] Khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015.
[3] Điều 617 và Điều 618 BLDS năm 2015.
[4] Tài sản tín thác (trusts) là tài sản do những người quản lý tín thác thay mặt một cá nhân hoặc nhóm người nắm giữ và quản lý. Khi những tài sản này được người quản lý tín thác nắm giữ, người được hưởng không có quyền quản lý chúng.
[5] Trường hợp để lại toàn bộ tài sản làm di sản dành cho thờ cúng, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật là một vấn đề khác.