Xu hướng xóa bỏ hình phạt tử hình trên thế giới và ở Việt Nam

25/09/2021

Tóm tắt: Do tính chất hà khắc của hình phạt tử hình mà từ đầu thế kỷ XVIII, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quá trình xóa bỏ hình phạt này. Việc loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi đạo luật hình sự của quốc gia được cho là cần thiết. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã tích cực, kiên trì thực hiện chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự. Theo đó, từ  năm 1985 đến nay, tỷ lệ hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự giảm tới 59%. Đến năm 2015, số tội phạm phải chịu hình phạt tử hình chỉ còn 18 tội danh chiếm 5,7% số điều luật trong Bộ luật Hình sự. Điều này thể hiện Việt Nam tích cực tiếp thu các tư tưởng tiến bộ, nhân văn của nhân loại một cách có chọn lọc và có lộ trình trong việc xóa bỏ hình phạt tử hình.
Từ khóa: Phi tội phạm hóa, phi hình sự hóa, xóa bỏ hình phạt tử hình, quyền con người, nhân đạo.
Abstract: Due to the harsh nature of the death penalty, from the beginning of the 18th century, several countries in the world have applied the abolition of the death penalty. The removal of the death penalty from the country's penal code was deemed crucially necessary. Over the past 30 years, Vietnam has actively and consistently implemented a humanitarian policy in criminal law. Accordingly, since1985 the death penalty rate in the Penal Code of Vietnam has decreased by 59%. By 2015, the criminals subject to the death penalty were recognized in 18 articles, accounting for 5.7% of the Penal Code articles. This shows that Vietnam is actively absorbing the progressive and humanistic ideas of humanity selectively and has a roadmap in the abolition of the death penalty.
Keywords: Decriminalization; depenalization; abolition of the death penalty; human rights; clemency.
 
1. Một số vấn đề lý luận về hình phạt tử hình
Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt chính của Việt Nam, tước bỏ quyền sống của người phạm tội. Vì tính chất nghiêm khắc của hình phạt này nên tử hình chỉ áp dụng thông qua quyết định của Toà án với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội không còn khả năng được giáo dục, cải tạo nữa, phải loại bỏ hoàn toàn người này khỏi xã hội. Hình phạt tử hình là sự phản kháng mang tính khách quan của xã hội đối với những hành vi xâm phạm đến những quan hệ xã hội quan trọng nhất.XÓA-BỎ-TỬ-HÌNH.png
Lịch sử phát triển pháp luật hình sự trên thế giới cho thấy, tử hình là một trong những hình phạt xuất hiện từ rất sớm. Sự ra đời của hình phạt tử hình là quy luật tất yếu phản ánh quy luật đấu tranh sinh tồn[1] sơ khai, khắc nghiệt của tự nhiên. Bộ luật Hamurabi ra đời từ thế kỷ XVIII trước công nguyên (TCN) là văn kiện pháp lý đầu tiên chính thức ghi nhận về hình phạt này với 25 tội phạm cụ thể. Sau Bộ luật này, các luật thành văn khác cũng sớm ghi nhận tử hình là một hình phạt được áp dụng với mọi loại phạm tội như luật của người Hittite vào thế kỷ XIV TCN, Bộ luật Draconian của Athens vào thế kỷ XVII TCN[2]
Hình phạt tử hình mang đầy đủ những đặc điểm hình phạt của luật hình sự. Trước hết, nó là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội; do tòa án quyết định thông qua một bản án có hiệu lực pháp luật; mục đích của hình phạt nhằm trừng trị vào giáo dục người phạm tội, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, với tư cách là một hình phạt đặc biệt, hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng sau đây[3]:
Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ.
Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung.
Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp.
2. Xu hướng loại bỏ hình phạt tử hình trên thế giới
Do tính chất hà khắc của tử hình mà từ đầu thế kỷ XVIII, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quá trình xóa bỏ hình phạt này. Việc loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi đạo luật hình sự của quốc gia được cho là cần thiết dựa trên những luận điểm chính sau[4]: (1) Hình phạt tử hình không hẳn là một biện pháp răn đe hiệu quả[5]; (2) Hình phạt tử hình đã thi hành sẽ không thể khắc phục được hậu quả trong trường hợp oan sai[6]; (3) Việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với những người phạm tội mà bị coi là mối đe dọa cho xã hội sẽ có tác dụng ngăn ngừa những người này tái phạm giống như hình phạt tử hình[7]; (4) Thực tế việc áp dụng hình phạt tử hình để trừng trị kẻ phạm tội nhằm bù đắp cho những mất mát đối với nạn nhân và gia đình của họ là điều không cần thiết[8]; (5) Quan điểm cho rằng, hình phạt tử hình “đỡ tốn kém” hơn so với hình phạt tù chung thân là không hoàn toàn chính xác[9].
Cho tới nay, các tranh luận về sự cần thiết của hình phạt tử hình vẫn chưa ngã ngũ[10].  Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của nhà nước pháp quyền và sự tiến bộ của xã hội, xu hướng nhân đạo hóa pháp luật hình sự trên thế giới đã khuyến khích các quốc gia hạn chế việc sử dụng hình phạt tử hình, tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt này ra khỏi luật hình sự[11]. Qua các năm 2007, 2008, 2010, 2012 và năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHP) đã tiến hành kêu gọi các quốc gia trên thế giới đình chỉ tử hình toàn cầu, hướng đến việc bãi bỏ hoàn toàn hình phạt này. Tuy nhiên, LHQ cũng không ràng buộc các quốc gia phải loại bỏ hoàn toàn hình phạt này[12] . Nhằm thúc đẩy việc loại bỏ hình phạt tử hình ở các quốc gia, Liên hợp quốc đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng. Trong đó, có thể kể đến như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1989 (Nghị định thư năm 1989). Theo đó, các văn kiện này khẳng định tầm quan trọng của quyền sống đối với mỗi con người. Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Nghị định thư năm 1989 và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết. Dù không buộc các quốc gia phải xóa bỏ ngay hình phạt tử hình song LHQ nhấn mạnh, không một quy định nào của Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước. Điều 1 Nghị định thư năm 1989 quy định trách nhiệm của các quốc gia trong việc bãi bỏ hình phạt tử hình. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên Nghị định thư sẽ tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết để bãi bỏ hình phạt tử hình trong phạm vi quyền tài phán của mình. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của LHQ, theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, tính đến năm 2019, trên thế giới đã có 106 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình với mọi loại tội phạm[13].
3. Mối quan hệ giữa loại bỏ hình phạt tử hình với quá trình phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa
Do việc bãi bỏ hình phạt tử hình không mang tính chất bắt buộc, chỉ mang tính khuyến nghị, nên để tiến hành bãi bỏ hình phạt tử hình, các quốc gia sẽ tiến hành các hoạt động lập pháp trên cơ sở xem xét các điều kiện phù hợp với thực tiễn yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ở quốc gia của mình. Trong hoạt động lập pháp ấy, việc loại bỏ hình phạt tử hình có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình tội phạm hóa và hình sự hóa. Mối quan hệ ấy được thể hiện qua một số điểm sau.
Một là, việc xóa bỏ hình phạt tử hình với một tội phạm chỉ có thể được thực hiện thông qua phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa. Trong pháp luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một trong hai nguyên tắc quan trọng nhất, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động từ xây dựng, giải thích đến áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) trong thực tiễn. Theo nguyên tắc này, BLHS là văn bản duy nhất được quy định tội phạm và trách nhiệm hình sự với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm đó. Không một văn bản nào khác ngoài BLHS được phép bãi bỏ hình phạt tử hình. Hay nói cách khác, xóa bỏ hình phạt tử hình thông qua việc tuyên bố một hành vi không còn là tội phạm nữa hoặc bằng việc thay thế tử hình bằng một hình phạt khác ít nghiêm khắc hơn chỉ có thể được thực hiện trong khuôn khổ của hoạt động lập pháp hình sự.
Hai là, việc xóa bỏ hình phạt từ hình có thể tiến hành thông qua hoạt động phi tội phạm hóa. Phi tội phạm hóa là một khái niệm chưa được chú ý nghiên cứu trong giới khoa học pháp lý. Nhiều công trình cho rằng, phi tội phạm hóa là một bộ phận nằm trong nội hàm của khái niệm tội phạm hóa[14]. Hơn nữa, đối với các quốc gia có theo truyền thống Civil law, việc nghiên cứu về tội phạm hóa và phi tội phạm hóa không phải là một chủ đề dành được sự quan tâm nghiên cứu[15]. Điều này có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu hạn chế hình phạt tử hình thông qua hoạt động lập pháp. Ở Việt Nam, các nhà khoa học tiếp cận khái niệm này dưới góc độ là một hoạt động lập pháp thu hẹp phạm vi trấn áp của pháp luật hình sự thông qua việc loại trừ ra khỏi đạo luật hình sự hiện hành một hành vi nào đó (mà trước đây đã bị coi là tội phạm) và hủy bỏ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đó[16]. Dựa trên các cơ sở khoa học, nhà lập pháp sẽ xem xét một hành vi có còn đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm không, nếu nhận thấy hành vi đó không cần thiết phải coi là tội phạm nữa thì xóa bỏ trách nhiệm hình sự với hành vi đó. Điều này đồng nghĩa với việc các hình phạt được quy định trước đây áp dụng với loại tội phạm này bị bãi bỏ. Thông qua đó, hình phạt tử hình nhờ đó cũng được xóa bỏ với người thực hiện hành vi được phi tội phạm hóa.
Ba là, hình phạt tử hình có thể được xóa bỏ thông qua quá trình phi hình phạt hóa hay phi hình sự hóa. Giống như phi tội phạm hóa, phi hình sự hóa là khái niệm không phổ biến trong các nghiên cứu quốc tế về luật hình sự. Phi hình sự hóa được nhìn nhận như một dạng hình thức thực hiện chính sách[17]; qua đó, giảm nhẹ tính chất, mức độ trấn áp của luật hình sự thông qua việc làm nhẹ hơn trách nhiệm hình sự với tội phạm. Việc thu hẹp này có thể được diễn ra ở mức tuyệt đối, loại bỏ hoàn toàn trách nhiệm hình sự với một hành vi; do vậy hành vi đó không còn là tội phạm nữa[18](tức phi tội phạm hóa). Việc thu hẹp mức độ trấn áp còn được hiểu là sự thay thế một hình phạt đang được áp dụng với tội phạm này bằng một hình phạt khác có tính chất nhẹ hơn[19]hoặc bổ sung các quy phạm mang tính chất miễn, giảm trách nhiệm hình sự.
Bốn là, khi xóa bỏ hình phạt tử hình phải xem xét dựa trên căn cứ khoa học chặt chẽ áp dụng khi cân nhắc phi tội phạm hóa hoặc phi hình sự hóa một hành vi. Việc xem xét bãi bỏ hình phạt này dựa trên các căn cứ sau:
(1) Căn cứ về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi: Tội phạm được phi tội phạm hóa phải là những hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; hoặc tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó đã giảm đáng kể khiến việc sử dụng pháp luật hình sự để xử lý các hành vi này là không cần thiết nữa. Để được xem xét phi hình sự hóa, tính nguy hiểm cho xã hội của một tội phạm đã giảm khiến việc áp dụng một hình phạt ít nghiêm khắc hơn hình phạt tử hình đã đủ sức răn đe.
(2) Căn cứ về tính phổ biến tương đối của hành vi: Một tội phạm được phi tội phạm hóa khi nó không còn tồn tại trên thực tế nữa. Ngoài ra, việc phi tội phạm hóa và phi tội phạm hóa một tội phạm có thể xem xét khi hành vi đó trở nên không phổ biến trong xã hội nữa.
(3) Căn cứ về khả năng phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả của các biện pháp pháp lý hành chính, dân sự lên hành vi nguy hiểm cho xã hội được phi tội phạm hóa: Các tội phạm được phi tội phạm hóa có thể vẫn là các hành vi trái pháp luật được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Chính vì vậy, khi xem xét phi tội phạm hóa của một hành vi, nhà làm luật cần tính toán đến mức độ hiệu quả của pháp luật trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trái pháp luật đó. Nếu có thể ngăn chặn hiệu quả, nhà làm luật có thể tiến hành phi tội phạm hóa với tội phạm đó.
(4) Khả năng tác động tích cực của các biện pháp pháp lý hình sự ít nghiêm khắc hơn hình phạt tử hình lên hành vi nguy hiểm cho xã hội được phi hình sự hóa: Trong trường hợp phi hình sự hóa, hình phạt tử hình được thay thế bằng một hình phạt ít nghiêm khắc hơn. Điều này làm tính răn đe của hình phạt cũng giảm xuống tác động đến mức độ hiệu quả của việc áp dụng hình phạt. Vì vậy, cần phải xem xét tính hiệu quả của các hình phạt thay thế hình phạt tử hình để bảo đảm tội phạm đó phải được kiểm soát hiệu quả.  
(5) Căn cứ kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội: Tội phạm là một khái niệm có tính chất xã hội pháp lý; chính vì vậy việc phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa phải được thực hiện căn cứ vào các yêu cầu xuất phát từ tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc tiến hành các hoạt động lập pháp này không gắn với căn cứ kinh tế - văn hóa – xã hội sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc làm giảm tính răn đe của luật hình sự, tác động tiêu cực với xã hội.
(6) Căn cứ tội phạm học: Căn cứ này đặt ra yêu cầu phải xem xét toàn diện các yếu tố như nhân thân của người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội; diễn biến, động thái tình hình tội phạm; nhân thân của nạn nhân để xem xét phi tội phạm hóa hoặc phi hình sự hóa. Chẳng hạn, bằng các nghiên cứu về tội phạm học, các nhà khoa học đã chỉ ra việc tăng cường các hình phạt tử hình không hề liên quan đến hiệu quả của việc ngăn chặn tội phạm hay việc giảm tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng[20].
(7) Căn cứ hội nhập quốc tế: Việc tiến hành phi tội phạm hóa hoặc phi hình sự hóa phải dựa vào những chuẩn mực quốc tế trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Chẳng hạn, việc xóa bỏ hình phạt tử hình chưa thể thực hiện một cách triệt để, song Việt Nam vẫn ghi nhận tư tưởng tiến bộ này của quốc tế và đưa ra các chính sách nhân đạo phù hợp để từng bước xóa bỏ hình phạt này khỏi pháp luật hình sự.
Năm là, việc nhận thức đúng đắn về vị trí và vai trò của quá trình phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự xóa bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Sự nhận thức đúng đắn về vai trò của quá trình phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa góp phần định hướng cho hoạt động lập pháp nhằm điều chỉnh mức độ cưỡng chế của luật hình sự với những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm là một hiện tượng mang bản chất pháp lý xã hội; vì vậy, tùy vào từng giai đoạn của xã hội, chính sách của Nhà nước mà tính nguy hiểm cho xã hội của một số loại tội phạm có sự biến đổi. Một số hành vi có thể không còn tính nguy hiểm cho xã hội nữa, một số hành vi trước đây có thể được quy định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất là tử hình nhưng tới giai đoạn hiện nay tính nguy hiểm đã giảm bớt mà việc áp dụng một hình phạt khác bớt nghiêm khắc hơn đã có thể phòng ngừa hiệu quả. Hay dưới góc độ hình phạt, với một số loại tội phạm cụ thể mà việc áp dụng hình phạt tử hình lại tỏ ra kém hiệu quả hơn so với các hình phạt khác cũng dẫn đến yêu cầu thay thế hình phạt tử hình bằng một loại hình phạt khác... Trong những trường hợp này, để pháp luật hình sự có sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa đóng một vai trò không thể thay thế được.
Sáu là, việc nghiên cứu phạm trù hình sự hóa và phi hình sự hóa đặt ra yêu cầu phải đồng thời đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tử hình nói riêng cùng các biện pháp pháp lý xã hội khác để có sự điều chỉnh phù hợp các biện pháp cưỡng chế hình sự với tội phạm. Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan mức độ hiệu quả của hình phạt tử hình, các quốc gia sẽ xem xét cùng với những điều kiện đặc thù của mình để xúc tiến việc xóa bỏ hình phạt tử hình.
4. Việc xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong pháp luật hình sự Việt Nam giai đoạn 1999 – 2015
-Xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh qua BLHS năm 1999
Sau khi BLHS năm 1985 có hiêu lực, qua các lần sửa đổi, bổ sung các năm 1989, 1991, 1992, 1997 đã cho thấy một xu hướng gia tăng đang kể số các tội phạm có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Đến năm 1997, hình phạt tử hình lại được quy định với tổng cộng 44 tội danh, tăng 15 tội so với BLHS năm 1985, chiếm 20,3% trên tổng số 216 điều luật về tội phạm. Việc gia tăng hình phạt tử hình do thực tiễn xã hội trong giai đoạn này phát sinh nhiều loại hành vi nguy hiểm mới cho xã hội mà điển hình như nhóm các hành vi liên quan đến ma túy tại các điều từ Điều 185b đến Điều 185đ. Bên cạnh đó, BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung các năm 1989, 1991, 1992, 1997) cũng quy định hình phạt tử hình đối với một số nhóm tội phạm riêng biệt đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX như Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134a); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134)… Với việc quy định hình phạt tử hình với hơn 40 tội danh thể hiện một chính sách hình sự nghiêm khắc của Nhà nước đối với tội phạm.
BLHS năm 1999 đánh dấu sự chuyển hóa rõ rệt trong chính sách hình sự của Việt Nam theo hướng mềm hóa (phi hình sự hóa) bằng việc quy định thu hẹp và xác định rõ ràng phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt này[21]. Việc giảm bớt phạm vi áp dụng hình phạt tử hình được thể hiện cả trong phần các quy định chung và phần các tội phạm của BLHS năm 1999. Theo đó, hình phạt tử hình không còn được áp dụng đối với các tội phạm sau: Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 81), Tội chống phá trại giam (Điều 90), Tội trộm cắp tài sản (Điều 138), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143), Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154), Tội buôn bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 156 và 158 – trong BLHS 1985 được quy định tại 1 tội danh), Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200), Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 280), Tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 324).
Việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình của BLHS năm 1999 cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của nhà làm luật về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội; tính phổ biến của các tội phạm này. Đồng thời, thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm này cho thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc này nữa (Ví dụ, trong trường hợp tội trộm cắp tài sản, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân). Một số trường hợp do sự chuyển biến của tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội như trong trường hợp tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 258 BLHS năm 1985).
Bên cạnh đó, bằng quá trình phi tội phạm hóa, BLHS năm 1999 bãi bỏ các tội phạm bao gồm: Tội cướp tài sản XHCN (Điều 129); Tội tham ô tài sản XHCN (Điều 133); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134a); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134); Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản XHCN (Điều 138) cùng một loạt các tội phạm khác xâm phạm đến tài sản XHCN của BLHS năm 1985 do khách thể mà tội phạm này xâm phạm (tài sản XHCN) không còn nữa. Tuy nhiên về mặt hành vi khách quan, các tội phạm này vẫn thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội phạm cụ thể trong BLHS năm 1999. Như vậy, sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, số điều luật quy định hình phạt tử hình giảm xuống còn 29 điều, chiếm 11% tổng số điều luật trong Bộ luật.
-Xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh qua BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009
Giai đoạn những năm 80 của thể kỷ XX, thập niên đầu tiên của thể kỷ XXI chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của Việt Nam vào quá trình hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp thu một cách chọn lọc những tinh thần, tư tưởng tiến bộ của quốc tế vào quá trình xây dựng đất nước trong đó có việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng định hướng cho quá trình cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện pháp luật hình sự nói riêng. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiếc lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương từng bước hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm[22]. Tinh thần của các nghị quyết này phù hợp với Công ước về quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà nước ta là thành viên, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009 đã thể chế hóa rất rõ định hướng tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự. Thông qua quá trình phi hình sự hóa BLHS năm 1999 bỏ hình phạt tử hình trong khung phạt cao nhất đối với 08 tội danh gồm Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội buôn lậu (Điều 153); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 221); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). Việc xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh trên là phù hợp đáp ứng với yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong thực tế. Như vậy, sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, hình phạt tử hình chỉ còn được áp dụng đối với 22 hành vi[23], chiếm 8% trong tổng số các điều luật của BLHS. Điều này cho thấy xu hướng giảm rõ rệt trong việc áp dụng hình phạt tử hình tính sau 10 năm giai đoạn 1999 - 2009 ở Việt Nam so với xu hướng tăng mạnh của giai đoạn trước đó.
-Xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh qua BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017
BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015) tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.
Tại phần các quy định chung của Bộ luật, Điều 40 đã khẳng định hình phạt tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, so với BLHS năm 1999, Điều 40 BLHS năm 2015 quy định rõ nhóm các tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó, một số tội phạm thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật quy định gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội khủng bố; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh. Khoản 2 và khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015 bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án đủ 75 tuổi trở lên hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Việc thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình của BLHS năm 2015 cho thấy tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Việt Nam.
Trong phần các tội phạm, BLHS năm 2015 xóa bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399). Trong đó, có 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng bãi bỏ Tội hoạt động phỉ được quy định tại Điều 83 BLHS năm 1999, hình phạt tử hình từ đó cũng được xóa bỏ.
Như vậy, số các tội còn áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS năm 2015 giảm xuống 18, chiếm 5,7% tổng số điều luật trong Bộ luật.
Có thể thấy trong giai đoạn 30 năm 1985 - 2015, tỷ lệ hình phạt tử hình đã giảm đáng kể từ mức 20,3% năm 1985 xuống 5,7% năm 2015. Số hình phạt tử hình giảm mạnh từ 44 tội xuống 18 tội vào năm 2015 (giảm 26 tội tương đương với 59% tổng số hình phạt tử hình). Điều này thể hiện nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam trong quá trình hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt này ra khỏi pháp luật hình sự./.
 
 

 


[1] Mayr, Ernst, The Growth of Biological Thought: Diversity, Evolution, and Inheritance, Harvard University Press, 1982, p.485.
[2] Death Penalty Information Center, History of the death penalty, early history of the death penalty, https://deathpenaltyinfo.org/facts-and-research/history-of-the-death-penalty/early-history-of-the-death-penalty,truy cập ngày 21/12/2020.
[3] Trung tâm nghiên cứu quyền con người - quyền công dân, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Những điều cần biết về hình phạt tử hình (Sách tham khảo), Nxb. Lao động - Xã hội, 2010, tr.26-28.
[4] MOJ, UNDP và EU, Báo cáo nghiên cứu khả năng của Việt Nam gia nhập nghị định thư tuỳ chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), EUJULE, 2019, tr.1.
[5] Jeffrey Fagan, Deterence and the death penalty in the International perspective, in UNHRC, Moving away from the death penalty: Argument, trend and perspectives, United Nation, 2015, p.98.
[6] Thomas Sobirk Petersen (Ed), Why Criminalize? New Perspectives on Normative Principles of Criminalization, Springer, 2020, p.17-110.
[8] Corey Daniel, Burton, “Families of murder victims' perceptions of capital punishment : a content analysis of what family members say following executions”, Electronic Theses and Dissertations, paper 184, 2012, p.31
[9] Matthew Rousu, “The Death Penalty vs. Life Incarceration: A Financial Analysis” 7(4) Susquehanna University Political Review, 2016, p.25.
[10] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb. Lao động, 2010, tr. 40.
[11] MOJ, UNDP và EU, Báo cáo nghiên cứu khả năng của Việt Nam gia nhập Nghị định thư tuỳ chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), EUJULE, 2019, tr.1.
[12] Maria Donatelli, 117 countries vote for a global moratorium on executions, http://www.worldcoalition.org/united-nations-resolution-moratorium-death-penalty-xecutions-general-assembly.html, truy cập ngày 21/12/2020.
[14] Luke Namara (Ed), Theorising Criminalisation: The Value of Modalities approach, Crime Justice Journal, 7(3), 2018, p.92-96.
[15] Nina Peršak, Criminalising Harmful Conduct, Springer, 2020, p.23.
[16] Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - Phần chung (Giáo trình Sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.41.
[17] Adda, J., McConnell, B., & Rasul, I. “Crime and the Depenalization of Cannabis Possession: Evidence from a Policing Experiment”, Journal of Political Economy, 122(5), 2014, Soviet, p.1131.
[18] Hồ Trọng Ngũ, Một số vấn đề về hình sự hoá, phi hình sự hoá các hành vi phạm pháp trên lĩnh vực kinh tế trong chính sách hình sự hiện nay, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/, truy cập ngày 01/12/2020.
[19] Donohue, Ewing, and Peloquin, Rethinking America’s Illegal Drug Policy. In Controlling Crime: Strategies and Tradeoffs, edited Chicago: Univ. Chicago Press, 2012, p.216.
 
[20] Trung tâm Nghiên cứu quyền con người - quyền công dân, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Những điều cần biết về hình phạt tử hình (Sách tham khảo), Nxb. Lao động - Xã hội, 2010, tr.26-28.
 
[21] TS. Trịnh Quốc Toản, Hình phạt tử hình trong Luật Hình sự Việt Nam - Một số kiến nghị hoàn thiện, http://www.moj.gov.vn, truy cập ngày 22/12/2020.
 
[22] Phương Thảo, Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1999, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201312/thu-hep-pham-vi-ap-dung-hinh-phat-tu-hinh-trong-bo-luat-hinh-su-nam-1999-293434/, truy cập ngày 22/12/2020.
 
[23] Dù loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội phạm nhưng vẫn còn tới 22 hành vi bị áp dụng hình phạt tử hình (thay vì 21) do Tội hiếp dâm trẻ em tại Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 áp dụng hình phạt tử hình với các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 4.