Trách nhiệm trợ giúp pháp lý của nhà nước

31/08/2021

Tóm tắt: Trách nhiệm trợ giúp pháp lý của nhà nước đã được pháp luật quốc tế ghi nhận trong tương quan với quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Một hệ các quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cũng đã được gợi ý cho các nước trong những văn kiện quốc tế liên quan. Tham chiếu với các văn kiện đó cho thấy, pháp luật hiện hành của Việt Nam đã có những quy định cơ bản, thể hiện độ tương thích nhất định, nhưng cũng còn những bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Từ khóa: Trợ giúp pháp lý, trách nhiệm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Abstract: The state's legal aid responsibility has been recognized in international laws in relation to the people's right to legal aid. A portfolio of specific standards and guidelines on this issue has also been recommended to the countries in relevant international documents. References to those documents show that the current law of Vietnam has basic provisions, reflecting certain compatibility, but there are also shortcomings that need to be review for further improvements in order to contribute to improving the quality of legal aid activities, ensuring human rights, and citizens' rights.
Keywords: Legal aid; the state's legal aid responsibilities, Law on Legal Aid of 2017.
 luatsu.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng này; nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Quyền được TGPL là một quyền con người cơ bản, thuộc nội hàm của quyền tiếp cận tư pháp, "là cơ sở cho việc thụ hưởng các quyền khác, bao gồm quyền được xét xử công bằng và là một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo đảm sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng đối với quá trình tư pháp..."[1]. Bản chất của quyền TGPL là khả năng chính đáng của cá nhân được pháp luật đảm bảo, được tiếp cận hệ thống dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí, được đại diện và được xét xử một cách công bằng mà không phải trả tiền.  
1. Trách nhiệm trợ giúp pháp lý của Nhà nước trong các văn kiện quốc tế
Nhu cầu được TGPL luôn tồn tại trong xã hội và có xu thế ngày một tang; do đó, nếu để xã hội tự đáp ứng, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh, từ sự đa dạng, phức tạp về chủ thể, đối tượng, tính chất các vụ việc. Những đối tượng thuộc diện TGPL là những người gặp những khó khăn nhất định, mà đôi khi không phải do bản thân người đó; nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ, họ không thể hoặc hiếm có được cơ hội như người khác trong tiếp cận công lý.
Nhà nước là chủ thể chính thức và chủ yếu của quan hệ pháp luật, trong đó có quan hệliên quan đến nhân quyền. Quyền được TGPL là quyền cơ bản, Nhà nước là tổ chức thích hợp nhất cho việc đáp ứng cam kết, chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế và sử dụng nguồn lực, cũng như phát triển các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực TGPL. Bên cạnh đó, TGPL là hoạt động không sinh lợi trực tiếp đối với chủ thể thực hiện, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước, các chủ thể khác có thể không muốn làm hoặc không đủ khả năng làm, dẫn đến tính bền vững của hoạt động TGPL bị hạn chế.
Trách nhiệm TGPL của Nhà nước đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế như: Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 (Điều 10), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 14), Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1981 (Điều 2), Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1982 (Điều 37), Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật...
Trong các văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên, trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm quyền TCPL của công dân được thể hiện ở các khía cạnh sau:
- Chủ động tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền được TGPL của công dân: Văn kiến quốc tế khẳng định, các quốc gia cần bảo đảm quyền được TGPL trong hệ thống pháp luật quốc nội ở mức độ cao nhất có thể, bao gồm cả Hiến pháp[2]. Luật hóa quyền TGPL của công dân là một trong những trách nhiệm của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện TGPL cho công dân. Để thực hiện, Nhà nước phải có các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo cho công dân có quyền được TGPL. Thông qua pháp luật, quyền TGPL được quy định rõ ràng, từ đó xác định khung khổ hành động của các chủ thể công quyền, hạn chế sự lạm quyền vốn dễ xảy ra trong quá trình thực thi.  
- Bảo đảm nguyên tắc không phân biệt, bình đẳng trong quá trình cung cấp TGPL: Khi cung cấp dịch vụ TGPL, Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử về tất cả các khía cạnh: "giới, chủng tộc, màu da, tôn giáo, tài sản, quan điểm chính trị và các quan điểm khác, quốc tịch, dân tộc, tư cách công dân hoặc nơi ở, nơi sinh, trình độ giáo dục, địa vị xã hội và các vấn đề khác"[3], "bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận TGPL cho phụ nữ, trẻ em hoặc nhóm người có nhu cầu đặc biệt, người tị nạn, người di cư, người dân tộc thiểu số, nạn nhân bị mua bán, người già và những người khuyết tật"[4].
- Bảo đảm quyền sớm được tiếp cận TGPL: Quyền sớm được tiếp cận TGPL là quyền tiếp cận với TGPL ngay từ thời điểm mà một người bị tình nghi, bị bắt giữ, bị tạm giam hoặc bị buộc tội đã phạm tội, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, trong suốt thời gian từ lần tiếp cận TGPL đầu tiên đó, TGPL được tiến hành liên tục cho tới và trong lần xuất hiện đầu tiên trước khi có phán quyết bởi thẩm phán xem người đó sẽ bị tạm giam hoặc được thả tự do trong thời gian chờ xét xử. Cụ thể, "từ thời điểm một người nhận thức được mình là đối tượng điều tra, kể cả trong trường hợp bị bắt hoặc bị tạm giữ và trong toàn bộ các giai đoạn của tiến trình tư pháp hình sự"[5]. Theo các Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc (LHQ), quyền được trợ giúp pháp lý là quyền cần phải được đảm bảo ở mức cao nhất có thể, một thẩm phán không nên có những suy luận hoặc kết luận bất lợi về việc một người bị tình nghi hoặc bị cáo buộc thực hiện quyền được TGPL. Việc bảo đảm quyền được tiếp cận sớm TGPL nhằm giảm thiểu nguy cơ người bị cáo buộc bị ngược đãi hoặc ép phải nhận tội, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế, đồng thời, khắc phục được những hạn chế có thể đến từ sự thiếu kiến thức, nguồn lực tài chính hoặc năng lực pháp luật của các chủ thể. Việc đảm bảo quyền tiếp cận sớm TGPL đòi hỏi Nhà nước có trách nhiệm tạo cơ chế cho các các luật sư, cán bộ tư pháp, các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật, tăng cường kiến thức và hiểu biết của công chúng đối với quyền này.
- Bảo đảm cung cấp thông tin, thông báo cho các chủ thể có thẩm quyền liên quan: Nhằm đảm bảo tính toàn diện của hoạt động TCPL cũng như đảm bảo quyền của nhóm được TGPL mang tính đặc thù, "các Chính phủ có nghĩa vụ đảm bảo việc cung cấp thông tin pháp luật đối với tất cả các vấn đề về hành chính, dân sự và hình sự và các công chức có nghĩa vụ thông báo, giải thích các khía cạnh về thủ tục và nội dung của các vấn đề pháp lý cho mọi thành viên trong xã hội"[6]. "Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đảm bảo rằng các chương trình hỗ trợ cho hệ thống tư pháp ở cả các quốc gia đang phát triển và chuyển đổi bao gồm việc cung cấp thông tin về TGPL và các biện pháp khác để tăng cường quyền tiếp cận công lý, đặc biệt là đối với người nghèo và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương một cách bền vững"[7]. Sự đa dạng và toàn diện của các thông tin cần cung cấp phải phù hợp với các nhóm chủ thể của quyền, liên quan cả đến các luật hiện hành, các mô hình, quy trình và thủ tục có thể hỗ trợ trong TGPL. Việc đảm bảo cung cấp thông tin góp phần làm gia tăng trách nhiệm của quốc gia trong quá trình thực hiện nghĩa vụ TGPL.
-Kết nối, tạo điều kiện để xã hội tham gia TGPL: Nhà nước cần hợp tác với các chủ thể có liên quan khác như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức từ thiện có hoặc không có tính chất tôn giáo, các cơ quan, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng trong việc xây dựng các chính sách, chương trình và pháp luật về TGPL. Các Chính phủ cần sử dụng nhiều loại chủ thể để thực hiện TGPL như: văn phòng bào chữa công do Chính phủ tài trợ, các chương trình sử dụng luật sư, các trung tâm TGPL, các trung tâm thực hành nghề luật của trường đại học cũng như sự hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo[8]. Tham gia TGPL vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của xã hội trong tương quan với trách nhiệm TGPL của Nhà nước, vì "TGPL mang lại lợi ích cho xã hội bằng cách bảo vệ các cộng đồng lành mạnh, tiết kiệm nguồn lực, và tạo cảm giác an toàn cho người dân"[9]; qua đó, thúc đẩy TGPL phát triển, hiệu quả.
- Bảo đảm cung cấp về mặt tài chính và đội ngũ nhân lực có chất lượng: Các Chính phủ cần bảo bảo đảm cung cấp đầy đủ tài chính và các nguồn lực khác cho dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và người yếu thế khác nếu cần thiết[10]; bố trí nguồn nhân lực và tài lực cần thiết cho hệ thống TGPL, bảo đảm biên chế đầy đủ cho hệ thống TGPL trong toàn quốc và bảo đảm các chuyên gia làm việc cho hệ thống TGPL quốc gia có trình độ và được đào tạo phù hợp với dịch vụ họ cung cấp[11]; bảo đảm quy trình tố tụng và cơ chế tiếp cận luật sư thuận lợi, có hiệu quả và bình đẳng dành cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào[12].
Bảo đảm về tài chính cho TGPL chính là cách Nhà nước xóa bỏ trở ngại lớn nhất ngăn cản các chủ thể thụ hưởng quyền TGPL trong quá trình tiếp cận công lý. Bảo đảm này cần đặt trong tương quan với bảo đảm quyền tiếp cận sớm với TGPL.
- Bảo đảm môi trường an toàn cho việc thực hiện TGPL: Các Chính phủ cần bảo đảm môi trường an toàn cho việc thực hiện TGPL, bảo đảm cho luật sư và những người thực hiện TGPL tránh khỏi sự quấy rầy, dọa dẫm và đe dọa đối với an ninh, an toàn của bản thân họ[13].  
Như vậy, trách nhiệm của Nhà nước đã được các văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận ở nhiều khía cạnh, từ nghĩa vụ chính thức, đảm bảo tính chất bền vững, nguồn tài chính cho TGPL, bảo đảm chất lượng đội ngũ nhân lực, tạo lập cơ chế để có nhiều chủ thể tham gia hoạt động TGPL, cho đến việc bảo đảm các nguyên tắc cần tuân thủ đối với từng nhóm chủ thể, từng hoạt động TGPL ...           
2. Trách nhiệm trợ giúp pháp lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam  
Theo quy định củaĐiều 2 Luật TGPL năm 2017, lần đầu tiên TGPL được tiếp cận dưới góc độ là một hoạt động. Theo đó, "TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL". Sự thay đổi này không những giúp cho việc xây dựng một cơ chế TGPL phù hợp, mà còn góp phần xác định cụ thể được các trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong hoạt động TGPL; phân tách trách nhiệm TGPL với trách nhiệm giáo dục, phổ biến pháp luật, tránh bỏ sót nhu cầu TGPL của người dân.
Khoản 1 Điều 4 Luật TGPL năm 2017 tiếp tục khẳng định, TGPL là trách nhiệm của Nhà nước", đồng thời quy định rõ "chính sách về TGPL" là của "Nhà nước". Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách về TGPL của Nhà nước được quy định trong các văn bản luật liên quan như: Luật Tố tụng hành chính (khoản 3 Điều 19); Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 3 Điều 9); Bộ luật Tố tụng hình sự (khoản 2 Điều 76). Mục đích của TGPL cũng được khẳng định, nhằm: "góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật". Trách nhiệm quản lý nhà nước được giao cho Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 5 Luật TGPL năm 2017 quy định Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Nhà nước sẽ ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình. Quy định nàynhằm khắc phục tình trạng nhu cầu TGPL của người dân không được đáp ứng vì lý do thiếu kinh phí.
   Luật TGPL năm 2017 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong TGPL. Ví dụ, Sở Tư pháp được giao quyền lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia hoạt động TGPL; phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an để tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL...
Điều kiện thành lập các chi nhánh Trung tâm TGPL của Nhà nước được Luật TGPL năm 2017 quy định theo hướng tăng cường tính chịu trách nhiệm, hạn chế thành lập ồ ạt, nhằm TGPL được triển khai chất lượng, tránh thụ động, hình thức.
Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 còn quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; tiêu chuẩn đối với trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước và theo phân công của tổ chức tham gia TGPL. Theo đó, trợ giúp viên pháp lý, luật sư phải trải qua tập sự, đề cao sự tham gia của đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, hiệu quả làm việc tốt; trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước phải có trách nhiệm tập trung thực hiện vụ việc tố tụng, nếu không thực hiện trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan (điểm 1 khoản 1 Điều 22).
Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng đối tượng được TGPL với 14 nhóm người (thay vì 6 nhóm như trước); tăng người được TGPL thuộc nhóm yếu thế. Khía cạnh này thể hiện nhận thức, sự cam kết của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng và công bằng cho mọi nhóm xã hội.
Luật TGPL năm 2017 cũng thể hiện chính sách của Nhà nước đảm bảo đối với việc tiếp cận sớm với TGPL. Theo quy định của khoản 3 Điều 31 Luật TGPL 2017, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại thuộc diện được TGPL, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương cử người thực hiện TGPL cho bị can, bị cáo trong thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng.
Đặc biệt, Luật TGPL năm 2017 bổ sung quy định về quản lý và đánh giá chất lượng đối với vụ việc TGPL. Các tiêu chí đánh giá gồm: tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về TGPL; đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ năng, đạo đức, trách nhiêm; đáp ứng được mục tiêu của hoạt động TGPL; đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người được TGPL. Quản lý chất lượng bao gồm: thẩm định chất lượng vụ việc TGPL của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
Nhìn chung, quy định của Luật TGPL năm 2017 đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu, chuẩn mực của pháp luật quốc tế đối với quốc gia trong TGPL. Bên cạnh đó, pháp luật về TGPL của nước ta còn một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, theo các quy định hiện hành, trách nhiệm TGPL của Nhà nước chủ yếu mới dừng ở góc độ nghĩa vụ pháp lý tích cực, thể hiện ở các quy định về thẩm quyền quản lý, nghĩa vụ phối hợp, các quy định về quyền, nghĩa vụ liên quan (Chương VI Luật TGPL năm 2017). Còn trách nhiệm dưới góc độ trách nhiệm pháp lý - hậu quả bất lợi đối với hành vi vi phạm của các chủ thể TGPL hầu như không được đề cập, hoặc nếu có, thì cũng mang tính chung chung, dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong khi đó, các văn bản liên quan cũng không có chế tài cụ thể cho các dạng hành vi này, dẫn đến tính răn đe đối với chủ thể vi phạm rất thấp. Cùng với đó, các quy định mang tính giới hạn quyền đối với các chủ thể công quyền (hạn chế sự lạm quyền) trong quá trình quản lý, thực hiện TGPL cũng không được thể hiện. Điều này tạo nên sự thiếu tương thích trong tương quan với quyền được đảm bảo TGPL của người dân.
Thứ hai, mặc dù Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng đối tượng được TGPL, nhưng quy định hiện hành còn bỏ sót đối tượng cần được TGPL. Cụ thể: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự chỉ được TGPL khi khó khăn về tài chính là chưa tương thích với pháp luật quốc tế về TGPL.
Thứ ba, pháp luật về TGPL hiện hành còn thiếu quy định về cơ chế giám sát đối với những người thực hiện TGPL để ngăn chặn tham nhũng theo hướng dẫn của Liên hợp quốc. Quy định hiện nay về giám sát hoạt động TGPL chủ yếu dừng trong nội bộ tổ chức hoặc trong hệ thống quản lý; chưa có quy định về giám sát của một tổ chức có thẩm quyền hoặc giám sát của xã hội - bên thứ ba đối với công tác này.
3. Hoàn thiện quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý
Để bảo đảmnâng cao hiệu quả hoạt động TGPL ở nước ta hiện nay, bảo đảm quyền con người, tác giả cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về TGPL như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể công đối với vi phạm hoặc để xảy ra thiệt hại trong TGPL; bổ sung quy định về giám sát đối với mọi hoạt động TGPL.
Thứ hai,sửa đổi điểm đ khoản 7 Điều 7 Luật TGPL năm 2017 theo hướng chuyển đối tượng quy định ở điểm đ thành đối tượng được TGPL không phụ thuộc vào điều kiện khó khăn về tài chính.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động TGPL; xây dựng hệ thống phần mền quản lý TGPL nhằm giảm bớt chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động TGPL./.                      

 


[1] Hướng dẫn của Liên hợp quốc (LHQ) về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự (Nguyên tắc 1, Quyền được trợ giúp pháp lý, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ 67/187), https://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/gioi-thieu-huong-dan-cua-lien-hop-quoc-ve-tiep-can-tro-giup-phap-ly-trong-tu.
[2] Hướng dẫn của Liên hợp quốc (LHQ) về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự (Nguyên tắc 1, Quyền được trợ giúp pháp lý, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ 67/187), https://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/gioi-thieu-huong-dan-cua-lien-hop-quoc-ve-tiep-can-tro-giup-phap-ly-trong-tu.
[3] Luật mẫu trợ giúp pháp lý, Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của LHQ chủ trì xây dựng năm 2017, Model Law on Legal Aid in Criminal Justice Systems with Commentaries, https://www.unodc.org/documents/justice-and-prison-reform/LegalAid/Model_Law_on_Legal_Aid.pdf.
[4] Luật mẫu trợ giúp pháp lý, Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của LHQ chủ trì xây dựng năm 2017 (Điều 5 Không phân biệt đối xử), Model Law on Legal Aid in Criminal Justice Systems with Commentaries, https://www.unodc.org/documents/justice-and-prison-reform/LegalAid/Model_Law_on_Legal_Aid.pdf.
[5] Luật mẫu trợ giúp pháp lý, Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của LHQ chủ trì xây dựng năm 2017 (Điều 8 Quyền được tiếp cận sớm), Model Law on Legal Aid in Criminal Justice Systems with Commentaries, https://www.unodc.org/documents/justice-and-prison-reform/LegalAid/Model_Law_on_Legal_Aid.pdf.
[6] Tuyên bố Ky-ép năm 2007 về trợ giúp pháp lý, https://www.legalaidrwanda.org/legal_text/Kyiv_Declaration_Right_to_Legal_Aid.pdf.
[7] Tlđd, https://www.legalaidrwanda.org/legal_text/Kyiv_Declaration_Right_to_Legal_Aid.pdf.
[8] Tlđd, https://www.legalaidrwanda.org/legal_text/Kyiv_Declaration_Right_to_Legal_Aid.pdf.     
[9] Tiếp cận sớm trợ giúp pháp lý trong các quá trình tố tụng hình sự: Sổ tay cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực tiễn, Tuyển tập ấn phẩm về tư pháp hình sự, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, https://www.unodc.org/documents/justice-and-prison-reform/Early_access_to_legal_aid_Vie_final.pdf.
[10] Các nguyên tắc của Liên hợp quốc năm 1990 về vai trò của luật sư, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nguyen-tac-co-ban-ve-vai-tro-cua-luat-su-1990-275828.aspx.
[11] Hướng dẫn số 13, Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ 67/187, https://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/gioi-thieu-huong-dan-cua-lien-hop-quoc-ve-tiep-can-tro-giup-phap-ly-trong-tu.
[12] Điểm 2, các nguyên tắc của Liên hợp quốc năm 1990 về vai trò của luật sư, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nguyen-tac-co-ban-ve-vai-tro-cua-luat-su-1990-275828.aspx.
[13] Điểm 14 Tuyên bố Ky-ép năm 2007 về trợ giúp pháp lý, https://www.legalaidrwanda.org/legal_text/Kyiv_Declaration_Right_to_Legal_Aid.pdf.