Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

30/08/2021

Tóm tắt: Bảo vệ quyền, lợi ích của bị hại, đương sự có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ: là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng; dưới góc độ là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc một chế định trong luật tố tụng hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự; quyền và lợi ích hợp pháp; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Abstract: Protection of the legitimate rights and interests of the victims, the plaintiffs of criminal cases can be approached in many different perspectives: a fundamental principle of criminal procedure; responsibility of criminal procedural conducting authorities, or a legal regime in criminal procedure law. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the principles of protection of the legitimate rights and interests of victims and the plaintiffs under the provisions of the Criminal Procedure Code 2015 and makes recommendations for improvements.
Keywords: Criminal procedural principles; criminal victims; legitimate rights and interests; the Criminal Procedure Code of 2015.
 dich-vu-phap-ly-1-.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự - nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
Bị hại, đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự)[1] theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 là các chủ thể tham gia tố tụng. Do quyền và lợi ích của họ bị ảnh hưởng bởi phán quyết của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên các chủ thể này được xác định thuộc nhóm người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lý liên quan đến vụ án hình sự. Vì vậy, cũng giống như người bị buộc tội, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định các quyền cũng như nghĩa vụ cho bị hại, đương sự. Việc bảo đảm các quyền của bị hại, đương sự cũng như của người bị buộc tội là điều kiện cần thiết để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Nguyên tắc này được Bộ luật TTHS năm 2015 cụ thể hóa tại Điều 16 với tên gọi: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Điều 16 quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họtheo quy định của Bộ luật này”. Đây là quy định mới so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, thể hiện định hướng bảo vệ quyền con người của Bộ TTHS năm 2015[2]. Quy định này phù hợp với yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng Bộ luật TTHS năm 2015 là “bổ sung các quyền và cơ chế bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng một cách chặt chẽ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” [3].
Ngoài quy định của Điều 16 Bộ luật TTHS năm 2015, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự còn được bảo đảm thực hiện thông qua các nguyên tắc: tranh tụng trong xét xử; bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
2. Nội dung nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
2.1. Quy định về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 62, điểm i khoản 2 Điều 63, điểm i khoản 2 Điều 64, điểm đ khoản 2 Điều 65 Bộ luật TTHS năm 2015, bị hại, đương sự có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Bị hại, đương sự có thể nhờ: Luật sư; Người đại diện; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý để tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự như: i) bổ sung diện người được tham gia tố tụng với tư cách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;  ii) bổ sung các quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự như: quyền đưa ra chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ. Bên cạnh đó, quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự còn một số hạn chế sau:
Thứ nhất, Bộ luật TTHS năm 2015 chưa quy định thủ tục pháp lý xác định chủ thể tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Việc thiếu các quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự dẫn đến thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Để tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan Điều tra trong việc xác định tư cách người bảo vệ quyền lợi của bị hại, đương sự, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46/TT-BCA ngày 10/10/2019 quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều 9 Thông tư hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tương tự như thủ tục đăng ký bào chữa quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015[4]. Tuy nhiên, đây là hướng dẫn có phạm vi áp dụng trong lực lượng Công an nhân dân, không phải thông tư liên ngành điều chỉnh hoạt động của tất cả các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[5].  
Thứ hai, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là chưa hợp lý (khoản 2 Điều 59 Bộ luật TTHS năm 2003 có quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền lợi của đương sự - từ khi khởi tố bị can).
Theo quy định của Điều 143 Bộ luật TTHS năm 2015, vụ án hình sự có thể được khởi tố trong trường hợp cá nhân tố giác về tội phạm, trong đó có trường hợp cá nhân tố giác chính là chủ thể bị thiệt hại do tội phạm gây ra. Tại thời điểm tố giác, báo tin về tội phạm, chủ thể bị thiệt hại chưa được xác định là bị hại hay đương sự nên quyền của họ hạn chế. Trong quá trình tố tụng, họ hoàn toàn có thể thay đổi tư cách và tham gia tố tụng với tư cách bị hại hay các đương sự khác. Việc xác định người bị thiệt hại do tội phạm gây ra tham gia tố tụng với tư cách bị hại “khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận”[6]. Khi được xác định tham gia tố tụng với tư cách bị hại quyền năng pháp lý của họ được mở rộng (khoản 2 Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015); đồng thời, họ có quyền nhờ người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Do đó, có thể nói rằng, việc Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là chưa đáp ứng đầy đủ nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tác giả cho rằng, bị hại cần được xác định tư cách tố tụng đúng thời điểm hoặc mở rộng quyền được nhờ người bảo vệ cho người tố giác tội phạm để người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố giác được tham gia vào cả giai đoạn tiền tố tụng từ đó hỗ trợ và cùng với người tố giác tội phạm – người sau này có thể được xác định là bị hại, đương sự thực hiện việc thu thập, cung cấp các chứng cứ hoặc đưa ra kiến nghị về việc điều tra để chứng minh tội phạm làm cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can.   
2.2. Quy định về chứng cứ và chứng minh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Điều 88 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định người tham gia tố tụng, trong đó có bị hại, đương sự có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật TTHS. Để tránh việc thất lạc chứng cứ do người tham gia tố tụng nói chung, bị hại, đương sự nói riêng cung cấp gây ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, khoản 5 Điều 88 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cụ thể trình tự lập biên bản tiếp nhận cũng như gửi biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát nhân dân[7].
Thông thường, việc xử lý vật chứng sẽ được quyết định khi vụ án bị đình chỉ hoặc khi đưa ra xét xử. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền cho các chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan trong đó có bị hại, đương sự, khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”. Như vậy, bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể nhận được ngay tài sản là vật chứng trong các vụ án, không phải đợi đến khi vụ án được giải quyết xong, bảo đảm các quyền năng trong quyền sở hữu được thực hiện tốt nhất.
Tuy nhiên, việc khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định quyền của cơ quan có thẩm quyền về xử lý vật chứng có thể dẫn đến sự tuỳ nghi trong thực tiễn áp dụng. Tác giả cho rằng, trong trường hợp xác định rõ tài sản đã thu giữ, tạm giữ không phải là vật chứng hoặc việc trả lại không ảnh hưởng đến việc xử lý vật chứng và thi hành án thì việc trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp phải được xác định là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng.
2.3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong thủ tục tố tụng hình sự
   -Thủ tục tiến hành các hoạt động điều tra
   Nhằm bảo đảm xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm quyền không chỉ cho người bị buộc tội mà cho cả bị hại và các đương sự khác, Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung một số thủ tục khi tiến hành hoạt động điều tra, cụ thể: i) bổ sung quy định bắt buộc phải thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra; ii) ghi nhận cụ thể hơn quyền của bị hại đối với kết luận giám định; iii) bổ sung quy định về việc phải thông báo cho người bảo vệ quyền lợi của bị hại khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra; iv) bổ sung quy định về thủ tục tố tụng đối với người bị hại dưới 18 tuổi.
Về cơ bản, thủ tục tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ bảo đảm quyền con người, xác định được sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định trên vẫn còn một số bất cập sau: 
Một là, Điều 188 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 Bộ luật TTHS, tức là tiến hành giống với thủ tục triệu tập, lấy lời khai người làm chứng. Quy định này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, người làm chứng khi tham gia tố tụng không có quyền và lợi ích pháp lý liên quan đến vụ án, họ không cần người tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi cho họ. Trong khi bị hại, đương sự có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Những người này có quyền “Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ” (điểm d khoản 3 Điều 84 Bộ luật TTHS năm 2015).
Hai là, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành lấy lời khai thông báo cho người bảo vệ quyền lợi của bị hại, đương sự. Chỉ trong trường hợp lấy lời khai của bị hại dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại (khoản 1 Điều 421 Bộ luật TTHS năm 2015). Đây là hạn chế cần được khắc phục nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của bị hại, đương sự được bảo vệ trên thực tế.
   Ba là, điểm d khoản 2 Điều 84 Bộ luật TTHS năm 2015 không ghi nhận quyền có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích của bị hại khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra xem xét dấu vết trên thân thể. Thực tế cho thấy, trong các vụ án có người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, các dấu vết tội phạm để lại trên bị hại có ý nghĩa quan trọng giúp đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, trong nhiều trường hợp có giá trị trong việc xác định đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (đặc biệt các tội xâm phạm tình dục). Nếu không được thu thập đầy đủ, kịp thời, có việc bỏ qua các dấu vết trong quá trình xem xét sẽ dẫn đến hậu quả gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, thậm chí việc giải quyết vụ án có thể đi vào bế tắc. Vì vậy, đối với hoạt động điều tra xem xét dấu vết trên thân thể, cần có quy định về sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cũng như người bảo vệ quyền của bị hại trong trường hợp bị hại có yêu cầu để bảo đảm cho việc thu thập dấu vết tội phạm.
   -Thủ tục xét xử sơ thẩm
   Nhằm bảo đảm quyền của bị hại, đương sự, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung một số quy định về thủ tục xét xử sơ thẩm như: i) mở rộng diện chủ thể được nhận bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, trong đó bổ sung quy định về việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị hại, đương sự và giao bản án sơ thẩm cho bị hại; ii) quy định chi tiết hơn việc tranh luận tại phiên toà, trong đó có sự tham gia tranh tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; iii) bổ sung yêu cầu đối với bản án sơ thẩm phải ghi rõ ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên toà được Toà án triệu tập….  Tuy nhiên, quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thủ tục xét xử sơ thẩm vẫn còn bất cập ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của các chủ thể này. Cụ thể, mục III Chương XXI về xét xử sơ thẩm, Bộ luật TTHS năm 2015 không đề cập đến sự có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tác giả cho rằng, việc ghi nhận quyền tranh tụng nhưng không quy định về sự có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích của người bảo vệ quyền tại phiên toà sơ thẩm thể hiện sự thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật cần được khắc phục.
-Thủ tục xét xử phúc thẩm
Các quy định về phần thủ tục xét xử phúc thẩm trong Bộ luật TTHS năm 2015 bảo đảm được nguyên tắc hai cấp xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, trong đó có bị hại, đương sự [8]. Những thay đổi trong phần xét xử phúc thẩm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự bao gồm: i) bổ sung, thay đổi trình tự, thủ tục kháng cáo, kháng nghị theo hướng rõ ràng, mạch lạc; ii) quy định rõ hơn cách xử lý đơn kháng cáo quá hạn; iii) quy định rõ hơn trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân đã ban hành kháng nghị phải gửi quyết định này cho những người có liên quan đến kháng nghị; iv) quy định bắt buộc phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự… đến phiên toà.
Tuy nhiên, quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 còn một bất cập sau đây:
Một là, khoản 2 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu. Như vậy, trong trường hợp kháng cáo là của người đại diện của bị hại, đương sự hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì mặc dù có căn cứ để sửa án theo hướng tăng nặng, không có lợi đối với bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không có quyền sửa án theo hướng đó. Như vậy, quyền kháng cáo của người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại chỉ là quyền mang tính “hình thức”. Đặc biệt, trong trường hợp bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất không thực hiện quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân không kháng nghị mà chỉ có người đại diện, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự kháng cáo yêu cầu sửa án theo hướng tăng nặng thì mặc dù kháng cáo có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không thể sửa án theo hướng không có lợi cho bị cáo.
Hai là, khoản 2 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định:nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể … giảm mức bồi thường thiệt hại”; khoản 3 Điều 357 cũng quy định trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo, bao gồm cả giảm mức bồi thường thiệt hại cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định giảm mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại mặc dù có lợi cho bị cáo nhưng lại không có lợi cho bị hại hoặc nguyên đơn dân sự và vi phạm nguyên tắc không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và đương sự. Theo nguyên tắc này, Toà án cấp phúc thẩm không được làm xấu hơn tình trạng pháp lý của bị cáo, đương sự nếu không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng không có lợi cho họ. Nguyên tắc này có đối tượng không chỉ là bị cáo mà còn các đương sự khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án[9]. Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 là chưa hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị hại, đương sự.
3. Kiến nghị
Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, trên cơ sở những phân tích trên đây, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, sửa đổi Điều 16 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung nội dung về quyền tự bảo vệ, nhờ người khác bảo vệ của bị hại, đương sự vào nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, làm căn cứ để quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, Điều 16 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 16. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Bị hại, đương sự có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
………..
Thứ hai, sửa đổi Điều 56 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ cho người tố giác, báo tin về tội phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Việc bổ sung này bảo đảm được quyền của bị hại ngay khi tiến hành các hoạt động tố tụng đầu tiên trong trường hợp người tố giác, báo tin về tội phạm chuyển tư cách tố tụng sang thành bị hại, đương sự khác[10]. Theo đó, Điều 56 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 56. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố
………..
3. Trong trường hợp cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm có quyền và lợi ích hợp pháp gắn liền với việc tố giác thì cá nhân có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Thứ ba, sửa đổi Điều 84 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quyền có mặt của người bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi cơ quan có thẩm quyền xem xét dấu vết trên thân thể người mà họ bảo vệ; bổ sung khoản 5, 6 quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự và xác định rõ thời điểm tham gia tố tụng của họ để tư cách tố tụng của họ được xác định hợp pháp, thống nhất. Theo đó, Điều 84 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 84. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
………
3d)Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, xem xét dấu vết trên thân thể của người mà mình bảo vệ;
………
5. Thủ tục đăng ký tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thực hiện tương tự theo quy định tại khoản 2, 4 Điều 78 của Bộ luật này.
6. Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự tham gia tố tụng ngay sau khi có thông báo chấp nhận đăng ký của cơ quan có thẩm quyền.   
Thứ tư, sửa đổi khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng xác định việc xử lý vật chứng là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần trả ngay tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Theo đó, khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 106. Xử lý vật chứng
…………
3a. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3b. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền bán theo quy định của pháp luật đối với vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
………
Thứ năm, sửa đổi Điều 188 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của Điều tra viên phải thông báo cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi tiến hành lấy lời khai người mà mình bảo vệ để hỗ trợ cũng như thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đối với bị hại, đương sự. Theo đó, Điều 188 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 188. Triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này.
Trước khi tiến hành lấy lời khai, Điều tra viên phải thông báo cho người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự về thời gian, địa điểm lấy lời khai.
Việc lấy lời khai của bị hại, đương sựcó thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Thứ sáu, sửa đổi khoản 1 Điều 203 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về yêu cầu thông báo cho người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi xem xét dấu vết trên thân thể người mà họ bảo vệ; quy định về sự có mặt của Kiểm sát viên khi tiếnh hành hoạt động này nhằm bảo đảm thu thập chứng cứ được đầy đủ, tạo điều kiện xác định sự thật khách quan của vụ án. Theo đó, khoản 1 Điều 203 Điều 203 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 203. Xem xét dấu vết trên thân thể
1. Khi cần thiết, Điều tra viên tiến hành xem xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định.
Trước khi tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể, Điều tra viên phải thông báo choViện kiểm sát nhân dân cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việcxem xét dấu vết trên thân thể. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc xem xét dấu vết trên thân thể. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bảnxem xét dấu vết trên thân thể. Trong trường hợp xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại phải thông báo cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
………..
Thứ bảy, sửa đổi khoản 1 Điều 292 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về sự có mặt của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tại phiên toà sơ thẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể này thực hiện quyền tranh tụng dân chủ tại phiên toà. Theo đó,  khoản 1 Điều 292 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau:
Điều 292. Sự có mặt của bị hại, đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ
1. Nếu bị hại, đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
…….
Thứ tám, sửa đổi khoản 2 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng cho phép Toà án cấp phúc thẩm có thẩm quyền sửa án theo hướng không có lợi cho bị cáo khi có kháng cáo của người đại diện của bị hại nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, khắc phục thực trạng quyền kháng cáo mang tính “hình thức”; sửa đổi khoản 3 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng không sửa án theo hướng giảm bồi thường thiệt hại cho bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị nhằm tôn trọng nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự đối với các vấn đề về dân sự. Theo đó, khoản 2, 3 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ được chỉnh sửa lại như sau: 
Điều 357. Sửa bán án sơ thẩm
……..
2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại, người đại diện theo pháp luật của bị hại kháng cáo yêu cầu thì hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; không cho bị cáo hưởng án treo.
Trường hợp bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất kháng cáo yêu cầu thì hội đồng xét xử phúc thẩm có thể tăng mức bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm a, b, c, đ, e, g khoản 1 Điều này và sửa quyết định xử lý vật chứng cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị./. 
 

 


[1] Điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[2] Nguyễn Ngọc Chí (2018), Giáo trình các nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 202.
[3] Nguyễn Hoà Bình (2016), “Tổng quan những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật TTHS năm 2015” trong sách “Những nội dung mới trong Bộ luật TTHS năm 2015” do Nguyễn Hoà Bình chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 21.
[4] Xem Điều 9 Thông tư số 46/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
[5] Xem Điều 2 Thông tư số 46/TT-BCA ngày 10/10/2019.
[6] Lê Tiến Châu (2007), “Người bị hại trong tố tụng hình sự”, Tạp chí khoa học pháp lý (01), tr.42.
[7] Khoản 5 Điều 88 Bộ luật TTHS năm 2015.
[8] Hoàng Anh Tuyên (2016), “Xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm vụ án hình sự”, trong sách “Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” do Nguyễn Hoà Bình chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.328.
[9] Mai Thanh Hiếu (2015), “Không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và đương sự trong xét xử phúc thẩm”, Tạp chí luật học, (10), tr.23-24.
[10] Theo đó, cần bổ sung thêm quy định về người tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố giác, báo tin về tội phạm trong Điều 55 Bộ luật TTHS năm 2015; đồng thời ghi nhận quyền, nghĩa vụ và thủ tục đăng ký tham gia tố tụng của chủ thể này trong một điều luật riêng biệt. Nội dung về đề xuất này sẽ được tác giả trình bày cụ thể trong một nghiên cứu khác liên quan đến người tố giác, báo tin về tội phạm.