Quy định của pháp luật về phôi thai và thai nhi tại Việt Nam

28/07/2021

Tóm tắt: Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định chính thức về việc xem xét phôi thai với tư cách của một con người. Tuy nhiên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có quy định về quyền lợi đối với thai nhi. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật về phôi thai và thai nhi tại Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến phôi thai và thai nhi tại Việt Nam.
Từ khóa: Phôi thai, thai nhi, quyền lợi đối với thai nhi tại Việt Nam.
Abstracts: Currently, Vietnamese laws have no official provisions considering an embryo as a human being. However, several specialized legal documents have provisions on the rights of the fetus. In the scope of this article, the author provides an analysis of and assessment of the provisions of the law on embryos and fetuses in Vietnam and gives some recommendations to improve the legal provisions related to embryos and fetuses in Vietnam.
Keywords: Embryo, fetus, the rights of the fetus.
 
1. Thực trạng các quy định của pháp luật về phôi thai và thai nhi tại việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu tổng quan về phôi thai và thai nhi. Các quy định của pháp luật hiện hành về phôi thai và thai nhi còn chưa rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu phôi thai.
Thuật ngữ phôi thai được sử dụng nhiều trong lĩnh vực y học. Dưới góc độ pháp lý, khoản 5 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ định nghĩa: “Phôi là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng”.Theo quy trình thông thường, phôi thai được hình thành vào tuần thứ năm và phát triển trong vòng sáu tuần trước khi phát triển thành cơ thể thai nhi. Vì vậy, phôi thai chưa phải là thai nhi, phôi thai cần một khoảng thời gian nhất định để phát triển và các tế bào hình thành nên cơ thể thai nhi. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xem xét phôi thai với tư cách của một con người. Tuy nhiên, một số văn bản luật có đề cập đến quyền lợi đối với thai nhi.PHÔI-THAI.jpg
Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của thai nhi. Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 593 BLDS quy định: “Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân”; thời điểm được hưởng tiền cấp dưỡng đối với con đã thành thai của người chết được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống theo quy định của khoản 3 Điều này. Điều 613 BLDS cũng chỉ rõ quyền lợi của thai nhi khi quy định người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Như vậy, nếu thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản chết, sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì thỏa mãn điều kiện được nhận thừa kế.
Tương tự, đối với trường hợp di tặng quy định tại Điều 646 BLDS: “Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 660 BLDS quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng”. Như vậy, trong trường hợp phân chia di sản, dù chưa sinh ra nhưng thai nhi vẫn được dành phần di sản và thụ hưởng khi được sinh ra.
Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định về việc chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai. Điều đó cho thấy, pháp luật quy định quyền của thai nhi được bảo vệ trong thời gian người mẹ mang thai. Bên cạnh đó, con sinh ra do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 88). Điều này đảm bảo quyền có cha mẹ của thai nhi khi được sinh ra. Ngoài ra, các điều từ Điều 94 đến Điều 100 Luật HN&GĐ năm 2014còn quy định cụ thể về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Các điều khoản quy định này đều có tinh thần bảo vệ quyền lợi, sự phát triển của thai nhi trong suốt thời gian mang thai hộ, cũng như nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình mang thai hộ đối với việc nhận nuôi, giám hộ và cấp dưỡng khi thai nhi được sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019[1] cũng có nhiều quy định bảo vệ lao động nữ mang thai. Điểm d khoản 2 Điều 35 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định, lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật này là một trong những trường hợp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước; khoản 3 Điều 37 quy định về những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có trường hợp lao động nữ mang thai, người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra, các điều từ Điều 137 đến Điều 141 BLLĐ năm 2019 về chế độ thai sản và những hạn chế bắt buộc khi xử lý kỷ luật, giới hạn quyền lợi của người sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ mang thai, gián tiếp bảo vệ quyền lợi của thai nhi.
Bộ luật Hình sự năm (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015) có nhiều quy định bảo vệ thai nhi. Ví dụ như theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn thi hành án cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định, không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi; khoản 2 Điều 40 BLHS năm 2015 quy định phụ nữ có thai không thi hành án tử hình mà sẽ được chuyển thành tù chung thân theo khoản 4 Điều này. Bên cạnh đó, người phạm tội là phụ nữ có thai còn nằm trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Ngoài ra, BLHS năm 2015 có nhiều quy định khác tại các điều khoản mang nội dung bảo vệ trực tiếp quyền lợi của những thai nhi khi chưa sinh ra trước những hành vi xâm hại, đồng thời gia tăng khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai hoặc phạm tội khi biết là có thai. Nếu mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xem là hợp pháp trong Luật HN&GĐnăm 2014 thì tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xem là phạm tội tại khoản 1 Điều 187 BLHS năm 2015. Hơn nữa, trường hợp phá thai trái pháp luật sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 316 BLHS năm 2015trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội đối với phụ nữ mà biết là có thai thì sẽ bị phạt theo điểm c khoản 2 Điều 368 Bộ Luật này.
2. Một số góc nhìn pháp luật khác nhauđối với phôi thai và thai nhi
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, phôi thai và thai nhi là thực thể sống và có khả năng phát triển (sẽ phát triển) thành con người. Theo Điều 19 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Nếu xem xét các quyền lợi đối với thai nhi trong những quy định của bộ luật và luật chuyên ngành thì có thể thấy, pháp luật Việt Nam dựa trên tinh thần bảo vệ quyền của thai nhi thông qua người mẹ hoặc người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thứ hai, án lệ của Tòa án Nhân quyền châu Âu có nhắc đến phôi thai người không thể được coi là "vật", đồng thời cũng không phải là "người”[2]. Mặc dù, phôi thai và thai nhi chưa phải là con người hoàn chỉnh nhưng hạn chế này không có nghĩa là phôi thai không được bảo vệ, phải có sự xem xét để xuất biện pháp bảo vệ khách quan; cần mở rộng giá trị và sự tôn trọng vốn có của phẩm giá con người[3].
Thứ ba, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định nào cho phép tạo phôi trong nghiên cứu, điều trị. Pháp luật ở các quốc gia châu Âu cởi mở hơn về việc chuyển giao và sử dụng phôi đông lạnh giữa các nước ký kết Công ước châu Âu về nhân quyền. Theo đó, phôi được nhìn nhận như một loại hàng hóa. Việc sử dụng phôi thai trong nghiên cứu khoa học được giới hạn trong 5 mục đích sau:
(1) Thúc đẩy những tiến bộ trong điều trị khả năng sinh sản;
(2) Tăng cường hiểu biết về nguyên nhân của bệnh bẩm sinh;
(3) Tăng cường hiểu biết về nguyên nhân sẩy thai;
(4) Phát triển các kỹ thuật tránh thai hiệu quả hơn; và
(5) Phát triển các phương pháp nhằm phát hiện sự hiện diện của các bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể trong phôi trước khi cấy[4].
Thứ tư, thực tế phát triển công nghệ cho thấy, bằng cách đột biến kỹ thuật vào phôi thai, sau đó được sử dụng để sinh ra trẻ sơ sinh, đây là bước vào một kỷ nguyên mà khoa học có thể viết lại nguồn gen của các thế hệ tương lai bằng cách thay đổi dòng mầm của con người[5]. Tháng 3/2015, các nhà nghiên cứu Trung Quốc trở thành những người đầu tiên chỉnh sửa gen trong phôi thai người. Vấn đề này được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, nhiều quan điểm đưa ra cho rằng nhân bản vô tính đối với phôi thai người là
đe dọa đạo đức và phẩm giá con người[6]. Gần đây, các nhà khoa học Anh cũng đã sử dụng tế bào gốc phôi của con người để tạo ra một mô hình tương tự như phôi thai nhằm nghiên cứu một số giai đoạn phát triển sớm nhất của con người. Việc giải mã được các giai đoạn phát triển này có thể tìm ra nguyên nhân gây dị tật thai nhi và bệnh tật ở người, đồng thời giúp triển khai các xét nghiệm nhằm phát hiện dị tật thai nhi ở phụ nữ mang thai[7].
Thứ năm, đối với lao động nữ đang mang thai, nếu có nhu cầu thì được phép chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn ngay từ thời điểm phát hiện có thai. Như vậy, mới đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ và thai nhi. Quy định như vậy không chỉ thể hiện tính nhân văn của pháp luật lao động đối với lao động nữ mà còn đảm bảo sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước[8].
3. Một số kiến nghị
Một là, phân biệt cụ thể thuật ngữ, khái niệm trong các quy định của pháp luật để nội dung quy định được rõ ràng, mạch lạc. Trong các bộ luật và luật chuyên ngành liên quan có quy định về phôi thai và thai nhi cần phân biệt rõ giữa hai khái niệm phôi thai và thai nhi. Phôi thai hình thành trước thai nhi và chưa phát triển thành cơ thể thai nhi. Ngược lại, thai nhi là phôi thai đã phát triển các tế bào để hình thành cơ thể con người. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu quy định khái niệm tiền phôi thai trong văn bản pháp luật liên quan để phân biệt rõ ràng hơn với phôi thai và thai nhi.
Hai là, phát triển tế bào gốc là chính sách thiết yếu trong điều trị bệnh. Với sự kích thích phù hợp, tế bào gốc phôi có thể trở thành tế bào máu, tế bào da và tất cả các loại tế bào khác mà cơ thể cần. Vì vậy, cần sớm ban hành Luật Máu và tế bào gốc; trong đó quy định cởi mở hơn trong việc tạo phôi nhằm mục đích lấy tế bào gốc để nghiên cứu hoặc điều trị bệnh cần được nhìn nhận dưới góc độ nhân đạo thông qua việc cứu chữa người bệnh, chủ động tạo ra nguồn tế bào gốc dự trữ cho y học.
Ba là, tiếp cận các quy định của pháp luật liên quan đến phôi thai và thai nhi dưới góc nhìn nghiên cứu khoa học để phục vụ phát triển y tế, nghiên cứu gen, bệnh học và tìm hiểu các nguyên nhân liên quan đến sinh sản, vấn đề sẩy thai ở phụ nữ,…. nhằm góp phần nâng cao ngành y học nước nhà nói riêng và đóng góp chung cho nền y học trên thế giới nói chung./.
 

 


[1]Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
[2] Alla Tymofeyeva (2016). The Human Embryo in the Case-Law of the European Court of Human Rights.
[3] Vera Lúcia Raposo, Catarina Prata & Isabel Ortigão De Oliveira (2009). Human Rights in Today’s Ethics: Human Rights of the Unborn (Embryos and Foetus)?
[4] Gulam Bahadur (2001). The Human Rights Act (1998) and its impact on reproductive issues.
[5] David Cyranoski (2019). The CRISPR-baby scandal: what’s next for human gene-editing.
[6] The New Atlantis (2015). The Threat of Human Cloning Ethics, Recent Developments, and the Case for Action.
[7] Nghiên cứu về giai đoạn phát triển chưa từng khám phá của bào thai.
[8] Lưu Trần Phương Thảo & Nguyễn Thanh Hiền (2019), Pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ mang thai.