Nhà nước bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra: quy định của pháp luật một số nước và gợi mở cho Việt Nam

04/06/2021

Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định của pháp luật một số nước trên thế giới về cơ chế nhà nước bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra, từ đó đưa ra các gợi ý, đề xuất để xây dựng cơ chế tương tự trong pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu quả bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.
Từ khoá: Bồi thường thiệt hại, Nhà nước bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra, người bị hại, tố tụng hình sự.
Abstract: This article provides analysis of the legal provisions of a number of countries on state compensation for damages caused by crimes and suggests the a similar mechanism in Vietnamese criminal procedure law shoulb be built to ensure effective compensation for damages caused by crimes.
Keywords: Compensation, state compensation for damages caused by crimes, crime victim, criminal proceedings.
 
Bồi thường thiệt hại (BTTH) do tội phạm gây ra là một vấn đề được quan tâm nhiều trong pháp luật ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Mỗi quốc gia có cơ chế riêng nhằm đảm bảo việc BTTH này. Nhiều biện pháp khác nhau được áp dụng nhằm đảm bảo việc BTTH do tội phạm gây ra như: thông qua đơn yêu cầu BTTH theo thủ tục hình sự và tố tụng hình sự (TTHS), tự nguyện BTTH (compensation), bồi hoàn (restitution) hay các biện pháp khác.BỒI-THƯỜNG-THIỆT-HẠI.1.jpg
Đa phần, việc BTTH do tội phạm gây ra được thực hiện bởi chính người phạm tội đã gây thiệt hại. Tuy nhiên, việc BTTH do tội phạm gây ra từ phía người phạm tội không phải lúc nào cũng thực hiện được. Rất dễ hình dung các trường hợp này như: người phạm tội không mong muốn bồi thường hay không đủ khả năng để bồi thường, người phạm tội chết hay đơn giản là không xác định được người phạm tội. Chính điều này đặt ra một thách thức đối với các cơ chế BTTH do tội phạm gây ra ngoài trường hợp người phạm tội phải BTTH cho tội phạm mà họ đã thực hiện.
Một số quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Pháp, Đức… đã thiết lập nên cơ chế cho phép người bị hại (nạn nhân) của tội phạm có thể nhận được bồi thường mà không phụ thuộc vào các yếu tố xuất phát từ phía người phạm tội. Cơ chế này chính là việc nhà nước BTTH do tội phạm gây ra cho nạn nhân.
1. Quy định của pháp luật về việc nhà nước bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra ở một số nước trên thế giới
1.1. Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ hiện nay, hệ thống BTTH do tội phạm gây ra vận hành dựa trên Luật về nạn nhân của tội phạm năm 1984 (Victims of Crime Act of 1984, VOCA)[1]. Luật này quy định, việc BTTH do tội phạm gây ra không chỉ được thực hiện bởi người bị kết tội mà còn có thể thông qua việc Nhà nước bồi thường nếu như, vì lý do khách quan, người bị kết tội không thể bồi thường. Từ quy định này, một chương trình liên bang đã được xây dựng liên quan đến BTTH. Đó là Quỹ nạn nhân của tội phạm (Crime Victims Fund, CVF)[2]; theo đó, cơ quan tư pháp Hoa Kỳ được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm soát hoạt động của Quỹ này.
Do tính chất liên bang, nên luật này đã được ghi nhận vào Phần 32, Chương 201 (từ điều 20101-20144)[3] và Phần 18 (3013) Bộ Tổng luật Hoa Kỳ[4].
Ngoài ra, các quy định về việc Nhà nước BTTH do tội phạm gây ra còn được ghi nhận tại các văn bản khác như: Phần II Luật về hình phạt hữu hiệu trong chống khủng bố năm 1996 (Antiterrorism and Effective Death penalty Act of 1996)[5] quy định rằng, việc BTTH do tội phạm khủng bố gây ra phải được thực hiện trong phạm vi TTHS và được lấy từ ngân sách liên bang; Đạo luật về quyền của nạn nhân của tội phạm năm 2004 (Crime Victims’ Rights Act of 2004 CVRA)[6]quy định về sự cần thiết phải đảm bảo quyền được bồi thường đầy đủ và kịp thời cho nạn nhân.
Theo đó, việc BTTH do tội phạm gây ra, bao gồm cả thiệt hại về tinh thần, trong trường hợp không xác định được người phạm tội hoặc khi người bị kết án không có khả năng bồi thường, được thực hiện từ nguồn chương trình liên bang được thiết lập trong Quỹ nạn nhân của tội phạm và các chương trình khác thuộc nhiều bang của Hoa Kỳ.
Việc ra quyết định và chi trả tiền bồi thường được thực hiện căn cứ thiệt hại gây ra bởi từng tội phạm cụ thể, các tình tiết cụ thể đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc toà án xác định thông qua trình tự thủ tục tố tụng.
1.2.  Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, việc Nhà nước BTTH do tội phạm gây ra cũng được ghi nhận trong luật hiện hành - Luật BTTH do tội phạm gây ra năm 1995 (Criminal Injuries Compensation Act 1995); theo đó:
- Người bị gây thiệt hại bởi một hoặc nhiều tội phạm nghiêm trọng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường[7];
- Việc bồi thường được thực hiện đối với những thiệt hại gây ra bởi tội phạm nghiêm trọng mà dẫn tới việc bắt giữ người bị tình nghi trước khi xét xử[8];
- Việc bồi thường cho bị hại (nạn nhân của tội phạm) được thực hiện trong các trường hợp khi thiệt hại gây ra: a) không thể được bồi thường bởi người phạm tội hoặc b) không thể bồi thường theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự hoặc TTHS do bị đơn dân sự hoặc người bị kết án không có đủ tài chính hoặc c) theo tính chất và mức độ nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng hoặc đến việc thực hiện các quyền không thể tách rời khác của con người;
- Bộ Nội vụ Vương quốc Anh là cơ quan quản lý nhà nước về BTTH. Giúp việc cho Bộ Nội vụ  trong quản lý nhà nước về BTTH là Uỷ ban về BTTH do tội phạm gây ra (The Criminal Injuries Compensation Authority) và Uỷ ban kháng cáo các vấn đề về BTTH do tội phạm gây ra (Criminal Injuries Compensation Appeal Panel)[9];
Điều 2 Luật về BTTH do tội phạm gây năm 1995 quy định khoản BTTH do tội phạm gây ra bao gồm: 1) Mức bồi thường tiêu chuẩn được xác định tuỳ theo bản chất của thiệt hại; 2) Khoản bồi thường bổ sung do bị mất thu nhập; 3) Trong các trường hợp khác, có thể tính đến khoản bồi thường bổ sung liên quan đến những chi phí đặc biệt; 4) trong trường hợp tổn hại sức khoẻ trầm trọng – thì những khoản bồi thường bổ sung khác có thể được tính đến. Tuy nhiên, tổng số tiền bồi thường tối đa không được vượt quá 500.000 bảng Anh.
1.3. Cộng hoà Liên bang Đức
Ở Cộng hoà Liên bang Đức, chế định nhà nước BTTH do tội phạm gây ra được điều chỉnh bởi Luật Bồi thường cho nạn nhân của tội phạm bạo lực năm 1985 (sửa đổi, bổ sung theo đạo luật ngày 15 tháng 4 năm 2020)[10]. Theo quy định của Luật, “bất kỳ người nào, trong phạm vi lãnh thổ có hiệu lực của Luật này hoặc trên tàu hoặc máy bay của Đức, đã bị thương tích do cố ý, bất hợp pháp tấn công bản thân hoặc bất kỳ người nào khác hoặc do sự phòng vệ hợp pháp chống lại một cuộc tấn công như vậy, sẽ được quyền, theo đơn, được bồi thường do hậu quả gây ra thiệt hại về sức khỏe và thiệt hại về kinh tế, theo quy định của Luật Bồi thường cho nạn nhân chiến tranh Liên bang”[11].
Quy định của pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức về BTTH do tội phạm gây ra có một số đặc điểm sau:
- Việc bồi thường được thực hiện nếu liên quan đến tội phạm bạo lực cố ý thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Liên bang Đức; việc BTTH được thực hiện đối với cả thiệt hại về thể chất và tinh thần;
- Người mà sức khoẻ bị gây thiệt hại thì được bồi thường và nhận được khoản tiền đủ để khôi phục sức khoẻ; loại và mức bồi thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại về kinh tế và chi phí y tế;
- Cho phép việc bồi thường do mất đi kỹ năng nghề nghiệp nếu bị do tội phạm gây ra thông qua việc xác định mức độ mất đi khả năng thực hiện nghề nghiệp;
- Việc bồi thường được thực hiện đối với phần thu nhập bị mất;
- Trong trường hợp người chết vì tội phạm sẽ được Nhà nước bồi thường: a) Chi phí chôn chất, b) Chi phí liên quan đến việc mất nguồn thu nhập chính hoặc mất người cấp dưỡng – như trẻ mồ côi, người không có khả năng lao động.
- Việc bồi thường do ngân sách liên bang chi 40% và ngân sách bang chi 60% nếu như bị hại nộp đơn phù hợp;
- Trách nhiệm giải quyết đơn thuộc về cơ quan có thẩm quyền ở các bang;
- Việc khôi phục lại các nguồn lực để bồi thường được tiến hành thông qua: 1) Việc thu ngân sách liên bang và ngân sách các bang; 2) Việc truy thu đối với người bị kết án (nếu có thể); 3) Các nguồn hỗ trợ tự nguyện cũng như từ việc thực hiện các chương trình xã hội khác.
1.4. Cộng hoà Pháp
Việc bồi thường do Nhà nước tiến hành cho người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong pháp luật Cộng hoà Pháp được điều chỉnh bởi các luật sau:
Luật số 77-5  năm 1977 về BTTH thân thể do tội phạm gây ra, bổ sung quy định về Nhà nước BTTH cho người bị hại do tội phạm gây ra trong Bộ luật TTHS Pháp[12] (từ Điều 706-3 đến Điều 706-13). Theo Luật này, người bị hại có quyền yêu cầu Nhà nước BTTH do tội phạm gây ra trước thời điểm người phạm tội ra trước toà. Toà án, ngoài việc ra bản án kết tội, phải ra quyết định về việc BTTH. Nhà nước theo trình tự, thủ tục quy hồi sẽ truy thu từ người bị kết án khoản chi phí BTTH do tội phạm gây ra cho bị hại.
Năm 1981, Pháp ban hành Luật số 81-82  Tăng cường an toàn và bảo vệ quyền tự do của cá nhân[13]. Chương 3 “về bảo vệ bị hại” (từ Điều 81- Điều 100) quy định về việc đảm bảo cho người bị hại khỏi các tác động của tội phạm được quy định tại Điều 706-14 và Điều 706-15 trong Bộ luật TTHS Pháp. Theo đó, người là nạn nhân của các tội như trộm cắp hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể nhận bồi thường cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý. Cụ thể, Điều 706-14 quy định: “Người nào là nạn nhân của tội trộm cắp, lừa đảo, bội ước, cưỡng đoạt tiền, hoặc phá huỷ hoặc gây thiệt hại cho tài sản của người này, và không thể có được sự sửa chữa hoặc đền bù đầy đủ và hiệu quả các thiệt hại của người này dựa trên bất kỳ cơ sở nào, và kết quả là thấy mình ở trong tình trạng nghiêm trọng về tâm lý hoặc tài chính, có thể được hưởng bồi thường theo điều kiện được quy định tại các điều từ Điều 706-3 đến Điều 706-12, nếu thu nhập của người này là thấp hơn mức tối đa được hưởng trợ giúp pháp lý một phần theo quy định của Điều 4 Luật số 91-647 ngày 10/7/1991 điều chỉnh việc trợ giúp pháp lý[14], có tính đến, nếu phù hợp các chi phí của gia đình người này.
   Mức bồi thường tối đa bằng ba lần số tiền thu nhập giới hạn hàng tháng”[15].
Tương tự, việc bồi thường có thể được thực hiện đối với người bị hại (nạn nhân) của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người. Tuy nhiên, thiệt hại của nạn nhân phải thể hiện ở việc giảm thu nhập, tăng chi phí hay mất khả năng lao động nghề nghiệp.
Từ những phân tích quy định của pháp luật TTHS một số quốc gia về nhà nước BTTH cho người bị hại do hành vi phạm tội gây ra có thể rút ra những nhận xét sau:
1) Nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xem như là một chế định độc lập trong TTHS các nước.
2) Mặc dù ở mỗi quốc gia, nội dung của chế định này có sự khác nhau, nhưng điểm chung là pháp luật TTHS các nước đều quy định về các vấn đề sau : a) Nguyên tắc cơ bản liên quan đến việc Nhà nước BTTH cho người bị hại do tội phạm gây ra; b) Các quỹ bồi thường có nguồn gốc từ hoặc là nguồn ngân sách hoặc là các nguồn quỹ vận động, hỗ trợ từ xã hội; c) Trình tự thủ tục mà người bị hại cần tiến hành để nhận được sự bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
3) Pháp luật TTHS các nước đều quy định mức tối đa mà bị hại có thể nhận được bồi thường từ Nhà nước cho thiệt hại do tội phạm gây ra.
2. Quy định về việc Nhà nước bồi thường thiệt hại trong pháp luật Việt Nam và kiến nghị
Theo quy định của pháp luật nước ta, trong một số trường hợp nạn nhân (người bị hại) của tội phạm có thể nhận được sự hỗ trợ[16] từ Nhà nước.  Tuy nhiên, phạm vi áp dụng còn hẹp, cụ thể, hiện nay, chỉ có nạn nhân của tội phạm mua bán người được Nhà nước hỗ trợ. Theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012, nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ  và được BTTH theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật hiện hành của Việt Nam không quy định về việc Nhà nước BTTH do tội phạm gây ra, mà chỉ quy định việc hỗ trợ cho nạn nhân. Ở đây, sự hỗ trợ của Nhà nước được hiểu là theo trình tự thủ tục hành chính, còn phần thiệt hại của nạn nhân do tội phạm gây ra sẽ được bồi thường theo trình tự thủ tục TTHS đối với vụ án hình sự về tội mua bán người (nếu có). Một nghiên cứu được công bố cho thấy, bị hại được bồi thường khoảng 10,5% tổng giá trị thiệt hại được định giá[17]. Con số này cho thấy, ở nước ta, tỷ lệ BTTH do tội phạm gây ra còn thấp, không đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại. Có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra ít quan tâm xác định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; khi thụ lý hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa chỉ tập trung nghiên cứu giải quyết vấn đề hình sự mà xem nhẹ vấn đề dân sự trong vụ án hình sự[18]; người phạm tội không đủ khả năng về tài chính…. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do quy định của pháp luật nước ta về BTTH do tội phạm gây ra còn thiếu đầy đủ và cụ thể. Việc một số nước trên thế giới xây dựng chế định nhà nước BTTH do tội phạm gây ra và vận hành một cách có hiệu quả là một gợi mở để chúng ta nghiên cứu và học hỏi.  Chúng tôi cho rằng, cần bổ sung chế định nhà nước BTTH trong pháp luật Việt Nam theo hướng xác lập quyền của người bị hại được Nhà nước BTTH do tội phạm gây ra trong trường hợp người phạm tội không thể/hoặc không có thiện chí BTTH mà hành vi phạm tội của họ gây ra cho bị hại hoặc trong trường hợp bị hại chưa nhận được bồi thường thông qua các hình thức khác (chẳng hạn như bồi thường do bảo hiểm chi trả); xây dựng Quỹ BTTH cho nạn nhân từ nguồn ngân sách nhà nước và từ các nguồn xã hội hoá; quy định mức tối đa Nhà nước BTTH gây ra bởi từng loại tội phạm cụ thể./.

 


[1]P.L. 98-473, Title II, Chapter XIV, Victims of Crime Act of 1984, October 12, 1984, 98 Stat. 2170.
[2]Crime Victims Fund, https://ovc.ojp.gov/about/crime-victims-fund. Quỹ này được hình thành từ ngân sách Liên bang Hoa Kỳ, chẳng hạn từ năm 2005-2009, mỗi một năm nhận từ ngân sách 5 000 000 đô la Mỹ. Tính đến năm 2020, số dư của Quỹ là hơn 6 tỷ đô la và bao gồm các khoản tiền ký gửi (còn được gọi là tiền biên lai) từ số tiền phạt hình sự liên bang, trái phiếu bảo lãnh bị mất, hình phạt và các đánh giá đặc biệt do Văn phòng luật sư Hoa Kỳ, Tòa án liên bang và Cục trại giam liên bang thu thập.
[4]U.S. Code, https://www.law.cornell.edu/uscode/text/18/3013, truy cập ngày 25/10/2020.
[5]Antiterrorism and effective Death penalty Act of 1996, https://www.congress.gov/104/plaws/publ132/PLAW-104publ132.pdf, truy cập ngày 25/10/2020.
[6]Crime Victims’ Rights Act of 2004, https://www.govinfo.gov/content/pkg/BILLS-108hr5107enr/pdf/BILLS-108hr5107enr.pdf; Charles Doyle, Crime Victims’ Rights Act: A Summary and Legal Analysis of 18 U.S.C. §3771, 2014, https://fas.org/sgp/crs/misc/RL33679.pdf, truy cập ngày 25/10/2020.
[7]Criminal Injuries Compensation Act 1995, https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1995/53/section/1, truy cập ngày 1/11/2020.
[8]Theo Luật về nạn nhân của bạo lực gia đình và tội phạm năm 2004, hiệu lực của Luật về BTTH do tội phạm gây ra năm 1995 và Mô hình BTTH do tội phạm gây ra có hiệu lực đối với người bị thiệt hại bởi tội phạm mà người phạm tội đó bị bắt trước khi xét xử. 
[9]Criminal Injuries Compensation Authority (1995), The criminal injuries compensation scheme, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/717221/criminal-injuries-compensation-scheme-1996-eng.pdf, truy cập ngày 1/11/2020.
[10]Crime victims Compensation Act as promulgated on 7 January 1985 (Federal Law Gazette I S. 1), last amended by Article 2a of the Act of 15 April 2020 (Federal Law Gazette I p. 811), https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_oeg/index.html#gl_p0013, truy cập ngày 1/11/2020.
[11]Xem Điều 1 Luật về bồi thường cho nạn nhân của tội phạm bạo lực năm 1985, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_oeg/englisch_oeg.html#p0013, truy cập ngày 1/11/2020.
[12]Loi n° 77-5 du 3 janvier 1977 garantissant l'indemnisation de certaines victimes de dommages corporels résultant d'une infraction, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/JORFTEXT000000704552/2020-11-16/, truy cập ngày 10/11/2020.
[13]Loi n° 81-82 du 2 février 1981 renforçant la sécurité et protégeant la liberté des personnes, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/JORFTEXT000000516044/2020-11-16/, truy cập ngày 10/11/2020.
[14]Người ở trong tình trạng tài chính nghiêm trọng là trường hợp có thu nhập hàng tháng dưới 900 Euro. Xem thêm: Loi n° 91-647 du 10 juillet 1991 relative à l'aide juridique, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/JORFTEXT000000537611/2020-11-16/, truy cập ngày 10/11/2020.
[15]Criminal Procedure Code of the French Republic (amended January 2020), https://www.legislationline.org/download/id/8539/file/France_CPC_am022020_fr.pdf, truy cập ngày 10/11/2020.
[16]Về bản chất đây là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nạn nhân về tâm lý, y tế, pháp lý, một số chi phí liên quan đến nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, hỗ trợ học văn hoá, học nghề hoặc hỗ trợ để vay vốn, trợ cấp khó khăn.
[17]Đinh Thị Mai (2014), Quyền của người bị hại trong TTHS Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 213.
[18]Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao (2008), “Tham luận công tác xét xử các vụ án hình sự năm 2007 và một số kiến nghị”, Hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án, Hà Nội.