Những nội dung về xử phạt người chưa thành niên vi phạm hành chính cần được quy định chi tiết

21/05/2021

Tóm tắt: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, người chưa thành niên vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các nội dung về xử phạt người chưa thành niên vi phạm hành chính cần được quy định chi tiết*.
Từ khóa: Vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, người chưa thành niên.
Abstract: According to the 2012 Law on Handling Administrative Violations (amended and supplemented in 2020), the minors in administrative offenses shall be sanctioned for their administrative violations. However, the handling of the minors who have committed acts of administrative violations is implemented only in necessary cases aiming to educate, assist them to understand their mistakes, develop healthily and become useful citizens of society.. This article analyses present the content that needs detailed regulations when handling of the minors.
Keywords: the2012 Law on Handling of Administrative Violations (amended and supplemented in 2020), administrative violation, sanctioning of an administrative violation, minors.
 
 
1. Dẫn nhập
Theo pháp luật hiện hành, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) gồm cá nhân, tổ chức. Xét riêng về cá nhân thì chủ thể bị xử phạt VPHC bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài và cả người không quốc tịch. Cá nhân bị xử phạt VPHC phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Theo đó, tuổi bị xử phạt VPHC được chia làm hai loại:i) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt VPHC về VPHC do cố ý; ii) Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt VPHC về mọi VPHC.Xử-phạt-vphchinh1_1.jpg
Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, khái niệm người chưa thành niên có nội hàm rộng hơn trẻ em bởi người chưa thành niên bao gồm trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi[1]. Ở ngưỡng trước 18 tuổi, con người bước vào thời kỳ phát triển bản lề, có sự thay đổi nhanh, rõ rệt về thể chất, tâm sinh lý nhưng sự phát triển này vẫn nằm trong giai đoạn cuối của thời kỳ chưa trưởng thành, nhận thức chưa đầy đủ, tâm lý chưa ổn định[2]. Do đó, có thể hiểu, người chưa thành niên là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người thành niên. VPHC do người chưa thành niên thực hiện thường thể hiện những đặc điểm sau:
Một là, VPHC do người chưa thành niên thực hiện thường mang tính bột phát, không có động cơ, mục đích rõ ràng.
Người chưa thành niên là ngườicòn non nớt về trí tuệ. Đây là độ tuổi có tính chất là giai đoạn chuyển tiếp của sự tăng trưởng và phát triển đến tuổi trưởng thành[3]. Ở lứa tuổi này, con người phát triển mạnh về mặt sinh học nhưng lại thiếu cân đối về mặt trí tuệ. Đây là lứa tuổi mà kinh nghiệm trong cuộc sống còn ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Do việc kiềm chế cảm xúc còn hạn chế nên nhiều hành vi của người chưa thành niên mang tính bột phát. Trong các hành vi này sẽ có những hành vi cấu thành một VPHC. Chính vì tính bột phát nên động cơ, mục đích không rõ ràng, không được xác định trước.
Hai là, VPHC của người chưa thành niên được thực hiện thường do sự lôi kéo, xúi giục, kích động, dụ dỗ của người thành niên.
Người chưa thành niêncó tâm lý khá phức tạp, không ổn định, mang tính giao thời giữa tính cách vừa trẻ con, vừa người lớn. Trong độ tuổi này, người chưa thành niên thường có nhu cầu chứng tỏ bản thân cũng như muốn thể hiện mình là người trưởng thành. Chính vì hiểu được đặc điểm này nên một số đối tượng là người thành niên đã lôi kéo, xúi giục, kích động, dụ dỗ người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói chung và VPHC nói riêng.
Ba là, VPHC của người chưa thành niên được thực hiện thường do sự không quan tâm, chăm sóc chu đáo của cha mẹ, gia đình.
Cách ứng xử của người chưa thành niênphụ thuộc vào điều kiện, môi trường sống và sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Người chưa thành niên luôn có nhu cầu tìm hiểu và khám phá cái mới. Tuy vậy, việc tìm hiểu và khám phá cái mới cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới VPHC (ví dụ: hành vi buông hai tay khi điều khiển xe tham gia giao thông; lạng lách, đánh võng; điều khiển xe bằng chân…). Do đó, nếuthiếu sự căm sóc, hướng dẫn, quản lý của cha mẹ, gia đình thì người chưa thành niên rất dễ VPHC.
Bốn là, VPHC của người chưa thành niên thường được thể hiện một cách rõ ràng, dễ nhận biết, được thực hiện nhanh chóng và ít có quyết tâm thực hiện đến cùng nếu bị ngăn cản.
Nếu như VPHC do người thành niên thực hiện thường được chuẩn bị kỹ lưỡng, có cách thức, thủ đoạn rõ ràng thì VPHC do người chưa thành niên thực hiện thường không có những đặc điểm này. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì VPHC do người chưa thành niên thực hiện thường rất rõ ràng, dễ nhận biết. Do mang tính bột phát nên những vi phạm này thường diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, do không có động cơ, mục đích rõ ràng nên các vi phạm này thường sẽ không thực hiện đến cùng nếu như bị ngăn cản[4].
Để răn đe, giáo dục người chưa thành niên VPHC thì xử phạt VPHC được xem là một trong những công cụ hữu hiệu. Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng chế tài hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm thì Nhà nước cũng cần có những cam kết nhằm bảo đảm cho việc xử phạt VPHC được diễn ra công khai, khách quan, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2012 (Luật Xử lý VPHC) có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2022) thì các văn bản quy định chi tiết cần phải thể hiện rõ các nội dung liên quan đến xử phạt VPHC người chưa thành niên.
2. Quy định chi tiết cách tính tuổi của người chưa thành niên bị xử phạt VPHC trong trường hợp không thể xác định chính xác ngày, tháng sinh
            Khi xử phạt VPHC đối với cá nhân thì độ tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Đối với người chưa thành niên thì độ tuổi càng đóng vai trò quyết định. Cụ thể, độ tuổi là căn cứ không thể thiếu để người có thẩm quyền quyết định có hay không việc xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên. Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý VPHC, “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt VPHC về VPHC do cố ý”. Như vậy, độ tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định có hay không VPHC để từ đó ra quyết định xử phạt VPHC. Ngoài ra, độ tuổi cũng là cơ sở để quyết định việc áp dụng hình thức xử phạt và mức tiền phạt tương ứng đối với người chưa thành niên. Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá ½ mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”. Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định cụ thể về cách tính tuổi để ra quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp không thể xác định chính xác ngày, tháng sinh của người chưa thành niên.
            Theo Điều 13 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP (Nghị định số 81) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC thì:
“1. Trường hợp không có các giấy tờ để xác định độ tuổi xử lý VPHC thì căn cứ vào sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ, sổ sách, tài liệu khác của cơ quan nhà nước có liên quan để xác định độ tuổi của đối tượng.
Trường hợp thông tin ngày, tháng, năm sinh ghi trong các giấy tờ trên không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng, năm sinh trong giấy tờ theo hướng có lợi nhất cho đối tượng.
2. Trường hợp giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh, thì việc xác định ngày, tháng, năm sinh được tính như sau:
a) Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng, thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;
b) Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý, thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh;
c) Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm, thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh;
d) Nếu xác định được năm cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng, thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh”.
            Điều cần lưu ý là phạm vi của Điều 13 Nghị định số 81 chỉ áp dụng đối với việc xác định độ tuổi của người bị xử lý hành chính. Quy định này không thể trở thành căn cứ áp dụng để xác định độ tuổi đối với người bị xử phạt hành chính. Câu hỏi đặt ra là cách xác định độ tuổi của người chưa thành niên bị xử phạt hành chính có giống quy định tại Điều 13 Nghị định số 81 hay không? Hiện nay, pháp luật còn bỏ ngỏ và không có câu trả lời cụ thể.
            Khoản 1Điều 14 Nghị định số 81 quy định: Khi tiến hành xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm. Tuy nhiên, “lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất khi tiến hành xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên” không phải là một quy định tối ưu nhằm giải quyết mọi vướng mắc trên thực tế. Dường như điều khoản trên chỉ có ý nghĩa đối với những VPHC do người chưa thành niên thực hiện mà chế tài quy định có thể áp dụng một trong các hình thức xử phạt khác nhau (ví dụ: khoản 1 Điều 72 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sử dụng vé tàu giả để đi tàu). Đối với những VPHC mà chế tài quy định chỉ áp dụng một hình thức xử phạt cố định thì điều khoản trên hoàn toàn không có giá trị (ví dụ: khoản 4 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ”). Từ đó, người có thẩm quyền sẽ không thể biết và lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt nào có lợi nhất cho người chưa thành niên VPHC. Trong trường hợp pháp luật chỉ quy định chế tài phạt tiền thì người có thẩm quyền không thể “linh hoạt” phạt cảnh cáo người chưa thành niên vi phạm (ngoại trừ đối tượng là người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi). Người có thẩm quyền cũng không thể phạt ở mức tiền tối thiểu nếu như không có tình tiết giảm nhẹ. Bên cạnh đó, ngay cả khi phạt tiền ở mức tối thiểu thì đây cũng chỉ là lựa chọn “mức tiền phạt có lợi nhất” chứ không phải “hình thức xử phạt có lợi nhất” cho người người chưa thành niên VPHC.
            Như vậy, với quy định của Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 81 thì người có thẩm quyền sẽ không thể có cơ sở pháp lý vững chắc nhằm xác định tuổi của người chưa thành niên vi bị xử phạt phạm hành chính. Để khắc phục bất cập này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản xác định cụ thể độ tuổi của người bị xử phạt VPHC nói chung và của người chưa thành niên nói riêng.
3. Quy định cụ thể nguyên tắc làm cơ sở xác định chính xác mức tiền phạt đối với người chưa thành niên VPHC
            Theo quy định của khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC, “trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”. Như vậy, pháp luật xử phạt VPHC của nước ta đã thể hiện rõ tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất của người chưa thành niên khi quy định trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên nhẹ hơn so với người thành niên. Tuy nhiên, liên quan đến mức tiền phạt thì quy định mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên” lại không thật sự rõ ràng và tạo ra cách áp dụng pháp luật không thống nhất[5].
Ví dụ: theo điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì hành vi lôi kéo người khác đánh nhau” sẽ bịphạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu chủ thể vi phạm là người thành niên và không có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ thì sẽ bị phạt mức tiền trung bình là 2.500.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chủ thể vi phạm là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổivà không có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt bao nhiêu thì không có chuẩn mực chung trong việc áp dụng.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổithường chưa đủ độ tuổi để trực tiếp tham gia vào các quan hệ pháp luật lao động nên chưa có khả năng tạo lập được nguồn tài chính riêng. Do đó, quy định không áp dụng hình thức phạt tiền đối với nhóm người chưa thành niên ở lứa tuổi này là hoàn toàn phù hợp[6]. Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể tham gia vào các quan hệ lao động, làm công ăn lương nên quy định hình thức phạt tiền là khá hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề có tính pháp lý đặt ra là phải quy định rõ ràng nguyên tắc để từ đó có thể xác định chính xác mức tiền phạt đối với người chưa thành niên VPHC trong các trường hợp cụ thể.
Xuất phát từ đặc trưng VPHC do người chưa thành niên thực hiện thường mang tính bột phát, không có động cơ, mục đích rõ ràng nên khi xử phạt người chưa thành niên VPHC, cần phải kết hợp hài hòa giữa mục đích răn đe và giáo dục. Chính vì vậy, mức tiền phạt đối với người chưa thành niên VPHC cũng cần được quy định thành nguyên tắc rõ ràng trên cơ sở xem xét những tình tiết liên quan đến ý thức, thái độ, hành vi. Theo đó, nếu người chưa thành niên có những tình tiết như tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi”, đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm”, “đã tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện VPHC, xử lý VPHC” thì cần được ghi nhận và khoan hồng. Có thể do bồng bột, người chưa thành niên thực hiện VPHC với lỗi cố ý. Tuy nhiên, sau khi vi phạm thì người chưa thành niên có ý thức, thái độ, hành vi hướng thiện. Chính ý thức, thái độ, hành vi của người chưa thành niên sau khi vi phạm mới là chìa khóa quan trọng, phản ánh sự nhận thức hối cải của chủ thể. Do đó, trên cơ sở hệ số tương đối không quá 1/2 trong Luật Xử lý VPHC, cần quy định rõ ràng nguyên tắc xác định mức phạt tiền áp dụng đối với người chưa thành niên căn cứ vào các tình tiết liên quan đến ý thức, thái độ, hành vi.
4. Quy định chi tiết trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay nghĩa vụ nộp tiền phạt trong trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC mà không có tiền nộp phạt
Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC quy định: “Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC mà không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
Mục đích chính của việc thực hiện thay nghĩa vụ này là nhằm xác định trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với con em mình. Nói cách khác, đây là hậu quả bất lợi mà cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên phải gánh chịu vì đã không thực hiện nghĩa vụ giáo dục, chăm sóc người chưa thành niên một cách đầy đủ, đúng mực[7]. Trong trường hợp này, nếu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay cho người chưa thành niên thì quyết định xử phạt VPHC xem như được thi hành. Ngược lại, nếu cha mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay thì sẽ giải quyết như thế nào? Liệu rằng người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC quy định tại Điều 86 Luật Xử lý VPHC hay không?
Nội dung các biện pháp quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý VPHC là nhằm bảo đảm thi hành các quyết định phạt tiền cho thấy, các biện pháp này chỉ áp dụng đối với người VPHC; đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên - những người không VPHC thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế này. Trên thực tế, có khá nhiều quyết định phạt tiền đối với người chưa thành niên không thể thi hành bởi người chưa thành niên không có tiền nộp phạt, cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên tuy có tiền, có tài sản nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay cho người chưa thành niên[8]. Người có thẩm quyền cũng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Đây là một thiếu sót cần được khắc phục.
5. Quy định rõ nghĩa vụ của cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC
Theo quy định của Điều 135 Luật Xử lý VPHC, người chưa thành niên VPHC có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt: i) Cảnh cáo; ii) Phạt tiền; iii) Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Trong các hình thức xử phạt trên thì hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng đối với tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC nghiêm trọng, do lỗi cố ý của người chưa thành niên. Thế nhưng trên thực tế, xuất hiện trường hợp người chưa thành niên thực hiện VPHC nghiêm trọng với lỗi cố ý, tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm nhưng lại không bị tịch thu. Đó là trường hợp tang vật, phương tiệnbị chiếm đoạt, sử dụng trái phép (ví dụ: dùng xe trộm cắp để thực hiện hành vi đua xe trái phép). Theo đó, đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, người chưa thành niên vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Nếu không nộp thì bị cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ[9].
Tuy nhiên, phần lớn người chưa thành niên không có thu nhập, tài sản riêng nên việc buộc người chưa thành niên phải nộp khoản tiền tương đương là bất khả thi. Bên cạnh đó, pháp luật xử phạt VPHC cũng không quy định nghĩa vụ của cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp một khoản tiền tương đương thay thế trong trường hợp người chưa thành niên VPHC không thể nộp.
Theo chúng tôi, để bảo đảm cho việc thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm không nộp một khoản tiền tương đương, cần quy định chi tiết nghĩa vụ này thuộc vềcha mẹ hoặc người giám hộ. Trên thực tế, trong trường hợp người vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC mà tang vật, phương tiện thuộc diện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép thì tang vật, phương tiện này sẽ được quy đổi ra khoản tiền tương đương rồi cộng với số tiền phạt./.
           

 


* Bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài nghiên cứu khoa học “Xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên ở Việt Nam - Thực trạng và hướng hoàn thiện” do TS. Cao Vũ Minh làm chủ nhiệm.
[1]Phạm Thị Thanh Nga - Nguyễn Xuân Tĩnh, “Trẻ em” và “người chưa thành niên” trong pháp luật Việt Nam: nhìn từ nghĩa vụ thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập phápsố 15, năm 2017.
[2]Cao Vũ Minh, “Hoàn thiện quy định pháp luật về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nhằm bảo vệ quyền của người chưa thành niên theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20, năm 2015.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tâm lý học tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, năm 2017 tr. 116.
[4] Hoàng Minh Khôi, “Đặc điểm và một số nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên”, Tạp chí Nghiên cứu Lập phápsố 14, năm 2012.
[5]Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật Xử lý VPHC.
[6]Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên), Bình luận khoa học Luật Xử lý VPHC năm 2012 (tái bản lần thứ 1), Nxb. Hồng Đức, năm 2017, tr. 798.  
[7]Nguyễn Thị Phương Châm, “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra từ góc nhìn pháp luật so sánh”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5, năm 2020.
[8]Báo cáo số 265/BC-UBNDtổng kết công tác tư phápnăm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, ngày 27/11/2019; Công văn số 779/STP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 10/11/2020 của Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC năm 2020.
[9]Theo khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý VPHC và khoản 4 Điều 11a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).