Bảo đảm quyền tham gia của công dân trên nền tảng kỹ thuật số

05/04/2021

Tóm tắt:Trong nền quản trị mở, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo - chủ thể trung tâm trong việc kết nối, phối hợp, hợp tác giữa khu vực công và các tác nhân khác ngoài khu vực công. Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của công dân trên nền tảng kỹ thuật số (e-participation), thể hiện qua quá trình ra quyết định, quá trình tham vấn và quản lý thông tin - dữ liệu được nâng tầm về kỹ thuật trên nền tảng kỹ thuật số, và được nâng tầm về thể chế dựa vào sự minh bạch và hợp tác. Từ bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia, có thể thấy các hình thức e-participation ngày càng đa dạng và ngày càng trở nên phổ biến. Sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số được thực hiện hiệu quả trên diện rộng sẽ là đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và trách nhiệm của Nhà nước. Ở Việt Nam, sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số chỉ mới phát triển ở việc công khai và vận hành một số thủ tục hành chính trên môi trường internet, và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhằm xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
Từ khóa: Quyền tham gia trên nền tảng kỹ thuật số; sự tham gia số; e-participation; chính phủ điện tử; chính phủ mở.
Abstract: In open governance, the State plays a key role - the central entity in the connection, coordination, and cooperation among the public sector and other elements outside the public sector. The State should promote citizen participation on the digital platform (e-participation) through its policy decision-making, consultation, enhancing its management of information - data on a digital platform, and its enhanced institution based on transparency and collaboration approach. From the lessons learned from foreign countries, it can be seen that e-participation is widely applied in several manners and is coming more and more popular. The participation on a digital platform effectively implemented on a large scale will be a breakthrough in improving the efficiency of governance and the responsibility of the State. In Vietnam, digital participation is only developed in the publicity and operation of a number of administrative procedures on internet environment, and there is a need to further strengthen to develop a successful e-Government.
Keywords: Right to digital platform participation; e-participation; e-participation; e-government; open government.
 NỀN-TẢNG-KỸ-THUẬT-SỐ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về quyền tham gia trên nền tảng kỹ thuật số
Sự tham gia hay quyền tham gia (participation) là một khía cạnh quan trong của quản trị công hiện đại và đồng thời là trụ cột của phát triển bền vững[1]. Ở Việt Nam, thuật ngữ “quyền tham gia” thường là cách viết ngắn gọn của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Quyền tham gia lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1980 tại Điều 56: “Công dân có quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội”. Sau đó, Hiến pháp năm 1992 quy định rõ hơn tại Điều 53 như sau: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Ở đây, quyền tham gia đã được gắn với quyền thảo luận, kiến nghị và quyền biểu quyết trưng cầu ý dân. Nếu hiểu quyền tham gia bao gồm cả quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, thì Hiến pháp năm 1946 đã phần nào quy định về quyền tham gia qua quyền phúc quyết (tại các Điều 21, 32 và 70).
Kế thừa các Hiến pháp Việt Nam trước đó, Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Tham khảo các văn kiện quốc tế về quyền con người, có thể thấy, quyền tham gia được thừa nhận rộng rãi như một quyền con người. Tuy nhiên, quyền này không có phạm vi nhất quán mà có sự khác nhau giữa các quốc gia và cũng có thể khác nhau giữa các thời kỳ ở một quốc gia. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) đều có những quy định phản ánh khá rõ nét về quyền tham gia các hoạt động của chính quyền (the right to take part in the government; the right and the opportunity to take part in the conduct of public affairs)[2]. Đây là quy định khái quát về quyền tham gia. Thông thường, theo pháp luật quốc tế, quyền tham gia của công dân được thực hiện thông qua các quyền dân sự, chính trị như quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
Hiến pháp một số quốc gia như Nga và Trung Quốc có những nét tương đồng với Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “1. Công dân Liên bang Nga có quyền tham gia quản lý nhà nước một cách trực tiếp cũng như thông qua các đại biểu dân cử. 2. Công dân Liên bang Nga có quyền bầu và được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, cũng như tham gia trưng cầu ý dân” (Điều 32); “Công dân Liên bang Nga có quyền kiến nghị trực tiếp, hoặc gửi kiến nghị cá nhân và tập thể đến các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương” (Điều 33).
Điều 41 Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1982 quy định: “Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và kiến nghị đối với bất kỳ cơ quan nhà nước hoặc nhân viên của cơ quan nhà nước; công dân có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc tố giác đối với bất kỳ hành vi không làm tròn trách nhiệm, trái pháp luật của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên cơ quan nhà nước, nhưng không được phép bịa đặt hoặc bẻ cong sự thật để vu cáo hãm hại”.
Quyền tham gia là một quyền con người, đồng thời là một định hướng chính trị. Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị không nên chỉ được xem xét riêng biệt mà cần đặt trong mối liên hệ với các quyền liên quan mật thiết khác. Đó chính là các quyền được quy định tại Hiến pháp năm 2013: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu dân ý, quyền khiếu nại, tố cáo. Tương tự, Hiến pháp một số quốc gia cũng đề cập đến quyền tham gia quản lý nhà nước đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quyền bầu cử, ứng cử, kiến nghị.
Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ mở, Chính phủ điện tử ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số (STGKTS) đòi hỏi cần áp dụng mạnh mẽ ứng dựng công nghệ thông tin (ICT). Mô hình Chính phủ mở đề xuất xây dựng khung lý thuyết, hệ bằng chứng và chương trình chính sách nhằm hướng chính phủ hợp tác với các nhân tố ngoài khu vực công để xử lý những thách thức toàn cầu lâu dài[3]. Năm 2008, Tổng thống Hoa Kỳ Obama xây dựng đề án Định hướng Chính phủ mở (Open Government Directive) nhằm thiết lập một hệ thống minh bạch, có sự tham gia và hợp tác[4]. Từ ý tưởng này, hai học giả Lee và Kwak đã đề xuất 5 cấp độ của Chính phủ mở dựa trên nền tảng truyển thông đa phương tiện kỹ thuật số: Mức độ 1: điều kiện ban đầu (cung cấp thông tin, truyền tin); Mức độ 2: minh bạch dữ liệu (minh bạch các thủ tục pháp lý và hoạt động của chính phủ; chất lượng dữ liệu); Mức độ 3: tham gia mở (phản hồi, trao đổi, bỏ phiếu và nêu ý tưởng cho hoạt động công cộng; giao tiếp tương tác; thu thập ý kiến dư luận); Mức độ 4: hợp tác mở (hợp tác liên cơ quan; hợp tác mở với công chúng; cùng tạo ra các dịch vụ gia tăng); Mức độ 5: cam kết diện rộng (tăng cường minh bạch, sự tham gia và hợp tác; cam kết công diện rộng và liên tục; cam kết công tích hợp)[5]. Trong đó, STGKTS thể hiện các cấp độ cao của Chính phủ điện tử.
2. Kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm quyền tham gia của công dân trên nền tảng kỹ thuật số
Trong những năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới, quyền tham gia của công dân trên nền tảng kỹ thuật số ngày càng được quan tâm với tư cách là một thành tố thiết yếu của Chính phủ điện tử trong một nền quản trị mở.
-Đảm bảo quyền tham gia thông qua nền quản trị mở
Trong nghiên cứu Open governance systems: Doing more with more,[6] tác giả Jeremy Millard đã phân tích và đề xuất các hệ thống quản trị mở - trong đó chủ thể trung tâm là Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối, phối hợp, hợp tác giữa khu vực công và các tác nhân khác ngoài khu vực công. Theo Millard, mặc dù khu vực công trên nguyên tắc có thể tự tạo lập ra giá trị công, giá trị công này sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu Nhà nước hợp tác với các chủ thể khác ngoài khu vực công. Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng không còn độc quyền trong quá trình này[7]. Hợp tác nhiều hơn với các tác nhân khác ngoài khu vực công là chiến lược khôn ngoan của Nhà nước nhằm tạo ra nhiều giá trị hơn – như Millard mô tả “làm được nhiều hơn với nhiều hoạt động hơn”.
Mặc dù xu thế hợp tác công – tư ngày càng được đề cao, Jeremy Millard cũng lưu ý Nhà nước vẫn là trọng tâm. Nhà nước vẫn phải đảm trách những hoạt động mà khu vực tư không thể làm được. Nhà nước vẫn phải đảm bảo chất lượng thể chế và khung luật lệ - làm “phần mềm” để “phần cứng” (các chủ thể, tác nhân nêu trên) có thể hoạt động tốt. Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ công và hiệu quả hoạt động của mình. Là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm trước toàn xã hội, Nhà nước vẫn phải đảm bảo xây dựng các giá trị công bền vững và cân bằng – qua đó, lợi ích của các nhóm trong xã hội được bảo đảm “công bằng” và “cân đối” một cách ổn định, lâu dài[8].
Gần đây, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2017 với chủ đề “Quản trị và pháp luật[9] cũng tiếp cận vấn đề quản trị theo hướng quản trị mở nêu trên. Theo đó, quản trị được định nghĩa là quá trình mà qua đó, Nhà nước và các nhân tố phi nhà nước tương tác nhằm xây dựng và thực thi chính sách trong khuôn khổ một hệ thống những quy tắc chính thức và phi chính thức vốn định hình quyền lực và cũng được định hình bởi quyền lực[10]. Khái niệm này được quan niệm và áp dụng rất rộng khi quản trị xuất hiện ở nhiều cấp độ, từ tổ chức quốc tế tới thể chế quốc gia, chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Các nhân tố này tác động qua lại với những lợi ích đan xen, tạo nên một hệ thống tương tác phức tạp[11].
Vấn đề STGKTScũng nằm trong xu hướng quản trị hiện đại nêu trên. Có thể hiểu STGKTSlà sự giao thoa của bốn yếu tố: (1) STGKTS (E-participation)đòi hỏi một môi trường Chính phủ điện tử được xây dựng (E-government); (2) STGKTSđòi hỏi sự minh bạch; (3) STGKTSđòi hỏi sự hợp tác, phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư (inclusion); (4) STGKTSđòi hỏi sự nâng tầm của chính sự tham gia theo cách hiểu truyền thống. Theo đó, STGKTS thể hiện qua việc các lĩnh vực truyền thống của nó (quá trình ra quyết định, quá trình tham vấn, và quản lý thông tin-dữ liệu) được nâng tầm về kỹ thuật trên nền tảng kỹ thuật số (Chính phủ điện tử) và nâng tầm về thể chế dựa vào sự minh bạch và hợp tác[12].
-Sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số cần thúc đẩy sự phối hợp, hỗ trợ và hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư trong cung ứng dịch vụ công
Thực tiễn ở một số quốc gia cho thấy, nhiều chính sách công thất bại vì các lý do: thiếu cam kết chính trị mạnh mẽ của giới chính khách, thiếu sự hợp tác, phối hợp, tương tác hiệu quả giữa các thiết chế nhà nước với nhau và giữa các thiết chế nhà nước với các thiết chế phi nhà nước. Vì vậy, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2017 dành hẳn một chương bàn về giải pháp thúc đẩy sự thương lượng và thích nghi trong giới tinh hoa của một quốc gia – qua đó, khuyến khích họ tham gia vào tiến trình cải cách một cách tích cực, thực chất và đáng tin cậy.
Những lợi ích của dịch vụ công mở giúp nâng cao minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả phòng, chống tham nhũng.Trong bối cảnh quản trị mở, việc cung ứng dịch vụ công cũng mang tính “mở” – tức tăng cường sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của Nhà nước cũng như tổ chức cung ứng dịch vụ. Rõ ràng cách cải cách dịch vụ công mở sẽ trực tiếp đem lại lợi ích cho người dân và làm nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
Sự tham gia của tư nhân vào tạo lập, xây dựng, cung ứng dịch vụ công ngày càng được chấp nhận nhiều hơn từ cả khu vực công và khu vực tư. Các tổ chức này vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Tuy nhiên, các mối quan ngại về tính bình đẳng, minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng tỷ lệ thuận với sự tham gia này. Nhằm đảm bảo công bằng và bình đẳng trong dịch vụ công, Nhà nước cần lưu ý giải quyết tốt các mối quan hệ sau: (i) Công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức thuộc khu vực công với nhau; (ii) Công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức thuộc khu vực công với các tổ chức thuộc khu vực tư; (iii) Công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức thuộc khu vực tư trong cung ứng dịch vụ công; (iv) Công bằng, bình đẳng cho người tiếp cận dịch vụ công của một tổ chức.
-Sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số là đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và trách nhiệm của Nhà nước
Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2017 gợi ý một giải pháp nhằm đạt được pháp luật hiệu quả là tạo ra môi trường, diễn đàn, cơ hội để các nhóm xã hội (đặc biệt các nhân tố ít được đại diện nói lên tiếng nói) thực hiện phản biện, thảo luận những chính sách của chính quyền[13]. Mới gần đây, Báo cáo của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử đã phân tích khá lý thú về các hình thức STGKTS theo mức độ chính trị hóa và mức độ tham gia. Báo cáo đã mô tả về các hình thức tham gia trên nền tảng kỹ thuật số (E-participation) theo mức độ chính trị hóa và mức độ tham gia.[14]. Qua đó, có thể thấy ba lĩnh vực hoạt động của Nhà nước được xếp theo mức độ chính trị hóa từ thấp đến cao là: (1) Cung ứng dịch vụ công; (2) Xây dựng chính sách; (3) Thảo luận chính trị. Ngoài ra, có thể sắp xếp các mức độ tham gia từ thấp đến cao là: (1) Công khai thông tin; (2) Tham vấn, góp ý; (3) Hợp tác; (4) Trao quyền. Từ sự biến thiên của tính chính trị hóa và sự tham gia, chúng ta thấy một loạt các hình thức tham gia trên nền tảng kỹ thuật số thời nay.
Cũng trên triết lý đó, Báo cáo Việt Nam 2035 lập luận “các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và tôn giáo sẽ tham gia tích cực hơn trong đời sống cộng đồng, bao gồm cả việc tham gia giám sát kết quả hoạt động của Nhà nước và thực thi vai trò là đối tác của các cơ quan nhà nước khi triển khai các hoạt động hoặc chương trình vì lợi ích chung”[15]. Sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội và người dân đối với việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước là thiết yếu nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2035, “Nhà nước Việt Nam sẽ có một hệ thống vận hành hiệu quả cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhà nước và tăng cường năng lực của người dân trong việc quy trách nhiệm đối với Nhà nước”[16].
3. Bảo đảm quyền tham gia trên nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam
-Xây dựng chính sách về sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48) đã bàn về một số nội dung liên quan đến quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân. Năm 2016, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định “mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước”[17].
Chính sách về sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật sốthường được lồng ghép vào các chính sách về chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 36). Nghị quyết số 36 đưa ra chính sách “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp”.
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục đưa ra 5 nhiệm vụ ưu tiên để xây dựng Chính phủ điện tử đến 2020: (1) Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; (2) Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; (3) Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ; (4) Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người; (5) Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình[18].
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam hiện nay (Hiến pháp và một số văn bản luật) đã ghi nhận và quy định khá đầy đủ các khía cạnh của quyền tham gia, giám sát của nhân dân, của công dân. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn một số hạn chế. Chính sách về sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật sốcòn chưa rõ nét trong các văn kiện của Đảng cũng như văn bản pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện các quyền hiến định liên quan mật thiết đến phạm trù quyền tham gia (quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền bầu cử, ứng cử, quyền trưng cầu dân ý, quyền khiếu nại, tố cáo) còn nhiều trở ngại, vướng mắc.
-Bảo đảm sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số khi xây dựng Chính phủ điện tử
Có thể thấy các hình thức STGKTS ngày càng đa dạng và phổ biến, từ bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia. Nếu thực hiện được đa phần các hình thức vừa nêu một cách hiệu quả, STGKTS sẽ là đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam STGKTS chỉ mới phát triển manh nha ở việc công khai và vận hành một số thủ tục hành chính trên môi trường Internet (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4), mặc dù xây dựng Chính phủ điện tử là chủ trương cả thập kỷ nay. Chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử thực sự đòi hỏi sự tham gia trên nền tảng kỹ thuật số được thực hiện một cách đa dạng và thẩm thấu vào các hoạt động của Nhà nước.
Với chủ trương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, có thể kỳ vọng STGKTS sẽ thúc đẩy sự phối hợp, hỗ trợ và hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư trong cung ứng dịch vụ công. Hiện nay, chúng ta có thể thấy hiệu quả của STGKTS rõ rệt nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (thuộc nhóm cải cách dịch vụ hành chính công). Những cải cách mạnh mẽ tiếp theo sẽ mở rộng tới cách nhóm dịch vụ công khác (dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích). Đây là một xu thế tất yếu trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19.
Tài liệu tham khảo
1.      UN Department of Economic and Social Affairs, United Nations E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, New York, 2020, publicadministration.un.org.
2.      United Nations, United Nations E-Government Survey 2016: E-Government in Support of Sustainable Development, Sales No. E.16.II.H.2 (New York, 2016), available for download at https://publicadministration.un.org/en/research/un-e-governmentsurveys.
3.      David Le Blanc, “E-participation: a quick overview of recent qualitative trends”, DESA Working Paper No. 163, ST/ESA/2020/DWP/163 (January 2020), p. 4, available at https://www.un.org/esa/desa/papers/2020/wp163_2020.pdf, citing Øystein Sæbø, Jeremy Rose and Leif Skiftenes Flak, “The shape of eparticipation: characterizing an emerging research area”, Government Information Quarterly, vol. 25, No. 3 (July 2008)
4.      Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
5.      Kết luận 01-KL/TW ngày 04 tháng 04 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
6.      Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, đẩy lùi nạn tham nhũng (Bài trên Báo điện tử Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chinh-phu-dien-tu-la-xu-huong-tat-yeu-day-lui-nan-tham-nhung469020.html).
7.      Jeremy Millard, Open governance systems: Doing more with more, Government Information Quarterly (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.giq.2015.08.003.
8.      World Bank, World Development Report 2017: Governance and the Law, 2017 (http://www.worldbank.org/en/publication/wdr2017).
9.      Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, 2016./.

 


[1] UN Department of Economic and Social Affairs, United Nations E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, New York, 2020, publicadministration.un.org, tr. 115.
[2] UDHR, Article 21:
“(1) Everyone has the right to take part in the government of his country, directly or through freely chosen representatives.
(2) Everyone has the right of equal access to public service in his country.
(3) The will of the people shall be the basis of the authority of government; this will shall be expressed in periodic and genuine elections which shall be by universal and equal suffrage and shall be held by secret vote or by equivalent free voting procedures”.
ICCPR, Article 25:
“Every citizen shall have the right and the opportunity, without any of the distinctions mentioned in article 2 and without unreasonable restrictions:
(a) To take part in the conduct of public affairs, directly or through freely chosen representatives;
(b) To vote and to be elected at genuine periodic elections which shall be by universal and equal suffrage and shall be held by secret ballot, guaranteeing the free expression of the will of the electors;
(c) To have access, on general terms of equality, to public service in his country”.
[3] Jeremy Millard, Open governance systems: Doing more with more, Government Information Quarterly (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.giq.2015.08.003, p.4.
[4] https://obamawhitehouse.archives.gov/open/documents/open-government-directive.
[5] Lee, G., & Kwak, Y. H. (2012). An open government maturity model for social media-based public engagement. Government Information Quarterly, 29 (Issue 4), 492–503 (October 2012), pp. 496-497.
[6] Jeremy Millard, Open governance systems: Doing more with more, Government Information Quarterly (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.giq.2015.08.003.
[7] Jeremy Millard, Open governance systems: Doing more with more, Government Information Quarterly (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.giq.2015.08.003, p. 8.
[8] Jeremy Millard, Open governance systems: Doing more with more, Government Information Quarterly (2015), p.10.
[9] World Bank, World Development Report 2017: Governance and the Law, 2017 (http://www.worldbank.org/en/publication/wdr2017).
[10] World Bank, World Development Report 2017: Governance and the Law, 2017, p. 3.
[11] World Bank, World Development Report 2017: Governance and the Law, 2017, p. 3.
[12] United Nations, United Nations E-Government Survey 2016: E-Government in Support of Sustainable Development, Sales No. E.16.II.H.2 (New York, 2016), available for download at https://publicadministration.un.org/en/research/un-e-governmentsurveys, p.116.
[13] World Bank, World Development Report 2017: Governance and the Law, 2017, p. 97.
[14] United Nations, United Nations E-Government Survey 2016: E-Government in Support of Sustainable Development, Sales No. E.16.II.H.2 (New York, 2016), available for download at https://publicadministration.un.org/en/research/un-e-governmentsurveys, p. 116.
[15] Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, 2016, tr. 109.
[16] Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, 2016, tr. 118.
[17] Kết luận 01-KL/TW ngày 04 tháng 04 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[18] Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, đẩy lùi nạn tham nhũng (Bài trên Báo điện tử Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chinh-phu-dien-tu-la-xu-huong-tat-yeu-day-lui-nan-tham-nhung-469020.html).