Quản lý sản phẩm thuốc lá mới trên thế giới, khuyến nghị cho Việt Nam

16/03/2021

Tóm tắt: Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm Thuốc lá điện tử (ENDS) và Thuốc lá nung nóng (HTPs) hiện đanglà mối đe dọa khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Việc cho phép sử dụng ENDS và HTPs ở nhiều quốc gia trên thế giới tạo ra nhiều thách thức mới cho Chính phủ các quốc gia trong việc bảo vệ thanh thiếu niên và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá nói chung. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ENDS và HTPs gây hại sức khỏe và tác động của sản phẩm này đối với thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các đánh giá về tác động cần phải được xem xét ở cả cấp độ cá nhân (người sử dụng) và cả quần thể (cộng đồng).
Từ khóa: Sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá.
Abstract: Emerging Tobacco Products including Electronic Nicotine Delivery Systems (ENDS) and Heated Tobacco Products (HTPs) are an urgent threat to public health across the globe. The introduction of ENDS and HTPs in countries around the world poses new challenges to governments wanting to protect youth and reduce tobacco use. The evidence around the health harms from ENDS, HTPs and their impact on young people is evolving, especially in the context of the COVID-19 pandemic. Any assessment of the evidence has to consider the impact on both individual smokers and the population as a whole.
Keywords: Emerging tobacco products; electronic nicotine delivery systems; heated tobacco products; policy for tobacco products.
 Thuốc-lá-điện-tử_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá mới trên thế giới
Hiện nay, nhìn chung các quốc gia trên thế giới chưa có xu thế rõ ràng trong việc quản lý các sản phẩm thuốc lá mới. Mỗi quốc gia đưa ra các chính sách khác nhau dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng nhiều khía cạnh như cơ sở pháp lý, nguồn lực và quy trình, năng lực để theo dõi, giám sát và quản lý sản phẩm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá hiện hành và quy mô thị trường của các sản phẩm thuốc lá mới.
a) Đối với thuốc lá điện tử (ENDS)
Các quốc gia đang áp dụng chính sách quản lý ENDS theo 3 hướng chính sau:
i) Cấm hoàn toàn ENDS
Trong số các quốc gia áp dụng chính sách cấm hoàn toàn ENDS (như cấm sản xuất, lưu thông, nhập khẩu, bán, quảng cáo…), có ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn ENDS. Ở các quốc gia này, thị trường cho ENDS phần lớn còn nhỏ, độ bao phủ thấp, các biện pháp thực thi theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (Công ước khung FCTC) chưa được áp dụng toàn diện hoặc cần nhiều nỗ lực để mang lại kết quả bền vững. Bên cạnh đó, ở các quốc gia này, việc cấm hoàn toàn ENDS được xem xét dựa trên “nguyên tắc cẩn trọng”. Bởi lẽ, cho đến nay, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa khẳng định được nguy cơ tổng thể hay lợi ích tiềm năng của việc hút các sản phẩm thuốc lá mới. Song có một điều chắc chắn rằng, việc phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện nicotine là có hại, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do đó, việc cấm có thể được áp dụng cho đến khi có thêm nghiên cứu và thông tin đầy đủ hơn.
ii) Quy định ENDS như dược phẩm và thuốc điều trị
Hiện nay, ít nhất 7 quốc gia/vùng lãnh thổ gồm Úc, Chile, Hong Kong, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan và Venezuela đã cho phép ENDS được bán dưới dạng dược phẩm hoặc thuốc điều trị. Tại các quốc gia này, Chính phủ có đủ nguồn lực để tiến hành đánh giá từng trường hợp, xem xét cả sự đa dạng của các tinh dầu (e-liquids), thiết bị và sự phát thải các chất độc từ ENDS cùng với hệ thống/quy trình phê duyệt thuốc, điều trị chặt chẽ. Trên thực tế, quy định này là cấm bán, bởi hiện nay chưa có sản phẩm ENDS nào được cấp phép là sản phẩm thuốc hỗ trợ cai thuốc lá.
iii) Quản lý chặt chẽ bằng các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá
ENDS hiện chịu sự điều chỉnh của các quy định của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) tại 28 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu cũng như một số quốc gia phát triển như Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ quản lý. Tại các quốc gia phát triển này, các biện pháp trong FCTC đã được áp dụng chặt chẽ và các kết quả thực hiện đang được giám sát tốt. Ngoài ra, Chính phủ các quốc gia này có đủ nguồn lực để giám sát và truyền thông về việc ngăn ngừa sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ và các nhóm dễ tổn thương.
b) Đối với thuốc lá nung nóng (HTPs)
Khác với ENDS, sản phẩm HTPs được các quốc gia áp dụng quy định rất khác nhau. Hiện nay, có ít nhất 17 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm HTPs[1]. Trong đó, nhiều quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Brunei đã cấm buôn bán, nhập khẩu sản phẩm HTPs.
Một số quốc gia khác như Canada, Belarus, Moldova, Georgia, Israel, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Thuỵ Điển áp dụng quy định mới và riêng biệt nhằm kiểm soát HTPs theo khuôn khổ của luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Các quốc gia áp dụng biện pháp quản lý này căn cứ trên cơ sở thị trường thuốc lá trong quốc gia đã hình thành, phát triển ở mức độ nhất định, các biện pháp theo FCTC đã đủ thời gian để mang lại kết quả. Bên cạnh đó, Chính phủ có đủ nguồn lực và cam kết mạnh mẽ truyền thông về việc sử dụng HTPs hợp lý.
            Gần đây, Hoa Kỳ, Ý và Úc là các quốc gia quy định về sản phẩm này. Tháng 7 năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép Công ty thuốc lá đa quốc gia Philip Morris (PMI) tiếp thị sản phẩm HTPs như một sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ MRTP (Modified Risk Tobacco Products). Có hai loại tiêu chuẩn MRTP mà FDA có thể ban hành “giảm nguy cơ” hoặc “giảm phơi nhiễm”. FDA xác định sản phẩm IQOS của PMI không đáp ứng tiêu chuẩn “giảm nguy cơ”, chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về “giảm phơi nhiễm”. FDA cũng lưu ý rằng, ngay cả khi được cho phép lưu hành trên thị trường thì các sản phẩm này không phải là sản phẩm an toàn và cũng không được “FDA chấp thuận là an toàn”. FDA bác bỏ việc tiếp thị rằng, việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác hoặc là sản phẩm giảm hại đối với sức khỏe. Sau công bố của FDA, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố rằng, việc tuyên bố HTPs ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống có thể gây hiểu nhầm. Hơn nữa, các yêu cầu liên quan đến cấp giấy phép thị trường tạm thời Hoa Kỳ chỉ dựa trên các yếu tố cụ thể đối với Hoa Kỳ - không phải là thành viên tham gia Công ước khung FCTC.  WHO cũng nhấn mạnh, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe và kêu gọi thực hiện đầy đủ Công ước khung FCTC. Tháng 6/2020, Bộ Y tế của Italia từ chối đơn xin phê duyệt IQOS và Heet là những sản phẩm giảm hại[2]. Cục Quản lý Sản phẩm Trị liệu của Bộ Y tế Úc (TGA) quy định các sản phẩm có chứa nicotine mới bị cấm bởi nicotine được xếp loại là loại “chất độc nguy hiểm” vào tháng 8/2020. TGA cũng nhấn mạnh về việc thiếu bằng chứng thuyết phục trong việc mang lại sức khoẻ cho cộng đồng nếu cho phép sử dụng HTPs[3].
2. Chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá mới ở các quốc gia ASEAN
Trong khu vực ASEAN, ngoài Malaysia quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử theo quy định như dược phẩm/ thuốc điều trị, phần lớn các quốc gia ASEAN đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới (Brunei, Lào, Singapore, Campuchia và Thái Lan).
Bài-thuốc-lá.-hình-trong-bài.pngTại Brunei, quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2005, ENDs và HTPs được xếp vào các loại sản phẩm mô phỏng thuốc lá và quy định cấm bán, khuyến mại hoặc nhập khẩu[4]. Lý do Brunei ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới xuất phát từ việc các sản phẩm này đang hấp dẫn người trẻ sử dụng nhiều hơn; trong khi đó, Chính phủ Brunei đang gặp khó khăn trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Brunei là do các bệnh không lây nhiễm.
            Tại Campuchia, Thái Lan, các sản phẩm thuốc lá mới được điều chỉnh bởi văn bản luật ngoài ngành y tế. Nhận thấy việc kiểm soát sử dụng các sản phẩm thuốc lá hiện tại đã vô cùng khó khăn và gây ra gánh nặng về kinh tế và xã hội, Chính phủ các quốc gia này đã ban hành quy định cấm để tránh tạo ra thêm vấn đề y tế công cộng khác. Năm 2014, Bộ Công thương Thái Lan ban hành thông tư cấm nhập khẩu, kinh doanh tất cả các loại ENDS và  HTPs[5]. Cũng trong năm này, Uỷ ban Phòng, chống ma tuý quốc gia Campuchia đã ban hành thông tư nhằm ngăn chặn và loại bỏ tiêu thụ, buôn bán, nhập khẩu Shisha và ENDS[6]. Sau đó, năm 2015, Uỷ ban Bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Thái Lan cũng ban hành Điều lệnh số 9 về việc cấm bán và các dịch vụ liên quan đến ENDS[7].
            Để kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới, Lào, Singapore đã ban hành văn bản quy định riêng. Theo Luật Kiểm soát quảng cáo và buôn bán thuốc lá năm 2014, Bộ Y tế Singapore có thẩm quyền ban hành danh mục các sản phẩm thuốc lá mới bị cấm nhập khẩu, phân phối, bán, khuyến mại[8]. Việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới được coi như là một biện pháp ngăn ngừa giúp bảo vệ sức khoẻ của người dân trước những tác hại đã biết của thuốc lá mới. Bên cạnh đó, quy định cấm cũng đảm bảo việc các sản phẩm thuốc lá mới không thao túng thị trường, không làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, ngăn chặn những người chưa hút thuốc bắt đầu sử dụng thuốc lá. Năm 2018, Chính phủ Lào cũng ban hành Thông tư cấm nhập khẩu, phân phối/buôn bán, tiêu dùng ENDS và Shisha[9].
3. Pháp luật quốc tế
Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là thành viên, quy định về “mối quan hệ giữa Công ước này với các hiệp ước và các văn kiện pháp lý khác”, nêu rõ: “Để bảo vệ tốt hơn cho sức khoẻ con người, các Bên được khuyến khích thi hành các biện pháp khác ngoài các biện pháp được yêu cầu trong Công ước này và các nghị định thư có liên quan, và không có quy định nào trong các văn kiện này ngăn cản một Bên áp đặt những yêu cầu chặt chẽ hơn nhất quán với các điều khoản của các văn kiện đó và phù hợp với luật pháp quốc tế[10]. Do đó, các quốc gia thành viên của Công ước có thể xây dựng, áp dụng các biện pháp nằm ngoài yêu cầu của Công ước, đặc biệt với những vấn đề mới phát sinh cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học công nghệ mới, bao gồm cả việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới.
Hội nghị lần thứ 8 các Bên tham gia Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá đã khuyến cáo các Bên tham gia về các sản phẩm thuốc lá mới như HTPs, các loại thiết bị để sử dụng các sản phẩm này cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu của các sản phẩm thuốc lá mới; bảo vệ sức khoẻ của mọi người khỏi việc phơi nhiễm với các khí thải; bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá khỏi tất cả các lợi ích thương mại và các lợi ích được giao khác liên quan đến các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, bao gồm các lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá[11]. WHO cũng khẳng định việc “quy định bao gồm cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, theo tình hình của mỗi quốc gia” là một trong những lựa chọn nhằm đảm bảo lợi ích sức khỏe cho con người.
4. Khuyến nghị cho Việt Nam
Báo cáo toàn cầu WHO về đại dịch thuốc lá năm 2019 nêu rõ: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là việc thực thi môi trường không khói thuốc lá, thí điểm dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá, thực thi cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá[12]. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Kết quả điều tra GATS 2015 cho thấy, Việt Nam có trên 800.000 người đang hút có mong muốn bỏ thuốc trong 1 tháng qua[13]. Việc xuất hiện những sản phẩm mới, được quảng cáo hấp dẫn sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng (đặc biệt ở giới trẻ), đồng thời, kìm hãm nỗ lực cai nghiện thuốc lá hoàn toàn của người đang hút thuốc và có nhu cầu bỏ thuốc. Trong khi đó, bản chất sản phẩm này vẫn là lệ thuộc chất gây nghiện nicotine, gây những ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới. Như vậy, việc cho phép sản phẩm này trên thị trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực thực hiện chiến lược “Monitoring, Protect, Offer, Warn, Enforce, Raise (MPOWER) và những kết quả đã đạt được về cai nghiện vốn không dễ dàng trước đó. 
            Ở các quốc gia, nơi có quy định yếu hoặc trì hoãn việc cấm sản phẩm này đã cho thấy sự gia tăng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ. Tại Hoa Kỳ, việc cấm các loại sản phẩm ENDS có hương vị chỉ diễn ra tại 5 bang (California, Massachusetts, New Jersey, New York và Rhode Island). Tỷ lệ học sinh trung học hiện đang sử dụng ENDS đã tăng từ 11,7% năm 2017 lên 19,6% vào năm 2020[14]. Tại Canada, ENDS trước đây đã bị cấm nhưng luật đã thay đổi cho phép bán vào năm 2018, cho phép tiếp thị hạn chế. Việc sử dụng ENDS ở thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi (từ 10% trong năm 2016-2017 lên 20% trong năm 2018-2019)[15]. Theo Báo cáo của Khảo sát Thuốc lá thanh niên toàn cầu (GYTS), tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở thanh niên tăng lên tại một số quốc gia như: Romania từ 6,7% năm 2013 lên 8,2% năm 2017[16]; Georgia từ 5,7% năm 2014 lên 13,2% in 2017[17]; Italy từ 7,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018[18].
            Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều gây hại cho sức khoẻ. Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới vẫn còn cao (45.3%) và hơn 34.5 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá[19]. Từ thực trạng triển khai các biện pháp MPOWER cũng như xét bối cảnh kinh tế - xã hội, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam không nên cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá trên thị trường. Điều này là cần thiết để đảm bảo thực thi toàn diện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, cũng như quy định về giảm cung, giảm cầu thuốc lá trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá./.
 

 


[1] Panama, Ethiopia, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Na-uy, Brazil, Singapore, Phần Lan, Malta, Sri Lanka, Brunei, Campuchia, Qatar, Thái Lan và Uganda.
[2] Organized Crime and Corruption Reporting Project (OCCRP). Unsmoking for Health. 2020 Available at: https://www.occrp.org/en/loosetobacco/blowingunsmoke/unsmoking-for-health.
[3] Therapeutic Goods Administration, Department of Health, Australian Government. Notice of final decision to amend (or not amend) the current Poisons Standard – cannabidiol. Available at: https://www.tga.gov.au/scheduling-decision-final/notice-final-decision-amend-or-not-amend-current-poisons-standard-cannabidiol.
[4] Ministry of Health Brunei Darussalam, “Highlights - VAPING IS PROHIBITED BY LAW”. Available at:
[5] Tobacco Control Laws, “Thailand Details”. Available at: https://www.tobaccocontrollaws.org/files/live/Thailand/Thailand%20-%20Ban%20on%20Hookah%2C%20E-Cigs.pdf.
[7] Tobacco Control Laws, “Thailand Details”. Available at: https://www.tobaccocontrollaws.org/files/live/Thailand/Thailand%20-%20Consumer%20Protection%20Board%20Order%20No.%209_2015%20-%20national.pdf.
[8] Tobacco (Control of Advertisements and Sale) (Prohibited Tobacco Products) (Exemption) Regulations 2014 - Singapore Statutes Online. Available at: https://sso.agc.gov.sg/SL/TCASA1993-S768-2014?DocDate=20141127.
[10] WHO Framework Convention On Tobacco Control. Available at: https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/42811/9241591013.pdf;jsessionid=DE179D60F9C59122C08E696887FBCA9B?sequence=1.
[11] WHO Framework Convention On Tobacco Control, “Conference of the Parties to the WHO Framework Convention on Tobacco Control”. Available at: https://www.who.int/fctc/cop/sessions/cop8/FCTC_COP8(22).pdf?fbclid=IwAR3xhLw3K7Y_10PF1_2TMb-64RaR-lIFOGm0tWtu0EBrumnCxUAJ_8lACXw.
[12] World Health Organization, “WHO report on the global tobacco epidemic 2019: offer help to quit tobacco use”. Available at: https://www.who.int/teams/health-promotion/tobacco-control/who-report-on-the-global-tobacco-epidemic-2019&publication=9789241516204.
[13] World Health Organization, “Global Adult Tobacco – Viet Nam 2015”. Available at: https://www.who.int/tobacco/surveillance/survey/gats/VN-2015_FactSheet_Standalone_E_Oct2016.pdf?ua=1
[14] Wang TW, Neff LJ, Park-Lee E, Ren C, Cullen KA, King BA. E-cigarette Use Among Middle and High School Students — United States, 2020. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2020;69:1310–1312. DOI: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.mm6937e1external icon.
[15] Government of Canada, “Summary of results for the Canadian Student Tobacco, Alcohol and Drugs Survey 2018-19”. Available at:
[16] World Health Organization, Romania - Global Youth Tobacco Survey 2017. Available at:
[17]World Health Organization Georgia - Global Youth Tobacco Survey 2017. Available at:
[18] Gorini, G., Gallus, S., Carreras, G., De Mei, B., Masocco, M., Faggiano, F., Charrier, L., Cavallo, F., Spizzichino, L., Galeone, D., Minardi, V., Lana, S., Lachi, A., Pacifici, R., & MADES Working Group (2020). Prevalence of tobacco smoking and electronic cigarette use among adolescents in Italy: Global Youth Tobacco Surveys (GYTS), 2010, 2014, 2018. Preventive medicine, 131, 105903. https://doi.org/10.1016/j.ypmed.2019.105903
[19] World Health Organization, “Smoking causes 40 000 deaths in Viet Nam each year”. Available at: