Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay

26/03/2021

Tóm tắt: Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý xã hội đáp ứng mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là đòi hỏi cấp bách. Sự quan tâm sâu sắc của Hồ Chí Minh, cả trên phương diện lý luận lẫn tổ chức thực tiễn, để lại những chỉ dẫn rất giá trị, có tính chất nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, soi đường thắng lợi cho xây dựng pháp luật ở Việt Nam.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Abstract: It is facing the needs to improve the efficiency of social management to meet the national protection and development goals, to develop and improve the rule of law for the socialist state, the construction and improvement of the legal system are urgently needed. President Ho Chi Minh expressed his deep interests, both in terms of theory and practices, which provide very valuable instructions, ideological foundation, guidelines for law developments in Vietnam.
Keywords: Ho Chi Minh’s thoughts, developments and improvements of laws.
BÁC-HỒ.jpg 
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng pháp luật
Nếu như chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng thì pháp luật là vấn đề cốt yếu của mọi chính quyền, quan điểm này thể hiện rõ nét cả trong trước tác và thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đặc biệt trong những năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng pháp luật từ chỗ là nhu cầu nảy sinh ngay trong sự phê phán chế độ thực dân và khát vọng giải phóng dân tộc, đã được hiện thực hóa bằng thực tiễn thiết lập và không ngừng hoàn chỉnh nền pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945).
Trên cương vị người đứng đầu nhà nước (1945 – 1969) và Chủ tịch Đảng (1951 – 1969), Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật của nước Việt Nam mới trong hơn hai thập niên đầu. Văn bản đầu tiên khởi động quá trình xây dựng pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/9/1945 – Sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên. Đứng đầu Ủy ban này, Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự ra đời của văn bản luật đầu tiên – Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, Hiến pháp năm 1959, 16 đạo luật, hàng chục sắc lệnh và nhiều văn bản liên quan khác. Số lượng và giá trị tiến bộ trong nội dung các văn bản luật, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946, đã định hình một cách rõ nét và vững chắc nền pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, xây dựng pháp luật là sự phức hợp nhiều hoạt động, do nhiều chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau tiến hành, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, nhằm chuyển hóa ý chí của đảng cầm quyền thành những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, thể hiện chúng dưới những hình thức pháp lý nhất định. Như vậy, xây dựng pháp luật không chỉ đơn thuần là hoạt động chuyên môn mà còn có tính chất chính trị. Ở khía cạnh chính trị, xây dựng pháp luật phải hướng đến phản ánh bản chất dân chủ Nhân dân của chế độ chính trị mới được kiến tạo từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945). Hệ thống pháp luật suy cho cùng phải là sự thể chế hóa đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền; đảm bảo và phát huy vị thế là chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trên cương vị người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đóng góp cho công tác xây dựng hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới chủ yếu ở những định hướng nguyên tắc có tính chất “soi đường” và lãnh đạo quá trình tổ chức thực tiễn. Cùng với các “thao tác” chuyên môn – nghiệp vụ, việc xác định đường hướng và lãnh đạo tổ chức quá trình thực tiễn là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, diễn ra trước hết và xuyên suốt, quyết định các hoạt động khác nói riêng, tổng thể quá trình xây dựng pháp luật nói chung.
1.1. Xác lập các nguyên tắc căn bản của nội dung văn bản pháp luật là hoạt động thường được Hồ Chí Minh thực hiện trước hết trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật
 Trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật, Hồ Chí Minh ưu tiên xác lập những nguyên tắc chính trị và luôn thể hiện nhất quán điều này trong hơn hai thập kỷ kể từ khi tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 – 1969); theo đó, có thể khẳng định những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, dân chủ được Hồ Chí Minh nhắc đến đầu tiên và nhấn mạnh xuyên suốt quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật. Người khẳng định: “Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”[1]. Hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới phải là hiện thân của nền dân chủ cộng hòa; thể hiện quyền là chủ và làm chủ của Nhân dân; phản ánh và bảo vệ nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân.
Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh xác định sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có: “Vấn đề thứ ba - Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”[2]. Nguyên tắc “phải có một hiến pháp dân chủ” lần đầu được Hồ Chí Minh nhắc đến trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, trở thành nguyên tắc nền tảng trong xây dựng bản hiến pháp đầu tiên của đất nước và toàn bộ công tác xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nguyên tắc dân chủ được hiện thực hóa trong quá trình xây dựng bản Hiến pháp năm 1946. Dân chủ tiếp tục được quán triệt trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1959. Trên cương vị Trưởng ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi, phát biểu khai mạc phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp (27/02/1957), Hồ Chí Minh quán triệt rất kỹ yêu cầu xây dựng một Hiến pháp dân chủ: “Nó sẽ là bản Hiến pháp của một nước dân chủ Nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Nó phải là một bản Hiến pháp đảm bảo được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp Nhân dân…”[3]. Trong Lời nói đầu, Hiến pháp 1959 khẳng định: “Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ”.
Thứ hai, phục vụ đường lối chính trị của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chân chính cách mạng cũng là nguyên tắc quan trọng, được Hồ Chí Minh nêu bật. Khi lãnh đạo xây dựng các văn bản luật, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định cho rõ sự cần thiết và mục tiêu hướng đến.
Hiến pháp năm 1946 được hình thành từ nhu cầu xây dựng một nhà nước dân chủ Nhân dân hợp hiến sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945). Trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài và nhiều khó khăn chồng chất, sự cấp bách của nhu cầu đó khiến cho quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1946 được tiến hành rất khẩn trương. Mặt khác, vì đây là văn bản luật đầu tiên đặt nền móng cho một nhà nước mới, một tuyên ngôn của chế độ chính trị của nước Việt Nam mới, nên dù khẩn trương nhưng phải đảm bảo và toát lên những giá trị phổ biến phù hợp với lợi ích của Quốc dân và xu thế tiến bộ của nhân loại. Trên cương vị đứng đầu Nhà nước và Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Hồ Chí Minh đã quán triệt sự cần thiết và mục tiêu hướng đến một cách rõ ràng trước khi diễn ra các bước đi có tính chuyên môn – nghiệp vụ của khoa học pháp lý. Sự thông suốt tinh thần đó giúp cho Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 xây dựng một đạo luật rất ngắn gọn, súc tích nhưng thể hiện rõ nét, đầy đủ các khía cạnh cơ bản của chế độ dân chủ cộng hòa và đường hướng vận động của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trước rất nhiều khó khăn mà đất nước đang phải đối diện, trước rất nhiều nhiệm vụ đặt ra đối với một nhà nước non trẻ, Hiến pháp năm 1946 đã được dự thảo và thông qua trong thời gian ngắn nhưng chất lượng rất tốt. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là quá trình xây dựng đã thông suốt về nhu cầu cần thiết và mục tiêu hướng đến của nội dung văn bản luật.
Tháng 12 năm 1959, Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 (khóa XI), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những phân tích rất kỹ để luận chứng về sự cần thiết xây dựng Hiến pháp năm 1959: “Tóm lại, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Chúng ta có nhiệm vụ mới. Điều kiện trong nước và trên thế giới đều thuận lợi cho ta. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy”[4]. Về mục tiêu hướng đến của Hiến pháp năm 1959, cả trong “Diễn văn khai mạc phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp” (27/02/1957) đến “Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (12/1959), Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh Hiến pháp “phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta” và “phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta”[5]. “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ghi rõ những thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trong những năm qua và nêu rõ nhiệm vụ cách mạng mới trong giai đoạn lịch sử mới”[6]. Như vậy, mục tiêu mà Hiến pháp hướng đến được quán triệt ngay từ giai đoạn “khởi động” quá trình xây dựng luật – phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp, đến khi đã có “sản phẩm” để báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Điều đó thể hiện rõ nét sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động ở Người.
Thứ ba, kế thừa và phát triển, phù hợp các giá trị phổ quát của dân tộc và nhân loại là nguyên tắc cũng được Hồ Chí Minh lưu ý trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật.
Hiến pháp năm 1946 dù được xây dựng trong thời gian ngắn, có nội dung ngắn gọn nhưng đã toát lên tinh thần “cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”[7]. Lãnh đạo xây dựng Hiến pháp năm 1959, Hồ Chí Minh cũng nêu rõ trước các thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp: “Bản Hiến pháp của chúng ta sẽ thảo ra phải là bản Hiến pháp phát huy tinh thần tiến bộ của Hiến pháp năm 1946”. Điều rất đặc biệt, Hồ Chí Minh vượt qua những suy nghĩ hẹp hòi của sự khác biệt về ý thức hệ khi yêu cầu “Ban sửa đổi Hiến pháp” (1959), “phải tham khảo Hiến pháp của các nước bạn và của một số nước tư bản có tính chất điển hình”[8].
Hồ Chí Minh thường nhắc đến từ “khéo” trong những chỉ dẫn phương pháp thực hiện việc cách mạng. Lãnh đạo xây dựng pháp luật, một trong những điểm “khéo” của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ xử lý rất tốt mối quan hệ giữa nhu cầu xây dựng văn bản luật mới (trên cơ sở chỉ ra sự không phù hợp của văn bản hiện hành trong bối cảnh mới) với yêu cầu phải kế thừa, phát huy giá trị của văn bản luật hiện hành để xây dựng văn bản luật mới. Hồ Chí Minh nghiêng về chỉ ra sự không phù hợp của văn bản hiện hành trước yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của bối cảnh mới, mà không phê phán giá trị của văn bản đó. Nghĩa là, ở văn bản luật hiện hành, sẽ có những điểm không còn phù hợp với bối cảnh mới nhưng cũng có những điểm còn nguyên giá trị. Chỉ ra những điểm không còn phù hợp với bối cảnh mới để cho thấy sự cần thiết phải xây dựng văn bản luật mới; nhắc nhở phải kế thừa và phát triển giá trị của văn bản luật hiện hành cũng để đảm bảo cho nội dung văn bản luật mới được xây dựng tốt. Trong sự “phê phán” có tính xây dựng và xây dựng được thực hiện trên tinh thần “phê phán”. Đó là phương pháp làm việc biện chứng trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật.
1.2. Xác định chủ thể và tổ chức lực lượng thực hiện là vấn đề được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo xây dựng pháp luật
Xác định đúng đắn chủ thể và tổ chức hiệu quả lực lượng là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Là một phần trong hệ thống “việc cách mạng” Việt Nam, chất lượng xây dựng pháp luật cũng chịu sự ảnh hưởng quyết định của yếu tố đó. Trong toàn bộ quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật, Hồ Chí Minh rất quan tâm nhắc nhở quán triệt rõ chủ thể và tổ chức tốt lực lượng thực hiện. Theo đó: 
+ Quốc hội là cơ quan duy nhất và cao nhất có quyền lập pháp.
Đề cập đến chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật, Hồ Chí Minh khẳng định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”[9]. Hồ Chí Minh nói rõ nguyên nhân của thẩm quyền đặc biệt đó ở chỗ nước ta là nước dân chủ, tất cả mọi quyền lực trong nước đều thuộc về Nhân dân; Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước; Nhân dân sử dụng quyền lực thông qua Quốc hội do Nhân dân bầu ra và chịu sự kiểm soát của Nhân dân. Báo cáo trước Quốc hội về xây dựng Hiến pháp năm 1959, Hồ Chí Minh nói rõ: Quốc hội quyết định chủ trương thực hiện sửa đổi Hiến pháp; quyết định thành lập Ban dự thảo Hiến pháp; xem xét, cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo; thông qua Hiến pháp. Như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quyết định và toàn diện của Quốc hội đối với hoạt động xây dựng Hiến pháp nói riêng, xây dựng pháp luật ở Việt Nam nói chung.
+ Thành lập bộ phận chuyên trách dự thảo và hoàn chỉnh văn bản luật.
Mặc dù là cơ quan duy nhất và cao nhất có thẩm quyền lập pháp, song, vì đặc điểm đông thành viên và cơ chế làm việc đặc thù nên toàn thể, Quốc hội khó có thể trực tiếp thực hiện việc dự thảo và hoàn chính văn bản luật; trong điều kiện đất nước có chiến tranh thì điều đó càng không thể. Do vậy, việc dự thảo và hoàn chỉnh văn bản luật được giao cho một bộ phận chuyên trách. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bộ phận này. Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những sắc lệnh sớm nhất được Hồ Chí Minh ký ngày 20 tháng 9 năm 1945 (số 34) quyết định thành lập “Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ủy ban này gồm 7 thành viên[10] do Hồ Chí Minh đứng đầu. Đây là Ủy ban có đa dạng thành phần, bao gồm cả những nhà lãnh đạo chính trị, người giỏi chuyên môn – nghiệp vụ về khoa học pháp lý nhà khoa học ở lĩnh vực khác; cả đảng viên cộng sản và người “ngoài Đảng”; cả người tham gia cách mạng lẫn người đã từng là đối tượng đấu tranh của cách mạng, đứng đầu chế độ quân chủ vừa bị lật đổ; cả người đang giữ cương vị của Đảng lẫn của chính quyền;… Hiến pháp năm 1959 cũng được dự thảo bởi một Ủy ban gồm 28 người do Hồ Chí Minh đứng đầu.
+ Xác lập quy trình, cơ chế hoạt động và tinh thần làm việc trong xây dựng pháp luật.
Qua một số văn bản được Hồ Chí Minh trình bày liên quan đến xây dựng một số văn bản luật đã gián tiếp cho thấy yêu cầu về quy trình xây dựng pháp luật. Hiến pháp năm 1959 được xây dựng theo quy trình: (1) Từ nhu cầu thực tiễn, Quốc hội quyết định tiến hành “sửa đổi Hiến pháp”; (2) Quốc hội thành lập “Ban sửa đổi Hiến pháp”; (3) Ban sửa đổi Hiến pháp dự thảo, lấy ý kiến và hoàn chỉnh trình Quốc hội; (4) Quốc hội thảo luận, điều chỉnh và thông qua Hiến pháp; (5) Chủ tịch nước ký lệnh ban hành Hiến pháp.
Trong quy trình nêu trên, Hồ Chí Minh nói rất rõ quá trình dự thảo, lấy ý kiến và hoàn chỉnh của “Ban sửa đổi Hiến pháp”. Bản dự thảo sau khi hoàn thành lần đầu đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần[11]. Đối tượng lấy ý kiến rất rộng rãi, từ cán bộ đến Nhân dân, cả đồng bào ở miền Nam và kiều bào ở nước ngoài. Hình thức lấy ý kiến đa dạng, từ hội nghị trực tiếp đến thông qua cơ quan báo chí và cả góp ý qua thư. Mỗi lần lấy ý kiến thì bản dự thảo lại điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hơn. Sau đó, dự thảo Hiến pháp được trình Quốc hội thảo luận, cho thêm ý kiến; hoàn chỉnh và thông qua. Đó là kết quả làm việc rất nỗ lực và trách nhiệm “Ban sửa đổi Hiến pháp”.
Cơ chế làm việc của các lực lượng thực hiện xây dựng pháp luật là tập trung dân chủ. Dân chủ không chỉ được phản ánh trong nội dung của hai văn bản luật đặc biệt quan trọng nêu trên mà còn thể hiện ngay trong quá trình xây dựng. Nghĩa là, dân chủ không chỉ thể hiện ở “sản phẩm” mà còn ở ngay trong phương thức làm việc để tạo ra sản phẩm. Thảo luận dân chủ diễn ra trong toàn bộ quá trình xây dựng hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959. Lấy ý kiến xây dựng Hiến pháp đã “trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi có đủ các tầng lớp Nhân dân tham gia”. Ngay trong sự đa dạng của thành phần ban dự thảo Hiến pháp cũng cho thấy sự dân chủ trong xây dựng văn bản luật gốc của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quá trình dân chủ đó được thực hiện trên nền tảng tập trung với sự chỉ đạo, lãnh đạo nhất quán; với sự phục tùng các quyết định của tập thể, phục tùng nghị quyết của Quốc hội thông qua Hiến pháp.
Hồ Chí Minh quán triệt rõ tinh thần trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong quá trình xây dựng pháp luật. Đối với ban dự thảo hai bản Hiến pháp, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang”[12]; “đó là một công tác đòi hỏi khá nhiều ngày giờ và đòi hỏi một sự cố gắng đặc biệt của toàn ban và của mỗi một ủy viên”[13]. Trong xây dựng luật, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có sự nghiên cứu kỹ cả thực tiễn và lý luận. Về thực tiễn, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải nghiên cứu tình hình đất nước để văn bản luật phản ánh đúng đắn, phù hợp. Về lý luận, Hồ Chí Minh yêu cầu nghiên cứu văn bản luật trước đó, văn bản luật của các nước khác và điều rất đặc biệt là nghiên cứu cả văn bản luật của một số quốc gia tư bản điển hình. Khai mạc phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp, Hồ Chí Minh nói: “chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ tình hình của nước ta, nghiên cứu lại bản Hiến pháp 1946, phải tham khảo Hiến pháp của các nước bạn và của một số nước tư bản có tính chất điển hình”[14].
2. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2020 đánh dấu 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Hệ thống pháp luật của nước ta đã có bước chuyển quan trọng sang hệ thống pháp luật của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với vai trò là công cụ quản lý nhà nước và xã hội, pháp luật còn là công cụ để Nhân dân làm chủ, kiểm tra và giám sát quyền lực nhà nước”[15]. Tuy nhiên, về tổng thể, “Hệ thống pháp luật chưa thật sự hoàn chỉnh, đồng bộ; hiệu lực và tính khả thi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định, tính dự báo chưa cao, chất lượng chưa bảo đảm; việc sửa đổi, bổ sung còn nhiều. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện”[16].
Ở khía cạnh vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng pháp luật, có thể khẳng định, trong 15 năm qua, xây dựng pháp luật còn hạn chế ở một số khâu vốn khi sinh thời Hồ Chí Minh yêu cầu phải làm tốt, cụ thể:
(1) Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng còn những hạn chế, có trường hợp tập trung vào sự phù hợp của văn bản luật đối với đường lối, chủ trương, thay vì thể chế hóa để hiện thực hóa; đối với những chính sách lớn hoặc đối với những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn, phức tạp, nhạy cảm chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng và các cấp uỷ Đảng[17].
(2) Phát huy dân chủ, lấy ý kiến trong xây dựng luật, đặc biệt là ý kiến của Nhân dân cũng còn những hạn chế. Lấy ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia một số mặt còn chưa tốt, trong đó có một phần nguyên nhân từ quy định mức chi chưa tạo được động lực. “Cơ chế để Nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật chưa được phát huy”[18].
(3) Hạn chế trong tổ chức lực lượng xây dựng pháp luật: Giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật chưa có cơ chế phân công, phối hợp đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ. “đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”[19].
(4) Quy trình xây dựng luật còn tồn tại hạn chế với nhiều tầng nấc dẫn đến có trường hợp thụ động, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện. Việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật trên bình diện chung hay đối với nhiều văn bản cụ thể có lúc còn chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước; trong đó có nghiên cứu, tham khảo luật pháp quốc tế và của các quốc gia có tính điển hình.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng pháp luật, trong thời gian tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật của nước ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, xác định rõ các nguyên tắc, đặc biệt các nguyên tắc chính trị chủ yếu, để công tác xây dựng pháp luật được thực hiện đúng định hướng chính trị - xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, cần nghiên cứu để xác lập cho được những nguyên tắc chính trị cơ bản mà mọi văn bản luật khi xây dựng phải đáp ứng. Các nguyên tắc được Hồ Chí Minh thể hiện đương thời: (1) Nội dung văn bản luật phải phản ánh chế độ chính trị của dân, do dân, vì dân; (2) Nội dung văn bản luật phải phản ánh thực tiễn đất nước, phục vụ đường lối chính trị của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; (3) Nội dung văn bản luật phải thể hiện sự kế thừa và phát triển, phù hợp với các giá trị tiến bộ phổ biến của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này còn nguyên giá trị. Trên cơ sở các nguyên tắc này nghiên cứu vận dụng vào điều kiện kiện nay để xác lập những nguyên tắc đúng đắn định hướng nội dung của văn bản luật trong quá trình xây dựng.
Hai là, hình thành được lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện công tác dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điều này luôn cần thiết khi đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ thực tiễn chỉ đạo xây dựng pháp luật của Hồ Chí Minh, lực lượng chuyên trách công tác dự thảo văn bản luật chỉ cần đủ, không cần đông; lấy yêu cầu xây dựng luật làm cơ sở để định mức “đủ”. Lực lượng dự thảo văn bản luật nên có thành phần đa dạng, có cả những người lãnh đạo chính trị và người am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Mạng lưới chuyên gia xây dựng pháp luật cần phải được phát huy, trong đó cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến tầm vóc chuyên môn của chuyên gia, tránh chỉ nghiêng nặng vào khía cạnh chính trị; tránh tư duy “người nhà”, “người quen” khi quy tụ chuyên gia dẫn đến lực lượng chuyên trách dự thảo pháp luật bị bó hẹp. Nghiên cứu cơ chế thu hút khi mời chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia là người nước ngoài để gia tăng nguồn tư vấn xây dựng luật, góp phần tham khảo hiệu quả tư duy và kinh nghiệm xây dựng luật ở các quốc gia tiến bộ. Trong cơ chế quy tụ chuyên gia vào quá trình tư vấn, hoàn thiện dự thảo luật cần chú ý cơ chế đãi ngộ tương xứng đối với các chuyên gia trong nước; đối với chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh cơ chế đãi ngộ về vật chất, cần chú ý khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm xây dựng và phát triển Tổ quốc – điều mà Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ và rất hiệu quả.
Ba là, thực hiện phương châm toàn dân xây dựng và thực hiện pháp luật; không chỉ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn phải xây dựng xã hội pháp quyền. Sản phẩm dự thảo luật của lực lượng chuyên trách chỉ có thể phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để được đồng thuận và thực hiện tốt khi có sự tham gia tốt của Nhân dân vào quá trình xây dựng. Những hạn chế trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân có phần lý do từ hiểu biết chưa đầy đủ của Nhân dân về pháp luật. Điều đó tác động xấu đến hoạt động xây dựng pháp luật. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng pháp luật với sự tham gia đóng góp rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân. Người thực hiện điều đó với tinh thần kính dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, hết sức cầu thị nên ngay cả trong điều kiện chiến tranh vẫn có sự tham gia rộng rãi của Nhân dân vào quá trình xây dựng luật, cả Nhân dân ở miền Nam đang bị xâm lược và ở nước ngoài. Đó cũng chính là quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Nhân dân; thực hiện toàn dân xây dựng và thực hiện pháp luật. Hiện nay, lấy ý kiến Nhân dân phải chú ý hai chiều: (1) Người lấy ý kiến phải thực sự cầu thị với tinh thần trọng dân, hiểu dân; (2) Nhân dân – người được lấy ý kiến – phải thể hiện ý thức trách nhiệm trước đất nước. Muốn vậy cần chú ý chỉ rõ sự liên quan của văn bản luật với đời sống của Nhân dân và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của Nhân dân. Đặc biệt, cần hiểu dân, hiểu nếp sống, văn hóa, truyền thống, hiểu cách thức tiếp nhận cái mới của dân, để từ đó làm ra các văn bản quy phạm pháp luật đi vào lòng dân, tức là, mỗi văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khi dự thảo đã phải được chuyển tải tới Nhân dân để tránh những “cú sốc” pháp lý khi văn bản ra đời.
Bốn là, mạnh dạn, dứt khoát đối với những “trở lực” ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng và thực thi pháp luật. Hồ Chí Minh luôn tỏ thái độ kiên quyết đối với những biểu hiện tiêu cực, những suy nghĩ và hành vi sai trái, những yếu tố cản trở sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó có xây dựng pháp luật. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm minh những sai trái trong quá trình thực hiện pháp luật. Trong phương thức làm việc, Hồ Chí Minh loại trừ tư tưởng và thói quen đã trở thành lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, cản trở sự vận động và phát triển. Người phê phán thái độ xem nhẹ dân; Người luôn thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và tiếp thu sửa chữa những đóng góp hợp lý. Hiện nay, quá trình xây dựng pháp luật đã bộc lộ nhưng yếu tố trở lực, được tổng kết và chỉ rõ. Cần học tập và vận dụng tinh thần kiên quyết của Hồ Chí Minh để sớm loại trừ các yếu tố này, tránh tình trạng “thấy” nhưng để kéo dài, chậm xử lý. Xây đi đôi với chống luôn là quy luật thắng lợi đã được Hồ Chí Minh nêu lên và thực hiện ở mọi công việc cách mạng
Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề chính quyền bao nhiêu thì cũng dành bấy nhiêu tâm sức lãnh đạo xây dựng nền pháp quyền, xây dựng pháp luật. Sự quan tâm đó khởi phát từ nhu cầu công lý trong đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp tục trở thành hoạt động thực tiễn trong hơn hai thập kỷ Hồ Chí Minh đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Di sản tư tưởng và thực tiễn đó là mẫu mực về lãnh đạo xây dựng pháp luật, trở thành tài sản tinh thần to lớn và quý giá, soi đường cho công tác xây dựng pháp luật hiện nay./.
 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.370.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.1 - 3.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.369.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.369.
[7] Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.376.
[10] Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (Cựu hoàng Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
[11] - Tháng 7 năm 1958, thảo luận trong cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, đảng.
- Ngày 1 tháng 4 năm 1959, công bố để toàn dân thảo luận và góp ý kiến xây dựng.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.511.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.510.
[15] Trích theo Văn Chúc, Tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, Báo Nhân dân điện tử (https://nhandan.com.vn), cập nhật thứ hai, 06-01-2020, 19:46
[16] Kết luận số 01-KL/TW,ngày 04 tháng 04 năm 2016, của Bộ Chính trị vềviệc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Namđến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[17] Báo cáo đánh giá 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Bộ Tư pháp, Tài liệu Hội nghị Đánh giá 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, ngày 13-12-2018, tr. 35.
[18] Kết luận số 01-KL/TW,ngày 04 tháng 04 năm 2016, của Bộ Chính trị vềviệc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Namđến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[19] Kết luận số 01-KL/TW,ngày 04 tháng 04 năm 2016, của Bộ Chính trị vềviệc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Namđến năm 2010, định hướng đến năm 2020.