Nâng cao hiệu quả thực hiện tương trợ tư pháp giữa các nước Asean

05/02/2021

Tóm tắt: Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN là một trong những công cụ pháp lý đa phương hữu hiệu trong khu vực, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, lâu dài và là cơ sở pháp lý quan trọng trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các nước ASEAN. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả đánh giá thực trạng thực hiện tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước ASEAN hiện nay, và đưa ra một số kiến nghị nâng cao hiệu của của hoạt động này.
Từ khóa: Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.
Abstract: The Treaty on Mutual Legal Assistance in Criminal Matters among ASEAN countries is one of the effective multilateral legal tools in the region, which establishes a close and long-term coordination mechanism and is an important legal ground for cooperation in the fights against crimes among ASEAN countries. In the scope of this article, the authors provide assessments of the current situation of the mutual legal assistance between Vietnam and ASEAN countries, and also provide a number of recommendations to improve the effectiveness of this activity.
Keywords: Mutual legal assistance in criminal matters, The Treaty on Mutual Legal Assistance in Criminal Matters among ASEAN countries
 TƯƠNG-TRỢ-TƯ-PHÁP-ASEAN_1.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
1. Thực trạng thực hiện tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước ASEAN hiện nay
1.1. Những kết quả đạt được
Trải qua 53 năm hình thành và phát triển (1967-2020), dưới mái nhà chung Cộng đồng ASEAN, nhân dân các nước Đông Nam Á đã, đang và sẽ cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển trong giai đoạn mới. Nhằm hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” thì nền tảng vững chắc nhất, cũng là thành tự lớn nhất chính là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vưc. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN đã thúc đẩy việc hợp tác chính trị, an ninh giữa các nước ASEAN, quan hệ giữa các nước trong khu vực được nâng lên tầm cao mới, chặt chẽ và sâu sắc hơn. Nhờ đó, hoạt động hợp tác về bảo vệ an ninh trật tự, trong đó có tương trợ tư pháp về hình sự cũng được quan tâm, chú trọng và chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN mang lại những thời cơ thuận lợi lớn; nhưng bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức về an ninh mang tính truyền thống và phi truyền thống, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp đòi hỏi các bên liên quan trong nước và nước ngoài, trong khu vực và ngoài khu vực phải tăng cường hợp tác nâng cao trách nhiệm để giải quyết hiệu quả. Trong bối cảnh đó, hợp tác về pháp luật, tư pháp nói chung và hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự nói riêng giữa các nước ASEAN trở thành nhu cầu tất yếu.
Trong lĩnh vực hợp tác về hình sự, Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp (TTTP), đồng thời là một trong những công cụ pháp lý đa phương hữu hiệu trong khu vực, xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, lâu dài, thể hiện sự nhất trí và quyết tâm chung của các nước ASEAN trong hợp tác phòng, chống tội phạm trong khu vực, nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN bao gồm: hoạt động tương trợ liên quan đến cá nhân; hoạt động tương trợ liên quan đến tài liệu, giấy tờ, hồ sơ; hoạt động tương trợ liên quan đến tài sản; hoạt động tương trợ khác[1]. Hoạt động tương trợ liên quan đến cá nhân bao gồm: xác minh địa chỉ, nhận dạng người làm chứng, người bị tình nghi; bố trí, cung cấp chứng cứ hoặc hỗ trợ các vấn đề hình sự; lấy lời khai tự nguyện... Hoạt động tương trợ liên quan đến tài liệu, giấy tờ, hồ sơ bao gồm: thu thập chứng cứ; tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp; cung cấp bản sao, bản gốc có xác nhận tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có liên quan... Hoạt động tương trợ liên quan đến tài sản gồm có: khám xét, thu giữ tài sản; kiểm tra đồ vật, địa điểm; thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; hạn chế giao dịch tài sản hoặc phong tỏa tài sản có được từ việc thực hiện tội phạm... Hoạt động tương trợ khác: theo thỏa thuận và phù hợp với mục đích của Hiệp định và pháp luật quốc gia.
Với vai trò là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực và đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cùng với việc triển khai thực hiện Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN, Việt Nam đã chủ động đàm phán, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan; đồng thời xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong nước đi đôi với từng bước kiện toàn bộ máy, tổ chức cán bộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong đó có các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, trong thời gian qua, hoạt động TTTP về hình sự giữa Việt Nam với các nước ASEAN đã đạt được một số thành tựu đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý cho hoạt động TTTP tại Việt Nam:
Theo thống kê đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương và 23 Điều ước quốc tế song phương có quy định về tương trợ tư pháp về hình sự (trong đó có 23 điều ước ký chính thức và 01 điều ước ký tắt)[2]. Trong đó, tính riêng từ tháng 01/2014 đến nay, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979; Công ước quốc tế về chống khủng bố bằng bom năm 1997 (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 08/02/2014); Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 1984 (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 07/03/2015); Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2015 (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 08/03/2017). Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục ký kết, phê chuẩn nhiều Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia ASEAN và trên thế giới như: Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Indonesia (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 21/01/2016); Hiệp định TTTP về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp (ký tháng 09/2016, đang đề nghị phê chuẩn)....Các hiệp định trên là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như trong khu vực ASEAN nói riêng thực hiện TTTP về hình sự nhằm phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm xuyên quốc giác, tội phạm có tổ chức.
Trong nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt, làm cơ sở xem xét các yêu cầu TTTP về hình sự. Dựa vào các quy định của BLHS năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi phạm tội được thực hiện ở nước ngoài có cấu thành tội phạm theo quy định trong BLHS hay không (nghĩa là có bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép hay không) để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam khi phía nước ngoài có yêu cầu. Bên cạnh đó, dựa trên các nội dung về TTTP về hình sự đã được quy định cụ thể tại Chương III của Luật TTTP năm 2017, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số quy định liên quan đến TTTP về hình sự như: công nhận kết quả thực hiện ủy thác tư pháp là một nguồn chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS); quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 493 Bộ luật TTHS; quy định về giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật thu thập được qua công tác hợp tác quốc tế trong TTHS theo quy định tại Điều 494 Bộ luật TTHS; sự có mặt của người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài ở Việt Nam theo quy định tại Điều 496 Bộ luật TTHS; xử lý tài sản do phạm tội mà có trong trường hợp tài sản ở nước ngoài theo quy định tại Điều 507 Bộ luật TTHSS; phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Điều 508 Bộ luật TTHS.
Thứ hai, kết quả thực hiện các yêu cầu TTTP về hình sự với các nước ASEAN:
Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã phối hợp hiệu quả trong công tác tiếp nhận, thực hiện và gửi các yêu cầu TTTP về hình sự với các nước ASEAN, kết quả cụ thể như sau:
Từ năm 2014 đến năm 2017, các cơ quan tư pháp của Việt Nam đã tiếp nhận 09 yêu cầu TTTP về hình sự từ các nước ASEAN. Trong đó, có 04 yêu cầu của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 02 của Thái Lan; 01 của Campuchia; 01 của Malaysia và 01 của Singapore. Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện 06/09 yêu cầu của các nước, 03 yêu cầu mới tiếp nhận và đang tiến hành thực hiện (tỷ lệ hoàn thành đạt 66,6%)[3]. Nội dung của các yêu cầu TTTP  là đề nghị Việt Nam thực hiện tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp; cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ; lấy lời khai qua cầu truyền hình và chuyển gia truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội phạm liên quan đến yêu cầu bao gồm các tội phạm xâm phạm sở hữu; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe; tội phạm mua bán người; tội phạm vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…
Về hoạt động yêu cầu TTTP của Việt Nam đến các nước ASEAN: Theo thống kê, từ năm 2014 đến năm 2017, Việt Nam đã gửi 134 yêu cầu đến các nước trong khu vực ASEAN[4]. Trong đó, có 59 yêu cầu gửi Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 23 gửi Campuchia; 23 gửi Singapore; 16 gửi Malaysia; 08 gửi Thái Lan; 03 gửi Indonesia và 02 gửi Philippines. Các nước ASEAN đã hoàn thành hoặc thực hiện một phần đối với 80 yêu cầu của Việt Nam (đạt tỷ lệ 60%). Trong đó, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã thực hiện 53/59 yêu cầu; Campuchia đã thực hiện 02/23; Singapore đã thực hiện 14/23; Malaysia đã thực hiện 09/16; Thái Lan đã thực hiện 02/08; Indonesia thực hiện 0/03; Philippines thực hiện 0/02. Phạm vi hoạt động TTTP do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành ủy thác cho nước ngoài thực hiện thường là: tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp; cung cấp lý lịch tư pháp; cung cấp thông tin, tài liệu là chứng cứ; thực hiện khám nghiệm; thực nghiệm hiện trường; lấy lời khai; chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tội phạm thường được yêu cầu bao gồm các tội phạm về xâm phạm sở hữu; tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe; tội phạm về ma túy; tội phạm buôn lậu; tội phạm mua bán người; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm buôn bán động vật hoang dã; tội phạm vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…
Cùng với quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong những năm qua, hoạt động TTTP về hình sự đã được thực hiện với tinh thần hợp tác, trách nhiệm giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu được thực hiện có hiệu quả, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, góp phần giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Ngoài ra, một số ít yêu cầu chưa thực hiện được do bên yêu cầu chưa cung cấp đủ thông tin để xác định đối tượng. Trong quá trình thực hiện hoạt động TTTP về hình sự với các nước ASEAN, các cơ quan chức năng của Việt Nam (Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao...) đã chủ động, tích cực phối hợp trong giải quyết từng vụ việc cụ thể, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1.2. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN những năm qua cũng đã cho thấy một số khó khăn, vướng mắc đặt ra với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các nước thành viên ASEAN trong hoạt động TTTP về hình sự, cụ thể như sau:
Một là, cho đến nay, Hiệp định chưa được coi là văn kiện chính thức của ASEAN. Mặc dù Hiệp định đã được 10 nước ASEAN ký và phê chuẩn nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Hiệp định, quốc gia lưu chiểu là Malaysia (Ban thư ký của Hiệp định cũng đặt tại nước này) thay vì Tổng thư ký ASEAN như các văn kiện khác của ASEAN. Bên cạnh đó, tên gọi Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước thành viên ASEAN có cùng chung quan điểm (Treaty on mutual legal assistance in criminal matters among like-minded ASEAN member countries) chưa phù hợp với tên gọi của một văn kiện ASEAN. Thực tiễn cho thấy, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài trong khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu TTTP giữa các nước ASEAN tăng, nhưng số yêu cầu vụ việc căn cứ vào Hiệp định còn hạn chế do tính hiệu lực chưa cao. Do vậy, các nước trong khu vực có xu hướng ưu tiên áp dụng hiệp định song phương TTTP về hình sự . Yêu cầu đặt ra là cần sớm nâng cấp Hiệp định trở thành văn kiện của ASEAN, tạo ra cơ sở pháp lý chính thức cho hoạt động TTTP về hình sự trong khu vực.
Hai là, quy định các biện pháp và phạm vi TTTP nêu trong Hiệp định là tương đối hẹp, chủ yếu tập trung vào các hoạt động cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, triệu tập nhân chứng, tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp. Do đó, khi cần liên kết, phối hợp điều tra (thành lập nhóm điều tra chung, gồm nhân viên của các quốc gia thành viên để cùng tiến hành điều tra vụ án) hoặc sử dụng các phương tiện thông tin viễn thông để lấy lời khai người làm chứng, người bị hại (truyền hình trực tiếp)… thì rất khó áp dụng quy định của Hiệp định để triển khai thực hiện các biện pháp này.
Ba là, việc yêu cầu TTTP về hình sự của Việt Nam với phía nước ngoài nói chung và các nước ASEAN nói riêng thường chậm có kết quả, trong khi việc giải quyết các vụ án hình sự phải tuân thủ thời hạn luật định nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Nguyên nhân là do các Hiệp định TTTP về hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước ASEAN, cũng như pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước chưa quy định thời hạn thực hiện yêu cầu TTTP về hình sự.
Bốn là, trong một số yêu cầu TTTP mà Việt Nam nhận được các tài liệu được dịch chưa đúng thuật ngữ pháp luật, chưa logic về ngữ pháp, gây khó hiểu cho cơ quan thụ lý vụ việc. Thông tin cơ bản về đối tượng (như tên tuổi, địa chỉ…) được cung cấp chưa đầy đủ hoặc không chính xác nên việc xác định đối tượng cụ thể rất mất thời gian, có trường hợp không xác định được.
Năm là, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, cơ quan trung ương thực hiện hoạt động TTTP về hình sự là Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, tại thời điểm ký và phê chuẩn Hiệp định cho đến nay, cơ quan trung ương thực hiện Hiệp định của Việt Nam là Bộ Công an. Trong khi đó, theo quy định của một số Hiệp định song phương về TTTP về hình sự mà Việt Nam ký kết với một số nước ASEAN (Campuchia, Indonesia), cơ quan trung ương đều là Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều này gây khó khăn nhất định trong triển khai thực hiện các Hiệp định.
2. Một số kiến nghị
Qua quá trình tổng kết những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN, các tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, xúc tiến việc nâng cấp Hiệp định này thành văn kiện chính thức của ASEAN, tạo khung pháp lý quan trọng, chặt chẽ hơn để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như trong khu vực ASEAN nói riêng thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động TTTP về hình sự, góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế hiệu quả để thực hiện Hiệp định song song với việc triển khai thực hiện các công cụ pháp lý đa phương về phòng, chống tội phạm trên thế giới và trong khu vực như: các công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống khủng bố, chống tham nhũng, chống tra tấn, kiểm soát chất ma túy, Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang, chống tàu thuyền tại châu Á, các Tuyên bố chung giữa ASEAN và đối tác, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á; cũng như các Hiệp định song phương về TTTP về hình sự đã được ký kết giữa các nước ASEAN.
Thứ ba, đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong khu vực. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hoàn thành thủ tục nội bộ, sẵn sàng đàm phán các hiệp định nêu trên với một số quốc gia trong ASEAN (Ví dụ: Malaysia, Lào, Thái Lan, Myanmar), nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía các nước. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xúc tiến và đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về TTTP về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Thứ tư, xây dựng cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan Trung ương của các nước ASEAN trong triển khai thực hiện Hiệp định. Thực hiện thông báo và thường xuyên cập nhật thông tin về cơ quan Trung ương (địa chỉ, số điện thoại, cán bộ liên lạc, các mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp…) gửi về Ban thư ký Hiệp định để tập hợp, xây dựng dữ liệu chung phục vụ hoạt động TTTP về hình sự cho các nước trong khu vực, bảo đảm các yếu tố nhanh, chính xác, hiệu quả.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác ở cả trong và ngoài khu vực ASEAN, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, đào tạo, các diễn đàn đa phương và song phương về TTTP về hình sự nhằm chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN./.
           

 


[1] Điều 1 Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.
[2] Theo Báo cáo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hội nghị Quan chức cao cấp lần thứ 8 về Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN từ 26-27/4/2018.
[3] Theo Báo cáo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hội nghị Quan chức cao cấp lần thứ 8 về Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN từ 26-27/4/2018.
[4] Số liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam tổng hợp được báo cáo trong Hội nghị Quan chức cao cấp lần thứ 8 về Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN từ 26-27/4/2018.