Chính sách hậu tái định cư đối với dân tộc thiểu số ở một số dự án thủy điện ở nước ta hiện nay

18/01/2021

Tóm tắt: Chính sách hậu tái định cư là những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng và người dân khu, điểm tái định cư nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo việc làm tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững thông qua các giải pháp như đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng, v.v. Mặc dù, các dự án thủy điện đều triển khai các chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân sau tái định cư nhưng tỷ lệ nghèo của hộ dân tộc thiểu số ở các khu, điểm tái định cư bình quân vẫn ở mức cao hơn mức bình quân chung của các hộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ được đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp thấp; việc tái định cư chưa đáp ứng được nhu cầu về bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa và phong tục truyền thống; yếu kém trong xử lý ô nhiễm môi trường sống tại các khu, điểm tái định cư. Để khắc phục những bất cập trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và cung cấp các dịch vụ công; tập trung triển khai hoạt động giảm nghèo bền vững; bảo tồn duy trì văn hóa cộng đồng và hỗ trợ hội nhập cộng đồng vùng tái định cư; đảm bảo vệ sinh môi trường; và nghiên cứu thí điểm xây dựng quỹ hỗ trợ người dân hậu tái định cư.
Từ khóa: Tái định cư, chính sách tái định cư, chính sách hậu tái định cư, dân tộc thiểu số.
Abstract: The Post-resettlement policies are the ones supporting the communities and people in the resettlement sites for their livelihood developments, jobs provision, income generation, and poverty reduction in a sustainable manner through such solutions as vocational training, supports to a career change, structure transformation of crop and livestock, infrastructure investment, etc. Although hydropower projects all implement policies to stabilize lives for people after resettlement, the poverty rate of ethnic minority households in resettlement areas and sites is still at an average level, which is higher than the average of the ethnic minority households; the proportion of households receiving vocational training and career change is low; the resettlement has not met the needs of conservation and maintenance of cultural identity and traditional customs; weaknesses in handling environmental pollution in resettlement sites. It is necessary to implement solutions such as vocational training, career change; upgrading and repairing infrastructure for production, community activities and providing public services; focus on implementing activities of sustainable poverty reduction; preserving and maintaining community culture and supporting community integration in resettlement areas; ensure environmental sanitation, and researching on pilot building a fund to support post-resettlement people to overcome the above shortcomings.
Keywords: Resettlement, resettlement policy, post-resettlement policy, ethnic minorities.
 THỦY-ĐIỆN.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Đặt vấn đề
Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thủy điện là nguồn năng lượng có vai trò quan trọng góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chống lũ, chống hạn, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân, đóng góp nguồn ngân sách, cải thiện cơ sở hạ tầng vùng miền núi, đặc biệt là đảm bảo cung ứng điện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy điện lớn vừa qua đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác ổn định đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến năm 2020, nước ta có khoảng 86 dự án thủy điện phải thực hiện công tác di dân, tái định cư. Tổng số dân phải di chuyển để xây dựng các cổng trình thủy điện trên cả nước là 66.372 hộ[1]. Ước tính 90% số người bị ảnh hưởng bởi thủy điện là đồng bào DTTS sống ở vùng núi[2].
Nhiều công trình thủy điện đã hoàn thành công tác thu hồi đất, tái định cư (TĐC) từ nhiều năm trước. Chính phủ và các địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong việc ban hành cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện để TĐC cho người dân và đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ mặt nông thôn vùng TĐC đã có sự thay đổi, cơ sở hạ tầng tốt hơn. Tuy nhiên, khi so sánh với sự phát triển chung, đời sống của người dân trong thời kỳ hậu TĐC vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển sinh kế chưa hiệu quả, công tác đào tạo nghề chưa phù hợp với người dân, nhiều hỗ trợ đã được chủ đầu tư cam kết nhưng không thực hiện, tình trạng thiếu đất sản xuất và chất lượng thấp rất phổ biến, cơ sở hạ tầng (nhà ở, đường, hệ thống cấp nước...) xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho đời sống của người dân và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
2. Chính sách tái định cư và hậu tái định cư
Trước năm 1993, đất đai đều được quản lý bởi Nhà nước nên các giao dịch phải thông qua các quyết định của Nhà nước, đất không có giá trị, thị trường đất đai chưa được công nhận. Trong giai đoạn này, TĐC là quá trình đưa người dân từ vùng dự án đến nơi định cư mới, có đền bù những mất mát cho người dân nhưng không có chính sách giúp người dân phục hồi sinh kế. Điều đó khiến người dân TĐC rất dễ bị rơi vào nghèo đói sau khi di dời và TĐC[3].
Luật Đất đai năm 1993 đã hình thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Điều kiện bắt buộc khi thực hiện dự án có thu hồi đất quy mô lớn là phải có “khu TĐC xây dựng phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng ở đô thị hoặc nông thôn”[4]. Đến năm 2004, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004quy định: “Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu TĐC phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”[5] và “Tạo điều kiện cho các hộ vào khu TĐC được xem cụ thể khu TĐC và thảo luận công khai về dự kiến bố trí”. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, chỉ có các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP[6] cho phép tất cả các hộ dân có đất sản xuất bị thu hồi sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ nêu trên. Đây là một bước tiến trong chính sách để đảm bảo công bằng trong đền bù; nhưng cũng còn một số bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế (ví dụ trường hợp hộ dân có đất sản xuất vượt hạn điền; mức độ đền bù cần phân biệt giữa các hộ dân bị thu hồi ít hay nhiều đất, v.v.). Theo quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, mức hỗ trợ các hộ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất đối với toàn bộ diện tích đất bị thu hồi, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ do UBND các tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể. Điều này khiến UBND các tỉnh lúng túng trong việc ra quyết định về mức hỗ trợ do thiếu hướng dẫn cụ thể, đồng thời cũng gây rủi ro khiếu kiện nếu một dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh có hai mức hỗ trợ khác nhau[7].
Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể về việc thu hồi đất: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và mục đích công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” (khoản 3 Điều 54).
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014. Hai văn bản này quy định về chính sách đặc thù di dân, TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện. Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg đã đưa ra các giải pháp gồm: hỗ trợ người dân TĐC chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phát triển rừng sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai chính sách này thể hiện một số bất cập, việc triển khai thực hiện chậm do thiếu nguồn kinh phí thực hiện và cơ chế tài chính phân cấp không rõ ràng. Đối với một số dự án lớn như thủy điện Sơn La, Chính phủ có riêng Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng TĐC thủy điện Sơn La.
Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách mới[8] thông qua quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC theo đúng các văn bản pháp luật về đầu tư công để tăng tính thực thi. Đặc biệt, chính sách mới làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì tổng hợp kế hoạch trung hạn hàng năm do UBND các tỉnh lập gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Nhằm giải quyết các vấn đề đang tồn tại, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực di dân, TĐC dự án thủy lợi, thủy điện, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án: “Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, TĐC dự án thủy lợi, thủy điện”[9]. Đề án đặt ra mục tiêu rà soát, đánh giá thực trạng các chính sách về di dân, TĐC dự án thủy lợi, thủy điện; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về di dân, TĐC dự án thủy lợi, thủy điện để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân TĐC phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp người dân TĐC tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tiếp nhận TĐC. Do mới ban hành, đến thời điểm hiện tại chưa có nhiều địa phương triển khai thực hiện đề án này, những vấn đề cấp bách đang diễn ra tại các khu TĐC do đó vẫn còn nguyên tính thời sự và cần thiết được nhận diện để có những giải pháp kịp thời và đồng bộ.
3. Thực trạng thực hiện chính sách hậu tái định cư ở một số dự án thủy điện ở nước ta
3.1. Giới thiệu về cuộc khảo sát
Trong năm 2018-2019, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã thực hiện Đề tài “Những vấn đề cấp bách trong thực hiện TĐC ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay”; trong đó, có thực hiện điều tra khảo sát tại 10 tỉnh tiêu biểu của Việt Nam có thực hiện chương trình TĐC liên quan đến các công trình thủy điện; trong đó, Sơn La và Lai Châu thuộc khu vực Tây Bắc Bộ; Tuyên Quang thuộc Đông Bắc Bộ; Thanh Hóa và Nghệ An thuộc Bắc Trung Bộ; Quảng Nam, Bình Thuận thuộc duyên hải Nam Trung Bộ; Gia Lai và Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên; Bình Phước thuộc Đông Nam Bộ.
Trong mỗi tỉnh, lựa chọn huyện xã miền núi có thực hiện chương trình TĐC cho người DTTS. Có hai nhóm hộ được chọn là nhóm hộ TĐC và nhóm hộ đối chứng. Trong đó, nhóm hộ đối chứng là nhóm hộ sinh sống tại vùng lân cận. Hai nhóm hộ TĐC và hộ đối chứng được phỏng vấn bằng bảng hỏi cấu trúc tập trung vào các nội dung để đánh giá tác động của TĐC tới đời sống kinh tế, xã hội và môi trường sống.
3.2. Kết quả khảo sát về thực hiện chính sách tái định cư ở một số dự án thủy điện
a) Tỷ lệ hộ nghèo cao tại các khu, điểm TĐC
Kết quả khảo sát tại các tỉnh, tỷ lệ nghèo ở các khu, điểm TĐC cao hơn so với mặt bằng chung và so với bình quân các hộ DTTS khác. Tỷ lệ nghèo tại các khu TĐC bình quân là 33,63% cao hơn khoảng 3% so với bình quân các hộ DTTS khác. Tỷ lệ nghèo tại các khu TĐC được ghi nhận cao nhất là 67% tại các khu TĐC của Dự án thủy điện Bản vẽ và Thủy lợi Bản Mồng (Nghệ An). Tỷ lệ nghèo thấp nhất được ghi nhận là 10.2% tại khu TĐC của Thủy điện Trung Sơn tại Thanh Hóa. Tỷ lệ nghèo thường tăng cao sau 2-3 năm TĐC khi người dân đã sử dụng hết tiền đền bù cho việc mua sắm vật dụng cá nhân, mua thực phẩm.
BÀI-LTHANH1.png
b) Chưa đảm bảo cung cấp đủ đất sản xuất và đất ở cho người dân TĐC ổn định cuộc sống
Theo khảo sát ở nhiều khu, điểm TĐC của Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, đất ở và đất sản xuất chỉ đáp ứng nhu cầu trong mấy năm đầu, chưa đảm bảo nhu cầu tách hộ, giãn dân, gia tăng dân số; có những nơi bố trí đất ở không đúng phương án quy hoạch như tại Bản Vẽ (Nghệ An), bố trí ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, không đảm bảo an toàn nên sau TĐC người dân không ở mà chuyển đi nơi khác, nhiều khu TĐC bỏ hoang.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ hoàn thành giao đất sản xuất của các dự án TĐC bình quân mới đạt 69% so với quy hoạch. Tình trạng các hộ dân TĐC chưa được giao đủ đất sản xuất so với hạn mức quy định tồn tại ở nhiều nơi như: Dự án thủy điện Huội Quảng, Bản Chát tỉnh Lai Châu, bình quân diện tích đất sản xuất là 0,89 ha/hộ, thấp hơn so với hạn mức quy định (1,2 - 1,5 ha/hộ); Dự án thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An còn 75 hộ chưa nhận đất, với tổng diện tích còn thiếu là 90,4 ha; Dự án thủy điện Hủa Na tỉnh Nghệ An còn 746 hộ chưa được giao đủ đất lúa, với tổng diện tích còn thiếu 57,8 ha, 311 hộ thiếu đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.032 ha; Dự án thủy điện Đồng Nai 3 tỉnh Đắk Nông còn 275 hộ chưa được giao đủ đất sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích còn thiếu là 257 ha; Dự án thủy điện Thượng Kon Tum tỉnh Kon Tum còn 106 hộ chưa được giao đủ đất sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích còn thiếu là 75 ha.
BÀI-LTHANH1_1.png
Hiện nay, tình trạng thiếu đất sản xuất và đất ở đang làm cho cuộc sống của người dân ở các khu, điểm TĐC của các công trình thủy lợi và các công trình khác (thủy điện, giao thông) ở vùng DTTS và miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân làm  nhiều hộ TĐC quay về khu vực lòng hồ canh tác. Điển hình như thủy điện Bản Vẽ có 136 hộ (434 khẩu) quay về cư trú canh tác trên khu vực lòng hồ, và một số thủy điện khác như An Khê, Thác Mơ, Hàm Thuận cũng có tình trạng này nhưng ít hơn.
c) Đời sống của người dân TĐC còn nhiều khó khăn do thực hiện chưa tốt công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sinh kết và tạo việc làm của các hộ sau TĐC
Theo đánh giá của cán bộ chính quyền các địa phương, người dân TĐC đang phải đối mặt với những vấn đề như: thu nhập thấp và thiếu việc làm, hoạt động sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ được hỗ trợ tạo sinh kế sau TĐC vẫn còn thấp, cụ thể: chỉ 23,7% số hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; 19,5% được tập huấn kỹ thuật; 16,3% được đào tạo nghề mới; 12,8% được hỗ trợ nguyên liệu đầu vào sản xuất; và chỉ 7,4% được hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Với tỷ lệ được hỗ trợ thấp như trên, trong khi phải đối mặt với nhiều khó khăn sinh kế khi chuyển đổi nơi ở, có thể thấy người dân TĐC đã trở thành một đối tượng rất dễ bị tổn thương trong xã hội.
BÀI-LTHANH1_2.png
Tỷ lệ thấp như trên còn cho thấy, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề hay đa dạng hóa sinh kế cho người dân thực hiện nhưng không hiệu quả, thiếu bền vững. Như trên đã đề cập, tỷ lệ các hộ tham gia đào tạo nghề mới rất thấp chỉ 16,3%, nguyên nhân là do nhận thức thấp của người dân về cơ hội chuyển đổi việc làm, nhiều người lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề gặp khó khăn. Trong khi đó, cơ hội tìm các việc làm phi nông nghiệp ở các nhà máy, công ty ở địa phương cũng không nhiều, tỷ lệ lao động địa phương được nhận làm việc tại các công trình thủy điện trên địa bàn rất thấp. Tập quán làm việc tự do và có nhiều lễ hội trong năm của người DTTS cũng ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian làm việc, khiến các doanh nghiệp không ưu tiên tuyển chọn (một số địa phương có các công ty cao su, mía đường như Bình Thuận, Bình Phước, Gia Lai, người dân được đào tạo vào làm ở các công ty này nhưng rất nhiều lao động không thể tuân thủ kỷ luật và bỏ việc không làm…). Ngoài ra, theo các cán bộ phụ trách đào tạo nghề ở các địa phương, các đơn vị đào tạo nghề gặp khó khăn trong chọn lựa ngành nghề để đào tạo (có nhu cầu lao động nhiều, yêu cầu kỹ thuật không cao, thời gian làm việc ổn định, mức thu nhập đảm bảo v.v.) trong phạm vi khu vực gần với các khu TĐC.
d) Các công trình công cộng và nhà ở của hộ TĐC nhanh chóng xuống cấp hoặc bị bỏ hoang do không phù hợp với phong tục tập quán
Đối với rất nhiều dự án thủy điện, các khu TĐC đồng bộ đã được xây dựng. Tuy nhiên, theo người dân, việc thiết kế, xây dựng các khu TĐC chưa quan tâm đến phong tục, tập quán, và văn hóa của các cộng đồng người DTTS nên nhiều công trình nhà ở và công trình công cộng sau khi đưa vào sử dụng không được người dân sử dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy, tại các khu, điểm TĐC có xây nhà đồng bộ hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, tỷ lệ nhà bỏ hoang khá nhiều (ở khu TĐC thủy điện Hạm Thuận tỉnh Bình Thuận ước tỉnh khoảng 30% số nhà bị bỏ hoang; thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An nhiều khu nhà TĐC di vén gần lòng hồ đã bỏ hoang từ nhiều năm; thủy điện Thác Mơ tỉnh Bình Phước, Sông Tranh 2 tỉnh Quảng Nam cũng trong tình trạng tương tự. Đối với các dự án thủy điện ở giai đoạn sau năm 2013, rút kinh nghiệm từ sự thiếu hiệu quả của các khu TĐC xây dựng đồng bộ nên các dự án đã chuyển qua hỗ trợ tiền để người dân tự xây dựng nhà ở hoặc vận chuyển nhà từ nơi ở cũ về nơi ở mới.
Tình trạng thiếu quy hoạch các công trình phụ (nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại…) ở các khu, điểm TĐC rất phổ biến. Nhiều khu TĐC tập trung có xây nhà vệ sinh cho các hộ, nhưng do không phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa nên các hộ không sử dụng và chuyển đổi thành nhà kho (điển hình như tại khu TĐC An Khê- Kanak Gia Lai). Theo người dân, nguyên nhân do khi quy hoạch đã không tính toán khoảng cách từ nhà vệ sinh với nhà ở, dẫn tới xây quá sát với nhà ở gây ô nhiễm, không phù hợp với phong tục của người DTTS là nhà vệ sinh phải cách xa nhà ở.
Khảo sát các khu, điểm TĐC cho thấy, các công trình dịch vụ công như: đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa, hệ thống điện chưa được xây dựng. Nhiều khu TĐC sau 10 năm mới có điện lưới như khu TĐC của thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An). Một số dự án thu hồi đất trong giai đoạn quy hoạch treo đã 10 năm gây khó khăn cho cuộc sống của các hộ do không được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường, điện (như dự án Thủy lợi Bản Mồng, Nghệ An).
Một số khu TĐC đã có các công trình công cộng nhưng xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với các công trình đường giao thông, nước sinh hoạt sau một thời gian ngắn sử dụng rất nhiều công trình đã hư hỏng. Chỉ có khoảng 47,0% người dân TĐC tiếp cận được nước sạch (gồm nước máy vào nhà, nước máy công cộng, giếng khoan và giếng đào), trong khi mức tiếp cận này ở các hộ ĐC là 62,0%. Các hộ TĐC chủ yếu dùng nước chảy từ các khe suối chiếm 45,3%, trong khi các hộ đối chứng dùng nhiều nhất là nước từ giếng đào 34,3%. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất tại khu TĐC các công trình giao thông tại Bình Phước, hầu hết các giếng nước đào ở đây đã cạn nước, khu cấp nước tập trung cũng đã cạn và hư hỏng nghiêm trọng, người dân phải mua nước từ các xe chở nước và không đủ nước để cho sinh hoạt hàng ngày[10].
Ngoài ra, nhà sinh hoạt động đồng cũng hư hỏng, nhiều khu bị bỏ hoang như tại thủy điện An Khê- Kanak Gia Lai.
e) Chưa đáp ứng được nhu cầu về bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa và phong tục truyền thống tại các khu, điểm TĐC.
Đối với nhiều dự án thủy điện lớn như: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Vẽ - Nghệ An đã thực hiện di dời nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, những người di dời phải ở xen ghép với những cộng đồng dân tộc tại chỗ. Điều này dẫn tới nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc khó được duy trì và đang bị mai một dần. Điều này thể hiện rõ nhất ở tần suất sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức lễ hội truyền thống tại các khu TĐC thấp hơn so với các khu đối chứng và đánh giá của người dân về mức độ quan trọng của “già làng, trưởng bản” ở các khu TĐC cũng kém quan trọng hơn so với nơi đối chứng. Cụ thể, 25,04% hộ TĐC đồng ý tần suất tổ chức trong những năm gần đây ít hơn so với trước kia, tỷ lệ của hộ đối chứng là 21,01%. Tỷ lệ đánh giá kém quan trọng hơn của già làng, trưởng bản của các hộ TĐC là 13,55%, trong khi đó các hộ đối chứng đánh giá là 10,76%. Ngoài ra, ở một số nơi, do nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng với chất lượng kém, đến nay đã xuống cấp, người dân không dám sử dụng trong những ngày mưa bão vì sợ sập (TĐC thủy điện Bản Vẽ - Nghệ An, Hàm Thuận - Bình Thuận)[11].
Mâu thuẫn trong cộng đồng cũng đang là vấn đề đặt ra đối với các khu TĐC, đặc biệt là tại các khu TĐC xen ghép, hay các khu TĐC mà cộng đồng TĐC sống gần các cộng đồng bản địa khác. Kết quả khảo sát cho thấy, 13,1% hộ TĐC đánh giá các mâu thuẫn trong cộng đồng tăng hơn so với 5 năm trước đây, trong khi hộ đối chứng chỉ 8,5%[12].
f) Yếu kém trong xử lý ô nhiễm môi trường sống tại các khu, điểm TĐC
Do khi thiết kế quy hoạch khu TĐC các chủ đầu tư đã không chú ý quy hoạch khu xử lý rác thải, thu gom nước thái sinh hoạt, sản xuất. Đến nay, tình trạng ô nhiêm môi trường đang rất phổ biến tại các khu TĐC, rác thải sinh hoạt, rác thải từ chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường gần khu dân cư gây ô nhiễm, gây nguy cơ dịch bệnh đối với cộng đồng (điển hình tại các khu TĐC của thủy điện Bản vẽ - Nghệ An, thủy điện An Khê- Kanak Gia Lai). Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang rất phổ biến ở nhiều khu TĐC cũng gây ảnh hưởng lớn tới việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống tại các khu TĐC, đặc biệt ở một số khu như TĐC thủy điện Sơn La, thủy điện Bình Phước, thậm chí người dân phải mua nước sinh hoạt từ các xe téc với giá cao.
3. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách
Trên cơ sở kết quả khảo sát, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện chính sách hậu TĐC đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các dự án thủy điện sau đây:
a) Hỗ trợ công tác giảm nghèo
Cần ưu tiên thực hiện các giải pháp sau để hỗ trợ giảm nghèo cho các khu TĐC: (i) tiếp tục rà soát, đẩy mạnh chính sách giao đất cho hộ DTTS, đặc biệt diện tích rừng do các đơn vị nhà nước đang quản lý, các công ty nông lâm nghiệp ở các địa phương; (ii) hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (nghiên cứu thử nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới phù hợp với từng địa phương; tăng cường các hoạt động khuyến nông bằng cách xây dựng các mô hình trình diễn về cây, con mới ở địa phương để người dân học hỏi và làm theo; (iii) ưu tiên cho các hộ TĐC tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp hoặc vay theo chuỗi giá trị với lãi suất ưu đãi; ưu tiên cấp vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với các dự án có khả năng thu hút lao động từ các khu TĐC.
b) Nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng và dịch vụ công
Cần phải có chính sách, quy định để các địa phương lồng ghép việc sửa chữa nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu TĐC với các chương trình lớn như Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí trích từ nguồn đóng góp hàng năm của các nhà máy thủy điện cho các địa phương cho việc đầu tư duy tu, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng ở các khu TĐC.
c) Đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp
Để công tác đào tạo nghề đồng bào DTTS ở các khu, điểm TĐC hiệu quả, cần thực hiện một số các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần điều chỉnh bổ sung tăng kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với đồng bào các dân tộc TĐC ở các công trình thủy điện trong các quyết định phê duyệt các công trình, dự án.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề trong vùng TĐC hoặc cơ sở có điều kiện phù hợp nhằm giúp cho học viên có điều kiện nắm bắt tốt những kiến thức đã học để áp dụng vào trong công việc tại nơi ở mới. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút những giáo viên dạy nghề giỏi, có kinh nghiệm về công tác tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề cho phù hợp với lao động của đồng bào. Chẳng hạn như đối với đồng bào tại các điểm, khu TĐC cần có phương án hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở lòng hồ, hỗ trợ người dân TĐC chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển thương mại, dịch vụ… Đẩy mạnh đào tạo những nghề có thu nhập cao và nhu cầu xã hội đang cần như lao động tại các khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc định hướng nghề phù hợp với từng lứa tuổi, địa bàn... Tăng cường tự kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm phát huy được nghề nghiệp đối với mỗi người sau khi học nghề.
d) Bảo tồn, duy trì văn hóa cộng đồng và hỗ trợ hội nhập cộng đồng vùng TĐC
Cần xây dựng và có kế hoạch bảo tồn các lễ hội, phong tục, tập quán của người dân các khu TĐC; các địa phương cần đưa vào kế hoạch hàng năm tổ chức các lễ hội văn hóa theo đặc thù của các dân tộc, huy động người dân tham gia để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa cộng đồng TĐC và cộng đồng người dân sở tại để giúp người dân TĐC nhanh chóng hòa nhập với địa phương; hỗ trợ cộng đồng người DTTS xây dựng nhà văn hóa cộng đồng theo đúng phong tục, tập quán, bằng các vật liệu như ở nơi ở cũ.
e) Giải pháp bảo vệ môi trường sống
Bổ sung quy định về xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường trong các dự án TĐC, xây dựng chương trình giáo dục truyền thông cho cộng đồng TĐC nhằm nâng cao nhận thức về môi trường sống, chăn nuôi cách xa khu dân cư, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi hợp vệ sinh; coi các khu TĐC là địa bàn ưu tiên trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để lồng ghép, vận dụng nguồn lực thực hiện.
f) Xây dựng quỹ hỗ trợ người dân hậu TĐC
Cần nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư sau TĐC, gọi là Quỹ TĐC, dùng để hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người dân vùng TĐC và duy tu bảo dưỡng một số công trình giao cho cộng đồng quản lý. Nguồn kinh phí trích từ kinh phí đóng góp của nhà máy thủy điện cho địa phương hàng năm.
4. Kết luận
Sau khi người dân chuyển về các khu TĐC, rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống được thực hiện như: hỗ trợ sinh kế, trợ cấp lương thực, chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề… Tuy nhiên, quá trình thực hiện được đánh giá là chưa hiệu quả, có rất nhiều chính sách thực hiện chậm như chính sách hỗ trợ đất sản xuất ở nhiều tỉnh (tỷ lệ giao đất chỉ đạt bình quân 69%), chính sách đào tạo nghề không hiệu quả do ít người tham gia, chuyển đổi nghề nghiệp không thực hiện được do thiếu các công việc phí nông nghiệp cho người dân, trong khi các hoạt động nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, không hiệu quả dẫn đến tỷ lệ nghèo tại các khu, điểm TĐC vẫn cao hơn so với bình quân chung của vùng DTTS và miền núi. Chính vì thế, trong thời gian tới cần phải thực hiện triệt để các giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu này nhằm giải quyết những khó khăn trong phát triển kinh tế của hộ DTTS và giảm nghèo bền vững./.

 


Cùng nhóm Tác giả: ThS. Vũ Huy Phúc, Th.S Phạm Thị Thu Hà, Th.S Nguyễn Mai Linh (Nghiên cứu viên, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT).

[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
[2] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2018), Báo cáo thực trạng và giải pháp ổn định di cư tự do các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
[3] Bui Thi Minh Hang and Pepijin Schreinemachers (2011), TĐC nông hộ ở Tây Bắc Việt Nam: Thay đổi sinh kế và thích ứng, International Journal of Water Resources Development 27(4): 769-785.
[4] Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998.
[5] Điều 35 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004.
[6] Nghị định số 69/2009/ND-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013.
[7] Lê Anh Tuấn, Đào Thị Việt Nga (2016), Phát triển thủy điện ở Việt Nam: Thách thức và Giải pháp, Nxb. Khoa học và kỹ thuật.
[8] Quyết định số 06/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
[9] Quyết định số 1457/QĐ-TTg ban hành ngày 25/10/2019 phê duyệt Đề án: Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện.
[10] Nguồn: Khảo sát tại các tỉnh, 2018-2019.
[11] Nguồn: Khảo sát tại các tỉnh, 2018-2019.
[12] Nguồn: Khảo sát tại các tỉnh, 2018-2019.