Đánh giá những tác động của việc thay đổi cách tính thuế đối với dịch vụ trung gian kết nối vận tải

28/12/2020

Tóm tắt: Việt Nam vừa thay đổi chính sách thuế áp dụng đối với mô hình trung gian kết nối vận tải. Điều này đã làm phát sinh các tranh chấp giữa các tài xế với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích những tác động của sự thay đổi này đến thị trường và người tiêu dùng, qua đó đề xuất một số kiến nghị về vấn đề này.
Từ khoá: Kinh tế chia sẻ, chính sách thuế, Grab, thương mại điện tử.
Abstract: Vietnam has changed the tax policy applied to the model of intermediary transport connection. This change has resulted in disputes between the drivers and the connection service providers. This article provides an analysis of policy’s impacts on the market, the consumers and also propose relevant solutions for the concerned matters.
Keywords: Sharing economy, tax policy, Grab, e-commerce.
           Grab-Taxi-.png
Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) đã thay đổi chính sách chia lợi ích giữa Grab và tài xế (Ảnh minh họa: ST)
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định 126). Nghị định thay đổi mức thuế suất đối với các cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty trung gian kết nối vận tải (tài xế). Căn cứ quy định của Nghị định 126, Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) đã thay đổi chính sách chia lợi ích giữa Grab và tài xế. Ngay lập tức đã có nhiều cuộc đình công của tài xế phản đối chính sách tăng chiết khấu của Grab và  giữa Grab và Tổng cục thuế cũng bùng nổ tranh luận về chính sách thuế mới. Nhìn từ sự kiện này, có hai vấn đề cần phải được làm rõ: (i) Sự thay đổi cách tính thuế sẽ ảnh hưởng đến những đối tượng nào; (ii) Tác động của chính sách thuế mới có làm ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh trung gian kết nối hay không?
1. Cách tính thuế trước và sau khi Nghị định 126 có hiệu lực
1.1. Cách tính thuế trước Nghị định 126
Căn cứ Công văn 384/TCT-TNC ngày 08/02/2017 của Tổng Cục Thuế (Công văn 384), các cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Grab phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu theo hợp đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính với tỷ lệ lần lượt là:
- 3% trên doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT); và
- 1,5% trên doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để tính thuế TNCN.
Bên cạnh đó, đối với các khoản tiền thưởng khuyến khích theo doanh thu ngày, cá nhân sẽ không bị tính thuế GTGT nhưng phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng. Còn đối với khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao, các cá nhân sẽ phải nộp thuế TNCN với mức thuế suất là 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.
Như vậy, theo Công văn 384, Grab có nghĩa vụ khai, nộp thuế thay cho tài xế theo quy định đối với doanh thu, thu nhập được chia theo hợp đồng hợp tác kinh doanh và các khoản thưởng. Đánh giá tổng quan, khoản thu nhập được chia theo hợp đồng hợp tác kinh doanh chịu thuế TNCN và doanh thu chịu thuế GTGT của các cá nhân kinh doanh sẽ được Grab nộp thay là 4,5% (trên doanh thu chịu thuế).
1.2. Cách tínhthuế theo Nghị định 126
Điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126 quy định: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”. Theo quy định này, cùng với Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã xác định Grab phải kê khai và nộp thuế:
- ThuếTNCN là 1,5%; và
- Thuế GTGT là 10% trên doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
Ai là người hưởng lợi từ sự thay đổi này?
Nhìn từ góc độ tài chính, khi một khoản doanh thu được tạo ra từ hoạt động vận chuyển của tài xế, về cơ bản, khoản doanh thu này sẽ chia cho ba (03) chủ thể lần lượt là:
- Tài xế nhận thù lao của mình;
- Grab sẽ tính khoản phí kết nối, phí quản lý; và
- Nhà nước sẽ thu thuế.
Chúng ta thử hình dung, một tài xế thực hiện dịch vụ vận chuyển tạo ra khoản doanh thu là 100.000 đồng. Bản chất khoản doanh thu này là tổng của thù lao tài xế, phí quản lý của Grab và tiền thuế phải nộp cho Nhà nước. Theo đó, giả định doanh thu là không đổi, thì việc một số hạng trong tổng kia tăng lên, đồng nghĩa các số hạng còn lại phải giảm đi. Nói cách khác, nếu một chủ thể nhận được nhiều hơn, thì các chủ thể khác sẽ được nhận ít đi. Nguyên lý này có thể hình dung thông qua ví dụ sau:
- Trước khi có Nghị định 126, anh A chạy 1 cuốc xe với cước giá là 100.000 đồng và được xác định là doanh thu để tính thuế. Theo đó, số tiền này Grap sẽ nộp thuế cho anh A và chia cho anh A các sau:
+ Về xác định doanh thu anh A được chia là 80.000 đồng (80% doanh thu).
+ Thuế TNCN là: 1,5% x 80.000 = 1.200 đồng.
+ Thuế GTGT là: 3% x 80.000 = 2.400 đồng.
Theo đó, số tiền anh A sẽ được nhận là 80.000 – (1.200 + 2.400) = 76,400 đồng.
- Khi Nghị định 126 có hiệu lực, anh A chạy 1 cuốc xe với cước giá là 100.000 đồng (giá này đã có thuế GTGT) thì số tiền thực chất thu được sau thuế GTGT là[1]: 100.000/(1+10%)= 90.909 đồng.
- Về xác định doanh thu anh A được chia là 90.909 x 80% = 72.727 đồng.
- Thuế TNCN là: 1,5% x 72.727 = 1.090 đồng.
Theo đó, số tiền anh A sẽ được nhận là 72.727 – 1.090 = 71,637 đồng.
So sánh hai trường hợp trên, chúng ta thấy, nguồn thu của Nhà nước tăng lên, nguồn thu Grab bị giảm một ítvà nguồn thu của tài xế là giảm đi nhiều.
2. Bình luận
Cho đến nay, dù cơ quan có thẩm quyền chưa công bố số liệu thống kê cụ thể, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch covid 19, nguồn thu ngân sách năm nay sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng bất lợi. Chúng tôi cho rằng, mặc dù cân đối và tránh thâm hụt ngân sách luôn là một vấn đề vĩ mô cần phải được ưu tiên, nhưng việc ban hành Nghị định 126 vào thời điểm này để lại một số bất cập sau:
Thứ nhất, đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, người lao động cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hỗ trợ không chỉ được nhìn nhận ở góc độ của gói hỗ trợ tài chính, mà còn cần được nhìn nhận ở các biện pháp, chính sách mở rộng cơ hội làm việc và/hoặc tạo ra thu nhập. Do vậy, chúng tôi cho rằng thiếu hợp lý khi Chính phủ ban hành nghị định 126 vào thời điểm này.
Thứ hai, Nghị định 126 tác động đến toàn bộ mô hình kinh doanh vận tải dựa trên nền tảng trung gian kết nối. Điều này có nghĩa là toàn bộ các mảng vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn… đều phải chịu mức thuế suất cao hơn. Các mô hình vận tải dựa trên các nền tảng kết nối như Grab đang đóng vai trò là những đơn vị logistics, một thành tố không thể thiếu của thương mại điện tử. Việc logistics tăng giá sẽ làm cho giá hàng hoá của thương mại điện tử tăng[2]. Như vậy, trong khi chúng ta đang khuyến khích phát triển thương mại điện tử thì việc ban hành Nghị định 126 lại góp phần tạo nên trở lực cho việc phát triển ngành logistics, một trụ cột có ý nghĩa thúc đẩy thương mại điện tử.
Thứ ba, một trong những yếu tố căn bản thu hút đầu tư là tính ổn định và dễ dự đoán của pháp luật. Thuế là một thành tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải dựa trên nền tảng kết nối như Grab nói riêng. Lấy cột mốc của Nghị định 126 làm ví dụ. Chính sách thuế được áp dụng đối với mô hình kinh doanh này đang thể hiện hoặc đáp ứng cho những mục tiêu gì? Chúng tôi chưa tìm thấy logic đằng sau sự thay đổi về chính sách thuế trước và sau khi Nghị định 126 ra đời. Nhìn từ góc độ vĩ mô, đây mới là vấn đề mà bất cứ Chính phủ nào cũng cần phải quan tâm; bởi lẽ, một khi pháp luật thuế nói riêng và pháp luật nói chung là không ổn định và khó dự đoán, nó sẽ tạo nên trở lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, để bảo đảm sự phát triển thương mại điện từ, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ cần cân nhắc một số giải pháp sau:
3.1. Các giải pháp trong ngắn hạn
Trước khi đánh giá những tác động bất lợi của Nghị định 126 đến đời sống của người lao động[3], cần tạm dừng việc thi hành Nghị định này. Bởi lẽ, việc tạo điều kiện để người lao động có thể tự tạo ra thu nhập vẫn là một cách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi đại dịch covid-19, đặc biệt khi gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho mục tiêu này luôn bị giới hạn bởi sự eo hẹp về ngân sách nhà nước.
     Cơ quan quản lý thuế cần có văn bản giải thích rõ sự tác động của quy định về giá cả của dịch vụ Grab để mọi người có thể thấy bản chất của vấn đề và cùng nhau chia sẻ. Việc cho rằng, sự thay đổi cách tính thuế không làm ảnh hưởng giá của dịch vụ là hoàn toàn không chính xác và làm nhiều chủ thể hiểu lầm về việc tăng giá cước của những chủ thể kinh doanh theo mô hình kinh doanh vận tải dựa trên nền tảng kết nối mà Grab là một ví dụ[4].
3.2. Giải pháp trong dài hạn
Một là, cần thay đổi và điều chỉnh mức doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế TNCN và thuế GTGT của các chủ thể kinh doanh là cá nhân. Bởi lẽ, mức quy định doanh thu 100.000.000 (một trăm triệu) đồng/năm để xác định hàng hóa, dịch vụ kinh doanh phải chịu thuế GTGT[5] và thuế TNCN[6] đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Mức doanh thu này trước đây được ban hành để nhằm tương đồng với mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương là 9 triệu/tháng (108 triệu/năm)[7]. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã thay đổi và tăng thành 11 triệu đồng/tháng (132 triệu/năm)[8]. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh mức doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế TNCN và thuế GTGT của chủ thể kinh doanh là cá nhân cho phù hợp để đảm bảo cuộc sống của họ.
Hai là, cần quy định về quyết toán thuế TNCN và thuế GTGT hợp lý hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể kinh doanh là cá nhân. Theo đó, cần bổ sung quy định mang tính trao quyền cho cá nhân kinh doanh khi hợp tác cùng tổ chức có thể ủy quyền cho tổ chức thực hiện hoạt động quyết toán thuế (trong trường hợp này là cá nhân ủy quyền cho Grap quyết toán thuế)[9]. Chúng tôi cho rằng, cần xác định đây là nghĩa vụ của tổ chức hợp tác khi có yêu cầu của cá nhân hợp tác kinh doanh. Bởi lẽ, chính tổ chức hợp tác nắm rõ và có đầy đủ số liệu kết quả hoạt động kinh doanh của người hợp tác. Do vậy, nếu những cá nhân này có thu nhập đã được kê khai nộp thuế hay, lúc này, họ có quyền lựa chọn hoặc tự thực hiện hoạt động quyết toán thuế và tổ chức hợp tác phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan hoặc yêu cầu ủy quyền và lúc này tổ chức hợp tác có nghĩa vụ quyết toán thuế cho các cá nhân này. Quy định này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những cá nhân này và đảm bảo nguyên tắc “thu đúng, thu đủ” cũng như “thu thuế hợp lý” của Nhà nước.
Ba là: chính sách thuế đối với cả một lĩnh vực vận tải (hành khách và hàng hoá), ảnh hưởng đến một bộ phận lớn trong xã hội (tài xế, người tiêu dùng, các doanh nghiệp) và có tác động liên ngành (đến thương mại điện tử) nhưng lại được điều tiết bởi các công văn, nghị định của cơ quan hành pháp, tác giả cho rằng, đó là một điều chưa phù hợp, cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Các chính sách và/hoặc mức thuế suất phải được ghi nhận trong luật và các văn bản hướng dẫn, nếu có, chỉ nằm trong khuôn khổ của luật, tức phải mang tính dễ dự đoán. Đó cũng là phương thức để Việt Nam trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về đầu tư nước ngoài./.

 


[1]Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Grap và tài xế là phân chia theo tỷ lệ 20: 80 trên doanh thu sau thuế GTGT.
[2]Xe công nghệ tăng giá ai cũng kêu, https://tuoitre.vn/xe-cong-nghe-tang-gia-ai-cung-keu-20201205224432634.htm, truy cập ngày 19.12.2020
[3]Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi dùng chữ “người lao động” với tư cách là những người chạy xe để vận chuyển người, hàng hoá và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà không hàm ý khẳng định các tài xế là người lao động và Grab là người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
[4]Hàng trăm tài xế tắt app, tập trung trước trụ sở của Grab phản đối việc tăng cước, https://tuoitre.vn/hang-tram-tai-xe-tat-app-tap-trung-truoc-tru-so-grab-phan-doi-viec-tang-gia-cuoc-20201207141304728.htm, truy cập ngày 19.12.2020; Tổng cục thuế khẳng định Grab tăng chiết khấu cho tài xế là không đúng, http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Tong-cuc-Thue-khang-dinh-Grab-tang-chiet-khau-cho-tai-xe-la-khong-dung-623102/, truy cập ngày 19.12.2020.
[5]Khoản 1 Điều 1 của Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
[6]Khoản 1 Điều 2 của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế
[7]Khoản 4 Điều 1 của Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
[8]Nghị quyết số: 954/2020/UBTVQH14 ngày 2 tháng 6 năm 2020 của UBTVQH về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
[9]Hiện nay, việc áp dụng ủy quyền trong quyết toán thuế TNCN chỉ áp dụng trong một số trường hợp như kê khai, nộp thuế liên quan thu nhập từ tiền công, tiền lương, chuyển nhượng chứng khoán…và chưa rõ ràng trong trường hợp này.