Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp: Những ưu điểm và kỳ vọng

16/12/2020

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Ảnh-VCGiao.jpgSo với nhiều tạp chí khác của ngành luật, Nghiên cứu Lập pháp là một tạp chí khoa học trẻ, nhưng có tác động xã hội lớn, và có sức lôi cuốn không chỉ với người đọc mà còn với những người làm công tác nghiên cứu. Điều đó là do Tạp chí có nhiều ưu điểm, trong đó có thể kể như sau:
Thứ nhất, Tạp chí được điều hành bởi một đội ngũ cán bộ tâm huyết, tận tuỵ với công việc và hiểu rất rõ mục đích, ý nghĩa công việc mà mình đang làm. Kể từ những người đầu tiên đặt nền móng cho đến những người mới tham gia điều hành Tạp chí, tất cả đều nhiệt tình, trách nhiệm và có chuyên môn vững chắc, bao gồm chuyên môn về luật và chuyên môn về báo chí, xuất bản. Đây có lẽ là yếu tố chính tạo nên sự thành công của Tạp chí trong những năm qua.
Thứ hai, Tạp chí có tôn chỉ, mục đích rõ ràng và cập nhật với xu hướng và yêu cầu của thời đại cũng như của Việt Nam, đó là cung cấp những kiến thức, thông tin và gợi ý chính sách, pháp luật cho các nhà lập pháp, cơ quan đại diện và các cơ quan nhà nước khác của Việt Nam. Điều này thúc đẩy Tạp chí đăng tải và định hướng nghiên cứu về những vấn đề chính trị, pháp lý, xã hội cấp thiết đang đặt ra ở trong nước, khu vực và quốc tế. Các bài viết đăng tải trên Tạp chí – vì vậy – thường mang theo hơi thở của cuộc sống, sinh động và hữu ích với nhiều đối tượng độc giả.
Thứ ba, Tạp chí thu hút những nhà nghiên cứu bởi cách biên tập cẩn thận nhưng rất tôn trọng ý tưởng của người viết. Thông thường, trong các vấn đề học thuật không thể tránh được những ý kiến tranh luận, thậm chí bất đồng quan điểm giữa các chuyên gia, và giữa người viết và người biên tập. Trong những trường hợp đó, nếu không thực sự cầu thị và tôn trọng tác giả, người biên tập có thể “thẳng tay” cắt bỏ những nội dung trong bài báo mà mình cho rằng không phù hợp. Tình trạng này xảy ra ở nhiều tạp chí (thậm chí có tạp chí biên tập còn có những nhận xét, bình luận chủ quan, mang đậm tính “học phiệt” với tác giả). Ở Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, các bài viết được biên tập cẩn thận và được trao đổi với tác giả một cách dân chủ để cùng tìm ra hướng xử lý nếu xuất hiện những nội dung gây tranh luận. Trong trường hợp bài viết không được chọn, các tác giả cũng được Tạp chí thông báo một cách trân trọng và nhã nhặn. Đây là cách làm văn minh, thể hiện văn hoá của cộng đồng học thuật. Đối với những người làm công tác nghiên cứu tâm huyết, cách đối xử của Tạp chí là rất quan trọng, quyết định việc họ có hợp tác với Tạp chí một cách gắn bó, lâu dài hay không, chứ không phải bất kỳ lợi ích gì khác từ Tạp chí, bao gồm điểm đánh giá của Tạp chí trong Danh mục tạp chí khoa học của Hội đồng học hàm ngành luật.
Thứ tư, Tạp chí có cơ chế phản hồi nhanh chóng, và có tần xuất xuất bản (2 số/tháng) cao nhất trong các tạp chí khoa học ngành luật hiện nay. Việc có tần suất xuất bản cao cũng là một điểm mạnh, đồng thời thể hiện nỗ lực lớn của Tạp chí, bởi lẽ việc xử lý bài vở để có thể xuất bản 2 số tạp chí/tháng là công việc không hề dễ dàng. Nhờ nỗ lực to lớn đó, Tạp chí có thể đăng tải nhiều bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, qua đó đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu các vấn đề pháp lý, xã hội nảy sinh ngày càng nhiều hiện nay. Những yếu tố này cũng làm tăng sự ảnh hưởng và sức hút của Tạp chí với cả người đọc và người viết.
Thứ năm, Tạp chí có tư duy cởi mở, khai phóng và nhạy bén với những vấn đề pháp lý-xã hội mới. Điều đó thể hiện ở chỗ so sánh với các tạp chí khác của ngành luật, danh mục các bài viết đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp có sự đa dạng hơn rất nhiều về chủ đề, trong đó chủ đề của nhiều bài viết có tính mới, tính hiện đại và cập nhật cao, cung cấp những kiến thức, thông tin và kiến giải về những vấn đề pháp lý-xã hội nóng hổi vừa hoặc đang xảy ra ở trong nước và trên thế giới. Việc đăng tải những bài viết như vậy (gồm những bài về các vấn đề mới nhưng khá “gai góc”) cho thấy, Tạp chí có tư duy cởi mở, khai phóng, sự nhạy bén và cả sự dũng cảm – điều mà hầu hết tạp chí khác của ngành luật chưa đạt được.
Với những ưu điểm đã nêu trên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp còn có thể phát triển hơn nữa, trở thành một tạp chí hàng đầu của ngành luật Việt Nam. Tạp chí cũng có thể trở thành một tạp chí có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế nếu thực hiện một số cải cách sau đây:
Một là, áp dụng cơ chế thẩm định chuyên môn bên ngoài (peer review) với các bài viết. Việc này sẽ giúp ban biên tập có nhiều thời gian hơn trong việc trao đổi với các tác giả, cũng như trong việc định hướng sự phát triển của Tạp chí.
Hai là, triển khai đồng thời việc xuất bản online (hiện Tạp chí đã công bố các số trên Internet nhưng chưa xuất bản online theo đúng nghĩa) để có thể tăng thêm tương tác với độc giả, người viết, cũng như làm tăng hiệu quả tác động của Tạp chí.
Ba là, nghiên cứu việc đăng ký với các mạng lưới/hệ thống xuất bản học thuật quốc tế để đăng ký Tạp chí như là một ấn phẩm của mạng lưới/hệ thống đó. Việc này có tác dụng chính thức hoá vị thế của Tạp chí như là một thành viên của cộng đồng xuất bản quốc tế.
Bốn là, nghiên cứu việc xuất bản các số tạp chí bằng tiếng Anh, bước đầu có thể là các số chuyên đề, về sau có thể là tất cả các số tạp chí xuất bản song ngữ Việt – Anh. Việc này có tác dụng củng cố vị thế là một ấn phẩm quốc tế của Tạp chí./.