Tạp chí Nghiên cứu lập pháp: địa chỉ công bố công trình nghiên cứu đặc biệt có uy tín

13/12/2020

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Ảnh-NVCuong.jpgNếu ai đó hỏi tôi, một trong những tạp chí pháp luật nào mà tôi có duyên nhiều nhất, chắc chắn tôi không ngại ngần trả lời đó là Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.
Cách đây vài tháng, khi chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận tại Quốc hội và báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền, đồng chí Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp có tham vấn tôi về kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định thứ tự ưu tiên áp dụng quy phạm pháp luật khi cùng một vấn đề nhưng được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở các thời điểm khác nhau, có tầm hiệu lực pháp lý khác nhau. Một trong những chủ đề được thảo luận tại Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thật may mắn, không mất quá nhiều thời gian, tôi tìm được bài viết về chính chủ đề này đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp vào tháng 6/2001 của chúng ta, tức là cách đây 19 năm, khi Tạp chí chưa tròn 1 tuổi. Bài viết mà tôi nhắc tới kể trên chính là bài viết đầu tiên tôi gửi cho Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và được Tạp chí chấp nhận cho đăng khi mình mới vào nghề nghiên cứu và lúc đó, tôi tin rằng, khi mình mới vào nghề được hơn 1 năm thì rất ít người thực sự biết về bản thân mình[1]. Tôi thực sự cảm ơn các đồng chí trong Ban Biên tập khi ấy không vì lý do tuổi nghề của tôi còn đơn sơ mà từ chối đăng tải bài viết.
Tôi không nhớ hết tôi đã đăng bao nhiêu bài trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp, có thể khoảng 20 bài, nhưng rõ ràng, Tạp chí là một trong những địa điểm tôi thường nghĩ tới đầu tiên khi gửi bài đăng tạp chí do các nghiên cứu của tôi chủ yếu là phục vụ việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật mà tôi nghĩ sẽ được các đại biểu Quốc hội ở cơ quan lập pháp của chúng ta quan tâm. Tạp chí cũng là tài liệu đọc thường xuyên của tôi.
Tôi còn nhớ, có lần mình được đăng bài tạp chí nói về chữ “tín” và “thể chế kinh tế thị trường”[2] để nhấn mạnh một thông điệp quan trọng rằng: xây dựng và thực thi thể chế, vận hành quyền lực công phải hướng tới việc tạo dựng và củng cố niềm tin, sự gắn kết giữa người với người trong xã hội, tạo dựng, củng cố niềm tin giữa người dân với nhau và với Nhà nước. Lý do là chính niềm tin hay sự “tín nhiệm” giữa người với người, giữa người dân với Nhà nước là chất “bôi trơn”, là nguồn lực, nguồn vốn xã hội (social capital) đặc biệt quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Đến nay ngẫm lại, những luận điểm như thế vẫn còn nguyên giá trị.
Có lần Tạp chí chấp nhận đăng tải bài viết của tôi[3] để bàn về một thông lệ xây dựng pháp luật mà đến nay tôi thấy vẫn rất cần thay đổi, đó là việc ban hành các đạo luật mà thiếu các quy định về các chế tài đi kèm hoặc phải dẫn chiếu, “gửi” các quy định chế tài trong các đạo luật khác. Lúc đó, tôi cho rằng, cách xây dựng luật như thế không khác gì việc chúng ta đang tự mình đi lệch khỏi nguyên tắc làm việc “rèn sắt khi còn nóng” mà trí tuệ dân gian đã đúc kết. Đến nay, thông lệ ấy vẫn còn hiện hữu, nhưng tôi cho rằng, sẽ có ngày thông lệ ấy sẽ thay đổi.
Có lần, tôi được Tạp chí cho đăng một số bài để giải mã, nhận diện cho rõ bản chất hoạt động xây dựng pháp luật thực chất là gì hoặc quyền hành pháp thực chất là gì[4]. Trong những bài ấy, chúng tôi đã gợi mở việc phân định thực sự rạch ròi hơn các công việc thuộc về lập pháp, các công việc thuộc về hành pháp, các công việc thuộc về tư pháp, bảo đảm sự liên thông, kết nối, liền mạch với nhau giữa 3 quyền trong thực tiễn vận hành nhưng khắc phục tình trạng phân định chưa chuẩn dẫn đến hiện tượng “cái tay làm việc của cái chân”, từ đó, không bảo đảm sự tối ưu trong vận hành quyền lực nhà nước.
Có lần Tạp chí chấp nhận đăng tải bài viết của tôi chia sẻ kinh nghiệm về giải thích hiến pháp ở Hoa Kỳ[5] để thông tin về sự tồn tại của 2 trường phái giải thích hiến pháp. Hai trường phái ấy là giải thích theo nguyên nghĩa gốc và giải thích lệch khỏi nghĩa gốc nhằm cập nhật với sự biến chuyển của tình hình và cách mà các thẩm phán ở Hoa Kỳ đã biến một bản hiến văn ban hành hơn 200 năm trước (từ thời Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) mà cơ bản vẫn là bản Hiến pháp “sống” (living constitution) và thích dụng với thời cuộc dù bây giờ thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Gần đây nhất, Tạp chí chấp nhận đăng tài một số bài viết của tôi về các vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó phải kể tới bài viết về tiêu chí của một thành phố/đô thị thông minh,[6] trong đó nhấn mạnh tới 6 chuẩn mực được quốc tế công nhận rộng rãi như: nền kinh tế thông minh, đời sống thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh, cư dân thông minh và chính quyền thông minh. Bài viết cũng lưu ý tới những vấn đề rất đáng quan tâm khi xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam; trong đó, có vấn đề xây dựng các cơ sở dữ liệu, bảo vệ an ninh, an toàn đối với dữ liệu và vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân.
Tôi thật may mắn và có duyên với Tạp chí vì chưa lần nào tôi gửi bài bị Tạp chí trả lại. Tôi thấy công tác biên tập của Tạp chí rất công phu, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, thân thiện trong khi tốc độ biên tập rất nhanh. Tôi tin là các biên tập viên trân trọng từng ý tưởng khoa học, nhất là các thông tin mới, các phát hiện mới trong khoa học pháp lý và chính sách công.
Với tôi, không chỉ trong những năm tới mà trong những thập kỷ tới, Tạp chí vẫn sẽ là địa chỉ tin cậy để gửi gắm những sản phẩm nghiên cứu tốt của mình. Được đăng tải bài viết trên Tạp chí là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Nhân dịp Tạp chí tròn 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất nếu so với tuổi đời của một người, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhất và xin kính chúc Tạp chí ngày càng phát triển. Kính chúc các đồng chí trong Ban Biên tập luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Cảm ơn Ban Biên tập đã nâng niu, trân trọng những công trình hay của các nhà khoa học để tôi được tiếp cận, học hỏi bao điều sâu sắc, đậm chất trí tuệ và khai mở từ các bậc lão thành, các tiền bối và các đồng nghiệp đáng trân quý./.

 


[1] Bài viết “Quan niệm của Nhật Bản về Luật dân sự” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 6/2001.
[2] Bài viết “Chữ “Tín” và thể chế kinh tế thị trường” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 11/2007.
[3] Bài viết "Luật thiếu chế tài - bàn về một thông lệ xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay" đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2/2008.
[4] Bài viết “Bàn luận thêm về bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1/2013; Bài viết “Quyền hành pháp trong Hiến pháp năm 2013” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6/2014.
[5] Bài viết “Vài nét về giải thích Hiến pháp ở Hoa Kỳ” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17/2016.
[6] Bài viết “Thành phố thông minh: quan niệm quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 2/2020.