Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – cầu nối lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật

12/12/2020

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Anh-TVHoa.JPGTạp chí Nghiên cứu lập pháp trực thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp, cơ quan nghiên cứu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong số các cơ quan trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, rộng hơn là các cơ quan của Quốc hội, chỉ có duy nhất một tạp chí khoa học là Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Trong số các tạp chí chuyên ngành khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí nghiên cứu lập pháp luôn có một vị thế đặc biệt mà không phải tạp chí nào cũng có được. Nhiều nhà khoa học và hoạt động thực tiễn đã mặc nhiên coi Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là tạp chí của Quốc hội. Các số phát hành của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp được gửi trực tiếp tới các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trên cả nước. Các công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp có cơ hội tiếp cận trực tiếp tới hoạt động thực tiễn của cơ quan lập pháp tối cao của đất nước. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có cơ hội được tham khảo và phản ánh trong hoạt động làm luật và quyết sách ở cấp tối cao của đất nước – điều không gì có thể quý giá hơn đối với các nhà khoa học.
Về mặt khoa học, đã từ lâu Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là thành viên không thể thiếu trong danh mục những tạp chí chuyên ngành khoa học pháp lý do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố. Hội đồng biên tập của Tạp chí là sự kết hợp của các nhà khoa học pháp lý uy tín với những nhà hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Đội ngũ biên tập của Tạp chí có tính chuyên nghiệp và chuyên môn cao. Sự kết hợp đó làm cho các bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp mang phong cách rất riêng, đó là sự kết hợp giữa kiến thức lý luận và thực tiễn pháp luật phong phú, giữa văn phong học thuật và cách diễn đạt súc tích, cô đọng, có tính định hướng chính sách cao. Nhờ đó, các luận điểm khoa học pháp lý dễ dàng tìm được sự đồng cảm, tiếp thu của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước và được chuyển hóa thành luật hoặc chính sách của Quốc hội.
Một thế mạnh khác của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đội ngũ tác giả bài viết hết sức phong phú. Tạp chí vừa có tính học thuật vừa có tính thực tiễn cao nên là địa chỉ gửi bài ưa thích của cả các nhà khoa học và người làm thực tiễn. Chính vì vậy nên tạp chí có nguồn bài viết rất dồi dào và là một trong số ít tạp chí khoa học pháp lý luôn duy trì đủ hai số ấn bản hằng tháng. Bên cạnh đó, nguồn bài viết cũng đủ phong phú về chất lượng khoa học để thường xuyên đáp ứng sáu chuyên mục trong mỗi số phát hành, trải đều từ các vấn đề mang tính lý luận, như chuyên mục “Nhà nước và pháp luật” đến các vấn đề mang tính định hướng chính sách, pháp luật như chuyên mục “Bàn về dự án luật, chính sách”, các vấn đề thực tiễn thi hành pháp luật trong chuyên mục “Thực tiễn pháp luật” và các vấn đề về kinh nghiệm pháp luật quốc tế.
Với những lợi thế riêng có của mình, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp xứng đáng là cầu nối giữa nhà khoa học pháp lý và người làm thực tiễn xây dựng chính sách, pháp luật, giữa lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật. Nhân dịp Ngày truyền thống của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tôi xin chúc và tin rằng Tạp chí sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đạt được nhiều thành công hơn nữa trong việc truyền tải tri thức khoa học pháp lý đến với công tác xây dựng chính sách, pháp luật của đất nước./.