Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị – thực trạng và một số kiến nghị

02/01/2021

Tóm tắt: Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính quyền đô thị đã tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để chính quyền đô thị có thể chủ động, tích cực thực các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Trong quá trình đó, pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở nước ta đã từng bước được hình thành, phát triển và là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận, thực trạng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Chính quyền đô thị, pháp luật về chính quyền đô thị.
Abstract: The institutionalization of the Party's guidelines and orientation on the urban administration has created a legal ground and a favorable environment for the urban administration to proactively and actively implement the measures of economic and social-cultural developments with aims to improve people's living activities. The legal regulations on the organization and performance of the urban administrations in our country have been gradually formed and developed as a part of the Vietnamese legal system. This article provides an analysis of a number of theoretical issues and current situations and a number of proposed solutions to improve the current legal regulations on the organization and performance of the urban administration in Vietnam.
Keywords: Urban administration, legal regulations on urban administrations.
 chinh-quyen-do-thi.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị
Ở nước ta hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống đô thị quốc gia phát triển nhanh. Các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau. Quá trình này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị cũng như đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT) khác với nông thôn. Tổ chức CQĐT phải có tính tập trung cao, ít khâu trung gian, bảo đảm tính thông suốt. Hoạt động của CQĐT phải hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Bối cảnh trên đây đòi hỏi phải đổi mới sự điều chỉnh của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của CQĐT. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt và hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch giữa trung ương với địa phương; kiến tạo môi trường thuận lợi để chính quyền đô thị có thể chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Có thể khẳng định, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, được thể hiện bằng hệ thống các văn bản quy phạm phạm luật, có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đô thị.
Cách tiếp cận trên cho thấy, pháp luật về CQĐT điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị; cơ cấu, tổ chức của CQĐT; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; phân công, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và CQĐT; mối quan hệ giữa các cấp chính quyền ở đô thị và hoạt động kiểm tra, giám sát của chính quyền trung ương đối với tổ chức và hoạt động của CQĐT… Về hình thức, pháp luật về tổ chức và hoạt động của CQĐT được biểu hiện dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định với các cấp độ hiệu lực pháp lý khác nhau như Hiến pháp, luật, các văn bản dưới luật như pháp lệnh đến các văn bản pháp quy.
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của  CQĐT góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP
nói chung và CQĐP ở đô thị nói riêng. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của  CQĐT góp phần bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh giữa trung ương với địa phương (đô thị) nhằm tạo môi trường thuận lợi để chính quyền địa phương ở đô thị có thể chủ động, tích cực thực hiện biện pháp để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, pháp luật xác định thẩm quyền cho CQĐT tự chủ động thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
2. Thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị
Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, nhiều đạo luật được ban hành đã cụ thể hóa các quy định về Chính quyền địa phương (CQĐP) như: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015, Luât Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2019… Các văn bản pháp luật đó đã tạo cơ sở pháp luật cho tổ chức và hoạt động của CQĐP trong đó có CQĐT.
So với Hiến pháp năm 1992, điểm mới của Hiến pháp năm 2013 khi quy định về CQĐP xác định “đơn vị hành chính tương đương” là đơn vị thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, cấp CQĐP gồm có Hội đồng nhân dân và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định (khoản 2 Điều 111). Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã xác định rõ “đơn vị hành chính tương đương” là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”. Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định CQĐP ở đô thị gồm CQĐP ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn. Luật này cũng dành cả Chương 3 với 35 Điều (từ Điều 37 đến Điều 71) quy định về tổ chức CQĐP ở đô thị với nhiều nội dung mới về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền. Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 bổ sung Ban đô thị đối với Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố trực thuộc trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với quá trình đô thị hóa.
Có thể nói, những quy định trên đây là “bước chuyển mình” của pháp luật trong lĩnh vực này. Theo đó, trước đây, pháp luật chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CQĐP chung cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã mở ra khung khổ pháp lý để CQĐP được tổ chức linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính. Từ đó, pháp luật kiến tạo mô hình tổ chức CQĐP phù hợp hơn, có sự phân định rõ ràng giữa CQĐT và chính quyền ở nông thôn, cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đặc trưng của các đơn vị hành chính này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Luật Tổ chức CQĐP năm 2015) khẳng định: “CQĐP được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (khoản 1 Điều 2); Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 44: “CQĐP ở quận là cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP” (khoản 14 Điều 2); sửa đổi, bổ sung Điều 58: “CQĐP ở phường là cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP” (khoản 17 Điều 2). Những sửa đổi, bổ sung trên đây nhằm tạo cơ sở để Quốc hội quyết định một số đề án về thí điểm CQĐT ở một số địa phương phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.
Điều 9 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định: Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện. Trước đó, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài một số sở đặc thù như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, có thể tổ chức cơ quan chuyên môn đặc thù khác khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Ngoài 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại Điều 7 của Nghị định này, tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện trong đó ở quận, thành phố thuộc tỉnh có phòng quản lý đô thị.
3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị
- Quy định liên quan đến xác định vị trí, vai trò của đơn vị hành chính
Pháp luật hiện hành quy định các đơn vị hành chính ở nước ta gồm ba cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Như vậy, tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ không có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn, miền núi, miền xuôi và hải đảo. Hiến pháp năm 2013 quy định “cấp chính quyền” bao gồm hai thiết chế HĐND và UBND. Theo đó, ở đâu không coi là “cấp chính quyền” thì không nhất thiết có đủ hai thiết chế trên[1]. Tuy nhiên, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 lại đồng nhất cấp chính quyền với cấp hành chính (tại các Điều 30, Điều 44, Điều 58). Do vậy, CQĐP cả ba cấp trong đó cả các đô thị (đô thị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) cũng có đủ hai thiết chế HĐND và UBND. Điều này cản trở việc xây dựng và thực thi CQĐT.
- Quy định về cơ cấu, tổ chức bộ máy của CQĐT
Pháp luật hiện hành chưa tạo ra những thay đổi lớn trong tổ chức CQĐP ở mỗi cấp. Cơ cấu, tổ chức chính quyền cấp dưới vẫn giống cơ cấu, tổ chức chính quyền cấp trên. Pháp luật cũng chưa xây dựng được hệ thống các tiêu chí để làm căn cứ phân định cũng như đánh giá hoạt động của CQĐT cũng như chính quyền địa phương ở nông thôn. Quy định của pháp luật về mô hình tổ chức bộ máy của CQĐT chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, chưa đáp ứng điều kiện ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng lần thứ tư vào quản lý nền hành chính nhà nước. Vì vậy, tổ chức bộ máy CQĐT “đã qua nhiều lần sắp xếp nhưng chưa thực sự tinh gọn, chưa tương ứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; chưa phân biệt rõ mô hình tổ chức bộ máy của CQĐT với chính quyền nông thôn… bộ máy CQĐT của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (đô thị loại đặc biệt) song về cơ bản tổ chức bộ máy không có nhiều điểm khác biệt so với các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh”[2].
Pháp luật hiện hành chưa có nhiều quy định phân biệt sự khác nhau trong cơ cấu tổ chức của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh cán bộ chuyên trách ở cấp xã của đơn vị hành chính đô thị với đơn vị hành chính ở nông thôn. Mặc dù có những quy định đặc thù nhưng pháp luật quy định chung cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ban), cấp huyện (phòng) của CQĐP ở đô thị, nông thôn, hải đảo, giữa các vùng, miền nên đã tạo ra sự “cứng nhắc” trong tổ chức bộ máy của CQĐP; mô hình chung được áp dụng cho tất cả các đơn vị hành chính: Cơ quan đại diện (HĐND) bên cạnh cơ quan hành chính (UBND)[3]; cơ cấu, tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND cũng không có sự thay đổi lớn.
Vì có sự rập khuôn tương ứng với các cơ quan bộ, ngành ở trung ương đối với CQĐP cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên hoạt động các sở, phòng, ban chuyên môn của chính quyền các cấp nói chung và CQĐT nói riêng bị chồng chéo và không bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Các quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của CQĐT còn bất cập, nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trên các lĩnh vực “na ná giống nhau, trùng lắp nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp CQĐP trong các lĩnh vực kinh tế; văn hoá; khoa học; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội; trong lĩnh vực thi hành pháp luật; trong lĩnh vực xây dựng CQĐP”[4]. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương nhưng với những quy định về nhiệm vụ và thẩm quyền tương tự nhau ở các cấp không bảo đảm cho thiết chế thực sự là cơ quan đại diện trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, ở đô thị, hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức. Việc thực hiện đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường như trước đây và thí điểm không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội và CQĐT ở Đà Nẵng là nhằm khắc phục những bất cập nêu trên[5].
Quy định về mối quan hệ chính quyền trung ương với CQĐT mang tính thứ bậc, chính quyền cấp dưới phụ tùng chính quyền cấp trên, CQĐP phục tùng chính quyền trung ương. Chẳng hạn các quy định về việc cấp phê chuẩn kết quả bầu cử, miễn nhiệm, điều động, cách chức các chức danh của CQĐP cũng áp dụng chung cho CQĐT. Chính quyền cấp dưới có nhiệm vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quyết quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh của chính quyền trung ương, của cấp trên. Pháp luật hiện hành “dường như muốn khẳng định CQĐP là cơ quan cấp dưới, phục tùng cơ quan trung ương chứ không có quyền tự chủ nhất định”[6]. Điều này dẫn đến tình trạng chính quyền cấp dưới “không được quyền chủ động, phát huy sự sáng tạo, năng động của mình trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương nên phải “xé rào” như một số địa phương đã làm trong thời gian qua”[7].
- Quy định liên quan đến phân định thẩm quyền, phân quyền, ủy quyền đối với CQĐT
Hiến pháp năm 2013 xây dựng cơ sở pháp lý để “phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và CQĐP địa phương; giữa các cấp CQĐP với nhau để tăng cường tính chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền… Tuy nhiên, về cơ bản, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 vẫn chưa thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013[8]. Như vậy, một số đạo luật được ban hành để cụ thể hóa nội dung về CQĐP trong Hiến pháp năm 2013 vẫn chưa chú trọng đến yêu cầu cũng như nguyên tắc bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP. Bên cạnh đó, pháp luật về CQĐP chưa phân định rõ những tính đặc thù của CQĐT với chính quyền nông thôn. Do vậy, quá trình thực hiện sự phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương vẫn còn mang tính chất “bao cấp”, một chiều, trên xuống dưới. Việc phân cấp chưa chú ý đến năng lực thực tế của mỗi cấp chính quyền, mỗi địa phương. Trên thực tiễn, việc phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương chỉ nặng về chuyển giao công việc (nhiệm vụ) từ cấp trên xuống chứ chưa tương xứng với thẩm quyền và nguồn lực cần thiết (tổ chức, nhân sự, tài chính). Do vậy, việc phân cấp chưa cụ thể và triệt để. Trong quá trình phân cấp chính quyền trung ương còn quyết định những vụ việc cụ thể, những chính sách tầm vi mô. Việc phân cấp còn mang tính đồng loạt và chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể mỗi cấp CQĐT có những nhiệm vụ và thẩm quyền gì.
Các quy định về kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với CQĐT chưa đầy đủ, toàn diện. Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát “chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”[9]. Pháp luật chưa trao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho CQĐT về vấn đề tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức cho bộ máy CQĐT dẫn đến cơ chế “xin - cho”. Bộ máy CQĐP ngày càng phình to, trong khi đó mục tiêu tinh giản biên chế khó đạt được mục tiêu hằng năm. Pháp luật cũng chưa giao nhiều quyền cho CQĐT trong công tác tổ chức, nhân sự.
Thực trạng trên đây xuất phát từ những nguyên nhân sau: Quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức CQĐP trong đó có CQĐT chưa được tuyên truyền, phổ biến kịp thời; quá trình thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP diễn ra chậm và thiếu đồng bộ; nhận thức của cán bộ, công chức về tổ chức CQĐP nói chung, CQĐT nói riêng chưa thống nhất; hoạt động nghiên cứu lý luận, pháp luật về CQĐT ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay
Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của CQĐT; tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm các đề án về tổ chức CQĐT và tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn; hoàn thiện khung khổ pháp lý tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của CQĐT trong tình hình mới.    
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính trong Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan nhằm xác định rõ vị trí, vai trò của từng cấp đơn vị hành chính ở đô thị; cần có quy định phù hợp hơn về việc tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị. Pháp luật phải phân biệt “cấp chính quyền” với “cấp của đơn vị hành chính”; xác định rõ những đơn vị hành chính nào được tổ chức “cấp chính quyền” và những đơn vị hành chính nào không được coi là cấp chính quyền; cần đa dạng hóa mô hình tổ chức CQĐT, xác định rõ đơn vị hành chính nào được tổ chức đủ hai thiết chế HĐND và UBND và đơn vị hành chính nào chỉ tổ chức UBND hoặc cơ quan quản lý hành chính.                                         
Thứ ba, hoàn thiện quy định về mô hình tổ chức bộ máy của CQĐT. Cụ thể hóa các tiêu chí đối với mỗi cấp chính quyền phù hợp với đặc điểm, tính chất của chính quyền ở đô thị. Điều chỉnh lại chức năng, thẩm quyền của HĐND và UBND bảo đảm tính tập trung, thống nhất của chính quyền đô thị. Cơ cấu của CQĐT phải gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian như HĐND ở quận, phường. UBND cũng có ít các sở, phòng chuyên môn. Về lý thuyết, mô hình tổ chức CQĐT phải bảo đảm các nguyên tắc: (i) Đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; (ii) Đề cao trách nhiệm cá nhân trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của CQĐT; (iii) Bảo đảm tính chủ động, độc lập của CQĐT trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao: (iv) Bảo đảm sự thông suốt nhanh và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới CQĐT một cấp thống nhất.     
Thứ tư, hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, ủy quyền đối với CQĐT. Trước mắt, cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến phân công, phân cấp được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2019 để khắc phục trình trạng “chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của CQĐP các cấp”[10] hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhưng lại phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương./.          
           

 


[1] Xem Trương Đắc Linh (2014), bài Nội dung chương IX “Chính quyền địa phương của Hiến pháp năm 2013” và Đinh Xuân Thảo (2014), bài Chế định Chính quyền địa phương in trong sách: Bình luận khoa học Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động xã hội, các tr. 587,603.
[2] Phan Trung Tuấn (2018), Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị. Nguồn https://tcnn.vn/news/detail/40637/Mot_so_van_de_ve_tiep_tuc_doi_moi_co_cau_to_chuc_hoat_dong_cua_chinh_quyen_do_thiall.html.
[3] Nguyễn Hoàng Anh (2018), Một số vấn đề về thực tiễn triển khai chế định Chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Khoa Luật, ĐHQG HN, tr.143.
[4] Nguyễn Thị Hạnh (2017), Hoàn thiện pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.87.
[5] Xem: Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Nghị quyết về thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Quốc hội tháng 11/2019. Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng của Quốc hội tháng 6/2020.
[6] Nguyễn Văn Cương (2015), Về phân định thẩm quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương tại Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.13.
[7] Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấpBộ Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với Hiến pháp”do PGS,TS. Lê Minh Thông làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy Ban thường vụ Quốc hội Chủ trì, nghiệm thu năm 2017, tr. 251.
[8] Nguyễn Đăng Dung (2016), Về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 3, tr.8.
[9] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguồn: phapluat.vn.
[10] Bộ Nội vụ (2019), Báo cáo số: 2707/BC-BNV về Đánh giá tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tr2. Nguồn http://duthaoonline.quochoi.vn