Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

27/10/2020

Ngày 08/10/2020, Viện Nghiên cứu lâp pháp tổ chức Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Tọa đàm có sự tham gia của một số đại biểu Quốc hội; các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Đại học Giao thông Vận tải, Học Viện hành chính quốc gia… và đông đảo cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp.
IMG-0985.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại Tọa đàm
(Ảnh: Thành Công)
Dự thảo Luật gồm 06 chương, 102 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại Dự thảo Luật.
Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao những kết quả của Ban soạn thảo đã thể hiện trong dự thảo, lồng ghép nhiều tiến bộ kỹ thuật, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tế vào Dự thảo Luật cũng như tập trung trao đổi thảo luận về ba vấn đề cơ bản: (1) có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (2) có nên chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô và giấy phép lái xe ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; (3) góp ý chung vào Dự thảo Luật.
Vấn đề thứ nhất: đa phần chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm nhất trí với việc không nên tách thành 02 Luật với những lý do: i) khi tách thành hai luật sẽ phát sinh những vấn đề như: thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng các văn bản dưới luật; ii) phá vỡ kết cấu của Luật Giao thông đường bộ là một thể thống nhất của bốn chế định (1) Kết cấu hạ tầng; (2) Phương tiện giao thông đường bộ; (3) Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người tham gia giao thông đường bộ; (4) Quy tắc giao thông đường bộ; iii) nếu tách thành 02 luật thì tiếp theo sẽ tách các luật (Luật hàng không, Luật Giao thông đường thủy, Luật Đường sắt..). Các ý kiến chuyên gia xoay quanh vấn đề việc tách thành 2 luật có đúng không, đảm bảo tính khoa học và hợp lý, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật; việc phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của chính phủ, các bộ, ngành đã hợp lý chưa, xuất phát từ chức năng của từng bộ, ngành để đánh giá việc phân định thẩm quyền về quản lý trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng như giao thông đường bộ nói chung.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu tham dự đồng tình với việc tách thành 02 luật nhưng cũng khẳng định cần có Luật phù hợp với những Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong đó Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần điều chỉnh sự an toàn của người tham gia giao thông, ngành Công an quản lý chức năng của mình tránh sự trùng lặp.
Vấn đề thứ hai: các đại biểu tham dự Tọa đàm nhất trí sửa Dự thảo Luật theo hướng vẫn giữ nguyên chức năng sát hạch, cấp bằng của Bộ Giao thông và bổ sung quy định đại diện Công an nhân dân là thành phần bắt buộc của Hội đồng thi sát hạch, cấp Giấy phép lái xe. Vì, nếu chuyển thẩm quyền này sang Bộ Công an sẽ có rất nhiều hệ lụy như: nhiều cơ sở đào tạo lái xe mô tô, ô tô đang được xã hội hóa phải dừng hoạt động và số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức sẽ mất việc, kéo theo số lượng lớn phương tiện, cơ sở huấn luyện phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Đồng thời, Bộ Công an phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện đào tạo lái xe. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ trong bối cảnh hội nhập vì việc cấp giấy phép lái xe tại hầu hết các quốc gia khác do các cơ quan quản lý mang tính dân sự thực hiện, cũng như ảnh hưởng tới việc tham gia các điều ước quốc tế về vận tải đường bộ, Công ước quốc tế về giao thông đường bộ (trong đó có vấn đề công nhận giấy phép lái xe lẫn nhau), hiệp định về công nhận giấy phép lái xe giữa các nước trong khối ASEAN…
Vấn đề thứ ba: nhiều chuyên gia có ý kiếnvề khái niệm, các quy định cụ thể chưa thậtkhoa học, việc giải thích từ ngữ còn nhiều lỗi; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật sửa đổi lần này không đề cập “người tham gia giao thông đường bộ” là thiếu đồng bộ, đầy đủ; Ứng dụng công nghệ thông tin được thể hiện còn mờ nhạt chưa phù hợp với thực tế trong công tác quản lý điều hành tổ chức giao thông và phương tiện giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của người tham gia giao thông, xây dựng cơ sở dữ liệu; Quản lý, điều hành giao thông vẫn theo cách cũ dù sự phát triển của giao thông hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra; các vấn đề như: Kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải xe mô tô, xe gắn máy, chia sẻ, kết nối dữ liệu, mạng lưới đường bộ và đường cao tốc, hệ thống quản lý, điều hành giao thông và trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ… cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện.
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển đã khẳng định những kết quả mà Tọa đàm đã đạt được, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, xây dựng báo cáo góp ý gửi cơ quan chủ trì thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội làm tài liệu tham khảo, góp ý hai dự án luật: Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đỗ Văn Thành Công