Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên - nền tảng của quản trị nhà nước hiện đại

23/06/2020

 
Tóm tắt: Bài viết trình bày về quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề: Quản trị tài nguyên thiên nhiên trong tương quan với quản trị nhà nước hiện đại; các nguyên tắc quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên; các chỉ số quản trị tài nguyên thiên nhiên; quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.
Từ khóa: Quản trị bền vững, tài nguyên thiên nhiên, chỉ số quản trị, quản trị nhà nước hiện đại.
Abstract: This article provides discussion on sustainable management of the natural resources, which is focused on the clarifications of the issues: Natural resource management in relation to modern state governance; principles of sustainable management of natural resources; governance indicators of natural resources; and sustainable management of natural resources in Vietnam.
Keywords: Sustainable management; natural resources; governance indicators; modern state governance
 TÀI-NGUYÊN-THIÊN-NHIÊN.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu tất yếu, cũng là thước đo cho năng lực quản trị quốc gia. "Môi trường, tài nguyên thiên nhiên bền vững chỉ có thể đạt được trong bối cảnh công bằng, hiệu quả và minh bạch quản trị quốc gia phù hợp với quy định của pháp luật"[1].
Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên là một tiến trình bao gồm việc xác lập mục tiêu, hoạch định chính sách, xác định tính chất, mức độ, hiệu quả, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc khai thác, bảo vệ và tái tạo các tài nguyên như đất, nước, khoáng sản, động vật, thực vật, để quá trình đó không chỉ đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn không gây ảnh hưởng đến thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn nhu cầu của chính họ.
Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng đề cập đến quy trình xác định quyền lực, trách nhiệm về tài nguyên, cách thức ra quyết định và cơ chế để các nhóm dân cư, thành phần xã hội tham gia và hưởng lợi từ quá trình quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết với quản lý tài nguyên thiên nhiên. Quản lý mang chức năng chấp hành, thực hiện, thúc đẩy và kiểm soát các quyết định, kế hoạch, chính sách được hoạch định trong quá trình quản trị. Quản lý là việc thông qua các phương hướng chiến lược cụ thể, các biện pháp quy hoạch, các chế tài phù hợp nhằm khai thác, sử dụng và tái tạo tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đúng đắn, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm tới môi trường để mang lại sự phát triển bền vững cho quốc gia. Cả hai hoạt động này đều cần đến vai trò, trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước.
1. Quản trị tài nguyên thiên nhiên trong tương quan với quản trị nhà nước hiện đại
Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên là nền tảng của quản trị nhà nước hiện đại. Bởi thông qua đó, nhà nước thể hiện được sự minh bạch và yêu cầu trách nhiệm đến tất cả các bên liên quan; xây dựng niềm tin, sự chủ động trong khuôn khổ pháp lý, đưa sự tham gia đóng góp của các bên liên quan một cách bài bản, phù hợp mục tiêu phát triển; góp phần cải thiện hình ảnh và tăng uy tín quốc gia, thương hiệu một cách bền vững; nhằm đạt được sự công nhận từ quốc tế, khu vực và đồng thời nắm bắt, kiểm soát được hiệu suất vận hành của các chủ thể có hoạt động liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho một thế giới công bằng, hài hòa hóa.
2. Nguyên tắc quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên
Ở cấp độ quốc tế, chưa thực sự có những nguyên tắc chuyên biệt cho quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên, mà được đề cập lồng ghép trong các văn kiện liên quan đến phát triển bền vững. Một trong số đó có thể kể đến Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị Liên Hợp quốc về môi trường và phát triển tổ chức tại Rio de Janneiro năm 1992. Đã có 27 nguyên tắc chung và các yêu cầu mang tính định hướng liên quan đến bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên được đề cập trong các văn kiện đó như: ra quyết định về sự phát triển bền vững, bảo vệ khí quyển, quản lý lâu bền đất, bảo vệ rừng, đấu tranh đối với sa mạc hóa và hạn hán, bảo vệ và quản lý đại dương, nước ngọt, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ sự đa dạng sinh học, sử dụng an toàn các hóa chất độc và quản lý các chất thải nguy hại... Với mỗi loại tài nguyên thiên nhiên, Chương trình Nghị sự 21 đều có những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể cho Chính phủ các nước. Tựu trung lại, có thể tóm lược thành các nguyên tắc liên quan đến quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên như sau:
- Nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong khai thác và kiểm soát, quản trị tài nguyên thiên nhiên không gây tác hại đến môi trường ngoài phạm vi quyền hạn quốc gia;
- Nguyên tắc quản trị môi trường là bộ phận cấu thành, không thể tách rời của quá trình quản trị phát triển bền vững;
- Nguyên tắc tạo cơ chế tham gia của dân chúng, cộng đồng địa phương trong quản trị tài nguyên thiên nhiên;
- Nguyên tắc trách nhiệm của quốc gia trong hợp tác, cung cấp, minh bạch thông tin, ban hành luật pháp, hoạch định chính sách, xây dựng công cụ đánh giá, giám sát liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ, tái tạo tài nguyên thiên nhiên;
- Nguyên tắc phân quyền, ủy quyền, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên;
- Nguyên tắc chính phủ phải chịu trách nhiệm, chủ động hoạch định, đẩy mạnh các biện pháp chuyên biệt, tương thích với việc khai thác, sử dụng, bảo tồn từng loại tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững;
- Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hữu hiệu cơ chế người gây ô nhiễm, người sử dụng phải trả tiền...
Có thể thấy, Chương trình nghị sự 21 xác nhận rằng, phát triển bền vững nói chung, quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên nói riêng trước hết là trách nhiệm của các chính phủ. Các chính phủ phải có chiến lược, chính sách, kế hoạch mang tính quốc gia trên cơ sở hợp tác quốc tế và sự tham gia rộng rãi của dân chúng.
Các nguyên tắc quản trị bền vững tài nguyên còn được đề cập trong Hiến chương Trái đất, một tuyên ngôn dựa trên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một xã hội toàn cầu bền vững và hòa bình của thế kỷ XXI. Nội dung chính của Hiến chương là quan tâm tới sự chuyển đổi sang những phương thức sống, sự phát triển nhân loại bền vững và sự toàn vẹn của hệ sinh thái.
Hiến chương trái đất tập trung đề cập đến các nguyên tắc đảm bảo hệ sinh thái toàn diện, các nguyên tắc của Hiến chương nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chất, nội dung mang tính chuyên môn của các quyết định quản trị môi trường, tài nguyên thiên nhiên:
- Bảo vệ và phục hồi sự toàn vẹn của các hệ sinh thái Trái đất, với sự lưu tâm đặc biệt đến đa dạng sinh học và các quá trình tự nhiên đảm bảo duy trì sự sống;
- Hạn chế các tổn hại là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường, và khi kiến thức bị hạn chế, hãy sử dụng phương pháp tiếp cận cảnh giác;
- Áp dụng các tiến trình sản xuất, tiêu dùng, và tái sản xuất để bảo vệ năng lực tái sinh của Trái đất và sự tồn tại của cộng đồng;
- Tăng cường nghiên cứu sự bền vững sinh thái và khuyến khích việc trao đổi cởi mở và áp dụng rộng rãi kiến thức đã thu nhận được.
Một văn kiện mang tính nền tảng quan trọng cho thiết lập các định hướng trong quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng phải kể đến là Hiến chương Tài nguyên thiên nhiên. Đây là văn kiện do một nhóm độc lập gồm các chuyên gia nghiên cứu về khai thác tài nguyên bền vững, đứng đầu là Paul Collier, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Phi của Trường Đại học Oxford được khởi thảo, hiện được quản lý bởi một hội đồng giám sát, đứng đầu là Ernesto Zedillo, cựu tổng thống Mexico. Hiến chương tài nguyên thiên nhiên đưa ra một bộ 12 nguyên tắc cho các chính phủ về làm thế nào để khai thác tốt nhất các cơ hội tạo ra bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển. Đây cũng chính là cách thức mà các quốc gia thành công đã sử dụng. Hiến chương vẫn được hoàn thiện từng năm.
Hiến chương Tài nguyên thiên nhiên cung cấp hướng dẫn cụ thể cho chính phủ các quốc gia trong quá trình tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình cho sự phát triển kinh tế và đảm bảo lợi ích cho tất cả người dân. Các nguyên tắc gồm:
- Khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần được lập kế hoạch để đảm bảo lợi ích tối đa cho công dân của mỗi quốc gia sở hữu tài nguyên;
- Tài nguyên được khai thác là tài sản chung của mỗi quốc gia và các quyết định khai thác cần được công khai, minh bạch đồng thời chịu sự giám sát của cộng đồng;
- Cạnh tranh là một cơ chế quan trọng để đảm bảo giá trị và tính toàn vẹn của tài nguyên thiên nhiên;
- Cơ chế tài chính đối với tài nguyên thiên nhiên cần phải đủ mạnh và phù hợp ngay cả khi hoàn cảnh thay đổi đồng thời phải đảm bảo cho quốc gia sở hữu tài nguyên có được đầy đủ giá trị lợi ích trong tình hình mới;
- Các doanh nghiệp nhà nước trong khai thác tài nguyên cũng cần phải có những hoạt động cạnh tranh thương mại, cần tránh thực hiện đơn thuần các chức năng điều tiết hoặc các hoạt động tương tự khác;
- Các dự án khai thác tài nguyên có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và xã hội. Các tác động này cần được giải quyết và giảm nhẹ ở tất cả các giai đoạn trong chu kỳ dự án;
- Nguồn thu từ tài nguyên phải được sử dụng phần lớn để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua sự cho phép và duy trì đầu tư trong nước ở mức độ cao;
- Sử dụng hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên cho chi tiêu nội địa phải được tính toán rất cẩn thận, chú ý đến cả các yếu tố bất ổn của nguồn thu;
- Sự giàu có về tài nguyên của một quốc gia nên được Chính phủ nước đó coi trọng như một cơ hội để đảm bảo và tăng cường hiệu quả chi tiêu công;
- Chính sách của chính phủ nên tạo điều kiện thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm đáp ứng các cơ hội mới cũng như sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế liên quan đến tài nguyên thiên nhiên;
- Chính phủ nên yêu cầu các công ty khai thác và các nguồn tín dụng quốc tế thực hiện những mô hình hiệu quả nhất;
- Tất cả các công ty khai thác nên thực hiện theo một mô hình hiệu quả nhất định trong các khâu ký kết hợp đồng, vận hành và chi trả.
Trong Hiến chương tài nguyên thiên nhiên, mỗi nguyên tắc đều được trình bày theo ba phần: nội dung sơ lược; giải thích đầy đủ về những vấn đề mà các chính phủ sẽ phải đối mặt và các giải pháp khuyến nghị; và những thảo luận mang tính kỹ thuật liên quan đến vấn đề đó.
Quản trị tài nguyên thiên nhiên diễn ra trong các bối cảnh đa dạng, nhất là khi các quốc gia đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của những truyền thống khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững. Do đó, quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên đặt ra những nguyên tắc mới đối với quá trình quản trị. Những nguyên tắc trên đây được tiếp cận ở nhiều khía cạnh, theo những cách thức khác nhau, tuy vậy chúng đều mang ý nghĩa là nền tảng chỉ đạo việc thiết kế các thể chế quản trị minh bạch, có trách nhiệm, công bằng, thể hiện sự tích hợp, khả năng thích ứng về chức năng, cấu trúc, tạo nền tảng cho việc xây dựng các công cụ giám sát và đánh giá quản trị.
3. Các khía cạnh quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên
Giống như phát triển bền vững, quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên không phải là một vấn đề kỹ thuật, cũng không phải là mục tiêu mà là một "tiêu chuẩn đối với quan điểm hành động". Mỗi quốc gia triển khai hoạt động quản trị tài nguyên thiên nhiên không hoàn toàn giống nhau. Tuy vậy, trong thực tế, cũng có những mô hình, khung khổ quản trị tài nguyên thiên nhiên có mức độ ảnh hưởng và được tiến hành ở phạm vi rộng.
Ở một số nước châu Âu, quá trình quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai theo các khía cạnh hoạt động cơ bản như:
Xây dựng thể chế và chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên
Các chính phủ, đối tác khác nhau sử dụng công cụ để lập kế hoạch, đánh giá và giám sát các khu vực tài nguyên được bảo vệ. Những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, các khuyến nghị pháp lý, kỹ thuật cùng quá trình đối thoại và phối hợp về các chủ đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường được xây dựng và chỉ định, tạo nền tảng cho việc triển khai các hoạt động cùng quá trình quản trị.
Đánh giá tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ môi trường
Đánh giá tài nguyên thiên nhiên được tiến hành ở các giai đoạn, trong mối tương quan mật thiết với xây dựng và thực thi các thể chế và chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để tìm ra cách thức phù hợp trong quản trị.
Quản trị địa phương về bảo tồn thiên nhiên và các hành lang sinh thái
Hoạt động này nhằm xác định trách nhiệm, sự phối hợp cũng như nâng cao năng lực của xã hội dân sự và chính quyền địa phương trong bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Xác lập khuôn khổ quốc gia về giảm phát thải do mất và suy thoái rừng cùng các chiến lược thích ứng
Rừng là tài nguyên thiên nhiên có liên hệ mật thiết với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên khác. Do vậy, xác lập khuôn khổ quốc gia về giảm phát thải do mất và suy thái rừng là một khía cạnh hoạt động mang tính nền tảng, nhằm cung cấp, tư vấn cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi, liên chính phủ việc phát triển khuôn khổ thống nhất, thể chế và pháp lý về vấn đề này.
Ở một phạm vi rộng hơn, nhiều nước trên thế giới đã tiếp cận quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên theo Khung quản trị tài nguyên thiên nhiên. Khung quản trị tài nguyên thiên nhiên (NRGF) là một sáng kiến của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) nhằm mục đích cung cấp một cách tiếp cận mạnh mẽ và đáng tin cậy về các khía cạnh để đánh giá và tăng cường quản trị tài nguyên thiên nhiên ở nhiều cấp độ và trong các bối cảnh khác nhau. Mục tiêu bao quát của NRGF là: xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn cho các nhà ra quyết định ở tất cả các cấp để đưa ra các quyết định tốt hơn và đúng hơn về việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phân bổ các lợi ích tự nhiên, theo các nguyên tắc quản trị tốt.
Khung quản trị tài nguyên nhiên hiện đề cập đến các khía cạnh cơ bản sau:
Xây dựng các tiêu chuẩn, phương pháp, công cụ để đánh giá và thúc đẩy việc cải tiến quản trị tài nguyên thiên nhiên
Ở khía cạnh này, hệ thống các nguyên tắc, khái niệm, phạm trù, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và khuôn khổ của quản trị tài nguyên thiên nhiên được được đưa ra và làm sáng tỏ, nhằm minh họa các thành tố chính cấu thành Khung quản trị tài nguyên thiên nhiên. Các hướng dẫn vận dụng Khung cũng được xác lập để cung cấp phương thức tiến hành đánh giá các khía cạnh liên quan đến quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Xây dựng một bộ kiến thức về quản trị tài nguyên thiên nhiên
Ở cấp độ chung, khía cạnh này tập trung vào hoạt động xác định và đánh giá những vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, các yếu tố quan trọng cản trở quản trị hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm và bài học, xác định các chủ thể chính và các sáng kiến tập trung vào quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Ở cấp độ quốc gia, khía cạnh này yêu cầu sự chủ động của quốc gia trong quá trình xây dựng bộ kiến thức về quản trị tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình trên cơ sở các nguyên tắc quản trị chung, thực trạng tài nguyên và năng lực quản trị.
Cải thiện hiệu quả quản trị tài nguyên thiên nhiên theo hướng phục vụ, tăng cường liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và huy động sự phối hợp hành động
Các bên liên quan mang tính chủ chốt cần được tạo lập một cơ chế pháp lý công bằng để có thể phối hợp hành động trong quản trị tài nguyên thiên nhiên. Quản trị tài nguyên thiên nhiên cũng cần được tiếp cận trên nền tảng phục vụ con người một cách bền vững ở tất cả các khâu khai thác, sản xuất, tiêu dùng.
Thúc đẩy và hỗ trợ cải tiến hành động quản trị tài nguyên thiên nhiên trong các chương trình và dự án của IUCN
NRGF hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ và cách tiếp cận để đảm bảo tính nhất quán cao hơn trong việc giải quyết các thách thức về quản trị trong tất cả các dự án của IUCN. Công việc này được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn, công cụ, nguồn kiến ​​thức, và các nền tảng tương tác được phát triển thông qua ba chiến lược trên, và cũng sẽ bao gồm các hoạt động tiếp cận và đào tạo chuyên sâu. Ở một cấp độ khác, và dựa trên các kết quả của các hoạt động điều tra, đánh giá và đánh giá khu vực, NRGF đang xác định một loạt các cơ hội cho các dự án có tác động cao đến việc cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên[2] .
4. Chỉ số quản trị tài nguyên thiên nhiên
Chỉ số quản trị tài nguyên thiên nhiên là "con số biểu hiện sự biến động", là những tiêu chí dùng để xác định, đo lường, đánh giá mức độ, xếp hạng hiệu quả của một quốc gia hay một chủ thể nào đó trong quá trình quản trị nguồn lực này. Các chỉ số cụ thể về quản trị tài nguyên thiên nhiên mang tính chất mở, chúng được nghiên cứu, bổ sung và phát hành theo từng giai đoạn, dựa theo những cách tiếp cận và tài liệu phân tích không hoàn toàn giống nhau.
Giai đoạn hiện nay, các chỉ số cơ bản hay được sử dụng trong các Báo cáo đánh giá năng lực quản trị tài nguyên thiên nhiên của quốc gia tập trung vào 4 tiêu chí, đó là: hệ thống pháp luật; mức độ minh bạch thông tin; năng lực kiểm tra, giám sát và môi trường tổng thể.
Hệ thống pháp luật
Đây là chỉ số mang tính nền tảng; nó xác lập căn cứ pháp lý cho hoạt động quản trị. Hệ thống pháp luật được xem xét một cách toàn diện, cả ở góc độ nội dung lẫn cơ chế thực thi, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Mức độ minh bạch thông tin
Mức độ minh bạch thông tinnhằm bảo đảm bản chất dân chủ của xã hội, là giải pháp quan trọng khắc phục tham nhũng, thể hiện quyền, cơ chế tiếp thu trí tuệ của người dân trong việc tham gia quản trị nhà nước về tài nguyên thiên nhiên.
Năng lực kiểm tra, giám sát
Chỉ số này được tính toán dựa trên cách thức, hiệu quả của Nhà nước cũng như thực tiễn cơ chế thực hiện quyền giám sát của người dân trong quá trình quản trị khai thác, sử dụng, tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước. 
Môi trường tổng thể
Môi trường tổng thể là chỉ số mang tính tổng quát, được đo đếm dựa trên tương quan giữa chất lượng tài nguyên thiên nhiên có được từ quá trình quản trị với các chỉ số khác về môi trường. Chỉ số này cũng chính là kết quả thực tế của các chỉ số nêu trên khi Nhà nước thực hiện chức năng quản trị.
Trong quá trình quản trị tài nguyên thiên nhiên, cũng đã có những bộ chỉ số về quản lý tài nguyên thiên nhiên được nghiên cứu, công bố. Điển hình có thể kể đến bộ chỉ số quản lý tài nguyên thiên nhiên do Trung tâm mạng Thông tin khoa học Quốc tế (CIESIN) thuộc Đại học Columbia tổ chức nghiên cứu. Bộ chỉ số này được đưa ra năm 2006 với 4 chỉ số được CIESIN tính toán dựa trên số liệu từ các nguồn quốc tế, đó là:
Chỉ số về bảo vệ khu vực sinh thái
Chỉ số này được CIESIN xây dựng, với nội dung đánh giá xem một quốc gia có bảo vệ ít nhất 10% tổng số các sinh cảnh của nó (ví dụ như sa mạc, rừng, đồng cỏ, thủy sinh và lãnh nguyên). Chỉ số về bảo vệ khu vực sinh thái được thiết kế để nắm bắt được tính toàn diện của một cam kết của chính phủ đối với bảo tồn môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học. Cơ sở của chỉ số này do Quỹ Động vật hoang dã thế giới và Trung tâm Giám sát thế giới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cung cấp dữ liệu cơ bản.
Chỉ số về tiếp cận với vệ sinh cải tiến
Chỉ số này đo tỷ lệ phần trăm dân số được tiếp cận với các cơ sở phân tách chất thải của con người với động vật và côn trùng tiếp xúc, được tính toán từ dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Chỉ số về tiếp cận với nước cải tiến
Chỉ số này đo tỷ lệ phần trăm dân số tiếp cận ít nhất 20 lít nước mỗi người mỗi ngày từ nguồn "cải thiện" (các kết nối hộ gia đình, các ống tiêu chuẩn công cộng, lỗ khoan, giếng đào được bảo vệ, suối được bảo vệ và bộ sưu tập nước mưa) trong phạm vi 1 km từ nơi ở của người dùng. Dữ liệu cho chỉ số được tính toán từ dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Chỉ số về tỷ lệ tử vong ở trẻ em (1-4 tuổi)
Chỉ số này được tính bằng số liệu của phòng Dân số thuộc Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, bản phát hành NRMI năm 2006-2008 đã sử dụng số người chết trên 1000 trẻ em từ 1 đến 4 tuổi (mx 1-4)). Năm 2009, nhờ sự chỉ đạo của Phòng Dân số, chỉ số này đã được thay đổi để xác định khả năng tử vong từ 1 đến 5 tuổi (4q1), có liên quan mật thiết với mx (1-4). Vì các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ 1-4 tuổi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nguyên nhân môi trường, nên chỉ số này được coi là một chỉ dẫn hữu ích cho các điều kiện môi trường cơ bản[3].
Chỉ số quản lý tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng trong lựa chọn mô hình, cũng như đánh giá mức độ hoạt động của Nhà nước trong việc triển khai các chính sách, kế hoạch, mục tiêu của Nhà nước về quản trị tài nguyên thiên nhiên.
5. Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam
"Thực trạng phát triển ở nước ta cho đến nay về thực chất vẫn còn là mang tính chất “nâu”, nghĩa là sự phát triển mà trong đó tăng trưởng, phát triển kinh tế dựa nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vượt quá ngưỡng tự phục hồi của tự nhiên, ngưỡng tiếp nhận chất thải của môi trường, gây tổn hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì sự chuyển (tuy là dần) sang xanh và bền vững đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức... . Sự tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian qua đã và đang được đánh giá là ấn tượng, chắc chắn chưa thể coi là hướng vào bền vững khi tính đủ những hao hụt, tổn thất về tài nguyên môi trường. Đã có ý kiến rằng, mức tăng trưởng ấy có được là do “chuyển lỗ vào tài nguyên và môi trường"[4].
Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực quản trị tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, nhất là quản trị tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập. Tại Hội nghị toàn cầu về “sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng” lần thứ 6 tại Sydney (Australia), trong Báo cáo đánh giá chỉ số quản trị tài nguyên, Việt Nam có chỉ số thấp nhất, xếp ở vị trí thứ 43, đứng cuối cùng trong nhóm 3 - nhóm các quốc gia yếu kém về năng lực quản trị. Các tiêu chí được đưa ra trong đánh giá gồm: chất lượng và hiệu quả của hệ thống pháp luật; mức độ minh bạch thông tin; năng lực kiểm tra, giám sát và môi trường tổng thể.
Quản trị tài nguyên ở Việt Nam đang có những hạn chế nhất định, trong đó có sự suy giảm của hoạt động giám sát, điều phối và thực thi chính sách. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu vắng năng lực đo lường các yếu tố cần giám sát; sự phối hợp thiếu hiệu quả, trách nhiệm giữa các cấp ngành, địa phương có liên quan.
Theo đó, các giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản trị cần bắt đầu từ nâng cao năng lực thể chế, tăng cường giá trị sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong phát triển kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, ưu tiên các chính sách nhằm giảm mức độ tác động ô nhiễm, suy kiệt đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao khả năng quản lý rủi ro, tăng cường an ninh các nguồn tài nguyên thiên nhiên... Quản trị toàn diện tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam cũng cần được tiến hành liên tục, trên quy mô lớn, theo lộ trình hợp lý, tổng thể với hệ thống dữ liệu, thông tin quốc gia đầy đủ, minh bạch, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách quản lý liên quan.
Đặc biệt, cần tập trung và có cơ chế thật sự mạnh mẽ cho việc đáp ứng các tiêu chí toàn diện của công tác này thay vì chỉ tập trung vào các khía cạnh của quyền lực nhà nước, khía cạnh kinh tế trong việc cho phép hay không cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên. Cùng với thể chế, năng lực con người, khả năng tài chính, sự tham gia của các tổ chức dân sự là yêu cầu để thực hiện những chính sách quan trọng. Minh bạch thông tin, tăng cường năng lực giám sát, tính chịu trách nhiệm của Nhà nước trong quá trình quản trị tài nguyên thiên nhiên cần phải được triển khai một cách cấp bách. Cùng với đó, phải tạo lập được một cơ chế hữu hiệu để có thể khơi dậy tinh thần, hiện thực hóa trách nhiệm của cộng đồng, các tổ chức xã hội, từng người dân trong trong việc bảo vệ, tái tạo tài nguyên thiên nhiên. Phát triển bền vững môi trường, quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên, suy cho cùng sẽ chỉ trở thành hiện thực khi cả Nhà nước và người dân thấy được rõ ràng cái được và cái mất của chính mình ở trong đó.
            

[1] UN. Environmental Law Commission of the International Union for the Conservation of Nature (2013), Compliance and Enforcement (INECE), Washington DC: United Nations Publications, p.2.
[2]https://www.iucn.org/commissions/commission-environmental-economic-and-social-policy/our-work/knowledge-baskets/natural-resource-governance.
 
[3] http://sedac.ciesin.columbia.edu/data/collection/nrmi.
[4] PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường, 2014.