Bàn về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

09/06/2020

Tóm tắt: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ: “tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới”. Để làm rõ các yêu cầu trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội theo tinh thần nêu trên, từ góc nhìn thực tiễn, bài viết bàn luận về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ khóa: Cơ cấu tổ chức Chính phủ; đổi mới tổ chức Chính phủ.
Abstract: The Resolution No. 18-NQ/TW dated October 25, 2017 of the Sixth Conference of the Central Committee of the XII Party Committee on the renewal, arrangement and organization of the apparatus of the political system in a streamlined manner with effective and efficient performance; the Resolution No. 56/2017/QH14 dated November 24, 2017 of the National Assembly on continuation of the reform of the state administrative apparatus in a streamlined manner with effective and efficient performance, including the mandate of "full understanding of the theoretical and practical grounds for the scope of multi-branch and multi-sector management of a certain ministries and sector agencies, especially those with similar and overlapped functions and tasks to find out appropriate solutions and to conduct improvements, reorganization for streamlining the focal points the next term”. In order to clarify the requirements in the resolutions of the Party and the National Assembly in the mentioned above spirit, from a practical perspective, this article is discussed on the organizational structure of the Government for the term of 2021-2026
Keywords: organizational structure of the Government; reform of Government structure
 CƠ-CẤU-CHÍNH-PHỦ.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
I. Tiếp cận vấn đề
1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức Chính phủ
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày đầu của thời kỳ đổi mới và được thực hiện một cách mạnh mẽ, khá triệt để từ Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI, XII của Đảng về việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy Chính phủ, bảo đảm tinh gọn và hợp lý; thành lập các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở (gắn với các nhiệm kỳ Chính phủ 2007-2011; 2011-2016 và 2016-2021); Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong giai đoạn vừa qua, kết quả của việc đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ là giảm từ 38 cơ quan của Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007 (trong đó có 26 bộ, cơ quan ngang bộ) xuống còn 30 cơ quan của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 (gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ) và được giữ ổn định trong hai nhiệm kỳ tiếp theo: 2011-2016 và 2016-2021. Tuy nhiên, sau ba nhiệm kỳ Chính phủ, việc đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ theo quan điểm thành lập các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cần phải được đánh giá kết quả, hiệu quả, phát hiện những vấn đề còn bất cập và đề xuất những vấn đề cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới.
2. Thế nào là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực?
Về mặt lý luận, thế nào là phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hay nói cụ thể hơn là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực - là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, làm rõ. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận đơn giản, từ góc nhìn thực tiễn, đó là: (1) Một bộ được giao quản lý nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực này phải có cùng tính chất hoặc có mối quan hệ gần gũi, gắn kết với nhau; (2) Thực tiễn hoạt động của các bộ, cơ quan này đã xuất hiện những chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng lấn, thậm chí phát sinh những mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc hoạch định cũng như thực thi chính sách; (3) Việc nghiên cứu để chia tách hay sáp nhập các bộ, cơ quan này phải thực chất, không gán ghép cơ học, không sáp nhập, chia tách một cách gượng ép; (4) Phải đạt được mục tiêu chung là giảm đầu mối, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Và nếu đã đáp ứng được các tiêu chí và mục tiêu nêu trên thì phải có một quyết tâm chính trị cao để đạt được mục tiêu đó.
II. Phân tích thực tiễn vấn đề và đề xuất giải pháp
Từ cách tiếp cận nêu trên, chúng tôi phân tích thực tiễn chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan ngang bộ cũng như một số cơ quan thuộc Chính phủ và đề xuất ý kiến về tổ chức, sắp xếp lại như sau:
1. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ
Xin được nêu 7 vấn đề, liên quan đến 12 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là các bộ, cơ quan có các lĩnh vực quản lý, các nhiệm vụ gần gũi, giao thoa với nhau và thực tiễn đã phát sinh những chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, cần nghiên cứu để sáp nhập hoặc chia tách cho hợp lý và hiệu quả hơn.
1.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính
Theo Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; thống kê; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật[1].
Theo Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tài chính - ngân sách (bao gồm: ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật[2].
Qua khái quát về chức năng, nhiệm vụ của hai bộ theo quy định của pháp luật nêu trên, chúng ta có thể thấy, chức năng, nhiệm vụ của hai bộ có nhiều điểm gần gũi, thậm chí giao thoa, chồng lấn nhau ở một số khía cạnh sau:
- Đây là hai bộ kinh tế tổng hợp, là hai cơ quan tham mưu chiến lược hàng đầu cho Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, liên quan đến việc hoạch định và thực thi đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế;
- Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT là về kế hoạch phát triển, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và thống kê; trong khi lĩnh vực quản nhà nước của Bộ Tài chính là tài chính - ngân sách, bao gồm thu chi của ngân sách nhà nước và cả tài chính các khu vực kinh tế. Ở khía cạnh này, lĩnh vực quản lý nhà nước của hai bộ là rất gần gũi và giao thoa với nhau. Việc hoạch định các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển đất nước, quy hoạch không gian phát triển, thậm chí là hoạt động đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, đặc biệt trong đó có đầu tư công đến từng danh mục dự án… , tất cả những nội dung này không thể tách rời các nguồn lực về tài chính, từ ngân sách trung ương đến ngân sách địa phương, từ đầu tư công đến đầu tư tư, từ vốn đầu tư trong nước đến vốn đầu tư nước ngoài, ODA…;
- Thực tiễn xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước của hai bộ như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công… đều gặp phải những vấn đề chồng lấn nhiệm vụ, thậm chí là tranh chấp về thẩm quyền rất khó xử lý.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, cần sáp nhập hai bộ này với tên gọi là Bộ Kinh tế hoặc Bộ Kinh tế, Tài chính. Việc sáp nhập này không đơn thuần là sự sáp nhập hai cơ quan mà là sự hợp nhất các chức năng, nhiệm vụ để giải quyết các bất cập nêu trên; tạo ra một bộ máy tinh gọn và sự thống nhất trong hoạch định các chiến lược, kế hoạch, chính sách, quy hoạch không gian phát triển cùng với việc cân đối các nguồn lực tài chính cho sự phát triển đất nước.
1.2. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải
Theo Nghị định số 81/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật[3].
Theo Nghị định số 12/2017/NĐ-CP,  ngày 10//02/2017, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật[4].
Có thể nói rằng, đây là hai bộ đóng vai trò chính trong quản lý nhà nước hoạt động xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế. Nhìn vào hoạt động thực tế của hai bộ này có thể gọi hai bộ này là “bộ công trình”. Vì hoạt động quản lý nhà nước của hai bộ này luôn gắn liền với xây dựng, phát triển các công trình của kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Và nếu đứng trên góc độ này thì chức năng, nhiệm vụ của hai bộ nêu trên gần gũi và gắn kết với nhau. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước gắn với xây dựng công trình của Bộ Giao thông vận tải đều có liên quan trực tiếp và gắn kết với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, từ quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đến hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, an toàn xây dựng, chất lượng công trình, hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị… Mặc dù, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải không chỉ có xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường xá, sân bay, bến cảng… mà còn bao gồm cả những lĩnh vực khác như: vận tải (tiêu chuẩn, quy chuẩn các phương tiện vận tải), an toàn giao thông…
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, có thể sáp nhập hai bộ Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng và giao thông vận tải. Nếu cải cách triệt để hơn thì có thể tách lĩnh vực vận tải, chuyển về Bộ Công thương và thành lập Bộ giao thông, xây dựng và phát triển đô thị như ở Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức. Bởi lẽ, về thực chất, lĩnh vực vận tải gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa, logistic… thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong khi giao thông, lại liên quan chặt chẽ với cầu, đường, gắn với xây dựng các công trình giao thông.  
Gần đây, Bộ Công an cũng đang chủ trương lập đề nghị xây dựng dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, để tách phần bảo đảm an toàn giao thông đường bộ khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện hành, chuyển nội dung quản lý nhà nước về vấn đề này về Bộ Công an (mà Bộ Công an – lực lượng cảnh sát giao thông cũng là người đang thực hiện một phần công việc này). Đề nghị của Bộ Công an còn đang tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc nhưng không phải là không có cơ sở. Và nếu theo tư duy này, thì rất có thể sẽ phải tiếp tục tách hết phần bảo đảm an toàn giao thông ở tất cả các luật về giao thông hiện nay, gồm: Luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Đường thủy nội địa và Luật Đường sắt để hình thành nên các đạo luật riêng, tương tự như ý tưởng xây dựng dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Như vậy, tách giao thông để thành lập Bộ Giao thông, xây dựng và phát triển đô thị; tách phần kỹ thuật, sản xuất và logistic của vận tải về Bộ Công Thương, chuyển phần an toàn giao thông về Bộ Công an; đây có lẽ là một phương án rất cần được cân nhắc nếu chúng ta thực hiện việc sáp nhập hai bộ nêu trên.
1.3. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo Nghi định số 69/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà n­ước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ[5].
Theo Nghị định số 95/2017/NĐ-CP, ngày 16/08/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật[6].
Căn cứ vào các quy định này thì giáo dục là nền tảng của phát triển nói chung, nhưng trong mối quan hệ với đào tạo thì giáo dục đặt nền tảng cho đào tạo; giáo dục là bệ đỡ, là nền móng cho đào tạo. Nói cách khác, ngôi nhà đào tạo được xây dựng trên nền móng của giáo dục. Hai lĩnh vực này nằm trong phạm vi quản lý của một bộ được tổ chức theo nguyên tác đa ngành, đa lĩnh vực là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là lĩnh vực khoa học và công nghệ và mối quan hệ của lĩnh vực này với giáo dục và đào tạo. Các quy định của hai Nghị định nêu trên cho thấy, ở khía cạnh quản lý nhà nước, chúng ta đang tách khoa học và công nghệ khỏi đào tạo và xa hơn là giáo dục.
Trên thực tế, các trường đại học ở Việt Nam ít tổ chức các viện nghiên cứu, và nếu có, hoạt động nghiên cứu chủ yếu là để phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo hơn là phục vụ sáng tạo khoa học và chuyển giao công nghệ cho phát triển kinh tế – xã hội như ở các nước tiên tiến. Đặc biệt, tình trạng đào tạo sau đại học hiện nay (cũng có thể coi là đào tạo hàn lâm) đang trở thành trào lưu; trong đó, đào tạo thạc sĩ đang gần như tiến tới phổ cập, đào tạo tiến sĩ thì chưa thực sự chú trọng đến chất lượng. Vài ba thập kỷ trở về trước, một người muốn học lên tiến sĩ phải qua các kỳ thi tuyển gắt gao, những người được tuyển chọn phải là những người có khả năng nghiên cứu và phần lớn họ là những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Trong vài chục năm vừa qua, việc học để lấy bằng tiến sĩ trở nên quá dễ dàng. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây cũng đã có những động thái cần thiết, quy định chặt chẽ hơn các điều kiện cho cả người học và người hướng dẫn khoa học đối với cấp độ đào tạo này. Các viện nghiên cứu thì hầu hết không gắn với các trường đào tạo mà lại là những đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động cầm chừng, “ăn đong” bằng nguồn vốn ít ỏi của ngân sách nhà nước, ít gắn với nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Không thể phủ nhận thực tế là, các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng có những đề tài, công trình có giá trị, đóng góp cho nền khoa học nước nhà, cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, nhưng cũng có rất nhiều luận văn, luận án, đề tài khoa học được triển khai nghiên cứu và nghiệm thu một cách thiếu thực chất, kết quả nghiên cứu đem lại ít lợi ích hoặc không có địa chỉ sử dụng mà “xếp trong những ngăn kéo” vì giá trị ứng dụng không cao.  
Thực tiễn quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy, đang có sự thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, giữa trường với viện, giữa đào tạo và nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng thực tiễn. Điều này cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân là do chúng ta đã chia tách hai lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ thành hai “mảnh đất”, giao cho hai cơ quan quản lý và “canh tác”, và phần nào đã thiếu đi sự kế thừa cũng như sự liên kết cần thiết, vốn là mối quan hệ hữu cơ, gắn kết của hai lĩnh vực này. Để khắc phục bất cập này, chúng tôi cho rằng, cần sáp nhập hai bộ này thành Bộ Giáo dục, đào tạo và Khoa học, công nghệ; gắn giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học - công nghệ. Việc sáp nhập này góp phần bớt đi được một đầu mối quản lý, đáp ứng yêu cầu thành lập các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bên cạnh đó, còn tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm trí tuệ có sự liên thông, kế thừa, gắn kết và phát triển, đó là: giáo dục - tri thức nền tảng, đào tạo - tri thức nghề nghiệp, khoa học - tri thức hàn lâm và công nghệ - tri thức đi vào thực tiễn.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên tách Bộ GD&ĐT, thành lập lại Bộ Giáo dục phụ trách từ giáo dục mầm non đến giáo dục trung học phổ thông; chuyển lĩnh vực đào tạo về Bộ KH&CN, thành lập Bộ Đào tào và Khoa học, công nghệ[7]. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một phương án. Tuy nhiên, lợi ích mà phương án này mang lại chưa toàn diện và tổng thể như phương án nêu trên, vì vẫn không đạt được mục tiêu giảm đầu mối, thành lập bộ quản lý đa nghành, đa lĩnh vực có mối quan hệ gắn bó với nhau; đồng thời, cũng không tạo ra được mối liên hệ hữu cơ, gắn kết trong việc tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm trí tuệ như phân tích ở trên.
1.4. Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc
Hiện nay, việc để lĩnh vực tôn giáo thuộc Bộ Nội vụ là hoàn toàn gượng ép. Nó có thể thỏa mãn yêu cầu về một bộ quản lý đa ngành, nhưng trên thực tế đó chỉ là một phép cộng cơ học, khó có thể đưa ra những lỹ lẽ thuyết phục về mối quan hệ gắn kết giữa lĩnh vực tôn giáo với các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Trong khi để lĩnh vực thi đua, khen thưởng thuộc Bộ Nội vụ lại là vấn đề rất thuyết phục. Bởi vì công tác thi đua, khen thưởng gắn liền với quản lý công chức, công vụ của Bộ Nội vụ.
Vấn đề dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ song hành và gắn bó với nhau. Đây đều là các lĩnh vực liên quan đến đời sống tinh thần, bản sắc và truyền thống văn hóa, ý thức tự tôn của các dân tộc cũng như các tôn giáo, gắn liền với nó là các chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, xong có tới 53 trên 54 dân tộc là dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số với nhiều tôn giáo khác nhau, định cư phổ biến ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn, trình độ phát triển chung còn thấp. Chính vì thế, truyền thống các dân tộc Việt Nam cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự đoàn kết, thống nhất của các dân tộc, các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Hai chính sách lớn này luôn song hành và nhất quán. Và trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta luôn có các chính sách quan tâm đến sự bình đẳng trong phát triển của các dân tộc, tôn giáo, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên phát triển đối với các dân tộc thiểu số, không phân biệt tôn giáo ở các vùng mà kinh tế - xã hội còn khó khăn, chậm phát triển hơn so với các địa bàn khác.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, cần tách Ban Tôn giáo ra khỏi Bộ Nội vụ, chuyển về Ủy ban Dân tộc để thành lập một bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với hai lĩnh vực này với tên gọi là Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
1.5. Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương
Có ý kiến cho rằng, nên chuyển lĩnh vực du lịch về Bộ Công Thương quản lý[8]. Theo quan điểm này, du lịch là một ngành kinh tế, vì vậy, cần chuyển về Bộ Công Thương quản lý cùng với các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác. Chúng tôi cho rằng, không nên chuyển lĩnh vực du lịch về Bộ Công Thương, vì lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như quốc tế, rất khác với các hoạt động du lịch với tính chất là một loại hoạt động dịch vụ (trước đây, thực tiễn trong cơ cấu Chính phủ cũng đã từng tồn tại Bộ Thương mại và Du lịch[9]). Mặc dù du lịch là một ngành kinh tế, thậm chí được gọi là “ngành công nghiệp không ống khói”, nhưng đó chỉ là một cách nói ví von, không phản ánh bản chất của ngành du lịch là một loại hoạt động dịch vụ, phi sản xuất. Trên thực tế, du lịch gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội và văn hóa nhiều hơn là quản lý sản xuất, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương.
Ý kiến trên cũng cho rằng, sau khi chuyển lĩnh vực du lịch về Bộ Công Thương thì cần thành lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Thanh niên. Chúng tôi cho rằng, về lý thuyết, bộ là cơ quan quản lý nhà nước. Đối tượng quản lý nhà nước của bộ là một ngành, một lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thanh niên không phải là một lĩnh vực hay một ngành kinh tế - xã hội. Ở khía cạnh quản lý nhà nước, chúng ta có thể nói ngành xây dựng, ngành nông nghiệp, ngành du lịch… nhưng không ai nói ngành thanh niên. Tương tự như vậy, có thể nói công tác thanh niên nhưng không ai nói công tác xây dựng, công tác nông nghiệp hay công tác du lịch trong quản lý nhà nước. Nói đến thanh niên là nói đến một lực lượng, một tầng lớp trong xã hội; nói đến hoạt động thanh niên hay công tác thanh niên là nói đến một loại hoạt động mang tính xã hội của một lực lượng, một tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, chúng ta có các tổ chức xã hội của thanh niên như: Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam; Hội sinh viên Việt Nam… Nếu coi thanh niên là một lĩnh vực của quản lý nhà nước và phải có một bộ về thanh niên, thì có lẽ cũng cần tính đến việc thành lập các bộ quản lý nhà nước về người cao tuổi, về phụ nữ hay về cựu chiến binh, v.v..? Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải khẳng định rằng, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đều thuộc đối tượng của quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động thanh niên hay công tác thanh niên (vì thế mà ở Bộ Nội vụ hiện cũng đang có Vụ công tác thanh niên), nhưng không nên coi công tác thanh niên giống như một lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội và cần phải có một Bộ Thanh niên để quản lý.
Trong thành phần Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992-1997) đã tồn tại chức danh Bộ trưởng phụ trách Công tác Thanh niên và Thể dục - Thể thao, nhưng không hình thành Bộ quản lý nhà nước (“Bộ trưởng Bộ không bộ”, được giao phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác của Chính phủ). Hiện nay, cũng đang tồn tại một tổ chức với tên gọi là Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, sự tồn tại của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam như hiện nay là phù hợp. Đây không phải là một cơ quan quản lý nhà nước mà là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về công tác thanh niên; đưa ra những khuyến nghị cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng và thực thi các chính sách nhằm đào tạo, giáo dục thanh niên, tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp, khích lệ tính tiên phong và sự cống hiến của thanh niên đối với Tổ quốc. 
1.6. Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam có nên tổ chức thành một định chế tài chính như các nước phát triển không? là ngân hàng trung ương (NHTƯ), ngân hàng của các ngân hàng, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, không nằm trong cơ cấu Chính phủ như hiện nay. Nếu vậy thì chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng sẽ trao cho cơ quan nào?
NHTƯ vốn là một định chế tài chính có tính chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, là ngân hàng của các ngân hàng. Nếu coi hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế thì NHTƯ chính là trái tim của nền kinh tế. Trên thế giới hiện có ba mô hình tổ chức NHTƯ: ở nhiều nước phát triển, NHTƯ là một định chế tài chính độc lập, không nằm trong cơ cấu Chính phủ (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED); cũng có mô hình NHTƯ là cơ quan thuộc chính phủ (NHNN Việt Nam); cũng có nước tổ chức NHTƯ thuộc Bộ Tài chính (NHTƯ Nhật Bản (BOJ). Thực tiễn hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường trên thế giới đã cho thấy, ở đâu, tính độc lập của NHTƯ càng cao thì đồng nghĩa với việc sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ càng thấp; và cũng có thể nói, tính hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ phụ thuộc rất nhiều vào tính độc lập của nó.
Hiện nay, NHNN Việt Nam nằm trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, có địa vị pháp lý là cơ quan ngang bộ, Thống đốc là thành viên Chính phủ và có hàm cấp tương đương bộ trưởng. Luật NHNN Việt Nam năm 2010 xác định rõ địa vị pháp lý của NHNN Việt Nam vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là một NHTƯ, thực hiện các chức năng về quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Luật cũng xác định rõ hai chức năng cơ bản của NHTƯ là thực thi các chính sách tiền tệ và giám sát, bảo đảm sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, mức độ độc lập của NHTƯ nói chung hay của NHNN Việt Nam nói riêng không chỉ phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức nằm trong Chính phủ hay độc lập với Chính phủ mà còn phụ thuộc vào luật về quy định quyền hạn của NHTƯ đến đâu. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định là, việc cơ cấu NHNN Việt Nam là một cơ quan của Chính phủ cũng sẽ có tác động nhất định đến quyền hạn của NHNN Việt Nam trong điều hành các chính sách tiền tệ.
Vì vậy, trong nghiên cứu cũng như thực tiễn quản lý cũng đã có những khuyến nghị cần tổ chức NHNN Việt Nam thành một cơ quan độc lập, không nằm trong cơ cấu Chính phủ, thực hiện các chức năng của một NHTƯ; chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng sẽ được trao cho một cơ quan giám sát tài chính hợp nhất[10] như một số quốc gia trên thế giới. Tác giả cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc đưa NHNN Việt Nam ra khỏi cơ cấu tổ chức của Chính phủ là một phương án khó có thể được chấp nhận. Thực tế trên thế giới, các NHTƯ độc lập hoàn toàn với chính phủ cũng không phải là mô hình lý tưởng nhất, thậm chí có những nước phát triển như Nhật Bản thì NHTƯ còn là một cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Tác giả cho rằng, NHTƯ độc lập hay nằm trong cơ cấu chính phủ chỉ là một khía cạnh, vấn đề quan trọng hơn là luật cho phép NHTƯ được độc lập đến đâu trong điều hành chính sách tiền tệ và giám sát hoạt động hệ thống. Vì vậy, theo tác giả, trong nhiệm kỳ tới, NHNN Việt Nam vẫn sẽ là một cơ quan của Chính phủ, nhưng cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN Việt Nam hiện hành, nhằm trao thêm các quyền có tính độc lập tương đối cần thiết cho NHNN Việt Nam để thiết chế này có thể thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng của một NHTƯ, đặc biệt là thẩm quyền quyết định lựa chọn những công cụ và biện pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, những hoạt động có tính nghiệp vụ chuyên sâu và kỹ thuật, công nghệ ngân hàng. Tuy vậy, về lâu dài, khi chúng ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ thì cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn cho mình một mô hình NHTƯ tiên tiến, phù hợp nhất.
1.7. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước
Thanh tra Chính phủ (TTCP) là một thiết chế đặc biệt ở Việt Nam. Theo mô hình hiện nay, TTCP là cơ quan của Chính phủ và được coi là công cụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, xem xét việc thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật trong hệ thống hành chính nhà nước. Nghị định số 50/2018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ quy định: Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Theo đó, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP như nêu trên cũng chỉ được thực hiện trong phạm vi hệ thống hành chính nhà nước, không vươn ra được các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu lại mô hình của cơ quan TTCP hiện nay để trả lời các câu hỏi: TTCP (hay có thể có một tên gọi khác, ví dụ Thanh tra nhà nước) cần được tổ chức độc lập với Chính phủ hay là cơ quan của Chính phủ như hiện nay? Phạm vi hoạt động của cơ quan này có phải chỉ trong hệ thống hành chính không? Xử lý vấn đề chồng lấn, trùng dẫm trong chức năng, nhiệm vụ của TTCP với Kiểm toán nhà nước như thế nào?
Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một thiết chế được thành lập ở nước ta chưa lâu nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN cần phải được rà soát lại, vì có vẻ như đã đi quá xa so với mô hình kiểm toán tuân thủ. Theo Luật KTNN (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), KTNN được trao cả một số quyền của cơ quan quản lý nhà nước, như: được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được xử phạt vi phạm hành chính, được giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là được đến kiểm toán tại các cơ quan, doanh nghiệp như là một hoạt động thanh tra. Vì vậy, thực tế đã có sự chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa TTCP và KTNN, sự trùng lắp, dẫm chân lên nhau trong hoạt động của hai cơ quan này. Vì lẽ đó, gần đây, hằng năm hai cơ quan này phải cùng ngồi với nhau để xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động theo nguyên tắc: “chỗ nào tôi đến thì anh đừng đến”!
Ở thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy, cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có thể sẽ vẫn tồn tại cơ quan TTCP, vì chúng ta chưa nghiên cứu sâu để có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn trả lời những câu hỏi nêu trên. Nhưng về lâu dài, cần phải nghiên cứu thấu đáo về sự cần thiết, mô hình, phạm vi hoạt động và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan TTCP để có quan điểm về cơ quan này một cách rõ ràng và thuyết phục hơn, cũng như mối quan hệ của TTCP với cơ quan KTNN nếu như chúng cùng song song tồn tại.
Theo quan điểm của chúng tôi, có thể sáp nhập 6 bộ từ điểm 1 đến điểm 3 nêu trên thành 3 bộ, giảm được 3 đầu mối; điều chỉnh phạm vi và chức năng quản lý nhà nước của một số bộ, cơ quan khác. Tuy vậy, đây mới chỉ là những cái nhìn trực diện vào cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ. Vấn đề là, việc hình thành các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực không phải đơn giản chỉ dừng lại ở việc chia tách, sáp nhập các bộ, cơ quan của Chính phủ. Muốn hình thành được một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì ngoài vấn đề sắp xếp về mặt tổ chức như nêu trên, cần phải làm tiếp hai việc tiếp theo là: (1) sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, phải thật sự tinh gọn, tránh gán ghép cơ học, hình thành nên các siêu bộ với bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian (đặc biệt là cấp tổng cục, cấp phòng cần phải được nghiên cứu loại bỏ); (2) phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ cũng như các đơn vị thuộc bộ, tránh chồng chéo, trùng dẫm; kiên quyết rà soát, xóa bỏ tình trạng một việc được giao cho nhiều bộ thực hiện hoặc nhiều đơn vị trong một bộ cùng thực hiện. Thời gian qua, hai việc này còn chưa được làm tốt, dẫn đến tình trạng phối hợp xử lý các công việc trong nội bộ các bộ, cơ quan cũng như giữa các bộ, cơ quan với nhau còn chồng chéo, mất nhiều thời gian, gây chậm trễ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
2. Các cơ quan thuộc Chính phủ
Ngoài bộ và cơ quan ngang bộ, trong cơ cấu tổ chức Chính phủ còn có các cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện có 09 cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp.
Bộ máy tổ chức Chính phủ của ba nhiệm kỳ vừa qua (trước khi thành lập UBQLVNN năm 2018), có 08 cơ quan thuộc Chính phủ. Các cơ quan thuộc Chính phủ không có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, do đó, không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL (trường hợp cần ban hành văn bản QPPL có liên quan thì phải được một bộ nào đó xây dựng và trình, ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và trình các văn bản QPPL về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, có phải cơ quan thuộc Chính phủ là không có chức năng quản lý nhà nước? Quan điểm này e là không có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhìn vào 09 cơ quan thuộc Chính phủ nêu trên có thể thấy, có nhiều cơ quan thuần túy là những đơn vị sự nghiệp công lập, vậy tại sao lại xếp vào loại cơ quan thuộc Chính phủ? Chắc hẳn là do vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nó theo cách nhìn của nhà tổ chức nên nó cần phải là cơ quan thuộc Chính phủ; lại có những cơ quan mà chúng tôi cho là có chức năng quản lý nhà nước (như UBQLVNN[11]) nhưng vì bị xếp là cơ quan thuộc Chính phủ, không phải là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước nên không được quyền ban hành văn bản QPPL cũng như bị hạn chế một số quyền hạn khác[12]. Thực tiễn về sự lúng túng, chưa hiệu quả trong hoạt động của UBQLVNN trong hơn một năm qua đang đặt ra câu hỏi về sự chưa rõ ràng, thiếu khả thi của mô hình cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này, đặc biệt là trong mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp mà UBQLVNN là đại diện chủ sở hữu.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất hai phương án xử lý như sau:
- Phương án 1: không nên quan niệm cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan không có chức năng quản lý nhà nước. Nếu một cơ quan, thậm chí là một đơn vị sự nghiệp công nhưng có vị trí, vai trò quan trọng thì xếp vào hàng cơ quan thuộc Chính phủ để Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, điều hành được sâu sát hơn, hiệu năng hơn; cơ quan có chức năng quản lý nhà nước hoặc cơ quan có chức năng “lưỡng tính”, vừa quản lý nhà nước, vừa như một đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp (như UBQLVNN) nhưng không cần thiết phải tổ chức thành một bộ quản lý ngành, thì cũng có thể thành lập cơ quan thuộc Chính phủ và trao cho các cơ quan này các quyền hạn quản lý nhà nước nhất định.
- Phương án 2: chuyển tất cả các cơ quan là đơn vi sự nghiệp công lập thành các đơn vị độc lập, không trực thuộc Chính phủ. Các bộ quản lý ngành sẽ thay Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các đơn vị này. Các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước hoặc thuộc loại “lưỡng tính”, nếu không sáp nhập được vào bộ nào hoặc cần phải độc lập và thuộc Chính phủ nhưng không cần thiết phải tổ chức quy mô như một bộ thì cần thiết tổ chức thành cơ quan thuộc Chính phủ, và tùy tính chất và lĩnh vực hoạt động được trao cho chức năng quản lý nhà nước.
Phương án 2 triệt để hơn, cách mạng hơn, khi giảm được đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ, giảm được số lượng công chức nhà nước khi chúng ta chuyển hết sang chế độ viên chức và người lao động ở các đơn vị sự nghiệp này. Tuy nhiên, phương án này khó có thể được chấp nhận trong bối cảnh nước ta hiện nay. Vì vậy, tác giả cho rằng, phương án 1 có tính khả thi hơn.
Ngoài 09 cơ quan thuộc Chính phủ nêu trên, thực tế còn có một cơ quan nữa chưa có vị trí rõ ràng, đó là Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), được thành lập theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 34/2008. UBGSTCQG có các chức năng: tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia. Với những nhiệm vụ này không thể nói rằng, UBGSTCQG không có chức năng quản lý nhà nước. Thực chất, theo quan sát của tác giả, Ủy ban này cũng là một cơ quan “lưỡng tính”, vừa có chức năng nghiên cứu, tư vấn cho Thủ tướng, vừa có chức năng tham mưu chính sách và giám sát thực thi chính sách. Hiện nay, UBGSTCQG chưa phải là một cơ quan giám sát tài chính hợp nhất đúng nghĩa (của cả ba lĩnh vực dịch vụ tài chính: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), nhưng cũng có những mục tiêu và nhiệm vụ gần gũi với mô hình cơ quan giám sát tài chính hợp nhất ở một số nước. Tác giả cho rằng, cũng cần xếp cơ quan này vào danh sách các cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải nghiên cứu xác định rõ mô hình, chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là trong mối quan hệ của cơ quan này với NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính, khi hiện nay, cả ba cơ này đều có chung một chức năng giám sát thị trường tài chính./.
   

 


[1] Điều 1 Nghị định số 86/2017/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[2] Điều 1 Nghị định số 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
[3] Điều 1 Nghị định số 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
[4] Điều 1 Nghị định số 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.
 
[5] Điều 1 Nghị định số 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[6] Điều 1 Nghị định số 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
[7] Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 19/02/2020, tại Hà Nội.
[8] Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 19/02/2020 tại Hà Nội.
[9] Bộ Thương mại và Du lịch thành lập tháng 8/1991 trên cơ sở sáp nhập Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Du lịch, thuộc cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987-1992).
[10] Hiện nay, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chưa phải là một cơ quan giám sát tài chính hợp nhất (của cả ba lĩnh vực dịch vụ tài chính: tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm), nhưng cũng có những mục tiêu và nhiệm vụ gần gũi với mô hình cơ quan giám sát tài chính hợp nhất ở một số nước.
[11] Xem thêm Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vu, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thấy rằng UBQLVNN tại doanh nghiệp cũng có những nhiệm vụ quản lý nhà nước.
[12] Vừa qua khi xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, UBQLVNN tại DN đã đề nghị bổ sung thẩm quyền ban hành van bản QPPL cho Ủy ban, nhưng không được chấp nhận.