Cơ sở xác định mức phạt cụ thể khi có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng: Kinh nghiệm của Canada và một số gợi ý cho Việt Nam

28/05/2020

Tóm tắt: Trách nhiệm hành chính là hậu quả pháp lý bất lợi mà Nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm hành chính, được thể hiện bằng các biện pháp trách nhiệm hành chính (hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả). Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp trách nhiệm hành chính đối với chủ thể vi phạm thì Nhà nước cũng cần có sự phân hóa cụ thể về tính chất, mức độ để từ đó quyết định mức phạt cho phù hợp. Bài viết phân tích cơ sở xác định mức phạt cụ thể khi có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo pháp luật của Canada và rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract:Administrative responsibility is the adverse legal consequence that it is applied  to the subjects of the administrative violations, which is expressed by the measures of administrative responsibility (the sanctioning forms and remedial measures). However, even when the administrative liability measure is applied to the violator, the it is needed to have a specific division of the level of administrative responsibility in order to decide the sanctioning levels. This article provides analysis of the grounds of determining specific sanctioning levels for extenuating circumstances, aggravating circumstances under Canadian law and giving out some experiences for Vietnam.
Keywords: Extenuating circumstances, aggravating circumstancesadministrative violation, sanctioning of an administrative violation.
 XỬ-LÝ-VPHC.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
 
1. Xác định mức phạt cụ thể khi có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong pháp luật Canada  
            Hiện nay, Nga, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có luật về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC). Một số quốc gia có văn bản riêng nhưng không mô tả hành vi mà chỉ quy định cơ chế xử lý như: Áo, Cộng hòa Séc, Kadastan[1]. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không ban hành văn bản luật riêng về xử phạt VPHC[2]. Theo đó, ở những quốc gia này, quy định về xử phạt VPHC được xác lập trong các văn bản pháp luật chuyên ngành[3]. Một điển hình có thể nhắc tới là pháp luật của Canada. Ở Canada, việc xử phạt VPHC được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành. Theo đó, mỗi văn bản luật chuyên ngành sẽ quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt áp dụng cho các vi phạm cụ thể. Các văn bản luật chuyên ngành sẽ đưa ra những tiêu chí làm cơ sở để chủ thể có thẩm quyền xử phạt có thể tính toán mức phạt cụ thể khi áp dụng trên thực tế.
            Đơn cử, Luật Cần sa của Canada (Cannabis Act) quy định mức phạt cụ thể dựa trên cách tính toán các yếu tố sau:
            a) Lịch sử tuân thủ hoặc không tuân thủ các quy định của Luật này;
            b) Tính chất của vi phạm;
            c) Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả;
            d) Người vi phạm nhận được lợi ích kinh tế nào từ vi phạm.
            Mỗi yếu tố trên được đánh giá bằng cách sử dụng điểm số và điểm tích lũy như sau[4]:
Yếu tố chung
Yếu tố cụ thể
Điểm
Lịch sử tuân thủ hoặc không tuân thủ các quy định của Đạo luật này. (*)
Chưa từng vi phạm (chưa bị xử phạt).
 +0
Tái phạm.
+2
Tái phạm nghiêm trọng.
+4
Tính chất của viphạm
Vi phạm không có khả năng gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe cộng đồng.
+1
Vi phạm có thể hoặc đã gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe cộng đồng.
+2
Vi phạm có thể hoặc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
+4
Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả. (*)
Người vi phạm đã làm tất cả nhằm ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả.
+0
Người vi phạm đã có một số hành động nhằm ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả.
+2
Người vi phạm hoàn toàn không có bất kỳ một hành động nào nhằm ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả.
+4
Lợi ích kinh tế
Không có lợi ích kinh tế nào thu được từ vi phạm.
+0
Một số lợi ích kinh tế nhỏ thu được từ vi phạm.
+2
Có lợi ích kinh tế đáng kể thu được từ vi phạm.
+4
 
            Theo quy định của Luật Cần sa, các vi phạm trong lĩnh vực này có mức tiền phạt tối thiểu là một nghìn đô la Canada và mức tiền phạt tối đa là một triệu đô la Canada. Trên cơ sở cộng điểm tích lũy của các yếu tố kể trên, người có thẩm quyền xử phạt sẽ quyết định mức phạt cụ thể theo bảng tính[5].
 
 
Điểm tích lũy
Mức phạt (Tối thiểu - Tối đa)
Từ 1 - 4 điểm
1.000 - 74.000 đô la Canada
Từ 5 - 6 điểm
74.001 - 123.000 đô la Canada
Từ 7 - 8 điểm
123.001 - 196,000 đô la Canada
Từ 9 - 10 điểm
196.001 - 306.000 đô la Canada
Từ 11 - 12 điểm
306.001 - 471.000 đô la Canada
Từ 13 - 14 điểm
471.001 - 719.000 đô la Canada
16 điểm
719.001 - 1.000.000 đô la Canada
 
             Tương tự, Luật Năng lượng quốc gia Canada (National Energy Board Act) cũng đưa ra cách tính toán mức phạt dựa vào các yếu tố như sau[6]:
 
Yếu tố
Điểm
Người vi phạm đã có những vi phạm khác trong 07 năm trước hay không (có yêu tố tái phạm hay không?) (*)
0 đến + 2
Người vi phạm có nhận được bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ vi phạm hay không?
0 đến + 2
Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả. (*)
- 2 đến + 2
Có hay không sự bất cẩn từ phía người vi phạm?
0 đến + 2
Người vi phạm có tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm? (*)
- 2 đến + 2
Người vi phạm có tự nguyện khai báo hoặc đã kịp thời báo cáo vi phạm. (*)
- 2 đến + 2
Người vi phạm đã thực hiện bất kỳ bước nào để ngăn chặn sự tái diễn của vi phạm? (*)
- 2 đến + 2
Có tình tiết tăng nặng thêm nào khác liên quan đến nguy cơ gây hại cho con người hoặc môi trường? (*)
0 đến + 3
            Cũng theo Luật Năng lượng quốc gia, vi phạm được chia thành hai loại là loại A và loại B. Tiểu mục 6 Luật Năng lượng quốc gia đã xếp 194 hành vi vi phạm vào hai loại cụ thể[7], trong đó các vi phạm loại B được đánh giá là nghiêm trọng hơn so với vi phạm loại A. Với mỗi loại hành vi vi phạm loại A hay loại B, Luật Năng lượng quốc gia cũng dựa trên bảng tính điểm tích lũy để quy định mức phạt cụ thể[8]:
 
 
 
Điểm tích lũy
Vi phạm loại A
Vi phạm loại B
Cá nhân
Tổ chức
Cá nhân
Tổ chức
- 3 hoặc thấp hơn
250 đô la
1.000 đô la
1.000 đô la
4.000 đô la
- 2
595 đô la
2.375 đô la
4.000 đô la
 16.000 đô la
- 1
990 đô la
3.750 đô la
7.000 đô la
28.000 đô la
0
1.365 đô la
5.025 đô la
10.000 đô la
40.000 đô la
1
1.740 đô la
6.300 đô la
13.000 đô la
52.000 đô la
2
2.115 đô la
7.575 đô la
16.000 đô la
64.000 đô la
3
2.490 đô la
8.850 đô la
19.000 đô la
76.000 đô la
4
2.865 đô la
10.125 đô la
22.000 đô la
88.000 đô la
5 hoặc cao hơn
3.000 đô la
12.000 đô la
25.000 đô la
100.000 đô la
             Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
            Thứ nhất, pháp luật về xử phạt VPHC của Canada đã xác định được các yếu tố có liên quan đến vi phạm. Nhìn chung, các yếu tố này có những nét tương đồng với tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong pháp luật Việt Nam. Theo chúng tôi, những yếu tố được đánh dấu (*) trong các bảng phân tích trên rất giống với các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong pháp luật xử phạt VPHC của nước ta. 
            Thứ hai, trên cơ sở phân loại rõ ràng về hành vi vi phạm, các yếu tố tác động, pháp luật Canada đã quy định mức tiền phạt cụ thể dựa trên bảng điểm tích lũy. Nhìn vào bảng điểm tích lũy này, chủ thể có thẩm quyền xử phạt có thể “tự tin” áp dụng pháp luật để xác định mức phạt cụ thể, phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
            Thứ ba, giá trị (điểm tích lũy) của các yếu tố có liên quan đến vi phạm được đánh giá bằng thang điểm cao thấp khác nhau mà không có sự cào bằng. Theo đó, các yếu tố liên quan đến nhận thức, hành động tích cực của chủ thể vi phạm (người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm; người vi phạm đã tự nguyện khai báo hoặc đã kịp thời báo cáo vi phạm) được đánh giá rất cao và cũng có ảnh hưởng lớn đến việc xem xét, quyết định mức phạt cụ thể trên thực tế.
2. Một số gợi mở cho Việt Nam
            Điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (Luật Xử lý VPHC) quy định nguyên tắc xử phạt như sau: “việc xử phạt VPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Tình tiết giảm nhẹ phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn của VPHC và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định mức phạt thấp hơn[9]. Trong khi đó, tình tiết tăng nặng phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn của VPHC và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định mức phạt cao hơn[10].
            Luật Xử lý VPHC quy định các hình thức xử phạt bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; trục xuất. Trong số các hình thức xử phạt, chỉ hình thức phạt tiền mới được quy định cụ thể công thức tính mức tiền phạt trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Theo đó, mức tiền phạt cụ thể đối với một VPHC là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt[11]. Từ quy định này, người có thẩm quyền sẽ quyết định mức tiền cụ thể trên thực tế đối với từng vi phạm. Tuy nhiên, điều không hợp lý là các tình tiết giảm nhẹ hay tình tiết tăng nặng lại được thiết kế theo nguyên tắc cào bằng - tức là giá trị của các tình tiết này là như nhau. Nói cách khác, nếu hai người cùng thực hiện một VPHC, một người “đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại”,người còn lại là “phụ nữ mang thai” thì cả hai đều bị xử phạt cùng một mức tiền phạt bởi tình tiết “người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại” và “người vi phạm là phụ nữ mang thai” có giá trị giảm nhẹ ngang nhau.
            Theo chúng tôi, hai tình tiết trên có sự khác biệt rất lớn về thái độ, hành vi cũng như sự ảnh hưởng đến xã hội. Về thái độ, tình tiết “người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại” thể hiện sự hướng thiện của người vi phạm - tức là sau khi VPHC, người này đã nhận thức rõ ràng về vi phạm và có thái độ tích cực, thiện chí. Về hành vi, người vi phạm thực chất đã có những hành vi hữu ích nhằm ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc đã có những hành vi mang tính tự nguyện nhằm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Về ảnh hưởng đến xã hội,bất kỳ VPHC nào xảy ra cũng đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tuy nhiên, khi người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm thì hậu quả tiêu cực xảy ra có thể chỉ ở mức thấp nhất. Đặc biệt, nếu chủ thể vi phạm đã có những động thái thực tế hơn là tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì xem như những hậu quả xấu do vi phạm gây ra đã bị triệt tiêu trên thực tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vi phạm đã không hoặc ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Trong khi đó, tình tiết giảm nhẹ “người vi phạm là phụ nữ mang thai” chỉ thuần túy mang yếu tố nhân thân mà không thể hiện được thái độ, hành vi tích cực của chủ thể sau khi thực hiện VPHC.
            Trên thực tế, tuy đều là VPHC nhưng ý thức pháp luật, thái độ, hành vi của chủ thể vi phạm rất khác nhau. Đặc biệt, ý thức pháp luật, thái độ, hành vi của chủ thể sau khi vi phạm mới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hành chính.
            Tục ngữ Việt Nam có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Câu tục ngữ như một lời khuyên nhẹ nhàng cho người phạm sai lầm là nếu biết hối lỗi và cầu thị thì sẽ được mọi người tha thứ[12]. Như vậy, một chủ thể sau khi thực hiện VPHC đã nhận thức được sai lầm, ăn năn hối cải và có những hành vi tích cực nhằm hạn chế hoặc loại bỏ hậu quả xấu do vi phạm gây ra cần được ghi nhận và tha thứ. Chính ý thức, thái độ, hành vi tích cực này đã phản ánh mức độ nguy hiểm thấp hơn của VPHC, từ đó người có thẩm quyền cần quyết định mức phạt thấp hơn nhằm thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục của Nhà nước. Ở đây, khi thực hiện VPHC, có thể các chủ thể đều thực hiện với lỗi cố ý, đều có tính chất, mức độ nguy hiểm giống nhau[13]nhưng ý thức, thái độ, hành vi của chủ thể sau khi vi phạm sẽ rất khác nhau. Chính ý thức, thái độ, hành vi của chủ thể sau khi vi phạm mới là chìa khóa quan trọng, phản ánh sự nhận thức hối cải của chủ thể[14]. Trong khi đó, các tình tiết liên quan đến nhân thân như người vi phạm là“phụ nữ mang thai” hay “người già yếu” không thể hiện rõ nét mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn của VPHC. Do đó, các tình tiết này nếu được thừa nhận là tình tiết giảm nhẹ thì chủ yếu vẫn như một sự nhân đạo của Nhà nước đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, nếu so sánh, các tình tiết giảm nhẹ này không thể có giá trị ngang với các tình tiết giảm nhẹ liên quan đến ý thức, thái độ, hành vi tích cực của người vi phạm. Do đó, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm pháp luật xử phạt VPHC của Canada, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi Luật Xử lý VPHC theo hướng phân hóa các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo các khung bậc khác nhau theo hướng, những tình tiết giảm nhẹ có liên quan trực tiếp đến ý thức pháp luật, thái độ, hành vi tích cực của chủ thể sau khi vi phạm phải được xếp có giá trị giảm nhẹ cao hơn so với các tình tiết chỉ thuần túy liên quan đến nhân thân, hoàn cảnh, điều kiện.
            Hiện nay, Luật Xử lý VPHC chỉ quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một VPHC là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; trường hợp có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. Tuy nhiên, quy định này cũng không thiết lập được chuẩn mực chung trong việc xác định mức tiền phạt cụ thể.
            Ví dụ, điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.Trong trường hợp chủ thể vi phạm có tình tiết giảm nhẹ, người có thẩm quyền có thể quyết định phạt tiền 30.000.000 đồng, 32.000.000 đồng hay 34.000.000 đồng. Tương tự, trong trường hợp chủ thể vi phạm có tình tiết tăng nặng, người có thẩm quyền cũng có thể quyết định phạt tiền 36.000.000 đồng, 38.000.000 đồng hay 40.000.000 đồng.? Câu hỏi đặt ra là “người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào vào tiêu chí nào để quyết định phạt tiền 30.000.000 đồng, 32.000.000 đồng hay 34.000.000 đồng trong trường hợp người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ”? Bên cạnh đó, quy định trên cũng không đưa ra chuẩn mực nhằm xác định mức phạt tiền cụ thể trong trường hợp người vi phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ hay nhiều tình tiết tăng nặng.
            Để khắc phục bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, Luật Xử lý VPHC cần được sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xác định mức phạt cụ thể trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc điểm tích lũy như của Canada.
            Khác với hình thức xử phạt mang tính cố định (cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; trục xuất), các hình thức xử phạt như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động có thời hạn; phạt tiền mang tính tùy nghi. Theo đó, đối với các hình thức xử phạt này, pháp luật quy định mức tối thiểu và tối đa theo công thức “xử phạt từ mức tối thiểu đến tối đa. Quy định chế tài xử phạt theo công thức “từ mức tối thiểu đến tối đa nhằm tạo sự chủ động cho người có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật bởi trên thực tế, người có thẩm quyền phải căn cứ vào tính chất, mức độ, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định mức phạt, thời hạn phạt thích hợp[15].
            Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP (Nghị định số 81) quy định: “khung tiền phạt đối với từng hành vi VPHC phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt không quá lớn”. Tương tự, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 81 quy định: “thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi VPHC phải được quy định thành khung thời gian cụ thể, khoảng cách giữa thời gian tước tối thiểu và tối đa không quá lớn”. Tuy nhiên, cách quy định trên vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì đối với những hình thức xử phạt được thiết kế theo công thức dao động “từ mức tối thiểu đến tối đa thì chỉ nên xây dựng một nguyên tắc áp dụng chung là “khoảng cách giữa tối thiểu và tối đa không quá lớn” mà không nên lặp lại nguyên tắc này ở mỗi hình thức xử phạt cụ thể. Thiếu vì nguyên tắc “khoảng cách giữa tối thiểu và tối đa không quá lớn” chỉ được áp dụng cho chế tài đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn và phạt tiền chứ không áp dụng cho hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn. Trên thực tế, hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn cũng có biên độ dao động “từ mức tối thiểu đến tối đa[16]. Do đó, pháp luật cần quy định một nguyên tắc chung cho chế tài đối với các hình thức xử phạt có biên độ dao động “từ mức tối thiểu đến tối đa” là “khoảng cách giữa tối thiểu và tối đa không quá lớn”.Theo đó, các hình thức xử phạt như phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn sẽ được xây dựng theo nguyên tắc rút ngắn biên độ dao động giữa mức phạt tối thiểu và tối đa. Điều này một mặt vẫn phát huy được giá trị của các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mặt khác có thể hạn chế tình trạng lợi dụng biên độ dao động quá lớn vào mục đích bất hợp pháp[17].
            Cuối cùng, xử phạt VPHC, bên cạnh mục đích trừng trị còn hướng đến mục đích giáo dục ý thức pháp luật. Do đó, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trong việc quyết định các hình thức xử phạt. Tình tiết giảm nhẹ được áp dụng như một sự khoan hồng của Nhà nước đối với những người vi phạm có ý thức hướng thiện. Trong khi đó, các tình tiết tăng nặng nhằm trừng trị nghiêm khắc hơn đối với những người vi phạm ngoan cố, chống đối. Vì vậy, việc xử phạt đối tượng vi phạm có ý thức hướng thiện hay ngoan cố, chống đối cần phải thể hiện nhất quán trong các hình thức xử phạt, kể cả khi chúng được áp dụng độc lập hay áp dụng đồng thời với nhau. Vì lẽ đó, khi người vi phạm có tình tiết tăng nặng (hoặc giảm nhẹ), tình tiết này cần được áp dụng cho cả hình thức xử phạt chính lẫn hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, nếu trong quyết định xử phạt VPHC có tình tiết tăng nặng (hoặc giảm nhẹ), thì tình tiết này sẽ áp dụng cho mọi hình thức xử phạt (phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn) được nêu trong quyết định xử phạt VPHC. Chúng tôi cho rằng, Luật Xử lý VPHC cần được sửa đổi theo hướng này.
 
 

[1] Nguyễn Thị Thiện Trí, “Đánh giá tính nghiêm minh của chế tài hành chính từ cơ chế áp dụng chế tài”, Kỷ yếu Hội thảo “Chế tài trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia” do Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện FES (Đức) tổ chức, ngày 10/4/2019, tr. 35.
[2] P. Cacaud - M. kuruc - M. Spreij, Administrative Sanction in Fisheries Law, Pub. Roma, 2003, p. 17.
[3] Đỗ Hoàng Yến, “Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở một số nước trên thế giới”,Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 107, năm 2007.
[4] Government of Canada, Administrative monetary penalties under the Cannabis Acthttps://www.canada.ca/en/health-canada/services/cannabis-regulations-licensed-producers/administrative-monetary-penalties.html, truy cập ngày 22/11/2019.
[5] Government of Canada, Administrative monetary penalties under the Cannabis Act. Truy cập: https://www.canada.ca/en/health-canada/services/cannabis-regulations-licensed-producers/administrative-monetary-penalties.html, ngày 22/11/2019.
[6] Tiểu mục 4 (2) Đạo luật Năng lượng quốc gia năm 2013 của Canada.
[7] Lê Thị Thu Thảo, “Kinh nghiệm áp dụng chế tài phạt tiền trong hành chính của Canada”, Kỷ yếu Hội thảo “Chế tài trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia” do Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện FES (Đức) tổ chức, ngày 10/4/2019, tr. 243.
[8] Tiểu mục 4 (1) Luật Năng lượng quốc gia năm 2013 của Canada.
[9] Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa và Nxb. Tư pháp, 2013, tr. 769.
[10] Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa và Nxb. Tư pháp, 2013, tr. 770.
[11] Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[12] Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Kho tàng tục ngữ người Việt (tập 1), Nxb. Văn hóa thông tin, 2002, tr. 102.
[13] Ví dụ: hai người cùng có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
[14] Ví dụ: sau khi bị phát hiện hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định, A đã ăn năn hối cải, xách nước rửa sạch nơi tiểu tiện. Ngược lại, B vẫn không ăn năn hối cải và cũng không xách nước rửa sạch nơi tiểu tiện. Trong trường hợp này, rõ ràng A đã có ý thức hướng thiện hơn so với B.
[15]Cao Vũ Minh, “Bàn về quyền tùy nghi trong hoạt động của các cơ quan hành chính”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11, năm 2013.
[16]Khoản 3 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “thời hạn đình chỉ hoạt động có thời ạn được xác định từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành”.
[17] Theo khoản 10 Điều 21 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi vi phạm bị áp dụng mức tiền phạt tối thiểu là 500.000.000 và tối đa có thể lên đến 1.000.000.000 đồng (vênh nhau 500.000.000 đồng). Với khoảng cách quá xa giữa mức tiền phạt tối thiểu và tối đa nên khi thi hành công vụ, một số chủ thể có thẩm quyền đã thỏa thuận áp dụng tình tiết giảm nhẹ với người vi phạm để phạt mức tiền thấp nhất, nhưng lại thu thêm những khoản lợi từ tiền hối lộ của người vi phạm.