Bàn về tư tưởng, quan điểm và các nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005

26/05/2020

Tóm tắt: Luật Thanh niên năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng để ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật đối với thanh niên, tạo tiền đề cho sự phát triển của thanh niên. Qua thời gian gần 15 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, Luật Thanh niên đã bộc lộ nhiều hạn chế, còn nhiều quy định chung chung, nặng về “hô khẩu hiệu”, chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện Luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng…Trong phạm vi Bài viết này, tác giả bàn về tư tưởng, quan điểm và các nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005.
Từ khóa: Thanh niên; Luật Thanh niên; chính sách về thanh niên.
Abstract: The Law on Youth of 2005 has established a crucial legal ground to promulgate and enforcement policies for and legal regulations on young people, creating a premise for the youth's developments. After nearly 15 years of enforcement, along with the gained achievements, the Law on Youth has revealed a number of shortcomings, several general provisions known as "shouting slogans", and no sanctioning provisions to ensure the enforcement of the Law; the rights and obligations of the youth in the Law have not been specifically and clearly defined... Under this article, the author is to discusses thoughts, viewpoints and contents related to the amendment of the Law on Youth of 2005.
Keywords: The youth; Law on Youth; policy on youth.
 dai-hoi-doan-tncs-hcm-bywr-1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tư tưởng và quan điểm sửa đổi Luật Thanh niên
Thanh niên là mùa xuân của dân tộc, là tương lai của đất nước, cho nên các quốc gia luôn có các chính sách để thúc đẩy thanh niên phát triển, tu dưỡng, rèn luyện và học tập, có cơ hội cống hiến và lập thân, lập nghiệp. Ngược lại, từ phía mình, thanh niên không chỉ trông chờ vào việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của nhà trường, gia đình và xã hội, mà với sức trẻ, nhiệt huyết và ước mơ của mình, thanh niên cũng có bổn phận và trách nhiệm tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước. Tháng 1/1955 sau khi tiếp quản Thủ đô, tại Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cũng đã nói với thanh niên vào ngày 20/1/1961: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”. Tác giả cho rằng các ý tưởng này cần được tiếp cận để nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thanh niên 2005.
Theo tác giả, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 không chỉ dừng ở các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên, mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân mình qua sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, trách nhiệm của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần xác định rõ vị trí và vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (là tổ chức nòng cốt) và các tổ chức thanh niên khác trong sự nghiệp phát triển thanh niên. Với tư tưởng như vậy, sửa đổi Luật Thanh niên lần này có thể xác định các quan điểm như sau:
1) Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng pháp luật;
2) Thể hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành;
3) Kế thừa các quy định của Luật Thanh niên 2005 còn phù hợp với điều kiện hiện nay; Bổ sung, sửa đổi các quy định khác cho phù hợp với bối cảnh, đặc điểm yêu cầu và xu hướng phát triển thanh niên hiện nay;
4) Bảo đảm phù hợp với xu thế quản lý và hoạt động của thanh niên trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa; Tham khảo thêm kinh nghiệm cũng như xu hướng trong xây dựng các chính sách về thanh niên ở các nước trên thế giới.
2. Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước liên quan đến sửa đổi Luật
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cần bám sát các chủ trương và chỉ đạo ở các văn bản sau:
- Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó đã xác định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước và toàn xã hội”; “công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc”. Do đó, Nghị quyết đã đưa ra nhiều chủ trương quan trọng về công tác thanh niên như: Tăng cường giáo dục để xây dựng đội ngũ thanh niên sống có lý tưởng, có văn hóa, có ý thức công dân, có khí phách và quyết tâm hành động; tạo cơ hội cho thanh niên được học tập, có trí thức, có kỹ năng, vươn lên ngang tầm thanh niên trên thế giới; nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; trọng dụng tài năng trẻ, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên các lĩnh vực;... Đặc biệt là Nghị quyết đã nhấn mạnh cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên. Trong đó, đã xác định cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên phù hợp với tình hình mới.
- Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW quy định: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc thể chế hoá nội dung của Nghị quyết. Nghiên cứu sớm trình Quốc hội Luật Thanh niên (bổ sung, sửa đổi), trong đó xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên”.
- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu rõ: “Về tổ chức bộ máy, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay”. Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết cũng nêu rõ: "Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Trước mắt giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian... Rà soát để sửa đổi quy định về tổ chức bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật hiện hành không thuộc chuyên ngành luật tổ chức nhà nước”.
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu rõ: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”.
- Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả quy định: “Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước... Thực hiện có hiệu quả nguyên tắc: một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ: “...quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tưng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành” (điểm c khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ).
3. Những nội dungcơ bản
- Những quy định chung về thanh niên
Một là, độ tuổi của thanh niên thế nào là phù hợp? Giữ nguyên như hiện hành: từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi, hay dịch chuyển tăng lên đến 35 tuổi? Quy định về độ tuổi của các tổ chức Liên hợp quốc và một số nước cho thấy: Khối liên minh châu Âu (EU) hoặc Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lấy độ tuổi thanh niên là 15 tuổi đến 24 tuổi. Một số quốc gia trên thế giới quy định về độ tuổi thanh niên, cơ bản tập trung trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 30 tuổi, như: Philippines từ 15 tuổi đến 30 tuổi; Sebia từ 15 đến 30 tuổi; Thái lan từ 18 tuổi đến 25 tuổi; Indonesia từ 16 tuổi đến 30 tuổi; Lào từ 15 đến 30 tuổi; Ấn Độ từ 15 đến 35 tuổi; Malaysia từ 15 đến 40 tuổi;… Qua đó có thể thấy, việc quy định độ tuổi thanh niên cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia.
Hai là, bên cạnh quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Thanh niên cũng là công dân. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng giống như quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp quy định. Vấn đề là trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, với gia đình, với xã hội, với Tổ quốc cần phải được làm rõ và quy định ngay trong Luật này.
Ba là, quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng như các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên cần phải được thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ trên cơ sở các nguyên tắc nhất định. Cho nên cần phải quy định các nguyên tắc để bảo đảm thực hiện các chính sách đối với thanh niên, cũng như thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
Bốn là, cần quy định các nguồn lực để thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Chính sách đối với thanh niên nếu thiếu nguồn lực thì sẽ không thể thực hiện được hoặc thực hiện không có hiệu quả.
 Năm là, quy định “Tháng thanh niên” nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên cũng như quy định các hoạt động hợp tác quốc tế về thanh niên.
Sáu là, quy định tổ chức đối thoại với thanh niên của người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cơ quan luôn lắng nghe và giải quyết các vấn đề mà thanh niên quan tâm.
- Trách nhiệm của thanh niên
Luật Thanh niên 2005 chưa quy định trách nhiệm của thanh niên. Luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ (thực tế thì không phải lúc nào quyền cũng đồng thời là nghĩa vụ và ngược lại), các điều khoản thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Thanh niên cũng đồng thời là công dân, vì thế các quyền hoặc nghĩa vụ của công dân cũng chính là các quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Trong khi đó, các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp và các luật chuyên ngành quy định rất cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, nên sửa quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo hướng: Chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo một nguyên tắc chung là thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Điều cần nhất đối với thanh niên, nên được quy định trong Luật, là trách nhiệm và bổn phận. Điều đó thể hiện trên các khía cạnh sau:
+ Trách nhiệm đối với bản thân: Thực hiện thông qua việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân; tích cực học tập; thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; phòng chống các hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội; lập thân, lập nghiệp;…
+ Trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình: thể hiện trên các khía cạnh kính trọng ông bà, cha mẹ, người trên; chăm sóc giáo dục con em, phát huy truyền thống, chăm lo hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, …
+ Trách nhiệm của thanh niên đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải thể hiện ở tinh thần phát huy truyền thống, tính xung kích đi đầu, sẵn sàng đảm nhận,…
+ Trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội: thể hiện tinh thần tích cực tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm đối với trẻ em,…
- Chính sách của nhà nước đối với thanh niên
Luật thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên chung với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên. Quá trình thực hiện cho thấy cách quy định và thể hiện như vậy đã bộc lộ những hạn chế, chưa rõ ràng và không hiệu quả trong quá trình triển khai. Do đó, Luật Thanh niên trong lần sửa đổi này cần tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng. Còn trách nhiệm của Nhà nước, của các tổ chức, cơ quan đối với thanh niên có thể quy định ở một chương khác. Với tư duy như vậy, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên cần được thể hiện qua các lĩnh vực hoặc nội dung cụ thể ở các khía cạnh hoặc lĩnh vực sau:
+ Chính sách cho thanh niên học tập và nghiên cứu khoa học;
+ Chính sách về lao động, việc làm của thanh niên;
+ Chính sách cho thanh niên khởi nghiệp;
+ Chính sách bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho thanh niên;
+ Chính sách về lĩnh vực văn hóa, thể dục và thể thao;
+ Chính sách thực hiện nghĩa vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc;
+ Chính sách đối với thanh niên xung phong;
+ Chính sách đối với thanh niên tình nguyện;
+ Chính sách đối với thanh niên có tài năng;
+ Chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số;
+ Chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Tổ chức thanh niên
Tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã được quy định trong Hiến pháp. Đây là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên Việt Nam, do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn giữ vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng, tổ chức và hoạt động đối với các tổ chức thanh niên khác. Do đó, tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quy định tại Luật này là cần thiết và phù hợp.
Còn các tổ chức thanh niên khác? Có nên quy định hết tên của các tổ chức thanh niên hiện hành đã được thành lập theo quy định của pháp luật hay không? Đây là vấn đề cần phải giải quyết trong sửa đổi Luật lần này.
- Quản lý nhà nước về thanh niên, trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cơ quan đối với thanh niên
Luật Thanh niên 2005 mới chỉ quy định quản lý nhà nước về công tác thanh niên nhưng quản lý nhà nước về thanh niên chưa được quy định. Đây là một hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh đó, Luật Thanh niên 2005 cũng chưa quy định đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cơ quan đối với thanh niên. Vì vậy, lần sửa đổi này, cần quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên cũng như quy định cụ thể và đầy đủ trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về thanh niên.
- Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình, nhà trường đối với thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 chưa quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình và nhà trường đối với thanh niên; trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chủ thể nêu trên có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc chăm lo, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho thanh niên được trưởng thành; thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định hiện hành của pháp luật. Do đó, cần thiết phải bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình và nhà trường đối với thanh niên trong luật.
4. Một số vấn đề khác
- Đối với quy định quản lý nhà nước về thanh niên
Thông báo số 327-TB/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên, đã ghi rõ: “Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Bộ Nội vụ thành lập Vụ công tác thanh niên để giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về công tác thanh niên”. Vấn đề này từ năm 2010 đến nay (tức là sau khi Luật thanh niên 2005 đã có hiệu lực), mặc dù trong Luật chưa có quy định, nhưng căn cứ vào Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thực hiện nội dung quản lý nhà nước về thanh niên và quá trình thực hiện đã đạt kết quả tốt.
Vì vậy, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khi quy định quản lý nhà nước về thanh niên, nên thể hiện nội dung này như sau:"Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên.  Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên”.
- Về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam
Luật Thanh niên 2005 quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng về công tác thanh niên. Tổ chức, hoạt động do Thủ tướng Chính phủ quy định. Khi sửa đổi Luật thanh niên, cũng có các ý kiến khác nhau về vấn đề này. Qua nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức, có thể tổng hợp thành 5 nhóm ý kiến như sau:
- Giữ nguyên quy định tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam như Luật Thanh niên 2005.
- Không quy định tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
- Quy định tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
- Nâng cấp Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam thành Bộ Thanh niên.
- Quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp, điều hòa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vân đề về thanh niên, thực hiện quyền của thanh niên.
Theo tác giả, căn cứ các quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc thành lập một tổ chức mới (cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Vấn đề này liên quan đến việc thực hiện tinh gọn bộ máy, không tăng thêm tổ chức mà Nghị quyết số 18-NQ/TW Khóa XII đã quy định.
Mặt khác, việc thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng đã được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ). Nếu quy định đưa tổ chức này vào Luật thì sẽ không phù hợp vì việc thành lập, sửa đổi, giải thể và sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban này là tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng điều kiện cụ thể. Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền có thể chủ động xem xét, quyết định - có thể thành lập hoặc có thể giải thể. Việc trước đây đưa tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam quy định trong Luật Thanh niên năm 2005 là do tại thời điểm đó chưa có cơ quan nào của Chính phủ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Đến nay, căn cứ vào Thông báo số 327-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 16/4/2010, Chính phủ đã phân công Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Vì thế, việc quy định tổ chức Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), với chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ là không cần thiết và không phù hợp. Điều này còn làm hạn chế thẩm quyền của Thủ tướng đã được quy định tại Luật tổ chức chính phủ. Nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội đã nêu rõ: "Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước... Khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước”.
Về nhóm ý kiến đề nghị quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như đã nêu ở trên: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành. Như vậy, việc thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, cho nên cũng không cần thiết phải đưa vào Luật thanh niên (sửa đổi). Nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội đã đề ra việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy,... vào các luật, pháp lệnh không phải chuyên ngành tổ chức.
Vì vậy, đối với các nhóm ý kiến nêu trên, nên lựa chọn phương án: Không quy định tổ chức Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam có chức năng tư vấn cho Thủ tướng trong Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Như thế mới bảo đảm thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với tổ chức tư vấn: khi cần thiết thì thành lập, khi không cần thiết thì giải thể. Nếu quy định vào Luật, dù Thủ tướng thấy có giai đoạn không cần thiết có tổ chức tư vấn này, thì cũng không thể giải thể được (vì luật đã quy định tên các tổ chức này ở trong luật).
- Về các tổ chức thanh niên trong Luật Thanh niên (sửa đổi)
Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc quy định cụ thể tên các hội (như Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam) vào trong Luật Thanh niên sửa đổi. Luật này không điều chỉnh đối với các tổ chức hội. Do đó, việc quy định thêm một số tổ chức thanh niên trong Luật thanh niên là một vấn đề cần thận trọng nghiên cứu. Với câu hỏi: Nên hay không nên quy định tên các tổ chức hội, hiệp hội của thanh niên trong Luật này? Luật Thanh niên 2005 ngoài quy định tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thì có quy định 1 tổ chức thanh niên là Liên hiệp hội thanh niên Việt Nam. Đến nay, hồ sơ dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội ngoài việc giữ nguyên Liên hiệp hội thanh niên Việt Nam còn bổ sung thêm Hội sinh viên Việt Nam. Nhưng ngoài 2 tổ chức hội này của thanh niên, còn các tổ chức thanh niên khác, như Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam chẳng hạn, thì không đưa vào Luật Thanh niên trong lần sửa đổi này.
Do đó, trong quá trình nghiên cứu, nhất thiết cần trả lời câu hỏi, có nên đưa các tổ chức thanh niên đang hoạt động dưới hình thức các hội, liên hiệp hội vào Luật hay không? Về vấn đề này, chúng ta đều biết, các tổ chức thanh niên như hội, liên hiệp hội,.. được thành lập, giải thể, sáp nhập, đổi tên,… cũng như tổ chức và hoạt động phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hội và theo Điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giả sử, nếu cứ đưa vào Luật này một số tổ chức của thanh niên như Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam,… thì các hội khác của thanh niên, như Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam vì sao lại không đưa vào? Mặt khác, các hội với các tên gọi cụ thể nếu đưa vào Luật thì bắt buộc phải luôn giữ tên gọi như vậy. Nếu mỗi lần Đại hội, các hội, liên hiệp hội có muốn sáp nhập, thay đổi tên gọi thì phải sửa Luật Thanh niên rồi sau đó mới tổ chức Đại hội để thay đổi tên gọi, hoặc sáp nhập. Điều này chứng tỏ rằng, nếu đưa một số tổ chức hội, liên hiệp hội vào luật thì không lý giải được vì sao các tổ chức hội khác của thanh niên lại không được đưa vào (như Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam), và sẽ gây khó khăn cho các hội trong tổ chức và hoạt động, hội và liên hiệp hội sẽ khó thực hiện được nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của mình.
Vì vậy, khi sửa đổi Luật này chỉ nên quy định về tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với thanh niên. Còn các hội, liên hiệp hội thì không nên đưa tên cụ thể tổ chức nào vào Luật, mà chỉ nên ghi một điều khoản về vị trí, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức thanh niên đối với đội ngũ thanh niên và sự phát triển của thanh niên. Kinh nghiệm các luật đã ban hành đều không có quy định các hội hoạt động trong lĩnh vực tương ứng. Nếu có quy định Hội thì cũng chỉ quy định một Hội đại diện, không quy định nhiều Hội. Hơn nữa, Luật Thanh niên năm 2005 không quy định Hội sinh viên Việt Nam trong Luật. Vì vậy, chỉ nên quy định Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là phù hợp.
Tài liệu tham khảo
1.   Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2.   Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008.
3.   Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4.   Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
5.        Hồ sơ dự án Luật thanh niên (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV.
6.   Đinh Công sỹ, Luật thanh niên một số nước trên thế giới và gợi ý sửa đổi Luật thanh niên Việt Nam.