Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

18/05/2020

Tóm tắt: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cách thức hữu hiệu để bảo đảm các quyết định xử phạt được thi hành trên thực tế. Để việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có tính hợp pháp đòi hỏi người ban hành quyết định cưỡng chế phải có đầy đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bài viết này[1] phân tích một số vấn đề lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn thi hành các quy định về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chỉ ra một số bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Thẩm quyền, cưỡng chế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: Enforcement of decisions to sanction administrative violations is an effective method to ensure that sanctioning decisions are actually enforced. In order for the application of coercive measures to enforce a sanctioning decision legally, the person issuing the enforcement decision must have full competence as prescribed by law. This article provides analysis of a number of theoretical, legal issues and the practical enforcement of the regulations on the competence to enforce decisions on sanctioning administrative violations, pointing out some inadequacies and making some proposals for improvement.
 Keywords:Competence, enforcement, decisions to sanction administrative violations.
CUONG-CHẾ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Trong pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC là một chế định pháp lý bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của những chức danh có thẩm quyền trong việc quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế: (i) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; (ii) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (iii) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; (iv) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả[2].
Về mặt lý luận, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC có một số đặc trưng nổi bật sau đây:
Thứ nhất, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chỉ phát sinh khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu cá nhân, tổ chức VPHC đã tự nguyện chấp hành đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt thì thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt sẽ không phát sinh trên thực tế. Qua đó, có thể thấy thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là loại thẩm quyền phát sinh không thường xuyên.
Thứ hai, giữa thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt với thẩm quyền xử phạt VPHC có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong mối liên hệ này, thẩm quyền xử phạt phát sinh trước, còn thẩm quyền cưỡng chế phát sinh sau. Do vậy, những chức danh có thẩm quyền cưỡng chế bắt buộc phải là những chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC. Tuy nhiên, không phải mọi chức danh có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt[3]. Các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật năm 2012) quy định thẩm quyền xử phạt VPHC cho 185 chức danh, trong đó có 176 chức danh làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước (chiếm khoảng 95% số lượng các chức danh có thẩm quyền xử phạt), 9 chức danh thuộc Tòa án không nằm trong cơ quan hành chính (chiếm khoảng 5% các chức danh có thẩm quyền xử phạt)[4]. Trong khi đó, Điều 87 Luật năm 2012 chỉ quy định cho 110 chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Sự khác biệt này được lý giải bởi mục đích sử dụng thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể. Đối với việc xử phạt VPHC, nhu cầu quản lý nhà nước đòi hỏi việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng để bảo đảm VPHC được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm giữ gìn trật tự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, Luật năm 2012 đã trao thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều các chức danh khác nhau, đặc biệt là chức danh trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước (chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, kiểm soát viên quản lý thị trường, công chức hải quan đang thi hành công vụ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên…). Trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người bị cưỡng chế, do đó đòi hỏi người ra quyết định phải giữ vị trí nhất định (các chức danh giữ chức vụ cấp trưởng) để bảo đảm mỗi quyết định cưỡng chế khi ban hành có tính pháp lý cao, hạn chế khiếu nại, kiện tụng. Một lý do khác mà các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế là những chức danh được “chọn lọc” cao vì tính trách nhiệm của mỗi quyết định cưỡng chế buộc người có thẩm quyền cưỡng chế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, đặc biệt đó là những trường hợp ra quyết định cưỡng chế nhằm thi hành quyết định xử phạt của những chức danh khác chứ không phải để thi hành quyết định xử phạt của mình[5].
Thứ ba, những người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Luật năm 2012 quy định 03 trường hợp cấp trưởng có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện một số thẩm quyền của mình: giao quyền xử phạt[6], giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt[7] và giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính[8]. Tuy nhiên, về điều kiện giao quyền thì có sự khác nhau trong 03 trường hợp này. Nếu việc giao quyền xử phạt có thể được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc thì việc giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt. Điều này cũng cho thấy sự “thận trọng” của nhà làm luật khi quy định về giao quyền cưỡng chế so với giao quyền xử phạt vì hoạt động cưỡng chế đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với hoạt động xử phạt.
2. Một số bất cập về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Về các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Điều 87 Luật năm 2012 đã sử dụng phương pháp liệt kê để quy định một cách chi tiết và cụ thể tên gọi của các chức danh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC. Việc quy định chi tiết về thẩm quyền cưỡng chế vừa giúp chủ thể quản lý xác định được phạm vi và giới hạn thẩm quyền cưỡng chế của mình, vừa giúp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế và các chủ thể có liên quan biết được việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của các chủ thể có thẩm quyền có phù hợp với quy định của pháp luật hay không để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, trước những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, quy định về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của một số chức danh đã không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự tương thích với các quy định mới.
Đối với các chức danh trong lực lượng Công an nhân dân: Ngày 19/01/2015, Bộ Công an quyết định sáp nhập Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Cục Cảnh sát giao thông đường thủy thành Cục Cảnh sát giao thông, nên từ thời điểm này, sẽ không còn chức danh Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy mà đổi thành Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông[9]. Sau đó, ngày 6/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an thay thế cho Nghị định trước đây. Theo nội dung của Nghị định này, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an có sự thay đổi một cách rõ rệt dẫn đến thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc. So với trước đây, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Một số Cục mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập các Cục trước đây như Cục An ninh mạng và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao được sáp nhập thành Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao. Ở địa phương, lực lượng công an sáp nhập 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy vào Công an cấp tỉnh và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp Phòng, gần 1.000 đơn vị cấp Đội[10].
Đối với các chức danh trong lực lượng hải quản: Luật năm 2012 trao thẩm quyền cưỡng chế cho năm chức danh gồm: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực hải quan, ngoài các chức danh được nêu tên trong Luật năm 2012, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 45/2016/NĐ-CP) (Nghị định 127) còn quy định thêm thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực hải quan cho “Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan[11]. Như vậy, Nghị định số 127 đã bổ sung thêm các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, thực tế này ở một góc độ nhất định có thể được xem là hợp lý nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu của hoạt động quản lý, song ở góc độ pháp lý thì không phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với các chức danh trong lực lượng quản lý thị trường: Luật năm 2012 quy định thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cho hai chức danh là Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. Tuy nhiên, đến ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương. Theo nội dung Quyết định này, cơ cấu bộ máy của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc có sự thay đổi như sau: ở trung ương có Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương; ở địa phương có Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường và Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh[12]. Như vậy, từ ngày Quyết định này có hiệu lực, trong cơ cấu tổ chức của lực lượng quản lý thị trường sẽ không còn chức danh Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và chức danh Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. Do vậy, quy định về thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với hai chức danh nay hiện nay cũng không còn phù hợp trên thực tế.
Đối với các chức danh thuộc hệ thống Tòa án nhân dân: Luật năm 2012 quy định thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC cho năm chức danh là: Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh toà chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao. Trong số các chức danh nêu trên, chức danh “Chánh toà chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao” nay đã bị bãi bỏ theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 bởi trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay không còn các tòa chuyên trách như trước đây[13]. Trong khi đó, một số chức danh mới được thành lập như Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao[14] lại chưa được quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Để bảo đảm tính ổn định của văn bản quy phạm pháp luật trước những thay đổi về tổ chức bộ máy nhà nước, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi Luật năm 2012 theo hướng, bên cạnh việc liệt kê các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, bổ sung quy định một điều trù liệu các trường hợp thay đổi về tên gọi của các chức danh này. Cụ thể như sau:
Điều…: Thay đổi tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh có thẩm quyền quyết định cưỡng chế
1. Trường hợp chức danh có thẩm quyền quyết định cưỡng chế quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền cưỡng chế theo tên gọi mới.
2. Trường hợp chức danh có thẩm quyền quyết định cưỡng chế quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời, có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn do có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cưỡng chế thì chức danh đó có thẩm quyền cưỡng chế theo tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn mới.
3. Trường hợp chức danh có thẩm quyền quyết định cưỡng chế quy định tại Luật này không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn do có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cưỡng chế thì chức danh đó có thẩm quyền cưỡng chế theo nhiệm vụ, quyền hạn mới”.
2.2. Về giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, Luật năm 2012 quy định người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao cho cấp phó quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, Luật này cũng quy định rõ hai điều kiện để được giao quyền cưỡng chế là: (i) Chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt; (ii) Phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó, xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác[15]. Có thể thấy rằng, trong quản lý nhà nước, hoạt động ủy quyền hành chính là cần thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động chấp hành - điều hành được diễn ra liên tục, nhịp nhàng, điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì ủy quyền dễ dẫn đến sự tùy tiện, lạm quyền[16]. Để kiểm soát hoạt động ủy quyền trong thực hiện giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ về điều kiện thực hiện giao quyền cưỡng chế.  Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn một số điểm bất cập như sau:
Thứ nhất, về điều kiện khi “cấp trưởng vắng mặt”
Nếu như việc giao quyền xử phạt VPHC có thể được thực hiện “thường xuyên” hoặc “theo vụ việc” tùy thuộc vào quyền quyết định của người cấp trưởng thì việc giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chỉ được thực hiện khi “cấp trưởng vắng mặt”. Thế nhưng, vấn đề có tính thực tiễn đặt ra là “sự vắng mặt” của cấp trưởng cần được hiểu như thế nào cho đúng với tinh thần của Luật năm 2012, đó là sự vắng mặt thường xuyên, lâu dài hay là sự vắng mặt tạm thời. Câu hỏi này hiện nay không được quy định một cách rõ ràng trong Luật năm 2012. Về mặt lý luận, có thể thấy rằng việc quy định cấp trưởng chỉ được giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt khi cấp trưởng vắng mặt là quy định hợp lý vì tính chất nghiêm trọng của quyết định cưỡng chế so với quyết định xử phạt. Một khi chủ thể có thẩm quyền cưỡng chế đã được “chọn lọc” thì việc giao quyền lại càng phải hạn chế. Nói cách khác, chỉ nên đặt ra vấn đề giao quyền trong hoàn cảnh không thể không giao quyền mới bảo toàn được ý nghĩa của việc chỉ trao quyền cưỡng chế cho một số chức danh quan trọng và do chỉ được giao quyền khi cấp trưởng vắng mặt nên đây là giao quyền theo vụ việc chứ không phải giao quyền thường xuyên, lâu dài[17].
Thứ hai, về hình thức văn bản giao quyền cưỡng chế
Mặc dù Luật năm 2012 quy định việc giao quyền cưỡng chế phải được thể hiện bằng văn bản, nhưng Luật không đề cập đến hình thức của văn bản giao quyền cưỡng chế là gì, từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tế.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: tên loại của văn bản giao quyền là “công văn”[18]vì công văn dùng để thông tin trong hoạt động giao dịch, trao đổi công tác hàng ngày trong các cơ quan như giao dịch, nhắc nhở, trả lời, đề nghị, mời họp, hướng dẫn thực hiện văn bản cấp trên, xin ý kiến, thăm hỏi, cảm ơn, phúc đáp.
Quan điểm thứ hai cho rằng: tên loại văn bản giao quyền trong Luật năm 2012 là “thông báo[19] vì thông báo nhằm mục đích thông tin về hoạt động, thông tin nhanh cho người quản lý của mình biết thi hành và những thông tin về những tin tức khác mà người có liên quan cần biết.
Quan điểm thứ ba cho rằng: văn bản giao quyền là văn bản hành chính vì văn bản hành chính mang thông tin quy phạm nhà nước và nó cụ thể hóa việc thi hành văn bản pháp quy, giải quyết những vụ việc cụ thể trong khâu quản lý. Chính vì lẽ đó, mà văn bản giao quyền phải là “quyết định[20]. Vì nó thể hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo cơ sở pháp lý để nhà nước giữ vững quyền lực của mình, truyền đạt ý chí của cơ quan nhà nước tới nhân dân và các chủ thể pháp luật khác.
Để khắc phục bất cập nêu trên, ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về tên gọi của văn bản giao quyền. Theo đó, khoản 3 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP như sau:
4. Quyết định giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật XLVPHC phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
Quyết định giao quyền phải được đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên.
Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt VPHC của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền”.
Như vậy, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đã quy định rõ tên gọi của văn bản giao quyền cưỡng chế phải thể hiện dưới hình thức là “Quyết định giao quyền” chứ không thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như hướng dẫn của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Đồng thời, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng ban hành Phụ lục mới về một số biểu mẫu trong xử lý VPHC thay thế cho Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP[21]. Đối với vấn đề giao quyền cưỡng chế, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đã quy định biểu mẫu số 30 với tên gọi “Quyết định về việc giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC”. Do đó, kể từ thời điểm Nghị định số 97/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành là “ngày 05 tháng 10 năm 2017” trở đi thì tất cả các văn bản giao quyền cưỡng chế đều phải thể hiện thống nhất dưới hình thức “Quyết định về việc giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC”.
2.3. Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp trên đối với quyết định xử phạt của cấp dưới
Nhằm cụ thể hóa các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong Luật năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt VPHC (Nghị định số 166). Để đảm bảo tính hợp pháp của việc cưỡng chế, Nghị định này quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế như sau: “Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền[22]. Tuy nhiên, Luật năm 2012 chỉ liệt kê các chức danh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế chứ không nói rõ là thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chỉ thuộc về người ban hành quyết định xử phạt VPHC hay cấp trên của người ban hành quyết định xử phạt VPHC có được ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi quyền cưỡng chế vượt thẩm quyền của người xử phạt hay không? Đây là một vấn đề mà ngay cả Luật năm 2012 cũng như Nghị định số 166 còn bỏ ngỏ, từ đó tạo ra nhiều cách hiểu khi áp dụng trong thực tiễn.
Điều 5 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (Nghị định số 37) quy định, cấp trên có quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới trong các trường hợp sau:
- Cấp dưới không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế;
- Cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế;
- Việc thi hành quyết định xử phạt liên quan đến nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hoặc cá nhân bị cưỡng chế là những người có chức sắc tôn giáo, có uy tín trong xã hội, cấp trên xét thấy cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp cấp trên có quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới như hướng dẫn của Nghị định số 37  nêu trên. Tuy nhiên, Luật năm 2012 cũng như Nghị định số 166 lại không quy định cụ thể cấp trên có được quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới hay không? Điều này đã ra gây nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng pháp luật.
Quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến hai cách hiểu khác nhau: Cách hiểu thứ nhất, cấp trên có quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới trong những trường hợp Nghị định số 37 đã liệt kê. Cách hiểu thứ hai, chỉ có người ban hành quyết định xử phạt VPHC mới có quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Bởi vì, Luật năm 2012 không quy định cấp trên có quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới. Do vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể việc ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong những trường hợp nêu trên.
Chúng tôi cho rằng,nếu không cho phép cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới thì cần quy định rõ ràng: “người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế là người có thẩm quyền xử phạt VPHC”; ngược lại, nếu cho phép cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới thì cần hướng dẫn cụ thể trường hợp nào cấp trên có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC của cấp dưới như hướng dẫn của Nghị định số 37./.
 

 


[1] Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường “Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt tiền đối với vi phạm hành chính” do Thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh làm chủ nhiệm.
[2] Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý VPHC năm 2012.
[3] Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên), “Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012” (Tái bản lần thứ 1), Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 591.
[4] Mai Thị Lâm (2016), Thẩm quyền xử phạt VPHC, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 29.
[5] Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên), “Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012” (Tái bản lần thứ 1), Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 592.
[6] Điều 54 Luật năm 2012.
[7] Khoản 2 Điều 87 Luật năm 2012.
[8] Khoản 2 Điều 123 Luật năm 2012.
[9] M. Quang, Báo Tuổi trẻ online, Ra mắt Cục Cảnh sát giao thông, tại https://tuoitre.vn/ra-mat-cuc-canh-sat-giao-thong-701082.htm, truy cập ngày 06/02/2020.
[10] Việt Hưng, Báo điện tử Công an nhân dân, Giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng, tại http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Giam-6-Tong-cuc-gan-60-don-vi-cap-Cuc-va-gan-300-don-vi-cap-Phong-504992/, truy cập ngày 07/02/2020.
[11] Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 45/2016/NĐ-CP).
[12] Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg còn quy định rõ Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội Quản lý thị trường cơ động.
[13] Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động.
[14]Điều 30, Điều 33, Điều 35 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[15] Khoản 2 Điều 87 Luật năm 2012.
[16] Cao Vũ Minh (2019), “Những nội dung cần sửa đổi trong Luật XLVPHC năm  2012”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1 (369).
[17] Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên), “Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012” (Tái bản lần thứ 1), Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 593.
[18] Công văn số 1734/UBND-TH ngày 18/5/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An về việc ủy quyền điều hành, xử lý công việc của UBND tỉnh.
[19] Thông báo số 07/TB-UBND, Thông báo số 08/TB-UBND, Thông báo số 09/TB-UBND ngày 12/01/2015 của Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định về giao quyền xử lý VPHC cho các Phó chủ tịch UBND huyện gồm Lương Ngọc Anh, Phạm Ngọc Trình, Nguyễn Huỳnh Huyện.
[20] Quyết định số 3369/QĐ-CTUBND ngày 20/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về giao quyền xử phạt VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
[21] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP.
[22] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP.