ĐỊNH HƯỚNG CHỦ ĐỀ VIẾT BÀI ĐĂNG TẢI TRÊN TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP NĂM 2020

23/04/2020

Với tôn chỉ, mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách, trên cơ sở chương trình hoạt động của Quốc hội, tình hình phát triển kinh tế -  xã hội trong năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp nêu những định hướng chủ đề cơ bản sau đây. 
 
1.      Chuyên mục Nhà nước và pháp luật
Năm 2020 là năm thứ năm của Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và là năm kết thúc Kế hoạch 5 năm (2016 -2020) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011- 2020), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Năm 2020 còn là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội nước ta. Vì vậy,trong năm 2020, bên cạnh các đề tài truyền thống, Tạp chí sẽ chú trọng đăng tải các bài viết về tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong đó, ưu tiên đặt các bài viết liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội; các bài viết tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Tạp chí cũng quan tâm đăng tải các bài viết về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp.
Tạp chí tiếp tục đăng tải các bài viết: bình luận về Hiến pháp năm 2013 nhằm giới thiệu, tuyên truyền những giá trị tiến bộ của Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; bàn về các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Các bài viết góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
2.      Chuyên mục Bàn về dự án luật
Trong năm 2020, Tạp chí sẽ chú trọng đăng tải các bài nghiên cứu, góp ý liên quan đến nội dung các dự án luật quan trọng được dự kiến trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)…
3.      Chuyên mục Thực tiễn pháp luật
Cùng với việc đăng tải các bài viết liên quan đến việc triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh trên thực tế, nêu và phân tích được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện, đề xuất những giải pháp khắc phục, Tạp chí coi trọng các bài viết cung cấp thông tin về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
4.      Chuyên mục Chính sách
Xuất phát từ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, Tạp chí tập trung vào các vấn đề về hoàn thiện các chính sách liên quan đến chính sách trong hoạt động lập pháp, yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, lãng phí và phòng, chống tội phạm; Chính sách gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng với công bằng xã hội và chống lạm phát, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW; coi trọng các bài viết đề xuất các giải pháp kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực kinh tế - dân sự, lao động, văn hoá giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, xóa đói giảm nghèo, việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
5.      Chuyên mục Kinh nghiệm quốc tế
Năm 2020, Tạp chí tiếp tục tập trung đăng tải các bài viết về các vấn đề pháp luật quốc tế liên quan đến những kinh nghiệm xây dựng hiến pháp, lập pháp và tổ chức bộ máy nhà nước của các nước để tham khảo, vận dụng vào tình hình thực tiễn Việt Nam; các thiết chế về bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong quá trình hội nhập quốc tế; các cơ chế quốc tế về phòng, chống tội phạm; những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ trên biển; các vấn đề về ASEAN và đặc biệt là các chủ đề thiết thực phục vụ các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP