Cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí tại Kỳ họp Quốc hội

10/03/2020

Tóm tắt: Cung cấp thông tin cho báo chí tại các kỳ họp Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian vừa qua, công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí tại kỳ họp Quốc hội đã được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, bảo đảm thực hiện đúng các quy định có liên quan tại Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội và một số quy chế làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, thông tin về các kỳ họp của Quốc hội có những đặc thù nhất định, đòi hỏi công tác cung cấp thông tin ngày càng phải có những đổi mới mạnh mẽ hơn. Theo đó, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; tổ chức đa dạng các hình thức cung cấp thông tin và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa đầu mối cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí. Bài viết này chia sẻ một số suy nghĩ về cơ sở pháp lý và thực tiễn của hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí tại kỳ họp Quốc hội.
Từ khóa: Kỳ họp Quốc hội; báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí.
Abstract: Information provision to the press at National Assembly meetings plays an crucial role for ensuring the openness and transparency in the National Assembly's performance. In recent time, information provision for the news agencies and the press agencies at the National Assembly session has been implemented in an effective manner, ensuring the compliance with the relevant provisions of the Law on Organization of the National Assembly, Internal Regulations of the National Assembly session and a number of working regulations of the National Assembly, the agencies of the National Assembly. However, the information on the National Assembly's meetings has its owned characteristics, which is required a strong innovation in the information provision. Accordingly, there should be a closed coordination mechanism among the National Assembly's agencies in providing information to the press agencies; arrangement of various modalities of information provision and strengthening the closed relationships between the information provision focal point agency and the press ones. This article provides some ideas on the legal ground and practice of providing information to the press at the National Assembly meetings.
Keywords: National Assembly meeting; press; information provision to press
 họp-báo.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, các hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo nguyên tắc công khai. Các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp về cơ bản phải bảm đảm nguyên tắc này, trong đó có việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp cận, đưa tin về các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Trong thời gian vừa qua, công tác này đã được Văn phòng Quốc hội chú trọng thực hiện, từng bước cải tiến, đổi mới để ngày càng phục vụ tốt hơn hoạt động của các cơ quan thông tấn báo chí, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
1. Khuôn khổ pháp lý
Hoạt động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí tại kỳ họp Quốc hội chịu sự điều chỉnh đồng thời của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
Về hoạt động của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc Quốc hội họp công khai[1]. Trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai trong hoạt động của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có nhiều quy định về việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí tại kỳ họp. Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại diện các cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội (khoản 2 Điều 93) và giao Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức thực hiện công tác thông tin báo chí của Quốc hội (khoản 1 Điều 98).
Cụ thể hóa các quy định này, Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định:
- Về việc tổ chức họp báo về kỳ họp: Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về kỳ họp trước phiên khai mạc và sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội. Trường hợp cần thiết, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về sự kiện diễn ra tại kỳ họp Quốc hội[2].
- Về việc mời các phóng viên cơ quan báo chí tham dự kỳ họp: Đại diện cơ quan báo chí, thông tấn được tạo điều kiện thuận lợi tại khu vực dành riêng để tham dự, đưa tin về các phiên họp công khai tại kỳ họp Quốc hội và bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật về báo chí. Tổng thư ký Quốc hội quy định cụ thể về hoạt động của đại diện cơ quan báo chí, thông tấn tại khu vực diễn ra kỳ họp Quốc hội[3].
- Về việc cung cấp tài liệu kỳ họp cho các cơ quan thông tấn, báo chí: Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin về chương trình, nội dung của kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp theo quy định của pháp luật. Tổng thư ký Quốc hội quyết định thông tin, tài liệu kỳ họp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội[4].
Ngoài ra, Nội quy kỳ họp Quốc hội còn có các quy định cụ thể về công tác truyền hình trực tiếp, tổ chức lưu trữ, cung cấp tài liệu kỳ họp.
Bên cạnh các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, một số văn bản khác cũng có quy định liên quan như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước, Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội v.v… trong đó có những nội dung tương đối cụ thể như về việc công khai thông tin liên quan đến các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.
Chẳng hạn, về hoạt động lập pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội[5]; việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân có thể được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng[6].
Về hoạt động giám sát, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân quy định cơ quan thông tin đại chúng có quyền tiếp cận, đưa tin về hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật (khoản 5, Điều 88). Trên cơ sở nguyên tắc này, Luật cũng yêu cầu tại kỳ họp Quốc hội, Quốc hội báo cáo về hoạt động giám sát tối cao của mình trước cử tri cả nước thông qua phương tiện thông tin đại chúng[7]. Đồng thời, các thông tin như chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật[8].
Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 17/03/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng có những quy định về việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các hoạt động đối ngoại của Quốc hội tại kỳ họp. Cụ thể, Quy chế này quy định trách nhiệm của Tổng thư ký Quốc hội trong việc chủ trì họp báo trước và sau kỳ họp để thông báo cho đoàn ngoại giao, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế về chương trình, nội dung và kết quả của kỳ họp. Quy chế cũng quy định trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội xem xét, đề xuất ý kiến về việc lãnh đạo Quốc hội trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, họp báo quốc tế.
Về các văn bản quy định cụ thể về công tác báo chí, Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 có quy định về việc tổ chức cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí. Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 09/2017/NĐ-CP thì các hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí gồm: tổ chức họp báo; đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Về cơ bản, các quy định này đã thể hiện rõ tính chất cung cấp thông tin công khai về hoạt động của Quốc hội. Đó là yêu cầu cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời và toàn diện, khách quan về các hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, ngoài các yêu cầu nêu trên, có thể nhận thấy việc tổ chức cung cấp thông tin về các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội còn có những đặc thù nhất định. Ví dụ, một trong những hình thức cung cấp thông tin quan trọng nhất cho báo chí tại kỳ họp là việc tổ chức để các phóng viên báo chí được trực tiếp quan sát, trực tiếp lắng nghe về tiến trình, diễn biến của các phiên họp của Quốc hội; trực tiếp tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội để phỏng vấn, lấy thông tin về kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, không gian và thời gian dành cho những hoạt động này thường rất hạn chế. Đồng thời, việc báo chí tác nghiệp để đưa tin về hoạt động của Quốc hội còn phải bảo đảm các yêu cầu như về bảo đảm an ninh, an toàn, không cản trở đến việc tiến hành phiên họp; bảo đảm tính trang nghiêm của việc tiến hành phiên họp. Vì vậy, bên cạnh các quy định chung về công tác báo chí, Quốc hội các nước thường có thêm những quy định riêng về hoạt động, tác nghiệp của các cơ quan thông tấn, báo chí khi đưa tin về các hoạt động của Quốc hội. Những quy định này thường liên quan đến vị trí tác nghiệp, các quy định cụ thể về cách thức tác nghiệp nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến trình của các phiên họp của Quốc hội.
2. Thực tiễn công tác cung cấp thông tin báo chí tại các kỳ họp Quốc hội
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về báo chí và về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều nỗ lực để cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Trong đó, việc cung cấp thông tin báo chí được thực hiện qua các hình thức chủ yếu sau đây:
- Tổ chức họp báo, thực hiện quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, hiện tại, việc tổ chức các cuộc họp báo trước và sau kỳ họp Quốc hội đã được thực hiện một cách đều đặn, thường xuyên để giới thiệu về dự kiến nội dung kỳ họp và về kết quả kỳ họp Quốc hội. Các cuộc họp báo này có sự tham gia của khoảng 80 cơ quan báo chí trong nước và phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí nước ngoài. Các tùy viên báo chí của các nước cũng được mời tham dự các cuộc họp báo này. Tại các cuộc họp báo, ngoài sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng được mời tham dự để trực tiếp cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí. Thông thường, nội dung của cuộc họp báo xoay quanh chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp. Bên cạnh đó, các phóng viên báo chí có thể tìm hiểu, trao đổi thêm các nội dung khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Ngoài các phiên họp báo trước và sau kỳ họp Quốc hội, trong thời gian diễn ra kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội có thể tổ chức các cuộc họp báo ngắn gọn để cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí. Ví dụ, trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội thường tổ chức họp báo ngắn để trao đổi với các phóng viên báo chí về danh sách các bộ trưởng trả lời chất vấn và những đổi mới trong công tác chất vấn và trả lời chất vấn. Cuộc họp báo này cũng dần dần trở thành thông lệ trong công tác báo chí tại kỳ họp Quốc hội.
- Tổ chức để các phóng viên báo chí theo dõi, đưa tin về kỳ họp, đây là hình thức rất phổ biến tại các kỳ họp Quốc hội. Dựa trên đăng ký của các cơ quan báo chí, Văn phòng Quốc hội tổ chức để các phóng viên báo chí vào tác nghiệp tại Trung tâm báo chí để theo dõi, đưa tin về kỳ họp. Tại Trung tâm báo chí có bố trí đầy đủ các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại để đáp ứng nhu cầu theo dõi trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, tiếp nhận các thông tin, tài liệu và hình ảnh để sử dụng trong các bài viết của các phóng viên.
Bên cạnh đó, các phóng viên được đăng ký thẻ sự kiện để có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đại biểu Quốc hội tại hành lang Quốc hội trong thời gian giải lao giữa các phiên họp. Điều này đã giúp các phóng viên báo chí có thể tiếp cận một cách toàn diện và trực tiếp với các hoạt động của Quốc hội, góp phần đưa tin một cách nhanh chóng các thông tin về kỳ họp. Thực tế cho thấy việc phản ánh, đưa tin của các cơ quan báo chí về hoạt động của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã tăng lên cả về số lượng, chất lượng và độ kịp thời. Chẳng hạn như tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chỉ sau chưa đến 10 phút, kết quả biểu quyết và nội dung của Dự án Luật An ninh mạng đã được các cơ quan báo chí đăng tải[9].
- Cung cấp tài liệu kỳ họp: việc cung cấp các tài liệu về nội dung kỳ họp được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các tín hiệu trực tiếp từ hội trường mà các phóng viên có thể theo dõi, khai thác, Trung tâm Báo chí cung cấp tài liệu kỳ họp thông qua Trang thông tin điện tử của Trung tâm Báo chí với đầy đủ các tài liệu của kỳ họp. Ngoài ra, trên trang Thông tin điện tử của Trung tâm Báo chí còn đăng tải các ảnh sự kiện, ảnh chụp diễn biến của các phiên họp để các cơ quan báo chí đăng tải, khai thác. Đây là nội dung rất quan trọng do số lượng các cơ quan báo chí được tác nghiệp trong Phòng họp Diên Hồng là rất hạn chế nên chỉ có một số ít các cơ quan báo, đài, thông tấn được cử phóng viên ảnh vào tác nghiệp trong Hội trường.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thì một số tài liệu của kỳ họp còn phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để không chỉ các cơ quan báo chí mà mọi người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu. Theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội thì những tài liệu đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội quyết định.
- Cung cấp thông tin qua các thông cáo báo chí: Thông cáo báo chí là một trong những hình thức cung cấp thông tin cơ bản cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, đa phần các cơ quan thông tấn báo chí đã trực tiếp theo dõi nội dung của các phiên họp nên hình thức cung cấp thông tin qua các thông cáo báo chí ít khi được sử dụng. Thông thường, các thông cáo báo chí sẽ được sử dụng để cung cấp thêm các thông tin ngoài nội dung đã được các phóng viên báo chí theo dõi trực tiếp. Hình thức này được sử dụng phổ biến hơn trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trong các nội dung họp mà phóng viên, báo chí không được mời tham dự, đưa tin.
- Cung cấp thông tin qua các cuộc giao ban báo chí: hình thức cung cấp thông tin qua các cuộc giao ban báo chí đã được thực hiện một cách đều đặn kể từ năm 2017. Theo đó, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ đăng cai địa điểm tổ chức giao ban báo chí định kỳ. Tại các buổi giao ban này, Tổng Thư ký Quốc hội trực tiếp cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến nội dung của kỳ họp và những nội dung cần quan tâm, lưu ý. Bên cạnh đó, khi có những nội dung, sự kiện quan trọng có liên quan, các cơ quan của Quốc hội cũng cử các đại diện để tham dự các buổi giao ban báo chí để cung cấp thông tin, làm rõ hơn về những nội dung mà các cơ quan báo chí cũng như dư luận cử tri quan tâm.
Ngoài những hình thức cơ bản nói trên, trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí; tham gia các chương trình phát thanh, truyền hình về các vấn đề liên quan đến nội dung của kỳ họp. Đây cũng là những hình thức quan trọng để cung cấp thêm thông tin về nội dung của các kỳ họp Quốc hội cũng như thể hiện những quan điểm cá nhân của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề đang được Quốc hội xem xét, thảo luận.
Qua thực tiễn việc tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về kỳ họp Quốc hội có thể nhận thấy công tác này đã được tổ chức thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan thông tấn, báo chí. Tuy nhiên, thông tin về các kỳ họp của Quốc hội có những đặc thù nhất định, đòi hỏi công tác cung cấp thông tin ngày càng phải có những đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn, khắc phục được những hạn chế, bất cập đã được biểu hiện trong thời gian vừa qua.
Trước hết, thông tin về các kỳ họp Quốc hội thuộc dạng thông tin về các hoạt động của các cơ quan nhà nước, theo nguyên tắc phải được cung cấp một cách công khai và miễn phí tới công chúng. Những thông tin được cung cấp phải là thông tin nguồn, thông tin có tính chất thông tấn. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và tổ chức thông tin tốt để sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí. Các vụ, cục, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội phải có sự kết nối, xây dựng các cơ sở dữ liệu và lưu chuyển thông tin một cách thuận tiện để có thể cung cấp thông tin một cách nhanh chóng đến với người dân. Đặc biệt, ngoài những tài liệu về nội dung của kỳ họp, còn có các dữ liệu, tài liệu ảnh, video về diễn biến của các phiên họp. Do vậy, việc hình thành và xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin về kỳ họp Quốc hội là hết sức cần thiết.
Thứ hai, thông tin về kỳ họp Quốc hội bao gồm nhiều loại thông tin khác nhau, có những thông tin còn đang trong quá trình soạn thảo, có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau nhưng cũng có những thông tin về các dự thảo đã được xác định rõ ràng, có tính đồng thuận cao. Trong những trường hợp như vậy, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí phải xác định rõ phạm vi cung cấp thông tin và thời điểm cung cấp thông tin, đối tượng cung cấp thông tin để có sự lan tỏa thông tin một cách phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thông tin nào được cung cấp, thông tin nào không được cung cấp cho các cơ quan báo chí còn chưa được xác định dựa trên những nguyên tắc cụ thể. Vẫn còn tình trạng các thông tin do các cơ quan cung cấp tại kỳ họp Quốc hội được đóng dấu mật mặc dù chỉ một phần thông tin trong các tài liệu đó thuộc về nội dung mật. Trong những trường hợp như vậy, các cơ quan báo chí đã không được tiếp cận một phần lớn các thông tin quan trọng có liên quan đến nội dung của kỳ họp.  
Thứ ba, thông tin về kỳ họp Quốc hội do nhiều nguồn chủ thể khác nhau nắm giữ và cung cấp, từ các cơ quan thuộc Chính phủ đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và nhiều chủ thể khác. Do vậy, việc tổng hợp và cung cấp thông tin sẽ trở nên khó khăn do phải qua nhiều giai đoạn, nhiều chủ thể trung gian khác nhau. Điều này làm dẫn đến việc trong một số trường hợp các thông tin cung cấp bị trùng lặp hoặc cung cấp bị chậm trễ, đặc biệt là thông tin về các sự kiện hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại kỳ họp. Do vậy, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về chủ thể tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Thứ tư, thông tin về các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội có tính chất kỹ thuật cao, không phải là các thông tin mang tính phổ thông đối với đa số người dân. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc hiểu về các thông tin này cũng rất khó khăn với đa số đại biểu Quốc hội và các phóng viên báo chí[10]. Khi những vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý cao được các phóng viên tiếp cận một cách chưa chính xác thì có thể làm cho người dân hiểu sai về nội dung chính sách của các dự án luật. Thậm chí, việc chuyển tải thông tin về các dự án luật không chính xác, tập trung vào những chi tiết có tính cực đoan còn có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực của một bộ phận công chúng về các nội dung của một số dự án luật được Quốc hội xem xét, thảo luận như trong thời gian vừa qua[11].
Thứ năm, bên cạnh những phóng viên báo chí đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình thì trên thực tế vẫn còn một số phóng viên chưa thực sự nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định trong việc đưa tin về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Vẫn còn tình trạng một số phóng viên phản ánh chưa chính xác, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội; việc tiếp cận, phỏng vấn các ý kiến của đại biểu Quốc hội bên hành lang phòng họp chưa tập trung vào các nội dung đang được Quốc hội xem xét, thảo luận mà còn chủ yếu chạy theo thị hiếu của một bộ phận độc giả; các nội dung kỳ họp Quốc hội chưa được phân tích, đưa tin một cách sâu sắc để giúp cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn về các vấn đề quốc kế, dân sinh.
3. Một số kiến nghị
Để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, qua thực tiễn công tác tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần có cơ chế để phối hợp giữa các chủ thể cung cấp thông tin về nội dung kỳ họp Quốc hội để có thể tổng hợp và cung cấp thông tin một cách nhanh chóng hơn cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Việc tăng cường cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin cho báo chí giữa các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời tăng cường tính thống nhất trong công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tạo nên các nguồn thông tin chính thống, giúp cho người dân nắm bắt được thông tin về Quốc hội một cách sâu sắc và kịp thời hơn. Trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể cung cấp thông tin, đơn vị đầu mối cung cấp thông tin cần có các công cụ để tổ chức thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu có hiệu quả để thuận tiện cho việc sử dụng và cung cấp tới các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thứ hai, tổ chức đa dạng hơn nữa các hình thức cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. Thực tế các kỳ họp Quốc hội trong thời gian vừa qua cho thấy việc tổ chức các cuộc họp báo nhanh, có tính chuyên đề về một nội dung cụ thể liên quan đến kỳ họp Quốc hội rất được các phóng viên báo chí quan tâm. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội có thể cung cấp thông tin sâu hơn, giúp các phóng viên báo chí hiểu sâu về các dự thảo luật, nghị quyết cũng như về các nội dung có liên quan khác của kỳ họp.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cung cấp thông tin về hoạt động của Quốc hội qua mạng xã hội để có thể cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và đồng đều hơn tới các cơ quan báo chí và người dân. Theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành, việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội được xem là một hình thức cung cấp thông tin chính thức[12]. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương đã tổ chức thực hiện điều này và bước đầu cũng đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Những thông tin được cung cấp qua truyền thông mạng xã hội còn có tác dụng tăng cường sự tương tác giữa các cử tri với các cơ quan của Quốc hội, góp phần làm cho Quốc hội trở nên gần gũi hơn với người dân.
Thứ ba, tổ chức mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa các phóng viên với đơn vị đầu mối cung cấp thông tin để từ đó có sự phối hợp, hỗ trợ các phóng viên báo chí đưa tin về Quốc hội có thể hiểu rõ hơn nữa về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các nội dung thông tin tại kỳ họp. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan thông tấn, báo chí cử các phóng viên theo dõi, đưa tin về nghị trường một cách phù hợp, có sự hiểu biết nhất định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp truyền thông về chính sách, nhất là trong giai đoạn các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua. Thực tế hiện nay cho thấy việc truyền thông chính sách mới chỉ được chú trọng trong quá trình sau khi Dự án Luật được ban hành thông qua việc thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Còn trong giai đoạn đang hình thành chính sách thì việc thông tin, phổ biến còn hết sức hạn chế. Để thực hiện tốt điều này, chúng tôi cho rằng các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh cần chủ động thông tin đến các cơ quan báo chí nhiều hơn nữa. Một trong những giải pháp đó là thông qua các cuộc gặp mặt, sinh hoạt báo chí trong thời gian diễn ra kỳ họp. Qua đó, các phóng viên có thể hiểu sâu hơn, chính xác hơn nội dung của các dự án luật, pháp lệnh để thông tin một cách chính xác, khách quan tới người dân, không bị tác động bởi các thông tin có chủ đích khác.
 

 


[1] Điều 83 Hiến pháp năm 2013.
[2] Khoản 2, Điều 11 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/NQ13 của Quốc hội.
[3] Khoản 6, Điều 11 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/NQ13 của Quốc hội.
[4] Khoản 4, Điều 11 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/NQ13 của Quốc hội.
[5] Các điều 36, 48, 70, 161, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
[6] Khoản 2, Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
[7] Khoản 1, Điều 6 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
[8] Khoản 1, Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
[9] Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này vào 9:57 thì vào lúc 09:59 Vnexpress đưa tin, sau đó là Tuổi trẻ và Zing vào 10:01, Tiền Phong vào 10:09, Vietnamnet vào lúc 10:15, Dân trí vào lúc 10:21
[10] Ví dụ có trường hợp thảo luận về Luật Giao dịch điện tử vào năm 2005 chỉ có 2 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.
[11] Ông Trần Hoàng Ngân: Luật đặc biệt nên quy trình cũng phải đặc biệt, Tuổi trẻ Online, 13/06/2018 12:25 GMT+7.
[12] Khoản 2, Điều 4, Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định một trong những hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là: Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.