Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung ở tỉnh Quảng Trị

25/02/2020

 
Tóm tắt: Trong những năm qua, trong phạm vi cả nước nói chung, ở tỉnh Quảng Trị nói riêng còn xảy ra tình trạng Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung (ĐTBS). Tình trạng này làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, lãng phí công sức, tiền của, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo và người tham gia tố tụng khác, vì vậy, cần phải có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.  
Từ khóa: Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án tỉnh Quảng Trị. 
Abstract: In recent years, in the whole country in general, in Quang Tri province in particular, there is still a situation where the Court returns the criminal case file for additional investigation. This situation prolongs the time for dealing with the law case, wasting efforts and money, affecting the rights of defendants and other participants in the proceedings, therefore, it is necessary to review and provide recommendations for the mentioned situation. 
Key words: The court returns the criminal case file for additional investigation, the court of Quang Tri province.
 
1. Thực trạng tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung ở tỉnh Quảng Trị 
Trong những năm qua, ngành Tòa án tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt đường lối cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, kết quả đạt được trong hoạt động xét xử rất tích cực. Trong việc giải quyết vụ án hình sự (VAHS), Tòa án đã nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; cân nhắc cẩn thận hơn trong việc đánh giá chứng cứ, tình tiết vụ án để hạn chế vụ án phải trả hồ sơ ĐTBS. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) của Tòa án vẫn để xảy ra nhiều vụ án trả hồ sơ ĐTBS.
CVMinh---nguoi-chua-thanh-nien_1.jpg
Số vụ án Tòa án hai cấp ở Quảng Trị trả hồ sơ ĐTBS cho Viện kiểm sát (VKS) tăng giảm không đều (từ năm 2011 đến năm 2017 Tòa án các cấp ở tỉnh Quảng Trị trả hồ sơ ĐTBS 57 vụ trên tổng số 1832 vụ VKS đề nghị xét xử, chiếm tỷ lệ bình quân 3,11%/năm), phổ biến là lý do “thiếu chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa được” (có 31/39 vụ). Đáng chú ý là số vụ án Tòa án trả hồ sơ nhưng không được VKS chấp nhận còn nhiều (từ năm 2011 đến năm 2017 Tòa án các cấp trả hồ sơ ĐTBS cho VKS tổng số 57 vụ, có 18 vụ không được VKS chấp nhận, chiếm tỉ lệ 31,58%)[1]. 
Lý do của số vụ trả hồ sơ không được VKS chấp nhận chủ yếu là do có sự nhận thức khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ, tình tiết vụ án. Bên cạnh đó, có 03 vụ Tòa án trả hồ sơ ĐTBS vì “lý do khác”; có 02 vụ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Để xảy ra trường hợp trả hồ sơ ĐTBS do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là một tồn tại của hoạt động tố tụng. Hậu quả của việc trả hồ sơ ĐTBS đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng, lãng phí thời gian, công sức, chi phí tố tụng.
Dẫn chứng một số vụ án do Tòa án trả hồ sơ ĐTBS không được VKS chấp nhận:
Vụ án thứ nhất: Quyết định trả hồ sơ ĐTBS số 02/2014/HSST – QĐ ngày 19/5/2014 của TAND tỉnh Quảng Trị với nội dung yêu cầu giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Quảng Trị vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển trả lại hồ sơ Đoàn Q. Th. bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự. VKSNDtỉnh cho rằng, Kết luận giám định pháp y số 240/2013/GĐPY ngày 24/12/2013 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Quảng Trị đã kết luận rõ ràng, cụ thể, đầy đủ, chính xác thương tích bị hại (theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp thì không thuộc trường hợp phải trưng cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung)[2]. Qua vụ án này chúng ta thấy, Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ ĐTBS cho VKS không chính xác, đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng, tính đúng đắn của thủ tục tố tụng bị xâm phạm.  
Vụ án thứ hai: Quyết định trả hồ sơ ĐTBS số 09/2017/HSST-QĐ ngày 9/5/2015 của TAND thành phố Đông Hà trả hồ sơ VAHS “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 194 BLHS đối với bị can Dương Tr. D. và đồng phạm, yêu cầu VKS giám định xác định hàm lượng Methamphetamine trong tổng lượng chất ma túy thu giữ được của bị can. Tuy nhiên, VKS làm công văn chuyển trả lại toàn bộ hồ sơ VAHS cho Tòa án, vì lý do, 26 viên ma túy thu giữ của Dương Tr. D và đồng phạm loại ma túy tổng hợp thuộc thể rắn, nên không thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy, (căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 4/1/2015 sửa đổi bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007). Viện kiểm sát còn cho rằng Công văn số 2878 ngày 25/7/2016 của VKSNDTC-V4 hướng dẫn thực hiện Thông tư 08 nêu trên cũng đã hướng dẫn trường hợp vật chứng là ma túy tổng hợp thuộc vụ án nêu trên không bắt buộc phải giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất lượng ma túy. Đáng quan tâm là ngày 15/5/2017, TAND thành phố Đông Hà tiếp tục trả hồ sơ VAHS lần 2 để xác định hàm lượng chất ma túy như quyết định trả hồ sơ lần 1[3]. Ngày 23/5/2017 VKSND Thành phố Đông Hà làm công văn chuyển trả lại hồ sơ cho Tòa án để giải quyết theo thẩm quyền. Như vậy, thẩm phán đã vận dụng không đúng các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, cho dù VKS đã giữ nguyên quan điểm truy tố, nói rõ lí do nhưng Tòa án vẫn tiếp tục trả hồ sơ lần thứ 2. Trong vụ án vừa nêu Tòa án đã trả hồ sơ ĐTBS một cách không cần thiết gây khó khăn cho VKS, ảnh hưởng đến mối quan hệ phối hợp trong hoạt động TTHS và vụ án phải kéo dài gây hậu quả xấu cho người tham gia tố tụng.   
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở Quảng Trị
Thứ nhất, do vận dụng các văn bản hướng dẫn khác nhau về đánh giá chứng cứ, định tội danh[4]. Như đã đề cập ở trên, trong các vụ án về tội phạm ma túy, Tòa án cho rằng VKS phải giám định hàm lượng ma túy theo Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, VKS ở các địa phương áp dụng Công văn số 2878 ngày 25/7/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, cho rằng trường hợp vật chứng là ma túy tổng hợp thuộc vụ án nêu trên không bắt buộc phải giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất lượng ma túy. Như vậy, giữa ngành Tòa án và Kiểm sát đều có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khác nhau, không thống nhất, dẫn đến cách hiểu khác nhau của các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương.
  Thứ hai, do Kiểm sát viên (KSV) chưa thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động điều tra. Với chức năng của mình, VKS có trách nhiệm bảo đảm hoạt động tố tụng được đúng đắn, do đó để xảy ra vụ án trả hồ sơ ĐTBS cho dù lỗi thuộc về cơ quan điều tra (CQĐT), nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về VKS, mà trực tiếp là KSV được phân công nhiệm vụ chưa nghiên cứu tài liệu chứng cứ một cách toàn diện, không phát hiện được các mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ; KSV chưa đề ra yêu cầu điều tra hoặc nội dung yêu cầu điều tra chưa đầy đủ; cũng như thiếu đôn đốc, theo dõi tiến độ điều tra để kịp thời khắc phục, bổ sung chứng cứ, thủ tục tố tụng hoặc nhằm định tội danh được chính xác, thường thấy đến khi vụ án ở giai đoạn truy tố, KSV mới phát hiện vi phạm và phải trả hồ sơ cho CQĐT.  
   Thứ ba, trình độ, năng lực của một số KSV, Điều tra viên (ĐTV) và thẩm phán còn hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Có nhiều ĐTV, KSV và thẩm phán không được đào tạo bài bản. Một số ĐTV, KSV và thẩm phán thiếu bản lĩnh nghề nghiệp khi thực thi công vụ. Có ĐTV, KSV lớn tuổi chỉ thích làm việc theo lối mòn, kinh nghiệm cũ, chậm đổi mới, không theo kịp tình hình mới, trong khi tội phạm xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Nguyên nhân khác nữa là ở nhiều địa phương ĐTV ít nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế; chưa chú trọng đến hoạt động tố tụng của cán bộ làm công tác điều tra, giúp việc cho ĐTV.
Thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện tốt nguyên tắc phối hợp trong hoạt động TTHS. Một mặt, với tâm lý e ngại phải bồi thường do oan, sai trong hoạt động TTHS, nên ĐTV, KSV và thẩm phán cẩn trọng thái quá trong khi cân nhắc buộc tội, luôn đòi hỏi phải đầy đủ chứng cứ. Cho dù những chứng cứ đó có thể tự mình bổ sung, tự mình làm rõ tại phiên tòa nhưng tòa án vẫn trả lại hồ sơ. Đặc biệt là nếu VAHS có luật sư tham gia, thì KSV và thẩm phán càng thận trọng và luôn lường trước phải có cho bằng được chứng cứ buộc tội có lợi thế về mình. Vì thế mà nguyên tắc suy đoán vô tội bị lu mờ ở đây, do thói quen buộc tội của KSV và thẩm phán- đó là trước khi tranh tụng yêu cầu CQĐT, VKS thu thập đầy đủ mọi chứng cứ, mà lẽ ra nó có thể tự mình bổ sung, làm rõ được tại phiên tòa.
3. Kiến nghị
Nhằm khắc phục tình trạng Tòa án trả hồ sơ ĐTBS, chúng tôi cho rằng cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của BLTTHS.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 174 BLTTHS năm 2015 theo hướng tăng số lần được ĐTBS cho thẩm phán lên 02 lần. Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thẩm phán làm nhiệm vụ chuẩn bị xét xử được trả hồ sơ ĐTBS 01 lần[5]. Quy định này mặc dù đã giới hạn số lần trả hồ sơ ĐTBS, với mục đích của nhà làm luật là tránh lạm dụng trả hồ sơ ĐTBS trong TTHS, nhưng lại xảy ra bất cập đó là có những vấn đề về chứng cứ, tình tiết, thủ tục vụ án phát sinh mới mà thẩm phán không dự liệu được, hoặc chính VKS đã không điều tra đầy đủ lần ĐTBS thứ nhất, buộc thẩm phán phải trả hồ sơ ĐTBS đến lần thứ hai. Trước đây BLTTHS cũ cũng đã xác lập số lần trả hồ sơ ĐTBS của phẩm phán chủ tọa phiên tòa là 02 lần, nhưng thực tế rất nhiều vụ án được trả đi trả lại nhiều lần hơn rồi mới làm rõ được vấn đề. Tăng số lần (02 lần) được trả hồ sơ ĐTBS cho thẩm phán chuẩn bị xét xử trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là phù hợp với thực tế và nó sẽ bổ sung cho khiểm khuyết trong trường hợp hạn chế thẩm quyền trả hồ sơ ĐTBS của Hội đồng xét xử .    
- Sửa đổi, bổ sung nội dung về giao hồ sơ để truy tố lại tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 (Giới hạn của việc xét xử) theo hướng xác định rõ việc giao hồ sơ để truy tố lại không phải là trường hợp trả hồ sơ để ĐTBS, nếu không sẽ làm gia tăng các vụ án phải trả hồ ĐTBS và thời hạn truy tố lại không cần thiết phải nhiều như thời hạn ĐTBS. Đồng thời sửa đổi Điều 298 phải theo hướng khẳng định nếu KSV bổ sung được tại phiên tòa (bổ sung khi trình bày cáo trạng hoặc trong quá trình tranh tụng) thì không được chuyển hồ sơ lại cho VKS. Vì có nhiều trường hợp tại phiên tòa chứng cứ đã rõ, đủ để kết luận và tuyên án bị cáo phạm tội nặng hơn nhưng Hội đồng xét xử vẫn máy móc trả hồ sơ ĐTBS để VKS truy tố lại. Thủ tục này là rườm rà, kéo dài thời gian không cần thiết[6]. Xảy ra những trường hợp cần truy tố lại đó là kết quả ĐTBS có đủ cơ sở kết luận bị can, bị cáo phạm tội nặng hơn, hoặc phạm tội khác, hoặc các vấn đề khác làm thay đổi tội danh, khung hình phạt, hoặc có sai lầm, thiếu sót khác so với bản cáo trạng đã ban hành, cần phải bổ sung, thay đổi quan điểm truy tố.
Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BT TTHS để giải thích rõ trường hợp “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (điểm d, khoản 1 Điều 245) và “Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng” (điểm d, khoản 1 Điều 280 của BLTTHS năm 2015). Đây là những căn cứ để VKS, Tòa án trả hồ sơ ĐTBS.
Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của KSV.
KSV được phân công kiểm sát điều tra vụ án phải nắm chắc tiến độ điều tra, hàng tuần ít nhất 01 lần gặp ĐTV trao đổi, bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch điều tra.
KSVnên chủ động đề ra yêu cầu điều tra ngay khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu do CQĐT chuyển đến đề nghị xét phê chuẩn khởi tố bị can. Trong trường hợp có những vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn điều tra, KSV cần kịp thời ban hành Bản yêu cầu điều tra gửi đến CQĐT, để được tiến hành điều tra hoặc khắc phục những thiếu sót về chứng cứ và thủ tục tố tụng.
KSV  chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, đọc hồ sơ vụ án trước khi kết thúc điều tra, nhằm nắm chắc tiến độ điều tra, kịp thời khắc phục những vướng mắc trong việc điều tra.
KSV nên chủ động, tích cực tham dự, chứng kiến các cuộc hỏi cung đối với vụ án khó, phức tạp, vụ án bị can, bị cáo không nhận tội .v.v, tham dự việc đối chất, nhận dạng của CQĐT để kịp thời định hướng điều tra.
Trong các vụ án phải trả hồ sơ ở Quảng Trị chiếm đa phần là nguyên nhân thiếu chứng cứ quan trọng của vụ án, do đó lãnh đạo CQĐT và VKS; ĐTV và KSV cần chú trọng công tác khám nghiệm hiện trường vụ án. Công tác khám nghiệm hiện trường vụ án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết VAHS, nếu không được tiến hành đúng thủ tục tố tụng thì vụ án phải trả hồ sơ ĐTBS; nếu bỏ sót chứng cứ, dấu vết về sau khó khắc phục, do quy luật khách quan của việc hình thành, mất đi dấu vết tại hiện trường, và nó làm cho vụ án lâm vào tình trạng bế tắc kéo dài, vụ án phải trả hồ sơ ĐTBS nhiều lần.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa CQĐT, VKS và Tòa án trong việc giải quyết VAHS. Một năm ít nhất 01 lần tiến hành họp đánh giá kết quả phối hợp liên ngành theo quy chế phối hợp, để kịp thời rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho việc giải quyết VAHS.
 

 

Phụ lục:
Bảng phân tích số vụ án tòa án hai cấp ở Quảng trị trả hồ sơ để ĐTBS trong 5 năm (2013-2017)[7]
 
 
 
Năm
Số vụ án truy tố chuyển Tòa án xét xử
Số vụ trả hồ sơ
Số lần trả hồ sơ
Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung
(Chỉ tính số vụ chấp nhận)
Trách nhiệm
Trả hồ sơ ĐTBS dẫn đến tạm đình chỉ (vụ)
Trả hồ sơ ĐTBS dẫn đến đinh chỉ (vụ)
Tỷ lệ % Tăng/ Giảm so với cùng kỳ năm trước
Tổng số
Tổng số bị can
Chấp nhận
Không chấp nhận
Tỷ lệ % so với vụ VKS đề nghị xét xử
Lần 1
Lần 2
Lần 3 trở lên
Thiếu chứng cứ (K1 Đ 168)
Có căn cứ khởi tố mới (K2 Điều 168 )
Vi phạm tố tụng (K3 Điều 168)
Lý do khác
CQĐT
VKS
Tòa án
2013
413
17
15
14
3
4,11%
17
 
 
13
1
 
 
 
14
3
 
 
Giảm 20%
2014
377
6
17
2
4
1,59%
6
 
 
2
 
 
 
 
2
4
 
 
Giảm 64,7%
2015
430
13
16
4
9
 
3,02%
 
13
1
 
3
 
1
 
 
4
9
 
2
Tăng 116,7%
2016
341
9
14
8
1
2,64%
9
 
 
6
2
 
 
 
8
1
 
3
Giảm 30%
 
2017
 
271
12
24
11
1
4,42%
12
1
 
7
 
1
3
 
11
1
 
 
 Tăng 33%
Tổng số
1832
57
86
39
18
3,11%
57
2
 
31
3
2
3
 
39
18
 
5
 

 

--------------
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 21 /VKS-P1 ngày 26/6/2017 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo chuyên đề án trả hồ sơ điều tra bổ sung” (3 năm 2013- 2016”).
2. Báo cáo số 146/BC-VKS-VP ngày 11/12/2013 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo công tác kiểm sát năm 2013”;
3. Báo cáo số 3295/BC-VKSND ngày 26/11/2014 của VKSND tỉnh Quảng Trị “Báo cáo công tác của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị năm 2014”;
4. Báo cáo số 106-BC/BCSĐ-VKS ngày 15/12/2015 của Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Quảng Trị “Báo cáo tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2015”;
5. Báo cáo số 149/BC-VKS- VP ngày 7/12/2016 của VKSND tỉnh Quảng Trị “tổng kết công tác kiểm sát năm 2016”;
6. Báo cáo số 1497/VKS-BC ngày 4/12/2017 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo chuyên đề trả hồ sơ điều tra bổ sung năm 2017” kèm theo các phụ lục; Báo cáo số 21 /VKS-P1 ngày 26/6/2017 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo chuyên đề án trả hồ sơ điều tra bổ sung” (3 năm 2013- 2016”);
7. Báo cáo số 50/BC- TAT ngày 20/11/2014 của TAND tỉnh Quảng Trị “kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 (trình bày tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI)”;
8. Các phụ lục mẫu số 03A của các năm: 2013, 2014, 2015, 2016 và năm 2017 của Văn phòng TAND tỉnh Quảng Trị.
9. Công văn số 635/CV-VKS-P1A ngày 3/6/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị “Về việc: chuyển trả lại hồ sơ VAHS cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị để xét xử theo quy định của pháp luật”.
10. Công văn số 309/VKS-CV ngày 11/5/2017 và Công văn số 354/VKS-CV ngày 23/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Đông Hà.
11. Nghị quyết số 01/2010/NQ- HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao .
12. Thông báo rút kinh nghiệm số 74/TB-VKNDTC- V1C ngày 14/4/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.    

 


[1] Xem diễn đạt số liệu ở chú thích cuối bài viết 
[2]Nguồn: Công văn số 635/CV-VKS-P1A ngày 3/6/2014 của VKSND tỉnh Quảng Trị “Về việc: chuyển trả lại hồ sơ VAHS cho TAND tỉnh Quảng Trị để xét xử theo quy định của pháp luật”.
[3]Nguồn: Công văn số 309/VKS-CV ngày 11/5/2017 và Công văn số 354/VKS-CV ngày 23/5/2017 của VKSND thành phố Đông Hà.
[4] Tham khảo thêm ví dụ: Trong năm 2010 cả nước có 513/2151 vụ án Tòa án trả hồ sơ ĐTBS nhưng không được VKS chấp nhận, chiếm 23,84% (nguồn: Thông báo rút kinh nghiệm số 74/TB-VKNDTC- V1C ngày 14/4/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).  
[5] BLTHS năm 2015 chưa phân biệt khái niệm Thẩm phán chuẩn bị xét xử và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
[6]Trước đây BLTTHS năm 2003 không quy định thủ tục giao hồ sơ để VKS truy tố lại, nhưng VKS vẫn làm công văn xin rút hồ sơ, hoặc tại phiên tòa KSV xin hoãn phiên tòa để rút hồ sơ về truy tố lại nhưng không phải theo tội nặng hơn- Hội đồng xét xử tôn trọng ý kiến của KSV và ra quyết định trả hồ sơ ĐTBS.
[7]Nguồn: Báo cáo số 146/BC-VKS-VP ngày 11/12/2013 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị “báo cáo công tác kiểm sát năm 2013”; Báo cáo số 3295/BC-VKSND  ngày 26/11/2014 của VKSND tỉnh Quảng Trị “Báo cáo công tác kiểm sát năm 2014”; Báo cáo số 106-BC/BCSĐ-VKS ngày 15/12/2015 của Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Quảng Trị “Báo cáo tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2015”; Báo cáo số 149/BC-VKS- VP ngày 7/12/2016 của VKSND tỉnh Quảng Trị “tổng kết công tác kiểm sát năm 2016”; Báo cáo số 1497/VKS-BC ngày 4/12/2017 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo chuyên đề trả hồ sơ điều tra bổ sung năm 2017”; Báo cáo số 21 /VKS-P1 ngày 26/6/2017 của VKSND tỉnh Quảng Trị “báo cáo chuyên đề án trả hồ sơ điều tra bổ sung” (3 năm 2013- 2016”); Báo cáo số 50/BC- TAT ngày 20/11/2014 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị “kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 (trình bày tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI)”; Các phụ lục mẫu số 03A của các năm: 2013, 2014, 2015, 2016 và năm 2017 của Văn phòng TAND tỉnh Quảng Trị.