Thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và vấn đề tiếp tục pháp lý hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh

20/01/2020

Tóm tắt: Trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội[1] về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54) đã đạt được một số kết quả, có ý nghĩa hết sức quan trọng để thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phân cấp mạnh mẽ cho thành phố Hồ Chí Minh, cần tiếp tục cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 54.
Từ khóa: Nghị quyết 54, thành phố Hồ Chí Minh, thí điểm, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù.
Abstract: For recent years, the enforcement of the Resolution No. 54/2017/QH14 dated November 24, 2017 of the National Assembly on pilot implementation of specialized mechanisms and policies for Ho Chi Minh City (Resolution 54) has reached a number of achievements, marking important grounds for the City to develop rapidly and sustainably in the coming time. In addition, in order to establish a legal corridor for the strong decentralization of Ho Chi Minh City, it is necessary to continue concretizing the a number of contents of Resolution 54.
Keywords: Resolution 54, Ho Chi Minh City, pilot, specialised mechanism, specialised policy.
 tp-hcm.jpg
(Ảnh minh họa - Nguồn internet)
1. Sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù và ý nghĩa của Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đối với Thành phố Hồ Chí Minh 
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là đô thị lớn có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Trong quá trình phát triển, hai đặc thù lớn nhất của TP. HCM được xác định là: (i) Đô thị đặc biệt với quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất cả nước; (ii) Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước[2].
TP. HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1996 - 2005 là 10,69%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 11,4%/năm, nhưng giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn 9,62%/năm và dự kiến kế hoạch 2016 - 2020 là khoảng 8 - 8,5%/năm. Từ năm 1996 đến 2010, tỷ trọng kinh tế TP. HCM trong kinh tế cả nước có xu hướng tăng dần, từ 16,7% năm 1996 lên 21,5% năm 2010, song 5 năm sau đó (2011 - 2015), tỷ trọng bình quân chỉ là 20,62%, thấp hơn năm 2010 (21,5%). Năng suất lao động của TP. HCM năm 2010 gấp 2,84 lần năng suất lao động bình quân cả nước, song bình quân 5 năm 2011 - 2015 chỉ còn 2,68 lần[3].
Hiện nay, TP. HCM đang đứng trước 5 thách thức rất lớn[4]:
Một là, hạ tầng không theo kịp và cản trở sự phát triển[5].
Hai là, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả giảm dần và thấp hơn cả nước[6].
Ba là,tổng tỷ suất sinh dưới tỷ suất sinh thay thế và thấp nhất cả nước[7].
Bốn là, số người nghiện ma túy nhiều nhất cả nước, có tỷ lệ vi phạm pháp luật hàng năm cao nhất cả nước[8].
Năm là, tỷ lệ nộp thu ngân sách về Trung ương cao nhất cả nước (khoảng 80% tổng thu từ địa bàn), song có mức chi ngân sách thấp nhất cả nước, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020 đã đánh giá “TP. HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”[9]. Tuy nhiên, Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị chưa được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật. Do vậy, trên thực tế cơ chế, chính sách phát triển của TP. HCM hiện không khác gì so với các địa phương khác.
Để giải quyết từng bước các thách thức trên, với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đột phá, TP. HCM đã nghiên cứu, đề xuất và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, thời gian thực hiện 5 năm (đến năm 2022),  từ ngày 15/01/2018. Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), Nghị quyết 54 đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp TP. HCM vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân để đẩy nhanh sự phát triển của thành phố theo hướng bền vững.
2. Công tác triển khai Nghị quyết 54 của Thành phố Hồ Chí Minh  
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, Thành ủy TP. HCM đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/12/2017 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 54, Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 28/12/2017 về các nhiệm vụ cụ thể triển khai Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54. Đồng thời, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. HCM ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.
Ủy ban nhân dân (UBND) TP. HCM đã thực hiện các công việc: (1) tổ chức gặp gỡ các chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, làm việc với các sở, ngành để hoàn chỉnh, ban hành Kế hoạch số 8127/KH-UBND ngày 27/12/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 với 21 nội dung, đề án cụ thể, trong đó có 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu sâu và 13 nội dung, đề án thực hiện theo nhiệm vụ thường xuyên; (2) Thành lập 2 Tổ Công tác, một Tổ chỉ đạo lĩnh vực tổ chức bộ máy do đồng chí Chủ tịch UBND TP. HCM phụ trách, một Tổ chỉ đạo lĩnh vực tài chính, ngân sách do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP. HCM phụ trách. Hai Tổ công tác tổ chức làm việc với các sở, ngành hàng tuần để định hướng xây dựng kế hoạch, nội dung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 54.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, TP. HCM đã: (1) tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí của Trung ương và TP. HCM để quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 54 đối với sự phát triển của TP. HCM và quá trình triển khai thực hiện; (2) tổ chức quán triệt về công tác triển khai Nghị quyết 54 tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của TP. HCM; (3) thông tin nội dung trên Chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 02 năm 2018 của HĐND TP. HCM; (4) chỉ đạo các báo, đài tập trung đưa bài trên các phương tiện thông tin truyền thông; (5) chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện chủ động tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 54… giúp đưa tinh thần, nội dung Nghị quyết 54 được phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân TP. HCM.
TP. HCM cũng xây dựng và ban hành quy trình thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 54 một cách khoa học, cụ thể, minh bạch, đúng quy định của pháp luật đối với từng cấp quyết định theo thẩm quyền. Trong đó, tại TP. HCM cần thông qua các bước: (i) Các sở ngành chủ động nghiên cứu, lấy ý kiến Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan; báo cáo các Tổ công tác thông qua trình Thường trực UBND TP. HCM; (ii) Thường trực UBND TP. HCM thông qua; (iii) Xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương; (iv) Lấy ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, các chuyên gia, doanh nghiệp liên quan; đồng thời gửi dự thảo cho HĐND TP. HCM nghiên cứu, chuẩn bị thẩm định; (v) Tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo lại Ban Thường vụ Thành ủy kết luận thông qua từng nội dung, đề án cụ thể (Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy) và (vi) Bổ sung các nội dung theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, trình Thường trực HĐND TP. HCM, các Ban HĐND TP. HCM thẩm định, trình HĐND TP. HCM thông qua.
Với phương châm quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, UBND TP. HCM đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án được giao. Mặc dù thời gian xây dựng các chương trình, đề án khá ngắn, nội dung nhiều, có một số nội dung mới, phức tạp nhưng TP. HCM vẫn thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định, tất cả đều phải đảm bảo tính khoa học, phát huy trí tuệ tập thể, công khai, minh bạch; các đề án được Tổ công tác nghiên cứu thấu đáo, lấy ý kiến nhiều lần, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM phản biện, đánh giá tác động toàn diện.
Đến nay, UBND TP. HCM đã trình và được Thường trực HĐND, HĐND TP. HCM thảo luận, thông qua 13 nội dung, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng như:
-            Ban hành Quyết định ủy quyền công việc của UBND TP. HCM cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện; ủy quyền công việc của Chủ tịch UBND TP. HCM cho Chủ tịch UBND quận, huyện;
-            Quyết định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp do TP. HCM quản lý theo hiệu quả công việc, theo đó năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần;
-            Có chính sách thu nhập nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP. HCM có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022;
-            Tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô và mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp;
-            Thông qua các dự án nhóm A trọng điểm của TP. HCM như: dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; dự án Xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch;
-            Chấp thuận 31 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên với tổng diện tích hơn 1.893 ha…
3. Hiệu quả bước đầu của Nghị quyết 54
Đến nay, UBND TP. HCM đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiệnNghị quyết 54, bước đầu mang lại một số kết quả tích cực sau đây:
 - Việc triển khai điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn nữa việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường;
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên 23 tuyến đường thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng đường, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ;
- Tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan trung ương thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP. HCM, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị TP. HCM ngày càng khang trang;
- Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức;
- Thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP. HCM;
Bên cạnh những kết quả nêu trên, một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP. HCM, chưa thật sự tạo động lực mới giúp TP. HCM phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
4. Một số kiến nghị về cụ thể hóa quy định của Nghị quyết 54
 Để bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 đạt kết quả cao, chúng tôi cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 54 theo hướng phân cấp mạnh mẽ nhằm bảo đảm cho TP. HCM chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân và tổ chức trên địa bàn.
Qua thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy, để tăng cường tính chủ động, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các đô thị loại đặc biệt như TP. HCM, Chính phủ cần tiếp tục phân cấp mạnh cho TP. HCM thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những quan hệ xã hội phù hợp với đặc thù của địa phương hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của địa phương, cụ thể như sau:
Một là, về tổ chức bộ máy, trao cho TP. HCM thẩm quyền phê duyệt đề án; danh mục vị trí việc làm; quyết định cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của TP. HCM; tổ chức kiểm tra, sát hạch và quyết định tiếp nhận không qua thi tuyển; chủ động thực hiện chính sách cơ chế đặc thù, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ hoạt động; hiệu chỉnh ranh giới, địa giới hành chính cấp xã, phường sau khi được HĐND cùng cấp thông qua
Hai là, về lĩnh vực tài chính - kế hoạch, đầu tư, trao cho TP. HCM thẩm quyền áp dụng mức chi tối đa theo quy định tại các Thông tư; phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định đối với một số trường hợp về giá đất cụ thể; được phép bố trí vốn khởi công mới và thanh toán ngay trong năm các công trình thuộc nguồn vốn UBND TP. HCM tự cân đối; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng các khoản viện trợ không hoàn lại cho TP. HCM không phụ thuộc vào quy mô viện trợ.
Ba là, về lĩnh vực xây dựng, trao cho TP. HCM thẩm quyền quy định chi tiết về lĩnh vực quy hoạch, cấp phép xây dựng đối với địa bàn TP. HCM; thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do UBND TP. HCM quyết định đầu tư kể cả dự án Nhóm A, công trình cấp đặc biệt, cấp I.
Bốn là, về lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, trao cho TP. HCM thẩm quyền quy định về các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính; quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính theo đặc thù của đô thị để tăng cường giáo dục, răn đe, bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh đô thị; quy định về tổ chức, lực lượng thi hành quyết định hành chính để đảm bảo hiệu lực của các quyết định hành chính.
Năm là, về lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, lao động thương binh xã hội, phân cấp cho TP. HCM thẩm quyền tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với: phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; cho phép TP. HCM phân cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, gia hạn, thay đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy, phân cấp cho Sở Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thuốc trong đấu thầu.
Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp cho TP.HCM, cần xác định rõ các nguyên tắc, phạm vi, nội dung của việc phân cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các văn bản do thành phố ban hành vượt thẩm quyền, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên./.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020
2.      Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
3.      Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.
4.      Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.
5.      Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.
6.      Báo cáo số 189/BC-UBND của UBND TP.HCM ngày 06/11/2017 về Đề án xây dựng Nghị quyết Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
 


 
PHỤ LỤC
Các nội dung triển khai Nghị quyết 54 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết hoặc cho ý kiến
_______________
- Tại kỳ họp bất thường lần thứ 7, tháng 3 năm 2018, HĐND thành phố đã thông qua 7 nội dung:
(1) Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô;
(2) Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp;
(3) Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý;
(4) Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022;
(5) Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố (dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc và Xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ);
(6) Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, các Hội đặc thù và thông qua tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 của TP. HCM;
(7) Ý kiến góp ý Đề án ủy quyền cho các sở, ban, ngành, thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, Chủ tịch UBND quận huyện để hoàn chỉnh, ban hành trong thời gian tới;
- Tại kỳ họp lần thứ 9, tháng 7 năm 2018, HĐND thành phố thông qua 1 nội dung:
(8) Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2018 về thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố;
- Tại kỳ họp bất thường lần thứ 10, tháng 10 năm 2018, HĐND thành phố, Thường trực HĐND Thành phố đã thông qua, cho ý kiến 5 nội dung:
(9) Tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A (dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Quận 2);
(10) Báo cáo đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018 - 2022;
(11) Góp ý Đề án sắp xếp lại các Ban quản lý dự án của TP. HCM, quận huyện, Ban quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban quản lý đầu tư các dự án ODA;
(12) Góp ý Đề án mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước tại TP. HCM (trình Thường trực HĐND TP. HCM);
(13) Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2018 (800 tỷ đồng - trình Thường trực HĐND TP. HCM);
Ngoài ra, có 4 nội dung cũng đã được UBND TP. HCM chỉ đạo xây dựng xong trong thời gian qua; đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan trung ương, làm rõ hơn về mặt pháp lý nên sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, trình HĐND TP. HCM trong các kỳ họp sắp tới. Bao gồm:
(1) Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực;
(2) Đề án phối hợp các Bộ ngành Trung ương thực hiện rà soát việc sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP. HCM;
(3) Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP. HCM có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022;
(4) Đề án ứng vốn ngân sách TP. HCM cho trung ương thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP. HCM.

 


[1] Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.
[2] Báo cáo số 189/BC-UBND của UBND TP. HCM ngày 06/11/2017 về Đề án xây dựng Nghị quyết Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM (Báo cáo số 189/BC-UBND).
[3] Báo cáo số 189/BC-UBND, Tlđd.
[4] Báo cáo số 189/BC-UBND, Tlđd.
[5] - Hạ tầng giao thông TP. HCM lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, gây trở ngại cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP. HCM. Sau 43 năm thống nhất đất nước, tỷ lệ đường giao thông trên diện tích đất đô thị ở TP. HCM vẫn rất thấp, chỉ đạt 1,98 km/km2, trong khi quy chuẩn là 10 - 13 km/km2, chỉ đạt tỷ lệ dưới 20% quy chuẩn. Với tốc độ tăng tỷ lệ đường giao thông 11 năm qua (2005 - 2016), phải cần hơn 160 năm nữa TP. HCM mới đạt quy chuẩn 10 km/km2 đất đô thị. Quy hoạch đất dành cho giao thông giai đoạn 2005 – 2016 bình quân mỗi năm tăng 0,31% (năm 2016 mới đạt 8,5%), với tốc độ này cần 44 năm mới xong quy hoạch đất dành cho giao thông để đạt được quy chuẩn 22,3%.
- Là thành phố biển, TP. HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà việc ứng phó đòi hỏi đầu tư rất lớn cho hệ thống đê biển và các hệ thống đê, cống điều tiết ở sông.
- TP. HCM cũng bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng, ô nhiễm nguồn nước sông ở hầu hết các điểm quan trắc.
- Diện tích nhà ở dưới mức bình quân của cả nước, hiện nay mới đạt 18,11 m2, thấp hơn 15% so với cả nước.
- Áp lực đầu tư bệnh viện và trường học rất lớn để có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập và chữa bệnh của nhân dân.
- Hạ tầng thương mại rất thiếu, không đáp ứng với nhu cầu của TP. HCM và cả vùng.
[6] Từ năm 1997 đến năm 2006 tỷ lệ vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP. HCM đều cao hơn tỷ lệ tương ứng của cả nước, nhưng bình quân từ năm 2007 đến năm 2016 chỉ là 17,3%, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 24,3%. Giai đoạn 2011 - 2015, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 32% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của TP. HCM trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm liên tục, năm 2000 là 56,5%, năm 2006 là 43,4%, năm 2011 là 29,1% và năm 2016 là 18%.
[7] Năm 2016: 1,24 con/phụ nữ, cả nước là 2,09 con/phụ nữ.Để đóng góp thiết thực vào sự phát triển dân số bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cả nước đạt mức tổng tỷ suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ), TP. HCM cần cải thiện mạnh mẽ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
[8] TP. HCM chỉ chiếm 9,1% dân số cả nước, song tỷ lệ nhiễm mới HIV phát hiện được chiếm 16% cả nước. Tỷ lệ các vụ án được xét xử ở TP. HCM chiếm khoảng 16 – 17% số vụ án xét xử hàng năm của cả nước.
[9] Nghị quyết số 16-NQ/TW cũng cho phép “Thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn Thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp”, cũng như cơ chế “tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho Thành phố trong một số lĩnh vực như: quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho Thành phố về ngân sách, quyết định một số khoản thu, chi; về quy hoạch và đầu tư; tổ chức, nhân sự; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính… phù hợp với điều kiện của Thành phố” và chính sách “ưu tiên các nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải Thành phố đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện để Thành phố phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước”…