Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội từ thực tiễn tỉnh Trà Vinh

30/09/2019

 
Tóm tắt: Ở Việt Nam, tiếp xúc cử tri là một nhiệm vụ có tính hiến định của đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội từng bước được thực hiện tốt hơn, song vẫn còn có những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Bài viết đưa ra một số vấn đề lý luận về tiếp xúc cử tri, phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
  Từ khóa: Đại biểu Quốc hội; tiếp xúc cử tri; tỉnh Trà Vinh

  Abstract: In Vietnam, voter contact is a constitutional mandate of the National Assembly deputies, recorded in the Constitution for National Assembly deputies to keep in touch with the voters. Following the provisions of the Constitution, the Law on Organization of the National Assembly and the Inter-Resolutions between the Standing Committee of the National Assembly and the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, voter contact activities of National Assembly deputies are step by step performced in a better manner, but there are still certain limitations affecting the quality and performance of the National Assembly and the National Assembly deputies. This article provides a number of theoretical issues about voter contacts, analysis of the current situation as well as proposed remedies to improve the efficiency of voter contact activities of the deputies.
 Keywords: National Assembly deputies; voter contact; Tra Vinh province
 
 Untitled_39.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Đại biểu Quốc hội và hoạt động tiếp xúc cử tricủa Đại biểu Quốc hội 
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước…”. Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 tiếp tục khẳng định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội ”. Bên cạnh đó ĐBQH còn được hiểu là: “những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội được nhân dân cả nước tín nhiệm và bầu cử ra bằng tổng tuyển cử tự do”. Từ đó, có thể hiểu một cách khái quát về ĐBQH như sau: “ĐBQH là những công dân ưu tú được cử tri Việt Nam trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, Nhân dân sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước”.
Để ĐBQH thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thể hiện đầy đủ trách nhiệm to lớn trước nhân dân, Điều 79 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.
Là hạt nhân cấu thành cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, ĐBQH có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri, tiếp xúc với cử tri đã tín nhiệm bầu ra mình. Tiếp xúc cử tri (TXCT) là việc ĐBQH gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng thời qua đó báo cáo với cử tri đã bầu ra mình các kết quả hoạt động đã được thực hiện. Chính vì lẽ đó, TXCT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐBQH đã được Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, nghị quyết liên tịch về việc TXCT quy định khá cụ thể. Trong đó, Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 nêu rõ: “ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”.
Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa về TXCT nên trong thực tế đang tồn tại nhiều khái niệm khác nhau, cách hiểu khác nhau về TXCT. Điều này dẫn đến việc xuất hiện những thái độ, cách ứng xử khác nhau đối với hoạt động TXCT. Có ý kiến cho rằng, TXCT là hoạt động của ĐBQH, dưới những hình thức nhất định, nhằm hướng tới cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thu thập, phản ánh kiến nghị của cử tri tại diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thể hiện mối quan hệ trách nhiệm chính trị - pháp lý giữa ĐBQH với cử tri. Với cách hiểu tương tự, có tác giả quan niệm: TXCT là việc ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm mục đích nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cử tri. TXCT là dịp để tập hợp các ý kiến của nhân dân; là cầu nối vững chắc giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi địa phương. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản nhất, đó là hoạt động phát sinh giữa ĐBQH với cử tri, cụ thể: “TXCT là một sinh hoạt chính trị, xã hội, có thể hiểu một cách chung nhất, là việc ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm mục đích nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các cử tri. TXCT là dịp để tập hợp các ý kiến của nhân dân, là cầu nối vững chắc giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi địa phương”.
TXCT có vai trò quan trọng đối với hoạt động của cá nhân ĐBQH và của Quốc hội. Vai trò này thể hiện ở hai vấn đề cơ bản sau: (1) TXCT là nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, qua đó nắm được các vấn đề đang đặt ra cho đất nước và cho địa phương. (2) TXCT để đại biểu báo cáo về kết quả của kỳ họp, giải thích với cử tri về các quyết sách được Quốc hội thông qua, góp phần tuyên truyền, tạo sự ủng hộ trong cử tri. TXCT còn được coi là dịp ĐBQH được “nói cho dân nghe” và “nghe dân nói” để đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quyết sách của Quốc hội; là cơ hội phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cử tri và là cơ hội để giải tỏa bức xúc của cử tri. Điều 5, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc TXCT của ĐBQH quy định các phương thức TXCT sau đây: (1) TXCT trước kỳ họp Quốc hội; (2) TXCT sau kỳ họp Quốc hội; (3) TXCT nơi cư trú; (4) TXCT nơi làm việc; (5) TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực; (6) Gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân cử tri, nhóm cử tri.
2. Thực trạng hoạt động tiếp xúc cử tricủa đại biểu Quốc hộitỉnh Trà Vinh và những hạn chế, bất cập cần hoàn thiện 
Ngày 26/12/1991, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, khóa IX (1992-1997) gồm 06 đại biểu, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992. Kế thừa truyền thống tốt đẹp và phát huy những thành tựu to lớn của các nhiệm kỳ Quốc hội đã qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khóa X (1997-2002), XI (2002-2007), khóa XII (2007-2011), khóa XIII (2011-2016) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh và quyết định những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Ngày 22/5/2016, Nhân dân cả nước tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 08/6/2016, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành Nghị quyết 617/NQ-HĐBCQG về công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh với 06 đại biểu, trong đó có 01 đại biểu là Ủy viên Bộ Chính trị công tác ở Trung ương và 05 đại biểu công tác tại địa phương. Hiện nay, Đoàn ĐBQH tỉnh hiện có 05 đại biểu.
Trong những năm qua, cùng với những đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phát huy kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, thực hiện tốt việc phối hợp công tác với các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí, quan hệ gắn bó với cử tri, tạo điều kiện để các ĐBQH lắng nghe, tiếp thu, phản ánh ý kiến cử tri trong quá trình tham gia xây dựng luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… góp phần để đại biểu làm tốt vai trò người đại biểu Nhân dân. Trong đó, hoạt động TXCT được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo số liệu thống kê trong 06 năm (2013-2018), Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 182 cuộc TXCT với tổng số trên 18.000 lượt cử tri tham dự, trong đó TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp là 169 cuộc, chiếm 92,86% tổng số cuộc TXCT, TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực và đối tượng là 13 cuộc, chiếm 7,14% tổng số cuộc TXCT. Đoàn ĐBQH tỉnh chưa tổ chức được việc TXCT ở nơi làm việc, nơi cư trú, TXCT địa bàn ngoài tỉnh và gặp gỡ cá nhân cử tri hoặc nhóm cử tri, hình thức chủ yếu là hình thức hội nghị. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội, đồng thời phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan tổ chức để đại biểu TXCT. Qua đó thu thập được trên 500 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri.  
Việc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng mà ĐBQH quan tâm được Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai thực hiện và thu được kết quả bước đầu, có 13 cuộc với trên 1.300 lượt cử tri tham gia. Việc TXCT của ĐBQH ở nơi cư trú, nơi làm việc cũng là một trong những hoạt động TXCT có ý nghĩa quan trọng và thu được kết quả nhất bởi vì trên thực tế, tại địa bàn cư trú và công tác, đại biểu có nhiều thuận lợi trong việc tiếp xúc với cử tri. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và chủ quan, trong thời gian qua, hình thức này chưa được Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri và TXCT ngoài địa bàn tỉnh cũng chưa thực hiện được.
2.1 Việc tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri 
 Trong quá trình TXCT, ĐBQH lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải thích, tuyên truyền cho cử tri biết về đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước và trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri. ĐBQH ghi nhận, thu thập những ý kiến xác đáng của cử tri gửi Đoàn ĐBQH tổng hợp, chắt lọc để đại biểu xử lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác tập hợp, tổng hợp, chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc chưa kịp thời và chưa thường xuyên, một số trường hợp còn trùng lặp trong việc chuyển cùng một ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cùng một cơ quan, tổ chức.
2.2 Hoạt động theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri 
 Sau khi chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức này nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri, đồng thời tập hợp kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương để báo cáo với cử tri tại các buổi TXCT gần nhất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn nhiều hạn chế, như việc giải quyết còn chậm, hiệu quả thấp, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
2.3 Việc thực hiện trách nhiệm của ĐBQH và quyền, trách nhiệm của cử tri      
  Hầu hết các ĐBQH đã chủ động và sáng tạo, bằng nhiều hình thức, liên hệ thường xuyên với cử tri, đi sâu vào những vấn đề, lĩnh vực mà cử tri quan tâm, cùng với các cơ quan chức năng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, các ĐBQH mới dành thời gian triển khai khá tốt hình thức TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; chưa thật sự chủ động, chưa đầu tư thích đáng về thời gian, công sức cho việc TXCT nơi cư trú, nơi làm việc hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri. Vai trò, trách nhiệm cá nhân ĐBQH trong hoạt động TXCT chưa được phát huy mạnh mẽ, việc TXCT chủ yếu vẫn là do Đoàn ĐBQH chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện.
Phần lớn cử tri ở địa phương đã có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức chấp hành các quy định của hội nghị TXCT và cũng có nhiều cử tri tâm huyết đã dành thời gian theo dõi hoạt động của Quốc hội và ĐBQH, tích cực đóng góp nhiều kiến nghị và giải pháp. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cử tri cũng còn những hạn chế nhất định. Hầu hết các cuộc TXCT của ĐBQH lại được thực hiện theo chế độ hội nghị và trong giờ hành chính nên mặc dù nhiều cử tri là nông dân, công nhân, sinh viên, cán bộ, công chức có thời gian và điều kiện tiếp xúc nhưng lại không bố trí để tiếp xúc được với ĐBQH. Về quyền của cử tri, do ít được thông báo kịp thời, rộng rãi về kế hoạch TXCT của ĐBQH nên có nhiều cử tri tuy có điều kiện và quan tâm nhưng không được tiếp xúc với ĐBQH.
2.4. Đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan
  Đoàn ĐBQH tỉnh đã quan tâm tổ chức để các ĐBQH TXCT theo kế hoạch, đồng thời chú trọng việc phân công từng đại biểu hoặc nhóm ĐBQH TXCT luân chuyển trong và ngoài đơn vị bầu cử với mục tiêu vừa bảo đảm đại biểu TXCT được nhiều xã, phường, thị trấn, đồng thời vẫn bảo đảm TXCT ở đơn vị bầu cử theo quy định của pháp luật. Sau mỗi đợt TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp chỉ đạo chặt chẽ công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ở địa phương. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh chưa chú trọng đến việc phân công, đôn đốc ĐBQH thực hiện TXCT ở nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri.
Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh đã phối hợp khá chặt chẽ với Đoàn ĐBQH trong công tác TXCT, đã cử đại diện tham dự nhiều cuộc TXCT của ĐBQH, tích cực tiếp thu, chỉ đạo giải quyết hàng trăm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm. UBND cấp tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền cấp dưới tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để ĐBQH TXCT và cử đại diện tham gia các cuộc tiếp xúc để trực tiếp giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, việc cử đại diện tham gia các buổi TXCT của ĐBQH chưa đều, việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nguyện vọng cử tri.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp, tổ chức để đại biểu TXCT. Với vai trò là người chủ trì hội nghị TXCT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ ở một số địa phương đã phổ biến nội quy buổi tiếp xúc, định hướng nội dung để cử tri phát biểu ý kiến. Sau các cuộc TXCT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi các cơ quan chức năng ở trung ương và ở địa phương. Tuy nhiên, công tác phối hợp, tổ chức để ĐBQH tiến hành TXCT có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa tích cực tuyên truyền, vận động cử tri tham dự tiếp xúc với ĐBQH nên có những cuộc tiếp xúc, cử tri tham dự rất ít, thành phần cử tri không rộng rãi, đa dạng nên làm cho cuộc tiếp xúc hiệu quả thấp; trong một số trường hợp còn lúng túng trong việc xử lý các tình huống nhạy cảm phát sinh tại hội nghị TXCT. Mặt khác, nhận thức về cấp tổ chức TXCT là cấp tỉnh hay cấp huyện còn chưa thống nhất dẫn đến phân công đại diện MTTQ chủ trì hội nghị tiếp xúc ở các địa bàn khác nhau, nhiều nơi giao cho MTTQ cấp huyện thực hiện.
Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH mặc dù đã có nhiều cố gắng phục vụ ĐBQH tiến hành TXCT, giúp Đoàn ĐBQH tập hợp, tổng hợp, chuyển, theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri nhưng công tác phục vụ của Văn phòng còn nhiều hạn chế, mới chủ yếu tập hợp văn bản trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng.
Qua phân tích trên cho thấy, trong những năm vừa qua, công tác TXCT của ĐBQH đã dành được sự quan tâm từ nhiều phía, đã cải tiến và bước đầu đã khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội và được Nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCTcủa ĐBQH trên địa bàn tỉnh những năm qua còn nhiều bất cập, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đó là:
- Nhận thức chung của xã hội đối với công tác TXCT của ĐBQH có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sắc. Một bộ phận cử tri nói chung, cử tri ở vùng sâu, vùng xa nói riêng chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia giám sát Nhà nước thông qua người mà mình đã trao quyền đại diện nên chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp xúc với ĐBQH.
- Việc triển khai hoạt động TXCT của ĐBQH, Đoàn ĐBQH mới chủ yếu tập trung dưới hình thức TXCT định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động tiếp xúc chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng,... Chưa tổ chức được hoạt động TXCT của ĐBQH tại nơi cư trú, nơi làm việc, TXCT ngoài địa bàn tỉnh nơi đại biểu ứng cử, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 525.
- Nhiều cuộc TXCT của ĐBQH chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp Nhân dân, các giới, các ngành, các thành phần, lứa tuổi, tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cán bộ xã, phường, ấp, khóm những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy, tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp” còn phổ biến. Đa phần các cuộc TXCT được tổ chức ở xã, phường, thị trấn, chưa có điều kiện tổ chức ở ấp, khóm, tổ dân phố. Việc tổ chức cho ĐBQH báo cáo với cử tri về kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu và việc thực hiện chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri trước khi ứng cử chưa được thực hiện.
- Công tác tổ chức để ĐBQH tiến hành TXCT có lúc, có nơi còn hình thức giản đơn. Người chủ trì hội nghị tiếp xúc chưa làm tốt việc định hướng nội dung cuộc tiếp xúc. Tình trạng “đại biểu cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp, đại biểu kiêm nhiệm”... còn diễn ra khá phổ biến, nội dung tiếp xúc còn đơn điệu, thông tin chuyển tải đến cử tri chưa đáp ứng được nhu cầu của cử tri, chưa dành nhiều thời gian để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng, việc giải trình, tiếp thu, giải quyết trực tiếp ý kiến, kiến nghị của ĐBQH và cơ quan chức năng ở địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả thấp.   
- Công tác nắm bắt thông tin ở cơ sở phục vụ ĐBQH tiến hành TXCT còn yếu và bất cập. Mặt khác, MTTQ ở một số địa phương chưa thực hiện được việc tổ chức để cử tri nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH nơi cử tri bầu ra. Thông thường một cuộc TXCT kéo dài chỉ trong nửa ngày, trong đó có gần 1/3 thời gian để đọc báo cáo, giới thiệu nội dung chương trình, hoặc kết quả kỳ họp. 1/3 thời gian để cử tri phát biểu ý kiến và thời gian còn lại để các đại biểu giải trình, tiếp thu... Như vậy, thời gian để đại biểu giao lưu với bà con, trò chuyện với bà con cử tri hầu như không có.
- Việc cử đại diện của cơ quan chức năng ở địa phương tham gia các cuộc TXCT chưa được đầy đủ, thường xuyên. Việc tổ chức TXCT của ĐBQH trong khoảng thời gian ngắn cũng gây khó khăn trong việc cử đại diện tham gia của các cơ quan phối hợp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc có lúc, có nơi chưa cao.
- Công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri đôi lúc còn chậm, lúng túng, thiếu chính xác, chưa phân loại rõ ý kiến nào thuộc thẩm quyền của trung ương, tỉnh, huyện, xã để chuyển đến đúng địa chỉ giải quyết. Việc chuyển, theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm thường xuyên, chưa quyết liệt. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc tham gia TXCT cùng đại biểu dân cử để kịp thời tiếp thu, giải trình, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Việc thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được thường xuyên, mới chủ yếu thực hiện qua các đợt TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội.
3. Kiến nghị biện pháp đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới 
Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT của ĐBQH vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức về hoạt động TXCT
Cần đổi mới nhận thức về hoạt động TXCT là trách nhiệm của chính các ĐBQH và cử tri, hoạt động TXCT phải được coi vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. TXCT cử tri không chỉ giới hạn ở việc gặp gỡ trực tiếp theo định kỳ trước và sau kỳ họp, mà phải mở rộng ra các hình thức tiếp xúc gián tiếp khác như qua các phương tiện, công cụ hỗ trợ khác. Ngoài ra để công tác TXCT thực hiện tốt thì phải có sự tham gia chuẩn bị của các các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Thứ hai, hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động TXCT
Về quy trình, thủ tục của hội nghị TXCT. Về cơ bản, các cuộc TXCT của ĐBQH theo quy định đều được tổ chức dưới hình thức hội nghị và phải trải qua 6 bước. Trên thực tế, do có sự khác nhau về đặc điểm, yêu cầu của hoạt động TXCT nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, đối tượng, địa bàn nên việc áp dụng quy trình 6 bước cho các phương thức TXCT là không hoàn toàn phù hợp, tạo ra sự cứng nhắc trong việc tổ chức và điều hành hội nghị, làm cho hội nghị TXCT nặng về tính hành chính. Do vậy, chỉ cần quy định áp dụng hình thức tổ chức hội nghị TXCT theo quy trình đầy đủ đối với phương thức TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội. Các phương thức TXCT khác được tiến hành theo hình thức hội nghị TXCT với quy trình rút gọn. Tùy theo nội dung, mục đích, thành phần tham dự, đối tượng tiếp xúc mà ĐBQH có quyền chủ động áp dụng hội nghị gồm những bước nào.
Về nội dung TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội. Nội dung của Hội nghị TXCT trước kỳ họp Quốc hội phải tập trung tạo điều kiện, bảo đảm cho ĐBQH lắng nghe được các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đồng thời, bảo đảm để cử tri thực hiện quyền nêu ý kiến đánh giá, nhận xét và trao đổi với ĐBQH về vấn đề mà cử tri và ĐBQH cùng quan tâm.
Về việc ĐBQH báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình, cử tri góp ý về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Cần quy định rõ nội dung ĐBQH báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu cử về việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH cũng như thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri khi ứng cử ĐBQH. Kết quả thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri là cơ sở để cử tri đánh giá, xem xét bầu cử ĐBQH khi ĐBQH tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ tiếp theo. Đây là một trong những hình thức để cử tri giám sát đại biểu mà mình đã bầu. Về hình thức, văn bản quy định được ban hành dưới dạng Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam.
Cải tiến cách thức triển khai tổ chức TXCT của ĐBQH. Tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức triển khai phương thức TXCT như: (1) Tổ chức để từng đại biểu TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội, nhất là ở hội nghị TXCT sau kỳ họp cuối năm của Quốc hội; (2) Về địa bàn TXCT, cần tổ chức TXCT hướng tới cơ sở, trực tiếp tới các cộng đồng dân cư thay vì tổ chức TXCT ở cấp huyện, cấp xã như hiện nay. (3) Áp dụng chương trình Hội nghị TXCT một cách linh hoạt trên cơ sở xác định đúng mục đích, nội dung và vai trò của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia. Đồng thời tăng cường hoạt động TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng để phát huy hiệu quả, thu thập được nhiều thông tin có tính chuyên sâu phục vụ hoạt động của đại biểu. Gắn với đó là phát huy việc sử dụng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri.
Thứ ba, đổimới việc tổ chức thực hiện hoạt động TXCT
Bố trí thời gian hợp lý cho hoạt động TXCT. Thời gian TXCT không chỉ giới hạn trong giờ hành chính mà có thể tăng cường tiếp xúc vào buổi tối để có điều kiện gặp gỡ các cử tri là cán bộ, công chức, người lao động phải làm việc vào ban ngày. Các cơ quan hữu quan và ĐBQH cần có sự kết hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chương trình và xác định cụ thể nội dung trọng tâm của các buổi tiếp xúc để cử tri có điều kiện có thể tham gia đóng góp ý kiến một cách tích cực.
Đối với đại biểu Quốc hội. ĐBQH phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đại biểu; tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động TXCT; thực hiện đầy đủ, tích cực các hình thức TXCT và cần bố trí sắp xếp thời gian công tác để tham dự đầy đủ. Khi cử tri trình bày, đại biểu cần lắng nghe, ghi chép đầy đủ những vấn đề mà cử tri kiến nghị và đến lượt mình, đại biểu phải biết trình bày từng vấn đề theo bố cục rõ ràng, mạch lạc. Có như vậy, ĐBQH mới chủ động thâm nhập vào các vấn đề của đời sống và giải đáp tốt hơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Đối với Đoàn ĐBQH và các cơ quan quan, tổ chức hữu quan. Đoàn ĐBQH cần xây dựng kế hoạch TXCT phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri để xử lý theo quy định thì định kỳ hàng quý, sáu tháng, một năm, Đoàn ĐBQH tỉnh có trách nhiệm tổng hợp ý kiến nhận xét của cử tri đối với hoạt động của từng đại biểu trong Đoàn và báo cáo UBTVQH. MTTQ cần cần tăng cường phối hợp thường xuyên với các Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND, UBND cùng cấp trong việc chủ trì, tổ chức để ĐBQH TXCT. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn cho Thường trực Ủy ban MTTQ cấp dưới phương pháp điều hành cũng như nội dung cần thiết của hội nghị TXCT và cách thức tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND, UBND các cấp quan tâm cử đại diện tham gia đầy đủ khi cần thiết.
Thứ tư, các giải pháp khác
Cần mở rộng và đa dạng hóa hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác TXCT đối với đông đảo quần chúng nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và các cơ quan hữu quan trong công tác TXCT; đồng thời có chế tài bảo đảm việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng TXCT cho đại biểu Quốc hội như: kỹ năng đọc tài liệu, kỹ năng xây dựng chương trình kế hoạch, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ghi chép, kỹ năng diễn thuyết.
Tiếp tục củng cố và kiện toàn Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, bảo đảm về số lượng và chất lượng biên chế cán bộ chuyên môn và quy định rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm các điều kiện như về nhân lực, vật lực phục vụ hoạt động TXCT của ĐBQH. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thường xuyên về công tác phục vụ TXCT cho cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho cử tri khi tham dự TXCT để giảm trừ lại một phần nào đó chi phí mà cử tri đã bỏ ra để đến TXCT, vì hiện nay một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng cử tri tham dự không nhiều đó là họ không muốn bỏ một ngày công lao động của mình để tham dự TXCT (dù biết đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mình), nhưng tâm lý của người dân là liệu quyền lợi, nghĩa vụ này có nuôi sống bản thân họ, thâm chí là gia đình được không đó mới chính là điều họ nghĩ, vì thế việc xem xét hỗ trợ một phần kinh phí này là rất cần thiết./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Dân nguyện (2019), Báo cáo số 75/BC-BDN ngày 13/3/2019 tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về TXCT của ĐBQH.
[2] Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh (2017), Báo cáo số 23/BC-ĐĐBQH-VP ngày 31/7/2017 về việc tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc TXCT của ĐBQH.
[3] Quốc hội, Hiến pháp 2013.
[4] Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, số 57/2014/QH13.
[5] Ngô Trung Tại (2011), Báo cáo tóm tắt Luận văn ThS “TXCT của ĐBQH”, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[6] Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (2012), Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc TXCT của ĐBQH.