Hoàn thiện quy định về thủ tục khởi kiện, thủ tục kháng cáo của đương sự trong tố tụng dân sự

27/09/2019

Tóm tắt: Để bảo đảm quyền tố tụng của đương sự thông qua thủ tục tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng dân sự phải quy định trình tự, thủ tục cũng như các hoạt động tố tụng của các chủ thể trong các giai đoạn tố tụng một cách khoa học, hợp lý. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành về thủ tục khởi kiện và thủ tục kháng cáo còn bất cập và chưa gắn liền với việc bảo đảm quyền khởi kiện và quyền kháng cáo của đương sự trong tố tụng dân sự . Để bảo đảm cho các quyền tố tụng của đương sự được thực thi hữu hiệu, các quy định này cần được sớm hoàn thiện.
Từ khóa: thủ tục khởi kiện, thủ tục kháng cáo, bảo đảm quyền tố tụng của đương sự.
Abstract: For assurance of the litigation rights of the litigants through civil proceedings, the legal regulations on the civil procedure should provide the procedures and proceedings of the subjects in the procedural stages in scientific and reasonable manner. However, a number of provisions of the Civil Procedure Code of 2015 and its guiding legal regulations on procedures for lawsuits and appeals are inadequate and are not associated with the assurance requirements of the right to sue and the rights to protest litigants' statements in the civil proceedings. In order to ensure that the litigation rights of the litigants are effectively enforced, these regulations should be further reviewed and improved.
Keywords: procedures for lawsuits and appeals, ensuring the litigation right of the litigants.
 Untitled_30.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quy định của pháp luật về thủ tục khởi kiện, thủ tục kháng cáo với việc bảo đảm quyền khởi kiện, quyền kháng cáo của đương sự
1.1 Quy định pháp luật về thủ tục khởi kiệnvới việc bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự
Khởi kiện là hành vi tố tụng đầu tiên của nguyên đơn làm phát sinh các quan hệ pháp luật tố tụng[1]. Để Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đơn khởi kiện phải bảo đảm các nội dung luật định. Một trong những nội dung mà đơn khởi kiện phải có là: tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức[2]. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án. Theo đó, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết quy định, để Tòa án thụ lý vụ án thì người khởi kiện phải chứng minh mình ghi đúng địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan)[3]. Chính vì vậy, khi đương sự nộp đơn khởi kiện, ngoài các hồ sơ tài liệu theo quy định, Tòa án còn yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương về việc người bị kiện đang cư trú tại địa chỉ trong đơn khởi kiện[4]. Hướng dẫn của Nghị quyết đã gây ảnh hưởng đến quyền quyền khởi kiện của đương sự, bởi lẽ, không dễ dàng để yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận đó là địa chỉ của người bị kiện hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Thực tế cho thấy, “có Tòa án yêu cầu đến chính quyền cơ sở nơi bị đơn cư trú xác nhận (vào một văn bản khác) là bị đơn hiện vẫn đang cư trú tại địa chỉ được ghi trong đơn khởi kiện thì mới nhận đơn”[5]. Tương tự như vậy, trong một thông báo yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện số 124 ngày 15/6/2017 của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người khởi kiện phải nộp tài liệu chứng cứ xác thực nơi cư trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới thụ lý vụ án.
Một trong những điều kiện khác để Tòa án thụ lý vụ án là người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu họ không thuộc trường hợp được miễn án phí. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự(TTDS) năm 2015 là 7 ngày. Tiền tạm ứng án phí phải nộp tối thiểu bằng 50% tiền án phí. Tiền án phí được tính theo giá ngạch, tức là giá trị tranh chấp càng lớn thì án phí càng cao. Đối với những vụ án tranh chấp đất đai hoặc tranh chấp những tài sản có giá trị lớn mà người khởi kiện không có khả năng kinh tế nhưng không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí thì thời hạn 7 ngày là quá ngắn, gây ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của đương sự.
1.2 Các quy định của pháp luật về thủ tục kháng cáo với việc bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự
Quyền kháng cáo là quyền của đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại bản án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Quyền kháng cáo của đương sự thực hiện có hiệu quả hay không phụ thuộc một phần vào thủ tục kháng cáo. Tuy nhiên, không phải quy định nào về thủ tục kháng cáo cũng bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự. Khoản 1 Điều 272 Bộ luật TTDS năm 2015 chỉ quy định một hình thức kháng cáo là đơn kháng cáo. Tuy nhiên, có những trường hợp đương sự không biết chữ hoặc người cao tuổi có khó khăn trong việc soạn thảo đơn, thì quy định này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các đương sự.
Theo quy định Bộ luật TTDS, đương sự phải kháng cáo trong thời hạn luật định, hết thời hạn kháng cáo thì đương sự mất quyền kháng cáo. Bên cạnh đó, Điều 275 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định trường hợp ngoại lệ là đương sự vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện quyền kháng cáo đúng hạn thì vẫn chấp nhận quyền kháng cáo quá hạn. Tuy nhiên, Bộ luật TTDS năm 2015 không xác định cụ thể trường hợp kháng cáo quá hạn nào có thể được chấp nhận. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu thống nhất, thậm chí là tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Trên thực tế, đơn kháng cáo quá hạn của đương sự được chấp nhận hay không phụ thuộc vào ý kiến của Hội đồng xét đơn kháng cáo.
Pháp luật TTDS Pháp có quy định về kháng cáo quá hạn, nhưng chỉ được áp dụng trong hai trường hợp là: đương sự rơi vào hoàn cảnh không có khả năng thực hiện quyền kháng cáo hoặc đương sự không biết được bản án để thực hiện kháng cáo kịp thời nhưng không phải do lỗi của họ[6]. Như vậy, so với pháp luật TTDS Việt Nam, việc quy định cụ thể các trường hợp chấp nhận kháng cáo quá hạn như pháp luật TTDS Pháp sẽ bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự hơn.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về thủ tục khởi kiện, thủ tục kháng cáo để bảo đảm quyền khởi kiện, quyền kháng cáo của đương sự
2.1 Hoàn thiện quy định của pháp luật về thủ tục khởi kiện để bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP theo hướng, người khởi kiện không phải xác minh địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự.
Thứ hai, bổ sung quy định cho phép đương sự được nhờ người bão lãnh cho việc nộp tiền tạm ứng án phí để bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự.
Theo quy định của điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS năm 2015, nếu hết thời hạn theo luật định mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Quy định này sẽ dẫn đến hậu quả là đối với những trường hợp số tiền tạm ứng án phí đương sự phải nộp có giá trị lớn mà đương sự không thể chuẩn bị kịp để nộp trong thời hạn luật định thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án. Trên thực tế, không phải đương sự nào cũng có đủ khả năng để chuẩn bị một số tiền lớn trong một gian ngắn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề tạm ứng án phí, nhằm bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự, TAND tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: đối với trường hợp đương sự không có đủ tiền để nộp tiền tạm ứng án phí mà không thuộc đối tượng được miễn, giảm án phí thì cho phép đương sự được nhờ người bão lãnh cho việc nộp tiền tạm ứng án phí, thủ tục bảo lãnh được tiến hành tại cơ quan thi hành án. Đương sự nộp giấy bảo lãnh cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án.
2.2Hoàn thiện quy định về thủ tục kháng cáo để bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 272 Bộ luật TTDS năm 2015 theo hướng bổ sung hình thức kháng cáo để bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự. Theo đó, khoản 1 Điều 272 Bộ luật TTDS năm 2015 được viết lại như sau:
“Điều 272. Đơn kháng cáo
1. Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo có thể làm đơn kháng cáo hoặc người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo của người kháng cáo và người kháng cáo xem như đã kháng cáo hợp lệ”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 275 Bộ luật TTDS năm 2015 theo hướng quy định rõ các trường hợp được kháng cáo quá hạn để bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự. Theo đó, khoản 1 Điều 275 Bộ luật TTDS năm 2015 được viết lại như sau:
“Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn
1. Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
2.”.
Thứ ba, bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn. Theo đó, cần thiết kế điều luật riêng quy định về vấn đề này với nội dung như sau:
“Điều… về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn.
1. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn, đương sự có quyền khiếu nại với Tòa án đã ra quyết định.
2. Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại về việc không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn của đương sự, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
4. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ kháng cáo quá hạn, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn kháng cáo và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.
b) Nhận lại đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
5. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhậnđược quyết định trả lời khiếu nại về việc trả lại đơn kháng cáo quá hạn của Thẩm phán, người kháng cáo có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
6. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn kháng cáo, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn kháng cáo;
b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người kháng cáo. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng”./.
 

 


[1]Tống Công Cường (2007), Luật TTDS Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
[2] Bộ luật TTDS 2015, điểm e, đ khoản 4 Điều 189.
[3] Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật TTDS về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, Điều 5 khoản 2.
[4] Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính (2015), Góp ý sửa đổi Bộ luật TTDS, Hội thảo tham vấn hoàn thiện Bộ luật TTDS để cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội, 2015, tr.2.
[5]Tưởng Duy Lượng (2015), “Báo cáo khảo sát về chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng”, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo tham vấn hoàn thiện Bộ luật TTDS để cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội, Tr.3&4.