Hoàn thiện quy định về trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong tố tụng hành chính

16/09/2019

Tóm tắt: Ở nước ta, từ ngày 01/07/1996
[1], tố tụng hành chính được xác lập đã tạo ra một phương thức giải quyết tranh chấp hành chính mới với nhiều ưu việt. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính dân chủ, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền nói chung và xây dựng nền hành chính phục vụ nói riêng. Tuy nhiên, tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định của pháp luật tố tụng hành chính hiện hành về trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong tố tụng hành chính chưa đầy đủ, hợp lý.
Từ khóa: công vụ, trách nhiệm công vụ, người bị kiện, tố tụng hành chính
Abstract: In Vietnam, since July 1, 1996, the administrative proceedings have provided a new method of resolving administrative disputes with several advantages. This is a method resolving disputes in a democratic manner, in accordance with the requirements of the rule of law in general and establishment of a public service administration in particular. However, the superiority of this method has not really promoted its effectiveness in practice. One of the reasons for this situation is that the provisions of the current administrative law on public liability of the petitioned people in administrative proceedings are incomplete and inreasonable.
Keywords: public duties, liability of public duties, the sued person, administrative proceedings
NMHung--Trach-nhiem-cong-vu-trong-tthchinh.JPG 
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
1. Quan niệm về trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong tố tụng hành chính
Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “trách nhiệm” có thể được hiểu theo hai nghĩa: tích cực và tiêu cực. Theo nghĩa tích cực, “trách nhiệm” được hiểu là bổn phận, vai trò của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ pháp luật hoặc “được hiểu là nghĩa vụ (nói đến những điều pháp luật yêu cầu phải làm trong hiện tại và tương lai)”[2]. Theo nghĩa tiêu cực, “trách nhiệm” được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi mà tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật phải gánh chịu thông qua việc nhà nước hạn chế về quyền, lợi ích mà lẽ ra họ đang hoặc sẽ được hưởng bằng cách áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc vi phạm trách nhiệm (theo nghĩa tích cực) luôn làm phát sinh nguy cơ phải gánh chịu trách nhiệm (theo nghĩa tiêu cực). Điều này là cần thiết để bảo đảm hiệu lực của pháp luật cũng như tính hiện thực của các nghĩa vụ pháp lý. Bài viết này luận giải “trách nhiệm công vụ” cả theo nghĩa tích cực và nghĩa tiêu cực.
Ở nước ta, thuật ngữ “công vụ” được sử dụng phổ biến, nhưng chưa được pháp luật định nghĩa một cách hoàn chỉnh và đầy đủ. Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”. Theo đó, có thể hiểu việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật là công vụ. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật này, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đưa ra định nghĩa: “Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xãhội”[3]. Đây có thể được hiểu là định nghĩa về công vụ theo nghĩa hẹp, vì không chỉ cán bộ, công chức mới được nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Do đó, có quan điểm cho rằng, “Công vụ là công việc hay hoạt động nhà nước do cán bộ, công chức, những người khác được giao quyền thực hiện, luôn gắn với quyền lực nhà nước. Khi thực hiện công vụ, người thực hiện công vụ nhân danh, đại diện cho quyền lực nhà nước thực hiện, công vụ được bảo đảm, bảo vệ bởi Nhà nước bằng các biện pháp pháp lý, tổ chức và tài chính, cưỡng chế”[4].
Từ các quan điểm nêu trên, có thể hiểu: Trách nhiệm công vụ là tổng thể các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở nhân danh Nhà nước và hậu quả pháp lý bất lợi mà họ phải gánh chịu nếu vi phạm các nhiệm vụ, quyền hạn này.
Hiện nay, trong lĩnh vực tố tụng hành chính (TTHC), vấn đề trách nhiệm công vụ của người bị kiện chưa được quan tâm nghiên cứu và quy định đầy đủ, hợp lý. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của quan điểm đồng nhất về quyền, nghĩa vụ giữa người khởi kiện và người bị kiện (các đương sự) để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong TTHC.
Xét trong mối tương quan với phương thức giải quyết khiếu nại hành chính, việc quy định và bảo đảm thực hiện nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTHC giữa người khởi kiện và người bị kiện được xác định là ưu điểm vượt trội của phương thức TTHC. Tuy vậy, do người khởi kiện và người bị kiện có nhiều điểm khác biệt về lý do, cách thức, mục đích, tư cách và các điều kiện bảo đảm việc tham gia TTHC, nên các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của họ không thể hoàn toàn như nhau, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về lý do và cách thức tham gia TTHC
Theo quy định tại các khoản 8 và 9 Điều 3 Luật TTHC năm 2015, có thể hiểu: Người khởi kiện trong TTHC là cơ quan, tổ chức, cá nhân[5] khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri[6]; Người bị kiệntrong TTHC là tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.
Về lý luận, người bị kiện trong TTHC luôn là chủ thể quản lý hành chính nhà nước (tổ chức, cá nhân được nhân danh Nhà nước, sử dụng quyền hành pháp) đơn phương ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị kiện trong quá trình thực thi công vụ. Đây là nguyên nhân phát sinh yêu cầu khởi kiện của đối tượng quản lý hành chính nhà nước (tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính) theo thủ tục TTHC.
Những quan niệm trên cho thấy, người khởi kiện chủ động yêu cầu Toà án tiến hành TTHC để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và kiểm soát việc thực thi công vụ của người bị kiện (ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính); còn người bị kiện thì lại bị động trước yêu cầu của người khởi kiện và Tòa án khi tham gia vào TTHC vì lý do đã thực thi công vụ trong quản lý hành chính nhà nước. Theo đó, việc người bị kiện tham gia TTHC vẫn cần được xác định là trách nhiệm công vụ của họ; việc khởi kiện vụ án hành chính của người khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính của Tòa án hiển nhiên không thể làm chấm dứt trách nhiệm công vụ của người bị kiện.
Thứ hai, về mục đích tham gia TTHC
Theo quy định tại Điều 5 Luật TTHC năm 2015, mục đích chủ yếu của người khởi kiện khi tham gia TTHC là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quản lý hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, từ tính chất công vụ của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện cho thấy mục đích chủ yếu của người bị kiện khi tham gia TTHC lại là bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Theo đó, khởi kiện vụ án hành chính được hiểu là quyền tự vệ và tự định đoạt của đối tượng quản lý hành chính nhà nước, được thực hiện tùy thuộc vào ý chí, nhận thức chủ quan của cá nhân trực tiếp thực hiện quyền khởi kiện[7]; ngược lại, việc tham gia TTHC của người bị kiện được xác định là trách nhiệm công vụ và không phụ thuộc vào ý chí hoặc mong muốn chủ quan của cá nhân được phân công trực tiếp tham gia tố tụng.
Thứ ba, về tư cách tham gia TTHC
Người bị kiện trong TTHC là một bên đương sự, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với các đương sự khác theo quy định của pháp luật TTHC. Do đó, trong quá trình TTHC, các đương sự đều có quyền đối thoại với nhau và yêu cầu Toà án tổ chức việc đối thoại này; các đương sự đều có quyền yêu cầu các đương sự khác cung cấp tài liệu, chứng cứ; thoả thuận với nhau để lựa chọn người giám định và người phiên dịch; v.v..[8]
Mặc dù trong TTHC, người bị kiện bình đẳng về ý chí với các đương sự khác nhưng cũng phải thấy rằng, việc tham gia vào TTHC với tư cách là người bị kiện không làm “vô hiệu” khả năng sử dụng quyền lực nhà nước của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Do đó, với tư cách là một bên đương sự trong TTHC, người bị kiện có trách nhiệm tôn trọng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác; không được sử dụng thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước của mình để ngăn cản các đương sự khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ hoặc gây khó khăn cho Toà án trong quá trình TTHC. Tuy vậy, khi tham gia TTHC, người bị kiện vẫn được và buộc phải nhân danh Nhà nước; vì quyền, lợi ích của Nhà nước. Nói cách khác, việc tham gia TTHC của người bị kiện không chỉ là do công vụ mà còn là vì công vụ.
Thứ tư, về điều kiện bảo đảm việc tham gia TTHC
Người bị kiện được Nhà nước bảo đảm về thời gian vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc[9]thậm chí là đội ngũ chuyên môn tham vấn cho việc tham gia TTHC[10]. Ngược lại, người khởi kiện phải tự mình tạo lập các điều kiện này.
Những lập luận, phân tích trên cho thấy, việc người bị kiện tham gia TTHC không chỉ đơn thuần là việc thực hiện quyền, nghĩa vụ TTHC như các đương sự khác, mà cần xác định đây là trách nhiệm công vụ của người bị kiện. Tuy địa vị pháp lý của người bị kiện được biểu hiện trong tổng thể các quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách là đương sự, nhưng trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong TTHC chỉ giới hạn trong phạm vi các vấn đề liên quan đến xử sự có tính bắt buộc và hậu quả pháp lý bất lợi. Do đó, có thể hiểu: trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong TTHC là tổng thể các nghĩa vụ của người bị kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật TTHC trên cơ sở nhân danh Nhà nước và hậu quả pháp lý bất lợi mà họ phải gánh chịu nếu vi phạm các nghĩa vụ này. Theo đó, việc tham gia TTHC của người bị kiện cần có những yêu cầu và hậu quả pháp lý khác biệt so với các đương sự khác nói chung và người khởi kiện nói riêng.
2. Trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành và giải pháp hoàn thiện
Hiện nay, vấn đề trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong TTHC chưa được quan tâm nghiên cứu và quy định đầy đủ. Tuy nhiên, pháp luật TTHC hiện hành đã có một số nội dung thể hiện quan niệm việc tham gia TTHC là trách nhiệm công vụ của người bị kiện, cụ thể như sau.
Thứ nhất, khoản 3, 4, 5 Điều 59 Luật TTHC năm 2015 quy định: “3. Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.
Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.
4. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức đã giải thể mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.
5. Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Có thể nhận thấy rằng, đây là các trường hợp người bị kiện không phải là tổ chức, cá nhân trực tiếp ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị kiện. Việc họ tham gia TTHC với tư cách là người bị kiện được pháp luật TTHC quy định trên cơ sở sự kế thừa trách nhiệm công vụ của nền hành chính quốc gia. Điều này không chỉ cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, liên tục, thông suốt[11] trong hoạt động công vụ của nền hành chính quốc gia mà còn cần thiết để bảo đảm vai trò kiểm soát của TTHC đối với hoạt động công vụ của nền hành chính quốc gia và tính hiện thực của quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Thứ hai, khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Quy định này đã làm hạn chế hơn sự tự chủ của người bị kiện so với các đương sự khác trong việc uỷ quyền tham gia TTHC cho người khác. Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để tăng cường trách nhiệm công vụ trong TTHC của người bị kiện nói riêng và nền hành chính quốc gia nói chung, đồng thời khắc phục tình trạng: “người bị kiện uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng nhưng người được uỷ quyền không được quyền quyết định đối với đối tượng bị khởi kiện”[12]dẫn đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện trong TTHC không nhanh chóng, chủ động và đầy đủ. Theo đó, làm giảm hiệu quả kiểm soát của TTHC đối với hoạt động công vụ của nền hành chính quốc gia.
Theo quy định tại các khoản 15, 16 Điều 55 Luật TTHC năm 2015, người bị kiện nói riêng, đương sự nói chung có quyền, nghĩa vụ: tham gia phiên tòa, phiên họp và phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy vậy, thực tế trong 03 năm (2015, 2016 và 2017) cho thấy, tình trạng người bị kiện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa trong TTHC có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Tỷ lệ Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) và người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa trong năm 2015 là 12%; năm 2016 là 23,78%; năm 2017 là 33,27%. Trong đó, ở một số địa phương, Chủ tịch UBND và người đại diện thường xuyên không tham gia phiên tòa, phiên đối thoại, như: ở Hải Phòng: không tham gia 61/61 vụ; ở Điện Biên: không tham gia 13/14 vụ; ở thành phố Hồ Chí Minh: không tham gia 260/260 phiên đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; ở Hà Nội: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tham gia tố tụng. Lý do không tham gia tố tụng được UBND các địa phương nêu đều do “bận công tác”[13].
Để khắc phục tình trạng trên, để tăng cường trách nhiệm của người bị kiện trong TTHC, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có sự kiểm tra, giám sát[14] trong thi hành công vụ của người bị kiện, pháp luật TTHC cần quy định nhất quán, rõ ràng việc tham gia các phiên toà, phiên họp là nghĩa vụ của người bị kiện; đồng thời không cho phép người bị kiện được miễn trừ nghĩa vụ này vì bất cứ lý do gì. Hơn nữa, những quy định này còn cần thiết để góp phần bảo đảm tính hiện thực của quy định tại khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”.
Thứ ba, khoản 2 Điều 78 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính”. Quy định này là cần thiết để chứng minh tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị kiện. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 57 Luật TTHC năm 2015 cũng quy định quyền, nghĩa vụ của người bị kiện là “chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện”. Như vậy, điểm hạn chế của pháp luật hiện hành là không quy định rõ ràng về nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định, hành vi bị khởi kiện của người bị kiện mặc dù nghĩa vụ này cần được hiểu là trách nhiệm công vụ đương nhiên của họ được xác lập ngay trước khi ban hành quyết định, thực hiện hành vi này trong quản lý hành chính nhà nước. Minh chứng cho vấn đề này, có thể đơn cử quy định có tính nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính: “người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”[15].
Mặt khác, Luật TTHC năm 2015 không bao hàm quy định về hậu quả pháp lý riêng biệt khi người bị kiện vi phạm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khoản 1 Điều 83 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật này để giải quyết vụ án”. Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng, “một số vụ án, người bị kiện cung cấp chứng cứ không đúng thời hạn, không đầy đủ, có những trường hợp Tòa án phải nhiều lần làm văn bản đôn đốc, thậm chí không hợp tác trong việc cung cấp chứng cứ và cũng không trả lời Tòa án, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, người khởi kiện không tiếp cận được chứng cứ theo quy định”[16].
Để khắc phục hạn chế nêu trên, pháp luật TTHC cần quy định: chứng minh tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị kiện là nghĩa vụ của người bị kiện; đồng thời quy định, trường hợp người bị kiện không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ trong thời hạn do pháp luật quy định mà không có lý do chính đáng bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định bị kiện hoặc có hành vi bị kiện thì Toà án phải kết luận việc ra quyết định hoặc thực hiện hành vi này là trái pháp luật (do không có đủ căn cứ để chứng minh các quyết định, hành vi này là hợp pháp).
Thứ tư, theo quy định của khoản 4 Điều 57 Luật TTHC năm 2015, “sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện” là quyền, nghĩa vụ của người bị kiện. Mặc dù quy định này nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nền hành chính quốc gia, nhưng lại chưa có sự phân định cần thiết giữa quyền và nghĩa vụ của người bị kiện. Vì vậy, trên thực tế, quy định này chưa thực sự phát huy được hiệu quả và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường trách nhiệm công vụ của người bị kiện trong TTHC. Để khắc phục hạn chế này, pháp luật TTHC cần quy định người bị kiện có nghĩa vụ sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định, danh sách cử tri bị kiện; dừng hành vi bị kiện; khắc phục hậu quả của quyết định, danh sách, hành vi bị kiện trong trường hợp không có đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh các quyết định, hành vi, danh sách này hoàn toàn hợp pháp.
Thứ năm, để bảo đảm việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trách nhiệm công vụ của người bị kiện, pháp luật TTHC hiện hành cần quy định: Toà án có trách nhiệm kiến nghị, các đương sự khác có quyền đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người bị kiện, người đại diện của người bị kiện vi phạm trách nhiệm công vụ trong TTHC.
Tóm lại,xuất phát từ tính đặc thù của người bị kiện mà cần thiết phải quy định và bảo đảm thực hiện trách nhiệm công vụ của họ trong TTHC. Những quy định của pháp luật TTHC về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ và hợp lý. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật TTHC nhằm bảo đảm tăng cường trách nhiệm công vụ của nền hành chính quốc gia nói chung và của người bị kiện trong TTHC nói riêng, qua đó góp phần kiểm soát hữu hiệu hoạt động công vụ của nền hành chính quốc gia và bảo đảm thực chất sự bình đẳng giữa các đương sự trong TTHC là hết sức cần thiết./.
 

[1] Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1996.
[2] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 216.
[3] Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_v%E1%BB%A5 (truy cập ngày 21/01/2019).
[4] Xem: Phạm Hồng Thái (chủ biên): Hợp đồng hành chính trong quản lý nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016, tr. 64.
[5] Sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân.
[6] Sau đây gọi chung là quyết định hành chính, hành vi hành chính.
[7]. Xem: Nguyễn Mạnh Hùng, Phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính và thẩm quyền xét xử hành chính ở Việt Nam (Sách chuyên khảo; tái bản có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 15, 39.
[8] Xem: Các khoản 6, 7, 11 Điều 55; khoản 1 Điều 63; khoản 1 Điều 64 và Điều 138 Luật TTHC năm 2015.
[9] Về cơ bản, đây là các điều kiện bảo đảm thi hành công vụ được quy định tại Chương VII của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
[10] Xem: Báo cáo Kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND”, số 1516/BC-UBTP14, ngày 26/09/2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tr. 4, 16.
[11] Xem: Khoản 4 Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
[12] Xem: Tờ trình số 04/TTr-TANDTC ngày 10/04/2015 của Tòa án nhân dân tối cao về Dự án Luật TTHC (sửa đổi), tr. 2.
[13] Xem: Báo cáo số 1516/BC-UBTP14, tlđd, tr. 5.
[14] Xem: Khoản 3 Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
[15] Xem: Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[16] Xem: Báo cáo số 1516/BC-UBTP14, tlđd, tr. 5, 6; Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao Tổng kết công tác năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 của các Tòa án, tr. 25.