Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống - thực tế áp dụng và kiến nghị hoàn thiện

16/09/2019

Tóm tắt: Pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung và thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nói riêng hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, cần được hoàn thiện từ cơ sở thuế cho đến phương thức đánh thuế. Cơ sở thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống hiện nay còn quá hẹp, trong khi cần phải mở rộng việc đánh thuế đối với nước ngọt và đánh thuế tại khâu lưu thông, bổ sung phương thức đánh thuế theo thuế suất cố định, đánh thuế thông qua tem thuế và miễn thuế đối với trường hợp có doanh thu thấp.
Từ khóa: thuế, tiêu thụ đặc biệt, đồ uống, nước ngọt 
Abstract: The law on special consumption tax in general and the special consumption tax on beverages in particular currently reveals a number of shortcomings, which need to be reviwed for further improvement to both the taxation ground and the taxation method. The taxation ground for existing special consumption tax on beverages is too narrow, while it is necessary to expand the taxation on sugary drinks; taxation at the circulation stage; supplement of taxation method of the lump sum tax on unit; taxation through the tax stamps; and tax exemption for low turnover cases.
Keywords: tax; special consumption; beverages; sugary drinks
 TVHai---thue-tieu-thu-dac-biet.jpg
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
1. Tổng quan về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống
Tại Việt Nam hiện nay, khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống tăng theo như một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên,  không phải loại đồ uống nào cũng tốt cho sức khỏe của con người, nhất là một số loại đồ uống có cồn như rượu hay bia. Đã có những bằng chứng khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thường xuyên các loại đồ uống có cồn, đồ uống có ga với một số bệnh như gan, tim mạch, huyết áp, tiểu đường hay béo phì của con người. Một trong những cách thức nhằm điều chỉnh hành vi của người dân khi sử dụng những hàng hóa, dịch vụ cần được hạn chế, đó là đánh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt(TTĐB).  
Thuế TTĐB (thuật ngữ chung tiếng Anh là “excise taxes” hoặc “excise duty”) là loại thuế được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới với các tên gọi khác nhau như: thuế tiêu dùng đặc biệt (Pháp); thuế đặc biệt (Thụy Điển); thuế tiêu thụ (Trung Quốc)… Ở mỗi quốc gia khác nhau, tương ứng với từng giai đoạn khác nhau mà danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB có thể thay đổi. Điều này phụ thụộc vào sự thay đổi trong chủ trương, chính sách của Nhà nước về hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng cũng như việc điều tiết thu nhập của các tầng lớp trong xã hội. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, thuế TTĐB được đánh vào rượu vang, bia, các đồ uống có cồn nồng độ thấp, nước uống có hương vị, hàng hóa nhập khẩu chứa cồn, sản phẩm thuốc lá, dầu hydrocarbon, các sản phẩm gây biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học[1]. Tại Thái Lan, theo Luật Thuế TTĐB năm 2017, các loại hàng hóa sau đây bị đánh thuế TTĐB: dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, một số đồ uống, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble, sản phẩm làm nguy hại đến bầu khí quyển, rượu, thuốc lá, bài lá… Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, loại thuế này được đánh theo đối tượng chịu thuế riêng biệt, chẳng hạn: thuế đồ uống có cồn, thuế thuốc lá, thuế ô tô, thuế xăng, thuế đồ uống có đường…
Mục đích chính của việc đánh thuế TTĐB là điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng. Việc đánh thuế cao vào một hàng hóa, dịch vụ nhất định sẽ có tác dụng làm thay đổi sự lựa chọn của người tiêu dùng sang một hoặc một số loại hàng hóa thay thế. Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi hành vi của người tiêu dùng thông qua việc đánh thuế cao đôi khi cũng bị thất bại và/hoặc không đạt hiệu quả. Trong một số trường hợp, việc đánh thuế với thuế suất cao đối với một số hàng hóa sẽ không làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng do nhu cầu của họ bị gắn quá chặt với loại hàng hóa đó, ví dụ như những người nghiện thuốc lá hoặc rượu. Thậm chí, người tiêu dùng sẽ sử dụng những hàng hóa cùng loại nhưng phẩm cấp thấp hơn với giá thành thấp hơn và điều đó cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến sức khỏe của họ nhiều hơn.
Đồ uống là một trong những loại thực phẩm quan trọng của con người. Kể từ khi phát minh ra kỹ thuật đóng hộp và kỹ thuật bảo quản thì đồ uống đóng chai trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều loại đồ uống được ưa chuộng, nhất là giới trẻ, như bia, rượu, nước tăng lực, nước ngọt có gas, nước ép hoa quả… Đồ uống bị đánh thuế TTĐB thường có những đặc trưng làmột số loại đồ uống thường gây hại hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Hiện nay, đối tượng chịu thuế đặc biệt là đồ uống chủ yếu được phân làm 3 loại: đồ uống có cồn (ví dụ như bia, rượu), đồ uống có ga (nước ngọt có đường hoặc không đường) và đồ uống khác (ví dụ như trà, cà phê, các loại nước ép…). Trong đó, đồ uống có cồn là đối tượng chịu thuế TTĐB do tác động tiêu cực trực tiếp của loại đồ uống này tới sức khỏe, tính mạng của con người. Nhìn chung, trừ bia, rượu, hầu hết những đồ uống còn lại đều chứa một tỷ lệ đường nhất định. Bên cạnh những tác động tiêu cực của đồ uống có cồn, những nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cũng cho thấy rõ ràng hơn những tác động tiêu cực của nước ngọt đối với sức khỏe của người tiêu dùng.   
Theo số liệu thống kê của New England Journal of Medicine, tính đến năm 2015, tỷ lệ béo phì trong độ tuổi trưởng thành ở Việt Nam chỉ ở mức 1,23% đối với nam và 2,03% đối với nữ trong độ tuổi trưởng thành và con số này ở trẻ em trai là 2,36% và trẻ em gái là 1,94%. Mặc dù đây vẫn là mức không cao so với trung bình trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ thừa cân ở cả 4 nhóm đối tượng đã tăng gấp 3 lần so với hồi năm 1980[2]. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm trở lại đây. Hiện nay, theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 20 người Việt Nam có một người bị tiểu đường và trong năm 2015 đã có khoảng 4% số ca tử vong do các bệnh lý liên quan đến tiểu đường, tương đương 21.960 trường hợp[3]. Năm 2016, WHO đã đề nghị các quốc gia nên tăng thuế đối với đồ uống có đường sao cho có thể đạt được sự tăng giá bán ở mức 20% và hiện có khoảng 36 quốc gia đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường[4]. Theo một nghiên cứu của WHO, yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến lượng mua và tiêu thụ đồ uống có đường là giá cả chứ không phải khẩu vị hoặc các yếu tố gây nghiện, do đó nếu tăng giá bán sẽ làm giảm tiêu dùng[5]. Do đó, can thiệp thông qua công cụ thuế sẽ hữu hiệu hơn để điều tiết lượng tiêu dùng đồ uống có đường.
Về đối tượng chịu thuế, các quốc gia có quy định khác nhau nhưng chủ yếu phân thành 2 nhóm là đồ uống có cồn và đồ uống không cồn. Tại Việt Nam, đồ uống bị đánh thuế TTĐB là đồ uống có cồn mà cụ thể xác định thành 2 nhóm chính là rượu và bia. Những loại đồ uống không có cồn hoặc có thể có cồn nhưng không xếp vào loại rượu hay bia thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thuế.
Về chủ thể nộp thuế, có những quốc gia quy định thuế TTĐB nói chung và thuế TTĐB đối với đồ uống nói riêng sẽ do cơ sở kinh doanh (cơ sở bán hàng) là chủ thể nộp thuế. Trong khi đó, một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, lại quy định nghĩa vụ nộp thuế thuộc về chủ thể sản xuất đồ uống thuộc diện chịu thuế. Nếu trong trường hợp cơ sở kinh doanh là chủ thể chịu thuế, mức thuế phải nộp có thể cao hơn do giá bán cao hơn, nhưng có ưu điểm là trực tiếp hạn chế khả năng mua hàng của người tiêu dùng mà đây chính là mục đích chủ yếu của thuế TTĐB. Trong trường hợp, cơ sở sản xuất là chủ thể chịu thuế, mức thuế phải nộp có thể thấp hơn do giá tính thuế chưa có chi phí lưu thông, và phương thức nộp thuế này có tính chất “ngăn chặn tại nguồn”, có khả năng hạn chế việc lựa chọn của chính người kinh doanh khi lựa chọn đồ uống để bán, trước khi đến tay người tiêu dùng.
Khi xác định chủ thể nộp thuế là cơ sở sản xuất, cần thiết phải phân loại quy mô và tính chất của cơ sở sản xuất. Với doanh nghiệp, do đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh và chế độ kế toán hóa đơn chứng từ nên việc quản lý thuế tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (khá phổ biến ở Việt Nam) thì việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn nên cần thiết kế chính sách thuế sao cho đơn giản.
Về phương pháp tính thuế, hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp tính thuế đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB, bao gồm tính thuế theo thuế suất phần trăm, tính thuế theo mức thuế cố định (thuế tuyệt đối) hoặc kết hợp cả hai phương pháp trên.
Trong phương pháp tính thuế theo thuế suất phần trăm, ngoài thuế suất thì số tiền thuế phải nộp còn phụ thuộc vào giá tính thuế đối với đơn vị hàng hóa. Nếu giá tính thuế đủ thấp, tác động của thuế TTĐB đối với giá bán hàng hóa là không đủ để thay đổi hành vi xã hội, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng lách luật khi phân tách các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm làm giảm giá tính thuế.
Trong phương pháp tính thuế tuyệt đối, mức thuế quy định không phụ thuộc vào giá tính thuế nên đảm bảo cho khả năng điều tiết của thuế đối với giá bán thấp, nghĩa là kể cả cơ sở sản xuất có bán giá thấp thì vẫn phải nộp mức thuế như thế, nên động cơ bán giá thấp sẽ bị triệt tiêu đáng kể. Tuy nhiên, việc ban hành một mức thuế cố định thường khó khăn hơn khi thuyết phục người dân về tính khoa học của mức thuế đó.
Do đó, để dung hòa hai phương pháp trên, một số quốc gia đã lựa chọn việc tính thuế theo cả hai phương pháp. Đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế sẽ chịu đồng thời cả hai mức thuế, một mức thuế cố định trên đơn vị hàng hóa và mức thuế phần trăm tính theo giá bán. Cách làm này tương đối phức tạp nhưng lại tận dụng được các ưu điểm của mỗi phương pháp tính thuế nêu trên.
Về mức thuế suất, quan điểm nhất quán mà nhiều quốc gia thực hiện là mức thuế suất của thuế TTĐB sẽ cao hơn so với thuế tiêu dùng thông thường (ví dụ như thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc thuế tiêu dùng bán lẻ). Có như vậy mới thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc điều tiết đối với các đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, mức thuế cụ thể là bao nhiêu lại có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tại châu Âu, các quốc gia có quyền quyết định mức thuế cụ thể trên cơ sở đảm bảo sự cam kết và phù hợp với hướng dẫn của Hội đồng châu Âu về việc hài hòa thuế TTĐB.
2. Thực trạng thực hiện pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống
Trong thời gian qua, việc thực thi pháp luật thuế TTĐB ở nước ta bên cạnh những thành tựu cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến hiệu quả về số thu cũng như tính công bằng của hệ thống thuế. Luật Thuế TTĐB năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014 và năm 2016) đánh thuế đối với đồ uống không còn đáp ứng yêu cầu về tính thời sự hay tính cập nhật với xu thế chung của thế giới, thể hiện ở những điểm sau đây:
Thứ nhất, việc thu thuế của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như cá nhân, hộ gia đình sản xuất đồ uống, nhất là rượu không hiệu quả.
Hiện trên thị trường có một số lượng không nhỏ các loại rượu, thậm chí cả bia (nhất là bia hơi) được sản xuất rải rác tại các cơ sở nhỏ lẻ và nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý thuế TTĐB. Điều này không chỉ là nguyên nhân dẫn tới thất thu ngân sách nhà nước, mà về lâu dài, chúng sẽ làm cho mục tiêu đánh thuế TTĐB không thể đạt được. Xét về góc độ thực tiễn, việc quản lý các cơ sở sản xuất (thậm chí là không kinh doanh mà chỉ sản xuất phục vụ tiêu dùng) là các cá nhân, hộ gia đình hết sức khó khăn, do họ không thực hiện các nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế. Đội ngũ nhân lực của các cơ quan quản lý thuế còn mỏng, không thể tập trung quản lý các nhóm chủ thể này nếu họ không tự nguyện khai thuế. Do đó, thất thu thuế TTĐB ở khu vực sản xuất tư nhân nhỏ lẻ là đáng kể, mặc dù hiện nay chưa thống kê số liệu cụ thể được.
Thứ hai, đối tượng các loại đồ uống bị đánh thuế TTĐB hiện nay còn hẹp, mới chỉ dừng lại ở nhóm đồ uống có cồn mà cụ thể là rượu và bia.
Trên thực tế, ngoài rượu và bia, hiện nay trên thị trường còn có những loại đồ uống chứa nồng độ cồn nhẹ như nước hoa quả lên men. Bên cạnh đó, những đồ uống khác như nước ngọt, đồ uống có ga, nước tăng lực v.v.., cũng là những đồ uống có những thành phần có hại cho sức khỏe như đường và các chất kích thích thì hiện chưa bị thu thuế. Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia châu Âu, những đồ uống này bị đánh thuế với mức thuế khá cao. Ví dụ, Phần Lan đã đánh thuế đồ uống từ năm 1926; Hungary đã áp dụng thuế đối với hàng loạt thực phẩm và đồ uống từ năm 2011, bao gồm 0,22 euro/lít cho đồ uống có hàm lượng đường trên 0,5% và Chính phủ cam kết dùng tiền thuế thu được tái đầu tư vào bảo vệ sức khỏe; năm 2011, Pháp đã áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và đường nhân tạo, bao gồm đồ uống trái cây và nước có hương vị. Tác động đối với sức khỏe chưa được đánh giá cụ thể, nhưng thực tế cho thấy, doanh số bán soda đã giảm lần đầu tiên trong nhiều năm vào năm 2012. Thuế đồ uống của Pháp đang tạo ra thu nhập cho ngân sách khoảng 300 triệu euro mỗi năm kể từ năm 2012[6].
Thứ ba, quy định về thuế suất còn nhiều bất cập, không chỉ ở mức thuế mà còn thiếu đa dạng về loại thuế suất.
Theo pháp luật hiện hành và xuyên suốt kể từ khi ban hành Luật Thuế TTĐB lần đầu tiên năm 1994 cho đến nay, chính sách thuế TTĐB của Việt Nam tương đối nhất quán, đó là chỉ xác định thuế suất theo loại thuế suất tỷ lệ phần trăm cố định. Thuế suất tỷ lệ có ưu điểm là co giãn theo giá tính thuế, tuy nhiên, nếu giá tính thuế thấp thì hiệu quả của mức thuế thu được không cao. Không những thế, thuế suất tỷ lệ có khuynh hướng điều tiết ngược, tức là khuyến khích việc sản xuất các loại hàng hóa có giá trị thấp, nhất là những hàng hóa có tính chất gây nghiện như rượu, bia vì những người sử dụng bị lệ thuộc và không có khuynh hướng dùng các loại hàng hóa khác thay thế. Do đó, những hàng hóa là rượu, bia có phẩm cấp thấp sẽ được tiêu dùng và gây độc hại cho sức khỏe nhiều hơn.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, việc đánh thuế TTĐB được thực hiện với nhiều cơ chế thuế suất khác nhau, bao gồm cả thuế cố định và thuế tỷ lệ. Khi đánh thuế cố định, lợi ích lớn nhất là đảm bảo một mức thu hợp lý đối với đối tượng chịu thuế mà không phụ thuộc vào mức giá, chỉ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của đồ uống thuộc diện chịu thuế. Như vậy, cho dù hàng hóa có mức giá thấp thì vẫn phải nộp thuế TTĐB ở một mức cố định, từ đó khuyến khích cả chủ thể nộp thuế và người tiêu dùng sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn để làm giảm tỷ trọng của thuế trong cơ cấu giá bán. Việc tính thuế cố định cũng cho phép một phương thức thu thuế đơn giản mà có thể áp dụng được dễ dàng đó là thu thuế thông qua tem thuế.
Thứ tư, phương thức thu thuế TTĐB hiện hành còn chưa đa dạng, dẫn đến hạn chế hiệu quả tính thuế và gây khó khăn cho khâu kiểm tra, giám sát.
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc thu thuế TTĐB chỉ thông qua phương thức khai thuế tại cơ sở sản xuất, do đó, khi hàng hóa, dịch vụ được tiêu thụ trên thị trường do các cơ sở thương mại bán ra sẽ không phát sinh nghĩa vụ thuế TTĐB. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra các cơ sở thương mại sẽ không có căn cứ và không thể biết được, thuế TTĐB đã được thu đối với hàng hóa đó hay chưa, trong khi về bản chất, hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng thì phải được nộp thuế TTĐB. Do đó, tình trạng gian lận, trốn thuế TTĐB có thể dễ dàng hơn và đặc biệt khó quản lý đối với những hàng hóa do các cơ sở nhỏ lẻ là cá nhân, hộ gia đình kinh doanh trực tiếp sản xuất bán ra. Ở nhiều nước trên thế giới, bằng chứng của việc hàng hóa đã nộp thuế TTĐB ở chỗ là có tem, vé dán trên bao bì, vỏ đựng của hàng hóa đó. Như vậy, nếu hàng hóa không được dán tem thì xem như chưa chịu thuế TTĐB và người đang kinh doanh hàng hóa đó phải nộp thuế và bị xử phạt theo quy định. Điều này sẽ góp phần tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật thuế của tất cả các khâu trong quá trình kinh doanh, từ sản xuất đến lưu thông đồ uống thuộc diện chịu thuế.
Thứ năm, quy định về giảm thuế TTĐB chưa phù hợp với bản chất của thuế TTĐB là thuế gián thu.
Theo quy định của Điều 9 Luật Thuế TTĐB, người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
Tuy nhiên, xét về bản chất, thuế TTĐB là thuế gián thu, tức là chi phí thuế sẽ cấu thành giá bán hàng hóa, dịch vụ chứ không phải là thu nhập của người nộp thuế. Do đó, việc người nộp thuế bị thiệt hại (về thu nhập) do gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ không liên quan đến nghĩa vụ thuế TTĐB. Chỉ với những hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra mới phát sinh nghĩa vụ thuế, nên nếu được giảm thuế thì sẽ không công bằng với những hàng hóa tương tự do những cơ sở sản xuất khác bán ra. Bên cạnh đó, chi phí thuế TTĐB không liên quan đến thu nhập của người nộp thuế nên việc miễn, giảm với lý do gặp khó khăn là ưu đãi không hợp lý. Trong trường hợp này, nếu có ưu đãi thì phải ưu đãi bằng hình thức miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về thuế thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ nhất, Bộ Tài chính cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể về việc có nên đánh thuế TTĐB vào khâu lưu thông hay không. Theo quan điểm của chúng tôi, nên thay đổi việc đánh thuế chỉ vào khâu sản xuất hoặc khâu nhập khẩu sang việc đánh thuế vào cả khâu lưu thông vì những lý do sau:
i) Việc thu thuế TTĐB ở cả khâu lưu thông sẽ hạn chế hiệu quả hơn việc gian lận về giá qua các khâu trung gian như từng xảy ra đối với một số chủ thể nộp thuế có quy mô lớn[7]. Trong trường hợp đánh thuế TTĐB vào khâu lưu thông, cho dù các chủ thể nộp thuế thực hiện mua bán lòng vòng qua nhiều khâu, phần giá trị tăng thêm của đồ uống thuộc diện chịu thuế sẽ vẫn phải chịu thuế TTĐB. Như vậy, về lý thuyết, việc gian lận là không thể thực hiện được. Đồng thời, việc đánh thuế TTĐB vào khâu lưu thông sẽ đòi hỏi các chủ thể kinh doanh đồ uống thuộc diện chịu thuế có trách nhiệm trong việc đảm bảo hàng hóa đầu vào của mình đã có thuế TTĐB.
ii) Về bản chất, việc đánh thuế TTĐB có mục đích hạn chế tiêu dùng, do đó, ngoài sản xuất thì khâu lưu thông chính là điều kiện quan trọng để hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng. Do đó, muốn hạn chế tiêu dùng hiệu quả thì cần đánh thuế TTĐB ở cả khâu lưu thông mới đảm bảo đúng bản chất của thuế TTĐB.
iii) Mặc dù quy định hiện hành cũng phần nào hạn chế được tình trạng mua bán giá thấp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở phân phối mà do cơ sở sản xuất đó có quyền chi phối, tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự giám sát khá chặt và thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp có sự “thỏa thuận ngầm” về việc phân chia lợi ích (từ số thuế TTĐB tránh được) giữa cơ sở sản xuất với cơ sở thương mại không có quan hệ chi phối, thì cơ quan quản lý nhà nước không dễ dàng xử lý được.
Bên cạnh những ưu điểm, tác giả cũng nhận thấy giải pháp này cũng có những mặt hạn chế nhất định. Giải pháp này sẽ làm cho thuế TTĐB khá giống với thuế GTGT, vì thế sẽ có một câu hỏi đặt ra là tại sao không tăng mức thuế suất của một số mặt hàng bị hạn chế ngay trong Luật thuế GTGT mà lại cần một loại thuế riêng? Thực ra, về bản chất, không nên gộp hai loại thuế này vào làm một vì triết lý đánh thuế là khác nhau. Trong khi thuế GTGT được thu với tính chất khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, cũng như chia sẻ nguồn lực giữa xã hội và Nhà nước thì thuế TTĐB lại có khuynh hướng hạn chế sản xuất và tiêu dùng, đồng thời vấn đề phân chia nguồn lực thuế TTĐB không được xem trọng như đối với thuế GTGT. Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều ban hành thuế TTĐB độc lập với thuế GTGT.
Thứ hai, nên sử dụng phương pháp tính thuế trên doanh thu đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và đánh thuế ở đại lý thu mua, cũng như xác định những trường hợp quy mô nhỏ được miễn thuế. Cụ thể như sau:
i) Trong trường hợp không áp dụng biện pháp thu thuế thông qua tem thì để đảm bảo việc thu thuế TTĐB hiệu quả ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cần quy định rõ việc đánh thuế dựa trên doanh thu và tỷ lệ trên doanh thu. Việc đánh thuế trên doanh thu cho phép cơ quan quản lý thuế được quyền khoán doanh thu để tính thuế, như thế ở chừng mực nhất định sẽ đảm bảo được số thu dự kiến, tránh tình trạng thất thoát gần như hoàn toàn nguồn thu thuế TTĐB.
ii) Có thể xem xét việc quy định các cơ sở thu mua từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là chủ thể nộp thuế thay cho cơ sở sản xuất, nếu không thực hiện việc đánh thuế TTĐB ở cả khâu lưu thông. Với quy định này, cơ quan quản lý thuế chỉ việc “nắm” các cơ sở thu mua đầu mối, còn thỏa thuận về việc chịu thuế sẽ do cơ sở thu mua và cơ sở sản xuất tự dàn xếp trong giá bán hàng hóa, dịch vụ. Điều đó sẽ đảm bảo đồ uống khi bán ra thị trường đã phải chịu thuế TTĐB.
iii) Nên xem xét cân nhắc việc miễn thuế TTĐB cho các chủ thể sản xuất có quy mô quá nhỏ, sản xuất ở mức tiêu thụ gia đình không có bản chất kinh doanh rõ ràng. Hiện nay, đối với thuế GTGT, các chủ thể kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì hàng hóa đó không thuộc diện chịu thuế[8] GTGT nhưng lại vẫn chịu thuế TTĐB. Để đúng bản chất, việc những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB nên chịu thuế, nhưng chủ thể kinh doanh do có mức doanh thu và thu nhập thấp sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, danh sách miễn thuế này cần được xác minh và quyết định một cách công bằng, có đánh giá của từng năm chứ không phải áp dụng vĩnh viễn.
Thứ ba, cần mở rộng cơ sở thuế để đảm bảo điều tiết hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nhu cầu tăng thu ngân sách nội địa hiện nay.
Mở rộng cơ sở thuế hiện nay là một phần của chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với thuế TTĐB đối với đồ uống, dư địa để mở rộng cơ sở thuế là còn khá nhiều vì những đồ uống bị đánh thuế còn khá hạn chế. Theo quan điểm của chúng tôi, cần bổ sung các đối tượng chịu thuế là đồ uống sau đây:
i) Nên đánh thuế đối với đồ uống có đường, kể cả loại có ga hoặc không ga vì đây là những đồ uống có hại cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng béo phì hoặc bị tiểu đường (trừ một vài loại đồ uống là thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em hoặc nuôi dưỡng người bệnh theo chỉ định của Bộ Y tế). Hiện nay, đa số các nước trên thế giới, kể các nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, hàm lượng từ 0,5% trở lên với lý do tương tự. Nguồn thu từ thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ dành một phần để thực hiện các chương trình phòng chống bệnh tiểu đường, béo phì và các bệnh lý khác có liên quan.
ii) Thuế TTĐB nên đánh với các loại sản phẩm khô có thể pha chế thành đồ uống thuộc diện chịu thuế sử dụng trực tiếp mà không qua chế biến thành sản phẩm thương mại như cồn etylic khô, các hỗn hợp thể rắn hoặc lỏng mà sau khi pha chế với nước có thể trở thành đồ uống thuộc diện chịu thuế. Như vậy mới đảm bảo không bị tránh thuế từ việc cô đặc dung dịch đồ uống với mục đích để người tiêu dùng tự pha chế thành đồ uống.
Thứ tư, nên quy định đa dạng loại thuế suất và có mức thuế suất đồng nhất hơn giữa các loại đồ uống.
Như đã phân tích ở trên, thuế suất cố định và thuế suất tỷ lệ có ưu điểm và hạn chế khác nhau. Hiện nay pháp luật hiện hành chỉ quy định về thuế suất tỷ lệ mà không có thuế suất cố định đã hạn chế khả năng thu thuế cũng như khả năng điều tiết đối với hàng hóa là đồ uống thuộc diện chịu thuế. Do đó, nên sửa đổi Luật thuế TTĐB để cho phép áp dụng thuế suất tuyệt đối với một số loại hàng hóa, trong đó có đồ uống. Thuế suất cố định sẽ là cơ sở để thực hiện việc thu thuế thông qua tem thuế. Ngoài ra, không nên đánh thuế suất quá khác biệt giữa các loại đồ uống có cùng tính chất nhằm đảm bảo hạn chế khả năng tránh thuế. Ví dụ, việc phân biệt độ cồn để đánh thuế với các mức thuế suất khác nhau đối với rượu và phân biệt thuế suất giữa rượu và bia sẽ không tạo ra sự bình đẳng về thuế giữa các hàng hóa chịu thuế. Nếu với mục đích điều tiết tiêu dùng thì rất khó có thể trả lời được câu hỏi rằng uống ít rượu nặng thì có hại hơn hay uống nhiều rượu nhẹ thì có hại hơn. Do đó, mức thuế suất thuế TTĐB đối với đồ uống ở nhiều quốc gia về cơ bản là như nhau. Ở Việt Nam cũng có thể tham khảo để đưa ra một mức thuế suất phù hợp, ví dụ ở mức 30% hoặc 40%.
Thứ năm, nên bổ sung việc thu thuế thông qua phát hành tem thuế để đảm bảo chống thất thu.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, việc thu thuế TTĐB được thực hiện thông qua dán tem trên sản phẩm khá hiệu quả. Hàng hóa có tem thuế thì mới coi là đã nộp thuế TTĐB. Như vậy sẽ đảm bảo chống thất thu thuế vì việc kiểm tra hàng hóa đã chịu thuế hay chưa khá dễ dàng, ngay cả ở khâu thương mại. Trong trường hợp khi kiểm tra ở khâu thương mại mà phát hiện đồ uống chưa có tem thuế (chưa dán tem hoặc tem giả) thì người kinh doanh phải nộp đủ thuế TTĐB và bị xử phạt do gian lận thương mại.
Tuy nhiên, giải pháp sử dụng tem thuế cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định. Một là, việc thu thuế thông qua tem thuế chỉ có thể thực hiện được nếu có cơ chế thuế suất cố định, vì nếu thuế TTĐB tính dựa trên giá bán thì không thể dán tem thuế. Hai là, tem thuế sẽ phát sinh ra chi phí đối với chủ thể nộp thuế hơn so với khai thuế vì ngoài thuế còn có phí in và phát hành tem. Ba là, tem thuế có thể bị làm giả và đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có cách thức kiểm tra phù hợp. Tuy nhiên, về tổng thể, tem thuế sẽ giải quyết được những khó khăn quan trọng hiện nay là thất thu thuế do không khai thuế và không có khả năng giám sát hàng hóa đã nộp thuế hay chưa.
Thứ sáu, cần bãi bỏ quy định về việc giảm thuế TTĐB đối với người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ và miễn thuế cho cơ sở sản xuất nhỏ.
Bản chất của thuế TTĐB là thuế gián thu, tức là người tiêu dùng là người chịu thuế chứ không phải cơ sở kinh doanh. Chính vì vậy, nếu cần ưu đãi thuế thì phải là thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải thuế TTĐB hay thuế GTGT. Cần quy định trường hợp cơ sở kinh doanh là cá nhân, hộ gia đình có doanh thu thấp (cả năm dưới 100 triệu đồng) thì được miễn thuế, còn lại không nên có quy định về giảm thuế, miễn thuế cho trường hợp khó khăn vì việc đánh giá thế nào là khó khăn và mức độ khó khăn là tương đối mơ hồ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công chức quản lý thuế có thể nhũng nhiễu người nộp thuế hoặc bản thân người nộp thuế lợi dụng quy định để trốn thuế./.
 

[1]Guidance: UK Trade Tariff: excise duties, reliefs, drawbacks and allowances”, 
Nguồn: www.gov.uk/government/ publications/uk-trade-tariff-excise-duties-reliefs-drawbacks-and-allowances, truy cập 03/8/2018
[2]The New England Journal of Medicine (2017), Health Effects of Overweight and Obesity in 195 Countries over 25 Years, , Vol.377 No.1, July 6, 2017
[3] World Health Organization (2018), Noncommunicable diseases country profiles 2018, tr.218,
Nguồn: http://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/274512/9789241514620-eng.pdf?ua=1
[4] World Health Organization  (2018), “Tax on sugary drinks will make children and the budget healthier”, https://www.who.int/malaysia/news/commentaries/detail/tax-on-sugary-drinks-will-make-children-and-the-budget-healthier
[5] World Health Organization (2016), Global report on diabetes, tr.38.
Nguồn: http://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/204871/9789241565257_eng.pdf?sequence=1
[6]World Health Organization(2016), “Putting taxes into the diet equation”, tr. 239 - 240,
Nguồn http://dx.doi.org/10.2471/BLT.16.020416.
[7]Vụ Sabeco tránh thuế TTĐB là một điển hình, theo đó công ty này thành lập các cơ sở thương mại trực thuộc để bán bia, rượu được sản xuất với giá thấp (tức là nộp thuế TTĐB theo giá thấp), sau đó những cơ sở thương mại này sẽ bán cho các đại lý và chỉ phải chịu thuế GTGT ở khâu thương mại. Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/sabeco-bi-truy-thu-them-gan-2500-ty-dong-thue-tieu-thu-dac-biet-20161105112500107.htm, ngày 05/11/2016
[8] Khoản 25 Điều 5 Luật Thuế GTGT.