Quản lý và điều tiết: Cải cách bộ máy chính quyền dưới sức ép phục vụ người dân và doanh nghiệp

01/05/2014

Người ta có thể tranh luận bất tận về các lý thuyết tổ chức quyền lực nhà nước, song sau khi bản Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội nước ta thông qua, có lẽ đã tới lúc cần trở về với thực tiễn hành động. Trong khuôn khổ của bản Hiến pháp mới, chính quyền các cấp có thể đổi thay đáng kể được hay không, và nếu có cần cải cách theo những định hướng nào để chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Bài viết dưới đây xem xét cơ quan quản lý nhà nước như một tổ chức cung ứng dịch vụ công và thảo luận các khả năng tham khảo kinh nghiệm của khu vực tư nhân để cải thiện cách tổ chức và hoạt động của chính quyền.
Untitled_367.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Nhận diện rõ khách hàng để cung ứng dịch vụ công tốt hơn
Tựa như doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước cũng cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Từ trị an, hộ tịch, kinh doanh, cấp phép xây dựng, cho tới đăng ký tài sản, quản lý thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm… phần lớn dịch vụ công thiết yếu được cung cấp cho người dân bởi chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, quận, huyện). Rất hiếm khi người dân cần tới dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh, thành. Khách hàng của nền hành chính cấp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp. Chính quyền trung ương, nếu có duy trì một số dịch vụ công được tổ chức theo ngành dọc như thuế, hải quan, cũng tổ chức hệ thống từ tổng cục tới chi cục như các đại lý bố trí đều khắp ở các khu vực và địa phương.
Như vậy, như một sự phân chia thị trường, thực tiễn phân cấp quản lý nhà nước từ cổ xưa đã phân tách một cách khá tự nhiên đối tượng phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp phường xã tới cấp tỉnh. Việc phân cấp quản lý ấy tuân theo những nguyên tắc phổ quát đúc rút từ lý thuyết tổ chức của khu vực kinh tế tư nhân, theo đó một dịch vụ cần được quyết định và thực hiện bởi nơi có thông tin đầy đủ nhất, có thể tiến hành dịch vụ với chi phí giao dịch hợp lý nhất. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử, thanh tra xây dựng, đo đạc và lập bản đồ địa chính… không cấp nào phù hơn là cấp phường xã. Việc quản lý mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, cấp phù hợp sẽ là chính quyền cấp huyện. Cứ như thế, nếu xác định rõ đối tượng phục vụ (hay phân khúc thị trường), chính quyền từng cấp cần quản trị nguồn lực của mình một cách tương ứng để phục vụ tốt nhất khách hàng.
Trung tâm chính trị - hành chính của chính quyền tỉnh Bình Dương mới vận hành từ đầu năm 2014 là một ví dụ được tổ chức theo triết lý này. Vì khách hàng của nền hành chính cấp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp, trụ sở mới của UBND tỉnh Bình Dương có dáng dấp rõ rệt là một trung tâm dịch vụ, thân thiện với khách hàng hơn là công đường quyền uy truyền thống. Ở đó, người dân không cảm thấy mình nhỏ bé trước công quyền, họ tự tin hơn vì cảm nhận được thái độ chính quyền được tổ chức ra để phục vụ nhân dân. Không có những người bảo vệ canh gác nghiêm cẩn, khách ra vào không phải xuất trình chứng minh thư, không phải trình báo lý do tới công đường. Ngược lại, người dân được tư vấn, được phục vụ trong một không gian thân thiện, minh bạch, tiện lợi và sang trọng không kém các trung tâm thương mại hiện đại. Làm được như vậy bởi chính quyền tỉnh này hiểu rằng: tăng trưởng, phát triển và giàu có, 96% GDP hay phần lớn miếng bánh phúc lợi của tỉnh có được phần lớn là do công lao đóng góp của khu vực doanh nghiệp và dịch vụ. Những khách hàng ấy cần đến và ở lại với Bình Dương, họ là khách cần được phục vụ, hơn là đối tượng bị cai trị.
Cũng như vậy, chính quyền Quận 1 TP Hồ Chí Minh cũng năng động không kém trong những cố gắng liên tục làm hài lòng khách hàng là công dân của mình. Với vài thao tác đơn giản, sau mỗi thủ tục hành chính, người dân có thể đánh giá sự hài lòng của mình đối với từng công chức đã phục vụ mình. Tình trạng thụ lý hồ sơ cũng có thể được thông báo qua tin nhắn điện thoại, và một dịch vụ trả kết quả tại nhà cũng dự kiến được tiến hành.
Những quan sát từ thực tiễn ở trên cho thấy, trong cùng một thể chế chính trị ở nước ta, nếu xác định rõ phân khúc khách hàng cần được phục vụ, chất lượng dịch vụ công ở các cơ quan quản lý nhà nước có thể được cải tiến đáng kể. Hoàn cảnh và tiềm năng của các địa phương tất nhiên khác nhau, nhu cầu của khách hàng cũng khác nhau, vì thế trong cách thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần tới một khung khổ pháp luật trao cho họ quyền tự quản địa phương một cách linh hoạt và năng động. Như vậy, cần trao quyền lực và nguồn lực cho các cấp địa phương. Chỉ những việc mà địa phương không đủ thông tin và nguồn lực để quyết định mới nên thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương. Khi đã trao quyền, địa phương phải tự quản lấy nguồn lực để thỏa mãn nhu cầu về dịch vụ công của người dân ở địa phương. Nếu làm được như thế, chẳng những trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước nhân dân sẽ được cải thiện, mà việc đùn đẩy công việc và trách nhiệm từ cấp dưới lên cấp trên cũng sẽ chấm dứt.
Phân quyền rạch ròi giữa tự quản địa phương và chính quyền trung ương: Một tiền đề nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp
Từ thực tiễn khái quát thành chiến lược, để thực thi Hiến pháp 2013, cần triển khai soạn thảo mới đồng bộ nhiều đạo luật liên quan đến phân chia quyền lực giữa chính quyền các cấp, chí ít bao gồm các đạo luật sau: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và kể cả phải thay đổi quan niệm về pháp nhân công quyền trong Bộ luật Dân sự. Các đạo luật ấy cần ghi nhận chính quyền các xã, các chính quyền đô thị, chính quyền cấp tỉnh là những pháp nhân công quyền có ngân sách phân tách độc lập với chính quyền trung ương. Cấp phường, quận trong các đô thị tự quản và cấp huyện trong các tỉnh nên là những đại lý hành chính trung gian của thành phố hoặc tỉnh, tựa như các đại lý, song không nên là một cấp chính quyền đầy đủ.
Thẩm quyền của từng cấp phải được xác định rõ ràng. Xét về khía cạnh tổ chức nhà nước, bản Hiến pháp đáng ra phải là một văn bản thỏa thuận ghi nhận rõ việc phân chia quyền lực giữa chính quyền các cấp, từ xã, tỉnh tới trung ương. Phân chia quyền lực đồng thời sẽ kéo theo phân chia ngân sách một cách rạch ròi. Trong phạm vi nguồn lực được trao, chính quyền địa phương phải có đủ thẩm quyền tự quản, lãnh đạo chính quyền địa phương trước hết phải chịu trách nhiệm trước cử tri của địa phương mình.
Tài sản, sở hữu công và vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước theo đó cũng cần phân định thành sở hữu tách biệt của từng pháp nhân công quyền tương ứng kể trên. Sẽ có những tài sản thuộc quốc gia, tức là thuộc chính quyền trung ương, ví dụ các nguồn tài nguyên, bờ biển, hầm mỏ, các tập đoàn kinh tế có tính chất quốc gia, hạ tầng đường sắt, viễn thông và tài sản khác cần cho quốc gia. Ngược lại, doanh nghiệp địa phương, quyền sử dụng những ô thửa đất và công trình đầu tư từ ngân sách địa phương có thể thuộc về sở hữu của từng pháp nhân công quyền địa phương.
Theo cách nhìn đó, Tổng Công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nên phát triển thành một Ủy ban quản lý công sản của chính quyền trung ương. Thẩm quyền của SCIC nên nới rộng từ từ, không chỉ quản lý phần vốn ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, SCIC từ một Tổng công ty nên được chuyển đổi thành một Ủy ban quản lý công sản, ví dụ theo mô hình tương tự của Trung Hoa, để thay mặt chính quyền trung ương quản lý và điều hành vốn của chính quyền đã đầu tư vào các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Tương tự, các địa phương cũng cần thành lập những tổ chức quản lý công sản và vốn tại doanh nghiệp địa phương của riêng mình. Nếu Ủy ban quản lý công sản trung ương chịu trách nhiệm báo cáo công khai trước Quốc hội và Chính phủ, thì các Ủy ban quản lý công sản của các tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo trước HĐND và UBND địa phương.
Nếu quan niệm toàn bộ chính quyền một tỉnh là một pháp nhân công quyền thống nhất thì các cơ quan quyền lực như HĐND, UBND, các sở ban ngành của chính quyền một tỉnh chỉ là những bộ phận trực thuộc, không độc lập của pháp nhân này. Tùy theo nhu cầu phục vụ, việc thành lập bao nhiêu sở thuộc quyền tự quản của các địa phương. Song trước người dân và các bên thứ ba, toàn bộ chính quyền cấp tỉnh là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ kiện, ngược lại các sở ban ngành thì không có năng lực ấy. Các sở ban ngành ấy có thể vẫn còn duy trì con dấu riêng, song chúng không được xem là pháp nhân độc lập. Nói cách khác, nếu hành vi của một sở gây thiệt hại cho công dân, người bị hại có thể khởi kiện đòi toàn bộ chính quyền tỉnh như một pháp nhân phải đền bù thiệt hại.
Điều này cũng đúng trong mô hình chính quyền đô thị một cấp, dù có quy mô nhỏ như Đà Lạt, lớn hơn như Đà Nẵng hay có dáng dấp đại đô thị như TP Hồ Chí Minh. Trong chính quyền đô thị, cơ quan hành chính đô thị (được đại diện bởi chủ tịch ủy ban hành chính hoặc thị trưởng) có quyền bổ nhiệm các quận trưởng. Các quận trưởng hành xử như các đại diện ủy quyền nhân danh chính quyền đô thị, hành vi của họ nếu gây thiệt hại cho người dân có thể dẫn tới trách nhiệm của toàn bộ chính quyền đô thị.
Cải cách chính quyền trung ương: Phân tách hành pháp chính trị và nền hành chính công vụ chuyên nghiệp
Cứ như thế, trong lịch sử mọi cải cách ở Việt Nam thường diễn ra từ dưới lên trên, từ địa phương lan rộng tới trung ương. Toàn bộ chính quyền trung ương cũng nên được xem là một pháp nhân công quyền, được đại diện bởi Chính phủ. Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương khác, không phải cứ cơ quan tổ chức nào có con dấu mang quốc huy cũng có nghĩa là một đơn vị độc lập, có trách nhiệm riêng rẽ như pháp nhân. Ngược lại, toàn thể chính quyền trung ương hợp thành một pháp nhân công quyền, chịu trách nhiệm trước người dân và các bên thứ ba.
Như vậy, Chính phủ dù là hạt nhân quan trọng nhất, song cũng chỉ một trong vô số thiết chế tạo nên chính quyền trung ương. Sẽ có những cơ quan điều tiết chính sách của chính quyền trung ương hoạt động độc lập mà không phải là cơ quan của Quốc hội, cũng không phải là cơ quan của Chính phủ. Ngân hàng trung ương, Kiểm toán nhà nước, các Ủy ban thực thi chính sách điều tiết, ví dụ Ủy ban cạnh tranh… là những ví dụ. Nếu thực hiện đề án xây dựng Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần được tách ra khỏi Chính phủ để trở thành một thiết chế điều tiết chính sách tiền tệ độc lập của chính quyền trung ương.
Tùy theo sự nới rộng hay thu hẹp chức năng điều tiết mà Chính phủ có thể tăng hay giảm số lượng 18 bộ hiện hành. Cần nhấn mạnh về mặt pháp lý mỗi một bộ không phải là một pháp nhân độc lập. Cũng như đối với cấp sở, hành vi của một bộ suy cho cùng có thể dẫn tới trách nhiệm của toàn bộ pháp nhân chính quyền trung ương. Nói cách khác, nếu chính sách điều tiết của một bộ trái luật, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, những người bị thiệt hại có thể khởi kiện buộc chính quyền trung ương với toàn bộ tài sản quốc gia phải đền bù thiệt hại.
Thực thi quyền hành pháp, nói một cách tổng quát, Chính phủ có hai sứ mệnh chủ yếu, thứ nhất: lựa chọn và quyết định các chính sách điều hành quốc gia, và thứ hai: chịu trách nhiệm về sự vận hành của bộ máy công vụ toàn quốc. Tương ứng với hai sứ mệnh ấy, Chính phủ thường gồm hai bộ phận, một là bộ phận Hành pháp chính trị, có chức năng phát hiện, dự báo, thảo luận, lựa chọn và quyết định các chính sách điều tiết, và hai là bộ phận Hành chính công vụ thực thi những thẩm quyền thuộc chính quyền trung ương.
Hành pháp chính trị được thực hiện bởi tập thể Chính phủ hay Nội các, gồm người đứng đầu hành pháp, các bộ trưởng bộ sức mạnh hoặc toàn bộ các thành viên của Chính phủ. Ở đâu các đảng cầm quyền cũng kiểm soát nội các, hay chí ít cũng kiểm soát các bộ sức mạnh. Tùy theo nhu cầu, Chính phủ quyết định lập các cơ quan điều tiết thị trường, ví dụ Ủy ban chứng khoán, Hội đồng cạnh tranh, các ủy ban này có thể được đặt dưới sự giám sát của một bộ, song vì đây là những cơ quan quản lý theo nghiệp vụ, chúng thường được hưởng một quy chế hoạt động tự chủ tương đối về chuyên môn.
Nếu Bộ trưởng là chính khách, tham gia vào hành pháp chính trị, thì công chức cao nhất đứng đầu nền hành chính công vụ là một Thứ trưởng. Là công chức cao nhất trong nền công vụ, mọi quyết định về công vụ vì thế sẽ phải dừng lại ở cấp cuối cùng có thẩm quyền giải quyết là cấp thứ trưởng. Nếu thiết kế hệ thống công vụ dứt khoát và rạch ròi như thế, sẽ chấm dứt hàng ngàn sự vụ về bản chất là công vụ hàng năm vẫn được các tỉnh và các bộ đùn đẩy lên cho Chính phủ quyết định.
Sau khi phân quyền rạch ròi cho cấp địa phương, phần dịch vụ công còn lại thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, ví dụ hải quan, thuế quan, kiểm lâm, kiểm ngư, bảo vệ môi trường… sẽ được tổ chức theo ngành dọc từ tổng cục, cục, chi cục xuống các khu vực hoặc được ủy quyền cho địa phương thực hiện. Nếu chính khách được lựa chọn theo các tiêu chí chính trị, nghĩa là các nhà lãnh đạo có năng lực tạo ra tầm nhìn và giá trị mới thu hút sự hậu thuẫn của cử tri toàn quốc, công chức trong bộ máy hành chính công vụ được tuyển chọn, đề bạt và thăng tiến chủ yếu dựa trên thực tài, tính chuyên nghiệp, kỷ luật, trung thành và mẫn cán với các sứ mệnh thực thi pháp luật. Sự phân tách này từng bước sẽ giúp hình thành một nền công vụ thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nhân lực cho khu vực công: Mô tả công việc, ủy quyền cho cấp trung gian và tuyển dụng cạnh tranh dựa trên cơ sở thực tài
Trong toàn bộ hệ thống chính trị rộng lớn bao bọc lấy chính quyền ở Việt Nam, nền hành chính công vụ chắc chắn phải là bộ phận cốt lõi, là tâm điểm của các cuộc cải cách thể chế sắp tới. Thêm một lần nữa, kinh nghiệm tổ chức các công ty đại chúng với hàng vạn nhân viên hoạt động hiệu quả trên quy mô toàn cầu cũng có thể tạo nguồn cảm hứng cho các ý tưởng cải cách nền công vụ. Tạo giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn chung, tạo liên kết, mô tả từng vị trí công việc và phân quyền tới người công chức có thông tin đầy đủ nhất, trao cho công chức ấy đủ quyền hạn tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi công vụ… là những kinh nghiệm của khu vực tư nhân, song hoàn toàn có thể du nhập được một cách thành công vào khu vực hành chính công.
Sự thay đổi ở Bình Dương có được một phần do lãnh đạo tỉnh này đã tạo ra những giá trị mới, nhận thức về sứ mệnh phục vụ của chính quyền. Từ sứ mệnh mới, chính quyền được thiết kế để phục vụ, đặc biệt chính quyền cấp tỉnh được thiết kể để phục vụ đối tượng chính là doanh nghiệp. Từ thiết kế sẽ ảnh hưởng việc sắp xếp quy trình hành chính nhằm phục vụ khách hàng và ảnh hưởng tới thước đo tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Qua năm tháng, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp tất yếu sẽ hình thành.
Sau khi hệ thống mô tả công việc hình thành, mỗi vị trí công chức chỉ tồn tại vì nó cấp một giá trị gia tăng không thể thay thế cho quy trình công vụ. Con người được bố trí theo công việc cần làm. Khi được trao quyền và giám sát đầy đủ, một công chức sẽ chịu trách nhiệm quyết định về hành vi công vụ thay mặt cho công sở mà mình đại diện. Mỗi sở không phải là pháp nhân, mỗi bộ không phải là pháp nhân, vì vậy mọi quyết định hành chính không nhất thiết cần được ký và đóng dấu bởi giám đốc sở hoặc bộ trưởng hay các phó giám đốc hoặc thứ trưởng được phân công. Một quy chế ủy quyền mạnh mẽ sẽ giúp cho nhân lực quản lý ở cấp trung gian có thể thừa ủy quyền của chính quyền mà quyết định các hành vi công vụ cần thiết, ví dụ cấp phép, phê duyệt đề án, xác nhận hoặc xử phạt mà không cần trình lên cho nhân lực lãnh đạo ở cấp cao hơn quyết định.
Tựa như những nhóm nhân viên được trao quyền phụ trách và quyết định trong chuỗi quy trình tạo ra sản phẩm toàn cầu, việc ủy quyền rành mạch cho các cấp thấp hơn, trực tiếp cung cấp dịch vụ công, về lâu dài sẽ giảm bớt hiện tượng ngày càng có nhiều nhân lực lãnh đạo, nhất là cấp phó trong hệ thống chính quyền ở nước ta. Số lượng thứ trưởng mỗi bộ có thể giảm từ 6 người xuống 1-2 người, nếu các cục trưởng và vụ trưởng được trao quyền và chịu trách nhiệm cá nhân ngày càng rõ hơn. Cũng như vậy, số lượng các giám đốc sở cũng có thể giảm từ 4-6 người xuống còn 1-2 người, nếu công chức cấp trung gian được ủy quyền và chịu trách nhiệm rõ ràng hơn.
Vấn đề tuyển dụng nhân lực cho khu vực công theo nguyên tắc cạnh tranh dựa trên thực tài đã được thảo luận nhiều. Nếu xem hành chính công vụ là cốt lõi trong cải cách chính quyền, và là nội dung có thể tiến hành cải cách đáng kể trong khuôn khổ của Hiến pháp 2013, để khuyến khích nguyên tắc tuyển dụng cạnh tranh dựa trên thực tài, có thể xem xét phục dựng lại những kỳ thi tuyển dụng công chức mang tính chất quốc gia (tựa như thi đại học), theo hình thức thi cạnh tranh để tuyển chọn công chức cho toàn bộ nền công vụ. Sau khi trúng tuyển, công chức được đào tạo tập trung trong các học viện hành chính quốc gia, trước khi được phân bổ về cơ quan tập sự. Tương tự, đối với công chức chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường, để tránh việc tuyển dụng khép kín hiện nay, cũng cần tổ chức các kỳ thi tuyển dụng mang tính cạnh tranh, chí ít trong quy mô toàn tỉnh, người trúng tuyển sau khi được đào tạo về nghiệp vụ hành chính mới nên được phân bổ về cơ quan tập sự.
Kết luận và gợi ý những kiến nghị để thảo luận
Bản Hiến pháp năm 2013 hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để cải thiện các thể chế chính quyền nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Sau khi được thông qua, bản Hiến pháp ấy trên thực tế đã tạo ra một số cơ hội giúp phân định rạch ròi hơn quyền lực của các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương. Quyền lực có được phân định rạch ròi mới có thể thúc đẩy trách nhiệm giải trình và kiện toàn bộ máy tổ chức nhằm quản lý và điều tiết tốt hơn nền kinh tế.
Từ những thảo luận ở trên, thay vì kết luận, chúng tôi đưa ra sáu gợi ý dưới đây để thảo thuận rộng rãi hơn trong xã hội:
Thứ nhất, trên nền tảng của Hiến pháp 2013, cần thúc đẩy quá trình phân quyền rạch ròi giữa chính quyền địa phương, bao gồm chính quyền các xã, chính quyền các đô thị tự quản, chính quyền các tỉnh, thành phố và chính quyền trung ương. Phường, quận trong chính quyền đô thị và huyện trong chính quyền cấp tỉnh chỉ là cấp hành chính trung gian, không nên xem là cấp chính quyền đầy đủ. Sự phân quyền rạch ròi này phải dựa trên nguyên tắc chỉ những gì các địa phương không thể làm được mới thuộc về thẩm quyền của chính quyền trung ương.
Thứ hai, cần thiết lập quan niệm về pháp nhân công quyền, theo đó mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền tách biệt, sở hữu của chính quyền trung ương tách với sở hữu của chính quyền các địa phương, ngân sách của chính quyền trung ương cũng phân tách với chính quyền địa phương. Các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công, kể cả Bộ luật Dân sự cũng cần được thiết kế trên nền tảng phân tách trách nhiệm này.
Thứ ba, mỗi cấp chính quyền, tùy theo phạm vi thẩm quyền, sẽ tổ chức các cơ quan quản lý và điều tiết phù hợp, song các sở ở địa phương, các bộ ban ngành ở trung ương, dù có là những đơn vị hạch toán riêng, có con dấu riêng, song chỉ là những bộ phận của cấp chính quyền. Nếu một bộ ban hành chính sách điều hành trái luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, người bị hại có quyền khởi kiện chính quyền trung ương đền bù thiệt hại. Tương tự, sở ban ngành ở địa phương không phải pháp nhân độc lập, toàn bộ chính quyền ở địa phương mới là pháp nhân công chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp và người dân.
Thứ tư, khi phân quyền cần lưu ý đối tượng phục vụ tương đối đặc thù của từng cấp chính quyền. Nền hành chính ở cấp xã tới huyện hoặc tại cấp trung gian là phường/quận trong đô thị chủ yếu phục vụ người dân, ngược lại nền hành chính cấp tỉnh hoặc thành phố chủ yếu phục vụ khu vực doanh nghiệp. Người lãnh đạo cấp chính quyền phải thấy rõ chính quyền phải thay đổi để phục vụ khách hàng, lãnh đạo phải kiên trì thay đổi sứ mạng của từng công sở. Tư duy mới này trên thực tế đã giúp nhiều địa phương thành công trong việc cải cách quy trình và thái độ phục vụ, buộc công chức từ thái độ ban phát trở thành người phục vụ khách hàng.
Thứ năm, cải cách ở Việt Nam thường lan từ địa phương tới trung ương. Sau khi phân quyền rạch ròi, những thẩm quyền mà chính phủ trung ương duy trì sẽ được tổ chức theo ngành dọc, có hệ thống cung cấp trung gian tới các khu vực và địa phương. Ở chính quyền trung ương, nhất là Chính phủ, cần phân tách thành hai bộ phận, bao gồm Hành pháp chính trị và Hành chính công vụ. Hành pháp chính trị thực thi quyền hành pháp, bao gồm các chính khách đứng đầu Chính phủ và các Bộ trưởng, là cơ quan lựa chọn, quyết định chính sách. Nếu Bộ trưởng là chính khách chịu trách nhiệm về chính sách, thì ngược lại, Thứ trưởng là công chức cao nhất đại diện cho bộ máy hành chính công vụ do từng bộ ngành phụ trách về chuyên môn, chịu trách nhiệm thi hành công vụ. Các quyết định mang tính công vụ phải được giải quyết trong bộ máy công vụ, cấp quyết định cuối cùng chỉ là Thứ trưởng. Nếu làm được như vậy, toàn bộ năng lực của Chính phủ chỉ tập trung vào các chính sách điều tiết, tránh hiện tượng đùn đẩy công việc sự vụ đáng ra phải thuộc thẩm quyền giải quyết của nền hành chính công vụ lên cho Chính phủ.
Thứ sáu, khu vực công, đặc biệt là tổ chức chính quyền, hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân để cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều cơ quan công quyền đã soạn thảo và công bố Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, tổ chức lấy ý kiến của khách hàng đánh giá về chất lượng dịch vụ, khoán chi, đấu thầu hành chính và tổ chức tuyển lựa lãnh đạo một cách cạnh tranh. Cũng như vậy, từ kinh nghiệm quản trị của khu vực tư nhân, cần rà soát và phân định các chức danh công chức, vị trí công vụ theo mô tả công việc, cũng như tăng trao quyền cho các cấp quản lý trung gian trong khu vực công. Nếu mạnh dạn ủy quyền cho cấp trung gian, sẽ giảm được sự dư thừa nhân lực quản lý cấp cao, bớt dần tình trạng có quá nhiều cấp phó (thứ trưởng và phó giám đốc sở). Ngoài ra, nếu ủy quyền cho cấp dưới, nền hành chính có thể cũng phản ứng nhanh nhậy hơn trước đòi hỏi thay đổi nhanh của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ quản lý và điều tiết của chính quyền./.