Hoàn thiện pháp luật về quyền tự do hiệp hội

01/06/2015

Hiến pháp năm 2013 đã tái khẳng định quyền tự do lập hội (tự do hiệp hội) của công dân (tại Điều 25). Tuy nhiên, để hiện thực hóa đầy đủ quyền này, khuôn khổ pháp luật liên quan cần được sửa đổi, bổ sung ở nhiều khía cạnh. Việc ban hành một đạo luật tốt về hội, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, sẽ tạo ra một nền tảng quan trọng cho khuôn khổ này.

Untitled_226.png

 Ảnh minh họa: (Nguồn internet)

1. Hội và quyền tự do hiệp hội
Bên cạnh đặc tính cá thể, mỗi người còn có đặc tính xã hội (đặc tính cộng đồng) do nhu cầu tự nhiên của con người cần đến cộng đồng, xã hội để học tập, lao động và phát triển. Tự do hiệp hội là đặc tính xã hội, nhu cầu tự nhiên của con người muốn được quy tụ, được tập trung trong một tổ chức với những mối liên hệ gần gũi, chặt chẽ. Việc các cá nhân liên kết, tập hợp lại với nhau thành nhóm để hướng đến lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung thường được gọi là việc lập hội.
Trong tiếng Việt, theo cách hiểu thông thường, danh từ “hội” có hai nghĩa gần nhau dùng để chỉ: 1) cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người tham dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt; 2) tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động[1]. Trong tiếng Anh, ý niệm “hội” thể hiện qua hai khái niệm “association” chỉ hình thức tổ chức của các cá nhân có cùng mối quan tâm, hay “society” chỉ một cộng đồng có tổ chức. Cả hai khái niệm này đều có từ gốc La-tinh là socius/socielis hàm ý là sự liên hệ, giao lưu, đồng hành giữa con người với nhau và hình thành nên xã hội (society). Như vậy, trong ba ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh và La-tinh), có sự tương đồng thú vị về việc hiệp hội như một hành vi xã hội tự nhiên của con người, nói cách khác là một trong các hành vi tự nhiên tạo nên xã hội loài người.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống cũng như hiện nay, các hội có hình thức rất đa dạng như phường hội, câu lạc bộ, quỹ từ thiện, hội, nhóm ... Từ những thế kỷ trước, tại nhiều địa phương đã tồn tại các phường hội nghề nghiệp (nghề thủ công, nghệ thuật và thương mại), hội tương hỗ (như Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn từ thế kỷ XIX) ... Từ thế kỷ XX, sinh hoạt của các hội đoàn càng phong phú, có nhiều hội, nhóm như hội cứu tế, công hội, nông hội, hội khuyến học, hội Khai Trí, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cùng với những chuyển biến về kinh tế và xã hội, các hội đoàn ngày càng trở nên đa dạng và có vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của quốc gia, cũng như góp phần bảo đảm công bằng xã hội[2].
Các hội có thể không có (không cần) tư cách pháp nhân hoặc có tư cách pháp nhân (để thuận tiện cho việc giao dịch, ký hợp đồng). Cũng cần lưu ý rằng, quan niệm về “tư cách pháp nhân” có sự khác nhau tại các quốc gia. Các hội đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng hoặc công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị.
Quyền tự do hiệp hội được bảo vệ bởi nhiều văn kiện pháp lý quốc tế, trong đó đặc biệt quan trọng là Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR, 1948 - tại Điều 29) và Công ước về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966 - tại Điều 22). Bên cạnh đó, quyền tự do hiệp hội cũng  được bảo vệ trong nhiều văn kiện như Công ước về Xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, 1979 - Điều 7 về quyền tham gia vào các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội của phụ nữ), Công ước về Quyền trẻ em (CRC, 1989 - Điều 15 về quyền tự do hiệp hội và hội họp của trẻ em)... Tuy nhiên, quy định của các Công ước này tương đối khái quát. Riêng trong lĩnh vực lao động, quyền tự do công đoàn được quan tâm bảo vệ tại Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966 - Điều 8), cũng như trong một số điều ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)[3].
Theo Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về những người bảo vệ nhân quyền (trong văn bản số A/95/401, đoạn 46) thì: Khái niệm “hội” nhắc đến bất kỳ nhóm cá nhân hoặc bất kỳ thực thể pháp lý nào liên kết với nhau để cùng nhau hành động, bày tỏ, thúc đẩy, theo đuổi hoặc bảo vệ một lĩnh vực quan tâm chung[4]. Trong hoạt động của mình, Báo cáo viên về tự do hội họp và hiệp hội của Liên hợp quốc - cơ chế quan trọng góp phần cụ thể hóa nội hàm của quyền tự do hiệp hội (thông qua các nghiên cứu, đề xuất, báo cáo và quan điểm ...), đã lặp lại và sử dụng định nghĩa này. Quyền tự do hiệp hội gồm ba cấu thành cơ bản là: 1) quyền thành lập hội; 2) quyền gia nhập hội; 3) tự do hoạt động, điều hành các hội.Như vậy, nếu chỉ dùng khái niệm “quyền lập hội” như tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 dễ gây hiểu nhầm là chỉ liên quan đến quyền thành lập ra một hội, mà không bao hàm quyền hoạt động tự do của hội. Ngoài ra, Báo cáo viên về tự do hiệp hội cũng đã nhấn mạnh yêu cầu các nhà nước phải bảo đảm bình đẳng giữa các hội “có đăng ký” và hội “không đăng ký”[5].
Ở cấp quốc gia, một số nước hiện chủ yếu sử dụng luật dân sự để điều chỉnh các vấn đề về hội (như Thái Lan, Hà Lan, Italia …), xuất phát từ quan niệm cho rằng tự do lập hội cũng là một dạng của tự do thỏa thuận hợp đồng bởi các cá nhân. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan đưa ra định nghĩa: “Hợp đồng thành lập hội liên hiệp là một hợp đồng, qua đó nhiều người thoả thuận hợp nhau lại để cùng tiến hành một hoạt động chung ngoài mục đích chia lời” (Điều 1274).
Phổ biến hơn, nhiều quốc gia có đạo luật riêng về hội, chủ yếu xuất phát từ đặc thù của các hội là phi lợi nhuận và có thể có số lượng thành viên rất đông, tầm ảnh hưởng lớn. Cạnh đó, các nhà nước một mặt phải tôn trọng quyền tự do lập hội, một mặt phải duy trì trật tự, kiểm soát các tổ chức, nhóm gây nguy hại cho xã hội (các băng nhóm tội phạm, bài ngoại, các chính đảng phát xít, kỳ thị sắc tộc …). Một số quốc gia có luật về hội tương đối sớm là Anh (Luật về Sự liên kết năm 1825, Luật Công đoàn năm 1871 …), Pháp (Luật về Hội năm 1901). Sau năm 1945, nhiều quốc gia ban hành luật về hội mới (ví dụ, Luật về Hội của Cộng hòa Liên bang Đức năm 1964…) để thay thế cho các đạo luật cũ có nội dung hạn hẹp, gò bó. Đến cuối thập niên 1980, làn sóng dân chủ ở Đông Âu song hành với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã tạo môi trường mới để nhiều quốc gia trong khu vực này ban hành các luật về hội hiện đại và cởi mở, ví dụ như Luật về Hội của Ba Lan năm 1989, Luật về Hội của Hungary năm 1989 … Về cơ bản, luật về hội của các quốc gia quy định những nội dung sau: 1) phạm vi điều chỉnh của luật (các loại hội, tổ chức nào được điều chỉnh); 2) điều kiện thành lập, gia nhập hội; 3) cơ quan, thủ tục đăng ký, thành lập hội; 4) quyền của các hội; 5) cơ quan giám sát, xử lý vi phạm; 6) chấm dứt hoạt động của hội.
2. Pháp luật Việt Nam về tự do hiệp hội
Trong tiến trình vận động cách mạng trước năm 1945, quyền lập hội, hội họp luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương) đề cao như một mục tiêu đấu tranh quan trọng. Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ cộng hòa, “quyền tự do tổ chức và hội họp” đã được ghi nhận trang trọng, bên cạnh 4 quyền khác (Điều 10, Hiến pháp năm 1946). Các bản Hiến pháp tiếp theo (1959, 1980, 1992 và 2013) cũng đều ghi nhận, bảo vệ quyền lập hội. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước ban hành Luật quy định Quyền lập hội. Những năm gần đây, cuộc thảo luận xung quanh quan điểm và cách thức tiếp cận trong xây dựng Luật về Hội đã bắt đầu sôi nổi từ năm 1993[6], nhưng đến nay, vẫn chưa có được một đạo luật mới hơn về hội.
Dưới chế độ Sài Gòn trước đây, Hiến pháp năm 1956 (Điều 15) và Hiến pháp năm 1967 (Điều 13) đều ghi nhận quyền tự do lập hội. Trong Sắc luật 038-TT/SLU ngày 22/12/1972, sửa đổi Dụ số 10 ngày 6/8/1950 quy định thể lệ lập hội (ban hành dưới chế độ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại), Điều thứ nhất đưa ra một định nghĩa về hội: "Hội là giao ước của nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hoạt động liên tục để theo đuổi mục đích thuộc các lãnh vực tôn giáo, tế tự, từ thiện, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học, mỹ thuật, giải trí, đồng nghiệp tương tế, ái hữu, thanh niên và thể dục, thể thao không có tính cách chính trị, thương mãi hoặc phân chia lợi tức. Hội do các nguyên tắc tổng quát của luật pháp chi phối, nhất là luật về khế ước và nghĩa vụ"[7]. Định nghĩa này đề cao tự do thỏa thuận, đồng thời, khẳng định vai trò chủ yếu của luật về hợp đồng (khế ước) và nghĩa vụ (luật dân sự) điều chỉnh các hội (chứ không phải luật hành chính). Định nghĩa này cũng xác định phạm vi điều chỉnh, loại trừ các nhóm có tính cách chính trị, thương mại hoặc phân chia lợi tức.
Hiện nay, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền… hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cách quy định này khiến cho các quyền được nêu tên, trong đó có quyền lập hội, có nguy cơ bị hạn chế, thu hẹp bởi các văn bản quy phạm pháp luật cấp thấp hơn (như luật, nghị định, thông tư). Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự (2005) hiện hành có quy định về pháp nhân (Chương IV Pháp nhân). Tuy nhiên, cách hiểu về pháp nhân lại khá hạn hẹp (Điều 84 quy định bốn điều kiện để được coi là pháp nhân), việc phân loại pháp nhân lại sơ sài. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có nhiều điểm mới liên quan đến pháp nhân phi lợi nhuận, nhưng lại đi kèm nhiều quy định về thủ tục hành chính không nên có trong luật dân sự.  
Luật về Hội năm 1957, hiện vẫn có hiệu lực,không nêu ra định nghĩa về hội, mà chỉ xác định về mục đích và ý nghĩa của việc lập hội là "phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích của nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta" (Điều 1). Hiện nay, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (thay thế cho Nghị định số 88/2003 của Chính phủ ban hành ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) có vai trò chính yếu trong việc thành lập hội. Hội, theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 45/2010/NĐ-CP loại trừ: a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; b) Các tổ chức giáo hội. Đã có những ý kiến về sự thiếu công bằng và bình đẳng khi có sự xác định các “hội đặc thù” này. (Đ/chi Tuân yêu cầu trích nguồn)
Để cụ thể hóa Điều 33 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày  01/11/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù. Quyết định này nêu lên cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù đối với ba loại hội (Điều 1): 1) hội là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; 2) hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; 3) hội là tổ chức xã hội. Kèm theo Quyết định là danh sách 28 hội có tính chất đặc thù (gồm có Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Phòng Thương mại và Công nghiệp…).
Việc lập ra hội chỉ là một khía cạnh của tự do hiệp hội, như đã nêu trên. Các hội hiện còn gặp nhiều rào cản pháp lý liên quan đến huy động, nhận tài trợ (thủ tục xin phép), hoặc khi triển khai các hoạt động (hội thảo, hội nghị, tập huấn…), đặc biệt khi có “yếu tố nước ngoài” và diễn ra ở một số địa phương. Trong khi đó, cơ chế bảo vệ quyền tự do hiệp hội hiện vẫn thiếu hụt, khi quyền này bị vi phạm, các cá nhân, nhóm không dễ tìm được cơ chế, cơ quan để khiếu nại, khiếu kiện hoặc việc giải quyết khiếu nại không được thấu đáo.
Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý về quyền tự do hiệp hội ở Việt Nam vẫn mang nặng tính hành chính, coi trọng sự quản lý thuận tiện của cơ quan nhà nước, chưa quan tâm nhiều đến tự do ý chí, tự do thỏa thuận của người dân. Bên cạnh đó, vẫn thiếu sự bình đẳng giữa các công dân trong hoạt động hiệp hội, cũng như thiếu sự bình đẳng giữa các hội.
Trong thực tiễn, hiện có bảy hình thức tổ chức xã hội dân sự (phi lợi nhuận) phổ biến nhất là: hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức khoa học và công nghệ, hội có tính chất đặc thù (28 hội), các hội chính trị xã hội (thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), tổ chức phi chính phủ quốc tế. Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhiều nhóm, câu lạc bộ, mạng lưới, diễn đàn… được thành lập, quyền tự do hiệp hội được thực thi khá sôi động trong thực tiễn. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của nhiều nhóm, hội thiếu rõ ràng hoặc gặp khó khăn khi thực thi các thủ tục theo luật định. Chẳng hạn, nhiều nhóm Hướng đạo đang dần khôi phục, thành lập mới, chủ yếu tại miền Trung và miền Nam, nhưng việc sinh hoạt (hội trại, tổ chức qua đêm…) của các nhóm này, cũng như việc tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam còn gặp khó khăn. Một số hội đã thành lập và hoạt động nhưng không hoặc chưa thực hiện các thủ tục thành lập theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Những hội này thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng hoặc có thể gọi là “chưa được Nhà nước thừa nhận”.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam về việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và thực hành liên quan đến quyền tự do hiệp hội. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (cơ quan giám sát việc thực thi ICCPR) đã quan tâm đến những trở ngại đối với việc đăng ký và hoạt động tự do của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền con người tại Việt Nam (đoạn 20, Kết luận giám sát ngày 26/7/2002, CCPR/CO/75/VNM). Trong khi việc thành lập các hội đoàn là xu hướng tất yếu của phát triển xã hội, khuôn khổ pháp luật tiếp tục duy trì như cũ đang tạo ra nhiều vấn đề mâu thuẫn với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền và dân chủ, khiến cho quyền “lập hội” được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khó hiện thực hóa đầy đủ.
3. Một số khuyến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tự do hiệp hội
Về khuôn khổ pháp lý để bảo vệ tự do hiệp hội nói chung, chúng tôi có một số khuyến nghị đến các cơ quan hoạch định chính sách, đặc biệt là cơ quan lập pháp, như sau:
Thứ nhất, quyền tự do hiệp hội là một quyền dân sự cơ bản, việc mở rộng nó cần cái nhìn hệ thống và quyết tâm chính trị. Tôn trọng và thúc đẩy tự do hiệp hội nên đặt như là một ưu tiên trong chính sách mở rộng các quyền tự do (bên cạnh các quyền về ngôn luận, báo chí, hội họp, tiếp cận thông tin và bầu cử) và cải cách xã hội. Mở rộng tự do là giải pháp thiết yếu giúp lành mạnh hóa xã hội và duy trì phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ hai, tự do hiệp hội nên được quan niệm là một quyền dân sự - tự do hợp đồng của các cá nhân - chủ yếu do luật dân sự điều chỉnh. Do đó, Bộ luật Dân sự cần bao gồm những quy định mang tính nguyên tắc về tự do hiệp hội. Bên cạnh đó, Luật về Hội (Luật về Tự do hiệp hội) cần sớm được Quốc hội thông qua. Liên quan đến nội dung của Luật về Hội, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
- Về cách tiếp cận: Cần xác định đây là đạo luật để bảo đảm thực thi quyền tự do hiệp hội (lập hội), chứ không phải Luật thuần túy về thủ tục hành chính. Do đó, Luật cần xác định các cơ quan nhà nước (cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, trung ương và địa phương) có các nghĩa vụ tôn trọng (không cản trở), bảo vệ (xử lý các vi phạm) và thúc đẩy (hỗ trợ các điều kiện thực thi) quyền này của mọi cá nhân.
- Về phạm vi điều chỉnh: Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, giữa các cá nhân và giữa các hội, Luật về Hội nên điều chỉnh cả các tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[8]. Luật cần xác định rõ có loại hội không cần đăng ký và có loại hội cần đăng ký (có tư cách pháp nhân), hai nhóm này bình đẳng với nhau.
- Về thủ tục lập hội: Khi hội có nhu cầu đăng ký, thủ tục cần đơn giản, rõ ràng để các cá nhân, nhóm có thể đăng ký (thông báo) việc lập hội. Việc đăng ký này phải thực sự là “đăng ký”, chứ không giống như cấp phép, xin - cho như hiện nay. Chỉ nên quy định một cơ quan chịu trách nhiệm là đầu mối quản lý việc thành lập và hoạt động của các hội, bỏ chế độ bộ chủ quản.
Thứ ba, để hoạt động của các hội được thuận tiện, cũng là để tôn trọng quyền tự do hiệp hội, các quy định về gây quỹ, nhận tài trợ, về triển khai các hoạt động (nhất là hội thảo, tập huấn), có hoặc không liên quan đến nước ngoài, cần được điều chỉnh theo hướng tôn trọng quyền tự do, tự chủ của các hội. Bên cạnh Luật về Hội, Quốc hội cũng cần sớm ban hành các luật như Luật Trưng cầu ý dân và Luật Tiếp cận thông tin, trong đó có những quy định về quyền của các hội trong hoạt động có liên quan./.
 

* NCS, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Trung tâm Từ điển học (2011), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 716.
[2] Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương (đồng chủ biên), Vai trò của các tổ chức xã hội đối với phát triển và quản lý xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.59.
[3] Việt Nam chưa gia nhập công ước nào của ILO về Quyền tự do hiệp hội, công đoàn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo Tuyên ngôn về các Nguyên tắc và quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động (1998) của ILO, mọi thành viên của ILO (bao gồm Việt Nam) dù chưa phê chuẩn các Công ước liên quan, cũng có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa các nguyên tắc liên quan đến các quyền cơ bản nêu trong các Công ước về Quyền tự do hiệp hội (và một số quyền cơ bản khác như xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử).
[4] Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt về tự do hội họp hòa bình và hiệp hội, Maina Kiai, 2012, A/HCR/20/27, đoạn 51: http://www.ohchr.org/Documents/HRBodies/HRCouncil/RegularSession/Session20/A-HRC-20-27_en.pdf
[5] Như trên, đoạn 56.
[6] Xem thêm: Những vấn đề xung quanh Dự thảo Luật về Hội, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006; Dự thảo Luật về Hội từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Hội Nhà văn Hà Nội, 2006; Phản biện xã hội về Dự thảo Luật về Hội - sự tham gia của xã hội trong tiến trình soạn thảo Luật về Hội (2005-2006), Nxb Tri thức. Hà Nội, 2014.
[7] Sắc luật số 038-TT/SLU ngày 22/12/1972 sửa đổi một số điều khoản của Dụ số 10 ngày 6/8/1950 quy định thể lệ lập hội, Quy pháp vựng tập, Quyển XV, Sở Công báo ấn hành, 1972.
[8] Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia nêu lên trong các cuộc thảo luận 10 năm trước đây (chẳng hạn như các luật gia, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Giao, Phạm Hữu Nghị, Nguyễn Vi Khải, Trần Thị Lành…). Xem: Những vấn đề xung quanh Dự thảo Luật về Hội, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006 tr. 10, 13, 34, 36 và 58.