Hoạt động chất vấn của Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

01/09/2015

1. Hiến định về chất vấn trong Hiến pháp
  Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, gồm 11 chương, 120 điều; trong đó Chương V hiến định về Quốc hội gồm 17 điều, từ Điều 69 đến Điều 85; duy nhất Điều 80 quy định về chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cụ thể là:
  “Điều 80
  1. ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tổng Kiểm toán nhà nước.
  2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, UBTVQH cho trả lời bằng văn bản.
  3. ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu trong thời gian nhất định”.
  Chất vấn là một hình thức giám sát quan trọng mà tất cả các Hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ đều đã trao quyền cho ĐBQH. Tuy là quy định quyền của cá nhân đại biểu nhưng khi thực hiện, chất vấn tại nghị trường lại là hoạt động của Quốc hội; Quốc hội thực hiện quyền lực nhà nước tại mỗi kỳ họp, buộc các đối tượng bị chất vấn phải trả lời trước toàn thể Quốc hội, hoặc trả lời bằng văn bản riêng cho đại biểu có chất vấn. Chất vấn là một hình thức giám sát tối caocủa Quốc hội, được kế thừa và phát triển qua 5 Hiến pháp từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Đối tượng trả lời chất vấn được mở rộng dần qua mỗi Hiến pháp. Điều 55 Hiến pháp năm 1946 quy định, “Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn”. Đến Hiến pháp năm 1959, Điều 59 quy định, “Các ĐBQH có quyền chất vấn Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ. Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trong thời hạn năm ngày; trường hợp phải điều tra thì thời hạn trả lời là một tháng”. Như vậy, nếu Hiến pháp năm 1946 mới chỉ có Bộ trưởng phải trả lời chất vấn thì Hiến pháp năm 1959 từ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đến Bộ trưởng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ đều phải trả lời chất vấn.
  Đến Hiến pháp năm 1980 lại thêm một số đối tượng phải trả lời chất vấn. Điều 95 quy định, “ĐBQH có quyền chất vấn Hội đồng Bộ trưởng và các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Cơ quan hoặc người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội trong kỳ họp của Quốc hội. Trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Hội đồng Nhà nước hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội. ĐBQH có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước. Những người phụ trách các cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét và giải quyết những kiến nghị của đại biểu”. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1959 thì thêm hai đối tượng phải trả lời chất vấn, đó là người đứng đầu TANDTC và người đứng đầu VKSNDTC.
  Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) tiếp tục mở rộng thêm đối tượng bị chất vấn. Điều 98 quy định, “ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước UBTVQH hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản. ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Người phụ trách các cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu trong thời hạn luật định”.
  Như vậy, theo Hiến pháp năm 1992 thì Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng thuộc diện phải trả lời chất vấn. Tiếp đến là người đứng đầu các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang cũng phải trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu.
  Hiến pháp năm 2013, Điều 80 quy định tương tự như Điều 98 Hiến pháp năm 1992 và tăng thêm một đối tượng phải trả lời chất vấn nữa, đó là Tổng Kiểm toán nhà nước.
  Qua 5 bản Hiến pháp, quyền lực nhà nước được kiểm soát, được quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Đến nay, tất cả những người đứng đầu các cơ quan nhà nước thuộc ba nhánh quyền lực đều phải chịu sự giám sát trực tiếp, thường xuyên của Quốc hội nói chung, đều phải trả lời chất vấn trước Quốc hội nói riêng. Nếu các Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 chưa quy định rõ ràng, dứt khoát người bị chất vấn bắt buộc phải trả lời trước Quốc hội thì Hiến pháp các năm 1980, 1992 và đặc biệt Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định dứt khoát điều đó (người đứng đầu các cơ quan nhà nước nhất thiết phải trả lời chất vấn trước Quốc hội). ĐBQH có quyền chất vấn cả trong thời gian kỳ họp và cả thời gian giữa hai kỳ họp trong suốt cả nhiệm kỳ Quốc hội. Chất vấn và trả lời chất vấn có sự đối thoại, trao đổi, tranh luận qua lại giữa ĐBQH với người bị chất vấn, thậm chí truy vấn đến cùng để làm sáng tỏ một vấn đề, một sự kiện. Tất cả những vấn đề đó nói lên rằng, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội ngàycàng được phát huy mạnh mẽ và rộng rãi; đó cũng là xu thế tất yếu khách quan trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn theo Hiến pháp năm 2013
2.1 Kế thừa thành quả hoạt động chất vấn của những khóa trước
  Ngay từ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946), chất vấn và trả lời chất vấn đã thực sự sôi nổi, hào hứng và có kết quả rõ rệt. “Các ĐBQH đã chất vấn Ban Thường trực và Chính phủ nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ... Trưởng ban Thường trực Quốc hội, các Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, Trương Đình Trí, Trần Đăng Khoa, Chu Bá Phượng, Võ Nguyên Giáp, Ca Văn Thỉnh, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời nhiều câu hỏi do ĐBQH nêu ra. Có buổi họp Chính phủ đã nhận được 88 câu hỏi của đại biểu. Điều đó tỏ rõ Quốc hội rất quan tâm đến các vấn đề của quốc gia và thể hiện rõ tính chất dân chủ của Quốc hội”[1]. Trong khi trả lời chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những chất vấn của đại biểu. Người nói “...Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập”[2]. Sau đó, Người trả lời các vấn đề về Quốc kỳ; về sự bỏ đi của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh; về chính sách ngoại giao; về tính liêm khiết của Chính phủ. Riêng về tính liêm khiết của Chính phủ, Người thẳng thắn nói rằng, “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các Ủy ban làng hiện đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”[3].
Khởi đầu hoạt động chất vấn của Quốc hội là như thế, sau đó chiến tranh ngày càng ác liệt, Quốc hội không thể họp, thậm chí có thời gian dài Ban Thường trực Quốc hội cũng không họp được mà chỉ có một bộ phận làm việc bên cạnh Chính phủ và góp ý cho Chính phủ... Những khóa gần đây, cho đến trước khi Hiến pháp năm 2013 ra đời thì hoạt động chất vấn đã có những bước tiến bộ khá rõ nét trên nhiều phương diện. Chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện thường xuyên ở mỗi khóa từ kỳ họp thứ hai cho đến kỳ họp cuối cùng, được phát thanh vàtruyền hình trực tiếp để toàn dân theo dõi. Quốc hội đã thực hiện theo đúng trìnhtự được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 và tinh thần Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Số lượng người phải trả lời chất vấn thường từ 6 đến 8 người (gần đây thường từ 4 đến 5 người). Thống kê sơ bộ cho thấy, tại mỗi kỳ họp, số câu hỏi (chất vấn) được gửi trước cho người bị chất vấn ở khóa XI là từ 150 đến 210 câu, ở khóa XII từ 220 đến gần 300 câu, ở khóa XIII tương tự như khóa XI, trên dưới 200 chất vấn. Phần lớn các câu chất vấn này thường được người bị chất vấn gửi văn bản trả lời đến đại biểu trước khi diễn ra phiên chất vấn tại hội trường. Tại nghị trường, mỗi người bị chất vấn thường có thời gian khoảng 3 giờ để trả lời, đối thoại trực tiếp với các đại biểu từ 2 đến 3 nhóm vấn đề với trên dưới 25 câu hỏi cụ thể. Đánh giá kết quả về hình thức hoạt động giám sát bằng chất vấn, có thể rút ra 5 điểm như sau:
  - Đây là một trong những hoạt động sôi nổi, nổi bật của Quốc hội được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm (các phiên chất vấn, số đại biểu có mặt thường đạt 95% trở lên), là dịp để đại biểu gửi gắm những tâm tư, những khúc mắc của cử tri tới các vị đứng đầu các cơ quan nhà nước. Đây cũng là dịp để các vị đứng đầu các cơ quan nhà nước ở trung ương báo cáo “trực tuyến” với cử tri qua các phương tiện thông tin đại chúng về những hoạt động của cơ quan mình, trách nhiệm của cơ quan mình (những kết quả, những khó khăn) để cùng chia sẻ; cùng với Quốc hội tìm các giải pháp thúc đẩy thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Vì vậy, đây là một hoạt động thiết thực, bổ ích cần được tiếp tục phát huy và đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này.
  - Ở mỗi khóa, càng những kỳ họp về sau, đại biểu càng rút được kinh nghiệm nên nội dung các chất vấn càng “có tầm” hơn. Kỹ năng chất vấn cũng được nâng cao (chất vấn đúng nhóm vấn đề đã được xác định, câu hỏi ngắn gọn, rõ nghĩa, thực sự bức xúc ở phạm vi rộng hoặc cả nước).
  - Người trả lời chất vấn cũng rút được kinh nghiệm, càng về sau càng trả lời gọn gàng, súc tích và đúng trọng tâm hơn theo phương châm “hỏi gì đáp nấy”. Qua chất vấn, phần lớn người trả lời chất vấn thấy rõ trách nhiệm và “hứa” sẽ xử lý công việc tốt hơn.
  - Hoạt động chất vấn đã có những cải tiến, đổi mới nhất định. Một sự kiện có thể coi là một thành tựu lớn, đó là năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Tại Điều 7 của Luật này đã quy định 5 hình thức giám sát của Quốc hội, trong đó chất vấn là hình thức thứ 4; Điều 11 - Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và Điều 19 - Trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH... Trước đây, từ quy định chung của Hiến pháp, các chủ thể hoạt động chất vấn hiểu như thế nào thì tiến hành như thế; từ sau khi có Luật, hoạt động chất vấn đã tuân theo quy trình, trình tự, thủ tục, nội dung mà Luật đã quy định. Bởi vậy, người hỏi chỉ hỏi theo nhóm vấn đề trong thời gian 2 đến 3 phút; người trả lời chỉ nói tóm tắt trong ít phút, do đó thời gian đối thoại tăng lên, không khí nghị trường cũng sôi động hơn. Vấn đề đang được đối thoại cũng được làm sáng tỏ hơn.
  - Từ cuối nhiệm kỳ khóa XII đến nay, hầu như các phiên chất vấn của kỳ họp, nhất là ở kỳ họp cuối năm, Quốc hội đều ra Nghị quyết chất vấn, trong đó chỉ rõ những vấn đề cần được sớm giải quyết và trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Do đó cũng góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chất vấn.
  Mặc dù có những bước tiến bộ quan trọng nhưng trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp vẫn còn những hạn chế nhất định. Xin chỉ nêu vài điểm về hai chủ thể của hoạt động này là người chất vấn và người trả lời chất vấn. Một số đạibiểu thường đưa ra câu hỏi rất dài nhưng lại không rõ nội hàm, làm cho người bị chất vấn khó trả lời đúng ý người hỏi. Lại có đại biểu chất vấn mà như thảo luận kinh tế - xã hội, nói đến 7 phút (theo quy định chỉ từ 2 đến 3 phút) mà chưa rõ chất vấn vấn đề gì, nói cách khác là hỏi dài mà không rõ hỏi cái gì. Không ít đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của địa phương nắm vững sự điều hành, hoạt động của Chính phủ, của các bộ, ngành, biết rõ những khúc mắc, thậm chí là “ngang trái” nhưng không tham gia chất vấn; đôi khi còn hạn chế các đại biểu trong Đoàn chất vấn. Đó là vì lợi ích cục bộ địa phương nên không dám “đụng chạm” đến người có quyền chi phối lợi ích... Những khuyết điểm, hạn chế nói trên đã cản trở đáng kể đến việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động chất vấn.
  Phát huy tối đa những kết quả đã đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm, chắc chắn hoạt động chất vấn sẽ đạt được những thành quả ở những tầm cao mới.
2.2 Chủ thể của hoạt động chất vấn phải nắm vững yêu cầu chất vấn
  ĐBQH (người có quyền chất vấn), người đứng đầu các cơ quan nhà nước (người bị chất vấn) hơn ai hết phải hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của hoạtđộng chất vấn. Đó là “...góp phần bảo đảm cho Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất” như Lời nói đầu Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành đã khẳng định. Chất vấn còn nhằm thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhân dân để hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ở đây phải chống cả hai khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, một là coi chất vấn là moi móc, chỉ trích; hai là xuê xoa, nương nhẹ, “đến hẹn lại lên”, là hoạt động hành chính, “căng” với nhau làm gì và đi đến “dĩ hòa vi quý” cho “vừa lòng nhau”. Tư tưởng này hoàn toàn trái với quy định tại Điều 69 của Hiến pháp năm 2013, “Quốc hội... giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
2.3 ĐBQH phải nắm vững quyền được chất vấn
  - Về mặt tâm lý, có thể có một số đại biểu mới tham gia Quốc hội, nhất là những đại biểu không giữ chức vụ nào trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể thường cảm thấy “ngợp” về những quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 80 Hiến pháp. Họ nghĩ việc truy vấn hay yêu cầu các vị đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...) đâu phải chuyện đơn giản, được tiếp xúc với các đồng chí ấy đã là may mắn lắm rồi. Thực tế cho thấy, ở nhiều khóa, trong các kỳ họp ở hai năm đầu, các đại biểu này hầu như không chất vấn, không dám đối thoại trực tiếp; một vài đại biểu chất vấn bằng văn bản và xin được trả lời bằng văn bản. Thực tiễn này, một lần nữa lại phải nói đến chất lượng đại biểu. ĐBQH phải hiểu biết sâu một, hai chuyên môn và phải biết nhân rộng kiến thức sang các chuyên môn khác (phải có tầm hiểu biết rộng, tri thức sâu). Đại biểu phải là người có thông tin phong phú và nắm tương đối chắc chắn tình hình thực tiễn; phải là người có tư duy logic. Đại biểu phải là con người của công việc và là người có dũng khí. Có như vậy mới thực hiện được nhiệm vụ của đại biểu nói chung và chất vấn nói riêng mà Hiến pháp năm 2013 trao cho.
  - Đối với các đại biểu là Trưởng đoàn (thường là một trong bốn chức danh chủ chốt của địa phương), các đại biểu là lãnh đạo các cấp thuộc lĩnh vực hành pháp, rất đông các vị không thực hiện quyền chất vấn, quyền đối thoại. Lý do cơ bản là vì lợi ích cục bộ địa phương và vị thế bản thân. Thực tiễn này một lần nữa lại phải đặt ra vấn đề xem xét cơ cấu đại biểu và tinh thần trách nhiệm của đại biểu. Một số lần chúng tôi đã kiến nghị, không nên cơ cấu quá nhiều đại biểu thuộc lĩnh vực hành pháp vào cơ quan lập pháp, bởi mấy lẽ: cấp dưới hiếm khi “đả động” đến cấp trên khi thảo luận kinh tế - xã hội, khi chất vấn. Hành pháp trình dự án rồi hành pháp lại giơ tay biểu quyết tán thành, làm cho những gì đã biểu quyết giảm sút ý nghĩa. Giải pháp cho tình trạng này không có gì hơn là đại biểu phải thực hiện cho được Điều 79 Hiến pháp năm 2013, trong đó có việc “...báo cáo với cử tri hoạt động của đại biểu”, trong đó có hoạt động chất vấn, và “trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri”, trong đó có gửi gắm những chất vấn của cử tri. Về lâu dài, phải cơ cấu lại ĐBQH mỗi khóa, trong đó phải giảm bớt số lượng và tỷ lệ đại biểu thuộc các cơ quan hành pháp.
2.4 Các đối tượng ít bị chất vấn cần được trả lời chất vấn
  Theo dõi hoạt động chất vấn các khóa gần đây, nhất là khóa XII và XIII cho thấy, khá nhiều đối tượng bị chất vấn theo quy định của Hiến pháp nhưng chưa hoặc ít khi đối thoại, trả lời trực tiếp chất vấn trước Quốc hội. Đó là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC... Lý do chưa hoặc ít được trả lời trực tiếp thường được giải thích là ít câu hỏi (chất vấn) hoặc ưu tiên những lĩnh vực bức xúc hơn... Thực ra cũng còn những lý do tế nhị khác. Theo chúng tôi, Quốc hội nên thiết kế các tiêu chí làm căn cứ lựa chọn người trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội. Các tiêu chí đó có thể là: (i) Khách quan và bình đẳng giữa các đối tượng bị chất vấn; (ii) Nhận được nhiều hay ít chất vấn tại kỳ họp; (iii) Dù ít chất vấn nhưng đó là những vấn đề đại sự (như biển đảo, biên giới, chính sách ngoại giao đối với phương Bắc, thống lĩnh các lực lượng vũ trang thực tế là thế nào, vì sao điều hòa phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Quốc hội hiệu quả chưa thật cao...); (iv) Số lần chức danh đã trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội trong nhiệm kỳ; (v) Số người cần trả lời chất vấn trực tiếp trong mỗi kỳ họp... Nếu có thể được, cần tính toán trong 10 kỳ họp (trừ kỳ họp đầu tiên) của mỗi khóa, bao nhiêu người trả lời trong một kỳ họp để đảm bảo cơ bản tất cả các đối tượng bị chất vấn đều ít nhất một lần trả lời trực tiếp (trước đây 6 đến 8 người và nay 4 đến 5 người đều chưa có căn cứ nào mang tính luật định hay quy định). Việc tất cả những người bị chất vấn đều phải trả lời chất vấn hoàn toàn có tính khả thi vì hầu như không có lĩnh vực nào trong kỳ họp không có chất vấn. Trong 150 đến gần 300 chất vấn ở mỗi kỳ họp đều có nhiều vấn đề bức xúc ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng quan trọng hơn nữa là mọi đối tượng đều có nghĩa vụ phải thi hành Hiến pháp về chất vấn.
2.5 Đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn
  Một số nội dung nói trên cũng đã có yếu tố đổi mới. Trong mục này xin được nói thêm một số điểm cụ thể hơn.
  - Trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (đang được xây dựng), phần quy định về giám sát tối cao của Quốc hội phải quy định chi tiết, cụ thể, chặt chẽ để các chủ thể của hoạt động chất vấn phải tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát và Nội quy Kỳ họp Quốc hội. Ví dụ Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2003, Điều 43 quy định, đại biểu chất vấn tối đa là 3 phút; người trả lời mỗi vấn đề không quá 15 phút (hiện nay một số người hỏi thường quá 3 phút, một số người trả lời thường quá 30 phút). Riêng vấn đề này, có thể tham khảo “chế tài” (biện pháp) của một số Nghị viện, nếu nói lạc đề hay nói quá thời gian quy định thì tự khắc chuông rung lên hoặc đèn đỏ bừng sáng. Nếu chuông rung hay đèn đỏ xuất hiện quá hai lần thì coi như người nói không đạt yêu cầu. Sau mỗi người trả lời chất vấn thì Chủ tọa nhận xét, đánh giá đại biểu hỏi có đúng vấn đề không, người bị chất vấn trả lời có đúng trọng tâm chất vấn không. Nghị quyết của Quốc hội phải nói rõ trách nhiệm và thời hạn sửa chữa khuyết điểm của người trả lời chất vấn, báo cáo kết quả thực hiện (tránh hứa suông; tránh tâm lý thở phào nhẹ nhõm sau chất vấn, kỳ tới không phải trả lời nữa).
 - Những vấn đề bức xúc thể hiện trong các chất vấn ngày càng nhiều và phức tạp, chưa có tín hiệu thuyên giảm; người bị chất vấn đến nay là đông nhất; thời gian hoạt động chất vấn tại kỳ họp từ 3 ngày, cuối nhiệm kỳ khóa XI bị rút xuống còn 2,5 ngày; số người trả lời chất vấn từ 6 đến 8 người, rút xuống còn 4 đến 5 người, đến nay không còn hợp lý nữa. Cần xem xét khôi phục lại đủ thời lượng và bảo đảm số người trả lời chất vấn trực tiếp ở mỗi kỳ họp như khóa XI trở về trước để hoạt động chất vấn vừa bảo đảm chất lượng nhưng đồng thời cũng hợp lý cả về số lượng (số người trả lời, thời gian hoạt động, số đại biểu đối thoại và các vấn đề đã được xử lý hoặc được xem xét).
  - Nếu mỗi nhiệm kỳ chỉ bỏ phiếu tín nhiệm có một lần đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì có thể coi chất vấn là biện pháp “kiểm tra”, “sát hạch” hàng năm đối với các chức danh bị chất vấn. UBTVQH nên lập kế hoạch để các chức danh bị chất vấn theo quy định của Hiến pháp mỗi nhiệm kỳ được trả lời chất vấn ít nhất một, hai lần.
  Tất cả các vấn đề nói trên đều nhằm góp phần thực hiện tốt nhất tuyên ngôn của Hiến pháp năm 2013, “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
 
 
[1] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 (1994), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 96.
[2] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 (1994), Sđd, tr. 97.
[3] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 (1994), Sđd, tr. 98.