Hiến pháp năm 2013 và chính sách đối ngoại

01/09/2015

Hiến pháp năm 2013 đã dành Điều 12 trong Chương I - Chế độ chính trị để quy định về chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam đã thể hiện đầy đủ, súc tích, cô đọng rất nhiều nội hàm mới làm cơ sở chính trị - pháp lý cho công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
Trước hết, nội dung của Hiến pháp năm 2013 về chính sách đối ngoại đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế của nước ta; đó là “để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị… xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”[1].
Trong thời gian qua, xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, trong tình hình khu vực và thế giới mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn; xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước. Toàn cầu hóa đã trở thành một hiện tượng khách quan, một xu thế lớn của thế giới hiện đại, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Chính toàn cầu hóa đã đặt các quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ trước yêu cầu phải hội nhập quốc tế để tranh thủ cơ hội cho phát triển. Chính vì vậy, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos vào năm 1999 đã khẳng định toàn cầu hóa không chỉ là “xu thế” mà đã là một “thực tế” trong đời sống quốc tế.
Đồng thời, qua gần 30 năm triển khai đường lối Đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã không ngừng được củng cố và tăng cường. Chúng ta đã giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối đổi mới, với mô hình kinh tế tổng quát là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ một nước thiếu ăn, mỗi năm phải nhập khẩu 0,5 - 01 triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước hàng đầu xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt điều trên thế giới. Kết thúc nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng như ổn định kinh tế vĩ mô; GDP năm 2010 gấp 2 lần năm 2000. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển với cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Công tác văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được cải thiện và đã hoàn thành hầu hết mục tiêu Thiên niên kỷ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quan hệ song phương và đa phương ngày càng được củng cố, phát triển và dần đi vào chiều sâu. Chúng ta đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tạo ra chuyển biến mới về chất trong hoạt động đối ngoại.
Việt Nam ngày càng thực sự phát huy vai trò của mình trong việc tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết khu vực và thế giới. Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995, nước ta tham gia tích cực và đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia các tổ chức và diễn đàn khác như Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Cộng đồng kinh tế châu Á - Thái bình dương (APEC) Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào không liên kết... Nước ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực và đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế khu vực (RCEP).
Nước ta đã được bầu vào các thể chế đa phương có ý nghĩa như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, đại diện nước ta giữ cương vị quan trọng tại một số tổ chức đa phương như Tổng thư ký ASEAN, Hội đồng thống đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu rất cao.
Từ đó, trên cơ sở đánh giá tình hình khu vực, thế giới và từ kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động đối ngoại, Đại hội lần thứ XI của Đảng ta đã đề ra đường lối đối ngoại trong tình hình mới. Đó là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[2]. Đồng thời, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”.
Có thể thấy rằng, đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XI nêu quan điểm, phương hướng cơ bản chỉ đạo cả ngắn hạn, trung hạn và lâu dài, mang tầm chiến lược cho cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cần phải được thể chế hóa ở tầm hiến định để triển khai thực hiện.
Từ những điều đã phân tích trên và đối chiếu với những quy định của Hiến pháp năm 1992 tại Điều 14 về chính sách đối ngoại, đặt ra nhiệm vụ cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại điều này nhằm tạo cơ sở chính trị - pháp lý bảo đảm cho công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta. Điều này cũng được thể hiện trong phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc”[3].
Đối chiếu với các quy định về chính sách đối ngoại trong các bản Hiến pháp trước đây, nhất là với bản Hiến pháp năm 1992, xét về tổng thể, chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trong bản Hiến pháp năm 2013 đã được kế thừa và phát triển với rất nhiều nội hàm mới thể hiện cụ thể qua những nội dung chính như sau:
Thứ nhất, quán triệt các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhà nước ta được quy định trong Hiến pháp năm 1992, quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị của nước ta với các nước trên toàn thế giới. Đó là, “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Đây chính là sự kế thừa và phát triển phương châm thực hiện đối ngoại hòa hiếu,“thêm bạn, bớt thù” mà chúng ta kiên trì theo đuổi. Còn nhớ, ngay trong lời kêu gọi Liên hợp quốc vào tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
Với nhận thức mới về thời cuộc, chúng ta đã tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn” tại Đại hội Đảng lần thứ VII, “sẵn sàng là bạn” ở Đại hội Đảng lần thứ VIII và “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội Đảng lần thứ IX), đến việc khẳng định “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” tại Đại hội Đảng lần thứ XI. Điều này không những thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam, mà còn phản ánh thế và lực mới của đất nước ta trên trường quốc tế sau gần 30 năm đổi mới. Ở đây có điểm khác biệt cơ bản so với quy định trong Hiến pháp năm 1992, là có sự liệt kê cụ thể nhóm “các nước XHCN và các nước láng giềng” mà chúng ta tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác thì này quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 không còn nêu cụ thể như vậy mà nêu chung là đường lối đối ngoại “hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển’’và “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”. Cùng với phương châm đối ngoại mới này, chúng ta cũng khẳng định Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy…” cho thấy, nước ta thực thi một chính sách đối ngoại rộng mở với mọi quốc gia, dân tộc trong cộng đồng thế giới.  
Thứ hai, Điều 12 của Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung cụm từ “độc lập, tự chủ” trong chính sách đối ngoại của Nhà nước ta. Đây là một nội hàm mới, bổ sung và thể hiện rõ mặt pháp lý cơ sở của chủ quyền dân tộc là “độc lập, chủ quyền và toàn viện lãnh thổ” gắn với mặt năng lực thực hiện chủ quyền là “tự chủ”. Ðộc lập và tự chủ của đất nước ta vừa là mục tiêu và thành quả đấu tranh gìn giữ và bảo vệ của các thế hệ cha ông, vừa là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại của Việt Nam. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi” nên vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Có thể nói,  chưa bao giờ chúng ta có được nhiều bạn bè và đối tác như ngày nay. 
Thứ ba, quy định củaHiến pháp năm 2013 nêu rõ phương châm của đường lối đối ngoại, theo đó, bên cạnh việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chúng ta tiến hành đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điểm mới trong phương châm đối ngoại được hiến định ở đây là “chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế” và là “thành viên có trách nhiệm”. Đây thực sự là bước chuyển quan trọng từ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” được thông qua tại Đại hội X sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội... mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.Cùng với hội nhập kinh tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác sẽ tạo cơ hội lớn, làm gia tăng mức độ đan xen lợi ích, từng bước làm cho đất nước trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới, ngày càng gắn bó chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, lần đầu tiên Hiến pháp quy định mục tiêu của đối ngoại là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Việc nêu rõ điều này trong đạo luật gốc của đất nước có ý nghĩa rất quan trọng. Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Đồng thời, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ.
Thứ năm, quy định mới nữa tại Điều 12 này là lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta tuyên bố “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Quy định mới này có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện cam kết của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc; đồng thời, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế cũng chính là đòi hỏi chính đáng, căn cứ pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận để kiến tạo hòa bình, ngăn ngừa xung đột, giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà chúng ta kiên trì thực hiện và đòi hỏi các nước khác cũng có trách nhiệm phải tuân thủ.
Với mong muốn đóng góp xây dựng cộng đồng quốc tế, gắn kết giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của nhân loại, cùng với những quy định mới về chính sách đối ngoại tại Điều 12, Hiến pháp năm 2013 cũng có những bổ sung mới về sứ mệnh của lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh việc quy định: “lực lượng vũ trang nhân dân… có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” như bản Hiến pháp năm 1992, Điều 65 Hiến pháp năm 2013 đã có sự bổ sung mới là lực lượng vũ trang nhân dân “thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Thứ sáu, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về việc thực hiện chính sách đối ngoại và đề cao vai trò của Quốc hội trong vấn đề này. Cụ thể là, ngoài việc tiếp tục kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây về thẩm quyền, nhiệm vụ của Quốc hội trong vấn đề đối ngoại, Hiến pháp năm 2013 tại khoản 14 Điều 70 quy định Quốc hội có thẩm quyền “quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại”. Quy định này tương tự như quy định tại khoản 13 Điều 84 Hiến pháp năm 1992.
 Điểm mới tạo ra sự khác biệt cơ bản trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây là về thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các điều ước quốc tế. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về ba loại điều ước quốc tế cần trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực. Đó là (i) điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng; (ii) điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và (iii) điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”. Để so sánh, trong Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước”, theo cách quy định này, việc Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia tùy thuộc vào việc Chủ tịch nước trình ra Quốc hội.
Với những nội dung mới được quy định trong Hiến pháp năm 2013 về chính sách đối ngoại, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Hiến pháp năm 2013 chính là cơ sở chính trị - pháp lý để triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trên thực tế, qua đó, không ngừng củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
 
 
[1] Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tờ trình số 194/TTr-UBDTSĐHP ngày 19/10/2012 về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.  
[3] Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tài liệu phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.10.