Đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam từ tham gia đến đại diện

01/09/2015

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tăng cường tỷ lệ tham gia của nữ giới, đặc biệt trong Quốc hội. Trước các kỳ bầu cử năm 2007 và 2011, Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Bầu cử Trung ương đặt chỉ tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội lên 30%[1]. Nhưng tỷ lệ nữ ứng viên trúng cử chỉ đạt 28% trong năm 2007 và 24% năm 2011, nên số lượng đại biểu nữ vẫn là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ. Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới đưa ra các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm, giáo dục, y tế và tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Đối với Quốc hội, chiến lược đặt mục tiêu đạt 30% số đại biểu Quốc hội là nữ trong giai đoạn 2011 - 2015 và 35% trong giai đoạn 2016 - 2020. Các chỉ tiêu này phù hợp với Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, theo đó, 30% là “tỷ lệ tới hạn” để phụ nữ có thể phát huy vai trò của mình trong việc thiết kế nội dung và đưa ra các quyết sách chính trị[2].
Mặc dù đã xác định được mục tiêu cần tăng số lượng nữ giới trong cơ quan lập pháp, nhưng không nhiều người nắm được nữ đại biểu Quốc hội hoạt động như thế nào. Một vài nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá vị trí của nữ đại biểu trong Quốc hội cũng như hoạt động của họ sau khi trúng cử. Đây là điểm đáng lưu ý bởi một số nghiên cứu về ảnh hưởng của nữ đại biểu Quốc hội không hoàn toàn ủng hộ quan điểm cho rằng cần thiết phải có nhiều nữ đại biểu Quốc hội để có hệ thống văn bản pháp luật với nhiều chính sách ưu đãi hơn dành cho nữ giới (Waring, 2010)[3].
Với cơ cấu cứng về giới tính vào các vị trí quản lý như trưởng thôn đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến trình độ học vấn của trẻ em gái (Beaman, Duflo, Pande, & Topalova, 2012)[4], thì ảnh hưởng của nữ giới trong lĩnh vực lập pháp lại không hoàn toàn được rõ ràng như thế. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ nữ giới tham chính cao có thể có những ảnh hưởng đến nội dung khi xây dựng các văn bản pháp luật, nhất là những vấn đề quan trọng với phụ nữ như chính sách trông trẻ (Bratton & Ray, 2002)[5]. Nhưng hầu hết các học giả từ các cơ quan lập pháp phương Tây lại cho rằng, chính các chính sách của đảng, chứ không phải giới, có ảnh hưởng lớn nhất tới việc liệu các đại biểu có bỏ phiếu cho các dự luật thúc đẩy nữ quyền hay không (Tamerius, 1995[6]; Waring, 2010). Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của giới đến việc biểu quyết, nhưng một số nghiên cứu khác cho thấy những ảnh hưởng của nữ giới trong xây dựng chương trình nghị sự (Tamerius, 1995) và nội dung tranh luận (Piscopo, 2011)[7].
Do tính chất trái ngược nhau trong các nghiên cứu kể trên và thực tế là thể chế chính trị của Việt Nam khác so với bối cảnh thực hiện các nghiên cứu trên đây, nên triển khai nghiên cứu về nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là cần thiết. Rất nhiều nghiên cứu trong số đó được thực hiện ở phương Tây (Tamerius, 1995; Bratton & Ray, 2002), Mỹ La-tinh (Piscopo, 2011), hoặc châu Phi (O’Brien, 2012)[8]. Tuy nhiên, vì hệ thống bầu cử, tổ chức chính trị, và văn hóa của các quốc gia này khác biệt đáng kể so với Việt Nam, nên những kết luận thu được đó khó có thể áp dụng được ở Việt Nam. Vì những lý do trên, nghiên cứu này sẽ giải đáp những câu hỏi sau đây trong bối cảnh Việt Nam:
1.  Tỷ lệ đại diện của đại biểu nữ có ngang bằng với đại biểu nam trong Quốc hội?
2.  Mức độ đại diện của đại biểu nữ trong các Ủy ban của Quốc hội?
3. Nữ đại biểu thể hiện hoạt động như thế nào trong Quốc hội? Họ có lên tiếng các vấn đề liên quan đến nữ giới? Liệu họ có thường phản biện nhiều hơn đại biểu nam không?
Tóm tắt kết quả nghiên cứu: Quá trình bầu cử các nữ ứng cử viên
Liên quan đến các kỳ bầu cử và lựa chọn vị trí lãnh đạo, Việt Nam không đạt được chỉ tiêu tối thiểu 30% nữ trong kỳ bầu cử năm 2011. Giải pháp rõ ràng là đề cử các ứng viên nữ nhiều hơn. Trong cả hai kỳ bầu cử Quốc hội khóa 12 và 13, khoảng 30% các ứng cử viên là nữ. Giới thiệu nhiều nữ ứng cử viên hơn sẽ làm tăng khả năng nữ giới được bầu. Tuy nhiên, kết quả bầu cử lại cho thấy một vấn đề khác, đó là các ứng cử viên nữ bị trượt nhiều hơn so với các ứng cử viên nam. Hơn 60% các ứng cử viên nam đắc cử, trong khi con số này của nữ giới là 40%[9].
Mặc dù điều này có thể biểu thị là các ứng cử viên nữ không được lòng cử tri tại các điểm bầu cử, nhưng phân tích sâu hơn lại cho thấy, việc họ là phụ nữ không phải là điểm bất lợi, mà loại hình công việc của họ mới là yếu tố quyết định. Khả năng để các cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên là quân nhân cao hơn 20% so với các ứng cử viên ở cấp cơ sở bên Đảng hoặc Nhà nước. Ứng cử viên bên quân đội hầu như luôn luôn là nam giới. Tuy nhiên, trong số các cử tri, khả năng bỏ phiếu cho các ứng cử viên do các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước giới thiệu ít hơn 17% so với các nhóm ứng cử viên cơ sở. Các ứng cử viên từ khối doanh nghiệp này lại chủ yếu là nữ giới. Trong tổng số 1.704 ứng cử viên trong hai kỳ bầu cử Quốc hội khóa 12 và khóa 13, khoảng 24% là từ khối doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân, trong đó 36% trong tổng số ứng cử viên nữ là từ doanh nghiệp tư nhân. Các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, phần lớn là nam giới, đạt kết quả tốt hơn so với các khu vực còn lại.
Vì vậy, để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 35%, Việt Nam cần tăng số lượng ứng cử viên nữ và tăng số lượng ứng cử viên nữ với lý lịch công tác mà cử tri có xu hướng ủng hộ. Giải pháp tốt nhất là tăng số lượng các ứng cử viên nữ do các cơ quan trung ương giới thiệu.
Các vị trí lãnh đạo cũng rất quan trọng. Trong Quốc hội, cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban có các quyền hạn khác nhau. Nghiên cứu cho thấy, phần lớn nữ giới giữ ít trọng trách hơn trong Quốc hội trong khi nam giới có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo hơn. Tuy nhiên, kết quả các cuộc bầu cử cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu giảm không phải do phân biệt đối xử. Trên thực tế, số lượng phụ nữ làm lãnh đạo ít đi là do trước các kỳ bầu cử, ngày càng có ít nữ giới được các cơ quan trung ương như Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội giới thiệu (như trong Bảng 1). Vì vậy, để tăng số lượng các nhà lãnh đạo nữ, Quốc hội cần thay đổi cách thức lựa chọn các nhà lãnh đạo hoặc tăng số lượng các ứng cử viên nữ từ cấp trung ương.
Bảng 1: Những ứng viên được Trung ương đề cử theo giới tính
  
 
 
Do Tỉnh đề cử
Do Trung ương đề cử
 
Tổng số
Tỷ lệ %
Tổng số
Tỷ lệ %
Nam
830
61,21%
305
87,64%
Nữ
526
38,79%
43
12,36%
Tổng số
1356
 
348
 
Ghi chú: Số liệu này bao gồm các ứng cử viên trong bầu cử Quốc hội khóa 12 và khóa 13. 
Nguồn: Tất cả dữ liệu bao gồm các bài phát biểu và thông tin về tiểu sử đều được lấy từ website của Văn phòng Quốc hội (http://na.gov.vn/)
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đại biểu nữ nắm giữ các vị trí chủ chốt ít hơn đại biểu nam trong Quốc hội. Như bảng 2 cho thấy, nữ giới trong vai trò là đại biểu kiêm nhiệm, không chuyên trách nhiều hơn là đại biểu chuyên trách ở các Ủy ban. Khi xem xét thành viên của các Ủy ban, ta thấy số lượng các đại biểu nữ không cân đối tại các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp[10]. Hơn nữa, ngay cả tại những Ủy ban có đông thành viên nữ, ví dụ như Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Hội đồng Dân tộc,... thì phụ nữ cũng ít nắm vai trò lãnh đạo[11]. Đây là bằng chứng cho thấy, ngoài việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội, cần có giải pháp để bảo đảm nữ giới nắm giữ các vai trò lãnh đạo. Một lần nữa, xem xét tiến trình đề cử trong Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, ta lại thấy sự cần thiết phải đề cử thêm nhiều ứng cử viên nữ ở cấp trung ương.
Bảng 2: Đại biểu Quốc hội theo chức vụ
 
Nam giới
Nữ giới
Tổng số
Đại biểu kiêm nhiệm, không chuyên trách
163
68,49%
75
31,51%
238
Đại biểu chuyên trách
327
70,47%
137
29,53%
464
Đại biểu địa phương chuyên trách
104
80,62%
25
19,38%
129
Đại biểu chuyên trách ở các Ủy ban
40
83,33%
8
16,67%
48
Phó Chủ nhiệm Ủy ban
69
89,61%
8
10,39%
77
Ủy ban thường vụ Quốc hội
27
79,41%
7
20,59%
34
Tổng số đại biểu
730
73,74%
260
26,26%
990
Ghi chú: Số liệu này bao gồm tất cả các đại biểu của Khóa 12 và Khóa 13. Thiếu mất 3 đại biểu do thiếu dữ liệu. 
Nguồn: Tất cả dữ liệu bao gồm các bài phát biểu và thông tin về tiểu sử đều được lấy từ website của Văn phòng Quốc hội (http://na.gov.vn/)
 
Tóm tắt kết quả: Năng lực chuyên môn của nữ đại biểu
Do không thể truy cập dữ liệu về phiếu biểu quyết hay tham gia vào các phiên thảo luận của các Ủy ban, phân tích nội dung các bài phát biểu cho thấy, nữ giới và nam giới thường đề cập tới các vấn đề khác nhau. Đã có nhiều nghiên cứu áp dụng phương pháp sử dụng các bài phát biểu để đưa ra kết luận về “mô hình đại diện”, qua đó tìm hiểu về những đóng góp liên quan đến giới tại các nước như Argentina (Franceschet và Piscopo 2008)[12], Úc (Broughton và Palmieri 1999)[13] và New Zealand (Grey 2002)[14] v.v.. Phân tích này cho thấy tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội sẽ nâng cao tính đại diện về các vấn đề nữ giới, ít nhất là trong các phiên họp công khai, tranh luận, thảo luận dự luật. Các nữ đại biểu thường thảo luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ trong các bài phát biểu của họ. Hơn 30% số bài phát biểu của các đại biểu nữ nhắc tới các cụm từ phụ nữ, vấn đề của phụ nữ, hoặc các vấn đề của trẻ em, so với khoảng 20% của các đại biểu nam.
Tuy nhiên, nếu chỉ đề cập đến nữ giới hoặc các vấn đề của nữ giới không có nghĩa là bài phát biểu đó thực sự liên quan đến những chủ đề như vậy, do đó nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích theo cách mã hóa bài phát biểu. Thuật toán máy tính được sử dụng để phân tích các bài phát biểu nhằm đánh giá xem liệu nữ giới hay nam giới có xu hướng nêu ra vấn đề. Phương pháp này cho thấy, có khoảng 11% các bài phát biểu của nữ có đề cập đến các vấn đề liên quan đến nữ giới, con số này đối với nam giới chỉ là 8%. Cùng với một số nghiên cứu cụ thể khác, đây là bằng chứng cho thấy phụ nữ thường quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tác động trực tiếp tới họ. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng ủng hộ các chính sách vì phụ nữ và giám sát việc thực hiện các chính sách này trong các phiên báo cáo của Chính phủ.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến tính quyết đoán và trình độ chuyên môn của nữ đại biểu trong Quốc hội. Trong khi nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, không có sự khác biệt giữa đại biểu nam và nữ trong cơ quan lập pháp, một số nghiên cứu trước đó lại cho rằng, phụ nữ thường ngại phản biện hơn nam giới. Nghiên cứu này đánh giá hành vi của các nữ đại biểu trên tất cả các lĩnh vực nhằm đo lường mức độ phản biện ít hay nhiều của họ trước các bộ trưởng trong các phiên chất vấn hay thảo luận dự luật. Kết quả phân tích cho thấy, không có sự khác biệt rõ ràng giữa đại biểu nam và nữ về khả năng phản biện hay trình độ chuyên môn (hình 1) trên bất kỳ lĩnh vực nào. Thực tế cho thấy một khác biệt nhỏ là nữ giới tỏ ra sẵn sàng tranh luận hơn nam giới. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu chỉ chiếm 26% trong Quốc hội khóa 12 và 13, 28% tổng số bài phát biểu là của họ.
Untitled_198.png
Ghi chú: Diễn giả nam được thể hiện bằng màu xanh nước biển, nữ là màu xanh lá cây. Những giá trị ước tính này dựa trên việc người nhập liệu đọc 500 bài phát biểu và đánh giá thủ công liệu diễn giả có phê bình dự thảo luật không. Thuật toán được nói đến ở Phụ lục 4 được dùng để mã hoá cho các bài phát biểu còn lại.
 
 
Tóm lại, nghiên cứu về năng lực chuyên môn của nữ đại biểu Quốc hội cho thấy, các nữ đại biểu thường đề xuất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và ủng hộ các chính sách vì phụ nữ hơn. Nữ đại biểu Quốc hội quan tâm hơn đến các vấn đề của nữ giới không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng ý kiến đóng góp hay khả năng chất vấn Chính phủ của họ về các vấn đề khác. Nghiên cứu cho thấy, đại biểu nữ sẵn sàng tham gia thảo luận nhiều hơn so với đại biểu nam trong mọi vấn đề. Do đó, tăng số lượng đại biểu nữ sẽ giúp tập trung hơn vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ mà không ảnh hưởng đến việc tranh luận các vấn đề khác.
Tóm tắt kết quả nghiên cứu và khuyến nghị
·         Khả năng để các đại biểu nữ nêu các vấn đề liên quan đến phụ nữ là nhiều hơn đại biểu nam.
·         Đại biểu nữ tham gia tranh luận về mọi vấn đề, không chỉ riêng các vấn đề của phụ nữ, với chất lượng ngang bằng với đại biểu nam.
·         Để tăng cường sự chú ý đối với các vấn đề của phụ nữ, cần tăng số lượng nữ đại biểu trong Quốc hội. Điều này không ảnh hưởng gì đến chất lượng của Quốc hội.
·         Để tăng cường vai trò của phụ nữ trong Quốc hội, phụ nữ cần được lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo trong tất cả các Ủy ban, không chỉ giới hạn trong Ủy ban Các vấn đề xã hội hay Hội đồng Dân tộc.
·         Cách tốt nhất để tăng số lượng nữ giới được bầu và lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo là tăng số lượng các ứng cử viên nữ và tăng tỷ lệ ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu.
 
Có thể xem toàn bộ báo cáo tại trang web:  http://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/womens_empowerment/women_delegates_in_the_viet_nam_national_assembly.html

 


* Bản tóm tắt chính sách này dựa trên một báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập kinh tế của Bộ Ngoại giao (MOFA) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).  
[1]Xem:Tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu là thành viên chính phủ (The National Assembly will increase the Full-time delegates and Decrease the Government Delegates) www.nguoidaibieunhandan.com.vn. ngày 24/02/2007; Hội nghị Hiệp thương thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội, Tin Moi Online, ngày 23/02/ 2011.
[2]   Tham khảo UN Women: Sự tham gia bình đẳng của Nữ giới và Nam giới trong tiến trình hoạch định chính sách, trọng tâm là tham gia chính trị và lãnh đạo (Equal Participation of Women and Men in Decision-making Processes, with Particular Emphasis on Political Participation and Leadership) Addis Ababa, Ethiopia., http://www.un.org/womenwatch/daw/egm/eql-men/ ngày 24/10/2005.
[3] Waring, Marilyn. 2010, Women’s Political Participation (Phụ nữ trong Chính trị) UK Department for International Development.
[4] Beaman, Lori, Esther Duflo, Rohini Pande, và Petia Topalova, Female Leadership Raises Aspirations and Educational Attainment for Girls: A Policy Experiment in India (Lãnh đạo nữ giúp nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và ước mơ của các nữ học sinh)., 2012. Science 582-586.
[5] Bratton, Kathleen, và Leonard Ray, Descriptive Representation, Policy Outcomes, and Municipal Day-Care Coverage in Norway (Đại diện mô tả, Kết quả chính sách và vấn đề trông trẻ ban ngày tại Na – uy, American Journal of Political Science. 2002. 428-437.
[6] Tamerius, Karin, Sex, Gender, and Leadership in the Representation of Women (Giới, Giới tính, Lãnh đạo trong đại diện của phụ nữ), trong Gender Power, Leadership, and Governance, do Georgia Deurst-Lahti và Rita Mae Kelly biên tập, 1995. 93-112. Ann Arbor, MI: University of Michigan Press.
[7] Piscopo, Jennifer, Rethinking Descriptive Representation: Rendering Women in Legislative Debates (Xem xét lại tính đại diện mô tả: Phụ nữ trong các phiên tranh luận lập pháp. 2011. Parliamentary Affairs 448-472.
[8] O’Brien, Diana, Quotas and Qualifications in Uganda (Chỉ tiêu và văn bằng chuyên môn ở Uganda) trong The Impact of Quotas on Women’s Descriptive, Substantive, and Symbolic Representation, do Susan Franceschet, Mona Lena Krook và Jennifer Piscopo biên tập, 2012. 57-71. New York: Oxford University Press. Đây chỉ là vài tài liệu trong số rất nhiều tài liệu về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về mức độ đại diện của nữ ở Việt Nam hay Trung Quốc, hai quốc gia có hệ thống chính trị khá tương đồng.
[9] Cần lưu ý số lượng ứng cử viên ban đầu thường cao hơn so với số lượng ứng cử viên chính thức. Các nghiên cứu trước cho thấy danh sách ứng cử ban đầu thường có tỷ lệ nữ giới cao hơn, nhưng rất nhiều các ứng cử viên nữ bị loại khỏi danh sách trong quá trình ứng cử (Vandenbeld và Ly 2012).
 
[10]Ủy ban thường vụ Quốc hội được xem xét riêng biệt do phần lớn ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là Chủ nhiệm của các Ủy ban.
 
[11]Có một số tranh luận thú vị về việc liệu có nên thành lập một ủy ban đặc biệt về giới hay không. Đây là một ý kiến hay trong bối cảnh một số nước Mỹ Latinh và Đông Âu. Mặc dù điều này có thể giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề nữ giới, một số nghiên cứu cho rằng, sự tồn tại của ủy ban phụ nữ cho phép các nhà lập pháp hạn chế tất cả số lượng nữ đại biểu trong ủy ban đó. Điều này sẽ làm giảm khả năng đại diện của họ ở các ủy ban quyền lực hơn (Heath, Schwindt-Bayer and Taylor-Robinson 2005).
 
[12] Franceschet, Susan, và Jennifer Piscopo., Gender Quotas and Women’s Substantive Representation: Lessons from Argentina (Chỉ tiêu về giới và tính đại diện của phụ nữ: Bài học của Argentina) Politics and Gender. 2008, 393-425.
[13]Broughton, Sharon, và Sonia Palmieri., Gendered Contributions to Parliamentary Debate: The Case of Euthanasia (Đóng góp theo giới tính đối với quá trình tranh luận tại nghị viện: Trường hợp của Euthanasia) Australian Journal of Political Science. 1999. 29-45.
[14]Grey, Sandra., Does Size Matter? Critical Mass and New Zealand’s Women MPs (Quy mô có quan trọng không? Vai trò của công chúng và nữ nghị sĩ New Zealand)., Parliamentary Affairs. 2002. 19-29.