Hối lộ và những sửa đổi pháp luật cần thiết để chống hối lộ

01/08/2012

Hối lộ về bản chất là sự mua bán quyền lực, một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, nhất là về phía người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ dứt khoát phải là người nắm giữ quyền lực và đã “bán" quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình.                                                                                                                                                                                    
Hành vi hối lộ thực hiện được hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, trong đó, đưa và nhận hối lộ đóng vai trò then chốt, môi giới hối lộ như một chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi hơn, an toàn hơn cho hành vi hối lộ nói chung được thực hiện trót lọt.
Để đấu tranh chống lộ, cần thiết phải nhìn rõ bản chất của ba loại hành vi này.
Thứ nhất, từ phía người đưa hối lộ. Đưa hối lộ thường là các doanh nhân hoặc cá nhân. Hối lộ là một trong những cách dùng tiền bạc và vật chất để mê hoặc người ra quyết định, người có chức có quyền để doanh nghiệp nhận được hợp đồng béo bở hoặc bản thân cá nhân nào đó thực hiện được một việc có lợi cho mình (có thể hợp pháp hoặc phi pháp). Khi việc kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hối lộ là cách để có được hợp đồng hoặc một sự cho phép nào đó từ phía người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan công quyền, để từ đó kiếm lời bất chính. Vụ án “chạy quota” ở Bộ Thương mại là một ví dụ. Ở một số nước, nhiều doanh nghiệp coi hối lộ là một chi phí cần thiết trong kinh doanh.
Đối với các cá nhân, có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là họ chủ động hối lộ dưới hình thức quà cáp, hoặc là họ được gợi ý hay ép buộc. Lợi ích mà người đưa hối lộ đạt tới cũng khá đa dạng: có thể đó là lợi ích chính đáng, hợp pháp nhưng vì họ gặp khó khăn về thủ tục hay bị sách nhiễu, gây khó dễ nên tìm cách “bôi trơn”. Cũng có khi người đưa hối lộ nhằm vào một lợi ích bất hợp pháp, sau khi đã hạch toán giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được họ quyết định “đầu tư” cho quan chức bằng cách hối lộ để đạt được lợi ích phi pháp của mình. Như vậy, nếu như hành vi nhận hối lộ luôn là hành vi có lỗi thì tính chất của hành vi đưa hối lộ rất khác nhau và cần được xử lý khác nhau thì mới phù hợp.
Người đưa hối lộ nhiều khi do bị “ép buộc”. Vụ lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng lớn mới đây bị bắt đã chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp muốn có được hợp đồng, thậm chí muốn rút được tiền cũng phải chi tiền.
Trong đa số các trường hợp, người đưa hối lộ thừa biết mình phạm pháp. Pháp luật của hầu hết các nước đều cấm không chỉ nhận hối lộ mà cả đưa hối lộ. Vì biết rõ điều này nên tâm lý người đưa hối lộ luôn căng thẳng vì có thể bị bắt và bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
Thứ hai, từ phía người nhận hối lộ. Đã là người nhận hối lộ phải là người có chức có quyền. Không có quyền thế, không có quyền quyết định thì chắc họ không phải là đối tượng được nhận hối lộ. Lòng tham vốn là bản tính cố hữu của con người. Khi có quyền lực trong tay lại thiếu vắng sự kiểm soát chặt chẽ, người có quyền lực khó cưỡng nổi sự cám dỗ.
Không ít cán bộ có chức có quyền nhưng bị thoái hoá, biến chất. Họ tham tiền và chấp nhận việc nhận hối lộ. Thậm chí gợi ý, ép doanh nghiệp, cá nhân phải đưa hối lộ. Nếu không đưa hối lộ, họ tìm mọi cách làm khó dễ, thậm chí làm cho hỏng việc. Vì tham lam, họ bất chấp luật pháp, bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những hành vi phạm pháp, nhắm mắt trước những hậu quả sẽ xảy ra cho xã hội.
Người nhận hối lộ chắc chắn biết rằng, việc ăn đút lót, hối lộ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, rằng họ có nguy cơ một ngày nào đó phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp và sự khinh bỉ của nhân dân. Tuy nhiên có vẻ như, phần lớn những kẻ nhận hối lộ tin tưởng rằng, mình sẽ không bị phát hiện. Niềm tin sẽ không bị phát hiện càng được củng cố khi thực tế đang cho thấy, rất ít người bị phát hiện và xử lý về tội hối lộ.
Hành vi môi giới hối lộ và người môi giới hôi lộ. Đây là hành vi chỉ xuất hiện khi xã hội phát triển đến mức độ nào đó, khi chuyện mua bán không thể thực hiện trực tiếp hoặc pháp luật đã quy định trừng trị những hành vi đưa, nhận hối lộ. Môi giới hối lộ chính là làm cho “cung/cầu” gặp nhau. Người cần được việc nhưng không biết chỗ bán, lại có người có ý định bán vì nhiều lý do khác nhau nhưng không biết rõ ai có ý định cần mua, hai đối tượng này không thể trực tiếp thực hiện hành vi của mình. Khi đó xuất hiện các loại “cò” trung gian. Đôi khi người môi giới không vì mục đích kiếm lời mà đơn giản chỉ là muốn giúp người mua hoặc người bán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người môi giới thực hiện hành vi môi giới để kiếm lợi từ một trong hai phía hoặc từ cả hai phía: người đưa và nhận hối lộ. Thậm chí có những người đã coi môi giới là một nghề. Tất nhiên, do đưa hối lộ và nhận hối lộ là hành vi phi pháp nên “nghề môi giới” cũng được thực hiện một cách lén lút, không chính thức.
Các góc độ tác động của nạn hối lộ.Hối lộ là một hiện tượng vi phạm pháp luật và mọi người đều lớn tiếng phê phán, nhưng vì sao, nó lại có “sức sống” mãnh liệt như vậy? Như đã đề cập, trong quan hệ hối lộ, đa số trường hợp các bên tham gia hối lộ đều có phần lợi ích và vì thế, họ tìm mọi cách để che chắn cho nhau, rất khó phát hiện và cũng rất ít trường hợp người đưa hối lộ đi phát giác. Thậm chí, theo Thaveerporn, một số cách tiếp cận kinh tế xã hội học coi hối lộ trong một chừng mực nào đó như là một giải pháp cho vấn đề thể chế và cơ chế đang vướng mắc mà chưa thể thay đổi[1].
Tuy nhiên tuyệt đại đa số khẳng định rằng, tác hại trực tiếp và gián tiếp của hành vi hối lộ là điều hiển nhiên, bất kể những “lợi ích" nó có thể đã mang lại.
Hối lộ, về lâu dài, có ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước. Bệnh “bôi trơn” có thể bị lây lan sang khắp các lĩnh vực. Nếu “bôi trơn” trở thành phổ biến trong bộ máy nhà nước, người thực thi công việc tại các ngành khác nhau sẽ tập trung vào những phần công việc mang lại lợi nhuận nhất do “bôi trơn” mang lại.
Hối lộ làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, méo mó hoạt động công quyền, bẻ cong pháp luật và chà đạp lên công bằng xã hội. 
Hối lộ làm cho các hoạt động hành chính trở thành nơi sách nhiễu người dân. Biến các chủ trương chính sách cởi mở của nhà nước thành phương tiện làm giàu và cơ quan nhà nước thành nơi ban ơn. Tệ hối lộ có thể làm tê liệt hoạt động của chính quyền, biến chính quyền thành nơi làm ăn trục lợi. Tệ hối lộ làm đảo lộn các giá trị đạo đức và văn hoá....
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã lên án mạnh mẽ tệ nạn này. Trong một bài viết, Người đã trích dẫn cách hành xử của Lê-nin để bày tỏ thái độ đối với tệ hối lộ. Người viết: "Ngày 2/5/1918, Toà án nhân dân Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ án hối lộ, Lê-nin không bằng lòng và viết: “Không xử bắn bọn ăn của đút mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, đó là một điều đáng xấu hổ cho những người cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ để dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”. Cách vài hôm, Lê-nin viết cho thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”[2].
Hạn chế và khó khăn của việc phát hiện và xử lý hành vi hối lộ hiện nay.Hối lộ là hành vi rất khó phát hiện và truy cứu trách nhiệm để xử lý. Điều này càng trở nên khó khăn khi hối lộ liên quan đến vấn đề quà tặng, vốn là hành vi ứng xử bình thường, từ lâu đã thành tập quán ở Việt Nam. Các kết quả khảo sát cho thấy, nhiều trường hợp quà cáp khi đến cơ quan công quyền đã trở thành thói quen được người dân chấp nhận. Sự phân biệt rạch ròi giữa quà tặng và của đưa hối lộ gần như là không thể. Việc thực hiện các quy định về vấn đề quà tặng theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ còn rất hạn chế. Đây có thể coi là cản trở lớn nhất cho việc truy cứu trách nhiệm đối với việc đưa và nhận hối lộ. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trong hơn 5 năm qua, đã có 265 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị trên 1.439 triệu đồng. Con số này là quá ít so với những gì đang diễn ra và dường như quy định về quà tặng đã không phát huy được tác dụng như mong đợi.   
Cùng một bản chất là hối lộ nhưng hành vi này được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau và tính chất cũng rất khác nhau, nên khó bị phát hiện và xử lý, thậm chí có những loại hầu như không thể xử lý, nhất là khi hành vi này được che đậy dưới các hình thức quà cáp, bồi dưỡng, bôi trơn, cảm ơn, ngoại giao, quan hệ... vốn đang rất phổ biến hiện nay.
Nhìn từ góc độ hình sự thì các quy định của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, từ các thuật ngữ, khái niệm về hối lộ đến chính sách xử lý và nhất là trách nhiệm chứng minh trong vụ việc nhận hối lộ đang còn ngổn ngang những vấn đề khiến cho các cơ quan tố tụng hết sức khó khăn trong việc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các vụ việc hối lộ. Điều đó dẫn đến một nghịch lý là cảm nhận của xã hội cũng như nhận định của chính các cơ quan nhà nước về tham nhũng nói chung và tệ hối lộ càng ngày càng nhiều, trong khi các vụ việc, vụ án xét xử tội danh hối lộ thì quá ít, thậm chí, thời gian gần đây có xu hướng giảm. Các số liệu thống kê của Toà án nhân dân tối cao cho thấy, từ năm 2006 đến năm 2010, tội phạm nhận hối lộ bị đưa ra xét xử có xu hướng giảm cả về số vụ và số bị cáo; nếu như năm 2006 có 34 vụ với 85 bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, thì năm 2010, chỉ có 16 vụ với 36 bị cáo bị đưa ra xét xử (bằng 47,06% số vụ và 42,35% số bị cáo so với năm 2006).
Giải pháp và kiến nghị sửa đổi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả chống hối lộ. Hối lộ là một hiện tượng phức tạp và là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tệ hối lộ, cần thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý, trong đó phòng ngừa là cơ bản; thực hiện chống cả đưa, nhận và môi giới hối lộ, trong đó, trọng tâm là chống nhận hối lộ. Để phòng ngừa và giảm bớt tình trạng đưa hối lộ, cần thực hiện hai giải pháp cơ bản sau đây:
- Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xoá bỏ triệt để cơ chế xin - cho; đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ công để giảm bớt sự chênh lệch cung - cầu, nguyên nhân chủ yếu của việc chạy chọt, đưa hối lộ.
Rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho và thực hiện triệt để chế độ phân cấp, phân quyền trong nền hành chính. Có chế xin - cho tất yếu dẫn đến hiện tượng cửa quyền, là mầm mống của tệ đưa - nhận hối lộ. Cơ chế này tạo ra đặc quyền của người cho, họ có quyền cho hay không cho, cho người này hay cho người khác. Cơ chế xin cho buộc người ta phải "chạy chọt" để được hưởng lợi quyền: “chạy” giấy phép, “chạy” dự án, thậm chí “chạy” chủ trương… Đó là một hệ quả không thể khác. Trong khi đó, nền hành chính hiện nay lại chưa có sự phân cấp, phân quyền triệt để, dẫn đến sự chồng lấn về quyền hạn giữa trung ương với địa phương, giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, thậm chí giữa ngành này với ngành khác làm cho các thủ tục hành chính nhiều tầng nấc, rườm rà và khó xác định trách nhiệm. Trong điều kiện như vậy, tệ vòi vĩnh, gây phiền hà, đòi hối lộ là khó tránh khỏi. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính là cần thiết, nếu muốn hạn chế và đẩy lùi tệ hối lộ.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công để giảm bớt áp lực do sự chênh lệch cung - cầu, nhất là trong các lĩnh vực y tế và giáo dục, đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chuẩn mực về về kinh tế - kỹ thuật các tiêu chuẩn về chất lượng trong lĩnh vực này, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.
- Hai là, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của xã hội trong việc phê phán, đấu tranh với tệ hối lộ.
Cùng với việc tăng cường các biện pháp về phía Nhà nước để tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền lực, thì một việc không thể thiếu là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội trong việc đấu tranh chống hối lộ, nhất là thói quen quà cáp, chạy chọt.
Cần phải có những biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, coi hối lộ là một trong những việc làm xấu xa nhất, làm giàu từ hối lộ là cách làm giàu đáng hổ thẹn nhất. Cần tạo ra trong xã hội tâm lý không chấp nhận đưa hối lộ, không coi việc đưa hối lộ là phương cách để giải quyết công việc của mình.
Trong một xã hội, khi người ta chấp nhận cái xấu, cái ác như là một sự tồn tại đương nhiên, không lên án, không muốn lên án hoặc không dám lên án cái xấu, cái ác xảy ra xung quanh mình, thì khi đó, vai trò của đạo đức đã bị suy vong. Cái xấu, cái ác khi đã thành phổ biến, chúng sẽ tấn công vào các giá trị đạo đức, khiến cho hệ thống các giá trị đạo đức bị đảo lộn, bị lu mờ hay biến dạng. Đạo đức xã hội suy vong sẽ làm suy yếu đi nền tảng cho cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Đối với tệ hối lộ cũng vậy. Nếu như trong xã hội người ta mặc nhiên thừa nhận việc dùng tiền để mua bằng cấp, mua chức vụ, mua việc làm; dùng tiền để “khoan thủng” các thủ tục hành chính, nói chung là dùng tiền để giải quyết tất cả những công việc của mình ở những nơi công quyền, thì đã đến lúc báo động về một căn bệnh trầm kha mang tính xã hội.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc giáo dục người dân ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, bản thân mỗi người dân và doanh nghiệp phải nắm chắc được quyền của mình, nắm chắc được quy định của pháp luật mỗi khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình và cố gắng tuân thủ các quy định đó, bỏ dần thói quen nhờ vả, quà cáp, tôn trọng trật tự và công bằng xã hội trong văn hoá ứng xử hàng ngày.
Tuyên truyền giáo dục để người dân có thái độ căm ghét và tinh thần kiên quyết chống lại tệ hối lộ. Nâng cao ý thức của người dân trong việc hợp tác, cung cấp các thông tin về hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức cho các cơ quan bảo vệ pháp luật; tạo điều kiện cho công dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; thiết lập nhiều đường dây nóng để thu nhập tin tức từ nhân dân về các hành vi nhận hối lộ.
Phát hiện và xử lý hành vi hối lộ.Nói đến chống hối lộ là nói đến việc chống cả ba loại hành vi: đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ. Trong đó, mấu chốt của vấn đề phải được xác định là chống nhận hối lộ. Cùng với tham ô, nhận hối lộ là một trong những hành vi điển hình của tệ tham nhũng. Có thể nói, nhận hối lộ là hệ quả cuối cùng và tất yếu của quá trình tha hóa quyền lực hay sử dụng quyền lực công một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát. Trong mọi trường hợp, “nhận hối lộ” luôn là việc một người có chức vụ, quyền hạn đã nhận một khoản tiền, một lợi ích vật chất hay phi vật chất để làm hay không làm một việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của người đưa. Vì thế, chống được nhận hối lộ, hạn chế được loại hành vi này sẽ là cơ sở đương nhiên để hạn chế hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Hay nói cách khác, khi không còn nhận hối lộ thì sẽ không còn cơ sở để tồn tại hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần sửa đổi các quy định liên quan trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như khuyến khích người đưa hối lộ, môi giới hối lộ chủ động tố cáo hay khai báo hành vi phạm tội. Việc xử lý hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ cũng cần có sự phân biệt để tránh xử lý tràn lan, đặc biệt cần gỡ bỏ trách nhiệm hình sự đối với người đã buộc phải đưa hối lộ để được thực hiện những quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Để có cơ sở đấu tranh với những biểu hiện tinh vi của hối lộ, cần thiết phải mở rộng khái niệm vụ lợi với cả những lợi ích phi vật chất (điều này đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, nhưng tiếc là đã không được thể hiện khi sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) vào năm 2009). Ngoài ra, với việc chúng ta tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng thì việc xử lý hối lộ cũng cần bao quát được cả khu vực tư.
Điều 279 BLHS hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc những lợi ích khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt...
Hành vi đưa hối lộ cần được mô tả rõ để có sự phân biệt với hành vi nhận hối lộ. Cụ thể, Tội đưa hối lộ quy định tại Điều 289 BLHS cần được sửa như sau:
“Điều 289. Tội đưa hối lộ
1. Người nào vì lợi ích bất hợp pháp của mình hoặc của người khác mà mời chào, hứa hẹn hoặc đưa cho, trực tiếp hay gián tiếp người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực công hoặc tư, của Việt Nam hoặc của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, tài sản có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần hoặc những lợi ích khác, cho chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để người có chức vụ, quyền hạn này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công việc trong chức trách, quyền hạn thì bị phạt...
Tương tự như vậy, Điều 290 về Tội làm môi giới hối lộ cần được sửa đổi, bổ sung như sau
1. Người nào làm trung gian để thực hiện việc chào mời, hứa hẹn hoặc cho, đòi hỏi hoặc nhận của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần hoặc những lợi ích khác, bất kỳ giữa người có chức vụ quyền hạn thuộc lĩnh vực công hoặc tư, của Việt Nam hoặc của nước ngoài, của tổ chức quốc tế với người khác mà theo yêu cầu của người này, người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ trong chức trách, quyền hạn của mình thì bị phạt...”
Đồng thời, cần phải nghiên cứu sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ theo hướng có thể quy kết hành vi nhận hối lộ nếu người đưa đã khai nhận hành vi đưa hối lộ phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ việc để chứng minh hành vi nhận hối lộ mà không cần phải có chứng cứ trực tiếp “bắt tận tay, day tận trán" khiến các cơ quan điều tra phải bó tay trong rất nhiều trường hợp như hiện nay./.
 
 

[1] Về hiện tượng hối lộ,Dai bieu Nhan dan (People's Representatives),  7/12/ 2011http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=231952
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H., tr 484-485