Một số nội dung của Luật đất đai cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện

01/08/2012

Đất đai được xác định là tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn nội lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, là địa bàn để phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, là bộ phận cơ bản của lãnh thổ quốc gia, là thành phần quan trọng của môi trường sống, là thành quả đấu tranh cách mạng của nhiều thế hệ… Do đó, đất đai luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Qua các thời kỳ cách mạng, nhất là từ khi chúng ta tiến hành đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã đề ra các đường lối chủ trương, chính sách về đất đai và được ghi nhận trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X và XI. Đặc biệt, Kết luận của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua đã khẳng định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu"[1].
Thể chế hóa, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về đất đai, Nhà nước ta đã ban hành Luật Đất đai năm 2003 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh có hiệu quả nhiều quan hệ đất đai đang tồn tại, phát sinh và phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, hệ thống quy phạm pháp luật đất đai ở nước ta hiện nay vẫn tồn tại không ít những hạn chế, như một số quy định còn chung chung, thiếu cụ thể và không thống nhất; một số quy định không phù hợp với thực tiễn... Thực trạng này gây không ít khó khăn cho việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai cũng như công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã và đang chỉ đạo và triển khai thực hiện việc sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật đất đai. Để góp phần vào công việc trọng đại này, theo chúng tôi, pháp luật đất đai cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo các hướng:  
Thứ nhất, cần tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và đại diện chủ sở hữu đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003. Đây là một quy định hoàn toàn đúng đắn. Bởi vấn đề này đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin phân tích, lý giải trong các tác phẩm của mình và đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như đã được các nhà khoa học luận giải một cách thấu đáo. Tuy vậy, để bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với đất đai, theo chúng tôi, Nhà nước cần ban hành các quy định với những chế tài mạnh để xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi lấn chiếm hủy hoại đất đai, gây ô nhiễm suy thoái cho đất đai. Chẳng hạn, nếu hành vi vi phạm phải xử phạt hành chính thì mức tiền phạt phải cao; còn đối với những hành vi lấn chiếm đất đai gây thiệt hại lớn cho tài sản quốc gia và thu lợi bất chính lớn thì phải kiên quyết xử lý bằng biện pháp hình sự. Có như vậy mới răn đe và ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật đất đai và bảo vệ được đất đai, một tài sản quý giá của quốc gia.
Đặc biệt, khi thu hồi đất, Nhà nước cần bỏ tiền ra đền bù cho dân theo khung giá đất. Sau khi giải phóng mặt bằng có đất "sạch" thì Nhà nước tiếp tục giao lại cho các chủ đầu tư, hoặc cho các chủ đầu tư thuê theo một giá mới. Khoản tiền chênh lệch thu được sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước và quyền của chủ sở hữu đối với đất đai của Nhà nước mới được bảo vệ.
Thứ hai, sửa đổi các quy định về định giá đất. Giá đất vừa là sản phẩm tất yếu của cơ chế thị trường, vừa là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai và thị trường bất động sản, đồng thời giá đất là phương tiện để Nhà nước thực hiện các chính sách xã hội về đất đai. Giá đất còn góp phần đảm bảo cho cơ chế sử dụng đất có hiệu quả và tiết kiệm, nhưng giá đất hiện nay hầu hết ở các tỉnh, thành phố đều thấp hơn nhiều so với giá thực tế.
Vì vậy, Nhà nước cần phải quy định chi tiết, cụ thể về giá đất để giá đất sát với giá thực tế nhất. Để làm được điều này, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
- Cần bổ sung một số căn cứ để định giá đất, chẳng hạn như đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp, phải căn cứ vào độ phì nhiêu của đất, các điều kiện khí hậu tưới tiêu, vào vị trí địa hình có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đối với đất đô thị và đất khu dân cư nông thôn, cần phải căn cứ vào mức độ hoàn thiện của cơ sở hạ tầng, khả năng sinh lợi của đất và vị trí đất có khả năng tạo được các hoạt động dịch vụ.
- Phải xác định giá đất một cách cụ thể, thường xuyên theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, phù hợp với sự biến động của thị trường, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
- Nhà nước cần ban hành các quy định pháp lý để thành lập cơ quan định giá đất, tạo nền tảng pháp lý cho việc thành lập hệ thống cơ quan này. Cơ quan định giá đất được thành lập sẽ có tác dụng định giá đất kịp thời, khách quan, khoa học khi đất đai có sự biến động. Đây chính là điểm mấu chốt để việc định giá đất sát với giá thực tế ở nước ta hiện nay.
Việc định giá đất sát với thực tế sẽ góp phần tránh được thất thu cho ngân sách nhà nước khi tính thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu tiền khi giao đất, đảm bảo cho người dân bị thu hồi đất được đền bù theo giá hợp lý; tránh được phức tạp khi làm hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (như vừa phải làm một hợp đồng theo giá đất của Nhà nước để tính thuế và vừa phải làm một hợp đồng theo giá thị trường).
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong những năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; việc quy hoạch, kế hoạch tiến hành chậm, thiếu công khai, thiếu đồng bộ v.v.. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng là do các quy định pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa hoàn thiện.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo chúng tôi, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng sau:
- Bổ sung vào Luật Đất đai hiện hành một số quy định để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ về lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, đặc biệt là UBND cấp tỉnh.
- Sửa đổi, bổ sung mục 2, chương II về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2003 để cơ quan quản lý đất đai từ trung ương đến địa phương không chỉ là cơ quan "giúp Chính phủ và UBND các cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai” mà phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ và UBND các cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Cần tiếp tục quy định cụ thể, chi tiết việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong cả nước, ở từng địa phương và đối với từng loại đất; quy định rõ hơn trình tự, thủ tục và các bước tiến hành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và các cá nhân được trao quyền trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ tư, sửa đổi các quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất.
- Giao đất: cần bổ sung quy định, trước khi giao đất, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm các thủ tục đền bù cho người có đất, còn người được giao đất chỉ cần nộp tiền sử dụng đất nhằm tránh tình trạng người được giao đất vừa phải nộp tiền sử dụng đất vừa phải nộp tiền đền bù.
- Cho thuê đất: thống nhất các quy định về việc cho thuê đất đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, với các loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn, Điều 35 và Điều 108 của Luật Đất đai quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi thực hiện các dự án được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Trong khi đó, tổ chức, cá nhân trong nước thuê đất của Nhà nước lại chưa được quy định rõ việc có quyền trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hay Luật Đất đai năm 2003 cũng có các quy định về cho thuê đất đối với từng thành phần kinh tế rất khác nhau. Theo đó, các tổ chức kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, công ty cổ phần khi thuê đất phải làm các thủ tục pháp lý phức tạp và UBND cấp tỉnh giao đất, còn doanh nghiệp tư nhân thì các thủ tục thuê đất đơn giản hơn nhiều và do UBND cấp huyện giao đất. Đây là sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Vì vậy, nên bổ sung sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất về mặt pháp lý trong thuê đất của hai loại doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định cụ thể hơn về việc thuê đất của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; cơ quan đại diện cho Tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ; quy định cụ thể về giá thuê đất đối với các tổ chức này, làm rõ trường hợp nào được thuê đất với giá ưu đãi, trường hợp nào thực hiện giá thuê thông thường.
- Thu hồi đất và bồi thường thiệt hại: Luật Đất đai năm 2003 quy định 12 trường hợp được thu hồi đất, nhưng lại quy định về thẩm quyền thu hồi đất quá cứng nhắc. Theo đó, chỉ có UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện mới có thẩm quyền thu hồi đất, còn UBND cấp xã không có thẩm quyền thu hồi bất cứ loại đất nào. Quy định này đã "trói tay" UBND phường, xã, thị trấn trước nạn lấn chiếm đất đai hiện nay. Do đó, Nhà nước cần bổ sung một số quy định cho phép UBND cấp xã có thẩm quyền được thu hồi đất đang bị lấn chiếm để xử lý và kịp thời ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất đai mới phát sinh.
Ngoài ra, pháp luật đất đai cũng cần sửa đổi các quy định liên quan đến việc thỏa thuận giá đền bù giữa các chủ đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh và người sử dụng đất. Vì thực tế, việc thỏa thuận hết sức khó khăn bởi người sử dụng đất đưa giá quá cao, hoặc có thể thỏa thuận được với đa số người sử dụng đất nhưng một số người sử dụng đất lại không chịu thỏa thuận, song các thửa đất của họ lại nằm ở trung tâm dự án. Quy định này đã gây khó khăn cho người được giao đất, gây ách tắc cho việc giải phóng mặt bằng, do đó cần nhanh chóng sửa đổi quy định này theo hướng Nhà nước thu hồi đất và đền bù theo một giá thống nhất, sau đó giao cho các chủ dự án. Quy định này đã được thực hiện ở Trung Quốc từ nhiều năm nay và mang lại những hiệu quả lớn trong quản lý đất đai. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu để có thể vận dụng.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cấp GCNQSDĐ là một việc khá khó khăn, tốn kém thời gian và tiền bạc, đặc biệt là đất ở tại các đô thị. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do các thủ tục pháp lý được quy định trong Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành khá phức tạp. Vì vậy, nên sửa đổi, bổ sung một số quy định để sớm khắc phục các hạn chế của các quy định về cấp GCNQSDĐ như:
- Theo Khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai năm 2003 lại quy định "GCNQSDĐ được cấp theo từng thửa đất”. Quy định này là không phù hợp với thực tế, vì ở các vùng đồng bằng, các hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp thường có nhiều thửa đất, nếu quy định như vậy thì mỗi hộ gia đình sẽ có nhiều GCNQSDĐ nên phải nộp nhiều tiền lệ phí trước bạ, gây tốn kém cho người dân, đồng thời cũng gây mất thời gian cho cơ quan quản lý nhà nước, do phải cấp GCNQSDĐ nhiều lần và phải lưu nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Vì vậy, nên sửa đổi quy định này theo hướng có thể cấp GCNQSDĐ theo một thửa đất hoặc nhiều thửa đất tùy theo yêu cầu của người dân.
- Các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong Luật Nhà ở chưa thật thống nhất với quy định cấp GCNQSDĐ ở trong Luật Đất đai năm 2003. Vì vậy, cần nghiên cứu để thống nhất quy định giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai và chỉ cần cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các công trình trên đất cùng với quyền sử dụng đất ở, quy định như vậy sẽ đảm bảo sự ổn định, tránh phiền hà cho các chủ thể sử dụng đất.
- Quy định về nghĩa vụ tài chính để được cấp GCNQSDĐ hiện này còn cao, nhất là đối với người nghèo, dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình cá nhân muốn được cấp GCNQSDĐ nhưng không có khả năng tài chính, nên việc cấp GCNQSDĐ không thực hiện được. Vì vậy, Nhà nước nên có quy định về việc xem xét giảm số tiền sử dụng đất và lệ phí trước khi được cấp GCNQSDĐ.
- Nhà nước nên có quy định việc giao đất và cấp GCNQSDĐ trở thành một chu trình khép kín, để khi trao quyết định giao đất là có thể cấp GCNQSDĐ ngay, tránh thêm một bước đi xin cấp GCNQSDĐ sau khi có quyết định giao đất như hiện nay.
Thứ sáu, hoàn thiện các quy định về sử dụng các loại đất. Theo Luật Đất đai năm 2003, đất đai ở nước ta được chia thành ba loại: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Việc hoàn thiện các quy định về sử dụng các loại đất cần tập trung vào một số điểm sau:
- Đất nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp một cách nhanh chóng, vì phải sử dụng để xây dựng các khu đô thị mới, khu chế xuất, xây dựng khu dân cư mới... Để đảm bảo an toàn lương thực quốc gia, bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, Nhà nước cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để hạn chế việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác, đồng thời phải ban hành các quy định cụ thể để chuyển đất chưa sử dụng, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nhà nước cũng nên ban hành các quy định để điều chuyển đất của những người đã chết hoặc những người có đất nhưng không làm nông nghiệp cho những người không có đất, thiếu đất hoặc những nhân khẩu mới tăng lên ở địa phương. Quy định theo hướng này sẽ hạn chế tình trạng người sản xuất nông nghiệp không có đất hoặc thiếu đất hoặc bị bần cùng hóa. Còn người không làm nông nghiệp lại có nhiều đất rồi cho thuê đất dưới hình thức "phát canh thu tô".
- Đất phi nông nghiệp:
Đối với đất ở các đô thị, các quy định pháp lý hiện hành còn nhiều bất cập. Do đó Nhà nước cần có những quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị, để xây dựng các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí v.v.. Cần có các quy định về hạn mức sử dụng đất ở tại các đô thị, quy định về tính thuế sử dụng đất ở vượt quá hạn mức tại đô thị nhằm tiết kiệm đất tại các đô thị.
Đối với đất chuyên dùng, hiện pháp luật đất đai còn chưa có đầy đủ các quy định để điều chỉnh các quan hệ phát sinh một cách đa dạng đối với đất chuyên dùng. Vì vậy, trong quản lý nhà nước đối với đất đai gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các quy định pháp lý cụ thể, chi tiết về đất chuyên dùng, như quy định về đất thăm dò khai thác khoáng sản; đất làm gạch ngói, đồ gốm, đất xây dựng các khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, đất xây dựng nghĩa trang nghĩa địa, đất cho quốc phòng và an ninh v.v.. Đặc biệt là quy định quyền và nghĩa vụ đối với người sử dụng đất chuyên dùng.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về đất khu dân cư nông thôn. Hiện nay phần lớn đất đai ở các tỉnh vùng đồng bằng là đất nông nghiệp và đất khu dân cư nông thôn, nhưng các quy định pháp lý về đất khu dân cư nông thôn còn rất đơn giản và chung chung. Vì vậy nên quy định cụ thể chi tiết về đất của dòng họ, nhà thờ, đất của các cộng đồng dân cư v.v.. Đặc biệt, hiện nay Luật Đất đai 2003 chưa quy định cụ thể hạn mức sử dụng ở khu dân cư nông thôn. Vì vậy, để quản lý tốt đất ở tại các khu dân cư nông thôn, chống lãng phí loại đất này, Nhà nước cần quy định hạn mức sử dụng đất ở tại các khu dân cư nông thôn, nên chia thành từng vùng đồng bằng, trung du, miền núi. Như vậy, chắc chắn việc quản lý đất khu dân cư sẽ tốt hơn rất nhiều và hạn chế được tình trạng lãng phí đất đai.
Thứ bảy, hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định khá nhiều trong Luật Đất đai năm 2003 và một số văn bản hướng dẫn thi hành, song hiện nay còn có nhiều vấn đề hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung như:
- Nhà nước cần sớm sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vì thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành đang rất phức tạp, qua nhiều bước, không đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, gây phiền hà cho cả người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng.
- Nhà nước nên sửa đổi, thống nhất quy định về nộp tiền sử dụng đất hoặc trả tiền thuê đất với tiền bồi thường thiệt hại theo hướng khi được giao đất, thuê đất, người sử dụng đất chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo giá đất của Nhà nước, mà giá đó phải sát với giá thực tế, còn việc thu hồi đất và đền bù thiệt hại thì Nhà nước trực tiếp đền bù với người sử dụng đất.
- Pháp luật đất đai cần tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa một số quyền và nghĩa vụ của các chủ sử dụng đất được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bởi thực tế hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể thuộc đối tượng trên đang rất lúng túng, bị động trong việc triển khai, thực hiện các quyền và nghĩa vụ, vì không biết căn cứ vào đâu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Thứ tám, sửađổi, bổ sung các quy định về giải quyết các tranh chấp đất đai. Theo Luật Đất đai năm 2003, đối với các tranh chấp mà người sử dụng đất có GCNQSDĐ và trên đất gắn với tài sản thì do Tòa án giải quyết. Còn UBND cấp huyện có quyền giải quyết các tranh chấp đất đai mà người sử dụng đất không có GCNQSDĐ. Nếu không đồng ý với quyết định này thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại ra Tòa hành chính để giải quyết. Như vậy, việc tranh chấp đất đai có thể do hai Tòa giải quyết khác nhau, quy định này dẫn đến phiền hà cho nhân dân và UBND cấp huyện cũng gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các tranh chấp đất đai, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước. Vì vậy, nên sửa đổi các quy phạm pháp luật đất đai để tất cả tranh chấp đất đai đều do Tòa án giải quyết.
Thứ chín, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật đất đai.
- Đối với các biện pháp xử lý hành chính: Hiện nay, các biện pháp xử lý hành chính đối với người có các hành vi vi phạm pháp luật đất đai chưa được quy định một cách đầy đủ và chỉ chú trọng vào việc phạt tiền, nhưng mức phạt tiền lại thấp, nên gây không ít khó khăn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai còn rất hạn chế, dẫn đến nhiều chủ thể có thái độ coi thường pháp luật đất đai, không tự giác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, xâm phạm quyền và lợi ích của chủ thể khác. Để tạo thuận lợi cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, chúng ta cần hoàn thiện các biện pháp xử lý hành chính theo hướng: (i) tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, như lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép... (ii) cần ban hành các quy định về cơ chế phối hợp chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể giữa thanh tra đất đai và thanh tra xây dựng với các cơ quan công an để triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các quyết định cưỡng chế hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, tránh tình trạng như hiện nay, có một số trường hợp có quyết định cưỡng chế hành chính, nhưng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cưỡng chế không ăn khớp nên quyết định cưỡng chế nhiều khi không thực hiện được.
- Đối với biện pháp xử lý hình sự: Các hành vi vi phạm pháp luật đất đai gây nguy hiểm cho xã hội đều bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Biện pháp hình sự vừa có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đất đai; vừa đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật đất đai.
Hiện nay, có không ít các hành vi vi phạm pháp luật đất đai gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên đất đai, tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhưng chưa được xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc đã được xử lý nhưng còn nương nhẹ hoặc hành chính hóa các quan hệ hình sự trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ, với chỉ ba điều luật quy định các tội vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất, tội gây ô nhiễm cho đất, rõ ràng là chưa đủ để điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật đất đai nguy hiểm được xem là tội phạm hiện nay ở nước ta. Trong các điều luật, các hành vi vi phạm pháp luật đất đai bị xử lý hình sự còn quy định khá chung chung, nên việc áp dụng đã gặp không ít khó khăn hoặc quy định nhiều hành vi vi phạm pháp luật đất đai trong cùng một điều luật, nên việc xử lý bằng biện pháp hình sự rất phức tạp. Vì vậy, cần hoàn thiện hơn nữa các biện pháp xử lý hình sự trong lĩnh vực đất đai, tập trung vào một số điểm sau: (i) ban hành thêm một số điều luật, quy định cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật đất đai được xem là tội phạm như hành vi lấn chiếm đất đai thu lợi bất chính lớn; hành vi hủy hoại đất gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi gây ô nhiễm đất đai nghiêm trọng. Đặc biệt, cần làm rõ, định lượng "hậu quả nghiêm trọng” sát với tình hình kinh tế - xã hội; (ii) cá thể hóa các hành vi “lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất” quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999; các hành vi “giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật” quy định tại Điều 174 BLHS năm 1999, vì các hành vi này có bản chất riêng, với những nét đặc thù riêng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho việc cá thể hóa hình phạt, tránh tình trạng “bỏ lọt tội” hoặc “oan sai”; (iii) nghiên cứu sửa đổi quy định của Điều 173 và Điều 174 BLHS năm 1999 “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo hướng tăng mức hình phạt tù và tăng mức hình phạt tiền, có như vậy mới đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; (iv) quy định trực tiếp việc xử lý bằng biện pháp hình sự đối với các hành vi giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng mà không cần phải “bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” mới bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, việc hoàn thiện pháp luật đất đai cũng cần tập trung giải quyết một số vấn đề:
- Nhà nước nên quy định thẩm quyền trưng dụng đất của từng cấp chính quyền, thời hạn trưng dụng đất, quyền lợi của người bị trưng dụng đất. Trường hợp Chính phủ trưng dụng đất thì UBND cấp tỉnh thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy, sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị trưng dụng đất.
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm của các hộ gia đình là 20 năm theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 đã sắp hết. Vì vậy, Nhà nước nên quy định cụ thể về gia hạn thời hạn sử dụng đất để điều chỉnh các quan hệ về đất đai trong lĩnh vực này./.
 

[1] Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tổng kết Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), ngày 25/5/2012.