Đảm bảo bình đẳng trong hoạt động đầu tư

01/10/2005

Những năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực đầu tư, tạo ra khung pháp lý quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng từng bước yêu cầu hội nhập của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế ngày càng hiệu quả. Tổng vốn đầu tư huy động trong 5 năm (2001-2005) đã đạt hơn 980 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 37,5% tổng sản phẩm trong nước, riêng năm 2005 đạt 38,2%, góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 7,5%/năm. Có thể nói, việc huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng là minh chứng cho sự đúng đắn, sự thành công của đường lối đổi mới; đồng thời thể hiện tính hiệu quả của hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư. Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ban hành năm 1987, sửa đổi bổ sung qua các năm 1991, 1992,1996, 2000), Luật khuyến khích đầu tư trong nước (1997), Luật Doanh nghiệp (1999), Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003), Luật Hợp tác xã (2003) và nhiều luật chuyên ngành khác đã tạo môi trường pháp lý ngày càng hấp dẫn và thông thoáng hơn đối với các nhà đầu tư. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã và đang góp phần thúc đẩy công cuộc hội nhập quốc tế, mà đỉnh cao là việc Việt Nam đang tiến tới gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đầu tư nước ngoài chính là chất keo gắn kết Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ tính từ năm 1998 đến nay, cả nước đã cấp giấy phép đầu tư cho hơn 6.400 dự án, với tổng số vốn đăng ký (kể cả vốn bổ sung trong quá trình hoạt động) trên 60,5 tỷ USD. Trừ những dự án đã hết hạn hoặc giải thể, bị rút giấy phép, hiện còn 5.600 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 49 tỷ USD, trong đó đã thực hiện gần 26 tỷ USD. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2005, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (kể cả cấp mới và tăng thêm) đã đạt kết quả khá với 4.092,4 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 570 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 2.643 triệu USD, tăng 10% số dự án và tăng 65% về vốn đăng ký (bình quân 4,63 triệu USD/dự án). Đó là nguồn "vốn quý" của nền kinh tế Việt Nam. Với chính sách ưu đãi, khuyến khích, bảo đảm và hỗ trợ đầu tư của nhà nước, đã có gần 200.000 doanh nghiệp dân doanh mới được thành lập, góp phần nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân trong nước lên mức gần 30% tổng số vốn đầu tư phát triển, tạo hàng triệu việc làm mới cho người lao động.
Tuy nhiên, yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế- xã hội, của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách đầu tư nhằm tăng cường huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đòi hỏi tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho kế hoạch 5 năm 2006-2010 tối thiểu phải đạt 2.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 139,4 tỷ USD), bằng khoảng 40% GDP. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo sự bình đẳng, tự do trong đầu tư và kinh doanh, gắn cải cách trong nước với mở cửa hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Cho đến nay, hệ thống pháp luật về đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được thiết lập và không ngừng hoàn thiện. Những sự khác biệt về điều kiện đầu tư, kinh doanh như điều kiện gia nhập thị trường, các yếu tố đầu vào, đầu ra và hoạt động quản lý doanh nghiệp giữa các loại hình đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đã được thu hẹp đáng kể, thậm chí nhiều chính sách đã đạt tới sự hoà đồng. Mặc dù vậy, vẫn còn thiếu sự nhất quán về chính sách đầu tư; vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử bất hợp lý trên văn bản hoặc trên thực tế giữa các nhà đầu tư. Thêm vào đó, sự phát triển đa dạng, năng động của các hoạt động đầu tư, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã làm bộc lộ những hạn chế và bất cập của hệ thống pháp luật. Sự hạn chế và bất cập này đã và sẽ ảnh hưởng tới việc phát huy các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do vậy, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý để củng cố niềm tin và khích lệ các nhà đầu tư, tạo thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đó cũng là những đòi hỏi tất yếu khách quan của việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư (chung) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo yêu cầu thực tiễn của hoạt động đầu tư và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Đầu tư (chung) tiếp tục thể hiện rõ hơn các chính sách ưu đãi, khuyến khích có tính cạnh tranh cao hơn, khẳng định sự đảm bảo, hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam vừa phù hợp với lộ trình các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Tư tưởng chỉ đạo lớn nhất trong việc xây dựng Luật Đầu tư (chung) là xoá bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự quyết định trong quản lý của các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp. Luật Đầu tư (chung) cũng đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh theo hướng hạn chế sự can thiệp hành chính, tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và đảm bảo các điều kiện cho các nhà đầu tư, các thương nhân. Tr  ớc hết , Luật Đầu t ư (chung) khẳng định quyền của các nhà đầu t ư được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực, các ngành nghề mà pháp luật không cấm, được tự chủ quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật; được đối xử bình đẳng trước pháp luật; áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc theo cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thứ hai, về bảo đảm đầu t ư : Luật Đầu tư (chung) quy định bảo đảm đầu tư đối với vốn và tài sản; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm mở cửa thị trường và đầu tư liên quan đến thương mại; bảo đảm giá phí do nhà nước kiểm soát được áp dụng một cách thống nhất; bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư trong trường hợp nhà nước thay đổi chính sách, pháp luật và giải quyết tranh chấp. Luật Đầu tư (chung) khẳng định, tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp vì lý do an ninh quốc phòng, nhà nước trưng thu, trưng mua tài sản của nhà đầu tư, phải tuân thủ trình tự, thể thức và thủ tục của pháp luật, nhà đầu tư được thanh toán và bồi thường thoả đáng trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư. Thứ ba , về nguyên tắc không phân biệt đối xử : Luật Đầu tư (chung) tạo ra một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Hầu hết các chế tài trong dự án Luật Đầu tư (chung) đều được thiết kế chung cho các chủ thể, không phân biệt nhà đầu tư, doanh nhân trong nước hay ngoài nước.Tất nhiên, cần phải hiểu sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, các doanh nhân là bình đẳng về cơ hội đầu tư, cơ hội tiếp xúc với các ưu đãi của nhà nước, bình đẳng trong các điều kiện gia nhập thị trường, quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư... Các chế tài của Luật không hàm chứa những sự phân biệt đối xử bất hợp lý và xoá bỏ hết những quy định không bình đẳng, bất hợp lý giữa các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, như mọi quốc gia khác, nhà nước vẫn phải có quy định về những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư chỉ có các nhà đầu tư trong nước được đầu tư hoặc những lĩnh vực, ngành nghề mà mọi nhà đầu tư đều được đầu tư kinh doanh, nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ được đầu tư với một số điều kiện cụ thể. Đây là những phân biệt cần thiết, hợp lý của mọi quốc gia có chủ quyền và được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia. nhằm bảo vệ lợi ích đặc biệt của đất nước, bảo đảm an ninh và chủ quyền, bảo hộ hợp pháp nền sản xuất trong nước. Những phân biệt đối xử này được giới hạn và sẽ giảm dần theo lộ trình tại các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Ngoài ra, về thủ tục gia nhập thị trường, Luật Đầu tư (chung) quy định, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư mới được thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, mọi dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô đến 300 tỷ đồng Việt Nam (trừ dự án đầu tư có điều kiện) đều phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư - kinh doanh; các dự án có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên và dự án có điều kiện phải thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư - kinh doanh. Trong khi đó, những dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn từ 15 tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 tỷ đồng Việt Nam (trừ dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư có điều kiện) mới phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Những dự án đầu tư có điều kiện và những dự án có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên mới phải tiến hành thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư - kinh doanh. Còn tất cả các dự án đầu tư trong nước (trừ dự án đầu tư có điều kiện) có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng chỉ cần đăng ký đầu tư. ở đây có sự phân biệt cần thiết về thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký chứng nhận đầu tư, thẩm tra chứng nhận đầu tư tuỳ theo tính chất, quy mô của dự án và tuỳ theo dự án của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Đó là sự phân biệt cần thiết và hợp lý. Cuối cùng , là sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu t ư : Luật quy định nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư - kinh doanh, tự quyết định lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, lựa chọn và quyết định đối tác đầu tư; được kinh doanh đa ngành, xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, gia công và gia công lại; mua ngoại tệ; chuyển nhượng vốn hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư; quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền chuyển vốn và tài sản ra nước ngoài; quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực về vốn, tín dụng, đất đai, tài nguyên và các quyền khác của nhà đầu tư như quyền tiếp cận thông tin kinh tế, thông tin về luật pháp, chính sách, tiếp cận các dịch vụ theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Luật Đầu tư cũng quy định về nghĩa vụ cơ bản của các nhà đầu tư, trước hết là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam, thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, hoạt động đầu tư theo đúng đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về pháp luật lao động, về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính và các quy định của pháp luật kế toán, thống kê, kiểm toán... Đó là các nghĩa vụ mà mọi nhà đầu tư phải tuân thủ và là những quyền mà mọi nhà đầu tư được hưởng trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Dĩ nhiên, các hoạt động đầu tư kinh doanh từ nguồn vốn nhà nước, dự án Luật đầu tư (chung) có một số quy định liên quan đến yêu cầu quản lý vốn nhà nước, trong đó nhà nước là chủ sở hữu vốn đầu tư. Dự án Luật Đầu tư (chung) là một Dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong vịêc cải thiện mạnh mẽ môi trường pháp lý kinh doanh ở Việt Nam. Dự án luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này đã phản ánh tư tưởng phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước trong giai đoạn tới, đồng thời cũng tuân thủ khá đầy đủ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng pháp luật. Hy vọng Luật Đầu tư (chung) được ban hành sẽ là bước đột phá mạnh cho việc thu hút và tăng nhanh nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong kế hoạch 5 năm 2006-2010.