Hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện bán phá giá: những việc cần làm

01/02/2004

Những thách thức
 Đối phó với biện pháp chống bán phá giá của các đối tác thương mại khác thường là rất khó khăn, phức tạp. Trong những trường hợp gặp phải các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, có kinh nghiệm trong thương mại quốc tế và có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và cộng đồng doanh nghiệp, thì cơ hội thắng cuộc một cách chủ động không cao và nhiều khi phụ thuộc vào chính sự cân bằng quyền lợi của các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đối tác đó. Dù cho phải đương đầu với tình huống hàng xuất khẩu của Việt Nam bị nước nhập khẩu  điều tra chống bán phá giá hay khi Việt Nam chủ động điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của nước khác thì có thể thấy rằng Việt Nam đều sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Chúng ta hầu như chưa biết gì về luật thương mại quốc tế liên quan tới bán phá giá; hệ thống pháp luật về kinh tế ư thương mại của Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng và chưa hoàn thiện. Trong lĩnh vực chống bán phá giá, chúng ta chưa có luật để đối phó với hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá cũng như những quy định cần thiết để đối phó với việc hàng xuất khẩu của chúng ta bị các đối tác thương mại khác áp dụng biện pháp này. Một bất lợi khác là một số nước chưa công nhận nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường (KTTT). Do hiện nay không có những tiêu chí rõ ràng khách quan để phân biệt đâu là nền KTTT và đâu là nền kinh tế phi thị trường, nên việc thừa nhận một nền kinh tế là thị trường hay không nhiều khi phụ thuộc vào đánh giá mang tính chủ quan của từng đối tác thương mại và việc đánh giá này có thể chịu ảnh hưởng bởi quan hệ chính trị. Nếu trong quá trình điều tra phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà đối tác chưa công nhận nền kinh tế nước ta là nền KTTT thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
 Những việc cần làm
Thành lập các trung tâm xúc tiến, giới thiệu sản phẩm Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài đang trở thành vấn đề rất bức xúc, vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là trách nhiệm của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Các trung tâm xúc tiến, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác mở rộng bạn hàng tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu thông qua các hoạt động: ư Tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam  tham gia hội chợ triển lãm thương mại tại nước sở tại. ư Tiếp thị xuất khẩu: tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, đánh giá khả năng cạnh tranh... của sản phẩm Việt Nam. ư Sưu tập mẫu mã, kiểu dáng thiết kế sản phẩm, sản phẩm sản xuất từ vật liệu mới gửi về trong nước nghiên cứu phát triển. ư Nhận làm đại diện, đại lý uỷ thác cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tại nước sở tại. ư Giúp các doanh nghiệp Việt Nam lập văn phòng đại diện hoặc tìm đối tác liên doanh, lập chi nhánh ở nước ngoài. Ngoài ra, các trung tâm xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm còn cung cấp thông tin và tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp nước ngoài phát triển quan hệ kinh doanh với Việt Nam; quảng bá hình ảnh quốc gia và uy tín sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài; đại diện chính thức cho Cục Xúc tiến thương mại ư Bộ Thương mại duy trì và phát triển quan hệ hợp tác nghiệp vụ với các cơ quan xúc tiến thương mại và các cơ quan hữu quan của nước sở tại. Trước đây, do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế tập trung nên công tác xúc tiến thương mại không được quan tâm đúng mức. Từ khi thực hiện mở cửa thị trường, công tác xúc tiến thương mại mới dần được quan tâm nhưng cũng chỉ do một số ít các tổ chức của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước tiến hành, chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu. Thời gian qua,  với chủ trương phát triển một nền kinh tế mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các hoạt động kinh tế đối ngoại, khuyến khích phát triển xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, công tác xúc tiến thương mại đã hình thành và phát triển khá mạnh. Xúc tiến thương mại đã trở thành một hoạt động không thể thiếu của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, kể cả các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động này giờ đây không chỉ diễn ra trong lĩnh vực xuất khẩu mà còn mở rộng cả sang thị trường nội địa. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại của ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém và khiếm khuyết cần phải được hoàn thiện một cách có hệ thống. Trong điều kiện hiện nay, do ta còn khó khăn về nhiều mặt, kinh phí tổ chức và duy trì hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại được huy động theo nguyên tắc Nhà nước và doanh nghiệp cùng đóng góp. Bên cạnh đó, thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại ở nước ngoài là việc làm mới mẻ, cần quán triệt phương châm: làm từ nhỏ đến lớn, thị trường nào thuận lợi, có nhu cầu bức xúc thành lập trước. Trước mắt, theo tôi, Việt Nam cần thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại tại Dubai, Hoa Kỳ, Nga là những thị trường lớn, cần thiết cấp bách để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trên cơ sở hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại này rút kinh nghiệm và tìm ra mô hình hoạt động hợp lý nhất cho việc thiết lập các trung tâm xúc tiến thương mại khác sau này.  Chủ động trong quá trình giải quyết các tranh chấp Khi một mặt hàng xuất khẩu nào đó của Việt Nam bị nước nhập khẩu kiện bán phá giá, ngoài việc tích cực vận động quốc gia đó giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, vận động ngoại giao, tác động ở cấp cao để phía nguyên đơn rút đơn kiện thì chúng ta cũng phải sẵn sàng chuẩn bị các chứng cứ theo đuổi vụ kiện ngay từ đầu. Công việc đầu tiên là triển khai đặt quan hệ với các công ty tư vấn luật để thuê tư vấn. Cần tìm những công ty tư vấn luật có trình độ, kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp tương tự. Tốt nhất là chúng ta tìm kiếm và thuê một công ty tư vấn luật của nước sở tại vì họ am hiểu về hệ thống luật pháp nước sở tại và có nhiều kênh thông tin tại chỗ. Tiếp đó, cần tập hợp lực lượng để chuẩn bị cả về tài chính và sức lực theo đuổi vụ kiện. Chẳng hạn như trong vụ Hiệp hội cá da trơn Hoa Kỳ (CFA) kiện Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa vào trị trường Hoa Kỳ, VASEP phải có trách nhiệm là đầu mối tập hợp lực lượng, là cơ quan thống nhất việc phát ngôn... của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ. Hay trong vụ Hoa Kỳ kiện 16 quốc gia... bán phá giá tôm vào Hoa Kỳ, VASEP đã phối hợp với các nước khác thành lập liên đoàn xuất khẩu thuỷ sản khối ASEAN + Trung Quốc + ấ n Độ để cùng đối phó với vụ kiện này. Nếu phía Hoa Kỳ kiện các nước bán phá giá tôm vào thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp phải sự phản kháng của 16 nước xuất khẩu cộng với sự phản đối của các doanh nghiệp nhập khẩu và các hiệp hội người tiêu dùng Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, cần thiết tiến hành các hoạt động lobby khác như: vận động các Nghị sỹ Hoa Kỳ có thiện cảm với Việt Nam viết thư lên Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu đình chỉ vụ kiện; vận động Hiệp hội các nhà tiêu dùng tại nước nhập khẩu lên tiếng bênh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước nhập khẩu... Trong quá trình đàm phán với phía Hoa Kỳ, cần liên tục giữ kênh thông tin với những người ủng hộ Việt Nam để phối hợp hành động, tiến hành các hoạt động tác động cần thiết. Chúng ta cũng phải chủ động có phương án thoả hiệp nếu tình thế xấu nhất có thể xảy ra. Trong nhiều trường hợp, mặc dù các chứng cứ pháp lý đều ủng hộ ta nhưng do sự áp đặt của phía bên kia mà chúng ta vẫn có thể bị xử thua. Lường trước tình huống này, Việt Nam trong quá trình đàm phán nếu thấy không tiến triển được nữa thì nên đưa ra phương án thoả hiệp, nhượng bộ để đạt được cái lớn hơn. Trong vụ Hoa Kỳ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá da trơn, nếu chúng ta thoả hiệp bằng cách chấp nhận một mức giá bán tối thiểu vào thị trường Hoa Kỳ hoặc chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ một khối lượng nhất định (tương tự như hạn ngạch) thì có thể vụ kiện sẽ không diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thế nào còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các bên vào thời điểm đàm phán và sự chấp nhận của các doanh nghiệp trong nước, tránh trường hợp các doanh nghiệp trong nước cho rằng thoả hiệp là “ đầu hàng ”.  Ngoài ra, sau vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa vào thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam cũng nê n chuẩn bị tinh thần cho các vụ kiện tương tự có thể xảy ra sau đó. Tranh chấp trong thương mại quốc tế xảy ra thường xuyên, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị nghiêm túc. Bộ Thương mại cần tập hợp luật chống bán phá giá của các nước, tổng kết các vụ kiện mà Việt Nam đã tham gia cũng như xây dựng những hồ sơ có tính hệ thống để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chống đỡ tốt hơn trước những vụ kiện tương tự. Từ những vụ kiện bán phá giá vừa qua, có thể rút ra một số công việc cần làm đối với cơ quan của Chính phủ khi có tranh chấp bán phá giá: ư Tập hợp luật, các văn bản dưới luật của nước khởi kiện. Phải nắm được các thủ tục, đặc biệt là thời hạn và yêu cầu có liên quan đến vụ việc; nắm được các số liệu thống kê chi tiết về tình hình xuất mặt hàng bị khởi kiện, về thị phần và các công ty Việt Nam bị khởi kiện. ư Thu thập các tài liệu liên quan để trả lời các câu hỏi và các yêu cầu cung cấp thông tin của phía nước ngoài đối với chính sách của Chính phủ. Đồng thời liên lạc ngay với doanh nghiệp để thông báo, nắm tình hình và tư vấn cho doanh nghiệp. ư Phối hợp với các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước khởi kiện để tìm hiểu nguyên đơn, tiếp cận hồ sơ nghiên cứu lý lẽ bên khởi kiện đưa ra; cập nhật tình hình xử lý vụ kiện của cơ quan có thẩm quyền của nước khởi kiện; đưa ra các yêu cầu thu thập thêm thông tin, vận động hành lang, tìm hiểu các công ty luật trong trường hợp cần thuê. Điều phối các kênh liên lạc và đàm phán giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài. Tham dự các phiên giải trình ở nước ngoài có liên quan đến phần giải trình của Chính phủ. Đón tiếp và làm việc với các đoàn điều tra của nước khởi kiện. ư Tập hợp thêm các thông tin liên quan để thực hiện các “chiến dịch tuyên truyền” trên các loại hình thông tin cả trong và ngoài nước liên quan đến vụ kiện. ư Lập và lưu giữ hồ sơ của vụ kiện. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau từng vụ kiện. Theo dõi các diễn biến tiếp theo sau khi vụ kiện kết thúc để tư vấn cho Chính phủ về biện pháp xử lý. Phổ biến các thông tin nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp. Ban hành Pháp lệnh về chống bán phá giá Thời gian qua, chính sách thương mại của Việt Nam đang có những thay đổi sâu sắc theo đúng đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, cụ thể là chính sách thương mại ngày càng tự do hóa và phù hợp dần với các nguyên tắc và quy định của luật thương mại quốc tế. Việt Nam đang tham gia khá chủ động và tích cực vào các khu vực thương mại quốc tế và khu vực, như AFTA, APEC, ASEM, AC – FTA... Song song với việc tham gia các tổ chức thương mại khu vực hoặc đàm phán để thành  lập các khu vực thương mại tự do mới, Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập WTO. Như vậy có thể thấy rằng, trong vòng năm đến mười năm nữa, chính sách thương mại của Việt Nam tương đối tự do và phù hợp với các chuẩn mực của luật thương mại quốc tế. Bán phá giá là một hiện tượng kinh tế bình thường, không bị cấm theo quy định của luật thương mại quốc tế. Khi mà Việt Nam phải cắt giảm các biện pháp hạn chế định lượng thì khả năng hàng nhập khẩu bị bán phá giá vào Việt Nam sẽ càng tăng. Vì vậy, Việt Nam cần phải nhanh chóng áp dụng thuế chống bán phá giá. Đây vừa là công cụ bảo hộ hợp pháp cho sản xuất trong nước, vừa bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với các nhà sản xuất của nước ngoài. Muốn áp dụng được thuế chống bán phá giá phù hợp với quy định của WTO, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế chống bán phá giá trên cơ sở các quy định của Hiệp định về Chống bán phá giá của WTO, có tham khảo tới luật và thực tiễn áp dụng của một số thành viên WTO. Đồng thời, phải xây dựng bộ máy thực thi có hiệu quả và đặc biệt là phải làm tốt công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ về biện pháp này./.