Tư tưởng lập hiến của Phan Bội Châu

01/01/2002

Cùng với Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu là một trong những người có tư tưởng lập hiến sớm nhất ở Việt Nam. Tư tưởng đó là một bộ phận quan trọng mang tính chủ đạo trong toàn bộ tư tưởng cách mạng của Cụ. Bài viết cho ta thấy những nội dung tiến bộ của tư tưởng lập hiến Phan Bội Châu về Hiến pháp, chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị...
 
Trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng lập hiến không xuất hiện ở một người, qua một phong trào, cùng một lúc dẫn đến thành tựu, mà nó phát sinh ở nhiều nhà tư tưởng, qua nhiều phong trào cách mạng kế tiếp nhau và phát triển từng bước, tiến lên theo thời gian. Nó mở đầu từ phong trào Đông Du, Duy Tân vào đầu thế kỷ XX, phát triển ở nhiều mặt khác nhau và cuối cùng dẫn đến kết quả ra đời của Hiến pháp 1946. Mỗi nhà tư tưởng, mỗi phong trào cách mạng có sự đóng góp riêng của mình vào quá trình phát triển chung của lịch sử lập hiến, thể hiện qua các mặt: vận động xây dựng Hiến pháp cho đất nước; đề ra trình tự, thủ tục xây dựng Hiến pháp; vạch ra những nội dung cơ bản của Hiến pháp như về khái niệm quốc gia, chủ quyền quốc gia, về chế độ chính trị, về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền và nghĩa vụ của công dân v.v... 
Trong hàng ngũ các sĩ phu yêu nước, tiến bộ đầu thế kỷ XX, nổi bật có 3 nhà nho tiêu biểu lúc bấy giờ: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. 
Phan Bội Châu sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ, Phan Bội Châu đã chịu ảnh hưởng của phong trào Cần Vương và sớm có nhiệt tình yêu nước. Đến năm 1900 (33 tuổi), Cụ đậu giải nguyên. Bốn năm sau (1904), Cụ thành lập Duy Tân hội và sang năm 1905 thì xuất dương. Cụ là lãnh tụ của phong trào Đông Du (1905-1909), là người sáng lập Việt Nam Quang phục hội (1912) và về sau cũng chính Cụ đứng ra cải
tổ thành đảng Quốc dân Việt Nam (1924). Cụ còn là một trong những người Việt Nam đầu tiên có cảm tình với chủ nghĩa xã hội. 
Là linh hồn của phong trào đấu tranh cách mạng đầu thế kỷ XX, tư tưởng lập hiến Phan Bội Châu là một bộ phận quan trọng mang tính chủ đạo trong toàn bộ tư tưởng cách mạng của Cụ. 
1. Nước Việt Nam phải có Hiến pháp
 Sau thất bại của phong trào Cần Vương, các phu sĩ yêu nước Việt Nam hướng về Nhật Bản. Đối với Phan Bội Châu, trong Đề tỉnh quốc dân ca (viết năm 1907), Cụ đã xác định tấm gương chung lúc bấy giờ: 
"   Gương Nhật Bản, đất Á Đông Gương ta ta phải soi chung kẻo lầm"
Và trong cái "gương ta" ấy có vai trò nổi bật của Hiến pháp, đã góp phần đắc lực trong công cuộc duy tân của Nhật: 
"   Lập Hiến pháp từ đầu Minh trị, Bốn mươi năm dân trí mở mang..."
Khoảng tháng 3/1929, Phan Bội Châu đã thảo Hiến pháp nước Việt Nam và gửi cho Tế tửu Quốc tử giám là hoạ sĩ Lê Văn Miến- một người đồng hương, để đề nghị góp ý. Đọc xong, Lê Văn Miến khuyên Cụ: " Theo tôi, thêm thì không có điều gì đáng thêm nữa cả, mà chỉ có bớt. Mà chỉ nên bớt hết; không để một dòng chữ nào nữa cả. Bởi vì nước mất, dân là nô lệ thì làm gì có Hiến pháp! " và ông " Rất mong được đọc các tác phẩm mới khác của tiên sinh! ". Sau đó, Cụ Phan đã tự xé đốt bản thảo 1
Năm 1932, nhân trả lời phỏng vấn của báo Đông Tây (đăng báo Đông Tây số 138 ngày 9.1.1932), Phan Bội Châu lại khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp trong một nước: " Tôi thiết tưởng nước ta từ xa vẫn chưa có Hiến pháp, nay lập bản Hiến pháp không những là một sự hay, lại còn là một điều cần. Thế nào cũng phải có Hiến pháp, lẽ ấy tất nhiên (...) ". Và trong bài phỏng vấn ấy, Cụ phác hoạ sơ nét quan điểm về Hiến pháp Việt Nam của Cụ: " Phần riêng tôi, tôi vẫn đã rắp trong bụng một bản Hiến pháp rồi. Hiến pháp của tôi là châm chước theo Hiến pháp của các nước quân chủ như nước Anh, nước Nhật; theo Hiến pháp của các nước Mỹ, nước Đức, nước Nga... Lại phải tuỳ theo các trình độ dân ta mà lựa chọn lấy những điều thích hợp, thì mới có thể gọi là hoàn thiện được... " 2
Nếu xét về mặt lịch sử, Phan Bội Châu là người đầu tiên nêu vấn đề lập hiến thành yêu cầu bức xúc ở nước ta (vào năm 1907). 
2. Chủ quyền quốc gia và các biểu tượng quốc gia 
2.1. Chủ quyền quốc gia 
Đối với một quốc gia, vấn đề quan trọng hơn hết là độc lập. Một khi chính quyền ở nước ta về tay Pháp, đất đai ta bị quân Pháp chiếm đóng, nhân dân ta bị Pháp cai trị, thì đó là nước ta đã mất. Như vậy, nhiệm vụ chính đặt ra là lấy lại nước. Cho nên, đối với Cụ Phan, giành lại độc lập, giành chủ quyền dân tộc là vấn đề số một. Cụ viết: " Điều quan trọng nhất là chủ quyền; điều quan trọng của chủ quyền độc lập, chủ quyền hoàn toàn, đối nội lẫn đối ngoại ". Phan Bội Châu không thừa nhận một "chủ quyền" bị cắt xén, bị hạn chế; không thừa nhận một sự độc lập giả hiệu, hình thức. Độc lập phải thực sự và đầy đủ. Đối với Phan Bội Châu, chức năng nhiệm vụ của chính quyền dân tộc là " ở trong nước thì che chở được cho đồng bào, ở ngoài thì tranh hùng được với dị tộc, làm cho dị tộc phải kính sợ " 3 . Thể hiện tư tưởng ấy, suốt từ đầu thế kỷ cho đến chiến tranh thế giới thứ nhất, Phan Bội Châu toàn tâm, toàn ý tuyên truyền, tổ chức vận động không mệt mỏi cho độc lập dân tộc, chủ quyền dân tộc; bằng bạo động cách mạng. 
2.2. Quốc hiệu 
Mỗi thời kỳ độc lập, nước ta đều có quốc hiệu riêng: Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu... Và quốc hiệu Việt Nam bắt đầu được sử dụng từ đầu nhà Nguyễn, đời vua Gia Long (1804). Sang đời Minh Mệnh, được đổi lại là Đại Nam (1839). Từ đó đến cuối nhà Nguyễn (1945), triều đình Huế vẫn chính thức dùng quốc hiệu Đại Nam. Nhưng khi cai trị nước ta, Pháp không dùng quốc hiệu ấy mà gọi ta là L?Annam, nghĩa là chúng dùng từ "An Nam" mà hàng mấy trăm năm trước Trung Quốc đã dùng gọi miệt thị đối với đất nước ta, dân tộc ta. 
Cho nên, các phong trào đấu tranh giành độc lập đầu thế kỷ XIX, đều không dùng từ "Đại Nam" của triều đình Huế bù nhìn, cũng không dùng từ "An Nam" của kẻ thù xâm lược, mà thường dùng từ "Việt Nam", tên nước ta của thời kỳ độc lập, thống nhất đất nước liền một giải hình chữ S, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. 
Các tổ chức do Phan Bội Châu tổ chức và lãnh đạo cũng như các tác phẩm của Cụ đều dùng tên gọi Việt Nam: Việt Nam Quang Phục, Việt Nam Quốc dân, Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo v.v... 
2.3. Quốc kỳ 
Dưới thời quân chủ, nước ta không có quốc kỳ. Chỉ có cờ vua chứ không có cờ vàng". ở thế kỷ XVIII, có người "anh hùng áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ "theo ngọn cờ linh sắc thắm hồng"... Tất cả các cờ ấy là cờ của vua, chứ không phải cờ của nước. Phan Bội Châu đã có nhận xét: " Xa nước ta chỉ có cờ hoàng đế mà không có cờ nước, cũng là một việc quái gở " 4
Đến khi Pháp xâm chiếm nước ta, chúng cắm trên lãnh thổ thuộc địa Nam Kỳ lá cờ tam sắc (xanh, trắng, đỏ) biều tượng cho nước "Đại Pháp", còn đối với phần lãnh thổ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì từ năm 1900 đến 1932 (đời Thành Thái, Duy Tân, Khải Định) cũng bắt đầu treo "cờ Bảo hộ" gồm toàn mầu vàng, ở góc trên bên trái có cờ tam sắc của Pháp. Khi Bảo Đại về nước thực sự ở trên ngôi (từ 1932 đến 1945) thì Nam Kỳ vẫn treo cờ Pháp, còn Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì treo "cờ Long Tinh" (hình giải đeo Long Bội tinh là huy chương cao quý nhất của vua Nam ban thưởng, gồm 3 phần màu: vàng, đỏ, vàng). 
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Phan Bội Châu là người đầu tiên nêu vấn đề quốc kỳ cho nước ta. Theo Phan Bội Châu biên niên, năm 1912, khi thành lập Việt Nam Quang phục hội thì " Quốc kỳ Việt Nam cũng sáng chế từ lúc đó ", " Hội Việt Nam Quang phục mới chế định ra quốc kỳ, gọi bằng cờ Ngũ Tinh, dạng huy thức dùng bằng Ngũ tinh liên châu " 5 . Cờ ấy nền vàng có chùm 5 ngôi sao màu đỏ (hoàng địa hồng tinh). Nền vàng tượng trưng cho dân ta là giống da vàng, 5 ngôi sao đỏ tượng trưng cho 5 đại bộ phận thống nhất trong nước là: sĩ, nông, công, thương, binh. Cờ này từng được dùng ở Quảng Nam, trên núi Ngũ Hành Sơn, trong lúc Thái Phiên- hội viên của Quang Phục tham gia cuộc nổi dậy của vua Duy Tân (1916).
 
Cụ Phan rất coi trọng quốc kỳ. Trong Tân Việt Nam (1907) Cụ đã kỳ vọng: " Cờ nước ta phất phới ở trên thành Paris, và sắc nước ta chói rạng ở trong địa cầu (...) " 6
3. Về chế độ chính trị 
Với Duy Tân hội rồi Việt Nam Quang phục hội và dự định lập đảng Quốc dân Việt Nam, Phan Bội Châu tiến từ quân chủ đến quân chủ lập hiến, rồi cộng hoà dân chủ tư sản và sau một thời gian ngắn dao động, Phan đã tiếp cận được với tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga xã hội chủ nghĩa... 
Theo Phan Bội Châu niên biểu- cuốn hồi ức về toàn bộ cuộc đời của mình, lúc đầu chưa thoát khỏi tư tưởng quân chủ, Cụ Phan đề ra ba kế hoạch lớn: " 1. Liên kết với đảng cũ Cần Vương còn lưu lại và các trai tráng ở chốn sơn lâm, xướng khởi nghĩa quân (...); 2. ứng phù một minh chủ kén chọn ở trong hoàng thân lập ra, âm kết với những người hữu học ở đương triều làm người nội viện (...); 3. (...) Xuất dương cầu ngoại viện (...) mục đích cốt khôi phục Việt Nam, lập nên một Chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác " 7
Năm 1095, sau khi sang Nhật, tiếp xúc với các nhà tư tưởng Trung Hoa và Nhật Bản thì tư tưởng quân chủ của Cụ Phan đã biến chuyển sang bước phát triển mới: quân chủ lập hiến. Qua các tác phẩm Cụ Phan viết trong thời gian ở Nhật đều thể hiện rõ quan điểm ấy. Chương trình của "Việt Nam Duy Tân hội" viết: " đánh đổ Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến thiết nước quân chủ lập hiến " 8 . Tư tưởng quân chủ lập hiến của Cụ Phan không chủ trương duy trì chế độ nhà Nguyễn ở Việt Nam. Vì ngay trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (viết năm 1905), Cụ Phan đã khẳng định tính chất bù nhìn của triều đình Nguyễn lúc bấy giờ. Chọn chế độ ấy là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách Trung Hoa, Nhật Bản lúc bấy giờ và có tính toán đến vai trò của Cường Để trong tổ chức cách mạng của ông. 
Giữa năm 1905, Cụ Phan về nước thành lập Hội Nông công thương học, rồi đưa Cường Để sang Nhật. Lần này, Phan gặp Tôn Trung Sơn đang ở Nhật. Cuộc gặp được ghi lại trong Phan Bội Châu niêu biểu như sau: " Ông Tôn vì đã đọc qua bản Việt Nam vong quốc sử, ông biết trong óc tôi chưa thoát khỏi tư tưởng quân chủ, nên ông hết sức bài bác đảng quân chủ lập hiến (đảng của Lương Khải Siêu- PĐT) là hư nguỵ " và " lời đáp của tôi thì cũng thừa nhận dân chủ cộng hoà là hoàn mỹ... " 9 . Sự thừa nhận chế độ cộng hoà của Cụ Phan được khẳng định thêm trong cuốn Hải ngoại huyết thư (viết năm 1906) và Tân Việt Nam (viết năm 1907) với lời lẽ lên án gay gắt chế độ quân chủ: " Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc, lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá làm thịt trăm họ dân ta " 10 . Sau này, khi lập Việt Nam Quang phục hội (1912), Phan cũng nhắc lại nguyên nhân sự chuyển biến này là do ở trên đất Nhật Bản được nghiên cứu nguyên nhân cách mạng, chính thể các nước và nhất là lý luận của Lư Thoa (J.J Rousseau) cũng như qua giao thiệp với các nhà cách mạng Trung Hoa. 
Từ Tân Việt Nam đến Việt Nam quốc sử khảo (viết năm 1908), nhận thức về dân chủ của Cụ Phan đã có tiến lên một bước. Ở Tân Việt Nam, Cụ Phan viết: " Phàm nhân dân nước ta không cứ sang hèn, giàu nghèo, đều có quyền bỏ phiếu bần cử. Trên là vua nên để hay nên truất, dưới là quan nên thăng hay nên giáng, dân ta đều có quyền quyết đoán cả... ". Trong Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu đã nhấn mạnh: " Những điều nhân dân cho là phải, Chính phủ không thể không làm; những điều nhân dân cho là trái, Chính phủ không được phép làm " và " nhân dân có nghĩa vụ giám đốc Chính phủ.
Nhân dân mà làm tròn nghĩa vụ mình thì Chính phủ không dám làm sai; Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân (...) Chính phủ tức là chỉ đại biểu cho cả nước mà thôi " 11
Tháng 5/1921, Việt Nam Quang phục hội được thành lập ở Quảng Đông và vẫn do Cường Để làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Phó Hội trưởng. ở cuộc họp thành lập hội, Phan Bội Châu tuyên bố: " ... Từ lâu, chủ nghĩa quân chủ đã đặt ra ở sau ót. Sở dĩ chưa dám xướng to lên, là vì lúc đầu tôi mới xuất dương, vẫn đã tiêu ngọn cờ quân chủ mà thủ tín với người (...). Bây giờ thì cuộc diện đã thay đổi rồi, tôi mới đề xuất nghị án ra trước công chúng là đổi quân chủ chủ nghĩa là dân chủ (...). Kết quả thì đa số khuynh hướng về dân chủ chủ nghĩa " 12 . Tôn chỉ của hội là " Khu trục Pháp tặc, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam cộng hoà quốc " (đánh đuổi giặc Pháp, lấy lại nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà Việt Nam) 13
Năm 1920, Cụ Phan được đọc cuốn Nga la- tư chân tướng điều tra ký của một người Nhật đem đến Bắc Kinh. Với sự giới thiệu của Thái Nguyên Bồi, Cụ Phan đã gặp Tham tán Đại sứ quán Nga và được ông này cho biết Nga tiếp nhận du học sinh Việt Nam với điều kiện: " 1- Tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản; 2- Học thành tài rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông " 14 . Năm 1921, trên bài báo nhan đ ề Lược truyện Lênin, vĩ nhân của nước Nga (nguyên văn chữ Hán: "Xích Nga vĩ nhân, Liệt Ninh lược truyện") trên Bình sự tạp chí số 82 ra tháng 2/1921, Cụ Phan có những lời hết sức trân trọng: " Một sự nghiệp từ trước tới nay, từ Đông sang Tây chưa từng có, mà nay bỗng chốc có một vài người tạo nên, thì một vài người đó, không thể không được coi là những người từ trước tới nay, từ Đông sang Tây chưa từng có được. Chính phủ Lao Nông của nước Xích Nga mới được thành lập từ ba năm gần đây. Từ ba năm gần đây trở về trước, không những bản thân cái nước Lao Nông chưa từng có, mà ngay cả cái danh từ " nước Lao Nông " cũng chưa từng có. Bởi vậy, chúng ta cần phải chú ý đến những nhân vật đã tuân thủ tạo ra nước Lao Nông đó " 15 . " Những nhân vật đã sáng lập ra Nhà nước Lao Nông có một số, nhưng nói đến người uư tú nhất, thì phải kể Lênin là người đứng đầu... " 16
Qua Truyện Phạm Hồng Thái viết năm 1924, Cụ Phan không những đã phản tỉnh, mà còn tiến lên một bước nữa, đề cập đến cách mạng xã hội. Trong lời tựa, Cụ Phan ghi rõ: " Viết tại Quảng Châu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 cuộc cách mạng Nga ", rồi nhấn mạnh: " Gần đây nhất như cuộc Cách mạng hồi tháng 11 năm 1917 ở nước Nga, chủ nghĩa Lao Nông đã thành công, nó là người sáng tạo ra cách mạng của thế giới loài người. Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng triệt để, chân chính. Người nước ta muốn chủ trương cách mạng triệt để cần phải lấy đó làm chỉ đạo, đây là điều không còn phải ngần ngại gì nữa " 17
Nếu từ Truyện Phạm Hồng Thái, Cụ Phan nhiệt liệt chào mừng Cách mạng Tháng Mười Nga và có bài ca tụng Lênin, thì đến năm 1927, lúc biên soạn cuốn Xã hội chủ nghĩa, Cụ Phan đã nhớ lại tác động của Cách mạng Tháng Mười đối với mình và ghi vào lời tựa: " May thay! Đương giữa lúc khói độc mây mù, thình lình có một trận gió xuân thổi tới. Chính giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình có một tia thái dương mọc ra. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy " 18
Tuy có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, " trong nhà tôi có treo bóng Lênin. Những sách sau nói về chủ nghĩa xã hội tôi đã có đọc nhiều, đã nghiên cứu rất kỹ, tôi vẫn công nhận rằng những lý thuyết ấy chính đáng, nhưng chưa có thể thực hành ở xứ này được ". Bởi vì, theo Cụ Phan, " ở nước này chưa có sự phân chia rõ ràng của hai giai cấp tư bản và lao động " 19
Trong quá trình đấu tranh cho một chế độ nhà nước lý tưởng, lúc đầu Phan Bội Châu hướng theo chế độ quân chủ truyền thống, sau chuyển qua quân chủ lập hiến, rồi đến dân chủ cộng hoà; khi Cụ bắt chước chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, khi cảm tình với chủ nghĩa xã hội... Có thể nói, ngoài chủ nghĩa yêu nước, Cụ không có một chủ nghĩa nhất định. Sự chuyển biến trong tư tưởng Cụ về thể chế lập hiến đã thể hiện một tinh thần khai phóng, xuất phát từ động cơ tích cực, cái tích cực của một người con chí hiếu đối với mẹ cha đang lâm trọng bệnh, trong việc chạy chữa tới cùng, hễ thấy phương thuốc nào không hiệu nghiệm là vội đi tìm thứ thuốc khác ngay, nhất là thứ đang được người láng giềng sử dụng có vẻ hiệu nghiệm. 
4. Về quyền và nghĩa vụ của công dân 
4.1. Về quyền 
Dù khi còn bảo vệ thuyết "quân chủ lập hiến" (khoảng 1906 về trước) hay khi đã chuyển hẳn sang "dân chủ cộng hoà" (từ 1912 về sau), tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn là đề cao nhân dân, đề cao dân quyền. Bởi vì " dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ thì dân bị coi khinh mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng mất " 20
"   Chữ dân thời lại gốc trong chữ quyền! 
Dân sống lâu, bởi quyền tôn trọng, Dân không quyền dân sống được đâu! Không quyền là ngựa là trâu,
Dân đã đến thế nước đâu được còn! " 21
Tư tưởng dân quyền Phan Bội Châu được ghi tập trung trong Tân Việt Nam và nhất là Việt Nam quốc sử khảo (Chương V bàn về "sự thịnh suy của dân quyền và dân trí ở nước ta"). Theo Phan Bội Châu, " mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng ". Trước hết, là quyền bầu cử để lựa chọn đại biểu vào Nghị viện. " Phàm nhân dân trong nước, không cứ sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều có quyền bỏ phiếu bầu cử " 22
Phạm vi các quyền của công dân, trong tư tưởng lập hiến Phan Bội Châu, rất rộng rãi: quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kinh doanh... 
"   Miệng có quyền nói, óc có quyền suy. 
Chân có quyền đi, tay có quyền đẩy. Mắt có quyền đi, tay có quyền đẩy. Mắt có quyền thấy, tai có quyền nghe. Đất nọ xứ kia, có quyền dời ở.
Viết sách làm vở, quyền bút mặc lòng. Hội hè việc chung, có quyền nhóm họp.
Thợ thuyền giúp đáp, quyền được chung nhau. Buôn bộ bán tàu, thông thương tuỳ tiện. 
Trải xem Hiến pháp, các nước văn minh. Quyền lợi rành rành, của dân dân được " 23 .
4.2. Về nghĩa vụ 
Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ: "Nghĩa vụ bao nhiêu, bấy nhiêu quyền lợi". 
Làm người trước hết ai cũng có nghĩa vụ phải lao động. Đó là nghĩa vụ làm người: 
"   Tằm siêng kéo tơ, ong chăm gây mật. 
Mèo lo bắt chuột, gà cần gáy đêm. Chức phận phải làm, vật gì cũng có. Huống người ta đó, nghĩa vụ rất to.
Trời đã phó cho, mình nên gánh vác (...) " 24 
Làm người phải lo "tu thân" để cho có "tâm chính ý thành". Bên cạnh đó, còn phải học tập để mở mang trí tuệ, để có khả năng giúp nhà, giúp nước: 
"   Muốn cho vẹn vẻ, trước sửa lấy mình. 
Tâm chính ý thành, vun trồng cội gốc. Lại thêm tài học, đua đuổi Đông Tây.
Nghe nhiều sướng tai, thấy nhiều sướng mắt. Biết nhiều sướng óc, đầy óc chất khôn.
Lấp biển dời non, chí bền lòng mạnh. Làm hiền làm thánh, cho xứng thân ta. Bởi thân suy ra, đến nhà đến nước (...) 25 .
Trong gia đình, con người phải "hiếu với người già", "ơn với người trẻ", không lạm quyền của người trên, không kiêu với kẻ dưới, nói chung là phải dựa "theo đạo lý" mà cư xử trong gia đình, tương thân tương trợ, hoà khí với xóm giềng... 
Thời đại Phan Bội Châu, dân ta bị mất nước, nên nghĩa vụ của công dân đối với nước là cao cả hơn hết, nghĩa vụ cứu nước mọi người đều phải ghi nhớ: 
"   Ta là quốc dân, nghĩa chung thờ nước. 
Mất còn sống thác, cùng nước thuỷ chung. 
Đất lở trời long, gặp cơn biến cố. 
Nước không quyền nước, nhà còn được đâu! Kiếp ngựa thân trâu, nghĩ càng đau đớn.
Đồng u cộng hoạn, ta phải tính sau? Dìu dắt đồng bào, giữ gìn nòi giống. Nào người trí dũng, nào kẻ anh tài. Ráng sức chống trời, bền gan lấp bể. Sao cho vẹn vẽ, nghĩa vụ quốc dân.
Ai nấy một phần, chung nhau gánh vác (...) " 26 
Đến khi giành được độc lập cho nước rồi, thì lập ra nhà nước của dân. Nghĩa vụ nộp thuế của dân thực hiện một cách tự nguyện vui vẻ, sốt sắng, "không có một tý gì là cách dã man cưỡng bức". Khi đã duy tân rồi, ai cũng có nghĩa vụ " phụng sự việc công, hết lòng thương yêu nhau, phục tùng chính lệnh, theo đuổi văn minh (...) " 27 . Và để bảo đảm chế độ dân chủ cộng hoà thì " nhân dân có nghĩa vụ giám đốc Chính phủ. Nhân dân làm tròn nghĩa vụ của mình thì Chính phủ không dám làm sai " 28
5. Về bộ máy nhà nước 
Một quan điểm lớn trong tư tưởng lập hiến Phan Bội Châu là việc xây dựng và củng cố nhà nước cộng hoà dân chủ, độc lập, thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Nhà nước ấy "ở trong nước thì che chở được cho đồng bào, ở ngoài nước thì tranh hùng được với dị tộc (...)". 
Nhà nước ấy chính là chính quyền của toàn dân, chứ không phải của riêng giai cấp nào. Nhà nước chăm lo hạnh phúc chung của nhân dân, đặc biệt là chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của những tầng lớp lao khổ nhất, thiệt thòi nhất 29
Nhà nước ấy do dân bầu lên và bãi miễn. Trong Tân Việt Nam, Phan Bội Châu đã viết: " Trên là vua nên để hay nên truất; dưới là quan nên thăng hay nên giáng, dân ta đều có quyền đoán cả " 30
Trong một nước dân chủ, Nghị viện là cơ quan đại diện cho nhân dân có quyền rộng rãi: "Giữa đô thành nước ta đặt một toà Nghị viện lớn. Bao nhiêu việc chính trị đều do công chúng quyết định (...). Những vua tệ quan hư không hợp công đạo, thì khi hội nghị trong Nghị viện, dân ta hộ nhau công nghị, được có quyền khiển trách, trừng phạt. Đến khi ấy, trên quan dưới lại, ai mà hại dân, thì không được sống ở trong trời đất nữa" [16/2:1255-257]. Trong Việt Nam quốc sử khảo, Cụ cũng khẳng định vai trò của Nghị viện nhân dân: " Hình pháp, chính lệnh, thuế khoá, tiêu dùng đều do Nghị viện quyết định mà Nghị viện đều do nhân dân tổ chức nên " 31
Để đảm bảo dân chủ, Nghị viện của nhân dân, theo tư tưởng Phan Bội Châu, có nhiều viện: " Thượng nghị viện phải đợi Trung nghị viện đồng ý. Trung nghị viện phải đợi Hạ nghị viện đồng ý mới được thi hành. Hạ nghị viện là nơi đa sống công chúng có quyền tài phán việc của Trung nghị viện và Thượng nghị viện " 32
Trong tư tưởng Phan Bội Châu, có sự phân công rõ ràng giữa Nghị viện là cơ quan đại biểu nhân dân và Chính phủ là cơ quan hành pháp, hành chính. Chính phủ là cơ quan chấp hành lệ thuộc Nghị viện, phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Nghị viện: " Hình pháp, chính lệnh, thuế khoá, tiêu dùng đều do Nghị viện quyết định (...), Chính phủ không được can thiệp vào. Hàng năm đến kỳ Nghị viện họp, các nghị viên tụ tập đông đủ. Chính phủ phải trình bày dự án trước hội nghị. Nghị hội tức là nhân dân. 
Những điều nhân dân cho là phải, Chính phủ không thể không làm; những điều nhân dân cho là trái, Chính phủ không được làm. Tuy rằng sắc chiếu của Hoàng đế rất là đáng tôn trọng, nhưng nếu Nghị viện không đồng ý thì cũng phải thu hồi mệnh lệnh đó " 33
Nhà nước luôn luôn hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân thông qua Nghị viện, nhưng căn bản vẫn là nhân dân. " Chính phủ tức là chỉ đại biểu cho cả nước mà thôi. Còn cái căn bản, cái then chốt thì toàn là ở dân. Vua phải lấy dân làm trời, dân chính là trời của kẻ đứng đầu cai trị nước " 34
Có thể nói Phan Bội Châu là một chiến sĩ cách mạng tiên phong và xuất sắc nhất ở nước ta vào đầu thế kỷ XX. Đường lối, chủ trương của Cụ rất toàn diện và tư tưởng lập hiến của Cụ đã thể hiện tính chất toàn diện ấy một cách sâu sắc./.
 
 
1 Phan Bội Châu, Phan Bội Châu toàn tập, Tập 4, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, trang 71
2 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 4, trang 244
3 Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993, trang 142
4 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 219
5 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 219
6 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 255
7 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 60
8 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 112
9 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 109
10 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 255
11 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 287
12 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 211-212
13 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 212
14 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 6, trang 272
15 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 3, trang 485 
16 Chương Thâu, Giai thoại Phan Bội Châu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1991, trang 115
17 Chương Thâu, Sđd, trang 113
18 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 4, trang 132
19 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 4, trang 369
20 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 386
21 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 5, trang 59
22 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 256
23 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 5, trang 19 24 Phan Bội Châu, Sđd, Tập , trang 16 25 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 5, trang 17
26 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 5, trang 19
27 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 260
28 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 387
29 Phan Bội Châu, Sđd, trang 146
30 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 256
31 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 387
32 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 255-256
33 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 387
34 Phan Bội Châu, Sđd, Tập 2, trang 387