Luật về Hội cần thể hiện rõ nét hơn tư duy đổi mới quản lý nhà nước về hội

01/11/2016

Dự thảo Luật về Hội vẫn mang tính chất “khung”  
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống”[1]. Tinh thần này đã được quán triệt sâu rộng trong các hoạt động xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật về Hội(Dự thảo ngày 16/9/2016) lại đang có quá nhiều quy định mang tính chất khung và trao nhiều quyền “giải thích” cho Chính phủ[2].
Đơn cử, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký tại Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, nhưng chỉ được quy định trong Điều 37 và Điều 38. Với hai điều luật này thì rõ ràng không thể điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội phát sinh trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký tại Việt Nam; và phải chờ nghị định hướng dẫn mới có thể thi hành luật. Đó là chưa kể đến nhiều nội dung rất quan trọng liên quan đến thủ tục trong Dự thảo Luật về Hội như: thủ tục thành lập hội của người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Điều 6); thủ tục đình chỉ hoạt động hội có thời hạn và hội bị giải thể (Điều 28); thủ tục thành lập, hoạt động của quỹ (Điều 36)… được Quốc hội “giao trọn” cho Chính phủ quy định chi tiết.
Thực tế đã cho thấy, các cơ quan chủ trì soạn thảo thường có xu hướng xây dựng nghị định theo hướng có lợi cho hoạt động quản lý bằng cách quy định thêm những thủ tục hành chính cụ thể trong trường hợp nếu công dân muốn thực hiện một quyền nào đó. Dự thảo Luật về Hội quy định công dân, pháp nhân có quyền lập quỹ nhưng để thực hiện quyền đó lại là một việc hoàn toàn khác, vì các điều kiện để thực hiện quyền này chủ yếu lại nằm ngay trong thủ tục hành chính do Chính phủ quy định.
Trong khi đó, thủ tục hành chính được thiết kế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như để công việc được xử lý một cách khách quan, công bằng chứ không phải để tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho các cơ quan quản lý. Hiện nay, hầu hết các dự thảo luật là do Chính phủ chủ trì soạn thảo[3], nên tình trạng “cài đặt” vào đó những thủ tục hành chính như một loại “giấy phép con” nhằm tạo ra lợi ích cục bộ là điều khó tránh khỏi. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã từng phát biểu: “Nếu cứ duy trì cách làm luật như bây giờ, Bộ nào soạn thảo luật về ngành đó, thì không bao giờ tiến bộ được. Khắp gầm trời này, không nước nào để Bộ chủ quản soạn thảo luật, mà mình lại cứ giao cho Bộ”[4]. Hiện nay, việc làm luật còn mang tính khép kín. Đa phần các dự thảo luật được Chính phủ chủ trì xây dựng, sau đó các nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng do Chính phủ ban hành. Cơ chế này tạo ra thế “liên thông” giữa luật của Quốc hội với nghị định của Chính phủ. Với cách thức: “Chính phủ quy định chi tiết điều, khoản này” thì Chính phủ dễ dàng cụ thể hóa các quy định chung chung của luật theo hướng bảo vệ lợi ích cục bộ.
Theo chúng tôi, Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ gấp rút bổ sung nội dung để làm rõ các quy định liên quan đến thủ tục thành lập hội của người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; thủ tục đình chỉ hoạt động hội có thời hạn và hội bị giải thể; thủ tục thành lập, hoạt động của quỹ.  
Việc thừa nhận quyền lập hội của cá nhân, tổ chức
Nhìn chung, các quy định của pháp luật về quyền lập hội trong Dự thảo Luật về Hội vẫn mang nặng tính hành chính, coi trọng sự quản lý của cơ quan nhà nước (CQNN) mà chưa quan tâm thấu đáo đến tự do ý chí, tự do thỏa thuận của cá nhân, tổ chức. Xu thế hành chính hóa hội đã làm mất đi tính tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của hội, làm cho tính chất dân sự của hội trở nên bị “xơ cứng”. Có thể nhận thấy, từ việc “xin phép” thành lập hội (hồ sơ, thời hạn, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội) đến hoạt động của hội (cơ cấu tổ chức hội, quyền và nghĩa vụ của hội) đều “nhất nhất” phải được sự “cho phép” của các CQNN. Trong xu thế phát triển hiện nay, việc thành lập các hội là tất yếu. Tuy nhiên, Dự thảo Luật về Hội có vẻ như vẫn tiếp tục duy trì tư duy quản lý kiểu cũ, tạo ra mâu thuẫn rất lớn giữa nguyên tắc “công dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm” với tư duy quản lý theo trật tự hành chính. Điều này khiến cho quyền “lập hội” được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khó được hiện thực hóa đầy đủ. 
Xem xét Dự thảo Luật về Hội, có một điểm sáng thể hiện tinh thần của nguyên tắc nhà nước pháp quyền, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân là quy định tại khoản 5 Điều 21: “Chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội báo cáo về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này với CQNN có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, CQNN có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; quá thời hạn không trả lời thì hội được tổ chức đại hội”.Điều khoản này thể hiện một nguyên tắc “trong một khoảng thời gian cụ thể, CQNN phải tiến hành một hoạt động nhất định. Nếu không tiến hành thì mặc nhiên phát sinh quyền của công dân”. Bên cạnh quy định tiến bộ này thì hàng loạt các điều khoản khác như khoản 2 Điều 14[5], khoản 5 Điều 17[6], khoản 6 Điều 21[7], khoản 3 Điều 27[8] đều chỉ quy định theo công thức “trong thời hạn nhất định, CQNN có thẩm quyền phải giải quyết một công việc cụ thể. Trường hợp không công nhận thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do” nhưng lại không hề quy định là nếu quá thời hạn này thì có phát sinh quyền của hội hay không? Dự thảo Luật về Hội quy định rất rõ ràng những nghĩa vụ mà hội phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định mà nếu không thực hiện thì phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Trong khi đó lại không hề quy định trách nhiệm pháp lý của CQNN có thẩm quyền để thực hiện một nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Điều này vô hình trung tạo ra sự phân biệt trong cách ứng xử giữa CQNN với các hội, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng quyền của các hội có thể bị “treo” nếu như các CQNN kéo dài thời gian trong việc thực hiện một hoạt động mang tính công vụ.
Do đó, cần tôn trọng nguyên tắc phổ quát của nhà nước pháp quyền là “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.Mặc dù Dự thảo Luật về Hội có quy định CQNN phải thực hiện một hành vi công vụ trong một khoảng thời gian nhất định, nếu từ chối thực hiện hành vi phải có lý do chính đáng, nhưng Dự thảo lại không quy định là “nếu quá thời hạn này thì quyền và lợi ích hợp pháp của hội đương nhiên phát sinh”. Chính vì vậy, các điều khoản như khoản 2 Điều 14, khoản 5 Điều 17, khoản 6 Điều 21, khoản 3 Điều 27 cần quy định thêm nội dung: “…trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn nêu trên mà CQNN không trả lời thì quyền và lợi ích hợp pháp của hội đương nhiên phát sinh”. Quy định như vậy thì các CQNN phải thực hiện hành vi công vụ ngay lập tức nếu muốn cấm đoán, hạn chế, xử phạt, quản lý hoạt động của hội.  
Các quy định mâu thuẫn trong việc quản lý hoạt động của hội  
Theo khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật về Hội thì hội không đăng ký phải có địa chỉ liên lạc cụ thể, rõ ràng; hội có người đại diện theo ủy quyền của các hội viên. Quy định hội phải có địa chỉ liên lạc cụ thể, rõ ràng là để Nhà nước thực hiện hoạt động quản lý; hội có người đại diện theo ủy quyền là để nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 Dự thảo Luật về Hội lại quy định: “Hội và hội viên của hội không được nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật”. Tại sao hội lại không được nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật? Thêm nữa, hai quy định: “hội có người đại diện theo ủy quyền của các hội viên” và hộikhông được nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật” đã có sự mâu thuẫn với nhau. Trong trường hợp này, người đại diện theo ủy quyền phải là người nhân danh hội chứ không đơn thuần chỉ là nhân danh các hội viên tham gia các quan hệ pháp luật. Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”. Hội không đăng ký thì đương nhiên không có tư cách pháp nhân nhưng không phải vì không có tư cách pháp nhân mà pháp luật lại quy định không được nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật”.Đây là một điều hoàn toàn vô lý bởi khi được thành lập và đi vào hoạt động, các hội viên có thể ủy quyền cho người đại diện và người đại diện có thể tham gia các quan hệ pháp luật nhân danh hội như mua sắm tài sản, thực hiện các hoạt động tài trợ, từ thiện hoặc triển khai các hoạt động như hội thảo, hội nghị, tập huấn... Một nghịch lý nữa là Dự thảo Luật quy định: hội không được nhân danh hội tham gia các quan hệ pháp luật” nhưng hội phải báo cáo hoạt động của hội khi có yêu cầu của CQNN có thẩm quyền”. Một câu hỏi đặt ra là “khi báo cáo với CQNN có thẩm quyền thì hội sẽ nhân danh ai”? Trong trường hợp này, nếu hội không nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật thì sẽ nhân danh chủ thể nào? Nhân danh các hội viên hay nhân danh người đại diện theo ủy quyền? Nếu vậy thì có còn là hội nữa không và Luật về Hội liệu có cần điều chỉnh vấn đề này? Tham khảo pháp luật về hội một số quốc gia trên thế giới thì các nước cũng không có quy định theo kiểu “cấm đoán” này. Đơn cử, theo Luật về Hội của Ba Lan năm 1989, hội có thể có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân. Nếu không có tư cách pháp nhân, hội có thể bị giới hạn một số quyền nhất định nhưng vẫn có thể nhân danh hội tham gia các giao dịch dân sự. Tại Pháp, hội không đăng ký (không có tư cách pháp nhân) thì không thể tham gia tố tụng dân sự, ký kết hợp đồng, nhận các khoản tặng cho, tài trợ, cũng như sở hữu tài sản riêng. Tuy nhiên, hội không đăng ký vẫn có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật như việc bảo vệ mình trước tòa án trong một số trường hợp[9].
Ngoài ra, Dự thảo Luật về Hội vẫn còn tồn tại một sự mâu thuẫn. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 28 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Hội sẽ bị CQNN có thẩm quyền đình chỉ hoạt động 06 thángnếu tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến chấp thuận của CQNN có thẩm quyền”. Quy định này có mâu thuẫn vớikhoản 5 Điều 21 Dự thảo Luật về Hội: “Chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội báo cáo về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này với CQNN có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, CQNN có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; quá thời hạn không trả lời thì hội được tổ chức đại hội”. Mặc dù Dự thảo Luật về Hội đã quy định rất rõ là “trường hợpquá thời hạnkhông trả lời thì hội được tổ chức đại hội” nhưng “sự im lặng” của CQNN có thẩm quyền lại có thể khiến cho hành vi tổ chức đại hội của hội rơi vào tình trạng “chưa có ý kiến chấp thuận của CQNN có thẩm quyền”. Rõ ràng, trong trường hợp CQNN có thẩm quyềnkhông trả lời thì hội được tổ chức đại hội. Tuy nhiên, hội vẫn có thể bị CQNN có thẩm quyền đình chỉ hoạt động 06 tháng vì tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến chấp thuận của CQNN có thẩm quyền. Liệu trong trường hợp này, “sự im lặng, không trả lời” của CQNN có thẩm quyền có thể xem là sự đồng ý, chấp thuận của CQNN có thẩm quyền? Trong pháp luật dân sự - nơi đề cao sự tự nguyện và bình đẳng giữa các bên thì “im lặng” cũng không đồng nghĩa với “đồng ý”. Điều này càng trở nên khó khăn hơn trong lĩnh vực quản lý nhà nước - nơi luôn có khả năng tồn tại sự bất bình đẳng giữa cơ quan quản lý với hội. Theo chúng tôi, nhằm đảm bảo sự thông thoáng trong hoạt động của hội và khắc phục các mâu thuẫn nêu trên, cần điều chỉnh một số điều khoản trong Dự thảo Luật về Hội. Cụ thể, khoản 5 Điều 21 Dự thảo Luật về Hội cần điều chỉnh thành: “Chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội báo cáo về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này với CQNN có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, CQNN có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; trường hợp quá thời hạn này mà không trả lời bằng văn bản thì xem như CQNN có thẩm quyền đã chấp thuận cho hội được tổ chức đại hội”. Tương tự, điểm a khoản 1 Điều 28 Dự thảo Luật về Hội cần điều chỉnh thành: “Hội sẽ bị CQNN có thẩm quyền đình chỉ hoạt động 06 tháng nếu tổ chức đại hội khi chưa có ý kiến chấp thuận của CQNN có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật này”.
Nhằm thực hiện chức năng chấp hành - điều hành nên hoạt động của hội phải được sự chấp thuận, đồng ý của CQNN có thẩm quyền, Dự thảo Luật về Hội nhiều lần nhắc đến việc quản lý hội của các “CQNN có thẩm quyền”. Theo Điều 15 và Điều 18 Dự thảo Luật về Hội thì việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, đổi tên hội thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đối với hội hoạt động trong phạm vi cả nước và liên tỉnh) hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với hội hoạt động trong phạm vi địa phương). Tuy nhiên, nhiều điều khoản trong Dự thảo Luật về Hội không xác định cụ thể “CQNN có thẩm quyền” là cơ quan nào. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của hội. Điều 12 Dự thảo Luật về Hội quy định: “hội không đăng ký có nghĩa vụ báo cáo hoạt động hội khi CQNN có thẩm quyền có văn bản yêu cầu”. Nghiên cứu trong cả Dự thảo Luật về Hội thì cũng không thể xác định được “CQNN có thẩm quyền” là cơ quan nào. Tương tự, khoản 5 Điều 21 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đại hội, ban lãnh đạo hội báo cáo về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này với CQNN có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngàynhận được báo cáo, CQNN có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật về Hội lại không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền nhận báo cáo và trả lời bằng văn bản. Điều 15 và Điều 18 Dự thảo Luật về Hội chỉ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, đổi tên hội chứ không quy định thẩm quyền nhận báo cáo và trả lời bằng văn bản. Bên cạnh đó, Điều 15 và Điều 18 Dự thảo Luật về Hội cũng chỉ quy định về thẩm quyền của “người có thẩm quyền” chứ không phải là “CQNN có thẩm quyền”.Những mâu thuẫn này không cho phép suy luận rằng, quyền nhận báo cáo và trả lời bằng văn bản thuộc về Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong hoạt động quản lý, đặc biệt là các quy định về phân định thẩm quyền, rất cần sự rõ ràng chứ không thể là suy luận bởi chỉ có sự rõ ràng, rành mạch trong việc phân định thẩm quyền thì hoạt động quản lý mới được thực hiện một cách nhịp nhàng, chính xác và đạt hiệu quả. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và tính minh bạch, Dự thảo Luật về Hội cần bổ sung quy định về việc nhận báo cáo và trả lời bằng văn bản vào thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Điều 15 và Điều 18 Dự thảo Luật về Hội.
Một số quy định chưa chính xác trong việc quản lý hội
Điều 4 Dự thảo Luật về Hội quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội: “1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; 2. Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; 3. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội; 4. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 5. Hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận”. Hội là tổ chức do cá nhân, tổ chức có cùng sở thích, mục đích, ý chí thành lập, do đó, Hội phải được tổ chức và hoạt động theo tinh thần tự nguyện. Hội với tính chất là một tổ chức xã hội nên phải “tự chủ, tự quản” trong hoạt động của mình. Trong tiếng Việt, “tự chủ” (tự: chính mình, chủ: làm chủ) là: “tự mình điều khiển mình, không phụ thuộc vào ai, không để ai chi phối mình”[10]. Do đó, một khi đã quy định Hội tự chủ trong tổ chức và hoạt động thì không cần phải thêm cụm từ “tự trang trải kinh phí hoạt động” bởi đây là sự lặp từ không cần thiết. Khi đã là một tổ chức “tự chủ” thì hội phải tự chủ về các hoạt động của Hội trong đó có tự chủ về tài chính và kinh phí hoạt động. Do vậy, khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật về Hội chỉ cần quy định ngắn gọn là “tự nguyện, tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật” .
Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Quyền lập hội bao gồm: sáng lập hội; đăng ký thành lập hội; gia nhập hội; hoạt động hội; lãnh đạo, điều hành hoạt động hội; ra khỏi hội”. Theo chúng tôi, việc “ra khỏi hội” không thuộc nội hàm của quyền lập hội. Quyền lập hội phải là quyền liên quan đến “tạo ra”, “hình thành nên”, “thành lập nên” hội và “lãnh đạo”, “điều hành” hoạt động của hội. Trong khi đó, “ra khỏi hội” hoàn toàn không liên quan đến việc tạo lập, lãnh đạo và điều hành hội. Nói cách khác, “ra khỏi hội” không ảnh hưởng đến việc khai sinh, tồn tại và phát triển của hội. Ngay trong Dự thảo Luật về Hội cũng đã thể hiện nội dung “ra khỏi hội” là không thuộc nội hàm của quyền lập hội. Cụ thể, Điều 8 Dự thảo Luật quy định: “Cá nhân, tổ chức sau đây không được thực hiện quyền lập hội quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật này, trừ quyền ra khỏi hội”. Như vậy, theo Điều 8 thì “người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình; người mất năng lực hành vi dân sự; pháp nhân đang trong quá trình xem xét phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách...” không được sáng lập hội, gia nhập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội nhưng hoàn toàn có thể xin ra khỏi hội. Theo chúng tôi, Dự thảo nên loại bỏ quyền “ra khỏi hội” ra khỏi phạm vi của quyền lập hội. Nếu đặt và đồng nhất quyền ra khỏi hội với quyền lập hội là không chính xác.
Thời gian thành lập hội có đăng ký quá dài
Theo Dự thảo Luật về Hội thìhội có đăng ký là tổ chức do cá nhân, tổ chức thành lập, đăng ký thành lập với CQNN có thẩm quyền và có tư cách pháp nhân. Theo đó, thủ tục đăng ký của hội có đăng ký phải trải qua các bước sau:
Đầu tiên, hội phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập hội và gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đối với hội hoạt động trong phạm vi cả nước và liên tỉnh) hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương). Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thành lập hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội.
Kế đến là trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, các sáng lập viên phải tổ chức đại hội thành lập hội. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc đại hội thành lập hội, ban lãnh đạo hội phải báo cáo và đề nghị CQNN có thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, CQNN có thẩm quyền ra quyết định công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội. Hội có tư cách pháp nhân và được hoạt động kể từ ngày CQNN có thẩm quyền ra quyết định công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội.
Như vậy, đối với một hội có đăng ký thì tính từ thời điểm đăng ký đến khi đi vào hoạt động phải mất 180 ngày, tức là 06 tháng. Chỉ tính riêng các bước báo cáo, xin phép để chờ sự chấp thuận của CQNN thì cũng mất hết 90 ngày (tức là 03 tháng). Đó là chưa tính đến thủ tục đăng ký mẫu con dấu tại CQNN có thẩm quyền. Theo Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu thì tổ chức hội phải tiến hành đăng ký mẫu con dấu. Hồ sơ đăng ký mẫu con dấu gồm: i. Quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền; ii. Điều lệ hoạt động của tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Với quy định này, có thể hiểu là hội chỉ có thể có con dấu để sử dụng khi nộp điều lệ hoạt động của tổ chức đã được phê duyệt đến CQNN thẩm quyền và sau một khoảng thời gian nhất định mới được cấp con dấu. Mặc dù Dự thảo Luật về Hội quy định hội có tư cách pháp nhân và được hoạt động kể từ ngày CQNN có thẩm quyền ra quyết định công nhận điều lệ hội, nhưng trên thực tế, đến thời điểm này hội vẫn chưa thể hoạt động một cách chính danh vì chưa có con dấu - phương tiện đặc biệt do CQNN có thẩm quyền cấp - để hội sử dụng đóng trên văn bản, giấy tờ. Như vậy, phải mất đến hơn nửa năm với hàng loạt thủ tục thì hội mới có thể đi vào hoạt động. Theo chúng tôi, thời gian đăng ký này là quá dài và không phù hợp với công cuộc cải cách thủ tục hành chính.
Tóm lại, cần xác định tư tưởng chủ đạo của Luật về Hội là đạo luật để bảo đảm thực thi quyền lập hội - một quyền cơ bản của con người, chứ không phải luật thuần túy về thủ tục hành chính để có thể tạo ra những “rào cản” trong việc thành lập hội. Do đó, các thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập, hoạt động... cần đơn giản, rõ ràng, cụ thể. Việc đăng ký này phải thực sự là “đăng ký”, chứ không giống như cấp phép, xin - cho như hiện nay. Một khi có đầy đủ tiêu chí theo quy định của pháp luật thì ban sáng lập hội chỉ cần chứng minh với CQNN có thẩm quyền và cơ quan này phải có nghĩa vụ ra quyết định công nhận sự thành lập của hội thay vì quyết định cho phép thành lập hội./.
 
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 248.
[2] Trong Dự thảo Luật về Hội, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết rất nhiều nội dung quan trọng như: thủ tục thành lập hội của người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Điều 6); hồ sơ, thủ tục về việc đình chỉ hoạt động hội có thời hạn và hội bị giải thể (Điều 28); thủ tục thành lập và hoạt động của quỹ (Điều 36); đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký tại Việt Nam (Điều 38).
[3] Ở nước ta, Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội xem xét, ban hành trên 90% các dự án luật.
[4] Nam Đồng (chủ biên), Hai mươi năm - Những bài báo đổi mới, Nxb. Trẻ & Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 337 - 338.
[5] Khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, trong thời hạn được quy định tại điểm a khoản này, CQNN có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
[6] Khoản 5 Điều 17 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này, CQNN có thẩm quyền ra quyết định công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội; trường hợp không công nhận thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
[7] Khoản 6 Điều 21 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc đại hội, ban lãnh đạo hội báo cáo kết quả đại hội với CQNN có thẩm quyền về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, CQNN có thẩm quyền phải ra quyết định công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội; trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
[8] Khoản 3 Điều 27 Dự thảo Luật về Hội quy định: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Luật này quyết định công nhận hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội; trường hợp không công nhận thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
 
[9] Luật về Hợp đồng hội của Pháp năm 1901. Xem: https://www.service-public.fr/associations/vosdroits/R2631.
 
[10] Nguyễn Lân, Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 1974.