Năng lực tổ chức thi hành pháp luật của chính quyền qua việc thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP: một số bình luận và kiến nghị

01/07/2016

Một trong những nội dung căn bản và phổ biến của hành pháp mà mọi quốc gia đều thừa nhận là tổ chức triển khai thi hành những văn bản pháp luật đã có hiệu lực pháp luật. Để triển khai thi hành pháp luật tốt cần nhiều yếu tố, nhưng cơ bản là cần những yếu tố như (i) pháp luật để thi hành tốt, (ii) người tổ chức thi hành tốt, (iii) điều kiện vật chất tốt và môi trường thuận lợi… Để đánh giá về năng lực hành pháp của chính quyền cũng có nhiều cách khác nhau, song việc căn cứ vào cách tiếp cận công việc, thời gian, tốc độ và đặc biệt là kết quả đầu ra, chất lượng của việc triển khai thi hành pháp luật so với dự kiến ban đầu… là các tiêu chí đánh giá năng lực hành pháp của chính quyền một cách thuyết phục và thiết thực. Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí, việc làm (VT -VL) và cơ cấu ngạch công chức (Nghị định 36) là một loại văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quan trọng cần được tổ chức thực hiện thật tốt trong tiến trình cải cách hành chính nói chung và đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức của nước ta như đã từng được nhấn mạnh là “việc kết hợp VT - VL với tiêu chuẩn chức danh là một trong những nguyên tắc quan trọng trong đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức từ khâu tuyển dụng, thi nâng ngạch đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức. Trong đó, xác định VT - VL là một nội dung mới và phức tạp; có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định biên chế phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị”[1]. Thế nhưng, qua 03 năm triển khai thi hành Nghị định 36, nhìn chung kết quả việc triển khai thực hiện Nghị định không như mong đợi[2], đồng thời đã cho thấy quá nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cần tiếp tục tháo gỡ. Chúng tôi xin bình luận một số khía cạnh liên quan đến năng lực hành pháp của chính quyền qua việc triển khai thực hiện Nghị định 36, đề xuất các kiến nghị góp phần thúc đẩy việc thực hiện Nghị định 36 tốt hơn nói riêng và góp phần nâng cao năng lực hành pháp của chính quyền nói chung.
Untitled_72.png
 
1. Một số bình luận về năng lực hành pháp của chính quyền qua việc triển khai thi hành Nghị định 36  
i) Pháp luật được đem ra để thi hành tốt, Nghị định 36 có thật sự tốt?
Như đã nêu trên, năng lực hành pháp của chính quyền phụ thuộc vào yếu tố đầu tiên là bản thân pháp luật được đem ra để triển khai thi hành có tốt hay không. Một chủ thể hành pháp tinh nhuệ đến mấy nhưng được giao triển khai thi hành một văn bản pháp luật kém chất lượng/có vấn đề thì cũng không mong đợi gì về chất lượng của kết quả thi hành, thậm chí, chủ thể hành pháp có quyền từ chối tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu hoặc yêu cầu chủ thể lập pháp xem xét lại và điều này được quy định ngay trong bản hiến pháp đầu tiên của nhân loại[3] cũng như của nước ta[4].
Để tạo điều kiện thuận lợi và làm tiền đề cho hoạt động hành pháp, bản thân văn bản pháp luật được thi hành phải có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức. Có những văn bản pháp luật mà chất lượng tốt của nó được thể hiện qua việc người ta ca ngợi từ lúc nó ra đời cho đến kết quả thực hiện và sức sống của nó lâu dài trong xã hội. Hoặc có những văn bản cũng được coi là tốt khi chỉ tồn tại trong tích tắc và lụi tàn sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử[5]. Nghị định 36 được ban hành để tổ chức thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Nó được xem là con át chủ bài của công cuộc cải cách tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức nước ta. Ngay khi mới ra đời, Nghị định 36 là văn bản pháp luật được đánh giá là có chất lượng. Tuy nhiên, nội dung và hình thức của Nghị định này còn có quá nhiều vấn đề phải bàn, nhất là qua quá trình triển khai thi hành trong thực tế, chẳng hạn như:
- Thời hạn có hiệu lực của Nghị định 36 được quy định hơi gấp (ngày 22/4/2013 ký Nghị định, ngày 10/6/2013 Nghị định đã có hiệu lực) làm cho công tác chuẩn bị, hướng dẫn chi tiết cũng cập rập theo, tuy Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn[6] ngay sau đó một ngày nhưng để thực hiện được toàn bộ nội dung của Nghị định 36 trong cả nước, còn phải cần đến các bộ ngành khác có hướng dẫn cho ngành mình sau đó nữa.
- Nghị định 36 quy định về VT - VL và cơ cấu ngạch công chức, đây là những vấn đề về phương diện khoa học là không mới, nhưng về phương diện hành pháp thì hoàn toàn mới khi đi vào thực tiễn ứng dụng của chế độ công vụ Việt Nam. Điều này đã tạo nên những khó khăn, thách thức cho các chủ thể thi hành từ trung ương tới địa phương, thậm chí ngành nội vụ là chủ công trong việc này cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng.
Các quy định của Nghị định 36 đã tạo nên những cấp độ khác nhau trong tiếp nhận và vận dụng của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để hướng dẫn chi tiết tiếp sau đó, cũng như phải tập huấn, tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện... làm kéo dài thêm thời gian chuẩn bị cho thực hiện trên thực tế. Chẳng hạn, đã từng có đề nghị có hướng dẫn và ví dụ đối với: việc thống kê VT - VL một lần của công chức có cùng ngạch hay phải thống kê theo mỗi công chức trong đơn vị để tính phần năng lực, kỷ cương tương ứng? (phụ lục 6); từng cá nhân có phải thực hiện việc kê khai VT - VL theo phụ lục số 5 hay không...; hoặc có thể tạo ra các hệ quả không mong muốn khi thực hiện như: nhầm lẫn giữa khái niệm VT - VL và người làm việc tại VT - VL, do đó, dẫn đến tình trạng bản mô tả VT - VL của đơn vị là mô tả công việc của cá nhân cụ thể; Chỉ tập trung vào việc xác định nhiệm vụ, kết quả, sản phẩm mà không mô tả được các tiêu chuẩn cần thiết cũng như các yếu tố ảnh hưởng để xác định số lượng người làm việc tại VT - VL đó; tâm lý muốn tăng số lượng người làm việc được giao nên chưa mô tả thực chất tính chất công việc hoặc khai tăng thời gian làm ngoài giờ[7]...
Nhiều nội dung dù đã được các đơn vị hướng dẫn nhưng khi thực hiện vẫn lúng túng, chẳng hạn như: cần có hướng dẫn rõ về tiêu chí của khung năng lực của từng VT - VL nêu tại bước 7 và được tư vấn là: “Mỗi VT-VL đòi hỏi một người/hoặc nhiều người được giao thực hiện phải có năng lực (tiềm năng nội tại, khả năng) và kỹ năng (thao tác kỹ thuật, kỹ xảo) nhất định để hoàn thành một công việc (hoặc nhóm công việc), đó là khung năng lực của từng VT-VL. (năng lực tổng hợp vấn đề, năng lực quản lý, điều hành, phối hợp hoạt động, năng lực quy tụ cán bộ, công chức…; kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng phát hiện dấu vết…); Khi xác định khung năng lực thì xác định khung năng lực tối thiểu cần phải có để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Khung năng lực không đồng nhất và không chỉ xác định ở trình độ học vấn. Những nội dung này, trong quá trình thực hiện Đề án, từng đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, tập hợp qua quá trình xây dựng Đề án VT-VL để đề ra. Khung năng lực của từng VT-VL được xây dựng gồm năng lực và kỹ năng phải có đã nêu ở phần ghi chú Phụ lục số 6”[8].
- Về hình thức văn bản QPPL, đây là Nghị định nên phải chờ các văn bảnhướng dẫn thực hiện có thứ bậc thấp hơn; chờ xác định mối quan hệ giữa Nghị định 36 với văn bản pháp luật ngang cấp khác, như  với Nghị định số 41/2012/NĐ-CPngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về VT-VL trong đơn vị sự nghiệp công lập[9], hoặc các hướng dẫn đặc thù của từng ngành như Hướng dẫn 04/HD-VKSTC-V9 ngày 10/01/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao…
 Các Hướng dẫn nối dài Hướng dẫn như vậy đã làm cho “sợi dây nối” từ Nghị định 36 đến đầu còn lại của các cơ quan, đơn vị cụ thể gặp không ít khó khăn khi thực hiện, chẳng hạn như[10]: “1. Theo quy định này thì VKSND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý (VKSND cấp huyện, các đơn vị cấp phòng) xây dựng Đề án, nhưng theo quy định tại mục 3.2, phần I của Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC-V9 thì chưa rõ cấp phòng có phải xây dựng Đề án không hay chỉ thực hiện thống kê công việc, lập một số biểu mẫu theo hướng dẫn và chỉ xây dựng chung 1 Đề án của VKSND tỉnh?; 2. Đối với các đơn vị cấp Cục, Vụ, Viện; cấp phòng (thuộc tỉnh), cấp huyện cần làm những nội dung gì để xây dựng đề án?; 3. Trong trường hợp thành lập mới phải điều động, luân chuyển công chức ở các đơn vị khác không làm thay đổi tổng biên chế được giao thì việc xây dựng đề án điều chỉnh VT-VL chỉ liên quan đến đơn vị thành lập mới và công chức được điều động hay phải xây dựng đối với cả đơn vị có công chức bị điều động?; 4. Công chức thực hiện được toàn bộ công việc được phân công thì có cần phải phân nhóm không?; 5. Đề nghị ban hành quy định chuẩn của từng VT - VL (khối lượng công việc phải hoàn thành ở mức tối thiểu); Cần giải thích, làm rõ mục II, phần b Hướng dẫn số 04: Mỗi VT - VL cần bao nhiêu người để đảm nhận?; Cần phân định rõ người làm tốt và người không làm được việc; Một số công chức không làm đúng ngành nghề so với chuyên môn được đào tạo nên khó khăn trong việc sắp xếp lại đội ngũ”...
Ngoài ra, hệ quả của quá trình đó còn kéo theo các nội dung đề xuất khác như: “1. Đề nghị bỏ quy định hồ sơ Đề án có Bản sao Quyết định về việc thành lập tổ chức, đơn vị; Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị; 2. Khi xác định VT - VL ở các đơn vị cần căn cứ vào cả dự báo khối lượng, tính chất phức tạp của công việc trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá công việc thực hiện trong thời gian qua để đảm bảo số biên chế đủ trong từng giai đoạn, tính ổn định trong hoạt động của đơn vị. Vụ Tổ chức - Cán bộ cần phải xây dựng chiến lược nguồn các VT - VL: tăng biên chế cho các VKSND địa phương gần Hà Nội để có nguồn công chức khi cần rút từ địa phương lên bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ tối cao, chuyển công chức có chức danh pháp lý tại các đơn vị quản lý hành chính trong VKSND tối cao sang các Vụ nghiệp vụ, tuyển dụng nguồn công chức từ các ngành khác có liên quan hoặc có chức năng bổ trợ cho công tác kiểm sát trong các lĩnh vực khác nhau như: hành chính, kinh tế, lao động, phá sản...; 3. Việc xác định chức danh quản lý hành chính cấp phòng là một VT - VL cũng cần phải có tiêu chuẩn nhất định và phải hoàn toàn khác tiêu chuẩn các chức danh pháp lý, không đặt ra điều kiện cấp phòng phải có chức danh Kiểm sát viên hoặc ngược lại bởi hai VT - VL có ảnh hưởng nhưng không hoàn toàn phụ thuộc nhau; 4. Cần hoàn thiện tổ chức bộ máy đủ biên chế theo Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao, trên cơ sở đó mới xây dựng được tiêu chuẩn VT - VL chính xác; 5. Cần khái quát ngắn gọn những nội dung cần thống nhất, không cần thiết phải nêu lại các quy định tại Nghị định 36 và Thông tư 05 của Bộ Nội vụ (Vụ 1); 6. Đề nghị nghiên cứu Đề án xem có thể cắt bớt một số bước yêu cầu các đơn vị thực hiện, chỉ yêu cầu làm những bước cơ bản cần có sự phối hợp như: cá nhân kê khai công việc của mình và yêu cầu cuối cùng của Đề án đối với các đơn vị là gì để hạn chế tối đa số việc yêu cầu các đơn vị phải làm (Vụ 7)”…[11]
Một văn bản pháp luật có nội dung, hình thức và thời điểm hiệu lực như vậy ít nhiều tác động tới tâm lý và năng lực hành pháp của các chủ thể triển khai thi hành, và vì vậy kết quả thu được trong thực tế cũng không đạt yêu cầu.
ii) Người tổ chức thi hành pháp luật - chủ thể hành pháp tốt?
Nghị định 36 đã chỉ rõ những địa chỉ (ví dụ như: Điều 13. Thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Điều 14. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Điều 15.Thẩm quyền của Bộ Nội vụ; Điều 16.Thẩm quyền của các cơ quan khác...) có trách nhiệm thực hiện những công việc cụ thể trong hầu hết các điều khoản của Nghị định 36. Tuy nhiên, điều quan trọng là ý chí chính trị, kiến thức, kỹ năng hành pháp… của các chủ thể ấy mới góp phần vào hiệu quả của việc triển khai thi hành Nghị định 36.
Về hình thức, có thể ý chí chính trị của các chủ thể là tích cực và quyết liệt, nhưng trong thực tế chúng ta vẫn gặp những rào cản nhất định, chẳng hạn như: “những rào cản không dễ dàng vượt qua, chính là: “nhận thức”, “thói quen” và “lợi ích”… Nhận thức là một quá trình, nó đòi hỏi phải có thời gian. Thói quen muốn điều chỉnh cũng không phải thực hiện được ngay trong chốc lát. Lợi ích tuy được nhắc đến sau cùng, nhưng chính nó lại đã, đang và sẽ luôn luôn chi phối rất lớn đến kết quả, chất lượng và hiệu quả của công cuộc đổi mới, cải cách nói chung và cải cách hành chính nhà nước nói riêng”[12].
Về kiến thức, quan trọng nhất là nhận thức khoa học của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện Nghị định 36. Tuy nhiên, họ sẽ có nhận thức khác nhau về nội dung và phương pháp cần tiến hành cụ thể được quy định trong Nghị định 36 và các thông tư hướng dẫn thi hành… Thậm chí, trong một số trường hợp, trong đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến các địa phương còn có người hiểu chưa đúng, chưa rõ ràng.
Về kỹ năng - là khả năng của đội ngũ cán bộ, công chức khi vận dụng kiến thức vào công việc cụ thể ở mỗi cơ quan, đơn vị để cho ra sản phẩm theo yêu cầu của Nghị định 36 - cho đến nay vẫn còn khiêm tốn, bởi lý do từ ý chí chính trị và kiến thức như đã nêu trên.
Nhìn chung, tuy không thể phủ nhận năng lực hành pháp rất tốt của các cấp chính quyền trong thời gian qua ở nước ta, đã góp phần triển khai thi hành tốt nhiều văn bản QPPL, song, qua kết quả việc triển khai thi hành Nghị định 36 có thể thấy, ý chí, kiến thức và kỹ năng hành pháp của các cấp chính quyền  là chưa tương xứng.
iii) Điều kiện vật chất tốt và môi trường thuận lợi cho hành pháp?
Chúng ta đang vận hành hệ thống công vụ theo chức nghiệp suốt đời. Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất bao gồm trang thiết bị, tài chính, công nghệ quản lý... được thiết kế để vận hành hệ thống công vụ theo chức nghiệp ấy đã “đâu vào đấy”, thì nay phải “đổi cái rụp”sang hệ thống công vụ theo VT – VL. Việc này đã tạo ra “sự choáng ngợp” và có thể, các điều kiện vật chất khó đáp ứng tương thích kịp thời cho việc tiếp nhận hệ thống chức nghiệp mới. Ngoài ra, những biến đổi phát sinh liên tục gần đây của cấu trúc tổ chức bộ máy đã góp phần làm cho môi trường triển khai Nghị định 36 thêm phần khó khăn, chẳng hạn như: “1. Phòng Thanh tra được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2014. Đây là đơn vị mới thành lập. Vì vậy, cơ sở xác định vị trí, cơ cấu việc làm cụ thể là rất khó khăn; 2. Khó khăn trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá công việc (do khối lượng công việc nhiều, danh mục công việc phong phú); Khó khăn về việc hoàn thành thời gian thực hiện Đề án theo đúng tiến độ; 3. Việc xác nhận thống kê công việc của Viện trưởng cấp tỉnh, huyện do Chánh Văn phòng là chưa phù hợp. Đề nghị Phòng Tổ chức - Cán bộ tổng hợp để Viện trưởng tỉnh xác nhận Viện trưởng huyện, Viện trưởng tỉnh do Ban cán sự đảng xác nhận hoặc Phó Viện trưởng...”[13].
Nhìn chung, chưa bao giờ chúng ta triển khai thi hành một văn bản QPPL mà lại gặp nhiều vướng mắc, khó khăn và thách thức như triển khai thi hành Nghị định 36.
Tóm lại, năng lực hành pháp của chính quyền trong trường hợp này là chưa đạt yêu cầu của một nhà nước pháp quyền.
2. Một số kiến nghị góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 36
Thứ nhất, văn bản quy định về vấn đề VT - VL (vốn dĩ là mới và rất khó) này phải tiếp tục được hoàn thiện về nội dung và hình thức và sự chủ động của cả hệ thống các chủ thể liên quan để triển khai thực hiện. Suy rộng ra, những vấn đề khác cũng cần như vậy, tức là pháp luật đem ra để thi hành phải có nội dung và hình thức có chất lượng, hợp thời đại, đúng lúc... nhằm tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp thi hành.
Ngoài ra, các hướng dẫn phải đủ mức rõ ràng để thống nhất và dứt khoát thực hiện nhằm tránh tình trạng mỗi nơi một kiểudây dưa cỡ nào cũng có lý do để biện bạch cho sự chậm trễ.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức ngành Nội vụ, phải là đội chủ công trong việc triển khai thi hành Nghị định 36. Đội ngũ này phải không ngừng nâng cao nhận thức khoa học để có thể tường minh “mọi đường tơ kẽ tóc” của Nghị định 36, phải thiện chí, khẩn trương giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền cũng như sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ các đơn vị khác hoàn thành những phần việc được phân công theo quy định của Nghị định 36.
Thứ ba, nếu việc triển khai thi hành Nghị định 36 gây khó khăn đồng loạt, chậm đồng loạt như hiện nay thì nên chọn một đơn vị hoặc một địa phương để thực hiện dứt điểm, rồi từ đó triển khai nhân rộng ra toàn quốc… Dù rằng trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị định 36 chúng ta đã thí điểm tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhưng đó là chưa đủ.
Thứ tư, không nên quá cầu toàn (nhưng không đồng nghĩa với qua loa, cẩu thả) trong việc xây dựng và thẩm định danh mục VT - VL và bản mô tả VT - VL. Vì là lần đầu thực hiện Đề án VT-VL nên sẽ bỡ ngỡ và khó khăn, thậm chí gặp sự phản đối, chống lại, nhưng vì đại cuộc nên chúng ta phải kiên quyết, khẩn trương kết thúc từng phần việc rồi sau đó tiếp tục rà soát, kiểm tra và điều chỉnh bổ sung cho lần sau (theo Nghị định 36, việc xây dựng, bổ sung Đề án VT - VL phải thực hiện hàng năm).
Thứ năm, các điều kiện về cơ sở vật chất phải thay đổi linh hoạt cho tương thích. Công tác truyền thông cần được tăng cường hơn nữa để nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc làm này và quyết tâm thực hiện với chất lượng cao hơn, góp phần đẩy nhanh việc hoàn tất công tác xây dựng Đề án VT - VL và cơ cấu ngạch công chức ở nước ta./.

 


 
[1]Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tại Hội nghị hướng dẫn xây dựng đề án xác định VT-VL, cơ cấu ngạch công chức, hạng và chức danh nghề nghiệp viên chức đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ, nguồn: http://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-nghi-huong-dan-xay-dung-de-an-xac-dinh-11344.html, truy cập 26/11/2015.
[2] Ví dụ như “Riêng Đề án VT - VL trong cơ quan hành chính theo Nghị định số 36/2013/Nghị định-CP của Chính phủ về VT - VL và cơ cấu ngạch công chức, thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND xây dựng Đề án VT - VL và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố. Hiện nay, có 20/31 cơ quan, đơn vị đã hoàn thành xong Đề án (15/22 Sở và 05/9 quận, huyện)… nhưng chưa được phê duyệt để thực hiện… là tình trạng chung của hầu hết các cơ quan đơn vị phải xây dựng Đề án VT-VL theo Nghị định 36”. Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/index.php?mod=detnews&catid=2722&p=&id=164896 – 18/11/2015.
[3] Đoạn (2) khoản 7 Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ, bản tại địa chỉ: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem_x.html, truy cập 23/03/2016
[4] Điều 31 Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam.
[5]Xem thêm, Nguyễn Ngọc Toán, Nghệ thuật lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 03/2006.
[6]Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP
[9]Thực hiện Kế hoạch số 1083/KH-BNV ngày 12/3/2015 của Bộ Nội vụ về tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang báo cáo tham luận với chủ đề: “Triển khai xác định VT - VL trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc”. Trong tham luận đó    có nội dung: “Theo quy định tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 41/2012/NĐ-CP, thì thẩm quyền của Bộ Nội vụ là: “Quyết định VT - VL, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt”. Tuy nhiên, đến nay Đề án VT - VL và cơ cấu chức danh nghề nghiệp của tỉnh Kiên Giang chưa có ý kiến của Bộ Nội vụ nên tỉnh đang gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện”.
[10] Xem chú thích 8.
[11] Xem chú thích 8.
[13] Xem chú thích 8.