Hoàn thiện hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên ở một số nước và những nội dung có thể tham khảo

01/06/2016

Chăm lo, giáo dục và bảo vệ người chưa thành niên, nhất là đối với bộ phận người chưa thành niên vi phạm pháp luật (NCTN VPPL) là lĩnh vực được các chuyên gia, các nhà khoa học xã hội, khoa học pháp lý trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, khai thác theo các góc độ học thuật khác nhau. Bài viết giới thiệu một số công trình nghiên cứu ở một số quốc gia có giá trị tham khảo về lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện các chế định pháp luật liên quan đối với NCTN VPPL ở Việt Nam. 
Untitled_95.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Vấn đề công lý trẻ em
Hầu hết các học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu lĩnh vực pháp luật đối với NCTN trên góc độ tội phạm học, xã hội học, cơ sở lập pháp, công lý và kỹ năng quản lý, giáo dục NCTN. Trong đó, nội dung nghiên cứu, bình luận được quan tâm nhiều là các vấn đề liên quan đến “quyền trẻ em”[1]. Dựa trên hình thức và cách thức tiếp cận, có thể phân chia các nghiên cứu thành hai nhóm cơ bản, gồm: Nhóm thứ nhất, nghiên cứu, thảo luận về chính sách, chuẩn mực giáo dục - xã hội và điều kiện phát triển đối với NCTN, tạm gọi là nhóm quyền an sinh xã hội của người chưa thành niên. Nhóm thứ hai, nghiên cứu, bình luận về hệ thống tư pháp và cơ chế áp dụng pháp luật đối với NCTN VPPL, tạm gọi là nhóm quyền tư pháp của người chưa thành niên. Công lý cho NCTN, nhu cầu của NCTN trong cộng đồng và nhu cầu của NCTN bị tách khỏi cha mẹ được xem xét trong mối quan hệ với các mô hình khác nhau trên cơ sở những cam kết, yêu cầu phải nội luật hóa. Tính phổ quát của các vấn đề liên quan đến việc tìm kiếm công lý cho NCTN được minh họa khá rõ ràng trong bối cảnh xã hội, văn hóa và chính trị rất khác nhau. Trong đó, liên quan và có giá trị tham khảo, kế thừa đối với pháp luật Việt Nam, như: về cơ chế xử lý không phải bằng biện pháp hình sự đối với NCTN VPPL; về thẩm quyền, trình tự, mô hình tổ chức áp dụng quyết định xử lý và những nghiên cứu liên quan đến hệ thống tư pháp vị thành viên (VTN). Theo đó, có thể tổng quan một số công trình tiêu biểu, như sau:
- Sách chuyên khảo Juvenile Crime - Juvenile Justice[2](2001) của Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Viện Y học Hoa Kỳ[3]là chuyên khảo xuất hiện khá sớm cho cuộc vận động vì công lý trẻ em. Đây là công trình nghiên cứu bao quát những vấn đề cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia đối với NCTN VPPL. Trong đó, Tòa án VTN là hệ thống chính xử lý NCTN VPPL hình sự, bao gồm cả hành vi phạm tội hình sự nghiêm trọng hoặc phạm tội hình sự ít nghiêm trọng (tương tự khái niệm hình sự “nhỏ” hoặc vi phạm hành chính (VPHC) nhiều lần ở Việt Nam). Thủ tục tố tụng tại Tòa án VTN có những đặc điểm, là[4]: xét xử không công khai; hồ sơ vụ án được bảo mật để không cản trở khả năng tái hòa nhập xã hội của NCTN; NCTN VPPL không bị xử là tội phạm (crime), mà là tội phạm VTN (delinquency)[5]; đặc biệt là, NCTN sẽ không bị tuyên là có tội (guilty) mà được tuyên là phạm tội dành cho NCTN (are adjudicated delinquent). Hậu quả của việc được tuyên là phạm tội dành cho NCTN thì ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với bị tuyên có tội[6]. Sau khi có quyết định, NCTN không bị đưa vào tù giam, mà đến trường huấn luyện (training school) hoặc trại cải tạo (reformatory), tương tự hình thức trường giáo dưỡng ở Việt Nam. Tuy nhiên, NCTN ở tuổi 14 có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, như giết người hay mưu toan giết người; đốt nhà đang có người ở bên trong; cướp có vũ khí; hiếp dâm; bắt cóc hay cướp xe; phạm tội bằng súng; ma túy và vượt ngục từ trại cải huấn thiếu nhi… sẽ phải xét xử ở tòa án cho người thành niên[7]. Nếu NCTN bị xử án tù dài hạn, sẽ được đưa vào trại cải huấn đến 16 tuổi và phải chuyển sang nhà tù của người thành niên.
Tuy nhiên, công trình này cũng phản ánh những thủ tục còn bất cập của Tòa án VTN, đó là: (i) việc xét xử bởi một thẩm phán mà không có ban hội thẩm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét xử (tương tự thủ tục một thẩm phán xét quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đối với NCTN VPPL theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) ở nước ta hiện nay), (ii) vấn đề đại diện theo pháp luật của NCTN. Nếu bị xử tại tòa án dành cho người thành niên, NCTN có quyền có người bào chữa. Nhưng phần lớn các tiểu bang lại cho phép NCTN được quyền tự mình từ bỏ quyền có người bào chữa mà không có tư vấn pháp lý trước khi đưa ra quyết định. Thực tế đó không phù hợp với quan điểm cho rằng, NCTN là khác biệt, do vậy phải được đối xử khác biệt với người thành niên. Các nghiên cứu cho thấy, NCTN không có khả năng như người thành niên để có thể từ bỏ quyền của mình một cách “có hiểu biết và thông minh” (knowledgeable and intelligent); (iii) bên cạnh chế tài hình sự, hệ thống tư pháp NCTN còn áp dụng các biện pháp xử lý khác, bao gồm: quản chế, phục vụ cộng đồng hoặc vào trường cải huấn[8] (alternative school)[9]. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thực chất đó là các chế tài trừng phạt, không phải vì mức độ VPPL nghiêm trọng của NCTN mà mục đích là nhằm ngăn chặn NCTN tiếp tục tham gia vào các hành vi phạm tội như người lớn. Dù ở nơi quản chế có biện pháp phù hợp thế nào thì khi trở về cộng đồng, NCTN cũng sẽ khó khăn để hòa nhập. Do đó, thay vì phải cách ly thì nên sử dụng các biện pháp xử lý phục hồi cho NCTN VPPL, bao gồm: thứ nhất, liệu pháp trị liệu đa hệ thống (Multisystemic Therapy)[10]; thứ hai, chương trình chăm sóc nuôi dưỡng đa chiều (multidimensional treatment foster care)[11]; thứ ba, hòa giải giữa người phạm tội và nạn nhân (Victim-offender mediation)[12]. Kết luận của đề tài nghiên cứu là để NCTN VPPL có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, cần đặt trọng tâm lên việc tiếp tục điều trị (continued treatment) thay vì chỉ đơn thuần giám sát và quản lý (surveillance and monitoring)[13].
Goldson và Muncie[14], được xem là những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lĩnh vực tư pháp và công lý cho NCTN VPPL ở nước Anh[15]. Hai ông là đồng tác giả của bình luận chuyên đề Rethinking Youth Justice: a comparative analysis, human rights and international research evidence (2006)[16], cho thấy rõ hơn bức tranh tương phản giữa hai hệ thống pháp luật đối với NCTN: một bên là ở các quốc gia có hệ thống tư pháp cho NCTN ủng hộ một "nền văn hóa kiểm soát" (culture of control) và trừng phạt. Ngược lại, ở các quốc gia có hệ thống pháp luật trong đó nhấn mạnh quyền con người, “khoan dung hình sự”, và đặt trọng tâm cho các giải pháp tiếp cận NCTN. Đây là bình luận xuất phát từ một dự án nghiên cứu về công lý cho NCTN, mục đích phê bình, chất vấn khuynh hướng lấy các ưu tiên chính trị là nền tảng trong chính sách công lý cho NCTN ở Anh và xứ Wales. Trong lời giới thiệu, các tác giả khẳng định: “trên cơ sở phân tích so sánh, nhân quyền quốc tế và bằng chứng nghiên cứu, chúng tôi thách thức các quỹ đạo chính sách hiện hành và cung cấp một công thức thay thế: một nền công lý cho NCTN với tính toàn vẹn”[17].
Pháp luật nước Anh và xứ Wales[18] quy định, mọi trường hợp NCTN VPPL ở mức nghiêm trọng đều phải xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự. NCTN phạm tội bị bắt và giam giữ riêng. Việc bắt giữ NCTN được thông báo đến người giám hộ trong thời gian hợp lý và định mức tiền để bảo lãnh tại ngoại. Nguyên tắc chung cho NCTN phạm tội là không bị giam giữ bởi tổ chức cảnh sát, thay vào đó được quản lý, chăm sóc ở cơ sở dịch vụ xã hội của chính quyền địa phương, trừ trường hợp hoàn cảnh thực tế đặc biệt không thể thực hiện được, hoặc để ngăn ngừa việc có thể tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng khác. Các đạo luật quy định về quyền tư pháp của NCTN, là: Đạo luật Bảo vệ trẻ em năm 1999 (Protection of Children Act 1999)[19]; Đạo luật về Tư pháp và Tòa án năm 2000 (Criminal Justice and Court Services Act 2000)[20]; Tổ chức Hỗ trợ cho trẻ em ở Anh-CRAE[21]… Riêng đối với Scotland, tuy là một quốc gia hợp thành Vương quốc Anh, nhưng Scotland lại có một hệ thống pháp luật độc đáo, riêng biệt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến NCTN. Scotland có tổ chức Scottish Children's Reporter Administration (SCRA) là cơ quan ngang Bộ, thuộc Chính phủ, có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. SCRA có thể tìm hiểu các vấn đề về trẻ em để có biện pháp pháp lý can thiệp vào nhu cầu, hành vi của trẻ. Việc tham khảo này được tiến hành thông qua một hình thức tổ chức chuyên trách là Children's Reporter[22]. Mỗi vụ việc về trẻ em có nguy cơ phạm tội, hoặc trẻ em là nạn nhân cần bảo vệ được giao cho một Children's Reporter chịu trách nhiệm theo dõi, do SCRA thuê. Children's Reporter điều tra và quyết định liệu có cần áp dụng biện pháp giám sát bắt buộc hay không. Nếu có, theo đề nghị của Children's Reporter, SCRA sẽ tổ chức một buổi điều trần của trẻ em (A children'shearing). Buổi điều trần của trẻ em được xem xét bởi ban hội thẩm, gồm đại diện SCRA, Children's Reporter, người giám hộ pháp lý và đại diện của các bộ phận công tác xã hội ở địa phương; trẻ em và các thành phần tham dự khác. Sau khi nghe điều trần, ban hội thẩm sẽ thống nhất và quyết định một biện pháp giám sát bắt buộc đối với NCTN. Nếu mức độ phạm pháp của NCTN là rất nghiêm trọng, ban hội thẩm có thể quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan tòa án giải quyết[23].
Cùng hướng tiếp cận với các nghiên cứu từ góc độ quyền của NCTN trong hoạt động tư pháp, Elizabeth S. Scott và Laurence Steinberg trong công trình Rethinking Juvenile Justice (2010)[24] bình luận về tính trừng phạt ngày càng tăng trong hai mươi lăm năm qua ở Tòa án VTN ở Hoa Kỳ. Hai học giả hàng đầu trong pháp luật và phát triển thanh thiếu niên này đã vạch ra một mô hình phát triển mới của công lý VTN, dựa trên pháp luật và chính sách có thể làm cho NCTN phạm tội tự nguyện, quyết tâm sửa chữa thành người thành niên có trách nhiệm. Mô hình này được khẳng định sẽ phục vụ tốt hơn lợi ích của công lý, ít lãng phí tiền bạc và cuộc sống của NCTN hơn so với chính sách hình sự khắc nghiệt và không hiệu quả của các thế hệ trước. Có thể tìm thấy trước đó không ít bài viết, nghiên cứu có cách thức tiếp cận tương tự, như: Ira M. Schwartz với nghiên cứu Justice for juveniles: Rethinking the Best Interests for the chil (1989)[25]; Linda S. Beres & Thomas D. Griffith với bình luận Demonizing Youth (2001); Sasha Abramsky trong Hard time Blues xvi (2002)… là sự chỉ trích gay gắt về hệ thống tư pháp VTN đương đại “đã rõ ràng nhất chấp nhận các mục tiêu của sự trừng phạt qua phục hồi chức năng của nhà tù so với các biện pháp thay thế giam giữ”[26].
Beth Caldwell (Hoa Kỳ) là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về tư pháp NCTN[27], cũng là người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm xử lý NCTN VPPL không phải là các biện pháp trừng phạt, mà cần áp dụng biện pháp phục hồi đối với họ. Trong cuốn sách “Xử lý phục hồi: so sánh luật xử phạt VTN tại Hoa Kỳ và Mexico” (2011), tác giả này bình luận tập trung về vấn đề chính sách xử lý NCTN VPPL ở các quốc gia đang trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi và phân theo hai khuynh hướng: “mô hình trừng phạt” ưu tiên kiểm soát tội phạm, trừng phạt và giam giữ và “mô hình phục hồi” nhấn mạnh quyền con người, nghiên cứu sự phát triển của NCTN và khắc phục thiệt hại cho các nạn nhân. Các quốc gia như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã dẫn đầu phong trào trừng phạt. Nhưng các nước khác như New Zealand và Phần Lan đi theo con đường sử dụng các lựa chọn thay thế khác ngoài giam giữ để giải quyết NCTN phạm tội[28]. Các quy định về độ tuổi tối thiểu của NCTN bị giam giữ, về quyền tài phán của tòa án NCTN và sự tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế luôn theo xu hướng tiếp cận cụ thể, thân thiện. Trọng tâm của cuốn sách là tác giả giới thiệu việc đổi mới chính sách xử lý pháp luật đối với NCTN ở bang Oaxaca thuộc Mexico, theo nguyên tắc bảo đảm quyền con người và mô hình hội nghị “công lý phục hồi nhân phẩm” nhằm khắc phục thiệt hại cho nạn nhân thay cho trình tự tố tụng tại tòa án. Nói cách khác, lý thuyết về “Công lý phục hồi” (Restorative Justice) tập trung vào nhu cầu của các nạn nhân và NCTN VPPL trên cơ sở cộng đồng tham gia, chứ không phải trừng phạt họ (tương tự sáng kiến mô hình hòa giải cộng đồng được đề xuất trong quá trình xây dựng Luật XLVPHC ở Việt Nam). Minh họa cho quan điểm trên, tác giả đã dẫn chứng kết quả khảo sát thực tiễn áp dụng pháp luật đối với NCTN ở Phần Lan, nơi đã xây dựng một dự án cải cách hình sự nhằm làm giảm tỷ lệ giam giữ. Những cải cách đã có tác động lớn đến số NCTN phạm tội. Năm 1998, Phần Lan chỉ có 10 NCTN bị giam giữ. Tác giả cũng đã khảo sát ở New Zealand việc áp dụng chính sách thay thế các phiên tòa xét xử NCTN với "hội nghị nhóm gia đình" liên kết tất cả mọi người liên quan sự việc tham gia với nhau, bao gồm cả các nạn nhân, để thảo luận tìm giải pháp giải quyết mâu thuẫn hoặc vấn đề hậu quả của hành vi VPPL. Sự thay đổi này làm giảm số lượng NCTN trong các cơ sở giam giữ từ 4.397 NCTN trong năm 1985 giảm chỉ còn 939NCTN vào năm 1991.
Tình hình nghiên cứu về công lý cho NCTN ở khu vực châu Á có thể được bao quát khá đầy đủ qua thông tin của bài viết “Thông điệp tương lai của tư pháp VTN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCJJ)”[29] của Alice Mrgrat[30]. Có thể xem đây là bản báo cáo tổng quan về sáng kiến ​​cải cách tư pháp NCTN của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan đại diện quốc gia tại hội nghị này[31]. Trong đó, có nhiều chuyên gia của APCJJ làm việc thường xuyên với nhóm NCTN có nguy cơ, đã đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến ​​thức ở quốc gia và khu vực của họ. Cụ thể là kinh nghiệm của Malaysia trong việc phát triển tiếp cận đa phương thông qua cải cách luật, kết hợp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng gồm phụ nữ, gia đình và tổ chức phát triển cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực công lý cho NCTN; kinh nghiệm ở Singapore về nhà nước cam kết nguồn lực dài hạn và cung cấp chương trình chuyên sâu cho các giai đoạn xử lý chuyển hướng đối với NCTN VPPL. Ví dụ, chương trình tư vấn 06 tháng và phục hồi chức năng để giúp cho NCTN phạm tội lần đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng trong hành vi VPPL và những hậu quả của hành vi tái phạm. Các chương trình được thiết kế phù hợp với nhu cầu điều trị và phát triển cá nhân của NCTN; kinh nghiệm ở Thái Lan về thực hiện sửa đổi thủ tục tư pháp NCTN cho phép xử lý tốt hơn đối tượng này trong môi trường pháp lý không đe dọa, bao gồm quy định NCTN VPPL phải được thẩm vấn trong môi trường tách biệt với người thành niên, có tham dự của chuyên gia tâm lý, đại diện tổ chức xã hội và người khác theo yêu cầu của NCTN; Campuchia đã hoàn tất đạo luật công lý VTN, theo tiêu chuẩn quốc tế; Philippines sửa đổi luật tăng tuổi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN từ 9 tuổi đến 12 tuổi, cấm giam giữ NCTN chung với người thành niên và quy định xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội hình sự ở một số trường hợp; Việt Nam đã có những cải cách pháp luật liên quan đến NCTN thể hiện ở việc Quốc hội ban hành Luật XLVPHC trong năm 2012, với những sửa đổi về xử phạt hành chính và các biện pháp XLVPHC đối với NCTN VPPL… Tình hình này đã phản ánh rõ ràng những vấn đề liên quan đến NCTN trong xung đột với luật pháp đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng đối với hầu hết các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, cũng như sáng kiến ​​cải cách pháp luật về bảo đảm quyền của NCTN đang là yêu cầu cấp thiết ở các quốc gia còn thiếu hệ thống tư pháp cụ thể cho NCTN[32].
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản được xem là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong quá trình lâu dài để hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với NCTN. Điều này có thể tìm thấy ở nhiều công trình, bài viết nghiên cứu khoa học pháp lý ở trong và ngoài Nhật Bản[33]. Một trong các nghiên cứu đáng chú ý về quyền của NCTN VPPL là bài viết “Amending the Juvenile Law in Japan: Ignoring the UN Committee on the Rights of the Child Recommendations” (2005)[34] của tác giả Mitsuaki Sasaki[35]. Tại đây, tác giả đưa ra luận điểm phản biện đối với tính trừng phạt của pháp luật trong quy định về độ tuổi áp dụng thủ tục tư pháp, về quyền hạn của cơ quan cảnh sát và nhận thức xã hội đối với NCTN VPPL… Bình luận này đưa ra vào thời điểm pháp luật đối với NCTN VPPL ở Nhật đã được sửa đổi theo hướng “tăng nặng” từ nhiều năm trước, nhưng vẫn không làm giảm được tình hình NCTN VPPL nghiêm trọng, trái lại còn tăng cao[36]. Dự thảo sửa đổi pháp luật mới tiếp tục với nhận thức cần phải gia tăng hơn tính “trừng phạt” đối với NCTN VPPL, nhất là đối với trường hợp có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Điều này có phần nguyên nhân từ các thông tin công khai về tình trạng NCTN VPPL với tính bạo lực ngày càng tăng, đã gây áp lực cho việc sửa đổi pháp luật theo hướng bất lợi đối với NCTN, thay vì được xử lý bởi tòa án gia đình[37] thì phải bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự tại tòa án thông thường và tăng tính hình phạt. Thực tế, những người theo quan điểm này đã chuyển hóa trách nhiệm của mình bằng cách đặt trách nhiệm lên NCTN. Luật cho NCTN sửa đổi hiện tại đang cố gắng để đạt được "sự hài lòng và an ninh" của xã hội bằng cách xử lý cả NCTN còn chưa đủ 14 tuổi thông qua thủ tục tư pháp (hình sự) chứ không phải là thủ tục phúc lợi. Tác giả kiến nghị: việc tăng thêm quyền hạn của cảnh sát đối với NCTN VPPL là quy định phải nghiên cứu thận trọng nhằm hạn chế cơ chế gia tăng “sự phụ thuộc vào việc sử dụng vũ lực”. Sửa đổi luật cho NCTN không thể “phớt lờ” các nguyên tắc của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và trong hoạt động tư pháp là đòi hỏi cơ hội cho NCTN hiểu rõ và khắc phục lỗi lầm. Điều đó chỉ có thể được tạo ra bởi sự bảo vệ thích hợp về nhân phẩm và quyền của NCTN, bằng cách tiếp cận từ quan điểm giáo dục và phúc lợi (Child Welfare Act)[38].
Tương tự quan điểm trên, từ nhiều năm trước, tác giả Toshikuni Murai trong bài “Vấn đề hiện tại của NCTN phạm tội ở Nhật Bản” (1988)[39] cũng đã đưa ra câu hỏi cần nhận thức thế nào về ranh giới pháp lý đối với NCTN phạm tội và NCTN có hành vi sai trái mà không phải là tội phạm[40] (quan điểm này gần với quy định về đối tượng NCTN bị áp dụng biện pháp XLVPHC theo Luật XLVPHC của Việt Nam[41]). Dựa trên kết quả khảo sát tình hình NCTN VPPL tại Nhật trong gần 30 năm (1955 - 1983), tác giả đưa ra yêu cầu hạn chế quyền lực của cơ quan cảnh sát trong hoạt động điều tra và quản chế đối với NCTN VPPL. Kiến nghị thận trọng đối với các phương tiện truyền thông thường “thổi phồng” thực tế và định hướng dư luận xã hội lây lan thành kiến bi quan về tình hình NCTN phạm tội ngày càng tăng. Hậu quả là, nhận thức xã hội không chính xác nên đã làm giảm phạm vi quyền của NCTN. Bài viết cũng nêu tình hình bất cập tương tự không chỉ ở Nhật, mà còn xảy ra phổ biến ở Vương quốc Anh.
Cần nêu thêm: theo Luật NCTN ở Nhật, phân loại liên quan NCTN VPPL gồm 03 đối tượng: (1) NCTN phạm tội (độ tuổi từ 14 đến 20 bị cáo buộc phạm tội hình sự); (2) Phạm tội VTN (NCTN dưới 14 tuổi bị cáo buộc phạm tội hình sự); (3) NCTN có nguy cơ phạm tội (pre-offense)[42]. Ngườiphạm tội VTN hoặc có nguy cơ phạm tội được xét xử tại Tòa án gia đình bởi một thẩm phán. Hình phạt thường không nghiêm trọng. Trong trường hợp xấu nhất (phạm tội ác bạo lực), NCTN thuộc hai nhóm đối tượng này là bị áp dụng một loại quản chế hoặc được gửi đến trường giáo dưỡng hoặc cơ sở phục hồi chức năng cho NCTN[43]. Thời hạn quản chế trung bình từ 01 đến 02 năm. So sánh cơ chế áp dụng pháp luật ở Nhật Bản trong các trường hợp này có thể thấy gần gũi với chế định áp dụng biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng đối với NCTN VPPL ở Việt Nam.
2. Những nội dung có thể tham khảo để hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam
So sánh hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay với các quốc gia thông qua góc độ những công trình nghiên cứu nêu trên, tuy có hạn chế do thể chế pháp lý ở từng quốc gia có những khác biệt nhất định và mức độ quan tâm vấn đề NCTN VPPL khác nhau, nhưng vẫn có ý nghĩa giúp tiếp thu những điểm tương đồng cơ bản về cách thức tiếp cận, vấn đề tiếp cận và phạm vi, yêu cầu giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hệ thống tư pháp VTN. Bằng chứng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận hệ thống tư pháp hiện nay ở các quốc gia đều theo hướng chung là hoàn thiện mục đích và cơ chế thực hiện tách bạch hệ thống tư pháp của NCTN trên nền tảng giá trị các chương trình phục hồi công lý cho NCTN VPPL, với ba mô hình cụ thể: phòng ngừa, điều trị và kiểm soát; vì thế, ở góc độ khoa học pháp lý, đây là những mô hình có giá trị tham khảo cần thiết và thiết thực. Trước hết, đó là cách thức tiếp cận mô hình và xu hướng VPPL của NCTN dưới tác động của các vấn đề xã hội đương đại. Thứ hai, nó chỉ ra phương pháp đánh giá và dự báo các thách thức trong tương lai của hệ thống tư pháp VTN hiện nay. Yêu cầu quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm kiểm tra những gì được biết về tội phạm VTN và cách phòng ngừa, điều trị và kiểm soát. Thứ ba, kinh nghiệm tiếp cận hệ thống tư pháp VTN được tách khỏi hệ thống tư pháp hình sự và tư pháp hành chính (the administration of juvenile justice) thông thường. Xét về cơ sở thực tiễn còn có những lợi ích tham khảo, đó là: tính hệ thống hóa và năng lực xử lý của hệ thống tư pháp NCTN; mô hình quản lý, giáo dục NCTN VPPL theo nội dung kết hợp, tăng cường trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội... là những kinh nghiệm tốt để hoàn chỉnh hệ thống tư pháp NCTN ở Việt Nam./.

 


 
[1] Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, cuốn The Rights of Infants (Quyền Trẻ em) xuất bản năm 1796 của Thomas Spence là một trong những cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Anh xác nhận các quyền của trẻ em. Trong suốt những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, các hoạt động vì quyền trẻ em đã được tổ chức để đòi hỏi quyền cho trẻ em vô gia cư và giáo dục công cộng. Cuốn The Child's Right to Respect (Quyền được tôn trọng của trẻ em) xuất bản năm 1927 của Janusz Korczak đã gia tăng sự chú ý về lĩnh vực này, và hiện nay, có hàng chục tổ chức quốc tế đang hoạt động trên khắp thế giới để cổ động cho quyền trẻ em.
Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền (1848) được xem là căn bản cho mọi tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền trẻ em hiện nay. Có nhiều hiệp ước và luật pháp đề cập tới quyền trẻ em trên khắp thế giới. Một số lượng tài liệu hiện tại và lịch sử ảnh hưởng tới những quyền này, gồm Tuyên bố về Quyền Trẻ em năm 1923, được Eglantyne Jebb và chị/em của bà là Dorothy Buxton phác thảo tại London, Anh năm 1919, được Hội quốc liên tán thành và được Liên hợp quốc thông qua năm 1946. Sau này, nó trở thành nền tảng cho Hiệp ước về Quyền Trẻ em năm 1989. (Nguồn: Từ điển mở Wikipedia).
[2] Tạm dịch: Tội phạm VTN - Tư pháp VTN.
[3] National Research Council - Institute of Medicine, Juvenile Crime – Juvenile Justice (2001), National Academy Press.
[4] National Research Council - Institute of Medicine, Tlđd, (tr.154).
[5] Một số hành vi được xem là VPPL nếu người thực hiện là trẻ em, nhưng không phải là VPPL đối với người thành niên, như: uống rượu, hút thuốc lá…
[6] UNC - Center for Civil Rights, Juvenile Delinquency Adjudication, Collateral Consequences, and Expungement of Juvenile Records, p. iii.
[7] Tại 44 tiểu bang của Hoa Kỳ, NCTN có hành vi phạm tội nghiêm trọng như giết người và các hành vi liên quan đến băng đảng, được xử lý như đối với người thành niên phạm tội. Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Juvenile_court.
[8] Gần với hình thức trường giáo dưỡng ở Việt Nam.
[9] Biện pháp “quản chế” ở đây có thể tương tự biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ở nước ta, nhưng cách thức, cơ chế áp dụng khác nhau. Biện pháp “phục vụ cộng đồng” có thể tương tự biện pháp lao động công ích được đề xuất ở dự thảo Luật XLVPHC, nhưng không được thông qua.
[10] Đây là một quá trình điều trị lấy gia đình và cộng đồng làm nền tảng, dựa trên các giả thuyết và nghiên cứu về hành vi cách ly xã hội gồm cá nhân, gia đình, trường học, bạn bè và các yếu tố khác liên quan đến cộng đồng, và sự tương tác giữa các chủ thể trong tập thể đó. Ngoài ra, một đặc điểm đáng lưu ý nữa là độ tin cậy của liệu pháp được đảm bảo thông qua sự giám sát và hỗ trợ đối với các các cá nhân/tổ chức thực hiện liệu pháp. National Research Council - Institute of Medicine, tlđd, tr.174.
Năm 1993, Henggeler và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát tính hiệu quả giữa liệu pháp trị liệu đa hệ thống một cách ngẫu nhiên trên những NCTN có xu hướng bạo lực, kết quả cho thấy, so với NCTN được áp dụng theo quy trình cải huấn của hệ thống pháp luật thì số NCTN được điều trị với liệu pháp trị liệu đa hệ thống có thời gian tái phạm giảm từ 2,4 năm từ lúc tuyên án xuống còn 1,2 năm. Năm 1995, Borduin và cộng sự qua nghiên cứu đã phát hiện rằng ở NCTN phạm tội, khi được trị liệu ngẫu nhiên bằng liệu pháp trị liệu đa hệ thống thì sau 4 năm điều trị có sự cải thiện trong mối quan hệ đối với gia đình, ít xuất hiện các triệu chứng tâm thần hơn và khả năng tái phạm tội cũng hạ thấp đáng kể so với những trẻ được điều trị bằng các phương pháp khác. Năm 1997, Stanton và Sadish đã tiến hành một phân tích tổng hợp về các phương pháp điều trị tình trạng lạm dụng thuốc lấy nền tảng là gia đình, và phát hiện rằng liệu pháp trị liệu đa hệ thống mang tính hiệu quả cao hơn so với các phương pháp điều trị khác.
[11] Gần với hình thức “Cơ sở bảo trợ xã hội tự nguyện” ở Việt Nam. Một hướng tiếp cận triển vọng cho những NCTN thất bại (tổn thương) với các chương trình điều trị tại nhà đó là chương trình chăm sóc nuôi dưỡng đa chiều. Chương trình này tuyển chọn, đào tạo và hỗ trợ các gia đình nuôi dưỡng nhằm cung cấp một chương trình có cấu trúc và thiết kế phù hợp cho mỗi NCTN cụ thể. Họ sẽ sinh hoạt chung với một gia đình nuôi dưỡng từ 6 - 9 tháng trong điều kiện được giám sát chặt chẽ và các mối quan hệ bạn bè sẽ được kiểm soát, khi đó các hành vi của họ sẽ được củng cố. Các gia đình nuôi dưỡng giữ liên lạc mỗi ngày với các nhân viên của chương trình nuôi dưỡng để giải quyết khó khăn và trao đổi kế hoạch. Từng NCTN cũng được cung cấp các liệu pháp hỗ trợ về kỹ năng. Chương trình sẽ có tổ chức gặp gỡ thường xuyên với phụ huynh (hoặc giám hộ), tổ chức tập huấn mỗi tuần để cung cấp cho họ sự chuẩn bị sẵn sàng trong sự kết nối với nhà trường, các hệ thống dịch vụ khác cũng như phương thức chăm sóc sau này cho NCTN sau khi trở về hoà nhập lại với gia đình và cộng đồng.
Năm 1998, Chamberlain và Reid thực hiện nghiên cứu tính hiệu quả giữa 2 phương pháp “gia đình nuôi dưỡng trị liệu” và “nhóm gia đình” trên đối tượng là những NCTN nam giới có hành vi tái phạm được chọn lựa tham gia điều trị một cách ngẫu nhiên, thay cho mức phạt tù. Kết quả nghiên cứu cho thấy, NCTN tham gia điều trị bằng phương pháp gia đình nuôi dưỡng trị liệu có xu hướng hoàn tất trọn vẹn tiến trình điều trị nhiều hơn, ít có khả năng bị bắt hơn hoặc bị phạt tù hơn khi so sánh với NCTN tham gia điều trị bằng phương pháp nhóm gia đình.
[12] Đây là hoạt động thường diễn ra trước khi xét xử. Các nghiên cứu đều thống nhất chỉ ra rằng nạn nhân có xu hướng hài lòng với quá trình hòa giải hơn là với tố tụng ở tòa án; và, các nạn nhân chỉ tham gia vào quá trình hòa giải khi họ tự nguyện. Các nghiên cứu này gồm: Coates and Gehm, 1989; Marshall and Merry, 1990; Umbreit, 1990; Umbreit and Coates, 1992, 1993. Nguồn: National Research Council - Institute of Medicine, tlđd, tr.175.
[13] National Research Council - Institute of Medicine, tlđd, tr.194. tlđd.
[14] Barry Golson là giảng viên cao cấp khoa xã hội học Đại học Livepool - Anh quốc (School of Sociology and Social Policy, The University of Liverpool); Jhon Muncie là giáo sư tội phạm học - Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu hình sự so sánh tại Đại học Mở - Anh quốc (Faculty of Social Science, The Open University and International Centre for Comparative Criminological Research).
[15] Trong khoảng thời gian 15 năm (1999 - 2015), ước tính có hơn 70 công trình, bài viết nghiên cứu về công lý cho NCTN VPPL của chung hai ông và của riêng từng người.
[16] Goldson, B. and Muncie, J. (2006), Rethinking Youth Justice: Comparative Analysis, International Human Rights and Research Evidence. Youth Justice, 6 (2). pp. 91-106. ISSN 1747-6283.
Nguồn: http://yjj.sagepub.com/content/6/2/91.full. pdf
[17] Nguyên văn: “By rethinking youth justice on the basis of comparative analysis, international human rights and research evidence, we challenge the current policy trajectory and offer an alternative formulation: a youth justice with integrity”. Tlđd (số 27, tr.16).
[22] Tạm dịch: “Báo cáo viên về trẻ em”. Tổ chức này có thể gần giống bộ phận theo dõi chuyên trách về NCTN thuộc đối tượng tệ nạn xã hội của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương của Việt Nam. Tổ chức này hoạt động trên tập hợp của những tình nguyện viên hỗ trợ. Hiện nay Scotland có 32 tổ chức Children's Reporter khu vực, với khoảng 2.700 tình nguyện viên hỗ trợ.
[23] Trong năm 2012 - 2013, ở Scotland đã tổ chức 22.348 buổi điều trần của trẻ em. Kết quả: có 4.472 trường hợp (20%) được chuyển đến tòa án xử lý. Gần 8.000 trường hợp khác (khoảng 36%) không có yêu cầu áp dụng biện pháp giám sát bắt buộc.
[24] Thinking of Juctice for chidren.
[25] Tạm dịch: Tư pháp VTN: suy nghĩ về cách tốt nhất cho trẻ em.
[26] “has most visibly embraced the goals of punishment over rehabilitation, and imprisonment over alternatives to incarceration”.
[27] Giảng viên Trường Luật Thomas Jefferson. Tác giả cuốn sách “Xử lý phục hồi: so sánh luật xử phạt VTN tại Hoa Kỳ và Mexico” (2011).
[28] Xem:  David Cayley, THE EXPANDING PRISON: The Crisis in Crime and Punishment and the Search for Alternatives, (1998). http://yjj.sagepub.com/content/6/2/91. full.pdf
[29] Alice McGrath, “A voice for the Future of Juvenile Justice in Asia- Pacific (APCJJ)”, Published by the International Juvenile Justice Observatory (IJJO), 03/2013, 50, rue Mercelis, Brussels 1050 Belgium.
[30] Alice McGrath (Australia) là luật sư và chuyên gia tư vấn quốc tế về nhân quyền và cải cách tư pháp VTN ở Trung Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi. Ông có nhiều kinh nghiệm tham gia với Chính phủ Úc trong việc phát triển kế hoạch tái hòa nhập, tập trung vào việc nâng cao các quyền của trẻ em trong chương trình cải cách tư pháp dài hạn.
[31]The Asia Pacific Council for Juvenile Justice (APCJJ), tạm dịch: Hội đồng Châu Á - Thái Bình Dương về công lý cho NCTN, là một tổ chức tự nguyện theo mô hình Hội đồng Quốc tế về công lý cho NCTN (International Council for Juvenile Justice - viết tắt: IJJO). IJJO được hình thành từ các Hội đồng lục địa trên toàn thế giới, công việc bao gồm: việc biên soạn và phân tích, kiến nghị và kết luận, thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu để phát triển và cải thiện hệ thống tư pháp cho NCTN.IJJO được thành lập năm 2003 theo sáng kiến của TS. Francisco Legaz Cervantes giảng viên cao cấp khoa tâm lý học thuộc Đại học Valencia (Tây Ban Nha). Bằng cách tổ chức hội thảo quốc tế thường xuyên, IJJO mong muốn thiết lập sự liên kết không biên giới nhằm khuyến khích, phản ánh và tạo điều kiện cho kiến ​​thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia, cơ sở đào tạo, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền, người dân và các tổ chức từ các quốc gia khác nhau có cùng lợi ích trong khu vực, qua đó thúc đẩy một nền công lý và quyền của NCTN trong xung đột pháp luật theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng 6/2012, APCJJ phối hợp với Bộ Tư pháp Thái Lan tổ chức hội nghị đầu tiên, có sự tham dự của đại diện chính quyền quốc gia, các trường đại học và các tổ chức xã hội dân sự thuộc 19 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của cuộc họp APCJJ là để phát triển các chiến lược vững chắc, đảm bảo sự tôn trọng các quyền của NCTN VPPL, đồng thời nhằm thúc đẩy các chính sách phòng, chống tội phạm đối với các tổ chức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên những sáng kiến ​​và chương trình hiện tại. Nguồn: http://www.oijj.org/en/apcjj-first-report.
[32] Cedric Foussard, Giám đốc quan hệ quốc tế IJJO tuyên bố: “Điều quan trọng là thông điệp mạnh mẽ tới các nước còn lại trên thế giới về công lý chưa thành niên là một ưu tiên. Đây là thông điệp chính của cuộc họp”. Xem:
- Bài viết: “Thái Lan ấn tượng với cách tiếp cận của Nhật Bản đối với các tù nhân trẻ”.
- Sách: Khám phá công lý phục hồi trong tư pháp VTN ở Hàn Quốc (2008) của TS. Ruohui Zhao và TS.Hongwei Zhang,  Giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc.
http://www.hanyang.ac.kr/home_news/H5EAFA/0002/101/2008/1-9.pdf.
[33] Các nghiên cứu được dẫn từ nguồn tham khảo của tác giả Toshikuni Murai, bài “Current Problems of Juvenile Delinquency in Japan”, Hitotsubashi journal of law and politics, 1988-02.
[34] Tạm dịch: Sửa đổi Luật cho NCTN tại Nhật Bản: phớt lờ các khuyến nghị của Ủy ban Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
[35] Giáo sư Khoa luật Đại học Kobe Gakuin, Hyogo, Nhật Bản.
http://www.loc.gov/law/help/child-rights/japan.php#Juvenile Justice.
[36] Xem: Toshikuni Murai, “Current Problems of Juvenile Deliquency in Japan”, Hitotsubashi journal of law and politics, tháng 02/1988, tr.1-10. Nguồn: http://hdl.handle.net/10086/8213
[37] Tòa án gia đình: là cơ quan tòa án độc lập trong hệ thống tư pháp Nhật Bản có thẩm quyển xử lý và hòa giải các tranh chấp trong nội bộ gia đình như giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái và các vụ NCTN VPPL. Có trụ sở ở 50 địa điểm cấp huyện trên toàn quốc; 203 văn phòng chi nhánh và 77 văn phòng địa phương. Ở Tòa án gia đình, phiên tòa xét xử do một thẩm phán tiến hành. Bản án, quyết định của Tòa án gia đình có thể bị kháng cáo bởi Toà án phúc thẩm cấp cao (The High Courtsare).
Nguồn: http://www.kicc.jp/kicc/guide/saiban/index_vie.html.
[38] Luật Phúc lợi trẻ em (Luật số 164 năm 1947) của Nhật Bản quy định: bất cứ ai tìm thấy một NCTN cần được bảo vệ phải báo cáo cho văn phòng trung tâm phúc lợi hoặc hướng dẫn trẻ đến chính quyền địa phương. 
[39] Toshikuni Murai, (1988), “Current Problems of Juvenile Deliquency in Japan”. Tlđd (số 48, tr.23).
[40]How can we draw a dividing line between delinquent and non-delinquent misbehavior?”, tr.2. Tlđd (số 48, tr.23). Theo Luật tư pháp VTN ở Nhật
[41] Điều 2 Luật XLVPHC: “Biện pháp XLHC được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm”.
[42] Pháp luật của Nhật Bản quy định NCTN có nguy cơ phạm tội là NCTN có “hành vi xấu”: hút thuốc lá, uống rượu, đánh nhau hay hành vi sai trái khác có hại cho đạo đức bản thân hoặc của NCTN khác. Họ sẽ được xem là NCTN cần được hướng dẫn (Guidance) bởi cảnh sát. Vì vậy, nếu cảnh sát thấy một NCTN hút thuốc lá trên đường phố, anh ta có thể dẫn NCTN về đồn cảnh sát và sau đó, quyết định có hay không gửi NCTN đến Tòa án Gia đình. Nguồn: Toshikuni Murai, (1988), “Current Problems of Juvenile Deliquency in Japan”. Tlđd (số 48, tr.23).
[43] The State Industrial School as a juvenile delinquent.