Kiểm soát hoạt động liên danh chuyến bay (codeshare flight) tại Mỹ và những vấn đề đặt ra với Việt Nam

01/03/2016

1. Chuyến bay liên danh (Codeshare Flight)
Hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất mang tính toàn cầu về chuyến bay liên danh và có nhiều cách hiểu về chuyến bay liên danh, cụ thể:
- Theo Từ điển Kinh tế “Chuyến bay liên danh là hai hay nhiều chặng bay, được thực hiện trên một vé và được bán bởi một hãng hàng không, có một điểm đến được thực hiện không phải trực tiếp bởi người bán mà thông qua một hãng hàng không trực thuộc (thường là nhà chuyên chở trung chuyển). Một chuyến bay liên danh sử dụng cùng mã hai chữ của nhà chuyên chở trên suốt các chặng của hành trình”[1].
- Theo quy định về các hoạt động liên kết hàng không tại Chương 4.8 Phần 4 Doc.9626 - Tài liệu về quy tắc vận chuyển hàng không quốc tế của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì liên danh chuyến bay được thực hiện với các cách thức khác nhau, như: một hãng hàng không cho phép hãng hàng không thứ hai sử dụng mã ký hiệu hãng hàng không thứ hai trên một chuyến bay khai thác của mình; hoặc bởi hai nhà chuyên chở chia sẻ cùng mã hãng hàng không trên một chuyến bay. Ví dụ như: trong sự liên kết, nhà chuyên chở chính sẽ chia sẻ mã chuyến bay của mình với nhà chuyên chở trung chuyển nhỏ; hoặc có thể là thỏa thuận về khai thác hợp tác hoặc về dịch vụ nối chuyến giữa hai hay nhiều nhà vận chuyển quốc tế để sử dụng chung mã chuyến bay cho một chuyến bay quốc tế[2]. Như vậy, tuy Doc.9626 – Tài liệu về quy tắc vận chuyển hàng không quốc tế không đưa ra khái niệm về liên danh chuyến bay nhưng đã chỉ ra được cách thức liên danh khai thác chuyến bay giữa nhóm các hãng hàng không.
- Theo United States Code, 2006 Edition, Supplement 5, Title 49 - TRANSPORTATION, Section 40102 đưa ra khái niệm về thỏa thuận chuyến bay liên danh là thỏa thuận mà theo đó mã chuyến bay của một nhà chuyên chở được dùng xác định cho chuyến bay khai thác của hãng khác[3]. Khái niệm này chỉ giải thích về thỏa thuận liên danh chứ chưa nêu ra được chuyến bay liên danh là gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu được chuyến bay liên danh sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận liên danh của hai hay nhiều hãng hàng không.
Từ các cách hiểu ở trên, chúng ta có thể hiểu “Chuyến bay liên danh là chuyến bay được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận liên danh giữa hai hay nhiều hãng hàng không mà trong đó hãng hàng không khai thác trực tiếp chuyến bay cho phép hãng hàng không theo thỏa thuận được phép bán chỗ trên chuyến bay này trên hệ thống bán vé của hãng hàng không được phép với danh nghĩa là nhà khai thác”.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu thì thỏa thuận liên danh chuyến bay được nhiều hãng hàng không sử dụng như là cách thức tạo liên kết giữa nhóm các hãng hàng không hoặc là hình thành các liên minh hàng không. Việc liên kết thông qua giao dịch liên danh chuyến bay không giới hạn bởi các hãng hàng không quốc tế với nhau mà nó còn tạo liên kết giữa các hãng hàng không nội địa hoặc liên kết giữa hãng hàng không nội địa với hãng hàng không quốc tế để tạo dịch vụ vận chuyển thống nhất trong suốt hành trình của hành khách. Việc hình thành liên kết giữa các nhóm hãng hàng không trong thị trường vận chuyển hàng không quốc tế được xem là liên kết tất yếu để thích ứng với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong hoạt động vận chuyển hàng không. Do đó, trong tài liệu về quy tắc vận chuyển hàng không quốc tế (Doc. 9626), ICAO đã chỉ ra việc hình thành liên danh chuyến bay là cần thiết, bởi các lý do sau: sự thuận lợi trong hệ thống đặt chỗ, nghĩa là chuyến bay liên danh sẽ được hiển thị như là một chuyến bay trực tiếp với thứ tự ưu tiên cao hơn so với các chuyến bay nối chuyến trong danh sách chuyến bay; việc một hãng hàng không hình thành liên kết với nhà vận chuyển khác sẽ giúp duy trì, bảo vệ và cải thiện được vị trí của hãng trong thị trường; giúp duy trì sự hiện diện hiệu quả với chi phí thấp của hãng hàng không với các tuyến đường bay mà hãng chưa tổ chức hoạt động bay để khai thác; tiết kiệm, khả thi và hiệu quả ở những nơi mà số lượng vận chuyển không đủ để san sẻ cho các hãng tự thực hiện đơn lẻ; khai thác được lượng vận chuyển trung chuyển từ thị trường ngách; duy trì sự cạnh tranh hoặc trong một số trường hợp là để nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng đường bay nằm trong quỹ đạo của đối tác liên danh; mở rộng việc khai thác thị trường tại các điểm bị giới hạn bởi các quy định về năng lực thực hiện như tần suất, sản lượng, số lượng vận chuyển trong các hiệp ước hàng không song phương[4].
Liên danh chuyến bay trở thành xu hướng tất yếu cho việc liên kết và mở rộng thị trường của các hãng hàng không. Thông qua việc liên danh chuyến bay, các nước có thể tạo nên liên kết thống nhất giữa các hãng hàng không trong thị trường nội địa để tạo sự kết nối với các hãng hàng không quốc tế nhằm đa dạng đường vận chuyển. Đặc biệt, các nước đang phát triển hoặc kém lợi thế cạnh tranh vẫn có thể tổ chức kinh doanh thị trường vận chuyển ở các nước mà mình chưa đủ điều kiện để tổ chức đường bay thông qua chính hoạt động liên danh chuyến bay. Tuy nhiên, trong thực tế, hiệu quả từ khai thác chuyến bay liên danh lại phụ thuộc vào tình hình cụ thể giữa các hãng hàng không. Trong một số trường hợp, khi liên danh với các hãng hàng không lớn thì việc liên danh sẽ đem lại cho các hãng lớn nguồn lợi rõ ràng từ lượng vận chuyển bổ sung và nguồn thu tăng thêm. Đối với các trường hợp khác, trong bối cảnh là liên minh xuyên quốc gia, việc liên danh chỉ làm lợi cho hãng hàng không khác và quốc gia khác nếu các dịch vụ được khai thác duy nhất bởi thành viên khác, với bên đầu tiên thì hậu quả có thể xảy ra là thiệt hại về lao động và doanh thu. Chính vì thế, trong xu hướng hội nhập thị trường vận chuyển hàng không toàn cầu, một mặt thì các nước luôn tìm cách thúc đẩy hình thành liên kết nhóm các hãng hàng không, nhưng mặt khác thì lại kiểm soát các giao dịch liên danh để bảo vệ hãng hàng không của mình, đặc biệt là kiểm soát các liên kết xuyên quốc gia. Cho dù là quốc gia thông thoáng trong việc tự do kinh doanh nhưng Mỹ cũng không phải là ngoại lệ khi thực hiện việc kiểm soát giao dịch liên danh chuyến bay.
2. Kiểm soát hoạt động liên danh chuyến bay tại Mỹ
Bên cạnh những thuận lợi về liên danh chuyến bay, khi xem xét trên phương diện phản biện thì giao dịch giữa các hãng hàng không về liên danh các chuyến bay sẽ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không giao dịch với các hãng hàng không nằm ngoài giao dịch; tạo nên thủ đoạn gian dối trong giao dịch liên danh chuyến bay để trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách, khách hàng, gây ra thiệt hại về kinh tế quốc gia; hợp pháp hóa hoạt động của các hãng hàng không quốc tế khai thác các thương quyền nội địa trong lãnh thổ của một quốc gia mà không cần xin phép. Chính vì thế, từ năm 1999, Mỹ đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các giao dịch liên danh chuyến bay trong nhóm các hãng hàng không thông qua việc bổ sung vào Chapter 2 Title 14 Code of Federal Regulations (CFR)[5] Part 257 - quy định về công bố thỏa thuận chuyến bay liên danh và thuê ướt tàu bay dài hạn cùng với Part 399 - quy định về thẩm quyền thực hiện các chính sách chung.
Hai quy định mới được bổ sung vào 14 CFR[6] kết hợp với 49 U.S.Code[7] đã tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc kiểm soát giao dịch liên danh chuyến bay. Mỹ thiết lập hệ thống quy định về kiểm soát loại giao dịch này giữa các nhóm hãng hàng không trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hợp pháp, cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, trong thực hiện, giao dịch liên danh chuyến bay phải đáp ứng được các nội dung cơ bản như sau:
Một là, nghĩa vụ phải công bố về liên danh chuyến bay của các đại lý bán vé hoạt động tại Mỹ, hãng hàng không nội địa và hãng hàng không nước ngoài. Mục đích của việc quy định nghĩa vụ công bố thỏa thuận liên danh là nhằm đảm bảo các đại lý bán vé hoạt động tại Mỹ, hãng hàng không nội địa và hãng hàng không nước ngoài nói rõ cho khách hàng về hành trình mà khách hàng đã mua vé hoặc đang cân nhắc mua vé có liên quan đến thỏa thuận liên danh chuyến bay, qua đó khách hàng tự lựa chọn hành trình. Công bố được thể hiện bằng lời nói, bằng thể hiện trên lịch trình, bằng thể hiện trên phương tiện điện tử, bằng thể hiện trên văn bản. Công bố được xem là nghĩa vụ cơ bản của đại lý bán vé, của hãng hàng không, do đó, nếu không công bố hoặc công bố không đầy đủ thì đều bị xem là vi phạm về giao dịch chuyến bay liên danh.
Hai là, không được vi phạm quy định cấm về hành vi không công bằng, lừa đảo và biện pháp cạnh tranh không công bằng. Theo quy định tại Điều 14 CFR §257.4 và dẫn chiếu đến Điều 49 U.S.Code §41712, hành vi không công bằng, lừa đảo và biện pháp cạnh tranh không công bằng trong liên danh chuyến bay sẽ được Bộ Giao thông vận tải Mỹ điều tra và kết luận theo mô tả về hành vi được quy định tại điểm b và điểm c Điều 49 U.S.Code §41712.
Ba là, hãng hàng không quốc tế liên danh phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Mỹ cấp phép hoạt động khai thác vận chuyển hàng không quốc tế tại Mỹ.
Bốn là, tàu bay nước ngoài phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Mỹ cấp phép lưu thông trong lãnh thổ của Mỹ. Theo quy định tại Điều 49 U.S.Code 41703, tàu bay nước ngoài lưu thông và hoạt động thương mại trong lãnh thổ của Mỹ chỉ khi: được cấp phép trên cơ sở phục vụ lợi ích công công và cơ sở tồn tại thỏa thuận cho phép khai thác thương quyền trong hiệp định đã ký kết giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ nước mà tàu bay nước ngoài mang quốc tịch; tàu bay mang quốc tịch nước ngoài được thuê khô dài hạn hoặc thuê chuyến mà không kèm phi hành đoàn.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện việc kiểm soát liên danh chuyến bay, Mỹ thường xuyên cập nhật, bổ sung các dấu hiệu nhận diện hành vi và cách khắc phục để nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, chống hành vi gian dối thông qua giao dịch liên danh chuyến bay trong nhóm liên kết các hãng hàng không. Điển hình như DOT Mỹ ra văn bản số 76 FR 2744 ngày 14/01/2011 thông báo việc bổ sung thêm nội dung mới §41712(c) vào Điều 49 U.S.Code §41712 để nhằm đảm bảo nội dung thông tin về liên danh chuyến bay, công bố trên hệ thống Websites bán vé, phải dễ dàng để nhận thấy không được phép sử dụng kết nối link hoặc cuộn trang.
Với hệ thống các quy định chặt chẽ và cập nhật, được bổ sung thường xuyên đã giúp cho lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ thuận lợi trong hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi gian dối, cạnh tranh không công bằng về liên danh chuyến bay. Như vậy, Mỹ rất chú trọng việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo trung thực và tránh các thủ đoạn gian dối trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động kiểm soát giao dịch liên danh chuyến bay của Mỹ đang phát huy được hiệu quả là nhờ vào các yếu tố sau:
Một là, giao dịch liên doanh chuyến bay đã được luật hóa thông qua việc xây dựng và ban hành hệ thống quy định thống nhất điều chỉnh về giao dịch liên doanh chuyến bay để làm cơ sở cho việc xử lý.
Hai là, thường xuyên cập nhật và bổ sung các dấu hiệu vi phạm mới, các dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm và cách khắc phục để nhằm chủ động đối phó với các hành vi gian lận, thủ đoạn cạnh tranh không bình đẳng trong giao dịch liên danh chuyến bay.
Ba là, lực lượng thanh tra giám sát được tổ chức một cách chuyên nghiệp, dùng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về liên danh chuyến bay giữa các hãng hàng không.
Bốn là, các tổ chức có hành vi vi phạm bị xử lý một cách nghiêm khắc để răn đe và tránh tái phạm.
Đó là những yếu tố được xem là cốt lõi trong việc kiểm soát hoạt động liên danh chuyến bay nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng trong thị trường vận chuyển hàng không tại Mỹ.
3. Liên hệ với tình hình giao dịch liên danh chuyến bay ở Việt Nam
Hoạt động liên danh chuyến bay đã trở nên rất phổ biến trong hoạt động nghiệp vụ khai thác của các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam. Hoạt động này không chỉ gói gọn trong phạm vi chuyến bay nội địa mà còn mở rộng sang các chuyến bay quốc tế. Điển hình như một số giao dịch liên danh chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam với các thành viên trong liên minh Sky Team; hay như Việt Nam Airlines thỏa thuận liên danh một chiều với Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) để khai thác các thị trường ngách nội địa nhằm phục vụ việc gom khách; hay như từ ngày 25/05/2015, Việt Nam Airlines sẽ bắt đầu khai thác theo thỏa thuận về liên danh chuyến bay một chiều với Jetstar Pacific Airlines, trên tất cả các đường bay nội địa do Jetstar Pacific Airlines, từ đó tiến tới liên danh các đường bay quốc tế của Jetstar Pacific Airlines. Đáng ngại hơn là tại Việt Nam cũng đã xuất hiện các giao dịch liên danh chuyến bay giữa các hãng hàng không quốc tế có đường bay đến Việt Nam, điển hình như thông tin trên hệ thống bán vé của vemaybayonline.net.vn về chuyến bay Hà Nội - Sydney ngày 17/06/2015 như sau:
Hành trình 1

Từ Hanoi,
Tới Hong Kong,
Dragonair
(KA 296)
Sân bay Hanoi Noibai Airport,
Sân bay Hong Kong Intl Airpo...,
10:35 17/06/2015
13:35 17/06/2015
Thay đổi máy bay tại Hong Kong Thời gian giữa các chuyến bay: 6hr + 40min
Từ Hong Kong,
Tới Sydney,
Qantas Airways
(QF 128)
 
Sân bay Hong Kong Intl Airpo...,
Sân bay Sydney Kingsford Air...,
 
20:15 17/06/2015
07:20 18/06/2015
 
 
Hành trình 2
 
Từ Hanoi,
Tới Hong Kong,
Cathay Pacific Airways
(CX 5296)
Sân bay Hanoi Noibai Airport,
Sân bay Hong Kong Intl Airpo...,
10:35 17/06/2015
13:35 17/06/2015
Thay đổi máy bay tại Hong Kong Thời gian giữa các chuyến bay: 5hr + 15min
Từ Hong Kong,
Tới Sydney,
Cathay Pacific Airways
(CX 111)
 
Sân bay Hong Kong Intl Airpo...,
Sân bay Sydney Kingsford Air...,
 
18:50 17/06/2015
06:10 18/06/2015
 
Qua hai hành trình, chúng ta thấy chặng bay đầu tiên được khai thác bởi Cathay Pacific Airways (CX5296) và Dragon Air (KA296). Tuy nhiên, điểm đặc biệt là hai chặng bay này có hành trình giống nhau, cùng điểm khởi hành, cùng giờ khởi hành, đặc biệt trùng nhau số hiệu chuyến bay 296[8].  
Liên hệ công tác kiểm soát hoạt động liên danh chuyến bay tại Mỹ vào thị trường vận chuyển hàng không của Việt Nam, chúng ta thấy:
Việc liên danh chuyến bay giữa Cathay Pacific Airways và Dragon Air nêu  trên đã không có bất kỳ thông tin nào trên hệ thống bán vé của vemaybayonline.net.vn thể hiện. Theo pháp luật Mỹ thì trong trường hợp này, hệ thống bán vé của vemaybayonline.net.vn đã vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin liên danh. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 3 của Hiệp định ký ngày 10/9/1999 giữa Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về dịch vụ hàng không[9] thì các hãng hàng không được chỉ định của hai bên sẽ hoạt động theo “những dịch vụ thỏa thuận” trên “những lộ trình cụ thể” chứ không được phép thay đổi điểm khởi hành và điểm đến; giờ khởi hành và giờ đến. Xem xét lộ trình hoạt động tại Việt Nam, Cathay Pacific Airways hoạt động trên tuyến bay Tan Son Nhat Intl Airport - Hong Kong Int’l Airport và Dragon Air hoạt động trên chuyến bay Noi Bai Int’l Airport - Hong Kong Intl Airport. Bằng thỏa thuận liên danh chuyến bay với Dragon Air, Cathay Pacific Airways đã mở rộng được hoạt động khai thác trên tuyến bay Hà Nội - Hồng Kông mà không cần tiến hành các thủ tục xin cấp phép đường bay Hà Nội - Hồng Kông. Điều này không chỉ xâm phạm đến “lộ trình cụ thể” và “dịch vụ thỏa thuận”, mà còn xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam trong việc kiểm soát thương quyền vận chuyển hàng không và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên cùng một tuyến đường bay Hà Nội - Hong Kong. Như vậy, trường hợp liên danh chuyến bay giữa Dragon Air và Cathay Pacific Airways nếu diễn ra ở Mỹ thì sẽ bị xử phạt do vi phạm Điều 49 U.S.C. § 41301 và Điều 49 U.S.C. § 41712.  
Hay việc liên danh chuyến bay giữa Việt Nam Airlines với Jetstar Pacific Airlines được xem là giao dịch nội bộ mang tính cạnh tranh không lành mạnh và liên kết hình thành thế độc quyền trong lĩnh vực hàng không. Điều này được minh chứng cụ thể như sau, mối quan hệ giữa Việt Nam Airlines với Jetstar Pacific Airlines thực chất là mô hình mẹ – con, trong đó Việt Nam Airlines nắm giữ 67,83 % cổ phần của Jetstar Pacific Airlines; đồng thời mô hình hoạt động của hai hãng là khác nhau (Việt Nam Airlines hoạt động theo mô hình hãng hàng không truyền thống và Jetstar Pacific Airlines hoạt động theo mô hình hãng hàng không giá rẻ), do đó, các điều kiện và quy trình đối với hành khách sẽ khác nhau. Việc giao dịch liên danh chuyến bay tạo cơ hội cho hình thành các thỏa thuận ngầm trong hoạt động khai thác hoặc tạo cơ hội cho việc xâm phạm đến lợi ích của hành khách. Bên cạnh đó, trong thị trường vận chuyển hàng không nội địa hiện nay có 03 hãng vận chuyển đang hoạt động (Việt Nam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Airline), phân khúc thị trường truyền thống do Việt Nam Airlines thống lĩnh và nắm giữ 63,2% thị trường vận chuyển nội địa; phân khúc thị trường giá rẻ do Jetstar Pacific Airlines nắm giữ và chiếm 14,3% thị trường vận chuyển nội địa; VietJet Airline chuyển từ giá rẻ sang truyền thống chỉ chiếm được 22,5% thị trường vận chuyển nội địa. Do vậy, thông qua liên danh chuyến bay sẽ tạo cho Việt Nam Airlines có lợi thế bành trướng và thống lĩnh thị trường khi tăng thêm khả năng cung cấp toàn bộ dịch vụ cho khách hàng truyền thống và khách hàng giá rẻ. Như thế, việc liên danh này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh không lành mạnh so với hoạt động kinh doanh của VietJet Airline trên thị trường nội địa.
Rõ ràng, thị trường vận chuyển hàng không của Việt Nam, bao gồm cả vận chuyển hàng không quốc tế và hàng không nội địa đều tồn tại các bất ổn liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, gian dối hoặc gian lận thương mại và nguy hại hơn là xâm phạm nghiêm trọng đến các thương quyền khai thác vận chuyển, chủ quyền quốc gia nếu Việt Nam không kiểm soát được tình trạng này. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do:
Nguyên nhân thứ nhất, về mặt quan điểm, chúng ta chưa thật sự quan tâm đến điều chỉnh và kiểm soát việc liên danh chuyến bay. Giao dịch liên danh khai thác chuyến bay hiện nay ở Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự do thỏa thuận giữa các bên mà không cần được cho phép hay được sự chấp thuận của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam
Nguyên nhân thứ hai, từ việc chưa quan tâm đã dẫn đến thực trạng là Việt Nam chưa có bất kỳ các quy định cụ thể nào để điều chỉnh về liên danh chuyến bay. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, tại Dự thảo Luật kèm theo tờ trình số 27/TTr-CP/2014 ngày 06/02/2014 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, có bổ sung khái niệm về hợp đồng liên danh với mục đích làm cơ sở cho giải quyết tranh chấp của Tòa án. Và đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được thông qua thì khái niệm này đã bị nhấc ra khỏi văn bản luật. Hiện chỉ tồn tại Điều 151 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định về khái niệm người vận chuyển theo hợp đồng và người vận chuyển theo thực tế được xem là cơ sở cho việc thực hiện các giao dịch liên danh chuyến bay. Tuy người vận chuyển thực tế với hãng khai thác tàu bay liên danh cùng là người thực hiện thực tế nhưng lại có sự khác biệt về bản chất. Một bên là được thuê để vận chuyển với hợp đồng thường được ký kết sau khi bên thuê xác định cần thuê người vận chuyển theo thực tế. Còn bên khai thác trong liên danh chuyến bay lại thực chất là người cung cấp chỗ theo hợp đồng liên danh đã được thỏa thuận từ trước.
Nguyên nhân thứ ba, thiếu cơ sở pháp lý dẫn đến hoạt động kiểm tra, giám sát về liên danh chuyến bay không thể tổ chức thực hiện được; bên cạnh đó, việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin chuyến bay liên danh và nghĩa vụ thông báo đến nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn các thỏa thuận liên danh chuyến bay cũng không thể thực hiện được. Và, việc xử lý vi phạm cũng khó mà thực hiện được.
Tóm lại, xuất phát từ các kinh nghiệm của Mỹ trong kiểm soát hoạt động liên danh, để kiểm soát tình hình thì Việt Nam phải hoàn thiện các quy định điều chỉnh về liên danh chuyến bay để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch liên danh chuyến bay của các hãng hàng không, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì môi trường hoạt động kinh doanh bình đẳng của các hãng hàng không. Khi đã hoàn thiện cơ sở pháp lý thì cần phải cập nhật bổ sung việc nhận diện và xử lý các hành vi vi phạm mới về liên danh chuyến bay. Song song với các điều trên, chúng ta cần tổ chức lực lượng chuyên trách để làm công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát hoạt động này nhằm đảm bảo được hiệu quả mục tiêu đặt ra./.    
 

[1] Định nghĩa nguyên bản tại ttp://www.businessdictionary.com/definition/code-share-flight.html:“Two or more leg flight, covered by one ticket and sold by one airline, for a destination served not directly by it but through an affiliated airline (usually a commuter carrier). A code share flight uses the same two-letter carrier code during all legs of the journey”.
[2] Nguyên bản tại 4.8-2 Doc.9626 – Manual on the Regulation of International Air Transport “The practice of codesharing, by which one carrier permits a second carrier to use its airline designator code on a flight, or by which two carriers share the same airline code on a flight, can take different forms. It may, for example, involve a major carrier sharing its code with a smaller feeder carrier; it may also be an arrangement between two or in some instances three or more international carriers for an international flight operated in cooperation, or for a connecting service that uses the same code”.
[3] Nguyên bản: “Code-sharing arrangement means an arrangement whereby a carrier's designator code is used to identify a flight operated by another carrier”.
[4] Xem Chương 4.8, Phần 4 Doc.9626 – Manual on the Regulation of International Air Transport của ICAO.
[5] Ngày 15/03/1999, Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) ra thông báo số 49 bản 64 trả lời giải trình một số nội dung liên quan đến việc bổ sung Part 257 và Part 399 vào Chapter 2 Title 14 Code of Federal Regulations (CFR) nhằm mục đích kiểm soát và điều chỉnh hiệu quả giao dịch liên danh chuyến bay và giao dịch thuê ướt tàu bay với thời hạn dài. Trong thông báo cũng xác định Part 257 và part 399 sẽ có hiệu lực vào ngày 13/07/1999.
[6] 14 CFR là viết tắt của Title 14 Code of Federal Regulations quy định về hàng không và không gian
[7] 49 U.S.Code là viết tắt của Title 49 United States Code quy định về vận tải.
[8] Theo quy định của ICAO, số hiệu chuyến bay 3 số của Dragon Air thể hiện đây là nhà khai thác trực tiếp chuyến bay 296 và số hiệu chuyến bay 4 số của Cathay Pacific Airways như trường hợp trên để chỉ đây là nhà khai thác thêm hoặc khai thác tăng chuyến đối với chuyến bay 296.
[9] Khoản 2, 3 Điều 3 Hiệp định Việt Nam-Hồng Kong về dịch vụ hàng không quy định:
“ 2, Mỗi bên chấp thuận cho bên kia những quyền cụ thể dưới đây đã được ghi rõ trong bản hiệp định này nhằm mục đích thực hiện các dịch vụ hàng không quốc tế trên những lộ trình cụ thể được nêu cụ thể trong phụ lục của Hiệp định này. Những dịch vụ và lộ trình đó sau đây được gọi là "những dịch vụ thoả thuận" và "những lộ trình cụ thể". Trong khi thực hiện một dịch vụ thoả thuận trên lộ trình cụ thể, các hãng hàng không chỉ định của mỗi bên sẽ được hưởng thêm những quyền trong đoạn 1 Điều 3 này như quyền được hạ cánh ở lãnh thổ phía bên kia tại những thời điểm đã được xác định mặc dù lộ trình đó theo phụ lục của bên hợp đồng này là chuyên chở hành khách và hàng hoá bao gồm thư từ, những linh kiện và...
3, Không có quy định nào trong đoạn 2 Điều 3 cho phép các hãng hàng không chỉ định của mỗi bên quyền được chuyên chở (tại một thời điểm trong khu vực của phía bên kia) hành khách và hàng hoá bao gồm thư từ, vận chuyển thuê hay vận chuyển giúp và dẫn đến một thời điểm khác ở khu vực của phía bên kia”.