Mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài

01/11/2015

Trong quá trình hội nhập quốc tế, khi các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài xảy ra càng nhiều và phức tạp thì yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước này trên lãnh thổ một nước khác cũng tăng lên. Đối với Việt Nam, thực tiễn cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế càng diễn ra mạnh mẽ thì số lượng các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (TANN) có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam ngày càng gia tăng và tính chất càng phức tạp. Hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN đang ngày càng được hoàn thiện mà một trong những văn bản pháp luật quan trọng là Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Bộ luật TTDS 2004/2011). Bài viết tập trung vào vấn đề phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định tại Phần thứ sáu “Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài” của Bộ luật TTDS 2004/2011 nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS trong giai đoạn sắp tới. 
Untitled_174.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Khái quát chung về phạm vi công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Về mặt lý luận, có hai loại phạm vi công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nước ngoài được quy định trong pháp luật các nước cũng như các điều ước quốc tế có liên quan:
- Phạm vi công nhận và cho thi hành hẹp: Chỉ công nhận bản án, quyết định dân sự của TANN ban hành. Điều này có nghĩa là những văn bản của nước ngoài mà không có tên gọi là bản án, quyết định dân sự và không do cơ quan có tên là Tòa án ban hành sẽ không được xem xét công nhận và cho thi hành ở những nước này. Pháp luật những nước tiêu biểu áp dụng cách quy định này là: Liên bang Nga (Điều 409 Bộ luật TTDS 2003)[1], Trung Quốc (Điều 267, Điều 268 Luật TTDS ngày 09/4/1991)[2], Hoa Kỳ (Luật thống nhất về Thi hành phán quyết nước ngoài năm 1948)[3], Lào[4], ... Cụ thể: khoản 2 Điều 409 Bộ luật TTDS Liên bang Nga năm 2003 quy định: “Bản án, quyết định của TANN là bản án, quyết định về vụ việc dân sự, trừ tranh chấp kinh tế và những vụ việc khác liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, và phần quyết định trong bản án kết tội về bồi thường thiệt hại gây ra do hành vi phạm tội” sẽ được công nhận và cho thi hành tại Liên bang Nga.
Bộ luật TTDS 2004/2011 (Điều 342) quy định công nhận và cho thi hành theo phạm vi hẹp, chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và bản án, quyết định khác của TANN ban hành. Một số Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) giữa Việt Nam với các nước như: Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 1999 (Điều 15), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Lào năm 1999 (Điều 44), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Triều Tiên năm 2002 (Điều 30), ... cũng quy định tương tự. Khoản 2 Điều 15 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với  Trung Quốc năm 1999 quy định: “Các quyết định của Tòa án nói trong hiệp định này ở Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm: bản án, quyết định, biên bản hòa giải của Tòa án” [5].
- Phạm vi công nhận và cho thi hành rộng: Bên cạnh công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN còn công nhận và cho thi hành các quyết định của một số cơ quan khác không phải là tòa án ban hành như quyết định của các cơ quan hành chính, tư pháp... Cách quy định này được áp dụng tại một số công ước quốc tế tiêu biểu. Công ước La Haye ngày 01/02/1971 về việc Công nhận và cho thi hành phán quyết của nước ngoài về các vấn đề dân sự và thương mại, tại Điều 2 quy định về phán quyết của nước ngoài được công nhận và cho thi hành như sau: “Công ước này được áp dụng cho tất cả các phán quyết được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia là thành viên công ước, không phụ thuộc vào tên gọi của cơ quan ban hành ra phán quyết hoặc tên gọi của phán quyết như bản án, quyết định, án lệnh”[6], Điều 25 Công ước Brussels ngày 27/12/1968[7], Điều 25 Công ước Lugano ngày 16/12/1988[8], Điều 32 Quy tắc Brussels 2001[9]... đều quy định tương tự. Pháp luật một số nước tiêu biểu áp dụng phạm vi công nhận và cho thi hành rộng như: Pháp, Đức (Điều 328 Bộ luật TTDS năm 1877), Nhật Bản (Điều 24 Luật Thi hành án dân sự năm 1979, sửa đổi, bổ sung năm 2003), Bỉ (khoản 3 Điều 22 Luật Tư pháp quốc tế ngày 16/7/2004), Italia (Điều 64 Luật Tư pháp quốc tế ngày 31/5/1995), Australia (Điều 3 Luật liên bang về Phán quyết của nước ngoài năm 1991)... cũng áp dụng cách quy định này. Theo pháp luật của Pháp, ngoài việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN ban hành, các văn bản khác như các quyết định của Tham chính viện của Pháp cũng được xem xét công nhận và cho thi hành[10] hoặc theo pháp luật của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen còn có bản án của Ủy ban phúc thẩm của Thượng nghị viện[11], ...
Trong các Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký kết với các nước, bên cạnh những Hiệp định quy định phạm vi công nhận và cho thi hành hẹp có một số Hiệp định TTTP quy định phạm vi công nhận và cho thi hành rộng hơn Bộ luật TTDS 2004/2011. Cụ thể: Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Liên bang Nga năm 1999 (Điều 51, 52), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Mông Cổ năm 2000 (Điều 42, Điều 43), Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Belarut năm 2000 (khoản 2 Điều 56)... Theo đó, ngoài bản án, quyết định dân sự của tòa án ban hành còn có các quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình không mang tính chất tài sản của các cơ quan khác, không phải là tòa án ban hành, quyết định về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá ban hành cũng được xem xét công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên, phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định của các Hiệp định TTTP này vẫn hẹp hơn quy định của pháp luật các nước Pháp, Đức, Italia, Australia, Bỉ... bởi các Hiệp định TTTP áp dụng phương pháp liệt kê nên vẫn giới hạn được những bản án, quyết định dân sự nước ngoài được công nhận và cho thi hành trong khi pháp luật các nước kể trên thì gần như không có giới hạn cụ thể.
Một vấn đề lý luận có liên quan đến phạm vi công nhận và cho thi hành là việc phân loại các bản án, quyết định của nước ngoài có yêu cầu công nhận và cho thi hành. Theo quy định của pháp luật nhiều nước thì bản án, quyết định dân sự của tòa án bao gồm hai loại cơ bản: bản án, quyết định mang tính chất tài sản và bản án, quyết định không mang tính chất tài sản[12]. Bản án, quyết định dân sự mang tính chất tài sản luôn có liên quan đến một khoản tiền, một nghĩa vụ tài sản hoặc một giá trị vật chất như bản án, quyết định giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu tài sản, thừa kế, bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng... Bản án, quyết định dân sự không mang tính chất tài sản chỉ liên quan đến các vấn đề nhân thân như bản án ly hôn mà chỉ giải quyết quan hệ nhân thân, quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không giải quyết vấn đề tài sản, quyết định thay đổi họ tên... Những công ước quốc tế, pháp luật quốc gia áp dụng phạm vi công nhận và cho thi hành hẹp thì không phân chia bản án, quyết định thành hai loại như trên. Ngược lại, những công ước quốc tế, pháp luật quốc gia áp dụng phạm vi công nhận và cho thi hành rộng thì phân định rất rõ hai loại bản án, quyết định: loại mang tính chất tài sản và loại không mang tính chất tài sản. Việc phân chia bản án, quyết định dân sự thành hai loại như trên không có nhiều ý nghĩa trong việc xem xét nội dung của bản án, quyết định nhưng có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận cũng như thực tiễn đối với việc xây dựng các quy định pháp luật cụ thể về công nhận và cho thi hành, bởi lẽ những bản án, quyết định không có tính chất tài sản chỉ phát sinh yêu cầu công nhận còn những bản án, quyết định có tính chất tài sản thường phát sinh yêu cầu thi hành. Từ yêu cầu khác nhau này sẽ dẫn đến sự khác nhau trong việc xác định các điều kiện để công nhận và cho thi hành như điều kiện đối với tư cách chủ thể nộp đơn yêu cầu, điều kiện về nơi cư trú, tài sản của bên phải thi hành và quan trọng nhất là xác định trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành... Đặc biệt, sự khác biệt trong việc phân định này có ý nghĩa quyết định đối với quy định về phạm vi công nhận và cho thi hành.
2. Phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự2004/2011
Điều 342 Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định: “1. Bản án, quyết định dân sự của TANN là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của TANN và bản án, quyết định khác của TANN mà theo pháp luật của Việt Nam được coi là bản án, quyết định dân sự”. Quy định của điều luật thể hiện một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xét ở góc độ hình thức văn bản và chủ thể ban hành văn bản, Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định việc công nhận và cho thi hành theo phạm vi hẹp, chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN ban hành. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia, việc xác định thế nào là một bản án, quyết định dân sự của TANN phải căn cứ vào pháp luật của nước nơi nhận được yêu cầu công nhận và cho thi hành. Vì vậy, việc xác định một bản án, quyết định dân sự của TANN tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam. So với quy định của pháp luật nhiều nước trên thế giới như Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ ngày 16/7/2004; Luật Tư pháp quốc tế của Bulgaria ngày 04/5/2005 hoặc các công ước quốc tế tiêu biểu như Công ước La Haye ngày 01/02/1971, các công ước của EU... quy định phạm vi công nhận và cho thi hành rất rộng thì phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 tương đối hẹp, chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN. Việc quy định công nhận và cho thi hành theo phạm vi hẹp như trên trong một số trường hợp thực tế đã gây khó khăn cho các chủ thể có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam một văn bản giải quyết một vấn đề dân sự nhưng không phải là TANN ban hành.
Thứ hai, Bộ luật TTDS 2004/2011 không quy định cụ thể, rõ ràng về hai loại bản án, quyết định dân sự của TANN là bản án, quyết định không mang tính chất tài sản và bản án, quyết định mang tính chất tài sản. Khoản 5 Điều 343 Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định việc đương nhiên công nhận những bản án, quyết định dân sự của TANN không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam nếu giữa Việt Nam và nước đó có điều ước quốc tế liên quan. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể và cũng không xuất phát từ tính chất của bản án, quyết định dân sự của TANN mà xuất phát từ yêu cầu của đương sự. Đây cũng là một điểm khác biệt của Bộ luật TTDS 2004/2011 so với quy định của pháp luật các nước cũng như các điều ước quốc tế thường quy định rất cụ thể hai loại bản án, quyết định có tính chất tài sản và bản án, quyết định không có tính chất tài sản.
Thứ ba, phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 cũng hẹp hơn quy định trong một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước (Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Liên bang Nga năm 1999, Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Mông Cổ năm 2000, Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Belarut năm 2000...). Các Hiệp định này ngoài bản án, quyết định dân sự của TANN còn quy định việc công nhận và cho thi hành một số văn bản khác không phải do TANN ban hành để giải quyết các vấn đề dân sự. Điều này ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi của việc áp dụng các quy định của pháp luật trên thực tế.
3. Một số vấn đề đặt ra và đề xuất hoàn thiện pháp luật
Điều 342 Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định công nhận và cho thi hành theo phạm vi hẹp, chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN ban hành. Điều này làm phát sinh một số vấn đề cần xem xét, phân tích sau đây:
Thứ nhất, quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 khác biệt với quy định của các công ước quốc tế tiêu biểu như Điều 2 Công ước La Haye ngày 01/02/1971, Điều 25 Công ước Brussels ngày 27/12/1968, Điều 25 Công ước Lugano ngày 16/12/1988vàpháp luật ở nhiều nước trên thế giới quy định phạm vi công nhận và cho thi hành rất rộng. Cụ thể: Pháp luật Pháp quy định phạm vi công nhận và cho thi hành tại Pháp bản án, quyết dân sự của nước ngoài bao gồm: bản án, quyết định của Tòa án; quyết định của Trọng tài nước ngoài; quyết định của cơ quan hành chính nước ngoài có hiệu lực như bản án, quyết định dân sự của Tòa án (ly hôn theo thủ tục hành chính); các văn bản do các viên chức công quyền nước ngoài lập (văn bản hành chính)[13]; khoản 3 Điều 22 Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ ngày 16/7/2004; Điều 64 Luật Tư pháp quốc tế của Italia ngày 31/5/1995 cũng quy định tương tự. Quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 cũng khác biệt với một số Hiệp định TTTP mà Việt Nam là thành viên. Việc Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định phạm vi công nhận và cho thi hành hẹp trong một số trường hợp trên thực tế đã gây khó khăn cho các chủ thể có yêu cầu công nhận tại Việt Nam một quyết định giải quyết một vấn đề dân sự nhưng không do TANN tuyên. Đặc biệt, trên thực tế, những quyết định ly hôn của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chưa ký kết Hiệp định TTTP với Việt Nam mà không phải là tòa án ban hành có yêu cầu công nhận tại Việt Nam rất nhiều nhưng không thể áp dụng cơ chế của Bộ luật TTDS 2004/2011 để giải quyết. Điều này cũng cho thấy quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Thứ hai, việc Bộ luật TTDS 2004/2011 không phân chia bản án, quyết định dân sự của TANN thành bản án, quyết định có tính chất tài sản và bản án, quyết định không có tính chất tài sản mà phân chia thành bản án, quyết định có yêu cầu thi hành và bản án, quyết định không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam đã dẫn đến sự không hợp lý trong việc xây dựng thủ tục giải quyết đối với từng loại yêu cầu bởi lẽ tính chất của từng loại bản án, quyết định là hoàn toàn khác nhau. Pháp luật hiện hành chỉ được xây dựng căn cứ vào yêu cầu của chủ thể nộp đơn mà lẽ ra phải căn cứ vào tính chất của bản án, quyết định dân sự của TANN.
Kinh nghiệm lập pháp quốc tế cho thấy, xuất phát từ tính chất của bản án, quyết định sẽ có hai loại thủ tục khác nhau: thủ tục công nhận hoặc không công nhận đối với bản án, quyết định chỉ có yêu cầu công nhận (bản án, quyết định không có tính chất tài sản) và thủ tục công nhận và cho thi hành đối với bản án, quyết định dân sự của TANN có yêu cầu thi hành (bản án, quyết định có tính chất tài sản)[14]. Pháp luật nhiều nước trên thế giới đều quy định rất cụ thể hai loại thủ tục này. Ví dụ: Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Italia, Đức. Bên cạnh hai loại thủ tục trên, pháp luật một số nước còn quy định thủ tục rút gọn (Summary Proceeding) trong việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành. Cụ thể, án lệ của Ireland quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong một số trường hợp công nhận phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài[15]. Việc xác định rõ từng loại thủ tục tương ứng với từng loại bản án, quyết định dân sự của TANN sẽ đảm bảo được kết quả giải quyết phù hợp với yêu cầu của chủ thể nộp đơn.
Thứ ba, trên thực tế có những vụ việc dân sự tại Việt Nam do tòa án giải quyết (Ví dụ: giải quyết thuận tình ly hôn) thì ở nước ngoài không do tòa án giải quyết. Các quyết định này nếu có yêu cầu công nhận tại Việt Nam sẽ không giải quyết được theo các quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011. Thực tế cho thấy, nhiều quyết định công nhận thuận tình ly hôn do cơ quan quản lý tư pháp hộ tịch của nước ngoài tuyên mà một bên chủ thể là công dân Việt Nam (Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc) có yêu cầu công nhận tại Việt Nam để công dân Việt Nam kết hôn lần 2 đã không được công nhận theo những quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 do đó không phải là quyết định của TANN tuyên. Chủ thể Việt Nam nếu có yêu cầu kết hôn tại Việt Nam đều phải xin ly hôn lại tại Tòa án Việt Nam.
Thứ tư, phạm vi công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 hẹp hơn quy định của một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước. Xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp rõ ràng đã không có sự tương đồng giữa pháp luật trong nước với quy định trong từng điều ước quốc tế cụ thể mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy, việc các công ước quốc tế tiêu biểu cũng như pháp luật các quốc gia điển hình đều quy định công nhận và cho thi hành theo phạm vi rộng thì việc pháp luật Việt Nam vừa có những quy định theo phạm vi hẹp, vừa có những quy định theo phạm vi rộng là vấn đề cần phải xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật bởi lẽ một mặt, tính đồng bộ của pháp luật Việt Nam không được bảo đảm, mặt khác, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế cũng chưa đạt được.
Để giải quyết các vấn đề đã phân tích ở trên, chúng tôi có một số đề xuất sau đây:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành trong quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011. Bộ luật TTDS 2004/2011 quy định công nhận và cho thi hành theo phạm vi hẹp, chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN ban hành. Trong khi đó, nghiên cứu nội dung của các công ước quốc tế tiêu biểu, pháp luật ở các quốc gia điển hình đều quy định phạm vi công nhận và cho thi hành rất rộng, bên cạnh bản án, quyết định dân sự của Tòa án còn công nhận và cho thi hành các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không phải là tòa án ban hành để giải quyết một vấn đề dân sự. Một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước cũng đã quy định phạm vi công nhận và cho thi hành rộng. Bên cạnh đó, thực tiễn giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cũng cho thấy yêu cầu công nhận và cho thi hành trên thực tế không chỉ bao gồm bản án, quyết định dân sự của TANN mà còn bao gồm các văn bản do các cơ quan nước ngoài không phải là tòa án ban hành như các quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình không mang tính chất tài sản, quyết định về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá ban hành ...
Như vậy, việc mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành trong quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 là hoàn toàn phù hợp với xu hướng lập pháp của thế giới hiện nay đồng thời đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN. Tuy nhiên, việc mở rộng theo hướng không giới hạn phạm vi như quy định của pháp luật các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sĩ, Italia, Australia... hoặc các công ước đa phương của Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế, các quy định của EU là điều chưa thể áp dụng tại Việt Nam bởi lẽ việc mở rộng tối đa phạm vi công nhận và cho thi hành mà không kèm theo cơ chế kiểm soát hiệu quả của Nhà nước sẽ dễ dẫn đến các lợi ích công bị xâm phạm. Phân tích quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Liên bang Nga, một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Mông Cổ, Belarut cho thấy, phạm vi công nhận và cho thi hành bao gồm bản án, quyết định dân sự, phần quyết định về tài sản trong bản án hình sự, hành chính của TANN ban hành, các quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình không mang tính chất tài sản của các cơ quan khác, không phải là tòa án ban hành, quyết định về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá ban hành là giải pháp phù hợp hơn đối với Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, Bộ luật TTDS 2004/2011 cần xác định rõ hai nhóm bản án, quyết định dân sự của TANN căn cứ vào tính chất là những bản án, quyết định có tính chất tài sản và những bản án, quyết định không có tính chất tài sản. Việc phân biệt này sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng các quy định cụ thể có liên quan như nguyên tắc, điều kiện, thủ tục công nhận và cho thi hành... Kinh nghiệm lập pháp quốc tế đã cho thấy, đây là cách thức phân biệt các bản án, quyết định dân sự của TANN phù hợp nhất để xây dựng các quy định cụ thể khác có liên quan như điều kiện công nhận và cho thi hành, những trường hợp từ chối công nhận, trình thự, thủ tục công nhận và cho thi hành...
  Như vậy, cần mở rộng phạm vi công nhận và cho thi hành trong quy định của Bộ luật TTDS 2004/2011 theo hướng ngoài việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN, còn công nhận và cho thi hành các quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình không mang tính chất tài sản của các cơ quan khác, không phải là tòa án ban hành, quyết định về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá ban hành... Các bản án, quyết định này có thể mang tính chất tài sản hoặc không mang tính chất tài sản và những quy định cụ thể có liên quan đến yêu cầu của chủ thể nộp đơn công nhận hoặc yêu cầu thi hành bản án, quyết định đó tại Việt Nam, đặc biệt là thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận hoặc yêu cầu thi hành, sẽ được xây dựng trên cơ sở sự phân biệt này./.

 


*TS. Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
 
[1] Nguyễn Ngọc Khánh dịch, Trần Văn Trung hiệu đính, Bộ luật TTDS Liên bang Nga năm 2003, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 253.
[2] Dự án VIE/95/017 - Tăng cường năng lực xét xử tại Việt Nam (2000), Luật TTDS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tài liệu tham khảo trong Kỷ yếu của dự án, Hà Nội, tr. 198.
[3] The United State of America Uniform Enforcement of Foreign Judgments Act of 1948.
[4] Sida Lokaphone (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Lào), Một số nét về Tư pháp quốc tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Tham luận trình bày tại Hội thảo khu vực Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ nhân thân và tài sản trong Tư pháp quốc tế (Nhà pháp luật Việt - Pháp tổ chức tháng 5/2005 tại Hà Nội).
[5] Hiệp định TTTP và pháp lý ký kết giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và các nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 347.
[6] Hague Conference on Private International Law (1971), Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Judgments in Civil and Commercial Matters dated 01/02/1971.
[7] European Community (1968), Brussels Convention on Jurisdiction and the Enforcement of Judgement in Civil and Commercial matters dated 27/12/1968 (Brussels I Convention).
[8] Lugano Convention on Jurisdiction and the Enforcement of Judgement in Civil and Commercial matters dated 16/12/1988.
[9] European Union (2000), Council Regulation (EC) No 44/2001 on jurisdiction and the recognition and enforcement of judgments in civil and commercial matters dated 22/12/2000 (Brussels Regulation 2001).
[10] Jean Claude Ricci, Nhập môn luật học, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 159.
[11] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 242.
[12] Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao (2009), Chuyên đề Khoa học xét xử: Những vấn đề lý luận và thực tiễn của công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài (Thông tin khoa học xét xử số 4/2009), tr. 3.
[13] Jean Derruppe, Tư pháp quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 181.
[14] J.G. Collier (2001), Conflict of Laws, Cambridge University Press (Third edition), Cambridge, p. 173.
[15] John Doyle (Partner of Dillon Eustace), “Enforcement of Foreign Judgments in Ireland”..