Hoàn thiện quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập

01/11/2015

1. Những chủ trương và chính sách lớn của Đảng nhằm phát triển khoa học và công nghệ                                                                  
Hiện nay, khoa học và công nghệ(KH&CN) đã thành lực lượng sản xuất (LLSX) trực tiếp gắn liền với quá trình sản xuất - kinh doanh (SX-KD), là động lực thúc đẩy các nền kinh tế phát triển nhanh và có hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế nhanh, thông qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế cần phải dựa trên nền tảng phát triển KH&CN, dựa vào công nghệ cao có hàm lượng trí tuệ và phần giá trị gia tăng kết tinh trong sản phẩm.
Vì vậy, mỗi nền kinh tế muốn phát triển KH&CN nhanh và bền vững phải chú ý tới phát triển tiềm lực KH&CN, mà muốn phát triển tiềm lực KH&CN thì chúng ta phải chú ý tới phát triển các tổ chức nghiên cứu KH&CN để các tổ chức này sản sinh ra các kết quả nghiên cứu (phát minh, sáng chế, bí quyết công nghệ…) để chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và đời sống cho nền kinh tế - xã hội (KT-XH).
Đảng ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN nên đã có nhiều chính sách và chủ trương tạo điều kiện cho KH&CN và các tổ chức KH&CN công lập ở nước ta phát triển.
Nghị quyết của Bộ Chính trị số 37-NQ/TW ngày 20/1/1981 về chính sách khoa học - kỹ thuật đã đề ra phương hướng phát triển KH&CN theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất, đổi mới về cơ chế, chính sách đối với hoạt động KH&CN. Chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ này là chấm dứt thời kỳ hoạt động KH&CN một cách tự phát, tản mạn và hiệu quả thấp.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996) về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Kết luận Hội nghị Trung ương 6 Khóa IX về kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII (7-2002) và xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển KH&CN đến năm 2010, trong đó có nhấn mạnh tới việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN. Cụ thể: “Các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ hoạt động theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Từng bước chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, được hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”. Có thể nói, trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 Khóa IX này đã nêu ra cụ thể nhất việc chuyển mạnh hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) và gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” cũng đã nhấn mạnh phải chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
2. Những quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ
Thể chế hóa những chủ trương và chính sách của Đảng, những quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập đã được ban hành, bổ sung  trong các văn bản luật và dưới luật như Luật KH&CN năm 2000, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013  nhằm đổi mới cơ chế quản lý KH&CN cũng như phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập.
Ngày 28/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, trong đó đã đưa ra giải pháp có ý nghĩa đột phá để phát triển và nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN là “Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập”.
Tiếp sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Đây là văn bản pháp quy quan trọng nhất quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Thời điểm ra đời của Nghị định này được coi là một mốc quan trọng trong cơ chế quản lý các tổ chức KH&CN công lập. Vì vậy, nhiều người đã coi Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 là cơ chế “Khoán 10” trong KH&CN. Sau đó, Chính phủ đã bàn hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp KH&CN và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP (sau đây gọi chung là Nghị định 115).
Đối tượng thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Nghị định 115 là tổ chức KH&CN công lập, gồm: tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN. Tổ chức KH&CN công lập được quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tài chính và tài sản, tự chủ về quản lý tổ chức và nhân lực, tự chủ về hợp tác quốc tế.
Sau khi Nghị định 115 được ban hành, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành 8 Thông tư và 01 Quyết định[1] để hướng dẫn chi tiết triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập.
- Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 5/6/2006 đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về thực hiện tự chủ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và hoạt động của tổ chức KH&CN; về khoán kinh phí hoạt động thường xuyên, về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, về điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi khi thực hiện chuyển đổi sang tổ chức KH&CN tự chủ,…
- Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC- BKHCN ngày 7/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng NSNN. Nội dung Thông tư liên tịch số 44/2007 đã điều chỉnh tăng định mức phân bổ NSNN đã quy định từ năm 2001cho sát với thực tế và bổ sung, quy định rõ một số nội dung chi đối với đề tài, dự án KH&CN; hướng dẫn cụ thể về quy trình lập, thẩm tra và phê duyệt kinh phí thực hiện đề tài, dự án KH&CN.
- Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Nội dung Thông tư liên tịch số 93/2006 thể hiện tinh thần nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức KH&CN, chủ nhiệm đề tài, đề án KH&CN khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Theo đó thực hiện giao khoán kinh phí thường xuyên thực hiện đề tài, dự án KH&CN.
- Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 quy định “Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực KH&CN trong thời gian thực hiện chương trình, dự án, đề tài được cấp có thẩm quyền giao” được tự động chuyển số dư dự toán và số dư tạm ứng sang năm sau để chi tiếp, đây là quy định riêng, có tính đặc thù đối với lĩnh vực KH&CN, giảm bớt thủ tục cho các nhà khoa học trong việc quản lý, sử dụng kinh phí.
- Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18/6/2008 và Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC ngày 10/9/2012. Theo quy định tại các thông tư này, tổ chức KH&CN khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN được hưởng các hình thức ưu đãi cao nhất về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
- Gân đây, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN ban hành Thông tư liên tịch số 49/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 23/4/2014 hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, để khuyến khích các tổ chức KH&CN thực hiện chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, NSNN hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thông qua việc hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng Đề án chuyển đổi, hỗ trợ các kinh phí đào tạo bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người làm việc tại các tổ chức KH&CN công lập trước và sau khi chuyển đổi...
Có thể nói, các quy định của pháp luật về cơ chế hoạt động, cơ chế vận hành và chế độ tài chính được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương ban hành trong thời gian qua để thực hiện Nghị định 115 có phạm vi rộng từ việc hướng dẫn quy trình xây dựng dự toán, phân bổ, quản lý kinh phí tới các chính sách ưu đãi đặc thù về tạm ứng, thanh quyết toán, khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN và các quy định khác liên quan đến quản lý tài sản, ưu đãi về thuế.
 Các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm này, về cơ bản đã bao quát được các hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập và tạo điều kiện cho tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thành các tổ chức KH&CN tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc các doanh nghiệp KH&CN theo tinh thần đổi mới tại Nghị định 115 nói riêng cũng như quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước ta nói chung.
3. Kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ
 Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH&CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, về tài chính và tài sản, về tổ chức bộ máy và nhân lực, nhiều tổ chức KH&CN công lập đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học. Các tổ chức KH&CN công lập đã nghiên cứu và làm chủ được nhiều công nghệ như công nghệ thiết kế, chế tạo và vận hành máy biến áp 220kV, 500kV đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo ra nhiều giống cây trồng mới như giống lúa OM8232, AN26-1; công nghệ sản xuất vắc-xin rota sống, uống giảm động lực…
Theo số liệu của Bộ KH&CN cho thấy, kết quả thực hiện Nghị định 115 như sau:
Việc xây dựng và phê duyệt đề án thực hiện tự chủ
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập (gồm 473 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), có:
- 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%), trong đó có 380 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có 93 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 61 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, đến nay còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mặc dù Nghị định 115 sửa đổi quy định hạn cuối cùng các tổ chức phải được phê duyệt đề án là ngày 31/12/2013.
Việc thực hiện các nội dung tự chủ
- Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, hiện nay, 100% tổ chức KH&CN đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ngoài các nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước giao, đặt hàng trực tiếp, tổ chức KH&CN được quyền chủ động trong việc đề xuất nhiệm vụ, đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo danh mục các nhiệm vụ KH&CN do Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương công bố hàng năm.
Bên cạnh đó, tổ chức KH&CN công lập được quyền chủ động ký hợp đồng, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN và dịch vụ KH&CN; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Tự chủ về tài chính, tài sản, các tổ chức KH&CN được giao quyền tự chủ hơn trong việc chi lương, chi hoạt động bộ máy và sử dụng các nguồn thu khác từ hợp đồng KH&CN với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài. Nhiều tổ chức KH&CN có doanh thu lớn từ các hợp đồng KH&CN. Một số tổ chức KH&CN có toàn bộ doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KH&CN, như: Viện Dầu khí Việt Nam với 601 tỷ đồng, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp 712 tỷ đồng, Viện Nghiên cứu Cơ khí 680 tỷ đồng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) 350 tỷ đồng, Viện Kinh tế Kỹ thuật thuốc lá 291 tỷ đồng, Viện KH&CN Mỏ - VINACOMIN 205 tỷ đồng…
Khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các tổ chức KH&CN được áp dụng phương thức khoán chi đối với những khoản chi đã có định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện. Ngoài ra, tổ chức KH&CN còn được Nhà nước xem xét, cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa lớn tài sản cố định…
- Tự chủ về quản lý tổ chức và nhân lực, Nghị định 115 quy định các tổ chức KH&CN được quyết định sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy và quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc; quyết định thành lập, sáp nhập và giải thể các đơn vị trực thuộc trên cơ sở tự cân đối nguồn lực để bảo đảm cho hoạt động của đơn vị.
Thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền tự chủ trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân lực; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị trực thuộc; lựa chọn và trình lãnh đạo cơ quan chủ quản cấp trên quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức và miễn nhiệm cấp phó của đơn vị.
- Tự chủ về hợp tác quốc tế, tổ chức KH&CN được quyền lựa chọn đối tác, quyết định hình thức hợp tác để thực hiện hoạt động KH&CN với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài theo khả năng, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị và quy định của pháp luật. Căn cứ nhu cầu công tác chuyên môn, tổ chức KH&CN được quyền mời các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến làm việc, trao đổi khoa học, tham gia triển khai các nhiệm vụ KH&CN của đơn vị; được quyết định mức lương thuê chuyên gia tùy theo khả năng tài chính của đơn vị, nhưng khó thực hiện vì thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện việc này.
4. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ
Bên cạnh mặt tích cực đạt được trên đây, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định tại Nghị định 115 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, đó là các cấp, các ngành, các tổ chức KH&CN công lập còn thiếu sự quyết liệt, nhận thức chưa đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị định 115; bên cạnh đó là sự hạn chế về tiềm lực của các tổ chức KH&CN công lập. Về nguyên nhân khách quan, là do các vướng mắc từ các quy định của pháp luật, cụ thể như:
Chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
- Nhìn chung, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 còn chậm so với yêu cầu. Nghị định 115 được ban hành năm 2005 nhưng đến năm 2006 mới có hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV; Nghị định số 80 được ban hành năm 2007 nhưng đến năm 2008 mới có hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BKHCN-BTC-BNV; Nghị định số 96 được ban hành năm 2010 nhưng đến năm 2011 mới có hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT/BKHCN-BTC-BNV.
- Đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn về định mức và phương thức cấp tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cũng như hướng dẫn tổ chức KH&CN công lập góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện các hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thế chấp, vay vốn ngân hàng theo quy định tại Nghị định 115.
-Văn bản hướng dẫn về các định mức tài chính khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước của tổ chức KHC&N công lập quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC- BKHCN ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước đã lạc hậu, định mức rất thấp và không phù hợp với thay đổi của thực tiễn hiện nay, nhưng vẫn chưa được điều chỉnh, thay thế, gây khó khăn cho các tổ chức KH&CN khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
-Văn bản quy định về các nội dung khoán chi khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước sau gần 10 năm áp dụng đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi kịp thời.
Thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật
Tổ chức KH&CN gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định tại Nghị định 115 không chỉ bởi sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện, mà còn do sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
- Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Nhưng trên thực tế không thực hiện được, bởi vì theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
- Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN, kể cả tổ chức KH&CN chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, được quyền tự chủ về nhân lực. Nhưng trên thực tế không thực hiện được, bởi vì theo quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Luật Viên chức thì đơn vị sự nghiệp công lập không được giao quyền tự chủ về số người làm việc trong đơn vị, mà do Bộ Nội vụ phê duyệt vị trí việc làm. Điều này cản trở tính linh hoạt và quyền tự quyết của người đứng đầu tổ chức KH&CN trong việc xác định quy mô nhân sự và chất lượng cán bộ đáp ứng với phạm vi nghiên cứu và yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn.
- Luật KH&CN năm 2013 đã cho phép bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài. Nhưng theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức thì người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức và phải là công dân Việt Nam. Điều này dẫn đến vướng mắc trong triển khai chính sách thu hút chuyên gia trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài để tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ lãnh đạo, quản lý của tổ chức KH&CN công lập
- Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN được quyền thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, các tổ chức mới chỉ được tự chủ trong việc thành lập, giải thể các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân, đối với các đơn vị có tư cách pháp nhân, việc thành lập, giải thể vẫn thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục quy định thẩm quyền này.
 Thiếu cụ thể trong một số quy định của Nghị định 115
Nghị định 115 cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng mười năm qua cho thấy, Nghị định 115 cần được nghiên cứu, điều chỉnh để cụ thể hóa hơn, bảo đảm tính khả thi cao trong thực tiễn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định về quyền tự chủ đối với tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí và tổ chức KH&CN chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên tại Nghị định 115 không có nhiều khác biệt đáng kể. Các tổ chức KH&CN đang được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng vẫn được trao quyền tự chủ như đối với tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí, gây sự bất bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN.
Thứ hai, quy định bắt buộc tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN không thuộc diện được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán phải tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên tại một thời hạn nhất định (31/12/2009 tại Nghị định 115 và 31/12/2013 tại Nghị định 96) là chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi vì, khả năng tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KH&CN công lập phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, như: nguồn thu của tổ chức, năng lực nghiên cứu triển khai, trang thiết bị nghiên cứu, môi trường hoạt động… Các yếu tố này rất khác nhau trong mỗi tổ chức KH&CN công lập.
Thứ ba, quy định tại Nghị định 115 áp dụng chung đối với mọi tổ chức KH&CN trong các ngành, lĩnh vực khác nhau là chưa phù hợp, bởi vì mỗi ngành, lĩnh vực có đặc thù riêng, cần được quy định cá biệt hóa thì mới khả thi khi áp dụng. Ngoài ra, hệ thống tổ chức KH&CN công lập rất đa dạng, chịu sự quản lý hành chính theo cơ chế quản lý của các cơ quan chủ quản khác nhau là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đại học, trường đại học, doanh nghiệp nhà nước… nên việc áp dụng chung một quy định duy nhất tại Nghị định 115 sẽ gặp phải khó khăn trong thực tiễn. Ví dụ, nhân lực của tổ chức KH&CN công lập trong các trường đại học chủ yếu là cán bộ giảng dạy, kiêm nhiệm làm công tác nghiên cứu khoa học; tài sản của tổ chức KH&CN này thuộc sở hữu của trường đại học. Vì vậy, các tổ chức KH&CN rất khó để được cơ quan chủ quản giao tài sản cũng như không thể thực hiện quyền tự chủ về nhân lực như quy định tại Nghị định 115.
Thứ tư, tổ chức KH&CN công lập có thể có nhiều cấp trực thuộc (theo mô hình mẹ - con), trong khi đó Nghị định 115 áp dụng chung đối với cả tổ chức KH&CN mẹ và tổ chức KH&CN con, nên trong thực tế khi tổ chức KH&CN con chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 thì tổ chức KH&CN mẹ sẽ khó thực hiện được tự chủ vì không có nguồn thu do thường không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, dịch vụ KH&CN mà chỉ làm nhiệm vụ trung gian, quản lý các đơn vị trực thuộc.
5. Một số kiến nghị  
Hiến pháp năm 2013 đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của KH&CN đối với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nước ta theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững. KH&CN từ vị thế giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước (Hiến pháp năm 1992) lên vị trí phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
Dù còn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nhưng thực tiễn 10 năm qua đã cho thấy, giao quyền tự chủ thật sự đầy đủ và đồng bộ, nêu cao trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chủ quản đối với các nhiệm vụ của tổ chức KH&CN công lập là giải pháp có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, chúng ta nên hoàn thiện pháp luật ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2013 để tổ chức KH&CN công lập đã tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên được quyền dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Cụ thể, bổ sung cho Điều 173 Luật Đất đai[2] một khoản như sau: “Tổ chức sự nghiệp công lập đã tự trang trải toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết và tiến hành hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Thứ hai, sửa đổi quy định của Luật Cán bộ, công chức để đồng bộ với quy định của Luật KH&CN năm 2013 về việc cho phép thuê người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia lãnh đạo, quản lý tổ chức KH&CN công lập để thu hút chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về Việt Nam làm việc. Cụ thể là, bổ sung vào Điều 4 Luật Cán bộ, công chức[3] một khoản như sau: “Trường hợp đặc biệt, người làm lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập có thể không là công chức và không là công dân Việt Nam. Chính phủ quy định cụ thể khoản này”.
Thứ ba, sửa đổi Điều 12 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là không áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 12 đối với tổ chức KH&CN công lập đã được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm[4] để bảo đảm đồng bộ với quy định của Nghị định 115, đồng thời để tổ chức KH&CN được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ trong việc quản lý viên chức, thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền quyết định số người làm việc trong tổ chức KH&CN. Sớm có văn bản hướng dẫn về hạng viên chức, thi nâng hạng viên chức và hệ thống thang bảng lương viên chức, hợp đồng làm việc của viên chức.
Thứ tư, bổ sung vào Nghị định 115 các quy định cụ thể về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với từng loại hình tổ chức KH&CN công lập theo chức năng, theo cấp quản lý và theo lĩnh vực hoạt động để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khả thi, khắc phục sự bất bình đẳng giữa các loại hình tổ chức KH&CN công lập và các tồn tại, bất cập như đã nêu trên.
Thứ năm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&CN khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 đã được Chính phủ giao; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định tài chính đã lạc hậu trong văn bản hiện hành để tạo điều kiện cho tổ chức KH&CN công lập được quyền tự chủ và chủ động trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể như: Ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC- BKHCN ngày 7/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm các nội dung và định mức chi phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH, đồng thời bổ sung hướng dẫn về lập dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KH&CN trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, để tăng cường quyền chủ động về tài chính của tổ chức KH&CN công lập khi thực hiện tự chủ.
Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật này sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và minh bạch cho các tổ chức KH&CN công lập chuyển mạnh sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong thời gian tới cho đổi mới hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập cũng chính là việc cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.
 Hiện tại ở nước ta, cùng với các tổ chức KH&CN công lập, hơn 1000 các tổ chức KH&CN tư nhân vẫn đang hoạt động mà không cần sự trợ giúp của ngân sách nhà nước. Như vậy, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức KH&CN công lập phải phát huy tối đa các nguồn lực và điều kiện đang có để tạo ra và chuyển giao nhiều công nghệ, nhiều giống cây trồng, vật nuôi hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như cả nền KT-XH. Qua đó, KH&CN xứng tầm với vai trò quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH cũng như phát triển KT-XH của đất nước./.
 
[1] Các Thông tư số: 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV, số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN, số 11/2007/TTLT/BCA-BKHCN, số 44/2007/TTLT/BTC-BKHCN, số 36/2011/TTLT/BKHCN-BTC-BNV, số 121/TTLT/BTC-BKHCN; các Thông tư số: 17/2012/TTLT/BKHCN-BTC-BNV, số 15/2014/TT-BKHCN và Quyết định số 08/2007/QĐ-BKHCN.
[2] Điều 173. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
[3] Điều 4 Luật Cán bộ, công chức quy định: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội..., trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập...
[4] Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... quyết định phân bổ số lượng người làm việc đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không được vượt quá số lượng người làm việc do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.