Bàn thêm về quy định liên quan đến tài sản trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

01/10/2015

Pháp luật dân sự của Việt Nam cũng như của các nước luôn có những quy định về tài sản (chế định tài sản). Trong Bộ luật Dân sự(BLDS) năm 2005 của chúng ta, các quy định về tài sản (khái niệm cũng như các quyền trên hay đối với tài sản) chiếm một số lượng đáng kể. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sửa đổi BLDS năm 2005. Sau khi lấy ý kiến toàn dân kết thúc vào tháng 5/2015, một Dự thảo đã chuyển sang Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện và Dự thảo mới nhất mà chúng tôi nhận được là Dự thảo được chỉnh lý vào ngày 15/8/2015 (Dự thảo). So với BLDS năm 2005 (BLDS hiện hành), Dự thảo có nhiều thay đổi liên quan đến những quy định về tài sản còn gây nhiều tranh cãi. Để có thông tin đa chiều, chúng tôi xin trao đổi về những quy định liên quan đến tài sản ở hai khía cạnh: nội dung các quy định và thuật ngữ sử dụng trong các quy định.  
Untitled_187.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
I. Góp ý về nội dung các quy định
1) Phân loại tài sản
Dự thảo: Theo Điều 163 BLDS năm 2005, « tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Về chủ đề này, Dự thảo không có thay đổi lớn với nội hàm “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Kế tiếp quy định khái quát về tài sản là một số quy định có mục đích phân loại tài sản là quy định về “Vật chính và vật phụ” (Điều 176 BLDS hiện hành), “Vật chia được và vật không chia được” (Điều 177 BLDS hiện hành), “Vật tiêu hao và vật không tiêu hao” (Điều 178 BLDS hiện hành), “Vật cùng loại và vật đặc định” (Điều 179 BLDS hiện hành), “Vật đồng bộ” (Điều 180 BLDS hiện hành). Về cách phân loại này, Dự thảo không có sự thay đổi so với BLDS hiện hành (do trật tự số điều luật chưa ổn định nên chúng tôi không nêu cụ thể số điều luật trong Dự thảo mà chỉ nêu nội dung điều luật).
Góp ý: Chúng ta thấy tài sản không chỉ giới hạn ở “vật” và theo quy định trong BLDS hiện hành cũng như Dự thảo, vật chỉ là một dạng tài sản bên cạnh “tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản”. Tuy nhiên, các quy định về phân loại trên chỉ tập trung vào một dạng tài sản là “vật”. Thực ra, cách phân loại trên không chỉ cần đối với vật mà còn có thể có ý nghĩa với tài sản không là vật. Phân loại chính phụ không chỉ giới hạn ở tài sản dưới dạng “vật”. Về khả năng “chia được” hay “không chia được” thì tài sản không là “vật” cũng có thể có tính chất này. Ví dụ như quyền tài sản hoàn toàn có thể chia được hay không chia được trong khi đó quyền tài sản không là “vật”. Khi giải quyết các tranh chấp về chia di sản là quyền sử dụng đất (là “quyền tài sản”, không là “vật”), Tòa án vẫn phải dựa vào quy định của pháp luật và hoàn cảnh cụ thể để xác định có thể chia quyền sử dụng đất thành các phần bằng nhau hay không và có trường hợp Tòa án chia thành các phần để chia nhưng có trường hợp Tòa án không chia quyền sử dụng đất (là di sản) thành các phần mà chia theo giá trị.
Trong nội tại BLDS hiện hành và Dự thảo cũng không có sự thống nhất về việc phân loại tài sản. Cụ thể, các quy định trên chỉ tập trung vào “vật” nhưng phần sau của BLDS cũng như Dự thảo lại “vượt” ra khỏi loại tài sản là vật. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 380 BLDS hiện hành (vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo), “trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này không dùng từ “vật cùng loại” mà dùng “tài sản cùng loại”. Tương tự, trong Dự thảo, khi đi vào điều chỉnh những hoàn cảnh cụ thể chúng ta có quy định về “tài sản không tiêu hao” trong khi đó quy định trên chỉ tập trung vào “vật không tiêu hao”. Ví dụ, theo Dự thảo, “tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản”. Thực ra, hướng sử dụng “tài sản không tiêu hao” (nhất là để phân biệt hợp đồng thuê, mượn tài sản với hợp đồng vay tài sản[1]) có tính khái quát và là thuyết phục vì thực tế “mượn quyền sử dụng đất” rất phổ biến[2] trong khi đó “quyền sử dụng đất” không là “vật” mà là “quyền tài sản” (tức khái niệm tiêu hao hay không tiêu hao còn có thể áp dụng cho cả tài sản không là vật). Điều đó cũng cho thấy các quy định về phân loại tài sản là không đầy đủ khi chỉ tập trung vào “vật” như đã trình bày ở trên.
Do đó, chúng tôi đề xuất xem xét lại các quy định về phân loại tài sản ở trên. Về khả năng “chia được” hay “không chia được”, “chính” hay “phụ”, “tiêu hao” hay “không tiêu hao”, “đặc định” hay “cùng loại”, tính “đồng bộ” thì các dạng tài sản không là “vật” cũng có thể có các đặc tính này. Vì vậy, đề xuất thay từ “vật” bằng từ “tài sản” để có tính khái quát hơn trong các quy định về phân loại tài sản nêu trên.
2) Cơ sở để áp dụng quy định về “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”
Dự thảo: Trong BLDS năm 2005 cũng như Dự thảo, có nhiều quy định về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Chẳng hạn, chúng ta có quy định trong Dự thảo về thời hiệu hưởng quyền đối với “chiếm hữu, người được lợi về bất động sản không có căn cứ pháp luật” hay “chiếm hữu, người được lợi về động sản không có căn cứ pháp luật” (nội dung quy định về thời hiệu hưởng quyền này đã tồn tại ở Điều 247 BLDS hiện hành, theo đó “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó”). Tương tự, trong Dự thảo cũng như trong BLDS hiện hành, chúng ta có riêng một Chương (trong BLDS 2005 là Chương XX còn trong Dự thảo là Chương XVIII) về “nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Để làm cơ sở cho việc vận dụng các quy định về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật”, BLDS hiện hành đã đưa ra khái niệm thế nào là “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” tại Điều 183 và có Điều 189 về “Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”. Tuy nhiên, hai quy định này đã bị loại bỏ trong Dự thảo.
Góp ý: Dự thảo vẫn còn nhiều quy định như đã nêu ở trên về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật”. Để vận dụng các quy định này, chúng ta phải biết khi nào một người được xác định là “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật”. BLDS hiện hành cũng có quy định về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” và để làm cơ sở cho việc áp dụng các quy định này, BLDS hiện hành đã phải có quy định để xác định thế nào là trường hợp “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Cụ thể, theo BLDS hiện hành, “việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật” (Điều 189) và Điều 183 BLDS hiện hành quy định “chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây: 1. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; 2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; 3. Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; 4. Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định; 5. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định; 6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định”.
Khi Dự thảo vẫn còn có quy định về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” thì sự tồn tại của quy định về việc xác định khi nào là “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” vẫn cần thiết. Việc Dự thảo có nhiều quy định về “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” nhưng lại bỏ quy định tại Điều 183 và Điều 189 BLDS hiện hành là không thuyết phục, sẽ gây khó khăn trong việc vận dụng vì không biết xác định “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật” như thế nào. Do đó, đề xuất khôi phục lại quy định nêu trên vào Dự thảo.
3) Đòi tài sản từ người “chiếm hữu trái pháp luật”
Dự thảo: Trong Dự thảo có một quy định mới, theo đó “Chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu trái pháp luật”.
Quy định trên không tồn tại trong BLDS năm 2005 nhưng BLDS hiện hành có nội hàm tương đồng là Điều 256, theo đó “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”.
Tiêu chí để chủ sở hữu được đòi tài sản theo Dự thảo là người bị đòi “chiếm hữu trái pháp luật” tài sản trong khi tiêu chí để được đòi tài sản trong BLDS hiện hành là “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”.
Góp ý: Quyền đòi tài sản của chủ sở hữu từ người khác (người đang chiếm hữu) sẽ kéo theo nghĩa vụ hoàn trả của người đang chiếm hữu tài sản.  
Tuy nhiên, trong phần hoàn trả lại tài sản, Dự thảo lại không dùng khái niệm “chiếm hữu trái pháp luật” mà Điều đầu tiên trong Chương XVIII của Dự thảo về “nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” lại dùng cụm từ “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”. Cụ thể, theo điều luật này của Dự thảo, “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu”. Như vậy, đối với cùng một vấn đề, Dự thảo lại sử dụng những thuật ngữ hay khái niệm khác nhau và việc này sẽ dẫn tới tình trạng không biết vận dụng như thế nào. Khi đưa ra quy định chứa đựng nội hàm “chiếm hữu trái pháp luật” như nêu trên, Dự thảo cũng không đưa ra quy định cho biết “chiếm hữu trái pháp luật” được hiểu như thế nào nên người đọc cũng không thực sự biết khi nào chủ sở hữu được đòi từ người đang chiếm hữu.
Phần trên đã phần nào cho thấy Dự thảo đã được sửa đổi theo hướng làm phức tạp thêm vấn đề, với sự xuất hiện khái niệm mới chồng chéo với khái niệm cũ (vẫn được giữ lại trong Dự thảo). Để có sự thống nhất giữa các quy định và để ổn định pháp luật (chưa chứng minh được pháp luật cũ có bất cập và quy định mới có sự tiến bộ hơn thì nên giữ lại quy định cũ), đề xuất thay quy định về Chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người “chiếm hữu trái pháp luật” thành quy định về Chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”.
4) Chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản
Dự thảo: Trong thực tế có thể xảy ra rủi ro đối với tài sản và pháp luật về tài sản có quy định về chủ thể chịu rủi ro. Trong phần chung về tài sản, Dự thảo quy định “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đây là quy định đã tồn tại trong BLDS năm 2005 (Điều 166)[3].
Khi có chuyển giao tài sản, Dự thảo quy định theo hướng tài sản chưa giao thì chủ thể chịu rủi ro vẫn là chủ sở hữu. Cụ thể, trong điều luật có tiêu đề “Thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác theo hợp đồng”, Dự thảo có quy định mới “Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác phải chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được chuyển giao; bên nhận chuyển giao tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Thực ra, quy định về rủi ro đối với tài sản đã tồn tại trong BLDS năm 2005 trong các hợp đồng cụ thể. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 440 BLDS năm 2005, “Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác » và quy định này được giữ lại trong Dự thảo với một chút thay đổi về thuật ngữ  « bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán trước khi tài sản được chuyển giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao”.
Quy định nêu ở trên (như Điều 166 cũ) cho chúng ta hiểu rằng, về nguyên tắc, chủ sở hữu chịu rủi ro và nguyên tắc này có ngoại lệ khi “có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Thực tế, Dự thảo đã liệt kê một số ngoại lệ. Chẳng hạn, theo Dự thảo, “Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả” và đây là quy định đã tồn tại trong BLDS năm 2005 (khoản 5 Điều 490). Ngoài ra, Dự thảo còn có quy định mới về chủ đề này. Cụ thể, trong phần Thực hiện nghĩa vụ dân sự mà chính xác là trong điều luật về Thực hiện nghĩa vụ giao vật, Dự thảo có quy định mới “Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật và phải chịu rủi ro cho đến khi giao ». Đối với hợp đồng mượn tài sản, Dự thảo cũng thêm quy định mới: “Bên mượn tài sản phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian mượn”.
Góp ý: Luật quy định chủ sở hữu chịu rủi ro thì luật cũng có thể quy định chủ thể chịu rủi ro không là chủ sở hữu. Tuy nhiên, để được xã hội chấp nhận, quy định như vậy phải có tính thuyết phục. Dự thảo đã có quy định mang tính khái quát và dựa vào tiêu chí “chuyển giao” tài sản trong điều luật về “Thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác theo hợp đồng”. Quy định này quá rộng vì không cho biết “hợp đồng” ở đây là hợp đồng gì trong khi đó có hai loại hợp đồng có chuyển giao tài sản: loại thứ nhất là hợp đồng có chuyển giao tài sản và chuyển quyền sở hữu như hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, vay tài sản; và loại thứ hai là hợp đồng có chuyển giao tài sản nhưng không có mục đích chuyển quyền sở hữu như hợp đồng thuê, cho mượn, gửi giữ, cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ tài sản. Đối với loại thứ hai này, người nhận tài sản không nhận tài sản để trở thành chủ sở hữu tài sản nên không thể buộc họ chịu rủi ro đối với tài sản. Do đó, chúng tôi đề xuất nêu rõ tại quy định trên là phạm vi áp dụng chỉ liên quan đến hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu như hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, vay tài sản; nếu không quy định theo hướng này thì quy định trong Dự thảo có thể được hiểu là áp dụng cho cả loại hợp đồng thứ hai nêu trên (và như vậy thì rất nguy hiểm).
Đối với nghĩa vụ giao vật nêu trên mà Dự thảo buộc bên giao vật phải chịu rủi ro cho đến khi vật được giao, quy định này cũng không thuyết phục. Nghĩa vụ này tồn tại trong rất nhiều hợp đồng không có mục đích chuyển quyền sở hữu, người có nghĩa vụ giao vật có thể không là chủ sở hữu. Ví dụ, bên thuê, bên mượn, bên nhận cầm cố, nhận cọc, nhận ký cược, nhận gửi giữ tài sản đều có nghĩa vụ hoàn trả tài sản nên cũng có nghĩa vụ giao vật. Những người này không là chủ sở hữu nên chúng ta cũng không thể buộc họ phải chịu rủi ro đối với tài sản. Hơn nữa, đối với người có nghĩa vụ giao vật như bên bán, bên vay, bên trao đổi tài sản thì chúng ta đã có quy định ở trên (loại hợp đồng thứ nhất ở phần trên) nên quy định này không cần thiết nữa. Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ hẳn quy định về rủi ro liên quan đến nghĩa vụ giao vật.
Đối với hợp đồng mượn, chúng ta thấy Dự thảo buộc bên mượn chịu rủi ro khi sử dụng tài sản. Quy định như vậy rất nguy hiểm cho bên mượn tài sản khi tài sản có rủi ro. Quy định này cũng không được ưa chuộng trên thế giới. Ở Pháp, “bên cho mượn vẫn là chủ sở hữu tài sản chịu rủi ro” và “bên mượn không phải chịu trách nhiệm đối với bên cho mượn đối với những thiệt hại gây ra cho tài sản do rủi ro”[4]. Dường như Dự thảo đã nhầm lẫn giữa rủi ro đối với tài sản (tài sản bị thiệt hại mà không quy được trách nhiệm cho ai) và thiệt hại do người mượn gây ra (lúc này người mượn phải chịu trách nhiệm). Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ hẳn quy định mới nêu trên về rủi ro trong hợp đồng mượn tài sản[5].  
II. Góp ý về thuật ngữ được sử dụng
1) Thuật ngữ “vật quyền”
Dự thảo: Dự thảo hiện nay có một phần (Phần hai) với tiêu đề “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”. Với hướng này, quyền sở hữu cũng là một loại “vật quyền”, bên cạnh các quyền khác.
Dự thảo có rất nhiều quy định sử dụng từ vật quyền. Chẳng hạn, điều khoản đầu tiên của Phần này quy định “vật quyền là quyền của một chủ thể chi phối trực tiếp đối với tài sản mà không phải thông qua hành vi của chủ thể khác. Vật quyền bao gồm quyền sở hữu và các vật quyền khác theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Nếu Dự thảo có nhiều quy định dùng từ vật quyền thì thực chất nội hàm các quyền trong phần này chỉ có hai quyền mới được bổ sung trong Dự thảo là “quyền hưởng dụng” (còn gây tranh cãi vì không thấy rõ sự khác biệt với quyền sử dụng đã được ghi nhận trong BLDS hiện hành[6]) và “quyền bề mặt” (sẽ đề cập ở phần sau). Còn lại là các quyền đã được ghi nhận trong BLDS hiện hành là “quyền sở hữu” (phần quan trọng nhất của chế định tài sản), “quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề”, “Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác”, “Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, “Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề”.
Không thống nhất: Khi quan tâm tới từ “vật quyền”, người am hiểu luật sẽ hiểu rằng đó là “quyền” đối với “vật” nhưng “vật” chỉ là một dạng tài sản bên cạnh các dạng tài sản khác là “tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản” vì Dự thảo quy định “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tại sao, quyền này chỉ áp dụng đối với “vật” mà không áp dụng đối với các dạng tài sản khác như quyền sử dụng đất?
Trong nội tại khái niệm “vật quyền”, Dự thảo cũng có sự không thống nhất. Cụ thể, Dự thảo quy định theo hướng “vật quyền là quyền của một chủ thể chi phối trực tiếp đối với tài sản mà không phải thông qua hành vi của chủ thể khác”. Ở đây, từ đầu tiên trong khái niệm là “vật” nhưng nội hàm phía sau lại là “tài sản” trong khi đó, “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Hơn nữa, trong tư duy “vật quyền” cũng như trong Dự thảo, quyền sở hữu là quyền “nòng cốt” trong khi đó đối tượng của quyền sở hữu hiện nay không chỉ là “vật” mà là “tài sản” (từ trước đến nay ở Việt Nam, đối tượng của quyền sở hữu là tài sản)
Nói cách khác, chính trong khái niệm mà Dự thảo muốn xây dựng về “vật quyền” đã có sự không thống nhất nếu không muốn nói là quá “gượng ép” khi sử dụng thuật ngữ “vật quyền” (lúc thì là “vật”, lúc là “tài sản” trong cùng một quy định).
Không mới: Với việc đưa thuật ngữ “vật quyền” vào Dự thảo tại Phần hai, người đọc tưởng rằng Dự thảo có gì mới đột phá nhưng phân tích kỹ thì thấy Dự thảo lại không có gì đột phá (nếu có thì “phá” sự ổn định của hệ thống pháp luật hiện hành).
Khi đọc tất cả các quyền liên quan đến tài sản trong phần này (phần mà Dự thảo gắn cho tiêu đề là “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”), chúng ta thấy chỉ có hai quyền mới được bổ sung là quyền “hưởng dụng” và “quyền bề mặt”, các quyền còn lại đã tồn tại trong BLDS hiện hành như đã nêu trên. Việc các nhà soạn thảo đưa vào trong Phần hai này (về “vật quyền”) các “quyền sở hữu”, “quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề”, “Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác”, “Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, “Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề” cho thấy chính Dự thảo thừa nhận rằng BLDS hiện hành đã theo tư duy “vật quyền” nên Dự thảo không có gì mới, không có sự đột phá về tư duy.
Nói cách khác, việc Dự thảo tạo một Phần của BLDS cho “vật quyền” nhưng nội hàm lại lấy lại các quyền đối với tài sản đang có trong BLDS hiện hành (đa phần các quyền trong Phần này đã tồn tại trong BLDS hiện hành) mà chỉ thêm có hai quyền mới đối với tài sản là “quyền hưởng dụng” và “quyền bề mặt” cho thấy nội dung quy định không mới và tư duy “vật quyền” theo ám chỉ của Dự thảo đã tồn tại trong các quy định hiện hành (nhưng quy định hiện hành không sử dụng từ “vật quyền” để thể hiện các quyền này). Ở đây, Dự thảo chỉ có vai trò làm cho danh sách các quyền đối với tài sản (hay trên tài sản) dài thêm chứ không đưa thêm tư duy mới, nhưng chúng ta lại phải trả giá bằng việc thêm từ xa lạ vào luật (gây hoang mang, tốn kém cho xã hội).
Vấn đề dịch thuật: Nghiên cứu tài liệu cũ cho thấy, thuật ngữ “vật quyền” được Giáo sư Vũ Văn Mẫu sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước và được dịch từ thuật ngữ “droit réel” trong khoa học pháp lý Pháp.
Thuật ngữ “droit réel” tiếng Pháp đã được Giáo sư Vũ Văn Mẫu (chịu ảnh hưởng rất nhiều của hệ thống pháp luật Pháp) chuyển tải sang tiếng Việt trong cuốn sách xuất bản năm 1963. Cụ thể, bên cạnh thuật ngữ nguyên mẫu “droit réel” bằng tiếng Pháp, giáo sư đã dịch sang tiếng Việt đây là “quyền đối vật”[7] hay “vật quyền"[8]. Do chưa hiểu rõ khái niệm “vật” ở thời điểm Giáo sư Mẫu sử dụng được hiểu như thế nào nên rất khó để đánh giá việc “dịch thuật” này là chính xác hay không. Tuy nhiên, từ “droit” trong thuật ngữ trên là “quyền” còn từ “réel” trong thuật ngữ trên không liên quan gì đến từ “vật” trong khái niệm “tài sản” hiện nay của Dự thảo cũng như BLDS hiện hành của chúng ta (gồm “vật”, “tiền”, “giấy tờ có giá” và “quyền tài sản”). Do đó, khi “vật” chỉ là một bộ phận của khái niệm “tài sản” trong pháp luật Việt Nam nên nếu dịch ngược lại thuật ngữ “vật quyền” sang tiếng Pháp thì cũng không ổn, sẽ không tương thích lại với thuật ngữ “droit réel”. Khi chúng tôi tổ chức hội thảo và chuyển bài viết có sử dụng thuật ngữ “vật quyền” sang tiếng Anh để đăng trên tạp chí (với việc hiểu “vật” chỉ là một bộ phận của khái niệm “tài sản”), các chuyên gia về tiếng Anh pháp lý cũng không thể chuyển tải từ “vật quyền” sang tiếng Anh.
Như vậy, thuật ngữ “vật quyền” không chỉ là không ổn, không có sự thống nhất trong chính Dự thảo mà thuật ngữ này cũng khó chuyển tải một cách chính xác sang ngôn ngữ nước ngoài thông dụng.
Góp ý: Ở góc độ văn bản, thuật ngữ “vật quyền” đã được ghi nhận trong một văn bản pháp luật bằng tiếng Việt. Đó chính là BLDS năm 1972 của Việt Nam Cộng hòa. Ở đây, thuật ngữ “vật quyền” là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến[9] nhưng phải thừa nhận rằng, đây là văn bản không có giá trị trên thực tế vì tuổi đời của văn bản này quá ngắn.
Ở góc độ khoa học, cũng có một số tác giả sử dụng thuật ngữ “vật quyền”. Tuy nhiên, từ những gì nói cho sinh viên, từ những gì nêu trong sách báo (chỉ ít người biết đến và biết để có thông tin) đến việc đưa thuật ngữ vào trong văn bản pháp luật là hoàn toàn khác nhau. Nói cho sinh viên, nêu trong sách báo không ràng buộc bất kỳ ai nhưng đưa vào văn bản pháp luật thì lại trở thành bắt buộc cho tất cả mọi người, cho xã hội, nên cần phải cân nhắc. Do đó, không nên tùy tiện đưa những thứ thuần túy mang tính “giáo điều”, “sách vở” vào luật. Phần trên còn cho thấy, thuật ngữ này không tương thích với nội dung và đã được sử dụng trong một văn bản luật không thành công (đoản thọ). Vì vậy, chúng tôi đề xuất không sử dụng thuật ngữ “vật quyền” trong trong BLDS (một văn bản mà chúng ta muốn nó trường tồn).
Phần trên cho thấy Dự thảo dùng thuật ngữ “vật quyền” để ám chỉ “quyền sở hữu”, “quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề”, “quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác”, “quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, “quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề” và hai quyền mới là “quyền hưởng dụng”, “quyền bề mặt”. Đây thực chất là những quyền “đối với tài sản” hay “trên tài sản”. Đọc kỹ, chúng ta cũng thấy Dự thảo quy định theo hướng này khi khẳng định “vật quyền là quyền của một chủ thể chi phối trực tiếp đối với tài sản mà không phải thông qua hành vi của chủ thể khác. Do đó, chúng tôi đề xuất thay từ “vật quyền” thành từ “quyền đối với tài sản”[10] hay “quyền trên tài sản”[11].
2) Thuật ngữ “địa dịch”
Dự thảo: Trong Phần hai liên quan đến tài sản, Dự thảo còn đưa thêm một thuật ngữ mới so với BLDS hiện hành là “Quyền địa dịch”.
Về nội dung của quyền địa dịch (theo quy định của pháp luật), Dự thảo đề cập tới “quyền về cấp, thoát nước”, “Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác”, “Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, “Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề”.
Các quyền này đều đã tồn tại trong BLDS hiện hành (thực chất đã tồn tại từ năm 1995). Như vậy, nếu có cái gì mới trong Dự thảo thì chỉ có thuật ngữ “quyền địa dịch” là mới, còn nội hàm “quyền địa dịch” không xa lạ, đã tồn tại trong văn bản pháp luật Việt Nam từ rất lâu. Nói cách khác, đây là hiện tượng “bình mới, rượu cũ”.
Góp ý: Thực ra, thuật ngữ “địa dịch” đã từng được ghi nhận trong văn bản pháp luật, mà cụ thể là trong văn bản “đoản thọ” đã nêu ở trên. Chẳng hạn, tại Điều 374 BLDS của Việt Nam Cộng hòa năm 1972, chúng ta thấy nêu “Trên một tài sản, một người có thể có quyền sở hữu, hoặc chỉ có quyền hưởng dụng hay quyền địa dịch”.
Về nội hàm, thuật ngữ “quyền địa dịch” không tương thích với nội dung các quy định mà thuật ngữ này muốn ám chỉ. Trong thuật ngữ này có từ “địa”, tức liên quan đến đất trong khi đó, trong các quyền nêu trong mục “địa dịch”, có “Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề” và quyền này có thể không liên quan đến “đất” nếu chỉ sử dụng không gian để mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc. Còn từ “dịch” trong thuật ngữ trên rất khó hiểu đối với các quyền được liệt kê ở trên. Thực ra, các quyền mà Dự thảo đưa vào mục “quyền địa dịch” là các quyền trên một bất động sản mà người được hưởng không là chủ sở hữu bất động sản: người được mắc đường dây tải điện qua không gian nhà người khác và người có quyền mắc này không là chủ sử dụng đất (người mắc dây điện muốn khai thác không gian trên đất của người khác).
Nói tóm lại, nếu “quyền địa dịch” là một thuật ngữ mới so với BLDS hiện hành thì nội hàm các quyền trong mục này không có gì mới. Đây chỉ là hiện tượng “bình mới, rượu cũ”, gây khó hiểu cho người dân và nếu được thông qua sẽ gây tốn kém cho xã hội (các tài liệu phải được thay đổi theo thuật ngữ mới và phải lý giải cho người dân thuật ngữ mới này). Với các quyền được liệt kê tại mục “quyền địa dịch” trong Dự thảo, chúng ta có thể hiểu đó là các quyền “trên bất động sản của người khác”. Do đó, đề xuất thay thuật ngữ “quyền địa dịch” bằng thuật ngữ dễ hiểu và đúng nội hàm các quyền được liệt kê là “quyền trên bất động sản của người khác”.
3) Thuật ngữ “quyền bề mặt”
Dự thảo: Trong Dự thảo, chúng ta còn thấy xuất hiện một thuật ngữ mới là thuật ngữ “Quyền bề mặt”.
Về nội hàm, Dự thảo khẳng định “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể được sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”. Thực ra, loại quyền này đã phần nào tồn tại trong BLDS năm 2005. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 265, “người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác”. Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 68 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi năm 2012, “trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất”. Ở đây, pháp luật hiện hành đã ghi nhận quyền của chủ sử dụng đất và quyền đối với tài sản trên đất (tài sản gắn liền với đất) của người không là chủ sử dụng đất. Quy định như vậy cùng với quy định hiện tại ở khoản 2 Điều 265 BLDS hiện hành (nêu trên) cho thấy tư duy về “quyền bề mặt” không xa lạ ở Việt Nam.
Ở đây, chúng tôi không bàn về nội dung quyền bề mặt cũng như sự phức tạp về sự chồng lấn giữa các quyền khi người có quyền sử dụng đất không đồng thời là người chủ sở hữu đối với tài sản phía trên mặt đất hay đối với tài sản phía dưới mặt đất (mà Dự thảo chưa dự liệu rõ[12]) mà chúng tôi bàn về thuật ngữ ám chỉ các quyền đã được Dự thảo nêu trong khái niệm trên[13].
Góp ý: Khi một người mới nhìn thấy cụm từ “quyền bề mặt” thì họ thường nghĩ rằng đó là quyền trên “bề mặt” của đất hay của một cái gì đó; phản ứng đầu tiên của họ là cho rằng, đó là vấn đề liên quan đến bề mặt của đất, bề mặt của cái gì đó. Tuy nhiên, đọc kỹ nội hàm quy định trên thì “quyền bề mặt” không chỉ là quyền đối với mặt đất (Dự thảo sử dụng từ “mặt đất, mặt nước”). Quyền này còn là quyền phía dưới mặt đất là quyền sử dụng “lòng đất”. Quyền này cũng còn là quyền ở phía trên mặt đất là quyền sử dụng “khoảng không trên mặt đất”. Như vậy, tiêu đề và nội hàm không tương thích với nhau.
Thực ra, trong pháp luật Pháp cũng có quyền bề mặt. Đó là thuật ngữ “droit de superficie”. Từ “droit” là “quyền” còn từ “superficie” là “bề mặt”. Như vậy, có sự tương thích giữa pháp luật Pháp và Dự thảo về “quyền bề mặt”/“droit de superficie”. Tuy nhiên, chính các tác giả Pháp đã cho rằng, việc dùng thuật ngữ “droit de superficie” là không ổn. Trong công trình được công bố năm 1998, khi đề cập tới “droit de superficie”, ba chuyên gia về pháp luật dân sự của Pháp cho rằng, thuật ngữ “có bề ngoài dễ đánh lừa: Ở góc độ pháp luật, bề ngoài có đối tượng là hướng trên cao hay hướng phía dưới trong khi đó, trong ngôn từ thông thường, nó thể hiện một bề mặt”[14]. Trong một công trình được công bố năm 2014, một tác giả khác khi bàn về “droit de superficie” cũng cho rằng, “thuật ngữ superficie không là cái tốt nhất: superficie dẫn tới bề mặt, trong khi đó đang bàn về đối tượng của quyền trong không gian”[15].
Hơn nữa, trong khái niệm nêu trên, chúng ta hiểu rằng “quyền bề mặt” là quyền “sử dụng” mặt đất (hay mặt nước), khoảng không trên mặt đất và lòng đất nhưng trong phần sau, Dự thảo lại khẳng định “Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật đó”. Ngoài việc khó hiểu từ việc nêu “vật đó” trong quyền bề mặt, chúng ta cảm nhận có sự “gượng ép” trong các thuật ngữ. Cụ thể, trong phần “khái niệm”, Dự thảo sử dụng thuật ngữ đó là “quyền sử dụng” nhưng khi đi vào quy định về “nội dung của quyền bề mặt”, Dự thảo lại khẳng định “Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu” trong khi đó “quyền sử dụng” được chính Dự thảo khẳng định chỉ là một trong những quyền của chủ sở hữu: Theo Dự thảo (và cũng là quy định trong BLDS hiện hành), “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.
Như vậy, thuật ngữ “quyền bề mặt” không tương thích với nội dung quyền được ghi nhận và có thể được coi là không chuẩn xác. Nếu chúng ta lấy nguyên bản từ “droit de superficie” nêu trên để đưa vào luật là lấy cả cái xấu, kế thừa cả cái xấu của pháp luật nước ngoài. Ở đây, chúng ta đang đưa một nội dung mới vào văn bản luật nhưng lại đưa một thuật ngữ không thực sự chính xác là điều không nên làm. Ở nội hàm trên, chúng ta có quyền về mặt đất và mặt nước và hai bề mặt này có thể đánh đồng với nhau hay áp dụng tương tự (gộp chung là mặt đất); còn quyền đối với lòng đất và không gian nữa, cũng cần thể hiện trong thuật ngữ ám chỉ cho các quyền này. Do đó, chúng tôi đề xuất sử dụng thuật ngữ dài hơn nhưng chuẩn xác hơn là “quyền bề mặt, lòng đất và không gian” (đồng thời không nhấn mạnh đây là quyền “sử dụng” mà để các quy định tiếp theo làm rõ nội dung của các quyền mà chúng ta đang đề cập đến). Với hướng này, quyền bề mặt, lòng đất và không gian “là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”.
Thay lời kết.
Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi có một số nhận xét sau:
So với BLDS hiện hành, Dự thảo có rất nhiều quy định mới (về nội dung cũng như thuật ngữ) và câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải như vậy không? Đây chính là vấn đề về tính cấp thiết của việc sửa đổi BLDS về tài sản. Là người nghiên cứu BLDS và thực tiễn áp dụng (trong đó dành rất nhiều thời gian nghiên cứu thực tiễn xét xử tại tòa án), chúng tôi thấy các quy định trong BLDS tương đối ổn và so với những chế định khác như nghĩa vụ dân sự, việc vận dụng các quy định về tài sản trong BLDS là “êm đềm” hơn. Do đó, lý do dẫn tới những thay đổi như hiện nay trong Dự thảo có thể xuất phát từ những “bất cập ảo” (tức bất cập do một số người tự nghĩ ra, không phải là bất cập trong thực tế áp dụng). Liên quan đến tài sản, đúng là trong thời gian vừa qua cũng có những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất do những đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên, bất cập liên quan đến quyền sử dụng đất lại không phải xuất phát từ quy định trong BLDS mà là xuất phát từ quy định trong Luật Đất đai. Nói cách khác, nếu có bất cập lớn trong thực tiễn liên quan đến tài sản thì bất cập đó không phải là bất cập của BLDS mà bất cập của văn bản khác, nhưng chúng ta lại tiến hành sửa đổi BLDS, tức là sửa đổi nhầm văn bản (điều đáng tiếc).
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, BLDS là văn bản đồ sộ nhất. Đây là văn bản có nhiều quy định nhất, giải quyết nhiều vấn đề nhất của đời sống dân sự. Trong văn bản đồ sộ này, các quy định liên quan đến tài sản nằm ở các phần khác nhau của Bộ luật. Nhìn một cách tổng thể liên quan đến tài sản, người quan tâm cảm nhận rằng, đã không có sự thống nhất giữa các phần khác nhau của Dự thảo sửa đổi BLDS. Nguyên nhân chính là do sự phức tạp của các vấn đề cần giải quyết và do thiếu một người xem xét xuyên suốt toàn bộ Dự thảo sửa đổi BLDS, đồng thời là do sự vội vàng trong việc tiến hành sửa đổi (chỉ có khoảng 3 năm mà Ban soạn thảo đã sửa toàn bộ BLDS trong khi đó, nhìn ở góc độ so sánh, Pháp đã có kế hoạch sửa phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng trong BLDS từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa thể thông qua và điều này cho thấy sự cẩn trọng trong việc sửa đổi BLDS của người Pháp). Thực trạng này rất nguy hiểm cho việc vận dụng sau này nếu Dự thảo như hiện nay được thông qua. Vì lợi ích chung, chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ có sự thận trọng trong việc thông qua Dự thảo sửa đổi BLDS năm 2005./.

 


* PGS,TS. Trưởng Khoa Luật dân sự, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Khoa Luật dân sự, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Ví dụ, theo một bản án, “quan hệ pháp luật tranh chấp giữa hai bên đương sự là “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản”; Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp về hợp đồng mượn tài sản” là không đúng vì hai loại hợp đồng này có những điểm khác biệt căn bản như sau: - Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là những vật không tiêu hao; “Bên mượn” chỉ được “Bên cho mượn” giao tài sản để sử dụng (giao quyền sử dụng tài sản), và khi kết thúc hợp đồng, “Bên mượn” phải trả lại tài sản đó cho “Bên cho mượn”; - Đối tượng của hợp đồng vay tài sản là những vật tiêu hao, vật cùng loại và “Bên vay” sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận được tài sản đó; khi kết thúc hợp đồng, nếu tài sản vay là tiền thì “Bên vay” sẽ phải trả lại cho “Bên cho vay” bằng tiền, nếu tài sản vay là vật thì phải trả lại bằng vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng” (Bản án số 23/2012/DSPT ngày 10/01/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh).
[2] Sự phổ biến này đến mức Tòa án nhân dân tối cao phải có hướng dẫn về mượn quyền sử dụng đất. Ví dụ, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn rằng « nhà ở, quyền sử dụng đất là tài sản, do vậy hợp đồng mượn nhà ở, mượn quyền sử dụng đất thuộc loại hợp đồng mượn tài sản. Khi có tranh chấp hợp đồng mượn nhà ở, mượn quyền sử dụng đấtnếu có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án áp dụng các quy định của BLDS về hợp đồng mượn tài sản để giải quyết » (xem Giải đáp thắc mắc của Tòa án nhân dân tối cao số 19/1999/KHXX ngày 1/2/1999).
[3] Quy định vừa nêu không thực sự thuyết phục vì là quy định chung nhưng lại chỉ đề cập tới rủi ro “do sự kiện bất khả kháng”. Thực tế, rủi ro có thể xảy ra đối với tài sản mà không do sự kiện bất khả kháng như tài sản tự hư hỏng. Do đó, nếu có điều kiện, chúng ta nên bỏ cụm từ “do sự kiện bất khả kháng” để quy định có phạm vi điều chỉnh rộng hơn.
[4] Ph. Malaurie, L. Aynès, P-Y. Gautier, Droit civil-Les contrats spéciaux, Nxb. Defrénois 2007, phần số 916
[5] Hiện nay, “bảo lưu quyền sở hữu” được coi là một biện pháp bảo đảm và Dự thảo quy định theo hướng bên mua tài sản “chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Chúng tôi có tham khảo một số hệ thống pháp luật như Pháp, Bỉ, Ohada nhưng không tìm được quy định tương tự. Ở các hệ thống này, các quy định trong phần bảo lưu quyền sở hữu không có quy định về rủi ro (như Dự thảo) và án lệ Pháp đã theo hướng bên bán vẫn chịu rủi ro khi có bảo lưu quyền sở hữu. Điều đó có nghĩa là vấn đề rủi ro được các quy định chung về quyền sở hữu điều chỉnh, tức ai là chủ sở hữu thì người đó chịu rủi ro, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Lúc này, bên bán sẽ đưa vào thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu vấn đề rủi ro nếu họ không muốn gánh chịu với tư cách chủ sở hữu. Do đó, Dự thảo nên cân nhắc bỏ đi điều luật vừa nêu và để các quy định chung về quyền sở hữu điều chỉnh.
[6] Hiện nay, đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” và người dân được quyền sử dụng đất. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta có thể coi đây là một dạng của quyền hưởng dụng vì người có quyền sử dụng đất được ứng xử như chủ sở hữu nhưng quyền sở hữu đất đai lại thuộc người khác.
[7] Vũ Văn Mẫu: Việt Nam dân luật lược khảo, Quyền II-Nghĩa vụ và khế ước (Nxb. Bộ Quốc gia giáo dục 1963), tr. 19. Ở đây, Giáo sư Mẫu đã viết “tuy nghĩa vụ là một sản nghiệp quyền, song người trái chủ không có quyền trực tiếp đối với một sự vật nào (chose), và chỉ có quyền đối với người phụ trái mà thôi. Vì vậy, không phải là một quyền đối vật (un droit réel), nghĩa vụ chỉ là một quyền đối nhân (droit personnel), quyền đòi người phụ trái phải thi hành cung khoản mà họ đã cam kết”.
[8] Cũng sách trên, tại tr. 20 và 22, Giáo sư Mẫu đã viết “các trái chủ thường tìm cách bảo đảm các món nợ của mình bằng cách yêu sách các vật quyền phụ thuộc (droits réels accessories), chẳng hạn như quyền để đương (une hypothèque) đối với một bất động sản xác định. Quyền để đương này, như tất cả các quyền đối vật khác, sẽ dành cho trái chủ quyền ưu tiên (droit de préférence), nghĩa là quyền xin bán bất động sản ấy để trả nợ cho mình trước các trái chủ khác, và quyền truy tùy (droit de suite) nghĩa là quyền được sai áp và bán bất động sản ấy, mặc dù người phụ trái đã chuyển dịch cho người khác”.
[9] Chẳng hạn, theo điểm a Điều 369, “Các vật quyền bất động sản: 1) Quyền sở hữu, 2) Quyền dụng ích; 3) Quyền cư ngụ và quyền hành dụng; 4) Quyền thuê trường kỳ; 5) Quyền địa dịch; 6) Quyền thế chấp; 7) Quyền để đương”.
[10] Trong Giáp trình pháp luật đại cương (do GS.TS Mai Hồng Quỳ làm chủ biên) do Nhà xuất bản đại học sư phạm xuất bản năm 2014 (tái bản năm 2015), chúng tôi đã sử dụng thuật ngữ “quyền đối với tài sản”, Ở đây, trong mục với tiêu đề “Quyền đối với tài sản”, chúng tôi khẳng định “pháp luật dân sự không chỉ dừng ở việc xác định những gì là tài sản mà còn có quy định về các quyền đối với tài sản trong đó có nhiều quy định liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản” (Chương III).
[11] Cũng có ý kiến cho rằng nên giữ từ “vật quyền” bằng cách thay đổi khái niệm “vật” và “tài sản”. Cụ thể, hiện nay “vật” chỉ là một bộ phận, một dạng của khái niệm chung “tài sản” nên việc dùng từ “vật quyền” không đủ bao quát. Do đó, ý kiến vừa nêu cho rằng nên theo hướng coi “tài sản” chỉ là một bộ phận, một dạng của “vật”. Việc thay đổi như vừa nêu sẽ hợp thức hóa từ “vật quyền” trong Dự thảo (vì từ “vật” đã được mở rộng và từ “tài sản” bị thu hẹp) nhưng làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của Việt Nam về tài sản và phải thay đổi không chỉ quy định trong BLDS mà cả quy định trong các văn bản khác, điều khó có thể chấp nhận vì cái giá phải trả cho thuật ngữ “vật quyền” là quá đắt cho xã hội.
[12] Tại Pháp một tiền Dự thảo sửa đổi BLDS liên quan đến chế định tài sản đã được công bố. Trong Dự thảo này, các chuyên gia Pháp không coi đây là một “quyền” khác quyền sở hữu như Dự thảo của chúng ta hiện nay. Cụ thể, họ coi đây là một dạng, một cách thức thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản nên nằm trong phần quyền sở hữu. Đây là hướng giải xây dựng pháp luật đáng lưu tâm (vẫn tạo điều kiện cho tài sản được khai thác hiệu quả mà không gây ra nhiều phức tạp trong việc vận dụng).
[13] Về chủ đề này, xem thêm Châu Thị Khánh Vân, Về quyền bề mặt trong Dự thảo sửa đổi BLDS, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tháng 07/2015.
[14] Ph. Malaurie, L. Aynès (do Ph. Théry thực hiện), Droit civil-Les biens, Nxb. Cujas 1998, phần số 900.
[15] W. Dross, Droit des biens, Nxb. LGDJ, 2014, tr. 299.