Về phiên tòa xét xử dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

01/10/2015

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (Bộ luật TTDS)  và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS năm 2011 thì pháp luật TTDS Việt Nam mới chỉ quy định thủ tục giải quyết vụ án dân sự và thủ tục giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong những năm qua đã chứng minh có rất nhiều các vụ việc đơn giản nhưng Tòa án vẫn phải tiến hành giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường. Chẳng hạn, “ở các đô thị lớn như TP.HCM, trung bình một thẩm phán một tháng phải giải quyết từ 10 vụ việc trở lên. Trong số đó, có không ít trường hợp tranh chấp đơn giản, các bên đều thừa nhận và mong tòa giải quyết nhanh…, đương sự chỉ chờ một phán quyết của Tòa án để thực hiện việc thi hành án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Nhưng tòa không thể đưa ra xét xử ngay vì một trong các nguyên nhân là thẩm phán sợ nếu không tiến hành đầy đủ các bước lấy lời khai, hòa giải… như luật định, dù không cần thiết thì cũng có thể bị hủy, sửa án”[1]. Việc Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”, “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 1, 4 Điều 103) đã mở ra hướng cho phép nghiên cứu xây dựng thủ tục TTDS rút gọn. Có thể nói đây là thủ tục cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu tính nhanh chóng, linh hoạt, đơn giản và đem lại hiệu quả kinh tế cao của thủ tục TTDS, đồng thời là một giải pháp quan trọng góp phần làm giảm tình trạng gia tăng, tồn đọng án cũng như làm giảm áp lực công việc cho các thẩm phán.Tuy nhiên, nếu chúng ta xây dựng thủ tục TTDS rút gọn, tức là xây dựng một thủ tục tố tụng đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng thông thường về thời hạn, thành phần hội đồng xét xử và trình tự các bước Tòa án tiến hành giải quyết, thì vẫn phải bảo đảm giải quyết vụ án chính xác và đúng pháp luật, bảo đảm quyền bảo vệ, quyền tranh tụng của các đương sự. Bài viết trao đổi về phiên tòa xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục TTDS rút gọn.
Untitled_190.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Vài nét về phiên tòa xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự ở một số nước  
Tham khảo pháp luật TTDS ở một số nước trên thế giới cho thấy, các nước quy định không hoàn toàn giống nhau về vấn đề này. Chẳng hạn theo pháp luật TTDS Cộng hòa Pháp thì thủ tục ra lệnh (ra lệnh thanh toán và lệnh buộc làm một công việc) được áp dụng đối với các vụ án có chứng cứ rõ ràng được quy định tại Điều 1405 và Điều 1425 - 1 Bộ luật TTDS Cộng hòa Pháp. Theo đó, theo yêu cầu của chủ nợ, nếu không có đủ chứng cứ thẩm phán sẽ bác đơn. Chủ nợ không được kháng cáo quyết định này nhưng có quyền khởi kiện theo thủ tục thông thường. Nếu thẩm phán chỉ chấp nhận một phần thì chủ nợ cũng không được kháng cáo nhưng có quyền không tống đạt lệnh của tòa cho con nợ và có quyền khởi kiện theo thủ tục thông thường. Nếu có đủ chứng cứ thì thẩm phán sẽ ra lệnh trả số tiền được yêu cầu (Điều 1409 Bộ luật TTDS Pháp). Như vậy, lệnh thanh toán được đưa ra không cần mở phiên tòa, không cần triệu tập các đương sự. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các đương sự, đảm bảo việc đưa ra thi hành lệnh đúng đắn và chính xác thì pháp luật TTDS Pháp cho phép người mắc nợ được phản kháng lệnh trả nợ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tống đạt quyết định của Tòa án (Điều 1412, 1416 Bộ luật TTDS Pháp). Đơn kháng án có hiệu lực yêu cầu Tòa án xem xét lại đơn yêu cầu thu hồi của chủ nợ và giải quyết toàn bộ tranh chấp (Điều 1413 Bộ luật TTDS Pháp). Với yêu cầu phản kháng này, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử, tất cả các bên kể cả những người không kháng án đều được triệu tập đến tham gia phiên tòa. Nếu không bên nào có mặt thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định này làm vô hiệu quyết định buộc thanh toán nợ. Nếu các bên có mặt thì Tòa án xét xử và ra bản án. Bản án thay thế lệnh thanh toán nợ và có thể bị kháng cáo nếu số tiền yêu cầu vượt quá thẩm quyền sơ chung thẩm của Tòa án (Điều 1417 đến Điều 1421 Bộ luật TTDS Pháp). Trong trường hợp con nợ không phản kháng trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tống đạt lệnh bắt trả nợ thì lệnh có hiệu lực thi hành và không bị kháng cáo (Điều 1423 Bộ luật TTDS Pháp).
Đối với lệnh buộc thực hiện một công việc, theo Điều 1425 - 4 Bộ luật TTDS Pháp, nếu thấy đơn có căn cứ, thẩm phán ra quyết định bắt buộc thực hiện trái vụ, quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, không được phản kháng. Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ lệnh thi hành nghĩa vụ không được thực hiện, Tòa án sẽ xét xử theo yêu cầu của nguyên đơn sau khi hòa giải không thành (Điều 1425 - 8 Bộ luật TTDS Pháp). Nếu thẩm phán bác đơn, nguyên đơn không được phản kháng nhưng có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng thông thường (Điều 1429 - 9 Bộ luật TTDS Pháp).
Pháp luật TTDS của Liên bang Nga quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn chính là thủ tục ra lệnh của Tòa án đối với các yêu cầu đòi nợ hoặc đòi lại tài sản khi có những căn cứ nhất định (Điều 122 Bộ luật TTDS Liên bang Nga). Thẩm phán được phân công giải quyết khi thấy vụ án có đủ điều kiện mà pháp luật quy định thì ra lệnh thi hành trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu. Lệnh của Tòa án được ban hành không cần phải mở phiên tòa xét xử và không phải triệu tập các bên để nghe lời giải thích của họ (Điều 126). Tuy nhiên, khác với pháp luật TTDS Pháp, khi người có nghĩa vụ phản đối lệnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản sao thì các bên có quyền khởi kiện tranh chấp đó theo thủ tục chung (Điều 128, 129). Bởi vì lúc này tranh chấp là có thật, cần được giải quyết theo thủ tục chặt chẽ, cần chứng minh, cần tranh luận, nghĩa là cần thực hiện theo thủ tục TTDS thông thường.
Theo pháp luật TTDS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì thủ tục TTDS rút gọn được áp dụng đối với những vụ án dân sự đơn giản, sự việc rõ ràng, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ đã rõ ràng, tranh chấp không gay gắt (Điều 142 Bộ luật TTDS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Khi xét xử các vụ án này theo thủ tục TTDS rút gọn thì vẫn mở phiên tòa nhưng không bắt buộc phải thông báo trước cho đương sự ngày mở phiên tòa, phiên tòa cũng không bắt buộc phải thực hiện đầy đủ và tuần tự các bước như thủ tục xét xử thông thường mà có thể linh hoạt (Điều 145).
Giống như pháp luật TTDS của Pháp, Nga, pháp luật TTDS Đài Loan cũng quy định trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án buộc con nợ thanh toán nợ thì với những chứng cứ, tài liệu đương sự xuất trình, Tòa án xét thấy đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu, Tòa án ra lệnh buộc bên có nghĩa vụ trả tiền hoặc chuyển tiền cho chủ nợ mà không phải thông qua thủ tục tố tụng nào khác. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày bên có nghĩa vụ nhận được lệnh buộc trả tiền mà không phản đối thì lệnh đó có hiệu lực như một bản án có hiệu lực pháp luật[2].
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 427 Bộ luật TTDS Đài Loan,  thủ tục giản đơn được áp dụng trong các trường hợp sau:
1. Nếu là tranh chấp về quyền tài sản thì giá ngạch của vụ kiện không quá 100.000 Yuan
2. Trong những trường hợp sau đây, Tòa án áp dụng thủ tục giản đơn mà không phụ thuộc vào giá ngạch vụ án:
- Tranh chấp về thời hạn thuê nhà và thời hạn vay mượn.
- Tranh chấp giữa người chủ và thợ trong hợp đồng thuê mướn dịch vụ mà thời hạn hợp đồng không quá 01 năm.
- Tranh chấp giữa người du lịch và chủ khách sạn, nhà hàng về tiền ăn, tiền ở, tiền phương tiện, tiền trông giữ hành lý, tài sản khác v.v...
- Tranh chấp về việc yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.
- Tranh chấp về việc xác định ranh giới bất động sản hoặc cắm mốc đất.    
 - Tranh chấp nợ trong trường hợp có giấy vay nợ.
- Tranh chấp về lãi suất tiền cho vay, tiền hoa hồng, cấp dưỡng ly hôn, trợ cấp hưu trí, các khoản tiền phải trả định kỳ.
Đối với các tranh chấp này thì việc xét xử do một thẩm phán tiến hành qua một phiên tòa nhanh gọn. Nếu một bên đương sự vắng mặt ở phiên tòa mà không có lý do chính đáng thì Tòa án chấp nhận yêu cầu của bên có mặt. Tòa án có thể tuyên án và ghi chép phần nội dung, nhận định và quyết định của Tòa án vào biên bản phiên tòa mà không cần viết thành một bản án[3].
Như vậy, có thể thấy, việc mở hay không mở phiên tòa xét xử giải quyết vụ kiện theo thủ tục TTDS rút gọn ở các nước mặc dù không hoàn toàn giống nhau nhưng đều đảm bảo yếu tố nhanh gọn, linh hoạt, hiệu quả nhưng vẫn bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Thông thường, đối với thủ tục ra lệnh của Tòa án, vì bị đơn đã tự nguyện thừa nhận nghĩa vụ do các chứng cứ đã rõ ràng nên Tòa án ra lệnh buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ mà không phải mở phiên tòa xét xử. Còn đối với các vụ án đơn giản khác, để đáp ứng tính nhanh chóng, hiệu quả của thủ tục TTDS thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa đó không cần thiết phải tiến hành tuần tự các bước như thủ tục TTDS thông thường mà có thể bỏ qua các bước không cần thiết. Đây là những quy định có tính hợp lý, có giá trị cho chúng ta tham khảo trong quá trình nghiên cứu, xem xét khi xây dựng các quy định về phiên tòa xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục TTDS rút gọn.
2. Một số kiến nghị về phiên tòa xét xử vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Về nguyên tắc, để các đương sự có thể bảo vệ được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như Tòa án ra được một bản án, quyết định đúng đắn và chính xác thì Tòa án phải mở một phiên tòa, phiên họp công khai với sự có mặt của tất cả những người tham gia tố tụng. Tại phiên tòa, phiên họp các đương sự, những người tham gia tố tụng khác được thực hiện quyền bảo vệ, quyền tranh tụng của mình một cách trực tiếp và bằng lời nói. Các đương sự đều phải được trực tiếp trình bày các yêu cầu, đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, đối với các vụ án được giải quyết theo thủ tục TTDS rút gọn thì có cần thiết phải mở phiên tòa để các đương sự tranh tụng công khai hay không? Nếu cần thiết phải mở phiên tòa để đảm bảo bản án, quyết định căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai của những người tham gia tố tụng và các chứng cứ được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa thì các bước trong phiên tòa có cần thiết được tiến hành tuần tự và đầy đủ như phiên tòa giải quyết vụ án thông thường không? Nếu phải mở phiên tòa mà các đương sự vắng mặt trong phiên tòa thì hoãn phiên tòa hay vẫn xét xử có phải tuân theo thủ tục tố tụng thông thường không?
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đưa ra các ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, khi giải quyết án dân sự theo thủ tục rút gọn, tòa ban hành lệnh (hay quyết định) mà không cần phải mở phiên tòa và cũng không cần triệu tập các bên đương sự. Ý kiến khác lại cho rằng, tình hình ở nước ta khác nên vẫn cần phải mở phiên tòa để nghe các bên đương sự trình bày, giải thích hay đối chiếu xem có mâu thuẫn hay sự giả mạo về giấy tờ hay không. Phiên xử này vẫn phải tiến hành các bước như thủ tục thông thường[4].
Ý kiến thứ nhất sẽ đáp ứng được tính nhanh chóng, linh hoạt, đơn giản và đem lại hiệu quả kinh tế cao của thủ tục TTDS nhưng chỉ thích hợp đối với các vụ án chứng cứ đã rõ ràng, bị đơn không phản đối về nghĩa vụ (như đương sự xuất trình các chứng cứ bằng văn bản mà bị đơn cũng thừa nhận các chứng cứ này). Đối với các vụ án có giá ngạch thấp thì đây là vụ án mà các bên không có sự thống nhất ý chí về chứng cứ, cách giải quyết vụ án, nên việc không mở phiên tòa sẽ không bảo đảm quyền bảo vệ của các đương sự.
Ý kiến thứ hai thì việc mở phiên tòa và thực hiện đầy đủ các bước trong phiên tòa như thủ tục TTDS thông thường sẽ đáp ứng được việc bảo đảm quyền tranh tụng của các đương sự nhưng trong những vụ án tình tiết đơn giản, chứng cứ chứng minh rõ ràng, thẩm phán chỉ cần thẩm định lại sự việc để áp dụng pháp luật giải quyết vụ án, thì phiên tòa tiến hành đầy đủ các bước là không cần thiết, không đáp ứng được tính nhanh chóng, linh hoạt và đơn giản của thủ tục TTDS rút gọn.
Qua nghiên cứu pháp luật TTDS nước ngoài và thực tiễn xét xử của Việt Nam, có thể thấy việc mở hay không mở phiên tòa nên căn cứ vào tính chất của từng loại vụ án được giải quyết theo thủ tục TTDS rút gọn. Cụ thể:
2.1. Đối với vụ án chứng cứ rõ ràng, bị đơn thừa nhận hoặc không phản đối nghĩa vụ hoặc vụ án có chứng cứ rõ ràng, việc áp dụng pháp luật đơn giản. Đây là những vụ án mà nghĩa vụ phải thực hiện của bị đơn là rõ ràng, không còn gì phải tranh tụng nhưng do bị đơn cố tình không thực hiện nghĩa vụ nên nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Do đó, đối với vụ án này, nếu thẩm phán được phân công xem xét thấy rằng, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng cũng như sự thừa nhận của bị đơn là xuất phát từ ý chí tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội thì thẩm phán ra lệnh buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ mà không cần phải mở phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của bị đơn thì lệnh buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ phải có thời hạn nhất định để cho bị đơn phản đối. Khi bị đơn phản đối lệnh của Tòa án có nghĩa là các bên đã không có sự thống nhất ý chí về việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn. Trong trường hợp này, nguyên đơn không cần thiết phải khởi kiện lại vụ án để yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục TTDS thông thường, bởi như vậy chỉ làm kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án. Vì vậy, để Tòa án có thể ra phán quyết công bằng, chính xác, đúng pháp luật, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí tố tụng thì khi bị đơn phản đối lệnh buộc thực hiện nghĩa vụ, Tòa án sẽ mở phiên tòa để các đương sự tranh tụng công khai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Phiên tòa xét xử cần triệu tập đầy đủ các bên đương sự đến tham gia tố tụng. Trong trường hợp các bên vắng mặt trong phiên tòa thì việc xét xử hay hoãn phiên tòa được thực hiện theo thủ tục tố tụng thông thường để đảm bảo quyền tham gia phiên tòa. Phiên tòa cũng được tiến hành theo các bước như thủ tục tố tụng thông thường.
Vì vậy, đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ thì để vừa đảm bảo tính nhanh chóng, hiệu quả vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự thì việc xét xử vụ án này được thực hiện như sau:
- Nếu yêu cầu của nguyên đơn không đủ căn cứ thì thẩm phán trả lại đơn yêu cầu. Nguyên đơn khởi kiện vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường.
- Nếu yêu cầu của nguyên đơn có đủ căn cứ thì thẩm phán ra lệnh bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ mà không cần mở phiên tòa. Bị đơn có quyền phản đối lệnh này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được lệnh của Tòa án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu phản đối của bị đơn thì thẩm phán sẽ quyết định mở phiên tòa xét xử. Phiên tòa xét xử cần triệu tập đầy đủ các bên đương sự đến tham gia tố tụng. Trong trường hợp các bên vắng mặt trong phiên tòa thì việc xét xử hay hoãn phiên tòa được thực hiện theo thủ tục tố tụng thông thường. Bản án của Tòa án sẽ thay thế lệnh buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được lệnh của Tòa án mà bị đơn không phản đối thì lệnh của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2.2. Đối với vụ án có giá trị nhỏ là những vụ án mà các đương sự chưa có sự thống nhất ý chí về chứng cứ, căn cứ pháp lý, lý lẽ nên các bên cần được trình bày công khai yêu cầu, chứng cứ, tài liệu và lý lẽ, lập luận của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Vì vậy, Tòa án cần phải mở phiên tòa xét xử để các đương sự được tranh tụng công khai, cần triệu tập đầy đủ các đương sự tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, đối với các vụ án có giá trị nhỏ thì thông thường đều là vụ án đơn giản, sự việc đã rõ ràng nên phiên tòa không nhất phải trải qua tuần tự các bước như thủ tục thông thường. “Thực chất có thể xem đây như là một phiên đối chất để kiểm tra lại các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, trước khi Thẩm phán ra quyết định về vụ việc”[5].
Ngoài ra, khi các đương sự vắng mặt trong lần triệu tập thứ nhất thì Tòa án cần phải hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền tham gia phiên tòa của các đương sự. Dù rằng là những vụ án có giá trị thấp nhưng đây vẫn là các trường hợp các đương sự có tranh chấp với nhau, chưa có sự thống nhất ý chí nên các đương sự vẫn cần được tranh tụng công khai, được trực tiếp trình bày các yêu cầu, đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nếu các đương sự vắng mặt trong lần triệu tập thứ nhất mà Tòa án vẫn xét xử thì vô hình trung Tòa án đã tước đi quyền tranh tụng, quyền bảo vệ quyền lợi của các đương sự. Tuy nhiên, khi đương sự được Tòa án triệu tập lần thứ hai, dù có hay không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bởi vì, như đã phân tích, đây là những vụ án đơn giản, sự việc rõ ràng, việc áp dụng pháp luật để giải quyết là rất dễ dàng nên để tránh sự lạm quyền của các đương sự cũng như đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng, Tòa án cần phải mở phiên tòa xét xử hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án tùy thuộc vào từng trường hợp đương sự vắng mặt đó là ai./.

 


 
[1] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP, Án dân sự: Có nên xử rút gọn?
[2] Trần Anh Tuấn (2000), “Những vấn đề lí luận và thực tiễn của việc xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, tr. 24.  
[3] Tòa án nhân dân tối cao (2000), Về pháp luật TTDS, Kỷ yếu Dự án VIE/95/017 Tăng cường năng lực xét xử tại Việt Nam, Hà Nội, tr. 136.
[4] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP, Thủ tục rút gọn: Chỉ xử trong vòng một tháng?
[5] Trần Anh Tuấn (Chủ nhiệm đề tài) (2014), Vấn đề xây dựng thủ tục TTDS rút gọn theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay - thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội, tr. 113.