Quy định về định giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ khi góp vốn thành lập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp

01/09/2015

Với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhu cầu góp vốn bằng tài sản là quyền sở hữu trí tuệ (STTT) ngày càng phổ biến trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam. Tài sản là quyền SHTT là một tài sản đặc biệt và việc định giá đối với tài sản này cũng cần những phương pháp đặc biệt. Do tính đặc biệt của tài sản là quyền SHTT nên việc định giá không chính xác so với giá trị thật sự của tài sản là việc không thể tránh khỏi. Vì vậy, để quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân định giá nhằm hạn chế định giá sai thì quy định về định giá tài sản góp vốn phải chặt chẽ tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. 
Untitled_200.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Các quy định của pháp luật Việt Nam về định giá tài sản góp vốn
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định chặt chẽ về vấn đề định giá tài sản góp vốn là quyền tài sản nói chung và tài sản là quyền SHTT nói riêng.
Định giá tài sản góp vốn được quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau: "1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
1. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
2. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.
Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế".
Ngoài điều luật trên thì đến nay, chưa có một văn bản hoặc quy định nào điều chỉnh vấn đề định giá tài sản góp vốn, đặc biệt là định giá tài sản góp vốn là quyền STTT nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Và chỉ với quy định này thì chúng ta đều thấy là nó quá chung chung và khó áp dụng trên thực tế.
2. Hạn chế từ quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và so sánh với pháp luật Cộng hòa Pháp
2.1. Liên quan đến trình tự thủ tục xác định tổ chức định giá chuyên nghiệp
Quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ nhắc đến tổ chức định giá chuyên nghiệp mà không hề nhắc đến tổ chức này được chọn theo trình tự nào, do chủ thể nào tiến hành chọn.
Theo pháp luật Cộng hòaPháp, việc định giá tài sản góp vốn là hiện vật nói chung và quyền SHTT nói riêng, do Hội đồng về góp vốn[2] định giá. Hội đồng này được chỉ định bởi Chánh Tòa thương mại theo yêu cầu thống nhất giữa những thành viên tương lai của công ty hoặc sáng lập viên hoặc một trong những sáng lập viên[3]. Đối với tài sản là quyền SHTT - một loại tài sản đặc biệt hơn so với các tài sản vô hình khác - việc định giá tài sản trí tuệ không thể được thực hiện bởi một tổ chức định giá không chuyên nghiệp trong lĩnh vực SHTT.
Theo pháp luật Việt Nam thì không nhất thiết các bên phải chọn một tổ chức định giá chuyên nghiệp đối với mỗi loại tài sản đặc thù. Vì vậy, có thể dẫn đến việc định giá sai tài sản góp vốn. Trong khi đó, theo luật Cộng hòaPháp thì Hội đồng về vốn được chọn trong danh sách Hội đồng kiểm toán hoặc giữa các chuyên gia đã đăng ký trong danh sách của tòa án[4]. Các chuyên gia trong danh sách của tòa án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy, khi tài sản góp vốn thuộc lĩnh vực nào thì chuyên gia ở lĩnh vực đó sẽ được chọn. Các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực của họ nên sẽ không dẫn đến tình trạng định giá sai. Tòa án có thẩm quyền chỉ định là tòa án nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính[5].
2.2. Trách nhiệm khi định giá sai
Như đã nói, tài sản trí tuệ đặc biệt hơn các tài sản hữu hình khác, vì vậy việc định giá khó tránh khỏi sai lầm. Luật chỉ quy định chung chung là các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá trong trường hợp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định được trách nhiệm của thành viên, cổ đông sáng lập khi định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản SHTT được góp vốn. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa quy định trách nhiệm của tổ chức định giá chuyên nghiệp khi tổ chức này định giá tài sản góp vốn nói chung và quyền SHTT nói riêng.
Về vấn đề này, pháp luật Cộng hòaPháp quy định rất chi tiết. Luật quy định cả trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những chủ thể tiến hành định giá sai. Nếu Hội đồng về góp vốn tiến hành định giá tài sản trí tuệ được góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng này phải chịu trách nhiệm về tính chính xác về giá trị định giá. Nếu không có Hội đồng về góp vốn hoặc khi giá trị được xác định khác với giá trị do Hội đồng về góp vốn định giá, thì các thành viên chịu trách nhiệm liên đới với người thứ ba trong vòng năm năm về giá trị góp vốn bằng tài sản trí tuệ khi thành lập công ty[6].
Về trách nhiệm hình sự, người có hành vi định giá vượt quá giá trị thực tế của tài sản góp vốn thì bị phạt tù năm năm và đóng phạt số tiền 350.000 euro. Hình phạt này áp dụng đối với tất cả những người tham gia định giá[7].
Khi định giá cao hơn giá trị thật sự của tài sản trong trường hợp góp vốn bằng hiện vật[8] trong đó có quyền SHTT khi góp vốn vào công ty cổ phần, cổ đông/người đã tiến hành định giá giá trị vốn góp có thể chịu trách nhiệm với những cổ đông khác khi mà những cổ đông khác bị thiệt hại do hành vi định giá vượt giá trị thật của tài sản. Thiệt hại mà các cổ đông khác phải chịu do sự gia tăng vô căn cứ về quyền của người góp vốn có hành vi định giá sai là những thiệt hại không phải là hệ quả từ những thiệt hại của công ty thì cổ đông có thể yêu cầu bồi thường cho từng cá nhân bị thiệt hại, trách nhiệm hình sự thì tương tự như trường hợp của công ty cổ phần.
2.3. Về thời điểm kết thúc định giá
Theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới về khoảng chênh lệch giữa giá trị định giá và giá trị thực tế của tài sản trí tuệ tại thời điểm kết thúc định giá. Vấn đề là khi thời điểm phát hiện việc định giá chênh lệch cách xa thời điểm kết thúc định giá thì không thể nào xác định được khoảng chênh lệch để ấn định trách nhiệm của thành viên định giá. Tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt, giá trị của những tài sản này thay đổi theo thời gian. Vì vậy, việc xác định giá tại thời điểm định giá là rất khó khăn.
2.4. Việc góp vốn khi công ty đã hoạt động
Theo pháp luật Việt Nam, việc định giá tài sản trí tuệ khi góp vốn do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thực hiện. Khi định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Quy định này có thể xác định được cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào của doanh nghiệp tiến hành định giá.
Trong trường hợp góp vốn khi doanh nghiệp đã hoạt động, việc định giá tài sản góp vốn có thể do tổ chức định giá chuyên nghiệp thực hiện. Lúc này, giá trị tài sản góp vốn phải được doanh nghiệp và người góp vốn chấp thuận. Tại đây, lại thấy vấn đề tương tự như Luật Doanh nghiệp năm 2005 là không thể xác định được chủ thể nào của doanh nghiệp có thẩm quyền chấp thuận giá trị định giá của tổ chức định giá. Những chủ thể đã liệt kê trước đó có thẩm quyền định giá có được suy đoán là có quyền chấp thuận giá trị định giá của tổ chức định giá chuyên nghiệp hay không ? Và tương tự như vấn đề khi góp vốn thành lập doanh nghiệp, quy định này vẫn không nêu quy trình chọn lựa tổ chức định giá chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm của tổ chức này khi định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn nói riêng là tài sản là quyền SHTT nói chung.
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Cộng hòaPháp quy định chặt chẽ hơn về phương diện này. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng về góp vốn được chỉ định theo quyết định thống nhất của các thành viên, nếu không, bởi một quyết định tư pháp theo yêu cầu của một thành viên hoặc người quản lý. Khi không có Hội đồng về góp vốn hoặc khi giá trị được các thành viên công nhận khác với giá trị do Hội đồng về góp vốn đề nghị, những người quản lý của công ty và những người đã đăng ký góp tăng vốn liên đới chịu trách nhiệm trong thời hạn năm năm, đối với người thứ ba, về giá trị đóng góp của việc góp vốn[9].
Việc góp vốn vào công ty cổ phần đang hoạt động thì người góp vốn sẽ ký một hợp đồng góp vốn với doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, người ký hợp đồng góp vốn này là Chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi được sự cho phép của Hội đồng quản trị và dưới sự phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông. Để định giá tài sản, một hoặc nhiều Hội đồng về góp vốn được chỉ định bởi Chánh Tòa thương mại, theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản trị[10].
3. Kiến nghị
Về tổ chức định giá chuyên nghiệp
Quy định về tổ chức định giá chuyên nghiệp cần được thay thế bằng Hội đồng về góp vốn như luật Cộng hòaPháp quy định. Hội đồng về góp vốn do các thành viên sáng lập thống nhất chỉ định, nếu không chỉ định được hoặc không chỉ định, thì theo quyết định của Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Thành viên hội đồng về góp vốn phải được chọn trong danh sách các chuyên gia đã đăng ký tại tòa án.
Trách nhiệm khi định giá không chính xác giá trị của tài sản góp vốn
Về quy định này, luật nên quy định cả trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những chủ thể có hành vi định giá không chính xác giá trị của tài sản góp vốn. Cụ thể, cần nêu rõ trách nhiệm của thành viên hoặc cổ đông sáng lập và/hoặc thành viên hoặc cổ đông tiến hành định giá đối với các thành viên hoặc cổ đông còn lại của công ty và trách nhiệm đối với công ty khi có hành vi định giá sai. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm dân sự và/hoặc trách nhiệm kỷ luật.
Trách nhiệm hình sự cũng nên được áp dụng cho trường hợp định giá sai giá trị thật sự của tài sản góp vốn là tài sản SHTT. Trách nhiệm hình sự nên theo hướng tính toán đến giá trị chênh lệch so với giá trị thật của tài sản. Nếu giá trị định giá bằng hoặc lớn hơn hai lần giá trị thật sự của tài sản SHTT thì thành viên hoặc cổ đông định giá phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại đây cũng nên phân biệt trách nhiệm của tổ chức định giá chuyên nghiệp và trách nhiệm của những thành viên/cổ đông sáng lập/người có trách nhiệm phê duyệt các phương án về vốn khi doanh nghiệp đang hoạt động khi định giá sai về giá trị của tài sản góp vốn. Khi tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá cần gửi báo cáo cho thành viên/cổ đông sáng lập, nếu thành viên/cổ đông sáng lập/người có trách nhiệm phê duyệt phương án về vốn khi doanh nghiệp đang hoạt động đồng ý với giá do Hội đồng về góp vốn báo cáo thì Hội đồng về góp vốn chịu trách nhiệm về giá trị được định giá trong thời hạn năm năm kể từ ngày kết thúc định giá. Trong trường hợp thành viên/cổ đông sáng lập/người có trách nhiệm phê duyệt phương án về vốn khi doanh nghiệp đang hoạt động không đồng ý với giá do Hội đồng về góp vốn đề nghị thì những người này chịu trách nhiệm hoặc dân sự hoặc hình sự về quyết định của họ.
Về định giá khi công ty đang hoạt động
Về phương diện này, pháp luật nên quy định về thỏa thuận định giá giữa công ty và người góp vốn hoặc một tổ chức định giá chuyên nghiệp. Khi tổ chức chuyên nghiệp định giá thì giá trị của tài sản góp vốn do tổ chức này xác định phải được Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng ý dưới sự cho phép của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và được sự phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông. Nếu giá trị đó cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm góp vốn, người góp vốn hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp và người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp chịu trách nhiệm liên đới về giá trị được định giá trong thời hạn năm năm kể từ ngày định giá./.
 
 
 
[1] Bruno Dondero, Luật về công ty, HyperCours, Bài giảng và Hướng dẫn, tái bản lần thứ 3, Nxb. Dalloz, 2013, tr. 40.
[2]Commissaires aux apports.
[3] Điều L, 223-9 và L. 225-8 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp.
[4] Khoản 1, Điều R. 223-6 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp.
[5] Tòa phúc thẩm Paris ngày 26/5/1993; Tòa phúc thẩm Versailles 01/02/1996.
[6] Điều L. 233-9 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp.
[7] Khoản 1 Điều L. 241-3 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp.
[8]Apport en nature.
[9] Điều L.223-33 Luật số 2012-387 ngày 22/3/2012.
[10] Điều L.225-10 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp.